Kí Ức Của Một Người Lính Trinh Sát Sư 307

Chương 94




NGÀY MỒNG MỘT XUÂN TÂN DẬU 1981.

Tết năm 1981 Tết của yên bình và dư thừa vật chất.

Lần đầu tiên từ ngày qua K, toàn sư đoàn có chủ trương giải quyết chính sách phục viên, phép cho cán bộ từ năm 1977 chưa đi phép.

Ngày 30 Tết, từ F bộ, nhận được cú điện thoại của anh Diệp Ngọc Chinh, nhập ngũ năm 1972, là tá cyủa C1D1E95 quê An Khánh - Đại Từ - Bắc Thái thông báo: Sau tết phục viên. Mời “con rể” mồng Một lên “khướt” (chả hiểu nó nghĩa gì, nhưng đại khái hiểu là ăn nhậu).

“Tình nghĩa anh em khi còn ở biên giới, đã nhiều lần vượt tường lửa đánh ra đường 19… Có một đứa con gái sinh năm 1976 kết quả của chuyến phép cùng năm… Chỉ mới năm tuổi mà cứ tuyên bố gả cho những thằng nào biết điều với bố. Tính ra ở khu vực D1 vị y tá này đã tuyên bố gả con gái cho hơn một trăm anh em… Có giá thật.”

Trưa ngày mồng Một, bám càng xe của Phòng Chính trị sư đoàn lên chúc tết anh em D1, do anh Tuyên trợ lí thanh niên của F dẫn đầu.

Khi xe cách chùa chừng vài kilômét, là chốt của C1, nhảy xuống xe… đã thấy một số anh em đã có chút men, đang đứng dưới những gốc cây bằng lăng đực thẳng tắp xỉa răng nhóp nhép… Chả hiểu có ông nào la lớn “Ông Hà lên kìa bố Chinh ơi!”

Một dáng người xiêu vẹo, bước ra khỏi nhà của Nuôi quân và ngả nghiêng nói “Đ… chị cậu! Tớ đ… gả con cho cậu nữa”… đôi mắt mang hình viên đạn… và ngã ầm trên giường của anh nuôi quân.

C trưởng C1 Nguyễn văn Siêu nắm tay, kéo vào nhà BCH C1… nhìn hai hàng ghế tre… đầy đủ quan văn bá võ của cả D1 và D3. Trên bàn thịt gà… rượu chuối… rượu Bayon… còn đầy rẫy…

D phó D3 Thượng úy Thìn dõng dạc tuyên bố “Phải cho C phó trinh sát này chết tại chỗ hôm nay, không cho thoát”… những tiếng đồng tình phụ họa theo.

Một bát rượu đầy (loại 4 tấn) do Chính trị viên C1 Thân văn Chấn (Hà Bắc) rót và mang tới… Cha mẹ ơi! Từ nhỏ đến giờ…

D phó D1 Thông (Thông liều) đến đứng phía sau kiểm tra độ cạn của chén rượu.

Buộc phải một hơi… nước chạy đến đâu… hơi nóng lan tỏa đến đó.

Tranh thủ húp vội chén cháo gà chống vả, nhưng cũng không kịp đến bát thứ hai… Đất trời nghiêng ngả…tất cả là màu vàng… cây lá… bầu trời… anh em bên cạnh… màu vàng tất tật… Vào cõi thiền…

Tỉnh dậy… nằm trên võng dưới rừng cây bằng lăng. Trong nhà BCH vẫn còn rôm rả… Xuống bếp kiếm nước uống cho đỡ khát, tìm cách ra khỏi trận địa bằng cách vòng quanh qua các B…

Tất cả anh em các B đang tranh thủ viết thư về nhà. Đợt này C1 có ba người rời khỏi đơn vị. Anh Chinh (Y tá) Anh Hòe (Quản lí) ra quân. Anh Siêu (C trưởng) về nước đi học.

Dù không nói ra nhưng tất cả anh em đều mang một tâm trạng… Buồn.

Chiến tranh sẽ không biết về đâu. Năm dài tháng rộng nơi chiến trường… Nghĩa vụ ba năm rồi về, nay có người đã đủ niên hạn (anh em 1977)… hoàn cảnh của từng con người đều có chung những khó khăn, vài người vừa viết thư nước mắt vừa chảy rơi trên trang giấy, những đôi mắt ngấn lệ.

Nghĩ lại chính mình…

Gia đình đã vào Nam, không được nhập hộ khẩu, không có địa chỉ để viết thư trực tiếp, nơi xứ lạ lấy địa chỉ một người khác để viết thư là chuyện khó thực hiện.

Thời gian dài quá rồi… xuân sắc của người con gái được ví như mọi loài hoa… nở - tàn, tin dữ từ chiến trường truyền về quê qua những cánh thư… Đợi (95) hi sinh ở 428, Thu (29) hi sinh ở Kulen, Nhị (c14 -95) hi sinh ở Kamtuot và nhiều anh em là thương binh, đã về đến nhà an dưỡng. Sự chờ đợi nhau là ảo tưởng, sức ép của gia đình, bạn bè…và cơ bản hơn là có còn để về không? Ngày trở về có còn nguyên vẹn hay không? Câu hỏi vẫn chưa có lời đáp một cách chính xác.

Những cánh thư ít dần, ít dần theo năm tháng… Đến một ngày, nhận được tin không vui “khôn ba năm, dại một giờ.” Lời thề non hẹn biển của ngày xưa, đâu là gì so với nghịch cảnh của chiến tranh. Giao ước thì thầm trong bóng đêm ngày xưa ta trao cho nhau, đã không thể biến thành giao ước giữa cuộc đời, nơi thanh thiên bạch nhật.

Thôi cố quên và nuốt nó vào lòng. Hãy tha thứ cho nhau vì những điều không ai muốn.

Vị tha cho nhau… để ngày mai viên đạn anh bắn đi… sẽ vì hạnh phúc của mọi người… trong đó có cả hạnh phúc mà mình vừa vuột khỏi tầm tay.