Trúng kế rồi!
Tám mươi bốn tuấn mã, tám mươi bốn kỵ sĩ. Hết thảy tám mươi bốn người đều vận áo choàng đen tuyền, lưng đeo cung tiễn, nắm chặt trong tay loại binh khí kỳ lạ không khác lúc trước – Đó cũng chính do Vô Song công tử dày công thiết kế, chế tạo, tên gọi ‘Trảm Vân Nhận’ (1)
Bát thập tứ vân kỵ tựa mây đen vần vũ, ùn ùn lao đến!
Trảm Vân Nhận trong tay loang loáng, nhoáng lên ánh thép sáng lóa tựa hoa tuyết tung bay, máu tươi như con sóng đỏ bầm cuộn lên bốn phía.
Địch quân chỉ kịp thấy trường nhận vung lên hạ xuống, như mưa tuyết tung hoành, chỉ còn biết hoang mang giơ binh khí của mình ra chống cự, có sử thương, có dụng đao, nhưng chỉ nghe thấy thanh âm va chạm chát chúa, đổ vỡ răng rắc, nhìn lại, thương đã gãy, đao đã oằn, nhận ra thì cái đầu mình đã lăn lông lốc trên mặt đất.
Binh khí của quân địch rõ ràng không địch nổi đoàn kỵ binh đang chém giết không ngừng! Bát thập tứ vân kỵ, chẳng những được trang bị binh khí hoàn hảo, tinh xảo, mà còn có võ công cao thâm, siêu quần bạt tụy, vì vậy mà trường nhận trong tay lại càng thêm sắc bén, lợi hại vô cùng!
Từng cái đầu nháy mắt lìa ra khỏi cổ, gương mặt còn đang hoang mang, ngỡ ngàng, thân thể chia đôi, đầu một nơi, người một nẻo.
Lửa cháy bừng bừng, tiếng la thảm thiết, chiến mã điên cuồng, chân người giày xéo.
Có người bị chém ngang đầu, máu bắn xối xả, hai mắt trợn trừng, dường như vẫn còn chưa tin, lòng không hề chuẩn bị cho cái chết đến sớm nhường ấy, sọ rơi xuống đất, lăn lộn tới lui, rồi bị vó ngựa đạp lên, não văng tung tóe.
Chỉ trong một thoáng, quân địch bị xoay nghiêng lật ngược, nhào loạn quay cuồng, dễ dàng như bẻ gãy cành khô, nhổ vài cọng cỏ. Tám mươi bốn kỵ sĩ giục ngựa phi như bay, chẳng mấy chốc đã đến rất gần Mao Lợi Cố.
Mắt thấy binh lính tiền phương chao đảo ngả nghiêng như cỏ hoang trong gió, nháy mắt ngã rạp, lần đầu tiên trong đời, Mao Lợi Cố không thể ức chế nỗi sợ hãi hoang mang đang quặn lên trong lòng!
Hắn tàn nhẫn, hắn hung bạo, hắn thích giết người mua vui, nhưng tất cả cũng không che giấu được sự hèn nhát của hắn.
Loại người như hắn, giống như loài chuột bọ, ba phần giảo hoạt, ba phần ngoan hiểm, nhưng sâu tận bản chất vẫn tồn tại đến bốn phần khiếp nhược, đớn hèn.
Nhìn Bát thập tứ vân kỵ cưỡi gió đạp mây, vung trường nhận, đoạt mạng người đang lăm lăm giương nanh múa vuốt lao thẳng về phía mình, Đệ nhất mãnh tướng Uy Nô mặt cắt không còn chút máu, kinh hoàng tột độ, loáng cái đã run rẩy ngã nhào xuống đất.
“Mau mau cứu hỏa!!”
Có điều là, một khi Vô Song công tử đã có trù tính phóng hỏa ngô đồng (2), thì há muốn dập là dập đơn giản như vậy? Chiếu theo cục diện hiện tại mà nói, đám cháy này có muốn cháy hết một ngày một đêm cũng không phải là không có khả năng.
Tặc binh (3) lăng xăng ở thành môn, kêu la í ới tìm cách cứu hỏa. Rất nhiều người không nhận thức được tình hình hiện tại, chỉ đơn giản cho rằng binh lính trấn giữ cổng thành nhất thời gây cháy, hoàn toàn không một mảy may cảm giác rằng, nguy hiểm đã cận kề trước mắt.
Hốt nhiên, mặt đất dưới chân rung chuyển.
Kinh ngạc ngẩng đầu, chỉ thấy từ đằng xa bụi vàng cuồn cuộn, tiếng chân rầm rập, phảng phất từ trong đám bụi mịt mù là hình bóng bạch long vẫy vùng, như hiện ra từ trời xanh thăm thẳm, giữa lửa đỏ hung tàn, cưỡi mây lướt gió, đạp sóng quét mưa!
Một đội kỵ binh đột nhiên không biết từ đâu hiện ra sát bên cánh phải quân địch!
Dẫn đầu không ai khác, chính là viên tướng trẻ đến từ Bát Phương Thành, theo sau là đoàn khinh kỵ binh hùng hậu đông đảo, khôi giáp chỉnh tề, ngay cả ngựa cưỡi cũng có giáp trụ bảo vệ, phòng khi giáo sắc tên nhọn tập kích.
Dương Hổ quát: “Xả tiễn!”
Năm vạn kỵ binh lập tức cùng lúc giương cung, dáng điệu uy mãnh kiêu hùng, ‘vãn cung như mãn nguyệt’ (4), tên bắn xối xả, tựa cuồng phong loạn vũ không chút ngơi nghỉ!
Đầu tiễn xé gió lao như điện xẹt đập thẳng vào mặt, bao nhiêu nhiệt huyết hăng hái bị triệt tiêu sạch sẽ, rơi rụng như lá úa trước cuồng phong! Địch quân không dám chần chừ mạnh tên nào tên ấy hàng ngũ tan tác, xoay lưng tháo chạy, giẫm đạp té nhào.
Bắn hết một hiệp, Dương Hổ thừa thắng xông lên, chỉ huy đoàn kỵ binh đâm thẳng vào trung tâm doanh trại của địch.
Lập tức bốn bề hỗn loạn, tiếng người kinh hãi, tiếng ngựa hí vang, địch quân phút chốc co cụm rối rắm.
Trận mưa tên vừa rồi có thể không làm địch quân thiệt hại quá nhiều binh mã, nhưng có tác dụng làm cho bọn chúng kinh hồn táng đởm, tim như muốn nhảy ra khỏi ***g ngực.
Bụi vàng mịt mờ, bạch long ẩn hiện, uốn lượn tung hoành, khiến lòng người sản sinh một cảm giác tuyệt vọng tựa Thái Sơn áp đỉnh (5), vô pháp cản phá, ngăn chặn, vô lực vãn hồi, trốn chạy.
Con rồng bạc khổng lồ lắc đầu vẫy đuôi, năm vạn khinh kỵ binh tản ra theo hai cánh tả hữu, như giao long (6) xòe vuốt, những muốn đem hết thảy con mồi trước mắt xé nát thành vụn cám.
Hai đạo binh mã cùng đổ ập vào nhau, xoắn lại giao chiến!
Chiến mã như bay, chiến binh như rồng, đao quang như điện!
Bát Phương kỵ binh giống hệt lưỡi hái của tử thần, không ngừng tước đoạt vô số mạng sống đang tràn trề sinh lực của quân xâm lược.
Địch quân mặc dù người đông thế mạnh, song chỉ còn biết hoảng hốt kinh sợ trước thế công mạnh mẽ như bão táp, nhung trang giáp trụ tinh xảo, chỉn chu, cung tiễn cường ngạnh, uy vũ, hết thảy bọn chúng đều đã sớm khiếp đảm kinh hồn, tim đập chân run!
Sau khi đột phá trung quân, năm vạn khinh kỵ binh không chút ngơi nghỉ tiếp tục xông pha, ngựa thúc càng nhanh, đao vung càng mạnh, chọc thẳng vào hậu doanh của địch, hậu quân Uy Nô tán loạn, hệt như mặt hồ bị đá tảng bất thình lình ầm ầm đổ xuống, làm cho chấn động dữ dội, rùng rùng hoảng loạn!
Trống dồn giục giã, kèn lệnh rền vang.
Một, rồi lại một chiến kỳ nữa ngạo nghễ giương cao, nhờ ánh lửa bừng bừng hồng rực một mảng trời nơi đầu thành, rọi sáng chữ ‘Khuynh’ trên mặt cờ, như gai đâm nhức nhối con mắt tặc binh.
“Tiếu Khuynh Vũ! Tiếu Khuynh Vũ!” – Trong một thoáng chốc, phảng phất một luồng âm phong hàn khí bao trùm hết thảy liên quân, đám bại binh như cảm nhận được cái lạnh thấu xương thấu cốt, bất giác, không tự chủ được run rẩy toàn thân.
Trong ánh lửa rực lên huyết sắc, tướng sĩ dũng mãnh giáp trụ tề chỉnh sáng choang quần tụ chung quanh y, Tiếu Khuynh Vũ đoan nhiên tĩnh tọa, bình thản lãnh đạm, tịch mịch thẳm sâu, trong tay là một thanh cổ cầm ưu nhã. Giữa chốn chiến trường Tu La giết chóc, lại có một người tựa thiên tiên hạ phàm, vậy mà tuyệt không làm cho một ai cảm thấy cao vời xa cách.
‘Tanggg!’
Nhạc thanh trong trẻo vút cao!
Tiếu Khuynh Vũ nhấc tay, dây đàn rung lên dưới những đầu ngón tay thanh tú. Tiếng đàn hào sảng phóng khoáng, tung hoành vạn thiên, tỏa lan muôn dặm, xa thẳm núi đồi vẫn còn vọng vang.
Trong chiến trường, người điên ngựa dại, sát thanh dậy đất rung trời!
Ngoài sa trường, bạch y khuynh thế, cầm âm mãnh liệt sục sôi.
Nhất thời, tiếng đàn lẫn lộn với tiếng chém giết, đao thương trùng điệp cũng không át được cầm âm quẩn quanh len lỏi, đột ngột vút cao át lại!
Âm nhạc quyết liệt. Chém giết tàn khốc.
Đây chính là xung đột của máu và lửa, là va chạm của sống và chết!
Khi y tấu đàn, biểu cảm vẫn là bình thản, trữ định, không tỏ ra lạnh nhạt thờ ơ, cũng không có thiết tha cháy bỏng. Dù cho giữa sa trường đối địch, y cũng vẫn hư ảo tựa sương mỏng khói mờ, không chút nào giống con người trần tục.
Bỗng nhiên!
Dây đàn đứt đoạn! Dư âm vang vọng thấu trời xanh.
Vô Song công tử hốt nhiên nhếch môi cười nhẹ, hướng về phía bại quân như thác lũ, ưu nhã khom người.
Động tác ấy đã đường hoàng chỉ rõ: địch quân đã thảm bại, tan tác tại nhãn tiền!
Vô số binh tướng nhất tề rống lên: “Công tử Vô Song! Công tử Vô Song!”
Giữa tiếng huyên náo, kim quang chói sáng tứ phương, hoàng hôn hồng rực tuyệt diễm. Xa xa, nước sông như tấm thảm lóng lánh dập dềnh. Núi non tú lệ rạng rỡ, thiên không ráng đỏ lững lờ, tráng lệ lộng lẫy, tươi đẹp lạ thường.
Ngày ba mươi tháng tám Khánh Lịch năm thứ 330, Uy Nô, Thiên Tấn, Hung Dã tập hợp một trăm vạn binh mã tiến công Cốc Gia thành.
Một trận chiến tại Cốc Gia Thành, đại phá trăm vạn đại quân của địch, Bát thập tứ vân kỵ bắt sống Mao Lợi Cố, Vô Song công tử hạ lệnh xử trảm, bêu đầu thị chúng.
Khi nghe Dương Hổ kể lại quá trình chiến đấu, Phương Quân Càn thủy chung không nói một lời, nhưng trong lòng lại cuộn sóng dữ dội! Nếu không phải vì có thuộc hạ ở đó, hắn đã không nhịn được mà đập bàn reo lên hoan hô: “Làm hay lắm!”
Đôi mắt Dương Hổ đầy sùng kính: “Mạt tướng nghe công tử nói, chiến thuật ‘hạng chiến’ đánh trong ngõ hẻm mà phân thắng bại này là do Tiểu hầu gia đề xuất phải không?”
Phương tiểu hầu gia ngớ người, ngây ra một lúc, không khỏi xấu hổ: “Bổn hầu… bất quá linh quang chợt lóe, tùy tiện mà nói…”
Trận này được hậu thế xưng tụng là trận đánh kinh điển của chiến thuật ‘Hạng chiến’. Và bởi vì, đây là khởi nguồn cho những trận đánh trong không gian đô thị về sau, nên được gọi là ‘Tiềm long chi uyên’!
Vị tướng trẻ Dương Hổ về thành phục mệnh lúc này, về sau trở thành một trong mười tám vị công thần đứng đầu.
Nhưng lúc này, đối với vị tướng quân niên thiếu, việc tận mắt chứng kiến cũng như tận mắt tham gia trận chiến kinh điển ấy đã khiến cho hắn được ích lợi không nhỏ, đến tận cuối đời.
Hậu thế đều biết ‘Tiềm tướng’ Dương Hổ giỏi nhất là thủ thành chiến, đặc biệt đường lối hạng chiến được thế nhân xưng tụng tán thưởng không ngớt. Sau năm sáu mươi tuổi, đã đem tất cả kinh nghiệm mưu lược cả đời của mình tổng hợp lại, biên soạn thành 《Dương thị binh pháp》.
—oOo—
(2): ngô đồng là một loại cây cho dầu, nên rất dễ cháy. Một khi đã muốn phóng hỏa ngô đồng, tức là muốn việc đó chắc chắn hoàn thành.
(3): tặc binh: quân giặc, cách gọi miệt thị.
(4): ‘Vãn cung như mãn nguyệt’ (挽弓如满月): một tư thế ưỡn ngực giương cung, bắt nguồn từ bài ‘Giang thành tử mật châu xuất liệp’ (江城子 密州出猎) của Tô Thức.
Lão phu liêu phát thiểu niên cuồng, tả khiên hoàng, hữu kình thương.
Dục báo khuynh thành tùy thái thủ, thân xạ hổ, khán tôn lang.
Tửu hàm hung đảm thượng khai trương, tấn vi sương, hựu hà phương!
Trì tiết vân trung, hà nhật khiển phùng đường?
Hội vãn điêu cung như mãn nguyệt, tây bắc vọng, xạ thiên lang.
(5): núi lớn đè đầu
(7): hạng chiến: chiến thuật đánh nhau trên trên đường hẹp. Còn gọi là ‘thành thị chiến’, được ghi chép lại từ thời nhà Tống, trong ‘Triêu dã loại yếu – suất mạc’: Hạng chiến, thành thị chi nội tiếp chiến dã (Hạng chiến, là tiếp chiến bên trong thành thị), ‘Tân Ngũ đại sử – Tạp truyện – Phạm Duyên Quang’: Biện binh vọng kiến thiên tử thừa dư, nãi khai môn, nhi Duyên Quang tiên nhập, do hạng chiến, sát thương thậm chúng (Biện binh: binh lính thành Khai Phong)
QUYỂN THỨ SÁU