“Công tử mạnh khỏe!”
“Tiếu thừa tướng!”
“Tiếu thừa tướng mấy năm nay cứ ở mãi Bát Phương Thành, ta những muốn diện kiến mà chờ hoài không thấy, cuối cùng cũng được gặp rồi!”
“Công tử vì dân vì nước phải lao tâm lao lực, thật vất vả cho người quá!”
Hôm sau lâm triều, Tiếu Khuynh Vũ vừa vào điện, những lời a dua nịnh hót chót lưỡi đầu môi từ bốn phía đã sầm sập tràn đến như sóng đập bờ.
Vô Song công tử chỉ khẽ mỉm cười thanh nhã đáp lại. Bộ triều phục lộng lẫy tôn quý che đi phần nào dáng hình đơn bạc giản dị, khí chất phong lưu mà đạm mạc tự bản thân tuyệt đối không vướng bận một chút ngạo mạn kiêu căng, cao cao tại thượng nào.
Trong đại điện, tất cả quần thần đều đứng, chỉ có y đoan nhiên tĩnh tại an tọa trong luân y, mười mươi khiến người ta không thể không để mắt tới.
Tiếu Khuynh Vũ với danh xưng ‘Sơn Trung thừa tướng’ rất hiếm khi tiến cung nghị sự, nhưng một khi y đã đích thân vào điện thì chắc chắn phải vì một đại sự kinh thiên động địa nào đó. Lần này, không hẹn mà gặp ai nấy cũng đều cho rằng vì chuyện hai nước hòa thân, đại sự đến bực này, thân là Hữu thừa tướng Đại Khánh, Tiếu Khuynh Vũ không thể không đích thân xử lý.
“Công tử.” – Một vị mệnh quan cao gầy nho nhã trong quan phục màu đỏ thêu tỳ hưu quý giá khoan thai thong thả bước đến trước mặt y, lên tiếng chào hỏi.
Tiếu Khuynh Vũ đoan chính thủ lễ: “Lâm thừa tướng!”
“Tiểu nữ Y Y đến Bát Phương Thành thăm công tử, chắc đã mang đến cho công tử rất nhiều phiền toái phải không?”
“Không có! Tiếu mỗ xưa nay vẫn đối đãi với Y Y như tiểu muội muội, muội tử đích thân đến thăm, làm sao có thể không vui mừng được?”
“Tiểu nữ niên kỷ còn nhỏ, lại không hiểu lễ nghi phép tắc, không làm cho tiểu hầu gia phật lòng vì những chuyện lôi thôi lặt vặt chứ?”
“Tiểu hầu gia ngày đêm lo toan trăm công nghìn việc (1), đâu có thời gian rỗi rãi mà chấp nhặt những chuyện cỏn con của Y Y.” – Chỉ suýt chút nữa là động thủ giết người, vậy mà dám nói không chấp nhặt…
Giữa triều đường, hết thảy văn võ bá quan vì chuyện kén rể của Thuần Dương công chúa mà tranh cãi inh ỏi, nói một câu lập tức có câu khác phản bác lại, nháo đến tận trời. Số lượng ứng cử viên ngày một dài ra, từ Thái tử điện hạ cao cao tại thượng cho đến viên tướng nhỏ bé tận biên cương xa xôi cách trở.
Chư vị đại thần mạnh miệng ai nấy nói, ông bảo ông hữu lý, bà bảo bà hữu lý, từ sáng sớm đến quá trưa ồn ào náo động, mãi không ngã ngũ.
Người vì công tâm mà bàn, kẻ vì tư lợi mà cãi, quần thần ai cũng khăng khăng giữ lý của mình, tranh luận gay gắt, ai nấy mặt đỏ tai hồng vì tức gận, hơi thở đứt quãng vì mệt mỏi.
Ỏm tỏi chán chê rồi cũng phải thấm mệt, tranh cãi dần dần dịu xuống rồi im bặt, hết thảy quần thần không ai lên tiếng nữa, thắc thỏm bất an, lấm lét nhìn về phía đương kim Thánh thượng tọa ở ngai rồng cao cao – Gia Duệ đế – cùng nhị vị Tả Hữu thừa tướng kế cận.
Dù có tranh cãi như thế nào đi nữa cũng không thể qua nổi đôi câu vài lời của ba vị này. Nếu như ví von chư vị quần thần đang náo loạn là đầu mút chót cùng của quyền trượng, thì ba người kia, không thể nghi ngờ chính là chóp đỉnh quyền lực của nó.
Tất cả mọi người đều phải nhìn sắc mặt của bọn họ mà hành sự cho khôn ngoan.
Cả đại điện phút trước còn ồn ào náo nhiệt, phút sau đã lặng phắc như tờ.
Mà ba người, trái với dự đoán của bá quan, không hẹn mà cùng nhất trí an tĩnh trầm mặc.
Cuối cùng, người có quyền lực tối thượng – Gia Duệ đế – mở miệng trước, phá tan không khí im lặng ngột ngạt: “Tiếu thừa tướng, khanh thấy sao?”
Tiếu Khuynh Vũ mỉm cười rất nhẹ, khóe môi khinh miêu đạm tả buông một câu: “Nếu cứ tranh chấp mãi không ngã ngũ, chi bằng đem vấn đề này giao cho Thuần Dương công chúa? Đây vốn là chuyện hệ trọng liên quan đến hạnh phúc chung thân của người con gái, để cho công chúa đích thân chọn chựa chẳng phải hay hơn sao?”
Lâm Văn Chính lập tức gật gù phụ họa: “Công tử quả nhiên cao kiến, thần tán thành!”
Nhị vị Thừa tướng đã ra chủ ý, quần thần đố ai còn dám có đường phản đối!
“Thần tán thành!”
“Thần tán thành!”
“Thần tán thành!”
“Thần tán thành!”
Trong phút chốc, tiếng hô tán thành của văn võ bá quan cứ lao nhao không dứt bên tai.
Đôi mắt sâu sắc thâm trầm của Gia Duệ đế nhìn Tiếu Khuynh Vũ với một biểu cảm thật phức tạp, trong đó bao hàm nhiều loại cảm xúc khác nhau, một chút tán tưởng, một chút kỳ vọng, có cả một nỗi tiếc hận mơ hồ… và còn một tia từ ái cùng day dứt cực mỏng, cực mảnh không ai có thể nhìn ra được…
“Tiếu thừa tướng nói rất chí lý. Vậy chuyện tiếp đón Thuần Dương công chúa trẫm giao cho Tiếu thừa tướng toàn quyền xử lý!”
Tiếu Khuynh Vũ nhẹ nhàng phất tay áo, tư thế thanh nhã ung dung, trường bào phất phơ lay động, phiêu nhiên tựa tiên nhân đạp mây cưỡi gió: “Thần, tiếp chỉ!”
Không thể ngờ rằng, Thuần Dương công chúa nói nhất định phải ghé qua tham quan phong cảnh Thiên Tấn. Chuyến cầu thân nhất thời phải thay đổi đường đi, rẽ hướng sang Thiên Tấn, vì thế hành trình bị trì hoãn đến hơn hai tháng.
Đây là ý tưởng trong lúc nhất thời bất chợt nảy lên, thôi thúc người ta phải thực hiện, không hoạch định trước, do đó ngay cả Vô Song công tử cũng không thể tiên liệu được.
Quả nhiên là – kế hoạch có chu đáo đến mấy cũng không thể lường được những việc phát sinh thiên biến vạn hóa.
Ba tháng, như vậy chắc chắn không kịp trở về… Xem ra, phải lỡ hẹn rồi…
Tiếu Khuynh Vũ chỉ còn biết cười khổ.
Đưa mắt nhìn bức thư nhỏ sắp nhờ bồ câu đưa tin trên bàn, y cơ hồ tưởng tượng ra bộ dáng kích động đến giận dữ của Phương tiểu hầu gia khi phải chờ đợi ở Bát Phương Thành.
Tiếu Khuynh Vũ đành phải viết một lá thư, nói rõ sự tình phát sinh cùng lý do phải ở lại, nhỏ nhẹ bảo hắn cứ yên lòng chờ đợi, đừng sốt ruột.
Mồng chín tháng chín, tết Trùng Dương.
Còn khoảng một tháng nữa, Thuần Dương công chúa sẽ đến kinh đô Đại Khánh.
《Kinh dịch》 quy định ‘六’ (số 6) là số thuộc âm, ‘九’ (số 9) là số thuộc dương, ngày mồng chín tháng chín, đêm hay ngày cũng đều là thuộc dương, hai ‘九’ (số 9 – dương), dương khí càng vượng, do đó gọi là Trùng Dương, hoặc cũng gọi là Trùng Cửu.
Mồng chín tháng chín, người ta leo núi, thả diều, giắt thù du lên tóc, ăn bồng cao (2), ngắm hoa cúc, uống rượu cúc… hết thảy đều là tập tục dân gian của quốc gia thân cận trong khu vực.
Tiếu Khuynh Vũ rất quảng giao, y có quan hệ sâu rộng với đủ mọi tầng lớp trong kinh sư, hơn nữa bản thân lại là công tử Vô Song tài hoa tuyệt thế, kỳ tài âm luật độc bá thiên hạ, hiển nhiên là đối tượng được hết thảy các văn nhân mặc khách sùng mộ sâu sắc.
Tiếu Khuynh Vũ, người có mối giao hảo với các anh tài thiên hạ đương nhiên hiểu rõ một điều, nâng chén xã giao tạo quan hệ tốt là việc trăm triệu lần không thể chối từ được.
Chiều tối ngày Trùng Cửu, Vô Song công tử nhận lời một số vị Thái Sơn văn nhân (3) khẩn nài, đến Bát Mặc Khuynh Thành Các xướng họa ngâm vịnh, thổi tiêu gảy đàn giúp vui.
—oOo—
(1): nguyên văn ‘Nhật lý vạn kỵ’: một ngày đi vạn dặm: công việc xử lý nhiều và gấp rút.
(2): những tập tục trong ngày tết Trùng Cửu.
Theo người Trung Hoa, ngày 9 tháng 9 âm lịch hàng năm là ngày chí dương (không tốt) nên cần làm nhiều việc để xua trừ những việc xui xẻo, không lành.
Thù du là một loài cây người ta cho rằng có khả năng trừ tà, do đó vào tết Trùng Cửu, anh chị em trong nhà thường cài những chùm quả thù du trên đầu cho nhau để xua trừ ma quỷ quấy nhiễu.
Tục ‘đăng cao’ (leo lên chỗ cao – leo núi) cũng là một tập tục để tránh xui rủi trong ngày Trùng Cửu.
Những tập tục này về sau đã được tiết chế bớt, thay vì giắt chùm thù du người ta dùng một ngọn cờ nhỏ màu đỏ bằng giấy, ăn ‘bồng cao’ (một loại bánh bột gạo) thay vì leo núi…
(3): những vị học giả tiếng tăm lừng lẫy trên văn đàn.