Khổng Tước Rừng Sâu

Chương 63




Liên tiếp hai ngày liền, tôi không gặp Lý San Lam.

Tôi không lo lắng mấy về việc cô ấy sẽ biến mất tăm, bởi vì cún con vẫn ở nhà.

Quyết định về quê một chuyến, tiện thể mang một ít hành lý về luôn.

Ở quê ba ngày, ngoài việc gặp lại bạn bè ôn chuyện cũ, cũng xử lý rất nhiều việc vặt.

Mấy việc vặt này đều liên quan đến việc xuất ngoại.

Ngày thứ tư, tôi ngồi tàu hoả về Đài Nam.

Trên đường từ ga Đài Nam về nhà, phải đi qua Đại học Thành Công, tôi tâm huyết dâng trào bèn đi vào trong trường.

Bước đi trong vườn trường, đi mãi đi mãi, đi tới bên ngoài phòng học môn “Tâm lý học tính cách” trước kia.

Liễu Vỹ Đình chọn dê, Lưu Vỹ Đình chọn hổ, Vinh An chọn chó, cậu bạn khoa Cơ khí chọn trâu, Thi Tường Ích và tôi chọn khổng tước, đều đã từng học trong căn phòng này.

Giơ tay nhẩm đến, rời khỏi nơi này đã được tám năm rồi.

“Các bạn ở trong rừng sâu nuôi vài con vật: ngựa, trâu, dê, hổ và khổng tước. Nếu có một ngày bạn bắt buộc phải rời khỏi khu rừng, nhưng lại chỉ có thể mang theo một con vật, bạn sẽ mang theo con vật nào?”

Trong phòng học bỗng vang lên tiếng nói quen thuộc của thầy giáo, tôi sững sờ, dừng bước chân lại.

Chẳng bao lâu sau trong phòng học vang lên một trận ầm ĩ, cảnh tượng tám năm trước đột nhiên hiện ra trước mắt.

“Bạn nào chọn ngựa mời giơ tay.”

Lại nghe thấy từ “chọn ngựa”, tôi cười buồn, rời đi.

Tôi ngồi xuống bệ lan can bằng bê tông ở toà nhà bên cạnh, hồi tưởng lại những tháng ngày đã qua.

Vỹ Đình đã cưới chồng, Lưu Vỹ Đình và tôi năm nay lấy bằng tiến sĩ, Vinh An giờ đang ở Nghị Lan;

Còn về Thi Tường Ích, tuy mong cho sự nghiệp của cậu ta thất bại, nhưng nghe nói cậu ta lại mới mở thêm hai lò luyện thi.

Đang xúc động bùi ngùi, thấy trước mặt có một người đàn ông trung niên tầm hơn 50 tuổi đi tới.

“Em chào thầy.” Tôi đứng dậy.

Thầy giáo đẩy đẩy gọng kính trên sống mũi, mỉm cười nói: “Em từng học môn của tôi à?”

“Dạ.” Tôi gật đầu.

“Em ở trong rừng sâu nuôi vài con vật: ngựa, trâu, dê, hổ và khổng tước. Nếu có một ngày em bắt buộc phải rời khỏi khu rừng, nhưng lại chỉ có thể mang theo một con vật, em sẽ mang theo con vật nào?”

“Thưa thầy.” Tôi đáp, “Em chọn khổng tước.”

Ông thầy ngắm nghía tôi, trong ánh mắt ngập vẻ hiếu kỳ.

Tuy biết câu hỏi tiếp theo có lẽ hơi vô lễ, nhưng cuối cùng vẫn lấy can đảm hỏi:

“Thầy, bài trắc nghiệm này có chính xác không?”

Thầy giáo thuận tay đặt tập giáo trình lên bệ lan can bằng bê tông, sau đó nói:

“Roger Brown đã từng nói một chuyện.”

“Ông ấy là ai?”

“Ông ấy có thể coi là một nhà tâm lý học nổi tiếng, trên lớp tôi thường hay nhắc tới ông ấy.”

“Em xin lỗi.” Tôi hơi đỏ mặt, “Em không phải là một sinh viên chăm chỉ.”

“Không sao.” Thầy giáo cười cười.

“Đại ý của câu chuyện này là: Các nhà tâm lý học thường vô cùng sung sướng vì có thể dùng những lý luận kiểu máy móc để giải thích diễn biến tâm lý phức tạp của con người.”

Nói đến đây thầy giáo ngừng lại một lúc, sau đó lại nói thêm như sợ tôi không hiểu:

“Diễn biến tâm lý của con người thực ra chính là quá trình tâm lý dồi dào trí tuệ, năng lực và tính co giãn.”

“Dạ.” Tôi gật đầu, tỏ ý đã hiểu.

“Nhưng có lúc vào giây phút cuối cùng, lý luận kiểu máy móc này lại chứng tỏ là không những hoàn toàn không thể giải thích được diễn biến tâm lý của con người, mà còn đột nhiên phát sinh những hiện tượng không thể dự đoán.”

Khi nói những lời này, trên mặt thầy giáo luôn nở một nụ cười ôn hoà.

Tôi không nói gì, âm thầm suy ngẫm những lời của thầy.

“Quay lại với câu hỏi bài trắc nghiệm có chính xác không của em. Đoán thử xem, tôi chọn con gì?”

“Em không biết đoán ạ.”

“Cứ đoán xem. Đoán sai tôi không phải là người.” Thầy giáo cười.

“Chẳng lẽ thầy cũng chọn khổng tước?”

“Không sai.” Thầy giáo gật đầu, “Bởi vì trong năm con vật này, chỉ có khổng tước là có hai chân. Tôi cảm thấy có lẽ nó bị các con vật khác cô lập không có bạn bè, vì thế tôi chọn khổng tước. Là một thầy giáo, sẽ luôn đặc biệt quan tâm đến những học sinh có vẻ cô đơn ngồi trong góc lớp.”

“Vậy thầy có giống…” Tôi có chút khó nói, “Giống người chọn khổng tước không ạ?”

Nghe xong ông thầy cười ha ha, cười xong ông nói:

“Tôi bỏ công việc lương cao ở Đài Bắc, chạy đến Đài Nam dạy lũ sinh viên không chăm chỉ bọn em. Em nói xem?”

Thì ra thầy giáo, Lý San Lam, Martini tiên sinh, Thi Tường Ích, tôi, thậm chí là cả Kim Cát Mạch, tuy đều chọn khổng tước, nhưng mỗi người đều có những lý do khác nhau.

Trong số đó có người là người chọn khổng tước chính hiệu, có người lại hoàn toàn không giống.