Không Kết Hôn Liệu Có Chết?

Chương 21: Đi ra và đi vào




Du đãng! Trong một thành phố lạ, những phồn hoa hào nhoáng trước mắt. Một người có thể đi đâu? Mối tình sẽ bị lãng quên vứt bỏ ở đâu?

Lưu lạc! Trong nỗi đau của con tim, sự cô đơn lúc gần lúc xa. Con tim bị xé rách như thế nào? Câu chuyện cổ tích có thể bị nghiền vụn ở đâu?

Những ngày tháng yêu nhau thật đẹp, sau khi tình cảm nở rộ lại khô héo. Ai muốn đối diện với nó?

Kết thúc quá mệt mỏi, những ngày tháng gần nhau quá vụn vặt, sớm sớm chiều chiều rồi cũng uể oải, ai nhẫn tâm nỡ gay gắt?

Một câu chuyện tình đi tới gian đoạn khó bề phân biệt, không có người đúng người sai, chỉ có thể rút lui hoàn toàn.

Một mối lương duyên có đầu không có cuối, không ai đúng không ai sai, chỉ có thể bay xa vĩnh viễn…

— “Cao chạy xa bay”

Trong phòng bệnh, Đường Đường hít một hơi thở thật sâu, những người còn lại cũng đang đứng bên cạnh để lắng nghe câu chuyện của Quang Tử.

Anh hắng giọng rồi kể lại nguyên nhân gây ra chuyện mẹ mình phát bệnh.

“Bà nội tôi là một người rất mê tín. Năm mẹ sinh tôi ra, người bói xem xong nói là Bát tự của tôi không tốt nên sẽ khắc với ba mẹ. Bà nội vốn là một quả phụ bao năm vất vả để nuôi ba, vì vậy, để bảo vệ ba, bà quyết mang tôi cho người khác.”

“Với bản năng của người mẹ, mẹ tôi nhất quyết không đồng ý, thế là bà bắt đầu ngược đãi mẹ rồi đứng giữa bắt phải lựa chọn.”

“Nhớ năm tôi được năm tuổi đang chơi bên bờ sông. Bà nội đến rồi cười bảo, sông nhiều cá lắm, xuống bắt vừa ăn vừa chơi được. Thực ra nước sông không sâu lắm, bọn trẻ con vẫn xuống để bắt cá. Tôi tin lời bà, bỏ giày dép ra rồi định nhảy xuống sông. Vừa lúc đó mẹ xuất hiện, sống chết kéo tôi về và chỉ vào mặt bà: “Bà hại cháu đích tôn mình như vậy nhất định sau này sẽ có báo ứng!”

“Mẹ kiên quyết đưa tôi về và nói nước sông sâu lắm, dưới đó còn có nhiều rong rêu, nó sẽ cuốn vào chân thì không lên bờ được nữa. Khi đó tôi không hiểu, nếu đã nguy hiểm như vậy sao bà nội lại lừa mình? Không biết mẹ đúng hay bà đúng?”

“Tối đó ba về, không biết bà nói gì với ba khiến ba nổi giận lôi đình, ba còn đánh mẹ một trận rất kinh rồi đuổi hai mẹ con ra khỏi nhà. Không lâu sau đó, cả thị trấn nhỏ đồn thổi tin mẹ và bà bất hòa với nhau, mẹ còn đẩy bà ra ngoài sông. Từ đó, trong con mắt mọi người, mẹ biến thành một người đàn bà độc ác, một mình mẹ nuôi tôi vô cùng vất vả, không ai muốn kéo mẹ lên.”

“Năm đó, mẹ thường xuyên phải đi ăn xin nhưng ngay cả người quen cũng không ai cho. Đã thế họ còn nói rằng mẹ có âm mưu hãm hại cả mẹ chồng nên đây là quả báo của mình.”

“Mẹ tôi cuối cùng đưa tôi ra khỏi thị trấn đó để tới một nơi khác, bắt đầu một cuộc sống bình yên nhưng vất vả.”

“Hai mẹ con sống nương tựa vào nhau bao năm tháng như thế, tôi thề rằng cho dù phải trả bất cứ giá nào cũng phải chăm sóc cho mẹ thật tốt.”

“Có lẽ mẹ cũng bị ảnh hưởng rất lớn từ bà nên hai chữ Bát tự cũng hằn sâu trong tâm trí bà.”

“Sau khi tôi và Đường Đường bắt đầu sống chung với nhau, mặc dù sống hạnh phúc nhưng trong lòng tôi vẫn thấy thấp thỏm không yên. Cho đến khi Đường Đường thông báo với tôi cô ấy đã mang thai, tôi khi ấy đã nghĩ đến lúc mình phải chịu trách nhiệm của người đàn ông, tôi trở về và nói chuyện với mẹ. Mẹ lập tức truy hỏi tôi ngày sinh của cô ấy rồi lôi lịch Âm ra đối chiếu ngày tháng. Thầy bói nói gì tôi cũng không rõ nhưng mẹ bảo phải dẫn bà đi gặp Đường Đường, bà nói sợ sau này mẹ chồng nàng dâu không dễ hòa hợp nên cần phải dung hòa với nhau trước. Nghe mẹ nói câu đó, tôi tưởng rằng bà đã chấp nhận chuyện của hai chúng tôi.”

“Khi chuyện đã xảy ra mẹ mới nói với tôi, thầy bói bảo Bát tự của Đường Đường không tốt, không chỉ khắc với tôi mà đứa con sau này sinh ra cũng sẽ khắc với tôi. Nghe vậy bà bắt đầu cho xạ hương vào canh rồi đẩy cô ấy xuống dốc…”

“Có lẽ sau khi làm hại cô ấy, tâm lý của bà thấy bất an. Đêm nào cũng nằm mơ thấy ác mộng. Bà sợ đứa trẻ chưa được sinh ra đời đến tìm bà để báo thù.”

“Căn bệnh thần kinh phân liệt của bà cũng từ đó mà nặng thêm. Tôi đưa mẹ đi khám thì bác sỹ nói thực ra căn bệnh này đã ủ bao năm nay rồi, chỉ cần có nguyên nhân là nó phát ra.”

“Từ đó, tôi đành phải mai danh ẩn tích, chỉ sợ mọi người có thể tìm ra dấu vết của mình; một mặt tôi cũng thấy vô cùng hổ thẹn với chú của Đường Đường – người thầy mà tôi một mực tôn kính. Sáng tác thơ thì tôi không thể nữa rồi, tôi không muốn làm vấy bẩn lên những dòng chữ tinh khiết.”

Mọi người vô cùng im lặng, khi đó không ai biết nói gì.

Đường Đường gật đầu như đã có chút bình thường trở lại, “Do vậy anh chỉ có thể đưa bà đi chạy trốn chứ không thể trị liệu bình thường được.”

Quang Tử nói: “Mấy năm nay sức khỏe của bà rất tốt, không làm hại ai cả. Vì vậy anh nghĩ để mẹ ở bên càng an toàn hơn. Mấy năm gần đây bà còn giao tiếp được với những người bình thường khác, bởi vậy anh nghĩ chỉ cần mình tìm được một người vợ có Bát tự phù hợp rồi kết hôn thì có thể chăm sóc tốt cho bà hơn.”

Đường Đường lại thở dài, “Anh đừng bắt một người con gái nào nhảy vào lửa nữa. Anh có thể bảo đảm bi kịch như năm trước không bao giờ xảy ra nữa không? Anh là một người con hiếu thảo nhưng không hề là một người chồng tốt. Anh đã chọn con đường làm người con hiếu thuận thì đừng bao giờ làm liên lụy đến người khác nữa, coi như tích đức cho chính mình và cho mẹ đi.”

Quang Tử khẽ gạt nước mắt rồi hơi mỉm cười, “Bây giờ nói điều đó cũng không có tác dụng gì rồi. Mẹ anh lại làm hại đến em, cho dù em không tố cáo nhưng cũng có hai người cảnh sát ở đó làm chứng. Hiện tại phía cảnh sát đã có đủ bằng chứng để đưa bà đến viện tâm thần rồi. Bây giờ điều duy nhất anh có thể làm là xin chuyển viện.”

Đường Đường: “Anh định đi đâu?”

Quang Tử: “Tạm thời anh vẫn chưa nghĩ ra. Nhưng khí hậu phương Nam ấm áp cũng phù hợp với người có bệnh. Anh định tìm một thành phố nhỏ phương Nam để định cư sau đó tìm cách đưa mẹ về đó.”

Nói xong anh quay người đi về phía cửa.

“Quang Tử hãy đợi đã.” Tiếng của Bình Tử đột nhiên vang lên.

Quang Tử dừng lại, nhìn Bình Tử bằng ánh mắt ngạc nhiên. Anh ta định thay cô cho anh một trận sao? Điều này anh cũng chấp nhận. Anh nhắm mắt lại chờ đợi những cú đấm.

“Tôi có tờ danh thiếp này. Đây là danh thiếp tổng biên tập một tờ tạp chí văn nghệ ở Dương Châu. Trước đây tôi phụ trách chức biên tập ở tòa soạn này. Tổng biên tập năm tới nghỉ hưu rồi, ông ấy vẫn đang đi tìm người kế nhiệm phù hợp. Anh cầm tờ danh thiếp và hồ sơ tới Dương Châu đi, tý nữa tôi sẽ gọi điện cho tổng biên tập. Dương Quang là thần tượng thời thiếu niên của tôi, cũng là nhân vật có tiếng trong diễn đàn thơ ở Dương Châu. Nếu tôi nói với ông ấy anh đồng ý nhận việc, chắc ông ấy sẽ vui mừng lắm.”

Quang Tử mở to hai mắt, không dám tin vào những gì người đàn ông đang đứng đối diện mình nói.

Bình Tử đưa anh tấm danh thiếp, mỉm cười nhìn Đường Đường. Trong ánh mắt của cô dường như cũng nở nụ cười ngọt ngào.

Quang Tử không hiểu: “Sao anh lại muốn giúp tôi?”

Bình Tử lắc đầu, “tôi không giúp anh, tôi đang muốn giúp người bạn cũ – tổng biên tập của mình, ông ấy cả đời cống hiến cho văn đàn thơ của Trung Quốc, bây giờ đến lúc được an tâm để nghỉ hưu rồi. Nhưng anh cũng nên biết mức lương ở đó không cao, chỉ có thể duy trì được cuộc sống tối thiểu thôi.”

Quang Tử định thần lại, như đã tin vào những gì diễn ra trước mắt. Anh nhìn lại tấm danh thiếp rồi nhét vào túi áo ngực rồi cười bảo, “Anh yên tâm đi, sau bao năm làm con buôn văn hóa, tôi cũng có những ý niệm của riêng mình. Không dám nói có thể đưa tờ tạp chí này nổi tiếng quốc tế nhưng tôi có lòng tin sẽ đưa nó phát triển rộng rãi hơn, càng nhiều bạn đọc biết đến nó hơn!”

Bình Tử đưa tay ra bắt Quang Tử rồi nói, “Tôi sắp xuất bản sách rồi, tự bỏ chi phí. Trang bìa và hình minh họa do Đường Đường làm giúp, tôi muốn nhờ anh viết lời tựa.”

Quang Tử nắm chặt tay Bình Tử, người hơi run run, “Nếu anh thấy tôi thích hợp…”

Đường Đường nhìn vào mắt hai người đàn ông không nói gì.

Văn Văn và Tiểu Mỹ cùng thu dọn hành lý, Bình Tử đẩy cửa bước vào, “Thủ tục xuất viện đã xong cả rồi, chúng mình đi thôi.”

Đường Đường uể oải duỗi người, “Cuối cùng cũng thoát khỏi kiếp nạn này. Đã sớm nói với mọi người mình không sao rồi mà, cứ làm to chuyện lên thôi.”

Bình Tử nói với Đường Đường, “Em nhanh chóng đi rửa mặt chải đầu đi. Mai ba mẹ anh lên Bắc Kinh, họ muốn tới thăm em!”

Đường Đường đẩy anh ra, “Sao cơ? Sao không nói sớm cho em?”

“Không phải em vẫn trong viện sao? Không kịp nói với em.” Vẻ mặt của anh như người vô tội.

Cô vô cùng bất an, “chết rồi, em không gặp có được không, thấy lo lắm.”

Bình Tử vuốt mái tóc dài của cô, “cô con dâu xấu này sớm muộn cũng phải gặp ba mẹ chồng thôi. Đừng sợ, ba mẹ anh tốt lắm.”

Đường Đường vẫn hơi chần chừ, “nhưng em còn có dự định khác nữa.”

Văn Văn nói chen ngang: “Đừng nói gì nữa, mau về nhà thôi.”

Đường Đường bước vào phòng, thấy Bình Tử đang ngồi ở đó, bên cạnh anh, một cặp vợ chồng đã có tuổi đang ngồi uống trà, biết là ba mẹ anh, cô vội vàng chạy lại chào đón.

Mẹ anh đứng dậy, kéo tay cô ngồi xuống rồi cười bảo: “Đúng thật, nhìn cháu trông xinh hơn trong ảnh nhiều!”

Cô vội vàng: “Bác đã xem ảnh cháu rồi ạ?”

Ba anh cũng cười, “Trước khi từ Dương Châu đến Bắc Kinh, hai bác có ghé qua Nam Kinh thăm ba mẹ cháu. Họ có cho hai bác xem ảnh của cháu hồi nhỏ và lúc lớn.”

Đường Đường hoảng sợ quay sang nhìn Bình Tử rồi nhìn lại ba mẹ anh, chân tay tự nhiên luống cuống.

Mẹ anh bảo: “Trước đây bác có đọc sách của cháu. Bác thấy văn phong tiểu thuyết rất sâu lắng, còn tản văn viết rất có tầm nhìn. Bình Tử có phúc mới lấy được cháu.”

Đường Đường có chút chột dạ, cúi đầu xuống hỏi nhỏ: “Ba mẹ cháu có nói chuyện gì khác không ạ?”

Bình Tử đột nhiên chen ngang: “Những chuyện em gặp phải ngày xưa anh đều nói cho ba mẹ rồi. Vậy nên sau khi ba mẹ anh tới thăm nhà hai bác liền muốn tới Bắc Kinh để gặp em.”

Nghe xong, cô càng chột dạ hơn, nhìn Bình Tử bằng ánh mắt hung tợn.

Mẹ anh hiểu ý, vỗ nhẹ lên vai cô: “Các bác muốn tận mắt được gặp cháu, cháu đã phải trải qua bao vất vả như thế nhưng vẫn trở thành được một nữ nhà văn sáng giá. Có thể thành con dâu, các bác rất vui mừng. Còn Bình Tử không giống cháu, nó là con một, trước đây nó cũng được nuông chiều lắm, mong cháu sau này cũng phải nhân nhượng cho nó.”

Đường Đường nghe xong mấy lời này, nước mắt bỗng nhiên chảy giàn giụa.

Bình Tử chuyển hướng: “Lễ gặp mặt cho con dâu đâu ba mẹ?”

“Ừ, làm sao mà quên được!” Mẹ anh được nhắc nhở, quay người sang lấy trong túi ra một chiếc vòng ngọc rồi đeo vào tay cô.

Đường Đường giật mình từ chối, “cháu không dám nhận đâu!”

Ba anh nói: “Cháu cứ nhận đi, chiếc vòng này là của mẹ bác, năm đó mẹ bác đã trao cho mẹ Bình Tử, bây giờ nó là của cháu. Hai bác cũng gửi gắm Bình Tử cho cháu!”

Cô lắc đầu, miệng nói không ngớt: “Cháu tạm thời vẫn chưa nói đến chuyện có kết hôn hay không. Hơn nữa sau này hai bác có thể không được ôm cháu nội đâu. Cháu không dám nhận ạ!”

Hai ông bà lặng người.

Ba anh quan sát cô một lúc rồi mới nói: “Chuyện cháu không còn khả năng sinh nở bác đã biết. Sau này hai đứa kết hôn, muốn có con thì nhận nuôi một đứa cũng được. Bác và bên thông gia cùng trông cháu cho. Cháu còn suy nghĩ gì nữa? Hay tại Bình Tử đối với cháu chưa đủ tốt, cháu không tin nó?”

Đường Đường lắc đầu.

Mẹ anh nói: “Cháu có kế hoạch gì phải không? Các bác có thể giúp được gì không?”

Cô im lặng một lát rồi mới nói: “Cháu muốn các bác cho cháu thời gian khoảng hai năm để xem cháu có thể là một người con dâu tốt được hay không.”

Ba anh cũng trầm tư một hồi rồi trả lời thoải mái: “Được! Trong thời gian đó cháu cũng quan sát Bình Tử xem nó có thể là chồng tốt được không.”

Bình Tử cũng gật đầu, “anh hiểu rồi. Trong thời gian đó em cũng muốn xem Lý Cường và Văn Văn tiến triển thế nào phải không? Anh biết em không còn niềm tin gì về tình yêu và hôn nhân nữa nên muốn xem xét. Được, hai năm thì hai năm.”

Cô cúi đầu: “Cũng không chỉ như thế ạ.”

Bình Tử: “Em còn kế hoạch gì khác sao?”

Cô gật đầu, “em luôn nghĩ, tại sao mẹ Lý Cường và mẹ Quang Tử cùng bị mẹ chồng ức hiếp nhưng cách họ đối xử với con dâu sau này lại khác nhau?”

Ba anh: “Với những người biết tự kiểm điểm, làm điều gì đúng họ sẽ tự hào, làm chuyện sai họ sẽ sám hối, bởi vậy họ sống sẽ rộng lượng hơn.”

Đường Đường: “Cháu thường nghĩ, hi vọng của một quốc gia, một dân tộc có lẽ đặt lên vai của người phụ nữ. Vì những người này tương lai đều thành các bà mẹ. Những điều giáo dục thuở ban đầu của con đều do mẹ đảm nhiệm, bởi vậy, nếu người phụ nữ có trình độ cao hay thấp đều ảnh hưởng nhất định đến những tố chất phát triển tổng hợp của đứa trẻ sau này. Thử nghĩ mà xem, nếu trình độ văn hóa của người phụ nữ có hạn, không có tri thức thì thử hỏi thế hệ tiếp theo sẽ như thế nào? Cuối cùng cháu cũng hiểu ra lý do tại sao những nước lạc hậu không nâng cao được tố chất công dân. Vì phụ nữ nước họ ngày ngày ở nhà làm việc, không nhận được cả mặt chữ. Điều này giống thời cổ đại của chúng ta, phụ nữ chỉ cần đức không cần tài, hơn một nửa dân số không có văn hóa, nền kinh tế không tự chủ được thì đều trở thành gánh nặng xã hội, làm sao phát triển được?”

Ba anh gật đầu, “con bé này đúng là có tầm nhìn, cháu có dự định gì phải không?”

Đường Đường đáp: “Cháu đang ở trên mạng liên lạc với người bạn học cũ, cô ấy nói có người em gái đang ở vùng núi Tây Nam còn tham gia tình nguyện “Kế hoạch Xuân nụ”, chủ yếu đi vận động bà con vùng cao cho các trẻ em nữ được đến lớp. Ngoài ra, họ còn gây quỹ cho trẻ em thất học. Cháu cũng mới mang tiền đóng thuế sách mới – khoảng mười vạn đến để quyên góp.”

Bố mẹ Bình Tử hỏi, “cháu định làm gì phải không?”

Đường Đường gật đầu, “Cháu muốn dùng hai năm tới để lên vùng núi phía Tây, đi cùng các bạn tình nguyện viên tới vận động những trẻ em thất học. Đồng thời cháu cũng muốn dùng tầm ảnh hưởng của mình để quyên góp tiền. Rồi cháu cũng muốn viết một cuốn sách về sự khác biệt giữa bé gái thất học và được đi học. Nếu sách đó không bán được cháu sẽ mang đi phát miễn phí. Mục đích của quyển sách đó ở chỗ muốn mọi người hiểu được trẻ em gái được đi học thì tốt thế nào, một mặt các em sẽ nhận được những thành tích của chính mình, mặt khác, sau khi được đi học, những việc nhà của các em cũng sẽ được giảm nhẹ. Trong hai năm này, cháu sẽ đi quyên góp và vận động, thăm viếng, để những ông bố bà mẹ còn tư tưởng không cho con đi học sẽ nhận thấy mọi chuyện. Điều này cũng chỉ vì tốt cho họ và cho xã hội!”

Khi đó, một không gian tĩnh lặng như tờ bao trùm. Mẹ anh khẽ ho một tiếng để phá vỡ bầu không khí kia.

Đường Đường tiếp tục cúi đầu xin lỗi: “Thưa hai bác, vậy nên cháu…”

Mẹ anh mỉm cười, “để nó đi với cháu, cho nó được rèn luyện. Con trai có qua rèn giũa mới trưởng thành được. Nghe nói cháu không biết nấu ăn lắm, để Bình Tử đi còn có người chăm sóc cho.”

Bố anh nói chen vào, “đúng vậy con trai. Đi và chăm sóc cho Đường Đường. Đây là thời khắc quan trọng phải đội trời đạp đất có hiểu không?”

Cô cảm động nhìn hai ông bà, rồi nhìn sang Bình Tử, cuối cùng những giọt nước mắt cũng rơi xuống.

Mẹ anh quay sang ôm cô và nói, “ngốc này, cháu khóc gì chứ. Những chuyện trước đây của bác cháu có muốn biết không?”

Cô vừa lau nước mắt vừa gật đầu.

Mẹ anh nói: “Thực ra bác cũng không thể sinh con được!”

Cô ngạc nhiên, lắng nghe mẹ anh kể chuyện…

“Cũng vì chuyện này, mẹ chồng cũ của bác đã ngược đãi bác, còn bắt hai vợ chồng ly hôn. Ngày đó, chuyện phụ nữ không sinh nở được rất nghiêm trọng, thường có một câu rất tục để nói về chuyện này đó là “gà không biết đẻ trứng”.”

“Sau đó bác đã gặp lại người bạn cũ, chính là ba của Bình Tử. Khi đó Bình Tử đã 6 tuổi rồi. Mẹ Bình Tử vì khó sinh nên đã qua đời.”

“Bình Tử không có mẹ, ba người ở với nhau rồi dần dần cũng có tình cảm quý mến, cuối cùng bà nội Bình Tử cũng chấp nhận bác rồi giao vòng ngọc này cho bác. Những năm tháng đó bác rất trân trọng và nuôi dưỡng con khôn lớn.”

“Bác nuôi con lớn, cũng muốn con thành người, có chút danh tiếng thì mới yên tâm được. Ai ngờ đâu bạn gái cũ của nó chê nhà bác không có tiền, đi cưới một người đàn ông giàu có khác, đương nhiên không thể trách con nhà người ta. Bị kích động, Bình Tử bỏ lên Bắc Kinh, trên đường đi còn bị trộm lấy hết tiền nong, lúc rút tiền cũng bị lấy mất, rồi gặp phải tên môi giới bất lương. Nếu không phải gặp được cháu, cuộc đời nó cũng bị tan biến rồi, có lẽ cũng chẳng cầm bút được nữa. Do vậy hai bác cũng vô cùng cảm ơn cháu…”



Bên ngoài cửa sổ, mây trắng trôi lững lờ, bông tuyết bay bay trắng cả nền trời.