Không Có Ngày Mai

Chương 68




TÔI ĂN NỐT BỮA SÁNG. Ấm cà phê đã hết sạch. Thế nên tôi uống nốt chai nước giá tám đô rồi quẳng về phía thùng rác, phần đáy chai đi trước. Nó va vào thành thùng rác, tạo nên một âm thanh nhựa rỗng rồi bật lăn ra thảm. Nếu tôi mê tín thì đó là điềm không tốt. Nhưng tôi lại không mê tín.

“Tất thảy mười chín tên,” tôi nói. “Bốn gã đã rời Mỹ và hai gã đang cuốc bộ trong tình trạng bị thương, bị vỡ hàm và sái khuỷu tay. Như vậy còn mười ba tên có khả năng chiến đấu.”

Sansom nói, “Vỡ hàm và sái khuỷu tay à? Chuyện đó xảy ra thế nào?”

“Chúng ra ngoài tìm tôi. Chúng có thể là những thằng chó ác chiến với súng phóng lựu ở mấy vùng đồi quê chúng, nhưng có vẻ là tẩn nhau trên phố không phải thế mạnh của chúng.”

“Anh đã viết lên trán chúng đấy à?”

“Trán một tên. Tại sao ông biết?”

“FBI nhận được điện thoại từ phòng cấp cứu Bellevue. Hai người nước ngoài không rõ danh tính bị bỏ lại đấy sau khi bị đánh. Một trong hai người có chữ viết trên trán.”

“Hình phạt,” tôi nói. “Chắc chắn mẹ con Hoth không hài lòng với màn trình diễn của chúng. Thế nên họ bỏ chúng đi, để khích lệ những tên khác.”

“Bọn nhẫn tâm.”

“Giờ chúng ở đâu?”

“Trong phòng được canh gác ở bệnh viện. Bởi trước đây một trong số chúng đã ở đó. Một phòng cấp cứu nào đó ở ga Penn. Hắn không nói gì cả. FBI đang cố gắng xác minh hắn là thằng quái nào.”

“Làm gì họ phải mất thời gian thế nhỉ? Tôi đã viết tên của Lila lên trán hắn. Tôi viết Lila, hãy gọi cho tôi. Ngay bây giờ có bao nhiêu người tên Lila mà Cục Điều tra Liên bang quan tâm?”

Sansom lắc đầu. “Tin tưởng họ chút đi. Phần da ghi tên đã bị gọt đi bằng dao.”

Tôi bước qua mở chai nước thứ hai giá tám đô. Nhấp một ngụm. Vị ngon. Nhưng không ngon hơn nước giá hai đô. Hoặc nước miễn phí uống từ vòi.

“Mười ba người,” tôi nói.

“Cộng thêm mẹ con nhà Hoth nữa,” Springfield nói.

“OK, mười lăm.”

“Phi vụ tự sát.”

“Tất cả chúng ta sẽ chết,” tôi nói. “Câu hỏi duy nhất là khi nào và chết như thế nào.”

“Chúng tôi không thể chủ động giúp anh,” Sansom nói. “Anh hiểu điều đó, phải không? Chuyện này sẽ kết thúc với ít nhất là một và nhiều nhất là mười lăm trường hợp người chết trên đường phố New York. Chúng tôi không thể là một phần trong đó. Chúng tôi không thể mon men tới gần dù cách cả triệu dặm.”

“Vì chính trị à?”

“Vì rất nhiều lý do.”

“Tôi không đề nghị giúp đỡ đâu.”

“Anh là kẻ điên cuồng.”

“Chúng sẽ nghĩ như thế.”

“Trong đầu anh có chương trình chứ?”

“Sớm có. Chẳng phải chờ đợi lâu đâu.”

“Tất nhiên trường hợp tối thiểu một người chết chính là anh đấy. Trong trường hợp đó tôi sẽ không biết làm thế nào để tìm ra bức ảnh của mình.”

“Thế thì cầu mong may mắn cho tôi đi.”

“Điều có trách nhiệm là anh nói cho tôi biết bây giờ.”

“Không, điều có trách nhiệm là tôi nhận công việc làm lái xe buýt cho trường học.”

“Tôi có thể tin tưởng anh không?”

“Về việc sống sót à?”

“Về việc giữ lời ấy.”

“Ông đã học điều gì ở trường dự bị sĩ quan?”

“Rằng anh em sĩ quan cần tin tưởng nhau. Đặc biệt là anh em sĩ quan cùng cấp.”

“Vậy thì nó đấy.”

“Nhưng chúng ta không phải anh em thực sự. Chúng ta nằm ở các bộ phận rất khác nhau.”

“Ông nói đúng. Tôi đã làm việc rất vất vả trong lúc ông bay qua hết cả thế giới đặng mà hôn đít gã khủng bố thế giới. Ông thậm chí còn chẳng giành được lấy một Huy chương Trái tim Tía.”

Sansom không nói gì.

“Đùa thôi,” tôi nói. “Nhưng ông nên hy vọng rằng tôi không phải trường hợp bỏ mạng đầu tiên, nếu không thì có thể lúc nào ông cũng nghe những điều như vậy.”

“Vậy thì hãy nói cho tôi bây giờ.”

“Tôi muốn ông yểm trợ cho tôi.”

Sansom nói, “Tôi đã đọc hồ sơ của anh.”

“Ông nói tôi nghe điều đó rồi.”

“Anh đã được tặng Huy chương Trái tim Tía do bị xe bom ở Beirut thổi bay. Trại lính thủy quân lục chiến.”

“Tôi nhớ rõ chuyện đó.”

“Anh có một vết sẹo làm ảnh hưởng tới diện mạo.”

“Muốn xem không?”

“Không. Nhưng anh cần nhớ rằng lũ ấy không phải mẹ con nhà Hoth.”

“Ông là ai đây, chuyên gia trị liệu của tôi à?”

“Không. Nhưng điều đó không khiến cho nhận xét của tôi bớt đúng chút nào đâu.”

“Tôi không biết thủ phạm ở Beirut là ai. Chắc chắn chẳng ai biết. Nhưng dù có là ai đi nữa, chúng cũng là anh em sĩ quan của nhà Hoth.”

“Anh có động cơ trả thù. Và anh vẫn cảm thấy tội lỗi về chuyện Susan Mark.”

“Thế thì sao?”

“Thế thì có thể anh không hoạt động với mức hiệu quả tối đa.”

“Lo lắng cho tôi à?”

“Chủ yếu cho bản thân tôi. Tôi muốn lấy lại bức ảnh của mình.”

“Ông sẽ có nó.”

“Ít nhất hãy cho tôi manh mối về nơi nó đang tồn tại.”

“Ông biết những gì tôi biết. Tôi đã luận ra. Thế nên ông sẽ luận ra.”

“Anh là cảnh sát. Kỹ năng của anh khác của tôi.”

“Thế nên ông sẽ chậm hơn. Nhưng đây không phải trò cao siêu gì đâu.”

“Thế là trò gì?”

“Hãy một lần tư duy như người bình thường. Không giống như một người lính hay chính trị gia.”

Sansom thử. Ông ta thất bại. Ông ta nói, “Ít nhất hãy nói cho tôi biết vì sao tôi không nên phá hủy nó.”

“Ông biết những gì tôi biết.”

“Nghĩa là sao?”

“Hoặc có thể ông không biết những gì tôi biết. Bởi ông quá khép kín. Còn tôi chỉ là một thành viên của công chúng.”

“Thế thì sao?”

“Tôi chắc chắn ông là một tay ác chiến đấy, Sansom. Tôi chắc chắn ông sẽ là một thượng nghị sĩ tuyệt vời. Nhưng nói cho cùng thì bất kỳ thượng nghị sĩ nào cũng chỉ là một trong một trăm nghị sĩ. Gần như tất cả họ có thể đổi chỗ cho nhau. Ông có thể cho tôi một cái tên chứ? Tên của một cá nhân thượng nghị sĩ nào đã thực sự tạo được khác biệt cho bất cứ chuyện gì ấy?”

Sansom chẳng nói gì.

“Ông có thể nói cho tôi nghe cá nhân ông sẽ tiêu diệt bọn al-Qaeda thế nào không?”

Sansom bắt đầu nói về Ủy ban Quân lực, Ủy ban Đối ngoại, Tình báo, ngân sách, sự giám sát. Như một bài phát biểu theo công thức. Như ông ta đang diễn thuyết. Tôi hỏi, “Phần việc nào trong đó sẽ không được ai khác thực hiện nếu như ông không được giao thực hiện?”

Sansom không trả lời. Tôi hỏi, “Hãy tưởng tượng là có một cái hang ở Đông Bắc Pakistan. Tưởng tượng là ngay bây giờ bọn chỉ huy cao cấp của al-Qaeda đang ngồi đó. Liệu chúng có vò đầu bứt tai nói rằng khốn thật, ta không nên để cho John Sansom vào Thượng viện Mỹ không? Ông có đứng đầu danh sách trong chương trình nghị sự của chúng không?”

Ông ta đáp, “Có lẽ không.”

“Thế tại sao chúng muốn có bức ảnh?”

“Những thắng lợi nhỏ,” Sansom nói. “Vẫn hơn là chẳng có gì.”

“Ông không nghĩ rằng như thế là hơi quá nhiều việc để chỉ giành một thắng lợi nhỏ à? Hai nhân viên cộng thêm mười chín gã đàn ông cộng với ba tháng?”

“Nước Mỹ sẽ mất mặt.”

“Nhưng không đến nỗi mất mặt lắm. Hãy xem bức ảnh của Rumsfeld. Chẳng ai quan tâm. Thời thế thay đổi, mọi việc tiếp diễn. Người ta hiểu điều ấy, ngay cả khi có nhận ra đi nữa. Người Mỹ hoặc rất trưởng thành và nhạy cảm, hoặc rất dễ quên. Tôi chưa bao giờ chắc chắn là khả năng nào. Nhưng dù gì đi nữa, bức ảnh đó cũng sẽ là thứ không quan trọng. Nó có thể hủy diệt cá nhân ông, song hủy diệt mỗi lần một người Mỹ không phải kiểu hoạt động của al-Qaeda.”

“Nó sẽ làm tổn thương những kỷ niệm về Reagan.”

“Ai quan tâm chứ? Hầu hết người Mỹ thậm chí còn chẳng nhớ ông ta. Hầu hết người Mỹ nghĩ Reagan là một sân bay ở Washington.”

“Tôi nghĩ anh đang đánh giá quá thấp đấy.”

“Còn tôi nghĩ ông đang đánh giá quá cao. Ông quá gần với việc ấy.”

“Nhưng tôi nghĩ bức ảnh đó sẽ gây hại.”

“Nhưng nó sẽ gây tổn thương cho ai? Chính phủ nghĩ gì?”

“Anh biết rằng Bộ Quốc phòng đang cố gắng như điên để lấy nó lại.”

“Thật hả? Vậy tại sao họ lại giao nhiệm vụ cho một đội hạng B của mình?”

“Anh nghĩ mấy tay đó là đội B của họ à?”

“Tôi thực lòng hy vọng thế. Nếu đó là đội hạng A của họ, tất cả chúng ta nên chuyển sang Canada mà ở cho lành.”

Sansom không nói gì.

Tôi nói, “Bức ảnh có thể gây một chút tác hại cho ông ở địa phương, tại Bắc Carolina. Nhưng rõ ràng tất cả chỉ thế. Chúng ta đang không thấy bất kỳ kiểu nỗ lực tối đa nào từ Bộ Quốc phòng. Bởi không thực sự có ảnh hưởng tiêu cực nào ở cấp quốc gia.”

“Đó không phải cách hiểu chính xác.”

“Được rồi, bức ảnh tệ là tệ cho ta. Đó là bằng chứng của một lỗi chiến lược. Nó thật khó chịu, thật đáng xấu hổ, nó sẽ bôi tro trát trấu vào mặt chúng ta. Nhưng chỉ có thế. Sẽ không phải là ngày tàn của thế giới. Chúng ta sẽ không sụp đổ.”

“Vậy là những kỳ vọng của al-Qaeda quá cao sao? Anh nói rằng chúng cũng lầm à? Chúng không hiểu người Mỹ như cách anh hiểu à?”

“Không, tôi đang nói rằng toàn bộ chuyện này hơi mất cân bằng. Hơi thiếu cân xứng. Al-Qaeda đã điều một đội hạng A còn chúng ta điều một đội hạng B. Vì vậy mong muốn của chúng đối với việc giành bức ảnh đó mạnh hơn một chút so với mong muốn của ta trong việc giữ lấy nó.”

Sansom chẳng nói gì.

“Và chúng ta phải đặt câu hỏi tại sao Susan Mark không được lệnh chỉ sao chép nó? Nếu mục đích của chúng là làm mất mặt ta thì sao chép nó là ý tưởng hay hơn. Bởi nếu chuyện lộ ra và những người hoài nghi cho rằng nó bị làm giả, mà họ sẽ cho là thế thật, thì bản gốc vẫn còn nằm trong tệp, và ta sẽ không thể phủ nhận nó một cách bình thản được.”

“OK.”

“Nhưng Susan Mark đã không được lệnh sao chép nó. Thực tế là cô ấy được lệnh đánh cắp nó. Để lấy nó khỏi tay chúng ta. Mà không để lại dấu vết gì. Điều đó làm tăng đáng kể nguy cơ và khả năng bị phát hiện.”

“Nghĩa là thế nào?”

“Nghĩa là chúng muốn có nó, cũng như chúng muốn ta không có nó.”

“Tôi không hiểu.”

“Ông cần hồi tưởng lại. Ông cần suy luận chính xác như chiếc máy ảnh đó đã thấy. Bởi al-Qaeda không muốn công khai bức ảnh ấy. Chúng đánh cắp nó bởi chúng muốn dìm nó đi.”

“Tại sao chúng muốn thế?”

“Bởi dù nó có tệ cho ông đến thế nào đi nữa, trong ấy có gì đó còn tệ hại hơn cho Osama bin Laden.”