Tông Kị làm lễ với Tiểu Kiều xong, hắn nói: "Lần trước được Nữ quân tin tưởng giao làm việc, tại hạ rất lấy làm vinh hạnh. Đêm qua tại hạđã tìm hiểu được mấy chuyện, không biết có giúp ích được gì cho Nữ quân hay không. Chỉ sợ ảnh hưởng đến việc của Nữ quân, nên sáng sớm thế này tại hạ đã đến xin gặp mặt, hi vọng không làm phiền tới người."
Tiểu Kiều vội đáp: "Các hạ thật có lòng. Ta xin rửa tai để lắng nghe."
Tông Kị cũng nói ngay: "Sau ngày hôm trước Nữ quân vừa rời khỏi, tại hạ đã tìm tới gia đình Hương Hầu đó. Cho một tên ăn mày canh giữ cửa trước, còn tại hạ thì quan sát cửa sau. Hết cả một ngày không có động tĩnh gì, hai cửa trước sau vẫn im lìm đóng chặt. Cho đến tối qua, có một nam tử vội vàng đi vào từ cửa sau. Thấy hành tung của hắn khá khả nghi. Đợi đến khi không còn ai qua lại nữa, tại hạ mới leo tường đi vào, cuối cùng cũng nghe được một số tin bí mật..."
Tông Kị nhìn sang phía Tiểu Kiều. Thấy nàng đang tập trung lắng nghe, vẻ mặt chuyên chú, hắn lại thoáng ngừng lại.
Đêm qua, hắn leo qua tường cao phủ Hương Hầu, nhờ bóng đêm che giấu nên tránh được đám người hầu phía dưới, nương theo ánh đèn duy nhất, hắn đi đến một gian phòng phía ngoài, chọn một chỗ tối dòm vào trong. Nam tử mới vào từ cửa sau cũng ở trong phòng này, hắn ta đã cởi sạch xiêm y trần truồng bò lên giường, trêu đùa cùng một phụ nhân cũng đang khỏa thân nằm trên đó.
Phụ nhân kia còn chưa đến ba mươi, cũng có phần tư sắc, nhìn căn phòng này cũng đoán được đây là chỗ của một nữ chủ nhân. Bọn họ ngủ với nhau, tiếng gầm dâm đãng cứ vang lên không ngớt, vừa nghe đã biết là tằng tịu. Tông Kị đứng yên chờ bên ngoài. Đợi đến khi cuộc yêu trong phòng tới hồi kết, hắn mới nghiêng tai nghe ngóng hai người kia nói chuyện, rốt cuộc cũng nghe được một sự tình thú vị.
Tuy nhiên. Tông Kị sẽ không kể hết những chuyện trước đó mà mình được chứng kiến cho Nữ quân của Ngụy phủ nghe rồi, hắn chỉ nói qua loa một vài câu, sau đó mới kể: "Trong khi hai người kia nói chuyện, phụ nhân nọ tự xưng trong tay mình có một loại thuốc cực kì hiếm có, tên là Bồ đề thiện, được lưu truyền trong Độc quốc (Ấn Độ). Thuốc này tinh luyện từ xà độc, là một loại thuốc độc vô cùng, không màu không mùi, chỉ cần nhỏ một giọt vào đồ ăn, người uống phải sẽ toàn thân tê liệt, suy nghĩ rõ ràng nhưng lại không thể nói, ba ngày sau sẽ dần dần ngừng thở rồi chết đi. Thần kỳ nhất là, bên ngoài không có bất kì triệu chứng nào bất thường, chỉ giống như bất ngờ nhiễm bệnh phong. Nam tử kia cũng tò mò muốn xem. Phụ nhân đó lấy ra một lọ sứ nhỏ, nói là vài ngày trước đã dùng một ít rồi, bởi vì tiếc quá nên mới giữ lại đây".
Trên thực tế, tối hôm qua sau khi hai người nọ liếc mắt đưa tình, phụ nhân kia cười mỉa mai, nói phần lớn nam tử trên đời đều là kẻ bạc tình, còn nói nếu sau này hắn dám phụ bạc mình, nàng ta sẽ dùng kỳ độc này giết hắn. Nam tử kia còn thề thốt một hồi, sau đó nài nỉ xem thử thuốc, có vẻ như vừa nãy bà ta chỉ mạnh miệng thế thôi, vừa nói hết câu đã thấy hối hận rồi, sau đấy không đành lòng nghe người kia năn nỉ, phụ nhân nọ khoác y phục đứng dậy, lấy một lọ thuốc trong chiếc hộp bí mật đưa cho người kia xem.
Tông Kị nhìn về phía Tiểu Kiều, nói tiếp: "Hai người kia xem xong thì cất đi rồi ngủ. Tại hạ đứng chờ thêm một lúc, thấy không còn chuyện gì nữa mới leo tường đi ra. Sợ Nữ quân vẫn lo lắng không yên, cho nên sáng sớm nay cố ý mời Nữ quân đến gặp, bẩm báo lại những chuyện thấy đêm qua."
Tiểu Kiều khẽ chau mày, trầm ngâm một lát, nàng ngước mắt lên hỏi: "Nam tử kia là ai huynh có nhận ra không?"
Tông Kị đáp: "Nam tử đó chỉ khoảng hơn hai mươi, người cao ráo, mũi diều hâu, mặc áo bào tím..." Hắn cẩn thận nhớ lại, "Đúng rồi, ta nghe phụ nhân đó gọi hắn là 'Tô lang'. Ngoài ra thì không biết gì nữa."
Lúc Tông Kị miêu tả lại hình dáng, tướng mạo của người kia, trong đầu Tiểu Kiều đã liên tưởng ngay đến dáng người Tô Tín. Đợi đến khi nghe được chữ "Tô lang", nàng càng thêm chắn chắn.
Còn phụ nhân gần ba mươi trong lời Tông Kị kể, hiển nhiên không thể là ả Tô Nga Hoàng. Chắc hẳn là goá phụ họ Lý Hương Hầu phu nhân.
Nhìn qua, mối liên kết mà nàng suy đoán tối hôm qua cũng không hẳn là sai. Có lẽ Tô Nga Hoàng đã rời khỏi Ngư Dương. Nhưng chất nhi của nàng là Tô Tín thì vẫn còn ở lại, lại cùng thông đồng với Hương Hầu phu nhân.
Xà độc đến từ Ấn Độ... Quan hệ mờ ám của Tô Tín với Hương Hầu phu nhân... Khương bà bà tới Lý gia chỉ mới vài ngày trước... Hương Hầu phu nhân nói đã từng dùng ít thuốc...
Những vấn đề phức tạp và băn khoăn lúc trước đều được sáng tỏ ngay tức thì.
Sau khi Tô Nga Hoàng ẩn thân, trước tiên nàng ta thao túng Khương bà bà, sau đó là Hương Hầu phu nhân và chất nhi của nàng ta, Tô Tín.
Duy chỉ có một điều khiến Tiểu Kiều khó hiểu, đó là tại sao Khương bà bà lại cam tâm tình nguyện để cho Tô Nga Hoàng lợi dụng, biến mình thành con rối dấn thân vào Ngụy phủ.
Theo như nàng được biết, Khương bà bà đã ở bên cạnh Chu thị từ hai mươi năm trước. Khi đó Tô Nga Hoàng mới chỉ bốn, năm tuổi, không thể nào căm ghét người khác từ khi còn bé vậy. Hơn nữa hình như trước kia Chu thị còn từng có ân với Khương bà bà. Hiện tại Khương bà bà cũng không còn phu quân hay con cái, một lão quả phụ như vậy thì lại càng không có lý do phản bội Chu thị rồi chuyển sang làm việc cho Tô Nga Hoàng mới phải.
Chỉ có điều bây giờ Tiểu Kiều cũng không rảnh để nghĩ tiếp chuyện này.
Nàng đã hiểu được mối liên kết giữa tất cả mọi người, tim đập thình thịch như muốn vọt ra ngoài.
Tông Kị nói xong thì nhìn qua Tiểu Kiều. Thấy mặt nàng đổi sắc, đôi môi cũng tái nhợt hẳn đi, hắn chần chờ rồi nói: "Nữ quân có muốn tại hạ làm việc gì nữa không? Nếu còn thì người cứ sai bảo, tại hạ sẽ làm ngay."
Giọng nói của hắn rất thành khẩn. Lúc đó Tiểu Kiều mới kịp hoàn hồn, nàng khẽ mỉm cười cám ơn: "Đa tạ Tông lang quân! Mấy ngày nay huynh đã vất vả rồi. Chuyện huynh vừa nói đã giúp ta rất nhiều! Ta không biết phải diễn tả sự cảm kích của mình như thế nào. Sau này nếu có cơ hội, nhất định ta sẽ báo đáp huynh! Bây giờ tạm thời chưa có việc gì khác, trong nhà còn có chuyện, ta xin cáo từ trước."
Tiểu Kiều tạ lễ với hắn xong thì quay người rời đi.
Tông Kị đi theo tiễn nàng vài bước, cuối cùng dừng lại ngay ngoài cửa, nhìn chăm chú bóng lưng đang vội vàng rời đi, thoáng xuất thần.
...
Trịnh Sở Ngọc làm việc khá nhanh nhẹn, còn chưa đến hai ngày, nàng ta đã lấy được tượng người từ chỗ của Đại Vu, âm thầm chuyển cho Khương bà bà. Khương bà bà mang vào Ngụy phủ, hôm qua vừa đưa cho Chu thị, bà ta nói theo lời Đại Vu, tượng người này đã được hạ phù chú, đặt càng gần người bị nguyền rủa thì càng có hiệu quả. Chu thị chỉ cần nhỏ một giọt máu lên mi tâm tượng người, cẩu khẩn để tạo thành oán niệm, sau đó đặt nó ở góc đông bắc của Tây phòng, chờ đợi động tĩnh bên Đông phòng là được.
Chu thị tin lời bà răm rắp. Bà ta nhìn chằm chằm khuôn mặt quái dị của tượng người có ghi ngày sinh tháng đẻ của Kiều nữ, tim đập điên cuồng, tay Chu thị run run cắn răng cầm chặt lấy kim châm, đâm rách đầu ngón tay của mình, cố nặn ra một giọt máu, nhỏ lên mi tâm tượng người. Trong lòng bà cầu khẩn: Phu quân trên trời có linh thiêng, trưởng tử trên trời có linh thiêng, hôm nay ta sẽ giúp hai người báo thù rửa hận, mong hai người hiển linh giúp ta trừ bỏ nữ tử của Kiều gia. Sau khi niệm xong nhiều lần, bà làm theo như lời Khương bà bà, mang tượng đi cất kĩ.
Đêm qua lo lắng và bất an, thành ra cả đêm Chu thị không ngủ được, sáng sớm hai mắt đã thâm quầng, đầu cũng không thèm chải mà nhanh chóng sai người đi thám thính tin tức bên Tây phòng đối diện, người kia trở về thì bẩm lại, bên đó yên ắng không có động tĩnh gì, Chu thị khó tránh khỏi thất vọng, Khương bà bà cho người nọ ra ngoài rồi cười nói: "Phu nhân đừng nóng vội. Mới qua một đêm thôi chứ mấy, sao mà nhanh vậy được? Khi nào rảnh rỗi, phu nhân chỉ cần khấn thật nhiều, Đại Vu có nói, oán niệm càng nặng thì hiệu quả sẽ càng nhanh, đợi thêm vài ngày nhất định sẽ có hiệu quả thôi."
Vốn Chu thị đã có tầm nhìn rất hạn hẹp. Năm đó nhờ ân tình mới gả vào Ngụy gia, nhưng dù bà đã tìm mọi cách lấy lòng Từ phu nhân nhưng rốt cuộc vẫn không được bà mẫu coi trọng. Trượng phu và bà cũng chỉ là tương kính như tân. Lúc trượng phu còn sống, lúc nào bà cũng nơm nớp lo sợ ông ấy sẽ nạp thêm cơ thiếp, đến khi trượng phu cùng trưởng tử hi sinh, lúc đó bà mới hơn ba mươi, trong vòng chỉ một đêm, lòng ngập tràn oán hận.
Kể từ sau ngày ấy, trong suốt mười năm quá, bà đặt hết toàn bộ tâm trí của mình lên đứa con thứ hai là Ngụy Thiệu. Tuy vậy, mặc dù nhi tử của mình rất hiếu thuận, nhưng nó lại không thân với bà. Từ khi mười bảy tuổi đã thường xuyên vắng nhà, Chu thị càng thêm cô đơn không biết phải gửi gắm vào đâu. Vì thế bà mới giữ Trịnh Sở Ngọc ở lại bên cạnh mình, được nàng ta dẫn dắt nên dần dần trầm mê trong Vu Cổ.
Một lòng tin tưởng vào Vu đạo không khác gì tẩy não, yêu cái gì sẽ càng yêu cái đó, mà lúc hận cũng căm phẫn bội phần. Nhiều năm trôi qua, Chu thị đã không thể kiềm chế được bản thân, vốn lúc đầu còn một chút lý trí, bây giờ lại chẳng sót lại gì. Nghe Khương bà bà khuyên nhủ xong cũng thấy rất có lý, bà gật đầu đáp lại: "Là ta nóng lòng rồi."
Khương bà bà nói tiếp: "Đã mấy ngày rồi phu nhân chưa sang chỗ Bắc phòng, tốt nhất vẫn nên tới thỉnh an. Kẻo không lão phu nhân lại nghĩ người không quan tâm gì đến bà".
Từ sau chuyện Ngụy Nghiễm lần đó, Chu thị chột dạ và sợ hãi, một mực không dám xuất đầu lộ diện. Từ phu nhân bị bệnh cũng không dám đi qua, bà ta lấy cớ mình cũng bệnh, sợ lây sang người khác nên không tới Bắc phòng. Thực ra trong lòng bà cũng thấp thỏm không yên, sợ Từ phu nhân càng trách móc. Bây giờ Khương bà bà nói vậy, bà hơi chần chờ một lúc rồi mới nói: "Bà lão mắt mù đó ghét ta, ta có đi cũng chỉ tự làm mình mất mặt."
Khương bà bà kiên nhẫn khuyên nhủ tiếp: "Tỳ nghe nói gần đây Kiều Nữ vẫn luôn túc trực bên cạnh lão phu nhân sớm chiếu, làm như kiểu muốn chuyển sang ở đó, nhân cơ hội này để lấy lòng lão phu nhân. Phu nhân thì lại thật thà quá, không làm như vậy sao lấy lại thể diện được nữa đây, bây giờ nên chịu thiệt một chút. Ngày thường thì không sao, giờ lão phu nhân đang bị bệnh, người nên qua đó để tận hiếu. Phu nhân không cần lo lắng đến chuyện lão phu nhân không giữ thể diện cho người đâu. Tỳ có một kế này, phu nhân chỉ cần làm theo lời tỳ nói, chắc chắn lão phu nhân sẽ xóa tan hiềm khích lúc trước với phu nhân."
Chu thị nói ngay: "Bà già đó có thành kiến với ta, dù có cất công đi nịnh nọt thế nào, bà ta cũng không thích được đâu."
Khương bà bà đáp lại: "Phu nhân cứ làm theo lời tỳ rồi sẽ biết kết quả thế nào mà."
...
Sáng nay Từ phu nhân tỉnh lại cảm thấy tinh thần tốt hơn những ngày trước rất nhiều. Do lúc trước nằm trên giường quá lâu nên mới thấy đau lưng, bà bèn xuống giường mặc xiêm y, định ra ngoài đi dạo.
Chung bà bà nhìn thấy sắc mặt của Từ phu nhân hôm nay tốt hơn nhiều nên cũng không cản lại, lúc mặc xong xiêm y, thấy trời hơi lạnh nên bà lấy thêm một chiếc áo choàng lông tím làm từ da dê khoác cho Từ phu nhân, đỡ bà ra đình viện. Con mèo con cũng vui vẻ chạy sang, Từ phu nhân lệnh cho một thị nữ ôm nó đi cùng mình, nhớ ra sáng nay còn chưa gặp Tiểu Kiều, bà mới hỏi một câu.
Chung bà bà đáp: "Sáng sớm nay Nữ quân có sai người đến báo, nghe nói Nữ quân có việc bận nên muộn một chút mới sang đây hầu hạ."
Từ phu nhân nhớ tới mấy ngày nay nàng luôn ở bên chăm sóc mình, ít nhiều bà cũng nhìn ra được, con bé rất lo lắng cho bà, giống như chỉ hận không thể cứ dính chặt bên chân. Bà nghĩ có lẽ lần này mình ngã bệnh đã làm nàng hoảng sợ, trong lòng lại càng thấy thương yêu, Từ phu nhân cười nói: "Nhiều ngày nay nó đã vất vả rồi, chút nữa bà sai người qua đó báo lại ta đã khỏe hơn rồi, nó không cần sang đây chăm sóc nữa, muốn làm gì thì cứ việc đi làm."
Chung bà bà đáp lại, bà đưa quải trượng cho Từ phu nhân, sau đó cùng với thị nữ ôm mèo, từ từ đi qua đình viện. Vừa mới ra khỏi cửa đã bắt gặp Chu thị biến mất nhiều ngày nay, hai tay bà ấy bưng khay gỗ đi về phía bên ngày, trên khay có đặt một cái chén không biết đựng thứ gì bên trong. Sau lưng còn có Khương bà bà lẽo đẽo.
Sắc mặt Từ phu nhân lạnh đi ngay lập tức, bà đứng trên bậc thang nhìn Chu thị bước nhanh tới bên này, đưa khay cho Khương bà bà, rồi tiến lên bái kiến.
Từ phu nhân nhanh chóng xoay người vào, ngồi xuống ghế. Chu thị cũng đi vào trong phòng, cung kính quỳ lạy bà lần nữa, vấn an Từ phu nhân.
Từ phu nhân thản nhiên mở miệng: "Ta thấy rất khỏe. Nghe nói cô cũng đang bị bệnh. Bị bệnh thì nghỉ ngơi cho tốt. Về đi thôi."
Chu thị xấu hổ, quỳ một lúc lâu không dậy nổi, bà ta vội trình bày: "Mong bà mẫu thứ lỗi cho con dâu! Con không dám giấu người. Vài ngày trước không phải con bị bệnh, mà thật ra là vì con không có mặt mũi nào để đến gặp bà mẫu, sợ bà mẫu trách con. Cho nên mới mượn cớ sinh bệnh để tránh ở trong phòng. Sáng hôm tiễn đưa Thiệu Nhi lên đường, sau khi nó đi rồi, bà mẫu xoay người đi phía trước, trong lòng con xấu hổ nên không dám tới gần, mặc dù chỉ đứng ở phía xa, nhưng con vẫn nghe được bà mẫu nói chuyện với con dâu. Tuy không phải là tâm sự với con, nhưng từng câu từng chữ con vẫn luôn thấy canh cánh trong lòng. Có câu này, dù bà mẫu có trách con cũng muốn nói ra. Từ khi con vào cửa đến nay đã được ba mươi năm, từ trước đến giờ bà mẫu luôn lạnh nhạt với con. Vậy mà cháu dâu vào nhà mình còn chưa đến một năm, bà mẫu lại thân thiết với nó. Không phải con chưa từng oán trách bà mẫu quá bất công. Tuy nhiên cũng từ sau hôm đó, nhiều lần con tự xét bản thân, con mới chợt nhận ra trong suốt mười năm nay, con đã quá đắm mình trong đau thương khi phu quân và trưởng tử qua đời, khó lòng kiềm chế được ngôn hành và cử chỉ của mình. Thực ra cũng không phải bà mẫu muốn bất hòa với con, mà là do bản thân con vẫn ngu muội ngoan cố, chìm đắm trong chấp niệm chẳng khác nào bó chân trong ngõ hẹp, đoạn tuyệt với người! Nghĩ tới Thiệu Nhi trước đây hiếu thuận như thế nào, bây giờ cũng dần dần xa cách. Không phải trách mình thì còn trách ai đây?"
Mặc dù tất cả đều là do Khương bà bà chỉ dẫn, nhưng lúc Chu thị vừa nói xong, nghĩ lại cuộc sống khó khăn vài chục năm nay của bản thân, bà ta nghẹn ngào rơi nước mắt, không nói tiếp được gì, cứ quỳ trên đất mà khóc lóc.
Chung bà bà lộ vẻ kinh ngạc, đồng thời cũng ra hiệu cho vú già trong phòng đi ra ngoài, chính bà cũng lặng lẽ đi ra.
Lúc đầu Từ phu nhân còn có phần lãnh đạm. Đợi tới khi Chu thị nói xong mấy câu này, bà nhìn Chu thị một lúc lâu mới dần dần dịu xuống, cúi mắt im lặng trong chốc lát, bà từ tốn nói: "Chu thị, cô vào Ngụy gia đã nhiều năm, không có công lao thì cũng có khổ lao, không phải ta không để trong lòng. Cũng không có chuyện ta xa lánh gì cô. Nếu lúc trước cô hiểu được điều này, sao ta có thể thất vọng đến bây giờ được chứ? Chỉ mong những lời hôm nay cô nói thực sự xuất phát từ đáy lòng. Sau này phải suy nghĩ thoáng hơn, đó mới là phúc phận của Thiệu Nhi."
Trong suốt mấy năm nay, đây là lần đầu tiên Chu thị thấy Từ phu nhân nể mặt mình như vậy, bà thở phào nhẹ nhõm rồi vội vàng lấy khăn lau nước mắt, nói tiếp: "Những điều bà mẫu nói con xin nhớ kỹ trong lòng. Sau này nhất định con sẽ sửa, luôn luôn ghi nhớ lời bà mẫu dạy con."
Từ phu nhân gật đầu: "Như vậy mới tốt. Đứng lên đi."
Chu thị đứng dậy từ trên đất, tự tay bưng khay tới đưa đến trước mặt Từ phu nhân, tươi cười hầu hạ: "Mấy ngày nay bà mẫu ốm đau chắc không ăn ngon miệng. Vốn con dâu định hầm ít thuốc bổ. Nhưng mà phải là người hiểu biết mới biết hầm thuốc tốt. Sau đó con lại nghĩ, bà mẫu đến từ Trung Sơn quốc, Trung Sơn có món mỳ râu rồng (bún tàu) rất nổi tiếng. Vì thế con đã tự tay cán mỳ, làm một chén đưa sang. Cũng chỉ một chén nhỏ thôi ạ. Bà mẫu ăn thử xem có hợp khẩu vị người hay không. Nếu ngon thì lần sau con sẽ làm thêm nhiều một chút. Nếu không ngon người cứ nói với con, con dâu sẽ cố gắng nhiều hơn." Nói xong bà ta mở nắp ra.
Bên trong chén nhỏ, nước canh còn bốc lên hơi nóng, một nhúm mì nhỏ như râu rồng, được trộn lẫn với nhau. Kết hợp với chồi thanh lô non, nhìn vô cùng ngon miệng.
Thực ra Từ phu nhân không có khẩu vị gì. Nhưng mà Chu thị đã lấy lòng như vậy, bà ngẫm nghĩ rồi nói: "Thôi được rồi, dù sao cũng là tấm lòng của cô. Bưng lên đi."
Chu thị vui mừng bưng chén định đưa qua.
Đúng lúc này, ngoài cửa vang lên tiếng bước chân dồn dập. Chu thị quay đầu lại thì thấy Tiểu Kiều xuất hiện ở cửa lớn.
Tiểu Kiều đang ôm mèo trong ngực, nàng nhanh chân bước vào tiến lại gần Chu thị. Đột nhiên không biết đã xảy ra chuyện gì, con vật nhỏ được nàng ôm trong lòng bỗng vùng vẫy nhào thẳng vào Chu thị. Chu thị bất ngờ, hoảng hốt kêu thành tiếng, trơ mắt nhìn cái khay trong tay mình bị con mèo vồ tới đổ cả ra. Cả khay cả chén vỡ "choang" rơi xuống đất.
Chén vỡ tan tành thành hai nửa, sợi mỳ trong chén cũng văng hết ra ngoài, rơi bừa bãi trên mặt đất.