Khói Lửa Nhân Gian Chạm Lòng Phàm

Chương 11




Ông chủ ở tửu lâu vừa thấy Tề Đại liền vui vẻ ra đón, trông thấy dê núi và hoẵng thì cười càng tươi hơn: "Dê vẫn tính theo giá cũ, con hoẵng ta trả cho ngươi một lượng rưỡi."

"Được."

Chủ quán đưa cho Tề Đại ba lượng rưỡi.

Ta chợt nghĩ đến việc ở nhà nuôi một con heo, nuôi một năm, giec dịp Tết, để lại một nửa, bán nửa kia mà cũng chẳng được nổi một nghìn văn.

Hai quả trứng giá một văn tiền, một con gà mái già béo cũng bốn, năm mươi văn...

Tề Đại kiếm được bạc dễ như vậy, nhưng là đánh đổi bằng mạng sống, không phải ai cũng làm được.

Như bốn huynh trưởng của ta, suýt nữa thì mất mạng.

Truyện được dịch và đăng tải bởi Diệp Gia Gia

Đi đến chỗ vắng, Tề Đại đem ba lượng rưỡi vừa bán thú được, cộng với năm lượng bạc mang theo, tất cả đều nhét vào tay ta.

"Nàng thích mua gì cũng được, còn thừa cũng không cần trả lại cho ta. Cứ mua nhiều chút, không sao đâu, ta có sức, đợi lát nữa chúng ta cùng ngồi xe lừa về."

Ta nhìn bộ y phục hắn mặc trên người, chân đi đôi giày rơm.

Ăn uống tằn tiện, chịu thương chịu khó, lại sẵn sàng tiêu tiền vì ta, thật là tốt.

"Được."

Trước tiên, chúng ta đi đến tiệm vải để mua vải. Tề Đại người to cao, may quần áo tốn nhiều vải, chỉ may ba bộ y phục đã hết một lượng bạc.

Ta còn mua thêm vải may một bộ cho gia gia của hắn, phụ thân và mẫu thân mỗi người một bộ. Sau khi mặc cả với chưởng quầy, cộng thêm một bao vải vụn cũng tốn thêm một lượng bạc nữa.

Cả bao vải vụn ấy có thể dùng để làm rất nhiều đế giày, ta thấy rất đáng giá.

"Chưởng quầy, bông vải bán thế nào?"

"Ngươi muốn bông đã được giũ, hay là chưa giũ? Bông đã giũ thì mềm xốp, khó mà mang theo, nếu ngươi muốn may áo bông, tiệm ta cũng có thể may giúp."

"…"

Ta cần làm hai bộ áo bông cho mình, hai bộ cho Tề Đại, thêm hai bộ cho gia gia nữa. Nguyên chủ có biết may hay không thì ta không rõ, nhưng ta chắc chắn là không biết may áo.

Thế nên trước khi vào núi, phải lo liệu may sẵn áo bông.

Sau khi thương lượng một hồi, ta đặt may cho ta và Tề Đại mỗi người hai bộ áo bông, cùng quần bông, kèm theo một cân bông đã giũ, tổng cộng ba lượng bạc.

Chưởng quầy bảo Tề Đại tốn nhiều vải bông, lại tốn vải, mà ta mua vải bông thì đắt hơn vải gai nhiều.

Tề Đại ngơ ngác cả buổi, bị bảo gì thì làm nấy, khi thì giơ tay, khi thì hạ tay, khi thì quay người...

Cuối cùng, chúng ta hẹn đến kỳ phiên chợ lần tới sẽ đến lấy áo bông.

Chưởng quầy viết một tờ biên nhận, còn cẩn thận điểm dấu vân tay lên đó.

Ta cầm tờ biên nhận, nhìn vào thấy có nhiều chữ không đọc được, chưởng quầy cười hỏi: "Tiểu cô nương biết chữ chứ?"

"Không biết, chỉ thấy chữ của chưởng quầy thật đẹp."

Ta và Tề Đại lại đến hiệu thuốc, ta hỏi trước về các loại hương liệu mình cần. Không ngờ ở đây đều có đủ, chỉ là tên thuốc khác, giá cả lại không rẻ.

Thời buổi này vải, muối, sắt, thuốc đều là thứ đắt đỏ.

Ta cắn răng mua hương liệu hết năm trăm văn, lại hỏi đại phu: "Có loại thuốc bôi tay nào không?"

Đại phu nhìn ta, rồi nhìn về phía Tề Đại đang đứng ngoài cửa hiệu, gánh đồ trên vai.

Ánh mắt đại phu rơi vào tay của hắn, khẽ gật đầu: "Có, năm trăm văn một hộp, dùng nước ấm ngâm tay, rửa kỹ bằng tạo giác, sau đó thoa lên, mỗi sáng tối một lần."

"To cỡ nào?"

Đại phu lấy hộp thuốc ra cho ta xem, quả là không nhỏ.

Chia ra dùng cho cả nhà cũng dư dả.

"Đại phu, ngài bán rẻ chút đi, ta chỉ mua một hộp thôi."

"Giảm cho hai mươi văn."

"Giảm năm mươi văn."

Năm mươi văn, có thể mua được một trăm quả trứng, một con gà mái già.

"Đại phu, ngài thương tình mà bớt cho chúng ta, nhà quê bọn ta tích cóp bạc rất khó khăn. Ta với hắn vừa mới định thân, tiền bạc trong nhà cũng đã vét sạch rồi..."

Đại phu thở dài: "Thôi được, thôi được, coi như ta bán rẻ cho các ngươi, ta chẳng lời được đồng nào."

Ta không tin chút nào chuyện không lời.

Ra khỏi hiệu thuốc, Tề Đại lập tức đón lấy đồ, treo lên đòn gánh.

"Đi nào, chúng ta đi mua hũ và vại gốm."

Tổng cộng mười lượng rưỡi bạc, giờ chỉ còn bốn lượng sáu văn tiền, vào núi rồi nhất định phải có hũ và vại để đựng đồ.

Hũ gốm thô không đắt, chỉ hai mươi văn một cái, ta mua mười cái, thêm hai cái hũ đựng mỡ lợn giá một trăm văn, ba cái vại muối dưa giá một trăm văn, một cái chum nước lớn một trăm năm mươi văn.

Mấy thứ này mang lên núi, chỉ cần không vỡ, vẫn có thể mang xuống núi.

Chưởng quầy đồng ý giúp chuyển hàng đến cổng trấn, nếu trả thêm hai mươi văn sẽ chuyển đến tận nhà, nếu bị vỡ thì họ sẽ bồi thường.

"Chuyển đến nhà nhé."

Ta nghĩ rằng đã nấu nướng thì sao có thể thiếu một con d.a.o tốt, liền bảo Tề Đại dẫn ta đi mua dao.

"Dao làm bếp ba trăm văn một chiếc, d.a.o chặt củi bảy trăm văn, không mặc cả."

Ta hỏi Tề Đại: "Nhà huynh có kẹp gắp lửa không?"

Tề Đại lắc đầu.

Ta lại mua thêm một cái kẹp gắp lửa năm trăm văn.

Người ta bảo nhà nghèo nghèo cả vạn thứ, quả thật không sai chút nào.