Khoảng Cách Của Người

Chương 41: Khoảng cách thầy và trò




“Đại học… em chưa từng nghĩ tới nó, anh để em suy nghĩ một chút.”

Đình Sương tựa lưng vào bức tường chắn, hai khuỷu tay gác phía trên bờ tường, ngẩng đầu lên cao nhìn bầu trời, đôi mắt hơi nheo lại.

Ánh mặt trời chiếu vào khuôn mặt trẻ trung của cậu, trên hầu kết, trên cánh tay như được dát một tầng mật ong vàng óng, làn gió thanh mát trên sân thượng thổi qua mái tóc ngắn của cậu, khiến cho chiếc áo sơ mi rộng lớn dính sát vào lồng ngực Đình Sương.

Đại học…

Đối với Đình Sương mà nói, học đại học là một chuyện vô cùng hiển nhiên, hiển nhiên đến mức chẳng cần phải nghĩ xem nó rốt cuộc là cái gì.

Hiện tại bỗng nhiên nghĩ tới, chợt thấy quá đỗi kinh ngạc, tại sao trước khi cậu lên đại học, không có một ai hỏi qua cậu về vấn đề này?

Đình Sương nghĩ một hồi lâu, rồi đáp: “Nếu như anh hỏi suy nghĩ của em ở thời điểm hiện tại, thì em vẫn nghĩ rằng nó là… thực tế. Trước đây em cũng từng nghe người ta bảo ‘đại học là nơi bồi dưỡng tư tưởng độc lập và tự do tinh thần’. Thế nhưng về sau, em cảm thấy câu châm ngôn này thực sự quá chua chát. Không phải do nó không hay, câu chữ nghe thì rất bùi tai, thế nhưng lại… không thực tế. Anh nhìn đi, nhiều trường đại học như vậy, nhiều sinh viên như vậy, nào được mấy người có tư tưởng độc lập và tự do tinh thần đâu? Mọi người chỉ luôn nghĩ tới vấn đề đầu ra, hết bảo nghiên-thi nghiên rồi lại ra nước ngoài làm việc, có rất nhiều người vì những điều thực tế này mà lo âu không thôi…”

(bảo nghiên = sinh viên ưu tú được đề cử đi học nghiên cứu sinh; thi nghiên = sinh viên tham gia thi tuyển nghiên cứu sinh)

Cậu nhìn Bách Xương Ý một cái, có hơi không chắc chắn lắm: “Hoặc do mấy năm nay em đi làm thêm nhiều, có mấy câu châm ngôn nghe thì rất có lý, nhưng em lại cảm thấy đó chỉ là lời nói suông… ừm… nếu anh thấy em sai thì cứ nói.”

“Chúng ta đang tán gẫu, không có đúng sai.” Bách Xương Ý nở nụ cười: “Em nói tiếp đi.”

Cũng đúng, đây là một vấn đề không có đáp án tiêu chuẩn.

Sếp Bách thích nhất là đưa ra mấy câu hỏi không có đáp án tiêu chuẩn.

“Thế em cứ tùy tiện nói vậy.” Ban nãy bị hỏi, Đình Sương có hơi thiếu tự tin theo thói quen, hiện tại tâm thái đã thả lỏng hơn nhiều: “Ví như việc em lên đại học rồi cao học, mà bảo rằng là do em thích học, không phải vì bằng cấp chứng chỉ, thì hoàn toàn là nói dối… hai chuyện này nghe chẳng hề mâu thuẫn gì, đúng không? Thế nhưng trên thực tế lại có rất nhiều công việc đều yêu cầu bằng cấp cao, giống như mấy người ba em ấy, bọn họ chiêu mộ nhân viên nghiên cứu và phát triển, không bao giờ tuyển những người có bằng thạc sĩ trở xuống. Nếu như em không học về chuyên ngành, không có năng lực giải quyết vấn đề chuyên nghiệp, thì sau này khi em gia nhập công ty, bọn họ sẽ cảm thấy em là ‘dân nhảy dù’ cái gì cũng không hiểu… cho nên em cần phải giải quyết vấn đề thực tại này. Em nhớ ở trường đại học cũ của em, có một giáo sư từng kể về một tình huống oái oăm: khi mà sinh viên không tìm được việc làm, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không tuyển được nhân viên, bởi vì trường đại học bồi dưỡng ra sinh viên không phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Nói tới đây thì anh cũng thấy đấy, đa số các công ty tuyển anh là vì muốn anh chăm chỉ làm việc, chứ không phải muốn anh độc lập tư tưởng hay tự do tinh thần.”

Bách Xương Ý chờ Đình Sương nói xong, mới bảo: “Tôi không cho rằng việc cung cấp sức lao động phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp là việc của trường đại học, đó là nhiệm vụ cần hoàn thành của trường đào tạo nghề. Hệ thống giáo dục đào tạo nghề không đủ hoàn thiện, mới dẫn đến việc ủn trách nhiệm đào tạo nghề lên trường đại học.”

Đình Sương suy nghĩ hồi lâu, nhưng vẫn không hiểu: “Vậy… sếp Bách, anh cảm thấy việc em lên đại học là sai à? Nhưng thực tế là sinh viên học xong đại học vẫn phải đi tìm việc làm, bọn họ dựa vào những gì học được ở trường, làm quen được với những người cùng chí hướng, nắm bắt được những cơ hội mà trường đại học đưa ra…”

“Tôi bảo rồi, không nói chuyện đúng sai, tôi không muốn nói với em về đáp án hay đạo lý gì hết. Chỗ đứng của chúng ta không giống nhau, cảnh vật nhìn thấy cũng không giống nhau. Làm sao để vượt qua giai đoạn này, đây là vấn đề em cần tự mình suy nghĩ.” Bách Xương Ý quay đầu nhìn về một phía khác, dây kính theo động tác của anh mà lóe lên dưới ánh mặt trời: “Em nhìn đi.”

Đình Sương nhìn theo ánh mắt của anh, cách đó không xa là thư viện, lớp học, phòng thí nghiệm, quảng trường…

Thư viện mang phong cách Baroque được xây dựng từ mấy trăm năm trước, sau này đã được tu sửa lại nhiều lần. Lớp học, phòng thí nghiệm và các tòa nhà dạy học đều mới được xây dựng, vẻ bề ngoài không tái hiện được kiến trúc trước thế chiến thứ hai. Trên quảng trường có không ít sinh viên đang nằm phơi nắng hoặc đọc sách, hay đơn giản là túm năm tụm ba ngồi đấy, bưng ly cà phê trò chuyện với nhau.

“Ting, em nhìn thấy gì?” Tiếng nói trầm thấp của Bách Xương Ý đọng lại bên tai Đình Sương một lúc, sau đó tan đi theo gió.

Nhìn thấy gì?

“Em thấy… các công trình của trường chúng ta.” Ánh mắt của Đình Sương rơi vào một góc trên mái nhà thư viện, ở đó có một bức tượng nữ thần trí tuệ Minerva được điêu khắc bằng đá cẩm thạch: “Em nghĩ mình nên quý trọng những tài nguyên này, phải cố gắng học hỏi thêm kiến thức.”

“Bởi vì em biết mình chỉ ở chỗ này hai hoặc ba năm thôi.” Bách Xương Ý quan sát con đường bên trong trường học, nơi mà người đi bộ và dòng xe đang qua lại không ngớt: “Cho nên em muốn đem theo chút gì đó rời khỏi đây. Thật ra đại học là một nơi… lãng mạn hơn những gì em nghĩ.”

Lãng mạn?

Đình Sương không khỏi nghiêng đầu nhìn nét mặt của anh, trong miệng sếp Bách ‘một bó tuổi’ thế mà cũng thốt ra hai chữ này.

Vừa ngoảnh sang một cái, cậu bất ngờ thấy trong đáy mắt của Bách Xương Ý, có một chút gì đó dịu dàng khác hẳn ngày thường.

Rõ ràng là bọn họ cùng đứng trên một cái sân thượng, cùng ngắm nhìn một cảnh sắc…

Đình Sương nhìn chằm chằm gò má của anh, hỏi: “Vậy anh… nhìn thấy cái gì?”

Bách Xương Ý không trả lời câu hỏi của cậu, chỉ bảo rằng: “Lúc nãy em hỏi anh có để ý đến bất mãn của sinh viên không. Em cũng biết đấy, cứ đến cuối học kỳ thì giáo sư sẽ phải nhận đánh giá của sinh viên, giống như sinh viên các em phải đối mặt với cuộc thi của giáo sư vậy.”

“Đúng thế, em đang muốn nói đến vấn đề này… học kỳ trước em cũng cần đánh giá mấy giáo sư.” Đình Sương nói: “Chuyện này có ảnh hưởng gì tới anh không? Có phải… sát hạch gì đó không?”

Bách Xương Ý: “Nếu giáo sư nào nhận đánh giá kém quá nhiều, mà nhà trường không bổ nhiệm lại, thì người đó sẽ không được tiếp tục giảng dạy nữa.”

Đình Sương có thút thấp thỏm: “Vậy anh ——”

Bách Xương Ý cong khóe môi, dùng giọng điệu dí dỏm như khi dạy học: “Nhưng tôi là giáo sư trong biên chế.”

Giáo sư trong biên chế?

Giáo sư trong biên chế là có quyền thích làm gì thì làm à?

Trong nháy mắt nghe được năm chữ kia, Đình Sương quả thực muốn vì dân trừ hại, móa nhà nó, hình như giáo sư trong biên chế có quyền thích làm gì thì làm thật…

Thế nhưng một giây sau, Bách Xương Ý lại thu hồi giọng điệu dí dỏm kia, nét mặt trở nên nghiêm túc, thâm thúy, phảng phất một chút tuổi đời: “Giáo sư trong biên chế có nghĩa là tôi sẽ đứng mãi ở đây, nhìn mãi nơi này.”

Đứng mãi ở đây, nhìn mãi nơi này…

Chẳng biết tại làm sao, Đình Sương nghe được sự bình yên ở trong câu nói ấy.

“Em hỏi tôi nhìn thấy cái gì, tôi sẽ nói cho em điều mà tôi trông thấy.” Bách Xương Ý nhìn về phòng thí nghiệm y học nơi xa xăm: “Ting, em có tin không, ngay trong lúc chúng ta đang nói chuyện, ở trong tòa nhà kia đã phát minh ra một robot nano thế hệ mới, khiến cho một căn bệnh nào đó của con người từ đây chỉ là một phần của lịch sử.”

Giọng nói của Bách Xương Ý nghe quá đỗi đáng tin, Đình Sương sửng sốt, không tự chủ được mà nhìn tòa nhà thí nghiệm kia một cách ngẩn ngơ: “… Robot nano sao?”

Bách Xương Ý cười nhẹ, Đình Sương tức khắc tỉnh táo lại, xù lông: “Anh ghẹo em à?”

“Đâu có.” Bách Xương Ý cười, tiện tay chỉ vào đám sinh viên đang phơi nắng trên quảng trường: “Em có tin không, tại một buổi trưa hết sức bình thường này, trong đám nhóc kia sẽ xuất hiện một thiên tài, đang tắm nắng hoặc đang uống cốc cà phê nguội dần, đột nhiên kéo tri thức của nhân loại lên một bước ngoặt mới.”

Đình Sương rất muốn nói mình không tin, muốn nói cmn anh lại ghẹo em, thế nhưng ở thời khắc này, cậu lại chẳng thốt ra được những câu ấy.

“… Em tin.” Đình Sương cảm thấy chẳng thể lý giải nổi: “Em thực sự tin, dù rằng không biết tại sao mình lại tin nữa.”

“Bởi vì em biết chuyện giống như vậy đang không ngừng diễn ra.” Bách Xương Ý cúi đầu nhìn mặt đất: “Tòa nhà ngay bên dưới chân em, nó đang thay đổi phương thức sống của rất nhiều người.”

Đình Sương cúi đầu nhìn theo, dưới chân cậu là viện LRM.

Dường như cậu đã hơi hiểu ra một chút.

Bách Xương Ý bảo rằng chỗ đứng của bọn họ không giống nhau, cảnh vật nhìn thấy cũng không giống nhau.

Quả thực là vậy.

Cậu đứng ở một nơi chỉ nhìn thấy được bản thân mình, cho nên chỉ trông thấy mỗi bản thân mình.

Khi cậu nghe thấy câu hỏi “Em cho rằng đại học là cái gì?”, thì phản ứng đầu tiên chính là “Em cho rằng đối với em thì đại học là cái gì?”.

Đại học đối với cậu là một quãng thời gian, là một giai đoạn, là một nơi đến lúc nào đó sẽ phải rời đi.

Giống như Bách Xương Ý đã nói, cậu biết mình sẽ chỉ dừng lại nơi đây vài năm, bởi thế mới vội vàng muốn mang chút gì đó đi, vội vàng mong mấy năm qua sẽ khiến cho mình thay đổi, sẽ chạm trổ mình thành người mà mình mong muốn.

Nhưng chốn đại học này…

Kỳ thực còn có điều ý nghĩa khác.

Học sinh như nước chảy, giáo sư như sắt thép, đối với những người mãi đứng ở nơi này mà nói, đại học là một tồn tại khác biệt.

Gió trên sân thượng vẫn tiếp tục thổi, giống như đã thổi trong rất nhiều năm qua.

Đình Sương che bớt gió, đốt một điếu thuốc, thử nhìn cảnh vật mà Bách Xương Ý đang nhìn qua làn khói mờ. Một lát sau cậu mới hỏi: “Sếp Bách, vậy anh cho rằng đại học là cái gì?”

Bách Xương Ý nhận nửa điếu thuốc trên tay Đình Sương, rít một hơi, đôi môi khẽ mở: “Tiên phong của nhân loại.”

Có lẽ tại gió trên sân thượng quá lớn, cánh tay Đình Sương bỗng nổi một tầng da gà, sống lưng cũng tê dại theo.

Tiên phong của nhân loại…

“Ting, tôi luôn đưa ra câu hỏi khó nhất cho các em, bởi vì tôi không bao giờ đánh giá thấp các em.” Bách Xương Ý quay đầu nhìn cậu: “Sớm muộn gì cũng có một ngày, trong số các em sẽ có những người vượt qua được tôi, dẫu cho chỉ có một đi chăng nữa.”