Hơn nửa thời gian ấy, ngày nào ngoài giờ làm việc ra
cô đều đặn đến điều trị tại chỗ bác sĩ Lã, còn thời gian rảnh rỗi quay ra giúp
Đóa chăm sóc hơn chục chú cún. Thế nên hôm nào cũng mệt nhoài, về đến nhà là
vùi đầu vào ngủ. Mệt mỏi về thể xác nhưng tinh thần lại tạm thời được thanh
thản.
Không biết Thiếu Hàng ngăn các cụ hai bên bằng cách
nào, từ hôm cô bỏ mặc mọi thứ ấy không ai gọi điện đòi hỏi gì cô nữa.
Cả kỳ nghỉ lễ quốc khánh dài như vậy cô phải làm thêm.
Sau hồi đắn do suy nghĩ cô đã mời Đóa về làm cùng mình. Đóa vui vẻ nhận lời vì
thấy thời gian và không gian làm việc đều rất thoải mái.
Thế là cô lại có thêm một trợ thủ đắc lực. Công việc
chuẩn bị cho ra tạp chí cũng đã đến giai đoạn cuối nên cô dồn hết tinh thần và
sức lực vào đó.
Thứ sáu họp tổng kết công việc xong cô quay về văn
phòng làm việc của mình, gửi email và kiểm tra xem ông Niên có gửi thư cho mình
không. Tuy nói là mọi việc lớn nhỏ liên quan đến tờ tạp chí đều giao cho cô
toàn quyền chịu trách nhiệm, nhưng cô biết giữ chừng mực. Cuối tuần nào họp
tổng kết xong cô cũng gửi thư báo cáo sếp về tiến triển công việc.
Ông Niên rất hài lòng về cô. Trong thư ngoài việc
khẳng định thành tích của cô ra ông còn nhắc nhở cô giữ sức khỏe, nghỉ ngơi cẩn
thận và còn chúc mừng sinh nhật cô. Đọc đến đây cô ngẩn người ra, hôm nay đúng
là sinh nhật cô, Đàm Áo đi công tác cũng gửi tin nhắn về chúc mừng. Quà đã được
tặng trước lúc đi, có điều cô rất băn khoăn tại sao ông Niên lại biết được nhỉ?
Cô nghĩ mãi không ra nên chẳng buồn nghĩ nữa. Cô gửi
thư cảm ơn ông và rồi rủ Đóa đi ăn đến hơn một giờ trưa mới quay về văn phòng.
Chưa ngồi ấm chỗ, lễ tân gõ cửa thông báo: “Chào chị, lúc nãy có nhân viên
chuyển phát nhanh gửi bưu phẩm cho chị, vì chị không có ở đây nên chúng tôi đã
ký thay chị.”
“Cảm ơn!”. Cô nhận lấy bưu phẩm chỉ đề
tên và địa chỉ người nhận chứ không thấy người gửi. Cô thấy hơi ngạc nhiên, đợi
lễ tân đi ra ngoài cô mới bóc ra xem. Cô ngẩn người khi nhìn thấy rõ món đồ
trong đó. Đó là hộp nhạc ngựa quay.
Từ lúc Thiếu Hàng cầm đi cô không nhìn thấy nó nữa,
không ngờ hôm nay anh lại tặng cô.
Khe khẽ vuốt ve những đường vân gỗ bóng loáng, cô mở
hộp ra, hai con người màu vàng quay tít và tiếng nhạc vang lên. Toàn thân cô
như bị điện giật!
“How you feel the need to be the
strong one
When the time aster
I’ll find be way that to the fortress
When I bring just burn
Break away and let me be the solder tonight
Break a way and let me hear your pain
Let it rain and I’ll be you shelter in light
Break away, break away
Can see your heart is aching and your will is gone
You can lay upon the pillow in the kerion
Break away and let me be the solder tonight
Break a way and let me hear your pain
Let it rain and I’ll be you shelter in light…”
Thời gian bỗng như quay trở về tối ấy, trong gian nhà
kho ở tầng, Thiếu Hàng cũng hát bài này cho cô.
Tiếng hát trong ký ức ùa về, cô thấy bồi hồi, xốn xang
trong lòng.
Thảo nào anh cứ luôn hỏi cô đã nghe bài hát trong ấy
chưa. Nếu cô nghe được bản nhạc này lâu rồi thì sao không hiểu lòng anh chứ?
Cảnh tượng nhận hộp nhạc của sáu năm trước giờ lại
hiển hiện như trước mắt cô.
Hôm ấy được nghỉ học, Đàm Áo bay từ Hồng Kông sang
chúc mừng sinh nhật cô. Ăn uống xong đi hát karaoke, mãi đến khuya cô mới về
nhà. Ba mẹ ngủ từ lâu rồi, cô sợ làm họ thức giấc nên rón rén đi về phía phòng
mình. Vừa vào trong phòng đã nhìn
thấy em gái đang ngồi trên giường bóc quà.
Hai chị em luôn ở chung một phòng. Hồi bé toàn ngủ
chung một giường đôi, mãi đến lên trung học cơ sở thì chiếc giường đôi được đổi
thành hai chiếc giường đơn.
Thấy tiếng động, em gái ngẩng đầu lên nhìn: “Chị về
rồi à? Chúc mừng sinh nhật chị!”.
“Chúc em sinh nhật vui vẻ!”.
Gia Ưu đi đến, Gia Hảo chìa một món quà cho cô xem với
nụ cười tươi rói: “Đố chị biết ai tặng món quà này?”
“Thiếu Hàng hả?”
“Chị đoán đúng rồi đấy!” Gia Hảo mở
chiếc hộp màu nâu vân gỗ và cầm món đồ trong ấy ra: “Đẹp không chị?”
“Hộp nhạc?” Cô cầm lấy, táy máy vặn
dây cót, nhưng không có tiếng nhạc: “Sao không có nhạc nhỉ?”
“Vâng”, cô em buồn bã giải thích: “Lúc nãy em sơ ý quá
đánh rơi xuống sàn nhà, chắc là bị hỏng rồi. Chị đừng nói với Thiếu Hàng nhé”.
Gia Ưu an ủi em gái: “Có vấn đề gì đâu. Anh ấy tặng em
mà, em cứ cất vào tủ là xong chuyện, có nhạc hay không cũng chẳng sao”.
“Vâng”.
Gia Ưu quay người nhìn thấy trên giường mình cũng đặt
vài món quà. Cô cầm từng món quà lên xem. Có cái của ba mẹ tặng, có cái của bạn
bè trong khu và có một món của Thiếu Hàng.
Cô không bất ngờ. Thiếu Hàng chẳng bao giờ nhất bên
trọng nhất bên khinh, so với những món quà tặng cho em gái mình thì tính về giá
cả hay ngoại hình thì đều gần như nhau. Nhưng năm ấy cô thấy hơi lạ.
Mở ra xem, cũng là một hộp nhạc. Nhưng so với hộp của
em gái thì cái trên tay cô về đẳng cấp hay là tay nghề đều thô thiển hơn nhiều.
Chỉ có mỗi điểm là có nhạc.
Tiếng nhạc vui tai lắm, cô bỏ qua một bên và tiếp tục
bóc các món quà khác.
Ngày hôm sau, gặp Thiếu Hàng ở cầu thang, anh cố tình
chặn cô lại hỏi: “Có thích món quà sinh nhật anh tặng không? Bản nhạc... có hay
không?”
“Cũng tàm tạm. Cảm ơn
anh!. Sinh nhật anh năm nay em nhất định sẽ nhớ tặng quà anh”. Gia Ưu vội đi ăn
thịt nướng với Đàm Áo nên trả lời qua loa cho xong.
Giờ nghĩ lại mới nhận ra rằng ánh mắt của anh đang
trông mong câu trả lời của cô. Thế mà cô không hiểu.
Nghĩ đến đây, cô vội bấm máy gọi điện cho anh, muốn
nói cho anh biết rằng năm ấy có chút nhầm lẫn. Quà của cô đã bị đổi cho cô em
gái, cô không hề biết hộp nhạc ấy là của mình. Ai ngờ bấm máy mấy lần mà đều bị
bận. Năm phút sau gọi lại thì tắt máy. Cô đành phải tìm Trương Quần, Trương
Quần nói cho cô biết hôm nay anh đi công tác ở thành phố D, giờ này đã ngồi
trên máy bay.
Cô đặt điện thoại xuống mà trong đầu cứ nghe thấy
tiếng cười dịu dàng của anh. Cô ngồi làm việc trên máy tính mười mấy phút mà
sai đến mấy lần, suýt nữa thì xóa mất cả một văn bản quan trọng.
Chiếc hộp nhạc đặt bên vẫn quay đều đều.
Hai giờ sau cô lên máy bay bay đến thành phố D.
Đèn đường bật lên thì cũng là lúc Thiếu Hàng về tới khách
sạn.
Ngoài bữa ăn trên máy bay ra thì cả ngày nay anh chưa
có gì vào bụng. Nhưng lúc này cũng không thấy đói. Anh đi tắm, thay bộ quần áo
sạch sẽ và ngồi vào bàn bật máy tính kiểm tra bản thiết kế trợ lý vừa gửi chiều
nay. Quả thực là anh không chuyên tâm vào công việc nhanh như mọi lần.
Anh nhìn đồng hồ, đã sắp 8 giờ tối.
Không hiểu giờ này Gia Ưu đang làm gì nhỉ? Hôm nay là
sinh nhật cô ấy, những năm trước giờ này có bận đến đâu anh cũng ở bên cạnh cô.
Mua cho cô chiếc bánh ga tô hoa quả cô thích ăn và tặng quà cho cô. Nhưng năm
nay thì…
Anh không nén nổi lòng mình liền tưởng tượng ra phản
ứng của cô khi nhận được món quà. Rốt cuộc cô
ấy mất trí nhớ thật hay là chưa hề nhận được món quà ấy?
Hộp nhạc ấy anh đã tặng cô cách đây sáu năm.
I will be your shelter.
Lâu nay anh muốn nói với cô chính là câu này đây.
Như có giác quan thứ sáu mách bảo, cô gọi điện cho
anh.
Anh ấn nút nghe, giọng cô vui vẻ, nhẹ nhàng thoảng bên
tai: “Anh đang ở đâu đấy? Chúng mình gặp nhau đi”.
“Xin lỗi em. Anh đang đi công tác. Em yêu à, chúc mừng
sinh nhật nhé!”. Nghe biết ngay cô đang hạnh phúc, anh thấy yên tâm hẳn và
trong lòng thoáng thấy chút lạc lõng.
“À... em nhận được món quà của anh rồi”.
“Em thích không?”.
“Thích lắm ạ”, cô ngừng lại rồi nói tiếp: “Nếu được
nghe anh hát trực tiếp thì hay biết bao nhiêu”.
“Sẽ có cơ hội mà”.
“Nhưng hôm nay là sinh nhật em. Hộp nhạc này anh tặng
em sáu năm trước chắc là ba mẹ đưa cho Gia Hảo rồi. Gia
Hảo sơ ý đánh rơi nên em chưa được nghe bài hát này...” Cô ngập ngừng rồi nói:
“Giờ anh sửa được rồi đưa cho em, nhưng không được coi là quà năm nay đâu nhé”.
Anh cười tít mắt: “Thế em muốn gì nào?”.
“Em muốn gì anh cũng cho sao?” Cô cười giảo quyệt.
“Chỉ cần những gì em muốn và chỉ cần những thứ đó anh
có”.
“Để em nghĩ xem nào”, cô ngẫm nghĩ vài giây: “Em nghe
Trương Quần nói ngày mai anh có một cuộc họp quan trọng”.
“Ừ”. Anh không hiểu tại sao cô lại lôi cuộc họp vào
đây.
“Thế ngày mai chúng mình trốn đi chơi nhé?”.
“Cái gì?” Anh tưởng là mình nghe nhầm.
“Ngày mai anh trốn họp đưa em đi chơi”. Cô nói nghiêm
chỉnh.
“Được thôi. Nếu bây giờ em xuất hiện ngay trước mặt
anh thì không đợi đến ngày mai, giờ anh sẽ trốn tất, đưa em đi đâu cũng được”.
Thiếu Hàng trêu cô.
“Đó là anh nói nhé”. Cô bật cười khúc khích, giọng nói
rõ ràng như đang sung sướng vì âm mưu đã thành công: “Anh mở cửa ra đi!”.
Thiếu Hàng ngây người ra, không dám tin đó là sự thật.
Gia Ưu đứng ở cửa nhìn anh thè lưỡi trêu chọc, khuôn
mặt nở nụ cười tinh nghịch.
Anh ôm ghì cô vào lòng và cúi xuống hôn lên đôi môi
cô. Cô cũng nhiệt tình đón nhận.
Nhưng cô vẫn không quên tranh thủ khẳng định lại với
anh: “Anh nói rồi đấy nhé... ngày mai... không... họp... chúng
ta đi chơi”.
Đúng là giống hệt một cô nhóc.
Ánh mắt anh ánh lên sự nuông chiều: “Ừ, em yêu, ngày
mai chúng ta sẽ đi chơi”.
Hai người quyết định buông thả một phen.
Tối hẳn, hai vợ chồng đi đến
plaza lớn gần ngay khách sạn mua sắm một số thứ chuẩn bị cho ngày mai. Gia Ưu đi
thẳng từ công ty ra sân bay nên chỉ mang theo một chiếc túi xách, ngay cả quần
áo thay cũng không có.
Đã chuẩn bị đầy đủ, sáng sớm ngày hôm sau, hai người
mang theo hành lý xuất phát, đến trưa thì tới nơi.
Đây là một thành phố biển đẹp, lãng mạn.
Thành phố này không lớn, nhưng sạch sẽ, trong lành và
có hòn đảo nổi tiếng trên thế giới.
Đi xe từ sân bay đến bến tàu, sau đó lên đảo hai vợ
chồng không gặp bất cứ trở ngại nào.
Lên đến bờ, Gia Ưu cảm
thấy thời gian như trôi chậm lại. Họ đặt một phòng có ba hướng nhìn ra biển, bể
tắm rộng thênh thanh khiến cô thấy khoan khoái hẳn.
Vào phòng thấy căn phòng rất rộng, kéo tấm cửa kính
lên là ban công ngoài trời. Cô sững sờ trước biển cả bao la.
Hình như rời xa thành phố ấy cô mới có cảm giác được
sống lại thực sự.
Thiếu Hàng vào phòng tắm rửa mặt, đi ra đã thấy Gia Ưu
thay xong quần áo. Bỗng nhiên mắt anh sáng lên.
Mái tóc dài đen nhánh được búi cao ở sau gáy, chiếc áo
ba lỗ màu đen bó sát lấy cơ thể để lộ chiếc cổ trắng cao ba ngấn trắng trẻo,
tôn vòng eo thon nhỏ. Bên dưới là chiếc quần bò màu xanh thẫm khiến cho đôi
chân cô dài và thẳng như câychuối. Chân đi đôi dép xỏ ngón màu trắng... toàn
thân cô toát lên sự khoan khoái, thanh thản.
Gia Ưu liếc nhìn anh tình tứ,
rồi lôi kem chống nắng ra từ từ bôi vào những chỗ da lộ ra ngoài.
“Để anh bôi cho”, Thiếu Hàng cầm lấy lọ kem.
Cô đồng ý đứng dậy trước mặt anh, nhẹ nhàng cảm
nhậnđược những ngón tay của anh vuốt ve lướt trên da thịt mình.
Đảo tháng mười mà ánh nắng vẫn tràn ngập khắp nơi.
Hai người không đi đến những địa điểm du lịch nổi tiếng
theo những đoàn khách du lịch đông đúc. Họ mua một tấm bản đồ du lịch
cầm tay và chọn những địa điểm xa xa, vắng người.
Thời gian trên đảo như hoàn toàn cách biệt với thế
giới bên ngoài.
Ở được hai ngày, xương mỏi
nhừ bắt đầu lười đi lại, chẳng muốn đi nhưng vẫn phải đi. Và rồi cuộc đi chơi
này nhanh chóng kết thúc bởi cuộc điện thoại gấp gáp của Trương Quần.
Dự án của ông
Niên có sự thay đổi, yêu cầu Hàng phải về gấp.
Ở nhà chờ trên sân bay anh
mới có chút thời gian mở máy tính ra kiểm tra
email. Hai ngày trời công ty có hàng núi việcđang chờ anh giải quyết.
Gia Ưu nhàn rỗi đi lang thang các cửa hàng sách trong
khu miễn thuế.
Tiện tay cầm một cuốn tạp chí lên lật giở vài trang
rồi ra quầy thu ngân trả tiền. Lúc này điện thoại của cô đổ chuông, là bác sĩ
Lã gọi đến.
Hôm ấy cô đột ngột chạy đến chỗ Thiếu Hàng, quên mất
là phải đến điều trị ở chỗ bác
sĩ Lã.
Cô luôn mồm xin lỗi bác sĩ.
Bác sĩ Lã nói: “Thôi, buổi tối cũng được. Cô có rảnh
không?”.
“Tối á?” Gia Ưu ngẩn người ra.
“À tôi muốn đưa cô đi đến nơi cũ”. Bác sĩ Lã nói có vẻ
bí bí mật mật.
Đi gặp bác sĩ cô mới biết cái gọi là đến nơi cũ. Đó
chính là nơi xảy ra vụ tai nạn xe hơi
năm xưa.
Cầu Thụy Vân về đêm xe cộ đi lại ít, đèn cầu sáng lấp
lánh, hắt xuống sông trông đẹp nhưng u buồn.
Gia Ưu đứng ở đầu cầu, gió thổi
mát lạnh khiến cho tóc cô rối bung lên.
Bác sĩ Lã cầm chiếc máy quay, chăm chú nhìn cô, ống
kính hướng về hướng xe cộ qua lại. Chẳng có gì đáng sợ cả, thấy bác sĩ hứng
khởi như thế cô không tiện làm phiền.
Cô lấy từ trong túi ra một sợi dây chun buộc gọn tóc
ra sau gáy. Sau đó tìm chiếc ghế đá sạch nhất ngồi xuống và bắt đầu bóc khoai
lang nướng ăn.
Sẩm tối hai vợ chồng mới xuống khỏi máy bay, về nhà tắm
qua loa một cái rồi chạy đến chỗ hẹn, nên chưa kịp ăn tối.
Bác sĩ Lã quay đủ rồi, đến ngồi đối diện với cô: “Cô
mua mấy củ?”.
“Hai củ, bác sĩ ăn một củ đi”.
Bác sĩ Lã không khách sáo cầm luôn, ông ngửi thấy mùi
khoai nướng thơm nức mũi từ nãy rồi.
“Bác sĩ Lã có người yêu rồi nhỉ?”
“Cô không đoán được à”.
“Bác sĩ biết tôi có quá nhiều bí mật rồi còn gì, bác
sĩ không thể nói câu gì đó cho tôi cân bằng tâm lý hay sao?”.
“Được rồi. Hồi nhỏ...”
“Ai muốn biết hồi nhỏ của bác sĩ chứ?” Gia Ưu chẳng
khách sáo gì chen ngang: “Nói về người yêu đi”.
“À...” Bác sĩ bực mình nói: “Chỉ ăn của cô một củ
khoai nướng, tại sao cứ làm khó tôi thế hả?”.
“Há miệng mắc quai mà”.
“Thôi chúng ta nói về việc của cô trước đã”. Bác sĩ
cầm củ khoai lên cắn một miếng ngon lành, lại còn ra vẻ rất đạo mạo.
Gia Ưu cười thầm: “Thế thì chuyện người yêu của bác sĩ
gác lại à?”
Bác sĩ giả vờ ho vài tiếng rồi đi vào vấn đề chính:
“Về tình trạng mất trí nhớ của cô tôi có suy đoán thế này. Cô nghe xem có hợp
lý hay không nhé”.
“Xin bác sĩ cứ nói”.
“Suy luận này có được nhờ những buổi chuyện trò với cô
cũng như quá trình thôi miên cô đấy. Tôi cho rằng cô không hề bị mất trí nhớ”.
Gia Ưu kinh ngạc: “Bác sĩ Lã, anh đang đùa đấy à?”.
“Trông tôi giống đang đùa lắm sao?” Bác sĩ Lã nghiêm
chỉnh nói, đồng thời đưa cho cô xem tập hồ sơ: “Đây là những ký ức từ tuổi thơ
cho đến thời gian gần đây của cô. Tuy vụn vặt nhưng tôi phân tích kỹ rồi, không
hề bị gián đoạn về thời gian. Như vậy nghĩa là ký ức của cô rất hoàn chỉnh”.
“Thế tại sao tôi lại không nhớ nổi vụ tai nạn hồi ấy?”
“Tạm thời xác định cô không bị mất trí nhớ. Thế thì
chỉ có mỗi một nguyên nhân khiến cô không nghĩ ra được đó chính là cô không
nhìn thấy sự việc”.
“Nhưng tôi có ngồi ở trên xe mà. Hai chị em tôi cùng
bị rơi xuống sông”.
“Cô thử nghĩ lại xem, lần mở mắt đầu tiên sau khi xảy
ra tai nạn cô nghĩ được hình ảnh cuối cùng nào?”.
“Tôi không nhớ được”.
“Hỏi cô cách khác vậy. Thời gian xảy ra vụ tai nạn là
ngày 2/12/2005, khi ấy cô đã hôn mê bao lâu rồi có biết không?”.
Gia Ưu trả lời nhưng không chắc chắn lắm: “Khoảng hơn
một tuần”.
“Giả sử là 10 ngày, tính từ ngày 2/12 trừ 10 ngày đi
chính là ngày 22/11. Cô thử nghĩ xem trước và sau ngày ấy có xảy ra việc gì lạ
lùng không?”.
Đầu óc cô mù mờ.
“Mặc dù cũng đã vài năm trôi qua rồi, nhưng đâu có
khó. Hồi đó cô còn là sinh viên, cuộc sống luôn có quy luật nhất định. Thực sự
không nhớ nổi cô có thể hỏi bạn thân hoặc bạn học gì đó để họ nhớ giúp cô”.
Với chỉ dẫn của bác sĩ cô đã nghĩ ra một cách.
Ngày hôm sau đi làm, Gia Ưu gọi Đàm Áo vào văn phòng
nói chuyện.
“Anh còn liên hệ với Trác Hồng Lan không?”, cô vào
thẳng vấn đề luôn.
Đàm Áo lắc đầu thắc mắc: “Sao vậy?”.
Gia Ưu nói cho anh biết việc mình đi điều trị bác sĩ
tâm lý và ý kiến bác sĩ khuyên mình. Sau rồi cô nói: “Em muốn nói chuyện với
Hồng Lan, hồi ấy Hồng Lan ở cùng phòng với em”.
Đàm Áo ngẫm nghĩ một hồi rồi nói: “Tuy lâu rồi không
liên lạc nhưng cũng dễ tìm thôi”.
Cô gật đầu nói: “Cảm ơn anh!”.
“Anh với em khách sáo làm gi?”. Đàm Áo cười nói: “Em
thấy đấy, lúc này mới thấy tính quan trọng của việc ghi chép hàng ngày đúng
không?”.
Cô sực nhớ ra cuốn nhật ký của em gái, bất giác cười
gượng gạo.
Đúng lúc ấy thư ký gõ cửa bước vào: “Thưa Tổng biên
tập, Tiêu Lợi đến rồi ạ”.
“Mời cô ấy vào đi”.
Tiêu Lợi là sinh viên Đại học T, trước đó cô đã gặp ở
Trung tâm hỗ trợ chó mèo lang thang. Ba ngày trước cô gái này gửi thư với giọng
điệu rất lo lắng, đề nghị được nói chuyện trực tiếp với cô.
Cô hẹn gặp vào sáng ngày hôm nay.
Tiêu Lợi bước vào, vẫn mặc trên người bộ đồng phục của
nhà trường, tóc cắt ngắn. Nhìn biết ngay là một cô gái giản dị, chất phác.
“Chào em Tiêu Lợi, em ngồi xuống đi”. Gia Ưu mỉm cười
chào hỏi.
Tiêu Lợi ngồi xuống, vội vã nói: “Chào chị, em muốn
nói với chị về việc gần đây trường em rất hay xảy ra những vụ đánh đập mèo
hoang. Em là độc giả trung thành của chị, em biết chị luôn quan tâm đến vấn đề
động vật hoang. Nhưng không biết lần này chị có chịu giúp không ạ?”.
“Không thể nói là giúp vì đó là công việc của chị. Em
vừa nói chị rất quan tâm đến việc này còn gì, chỉ cần chị làm được thì bọn chị
sẽ không bỏ qua. Tuy pháp luật chưa có những điều khoản xử lý hành vi ngược đãi
chó mèo, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể lên án bằng những cách khác. Như vậy
sẽ có nhiều người biết đến hơn, dư luận xã hội cũng có sức công phá lớn. Giờ em
nói cho chị biết cụ thể được không?”.
Tiêu Lợi gật đầu nói: “Trường em có rất nhiều mèo
hoang, em rất thích mèo, nên rảnh là mang đồ ăn đến cho chúng. Cách đây nửa
tháng em thấy mèo ngày càng ít dần, nhất là mấy con em biết tìm mãi chẳng thấy
đâu. Mấy hôm trước bọn em vào trang web của trường thấy tấm hình mèo bị đánh
đập rất dã man, có con còn bị lột hết cả da máu chảy be bét”.
Cô sử dụng máy tính trên bàn mở trang web ra cho Gia
Ưu xem. Xem xong, sắc mặt Gia Ưu trông chùng hẳn xuống: “Có thể kiểm tra số
phòng bằng địa chỉ IP không?”.
“Trên mạng không thể tìm được thông tin liên quan đến
ký túc xá của sinh viên, mà không phải sinh viên nào cũng lên mạng ở trong
phòng của mình. Họ chủ yếu lên mạng ở các quán net. Em đã phản ánh tình hình này
lên Ban Giám hiệu nhà trường nhưng không giải quyết được vấn đề, em không tìm
ra hung thủ”.
Cô gái càng nói sắc mặt càng hốt hoảng: “Em vội tìm
chị như thế này là vì ba hôm trước, em nhìn thấy ở khoảng đất trống trước khu
giảng đường có một con mèo bị đập chết. Nếu không nhầm con mèo này cũng đã xuất
hiện ở trên trang web ấy. Em có linh tính không biết bọn nguời xấu xa ấy có
giết chết những con mèo còn lại bằng cách này hay không?”.
Gia Ưu trầm ngâm trong giây lát và nhanh chóng quyết
định: “Thế này nhé, tối nay bọn chị sẽ đến trường em xem sao”.
Tiêu Lợi về rồi cô gọi Tiểu Đóa và Đàm Áo vào họp nói
về tình hình xảy ra ở trường Tiêu Lợi.
“Tối nay á? Đàm Áo phải đi đón ba mẹ anh ấy?”. Tiểu
Đóa nói.
Gia Ưu ngẩn người ngước nhìn Đàm Áo: “Ba mẹ anh sang
chơi à?”.
Đàm Áo cười cười: “Tới đây để hỏi chuyện cá nhân của
anh ấy mà”.
“Ha... ha...” Đóa bụm miệng cười.
“Đóa này, em vẫn chưa có người yêu à?” Đàm Áo cười rất
nịnh bợ.
“Anh định làm gì thế?”. Tiểu Đóa nhìn anh đề cao cảnh
giác.
“Chưa có thì giúp anh đi....”.
Tiểu Đóa kiêu ngạo quay đầu đi.
Gia Ưu nhíu mày: “Này, chắc anh không đến mức phải lấy
bạn thân mình đi lòe ba mẹ anh đấy chứ?”
“Thì kế tạm thời mà. Lần này ba mẹ anh sang đây mang
theo cả đống tài liệu liên quan đến gần 100 cô gái để chọn cho anh”.
“Anh nhờ Trương Quần giúp đi. Hai người giúp đỡ lẫn
nhau, đôi bên cùng có lợi mà”. Đóa gợi ý.
“Cô ấy á?, thôi đi, mà dù anh có nhờ thì mẹ anh cũng
không đồng ý”.
Giờ thì ngay cả Gia Ưu cũng thấy ngạc nhiên: “Sao lại
thế?”.
“Quá mạnh mẽ. Mẹ anh thích mẫu người như Tiểu Đóa ấy.
Tất nhiên là cụ không yêu cầu cao lắm, đôi mắt không cần phải to tròn như hạt
nhãn, cái mũi không phải thẳng như dọc dừa, môi không cần phải đầy đặn hình
trái tim”.
“Đàm Áo, em biết rồi nhé. Anh đang vòng vo để khen
Tiểu Đóa!”.
Đàm Áo cười giả lả: “Thì có việc phải nhờ vả cô ấy
mà!”.
Tiểu Đóa không nén nổi bật cười: “Giúp anh được thôi,
nhưng đổi lại em được gì chứ?”.
“Mời em một bữa sáng long trọng”.
“Không, phải thêm cả bữa trưa nữa”.
“Không vấn đề!”.
“Vậy là xong nhé”.
Gia Ưu hết cách, đành ngồi nhìn hai người: “Hai người
chuyên tâm vào vấn đề chính được không hả? Tối nay, mình và Đóa sẽ đến trường
T. Đàm Áo cứ đi sân bay đón ba mẹ, anh cho em gửi lời hỏi thăm hai bác”.
“Để anh đi cùng em. Nửa đêm nửa hôm nhỡ gặp phải kẻ
nào biến thái thì hai em đi chẳng khác nào vào hang cọp à?”.
Quan Thiếu Hàng trao đổi xong với khách hàng ra khỏi
khách sạn đã gần 8 giờ tối. Anh lên xe, mở điện thoại gọi lại cho số điện thoại
lạ vừa gọi vào máy mình lúc nãy.
“Xin chào, tôi là Quan Thiếu Hàng. Vừa rồi bận họp nên
không tiện nói chuyện...” Đôi mắt mệt mỏi của Thiếu Hàng ánh lên hân hoan khi
nghe đối phương trả lời: “Anh nói rằng đã tìm thấy chú chó của tôi ư?”.
Anh ghi lại dịa chỉ và lái xe đi luôn.
Hóa ra, mấy tháng nay Bò sữa của anh được một bà cụ
nuôi dưỡng. Mấy hôm trước cậu con trai làm việc ở ngoại tỉnh quay trở về thấy
mẹ nuôi chó lạ không thích lắm. Sau rồi lên mạng tìm kiếm đọc được tin tìm chó
lạc có hậu tạ của Hàng nên liên hệ tuôn.
Đến nhà bà cụ, vừa xuống xe đã nghe thấy tiếng chó sủa
ăng ẳng. Bò sữa lao từ trong nhà ra, giơ hai chân trước lên cào cào vào quần áo
anh và rồi sục mõm vào người anh.
Thiếu Hàng mừng rỡ ôm chầm lấy Bò sữa, đã bao năm nay
anh không có cử chỉ thất thố thế này. Như đã hứa, anh biếu bà cụ một món tiền
kha khá rồi đưa Bò sữa về nhà. Anh chưa vội thông báo tin mừng này cho Gia Ưu.
Vừa tắm cho Bò sữa anh bất giác mỉm cười hạnh phúc khi tưởng tượng ra cảnh Gia
Ưu mở cửa ra nhìn thấy nó.
Điện thoại di động để ở ngoài phòng khách đổ chuông,
là tiếng chuông cài đặt khi nhận cuộc gọi của Gia Ưu. Anh lau khô tay ra ấn máy
nghe, chưa kịp nói gì thì nghe thấy giọng lo lắng của Gia Ưu: “Anh à, Đàm Áo
xảy ra chuyện rồi...”
Quan Thiếu Hàng vội vã lao đến bệnh viện. Anh gặp Gia
Ưu ngay ở cửa phòng cấp cứu. Tóc cô rối bời, quần áo xộc xệch, bị xé rách mấy
chỗ, khóe môi vẫn còn vết máu khô. Anh nhìn chằm chằm và hỏi thẳng cô: “Chuyện
này là thế nào?”.
Cô kể toàn bộ sự việc với giọng đứt quãng cho anh
nghe. Tối nay theo kế hoạch cô và Đàm Áo đến theo dõi ở trường T. Hết giờ tan
tầm, cô tranh thủ ở lại văn phòng làm nốt mấy việc đang dở. Đến khoảng 7 giờ
tối Đàm Áo rủ cô đi ăn tối. Gần đến bãi đỗ xe Đàm Áo sực nhớ ra quên đồ ở văn
phòng nên quay lại lấy. Gia Ưu ra bãi đỗ lấy xe trước. Không ngờ cô bị hai tên
lưu manh phục kích ngay gần xe. Trong lúc chống cự cô bị trật khớp chân và bị
chúng bắt lại. Một tên bịt miệng cô, còn tên kia xé quần áo của cô và lớn tiếng
nói sẽ chụp hình đưa lên mạng. Trong lúc nguy hiểm ấy Đàm Áo xuất hiện.
Gia Ưu xoa xoa mặt, rồi nhìn Thiếu Hàng: “Em nghĩ là
mới đầu chúng chỉ muốn dọa em thôi, nhưng bị em chống cự dữ quá, lại có thêm
Đàm Áo đến cứu nên mới đánh nhau loạn lên. Đàm Áo bị chúng đánh bị thương...
vừa rồi bác sĩ nói là bị thương ở cột sống... sẽ rất rắc rối”.
Giây phút nguy hiểm ấy, Gia Ưu thoát khỏi hai tên lưu
manh kia chui tọt vào trong xe bấm gọi 110 cho công an. Trong phút chốc cô bỗng
nghe thấy tiếng xoảng ở bên ngoài, quay đầu lại nhìn thấy Đàm Áo đang nhăn nhó
ngã xuống đất, không thấy bóng dáng hai tên kia đâu.
Đèn cửa phòng cấp cứu vụt tắt, bác sĩ đi ra ngoài.
Hai người vội đi đến lắng nghe bác sĩ trao đổi tình
hình. Lòng cô nguội lạnh, run rẩy nói: “Bác sĩ, phẫu thuật như thế rủi ro có
nhiều không?”.
Bác sĩ gật đầu: “Chỗ bị thương có liên quan tới hô hấp
và tim nên phẫu thuật rất khó. Như vậy đương nhiên rủi ro sẽ cao nói chung là
tỷ lệ thành công khoảng hai đến ba phần thôi. Anh chị hãy gọi người nhà bệnh
nhân đến đây gặp chúng tôi. Chúng tôi chỉ phẫu thuật khi được gia đình bệnh
nhân đồng ý và ký tên”.
Bác sĩ đi rồi, Gia Ưu vẫn đứng chôn chân tại chỗ.
Thiếu Hàng ôm chặt lấy cơ thể đang run lên từng hồi của cô và luôn mồm an ủi:
“Sẽ khỏi thôi, em đừng sợ”.
“Hai phần...” Gia Ưu vùi mặt vào ngực Thiếu Hàng,
giọng nói lạc đi vì thút thít: “Có khác gì đánh bạc đâu? Nhỡ phẫu thuật thất
bại thì anh ấy...”.
Cô khóc nấc lên không thành tiếng, không dám nói thêm
gì nữa.
Thiếu Hàng nghĩ mãi không ra cách, nhưng anh không
muốn làm tăng thêm gánh nặng tâm lý cho Gia Ưu. Anh chỉ khẽ nói: “Em đi về nghỉ
một lát đi, mọi việc ở đây cứ để anh lo liệu”.
Đàm Áo xảy ra chuyện, việc đầu tiên là phải thông báo
cho gia đình Đàm Áo biết. Ba mẹ Đàm Áo chưa đến kịp, Quan Thiếu Hàng nhờ người
ra sân bay đón họ, còn mình thì đứng ở cửa buồng bệnh chờ hai bác và thuật lại
sơ qua sự việc cho họ nghe. Sau đó đưa họ đến nhìn Đàm Áo đang nằm hôn mê trên
giường bệnh, rồi dẫn họ đi gặp bác sĩ điều trị nói chuyện cụ thể.
Gia Ưu qua công an phường trình báo sự việc xong, vội
vã quay lại bệnh viện. Cô chạm mặt ba mẹ Đàm Áo ngay ở cửa phòng Đàm Áo đang
nằm.
Mẹ Đàm Áo nhận ra cô xông đến tát cho cô một cái rõ
đau.
Mọi người có mặt đều rất sửng sốt. Thiếu Hàng phản ứng
lanh lẹ, kéo nhanh Gia Ưu đứng sau mình: “Cô ạ, cô làm gì thế?”.
Giọng anh nghiêm lại, mẹ Đàm Áo chùn trong giây lát
rồi kích động nói: “Con đàn bà này... chính là con đàn bà này đã hại con trai
ta ra nông nỗi này”.
Nói xong khuôn mặt già nua của bà lã chã nước mắt. Ba
Đàm Áo cúi đầu thì thầm bên tai vợ vài câu mong muốn bà bình tĩnh, nhưng bà
không chịu. Bà khóc lóc nói: “Con trai ta ở Hồng Kông muốn gì được đấy, có công
việc tốt, có tương lai sáng lạn. Tất cả chỉ vì cô mới quay trở lại đây. Ta
khuyên bảo thế nào cũng không được, ta đã nói rồi, nếu cô có tình cảm với nó
thì đâu kéo dài nhùng nhằng trong bao năm như thế… ta nói rách cả miệng mà nó
không chịu nghe câu nào… giờ thì hay rồi, xảy ra chuyện rồi. Ta cho cô biết,
Đàm Áo nhà ta không đi lại được bình thường thì cô đừng mong có cuộc sống yên
ổn!”.
Mặt Gia Ưu trắng bệch, bặm môi không nói câu nào.
Quan Thiếu Hàng nói: “Cô ạ, cháu là bạn của Đàm Áo.
Cháu tôn trọng cô là bề trên và cũng rất hiểu cho tâm trạng của cô lúc này.
Nhưng xin cô đừng có gây sự vô lý như vậy. Giờ công an đang tiến hành điều tra,
cháu tin là sẽ sớm bắt được hung thủ làm hại cậu ấy”.
Gia Ưu đứng đằng sau giật giật áo anh, ra hiệu anh
đừng nói nữa.
“Cháu xin lỗi đã thất lễ với cô”. Thiếu Hàng nói xong
nắm tay Gia Ưu dắt cô đi thẳng.
Dưới ánh đèn đường vàng vọt, sắc mặt nhợt nhạt của Gia
Ưu trông thật đáng sợ.
Thiếu Hàng thở dài nói: “Đừng nghĩ nhiều em ạ. Mẹ cậu
ấy chưa thể chấp nhận được sự việc xảy ra bất ngờ nên nói năng không kiềm chế
được”.
Gia Ưu nhếch khóe môi lên nói: “Bác ấy nói cũng đúng.
Nếu Đàm Áo ở lại Hồng Kông hay Đài truyền hình, đừng theo em thì đã không sao
cả”.
Thiếu Hàng nhíu mày nhìn cô chăm chú, mãi sau mới lên
tiếng: “Trì Gia Ưu, em ngẩng đầu lên nhìn thẳng vào mắt anh đây này”.
Cô ngẩng đầu lên nhìn anh với ánh mắt nghi hoặc.
“Tại sao em cứ buộc hết mọi việc vào người mình nhỉ?
Những việc đó do anh ta tự quyết định mà?”. Ánh mắt anh trông thật lạnh lùng,
giọng nói có phần bực bội: “Anh nói cho em biết em là em, anh ta là anh ta. Anh
ta yêu em, làm mọi thứ vì em cũng là do anh ta tự nguyện. Nếu ngày nào đó anh
ta làm cho em cảm động thì em hất anh sang một bên để đến với anh ta à?. Khi ấy
những gì anh ta bỏ ra có thể nói là được đền đáp. Nhưng giờ sự trả giá ấy không
hề có sự đền đáp. Đến cả làm ăn chúng ta cũng không thể đảm bảo kiếm được tiền
100% cơ mà, huống hồ là chuyện tình cảm? Chuyện của Đàm Áo không cần em phải
chịu trách nhiệm, em đừng có mua dây buộc mình nữa”.
Gia Ưu đau khổ ôm lấy mặt: “Anh nói sao nghe nhẹ nhàng
thế. Em và Đàm Áo chơi với nhau mười mấy năm rồi. Không phải nói chứ em hiểu
anh ấy còn hơn là hiểu người nhà mình. Lần này rõ ràng hai tên ấy muốn làm hại
em, chính vì cứu em nên mới bị thương. Em không thể lạnh lùng, đứng ngoài mọi
việc như anh nói được”.
Thiếu Hàng bị cô chọc tức như muốn nhảy dựng đứng lên:
“Nếu anh muốn bỏ mặc mọi việc thì giờ anh còn ở đây làm gì hả? Trì Gia Ưu ơi là
Trì Gia Ưu, anh chỉ muốn em tỉnh táo thôi. Ba mẹ Đàm Áo giờ không còn tỉnh táo,
suy nghĩ thông thoáng nữa rồi. Nếu em cũng loạn lên như họ, anh cũng hết cách”.
Gia Ưu bặm mạnh môi, hít thở thật sâu rồi nói: “Vậy
anh nói đi giờ phải làm thế nào?”.
“Bác sĩ nói em cũng nghe thấy cả rồi đấy. Anh thấy ba
mẹ Đàm Áo chưa chắc đã đồng ý cho con trai mình phẫu thuật”.
Gia Ưu không cảm thấy bất ngờ: “Tỉ lệ thành công chỉ
có hai phần, nếu là em, em cũng không muốn...”.
“Nhưng nếu không phẫu thuật, Đàm Áo cũng không trụ
được bao lâu nữa”. Thiếu Hàng thẳng thắn nhắc nhở sự thật phũ phàng
này.
Gia ưu lộ rõ vẻ buồn bã, lo lắng.
“Theo anh là nên phẫu thuật, chí ít cũng còn tia hy
vọng sống chứ”. Tuy là không muốn nhưng anh vẫn phải bày tỏ lập trường của
mình: “Mấy ngày tới, anh muốn em về qua nhà nghỉ ngơi. Anh sẽ ở đây nói chuyện
với bác sĩ và gia đình Đàm Áo xem sao”.
Thiếu Hàng dợm bước lên xe, cô vội kéo tay anh, anh
chưa bao giờ thấy khuôn mặt đầy vẻ mâu thuẫn và giằng xé như bây giờ của cô:
“Thiếu Hàng, anh thực sự thấy làm phẫu thuật sẽ tốt hơn à? Nếu thất bại Đàm Áo
sẽ không còn nữa”.
“Hai sự lựa chọn ấy đều không phải là những sự lựa
chọn hay, quyền quyết định không nằm trong tay anh và em. Nhưng anh sẽ khuyên
họ. Vì em cũng là vì cậu ấy, anh tin là nếu cậu ấy tỉnh lại chắc chắn cũng đồng
ý với quyết định này”.
Dường như cô muốn nói gì nữa nhưng anh chẳng kịp cho
cô nói thêm ấn vào trong xe luôn: “À phải rồi, đáng nhẽ tối nay anh cho em một
điều bất ngờ nhưng giờ thì nói luôn. Anh tìm được Bò sữa rồi, nó đang ở nhà đợi
em”.
Tìm thấy Bò sữa, đấy chính là thứ ánh sáng rực rỡ nhất
trong cuộc sống tăm tối của cô.
Để mẹ Đàm Áo khỏi kích động cũng như là tránh xung đột
với gia đình họ, hàng ngày Gia Ưu đi thăm Đàm Áo chẳng khác gì đi ăn trộm.
Đàm Áo tỉnh lại sau bốn ngày hôn mê. Nhận được tin báo
của Thiếu Hàng cô vui mừng vô cùng. Cô vội đến bệnh viện ngay, nhưng rồi mẹ Đàm
Áo cũng không buồn nể mặt cô, nhưng ngại con trai vừa tỉnh dậy còn yếu ớt nên
không ra mặt phản đối cô.
Đàm Áo đang không được vui lắm, nhưng nhìn thấy Gia Ưu
thì hân hoan ra mặt, nắm tay cô mãi không rời.
Mọi người trong gia đình Đàm Áo rút lui dần. Gia Ưu
ngồi xuống nói chuyện với Đàm Áo.
“Em không sao là tốt rồi”. Đàm Áo ngước nhìn cô rồi
nói.
Gia Ưu thấy sống mũi mình cay cay: “Ngốc ạ, anh có
biết là mình bị thương rất nặng không hả?”.
“Cả cái búa tạ đập như thế nếu mà còn khỏe mạnh thì
anh đã chẳng phải là con người. Nhưng mà em không phải lo đâu số anh còn vượng
lắm. Em có nhớ hồi học cấp hai anh bị ô tô đâm không? Xe đạp nát bét, còn anh
thì nằm viện một tuần, sau đó lại đá bóng bình thường còn gì”.
“Vâng, anh phúc lớn, số may”.
“Đương nhiên rồi”, Đàm Áo cười ha hả, mắt nhìn cô chằm
chằm rồi nói tiếp: “Em đừng có suốt ngày nhăn mày nhăn mặt thế. Đầy nếp nhăn
thì làm sao?, không cẩn thận bị Thiếu Hàng chê đấy”.
Thực sự là Gia Ưu muốn bò nhoài người ra giường bệnh
khóc một trận cho đã, nhưng cô không dám làm đảo lộn trạng thái tình cảm của
Đàm Áo, gượng gạo cười “Nói vớ vẩn, em chăm sóc da tốt lắm, mười năm nữa cũng
không lo có nếp nhăn nhé”.
“Mười năm nữa, em... 37 tuổi... anh cũng thế”.
Cuối cùng cô cũng không kìm được những giọt nước mắt
tuôn trào. Vội quay người đi lau, giả vờ cầm cốc nước hỏi anh: “Anh có uống không?
Uống nước không ạ?”.
“Không, anh mệt rồi”.
“Vậy anh nằm ngủ một lát đi”.
“Em có thể ở đây với anh không?”. Mắt anh ánh lên tia
hy vọng.
Gia Ưu gật đầu: “Anh ngủ đi”.
Đàm Áo nhắm mắt vào ngủ thiêm thiếp. Gia Ưu dựa lưng
vào ghế ngồi yên cả buổi chiều, mãi đến lúc bác sĩ vào kiểm tra cô mới tự giác
tránh đi. Và rồi nhìn thấy Thiếu Hàng đang ngồi ở chiếc ghế băng ngoài phòng
bệnh. Anh ngồi dựa lưng vào tường, chiếc máy tính xách tay đặt lên đùi, cắm cúi
xuống làm.
Gia Ưu lại gần: “Anh ngồi đây bao lâu rồi?”.
Thiếu Hàng ngước mắt lên nhìn cô cười cười: “Gần bằng
thời gian em ngồi trong ấy”.
Nói xong anh kéo tay cô, muốn cô ngồi bên cạnh mình:
“Đàm Áo thế nào rồi em?”.
“Anh ấy khá lạc quan”.
“Cậu ấy lúc nào chẳng lạc quan. Đó là ưu điểm của cậu
ấy mà”. Như chợt nhớ ra chuyện gì, khuôn mặt anh trông đăm chiêu lạ.
“Sao thế anh?”. Gia Ưu nhận thấy ngay điều đó.
“Ba mẹ cậu ấy nhất quyết không cho phẫu thuật”. Thiếu
Hàng dựa đầu vào tường: “Anh đã cố hết sức rồi.Dù gì anh cũng chỉ là người
ngoài, không tiện nói quá nhiều”.
“Em biết anh đã cố hết sức. Cảm ơn anh!”. Cô giơ tay
ra nắm lấy tay anh, giật mình vì tay anh nóng bỏng. Cô lập tức giơ tay sờ trán
anh: “Anh đang sốt à? Sao không nói với em?”.
Quan Thiếu Hàng nắm lấy tay cô: “Không sao đâu, không
nặng đâu mà”.
“Anh uống thuốc chưa?”
Thiếu Hàng lắc đầu.
“Đi khám bác sĩ. Em đưa anh đi”. Cô vừa nói vừa đứng
dậy.
Quan Thiếu Hàng mỉm cười ấn cô ngồi xuống: “Không cần
đâu, để anh tự đi cũng được. Em cứ ngồi chờ cậu ấy tỉnh dậy, đã nhận lời người
ta thì phải làm chứ”.
Gia Ưu biết anh nói có ẩn ý gì đó: “Ái chà, cái anh
này…”.
“Mấy hôm nay, anh nghĩ về một số chuyện”. Thiếu Hàng
gập máy tính vào đứng lên.
“Thế ạ?”, cô ngẩng đầu lên.
“Khoảng cách giữa chúng ta thực sự chẳng là gì giữa sự
sống và cái chết”. Anh cúi đầu, hôn nhanh lên đôi môi cô trong lúc cô còn đang
ngẩn người ra.
Sau hôm ấy, Gia Ưu nhờ Đóa chăm sóc Bò sữa thay mình.
Còn cô xin nghỉ phép dành phần lớn thời gian chăm sóc Đàm Áo.
Có lẽ là có trụ cột tinh thần nên anh dần tỉnh táo
nhiều hơn.
Gia Ưu nghĩ có chuyển biến tốt nên gặp bác sĩ trao đổi
tình hình. Nhưng rồi bác sĩ cho biết đó chỉ là tạm thời thôi, dù có nghị lực
đến đâu cũng không thể xoay chuyển được vết thương nặng của cơ thể.
Gia đình Đàm Áo nhất quyết không đồng ý cho anh làm
phẫu thuật. Gia Ưu hiểu điều ấy, quyết định này còn liên quan đến mạng sống của
Đàm Áo. Chỉ có hai phần may mắn, quả thực quá ít ỏi, quá tàn nhẫn.
Nhưng, lẽ nào cứ nhìn Đàm Áo chết hay sao?. Nghĩ đến
đây lòng cô đau nhói như bị dao đâm.
Cô không làm được, đây là người bạn thân thiết nhất
của cô, là người duy nhất đã ở bên cạnh cô trong những năm tháng tuổi thơ vui
vẻ.
Cô không muốn anh chết.
Đàm Áo tỉnh lại sau một lần hôn mê, cô bị một đoàn bác
sĩ và y tá đánh dạt vào góc phòng. Chăm chú nhìn khuôn mặt xanh xao của Đàm Áo,
đầu cô cứ hiển hiện lên cuộc nói chuyện vui vẻ giữa mình và Đàm Áo. Xem chừng
tinh thần anh rất phấn chấn.
Người ấy vui vẻ nói, anh còn mạnh mẽ hơn những người
mạnh mẽ khác.
Bỗng nhiên cô nảy ra ý định. Cho anh tự lựa chọn đường
đi cho chính bản thân mình còn hơn là ủy quyền cho ba mẹ anh ấy. Nếu Đàm Áo
quyết định, cô sẽ thực hiện giúp anh.
Sau lần cấp cứu ấy, Đàm Áo tỉnh lại, nhìn khuôn mặt âu
lo của Gia Ưu thầm chế giễu: “Anh lại ngủ như chết rồi hả?”.
Anh gắng sức nhìn rõ đồng hồ trên tường, Gia Ưu vội
chuyển sự chú ý của anh đi. Cô lấy bông thấm nước rồi nhẹ nhàng lau miệng cho
anh.
“Đàm Áo à, em muốn nói chuyện thẳng thắn với anh. Anh
cần phải biết tình trạng sức khỏe hiện giờ của mình thế nào”.
“Biết rồi, anh sắp chết”. Anh không hề kiêng kị gì từ
này.
Tim Gia Ưu như thắt lại: “Không, anh vẫn còn cơ hội
mà”.
Đàm Áo nhìn cô chằm chằm: “Ý em muốn anh phẫu thuật
hả?”.
Gia ưu bặm môi lại rồi quyết nói: “Em nghĩ thế nào
không quan trọng. Em muốn biết anh suy nghĩ gì thôi”.
Buồng bệnh bỗng lặng im như tờ, Đàm Áo nhắm mắt lại.
Gia Ưu biết anh không ngủ. Không biết thời gian trôi qua bao lâu, nhưng mãi sau
anh mới nói khẽ: “Tất nhiên là anh muốn sống lắm chứ. Thiếu Hàng nói với anh
rồi, cơ hội thành công còn hai phần thôi. Với cậu ấy, anh vẫn còn hai phần sống
sót, nhưng với ba mẹ anh thì chỉ có hai phần mà thôi. Anh hiểu ý của Thiếu
Hàng, anh cũng nghĩ như cậu ấy”.
Gia Ưu hân hoan nhìn Đàm Áo.
“Nhưng, anh không muốn mình là người quyết định”.
Cô ngẩn người ra hỏi: “Tại sao lại thế?”.
“Không hiểu có phải sắp chết rồi con người ta mới biết
sống lương thiện hay không. Bao nhiêu ngày qua nằm trên giưởng bệnh, tuy tỉnh
táo không nhiều, nhưng nhìn thấy mẹ, anh thấy mình bất hiếu. Từ nhỏ tới lớn anh
toàn chuốc họa, không chịu nghe lời mẹ. Mẹ anh lại là người hay khóc. Cuộc đời
mẹ từ khi sinh ra anh đã phải khóc không biết bao nhiêu lần vì anh. Lần này
thực sự anh không muốn làm trái lời mẹ”.
Gia Ưu im lặng.
Đàm Áo thở khó nhọc một hồi rồi nói tiếp: “Với anh vẫn
còn hai phần cơ hội thành công, nhưng anh không thể không nghĩ rằng nếu anh
chết trên bàn phẫu thuật thì mẹ anh sẽ ra sao? Chắc chắn họ sẽ gục ngã. Thôi
thì cứ gắng sống thế này qua ngày, cho mẹ có thời gian thích ứng dần dần”.
“Anh đã bao giờ nghĩ rằng đến ngày ấy mẹ anh cũng sẽ
hối hận không? Mẹ anh sẽ hối hận đã không cho anh phẫu thuật. Chỉ là kết quả
không phải như chúng ta muốn, dù lúc quyết định thận trọng đến đâu thì sau này
vẫn thấy hối hận”.
Đàm Áo nghe xong im lặng. Anh biết cô nói đúng. Chỉ
cần anh nhắm mắt từ giã cõi đời này, mẹ anh cũng sẽ đau khổ tuyệt vọng đến cùng
cực và rồi hận mình đã quyết định sai lầm.
“Em mong là anh sẽ cân nhắc thật kỹ về việc phẫu
thuật...” Cô chưa nói dứt lời thì cửa phòng bệnh mở toang ra thật mạnh. Mẹ Đàm
Áo giận dữ đến run rẩy nói: “Cô lại huyễn hoặc gì con trai tôi thế hả? Cô với
cả cái cái cậu tên Hàng ấy chẳng tốt bụng gì đâu. Cô cút đi cho khuất mắt!”.
Cô như chạy trốn vào đồng hoang, không phải cô sợ mà
là không muốn Đàm Áo đang bị giày vò bởi bệnh tật, phải khó xử giữa cô và mẹ
mình.
Rời bệnh viện cô đến công ty của Thiếu Hàng. Giây phút
này cô rất muốn được gặp anh, muốn nói cho anh biết mình vừa làm gì, là đúng
hay là sai. Cô thực sự muốn nghe ý kiến của anh, cho dù là đôi câu vài lời cũng
yên lòng.
Vì đang giờ ăn trưa nên sảnh chính của tòa nhà vắng
lặng, trống trải. Cô tự đi lên văn phòng của anh. Cửa khép hờ, cô nghĩ không có
ai nên đẩy cửa bước vào.
Thiếu Hàng đang nhoài người trên bàn làm việc, thấy
động vội ngẩng đầu lên mà không kịp che giấu sự mệt mỏi. Cô nhìn thấy ngay.
Anh ốm mấy hôm rồi mà cô không một lời hỏi han.
Thiếu Hàng cười nói: “Sao em lại tới đây?”
Chỉ thoáng một nụ cười thôi mà anh đã lấy ngay lại
được phong độ. Cô nhói đau trong lòng, nhưng rồi cũng trả lời anh: “À, em đến
thăm anh. Không làm phiền anh đấy chứ?”.
“Cũng đang giờ nghĩ trưa mà. Em ăn chưa?”
“Chưa. Anh cũng chưa đúng không? Mình đi ăn đi?”.
Thiếu Hàng gật đầu, với tay lấy chiếc áo comple vắt ở
thành ghế và cùng cô ra khỏi tòa nhà.
Hai người không có lòng dạ nào để ăn nhiều nên lái xe
đến một quán cháo gần trung tâm triển lãm. Cũng quá giờ ăn trưa, khá vắng
khách. Hai người chọn bàn trong cùng, gọi hai bát cháo và vài món rau ăn kèm.
Trong lúc chờ cháo lên, Gia Ưu nói cho anh nghe về suy
nghĩ của Đàm Áo. Thiếu Hàng nói: “Đấy cũng là suy nghĩ rất bình thường của con
người. Nếu cậu ấy cứ một mực đòi phẫu thuật, thành công tất nhiên mừng rồi,
nhưng nếu thất bại, ba mẹ cậu ấy chắc chắn sẽ tự hận mình sao không ngăn con
trai lại”.
Gia Ưu nắm chặt đôi đũa trong tay, im lặng.
“Ưu à, anh nghĩ kỹ rồi”. Thiếu Hàng ngước nhìn cô đang
chau mày ủ dột: “Chúng ta đừng xen vào chuyện của Đàm Áo nữa có được không?”
“Anh nói gì cơ?”. Gia Ưu sửng sốt hỏi.
“Mạng sống quan trọng lắm em ạ. Chúng ta không họ
hàng, thân thích gì với Đàm Áo, dù chúng ta rất muốn nhưng cũng không thể vượt
quyền ba mẹ cậu ấy để định đoạt mọi việc. Mình đã nói cho các bác nghe ý kiến
của mình rồi, không đồng ý cũng đành chịu chứ sao”.
“Nhưng...” Gia Ưu cuống lên.
Thiếu Hàng ngăn cô bằng ánh mắt và nói tiếp: “Dù hai
bác có đồng ý để Đàm Áo phẫu thuật nhưng anh lo là kết quả không như chúng ta
mong muốn. Nhà họ sẽ giận cá chém thớt, giận lây sang chúng ta. Khi ấy anh và
em sẽ phải gánh cái tội giết một mạng người nhà họ. Anh khác em, anh có thể
không quan tâm tới nhà họ, nhưng em thì có thể làm như vậy không? Ưu à, năm nay
em mới 27 tuổi nên anh không muốn cuộc sống sau này của em phải chịu nhiều dằn
vặt, đau khổ”.
“Để không bị giận lây chúng ta không màng đến sống
chết của Đàm Áo ư?” Gia Ưu kích động nói: “Tại sao anh có thể ích kỷ như thế
nhỉ?”.
Quan Thiếu Hàng im lặng một lát rồi nói: “Ừ, anh ích
kỷ đấy. Anh chỉ nói bấy nhiêu lời thôi. Em tự cân nhắc đi. Chúng ta ăn thôi,
anh đói rồi”.
Giọng anh khàn khàn yếu ớt, sắc mặt bình tĩnh thái quá
dần trắng bệch. Anh nhìn vào cái bát sứ màu trắng của mình chằm chằm và không
nói gì nữa.
Đầu Gia Ưu như bị bít lại, cô lặng lẽ ăn vài thìa cháo
rồi nghẹn ngào nói: “Em biết anh làm thế là tốt cho em, nhưng em không làm
được”.
Tối hôm ấy, Gia Ưu ngồi trong phòng đọc sách cho tới
sáng.