Khi Tôi Ghép Đôi Nhầm Bluetooth Của Ai Đó Trên Tàu Điện Ngầm

Chương 4: Chuyến Bay Thao Thức




Về nhà, tôi bèn tắm rửa ngay.

Việc thoa sữa dưỡng thể vốn là buổi đực buổi cái nhưng hôm nay tôi đã lấy hũ dưỡng thể bạch trà bên dưới hũ tẩy tế bào chết, đặt ở chỗ cao ngay trong tầm mắt để nhắc nhở bản thân chăm dưỡng da.

Ngoáy tai bằng tăm bông rồi trở lại phòng ngủ, tôi cầm di động ở cuối giường, phát hiện Lục nhắn tin đến.

Là một tấm ảnh chụp cảnh đêm với những đốm sáng bên kia bờ phản chiếu trên mặt nước tựa như ngân hà.

Tôi phóng to ảnh và nghiên cứu, xác định là ven Hồ Tây Lâm mới lưu vào album ảnh, gõ chữ: Anh tan tầm rồi sao?

Anh nói: Ừ.

Tôi: Không đi tàu điện ngầm về?

Anh: Tôi muốn đi dạo chút.

Tôi: Cho tiêu cơm à?

Anh: Tôi vẫn đang đói.

Tôi: Anh chưa ăn tối?

Anh: Chưa kịp ăn.

Tôi thấy mình gửi đi một hàng chữ bốc đồng: Tôi mời anh ăn khuya.

Tôi cũng không rõ bản thân đang nói đùa hay đang đưa ra một đề nghị nghiêm túc.

Phản ứng của anh không ngoài dự đoán: Bây giờ?

Tôi ướm hỏi: Không được ư?

Lục: Muộn quá rồi.

Tôi ngoảnh đầu nhìn mình đang đắp mặt nạ trong gương, bỗng tỉnh táo hẳn: À há, tôi cũng tẩy trang rồi.

Anh nhắn lại y chang: Ngày mai tôi mời cô ăn trưa nhé?

Trái tim loạn nhịp vì lời mời bất ngờ này, tôi nhăn mặt: Hả?

Anh bắt chước tôi: Không được ư?

Là lỗi của tôi, đã làm gương xấu còn không biết dọn dẹp hậu quả thế nào: Đi thì đi được.

Anh nhận ra tôi muốn đổi ý: Nhưng?

Mặt nạ của tôi liên tiếp bị xô lệch: Chưa chuẩn bị xong tâm lý.

Anh bèn trích dẫn lại câu tôi mời anh ăn khuya: Đây là?

Tôi cam chịu nằm xuống giường và tự lấp hố cho mình: Khảo nghiệm.

Anh trả lời bằng meme con mèo giơ móng vuốt “tôi đầu hàng, tôi đầu hàng”, coi bộ khá tốt tính: Vậy tôi vượt qua khảo nghiệm chưa?

Tôi xé chiếc mặt nạ đã nhăn nhúm từ lâu: Ừm.

Anh còn nói: Cô từ chối cũng không sao.

Tôi quả quyết: Tôi đồng ý.

Trạng thái gõ chữ của Lục ngừng một giây, chắc là đang tiêu hóa thái độ mâu thuẫn của tôi.

Anh: Để tôi tìm địa điểm.

Lại hỏi tiếp: Cô thích ăn gì?

Tô vô thức trích dẫn câu anh muốn mời tôi ăn trưa, ra vẻ cảnh giác: Đây không phải khảo nghiệm anh dành cho tôi chứ?

Anh phủ nhận: À không, là khảo nghiệm thứ hai của cô với tôi.

Anh: Cảm ơn cô vì đã nhận lời.

Tôi úp mặt vào di động, lòng vui như mở cờ.

Hàn huyên thêm vài câu, Lục bảo anh đã tới nhà. Tôi xem đồng hồ trước mặt thấy đã qua 0 giờ, bèn kêu anh lo làm việc cá nhân, chuyện khác để mai hẵng nói. Chúc nhau ngủ ngon xong, tôi sực nhớ một điều rất quan trọng, dừng ở khung chat hỏi: Anh bao nhiêu tuổi?

Anh đáp: 27.

Tôi: OK.

Anh tò mò: Sao tự dưng hỏi tuổi?

Tôi: Để quyết định ngày mai sửa soạn thế nào.

Anh lại gửi meme con mèo đầu hàng.

Tôi phát hiện rất có khả năng là anh đang cười mỗi khi gửi meme này, giống như nhãn cố định vậy.

Trước khi ngủ, tôi làm sao cũng không bình tĩnh được nên đành xem lại lịch sử trò chuyện giữa tôi và Lục cả ngày nay. Xem xong là hơn 1 giờ, quai hàm đã mỏi nhừ, tôi phát hiện anh cập nhật vòng bạn bè.

Vẫn là một bài hát, “Chuyến Bay Thao Thức”.

Tôi cong môi nhẩm lời bài hát, replay không biết bao nhiêu lần.

Hôm sau, tôi lôi cả chục bộ đồ trong tủ quần áo ra mặc thử nhưng đều không vừa ý, cũng chẳng còn cách nào cả, tôi đành chọn chiếc váy ưng mắt nhất. Trước khi bắt tàu điện ngầm, tôi còn gội đầu ở tiệm cắt tóc trước cửa chung cư và nhờ anh thợ uốn tóc giúp.

Thấp thỏm chịu đựng hơn một tiếng hồ ở công ty, buổi trưa tôi có mặt đúng hẹn.

Địa điểm gặp gỡ là trung tâm thương mại gần công ty tôi, cửa số 1. Thời gian còn sớm nên tôi từ tốn đi bộ qua, song trái tim lại đập rộn ràng như thi chạy.

Khó khăn lắm tôi mới giữ được nhịp thở đều đều.

Hôm nay là thứ Bảy, trời quang đãng, mặc dù là ngày làm việc nhưng khu thương mại chưa từng vắng vẻ, mỗi lối ra đều đông nghịt người.

Băng qua vỉa hè, tôi đứng sát lề đường, cúi đầu gửi tin cho Lục: Tôi đến nơi rồi.

Mười phút trước anh vừa thông báo: Tôi đã xuất phát.

Tin nhắn của chúng tôi xuất hiện đồng thời trong khung chat…

Tôi hỏi: Anh mặc áo màu gì?

Anh: Tôi đứng ở cửa.

Anh: Áo trắng.

Tôi bước đến và quan sát từng người đàn ông mặc áo trắng lui tới, nhưng Lục chắc hẳn đã đứng im.

SOS, tôi lại hồi hộp đến mức trở thành ruồi nhặng mất phương hướng, xuống tàu tìm người như hôm qua.

Lúc này, anh gọi điện.

Tiếng chuông reo hại tim tôi muốn nhảy khỏi lồng ngực, tôi nhận máy toan trả lời thì anh đã mở miệng: “Có lẽ tôi trông thấy cô rồi.”

“Cô nhìn đằng trước.”

Âm thanh này tưởng như ngọn hải đăng giữa biển người, tôi ngước mắt dõi theo hướng anh chỉ. Trong phạm vi tầm nhìn, có một chàng trai cao gầy đang vẫy tay chào tôi, đầu óc tôi ong ong, một từ “kinh ngạc” không đủ hình dung cảm giác tôi vào giây phút này. Tôi vô thức nheo mắt không phải vì ánh nắng, cũng không phải vì gương kính phản xạ của trung tâm thương mại, mà chỉ vì anh. Cảnh anh rảo bước về phía tôi hệt như đang xem phim Hàn Quốc, trong ánh sáng dịu và pha quay chậm, tôi di chuyển đến giữa khung hình.

Tôi bị trống ngực dồn dập khóa chặt tại chỗ không thể nhúc nhích, gần như nghẹt thở.

Anh dừng lại trước mặt tôi, cất giọng gọi: “Kiki.”

Ung dung điềm tĩnh, không phải đang xác định thân phận mà như chúng tôi vốn đã quen biết.

Thực tế giọng anh hơi khác giọng ghi âm trong điện thoại, chân thực hơn, rõ nét hơn, nhưng độ êm tai không hề thay đổi.

Tôi gật đầu nhẹ, cảm thấy không cần giấu danh tĩnh nữa, bèn nói: “Cứ gọi tôi là Kỳ Diệu đi.”

Bởi nghiệp vụ đòi hỏi tôi phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng nên sự bối rối cơ bản sẽ không xuất hiện trên người tôi.

Ngay cả khi tôi cảm nhận được nhiệt độ vành tai đang tăng vọt.

Tôi bị ánh mắt anh nướng chín, nói đúng hơn là anh chỉ cần nhìn thôi cũng đủ khiến tôi nóng bừng.

Chắc chắn Lục không cận thị vì ánh mắt anh rất đỗi sáng trong.

Sau đó, anh thay đổi xưng hô: “Kỳ Diệu.”

Anh khẽ cong môi: “Đúng là có chút kỳ diệu.”

Lần đầu tiên tôi biết hóa ra có người mỉm cười chói lóa mà không cần nhe răng.

Anh thực sự khôi ngô như vậy ư? Hay chỉ là sự kích thích của dopamine, hoặc giả thời tiết quá đẹp? Trông anh hoàn hảo đến khó tin, y hệt người bạn trai hiếm có khó tìm trong bộ phim tình cảm mùa hè, ngoại hình trẻ đẹp, ánh mắt chuyên tình, mái tóc bồng bềnh, rèm mi cong dày khiến người ta muốn vươn tay sờ.

Tôi nhìn không rời mắt: “Anh không phải người đầu tiên nói thế.”

Anh khai tên đầy đủ: “Lục Thành Tắc.”

Tôi nhẩm theo: “Lục Thành Tắc.”

Anh “ừ” bằng giọng mũi hơi nặng, sau đó ái ngại xoa mũi ho khan y như vừa quát to giữa lớp học rồi tự quê một cục.

Cảm giác thiếu niên chết tiệt xuất hiện trên người một chàng trai 27 tuổi, sao có thể không làm người ta nhộn nhạo? Khóe miệng tôi sắp nhoẻn lên mất kiểm soát: “Chữ “Thành” và “Tắc” nào? Về tôi sửa ghi chú.”

Anh đáp: “Thắng (Thành) làm vua, thua làm giặc.”

Tôi ra vẻ cụ non đánh giá: Ồ, rất có chí hướng cao xa.”

Biểu cảm thoải mái đầu tiên anh lộ ra sau khi chúng tôi gặp mặt vẫn là một nụ cười, trông đẹp trai và quyến rũ hơn hẳn khi mím môi.

“Thực ra không phải.” Anh nói: “Ngày xưa ba mẹ tôi quan niệm không có khuôn phép (Tắc) thì sao nên (Thành) người.”

Tôi: “Vậy anh là người khuôn phép ư?”

Chắc anh không ngờ tôi sẽ gặng hỏi nên thoáng ngập ngừng: “Hẳn là?”

Tôi vẫn nhìn anh: “Nhưng dáng dấp anh không khuôn phép tí nào cả.”

Rốt cuộc, anh mỉm cười quay mặt đi, lộ ra một chút ngại ngùng, một chút dè dặt, một chút tự đắc của thiếu niên và một chút bất lực.

Đúng, chính là thiếu niên. Bản thân Lục hơi khác với tính cách trên mạng, Trong khung chat anh có vẻ chủ động hơn, cũng có cảm giác khống chế thiên về chất “đàn ông”, nhưng khi đối mặt với anh, bộ não tôi lại tự động sửa từ khóa kia thành “thiếu niên”.

Lát sau, anh ngoảnh đầu, mặt nghiêm nghị: “Tôi nên cảm ơn hay giải thích đây?”

Anh thừa biết ưu điểm của mình, cũng chẳng ngại ngần gì nó nhưng lại ra vẻ thú tội, cho tôi ảo giác tôi chiếm thế thượng phong, hại anh đắn đo lưỡng lự.

Nên tôi cố ý hỏi: “Giải thích gì cơ?”

Anh đáp: “Sự thiếu khuôn phép của tôi. Tôi không muốn để lại ấn tượng đầu xấu xí cho cô.”

Tôi giúp anh giải thích: “Vấn đề gen di truyền, anh cũng đâu muốn thế.”

Anh lại bật cười.

Anh cười bao lâu thì tôi cũng cười bấy lâu nhưng phải kiềm chế để không ai biết mình rớt liêm sỉ. Quan hệ nam nữ liệu có thể rèn da mặt mỏng chăng, sao không có nhà khoa học nào xem đây là đề tài nghiên cứu?