Khánh Hi Kỷ Sự

Chương 20: 20: Lê Xán





Mùng một tháng Giêng năm thứ mười ba, hoàng hậu Vương thị vẫn ngồi trên cung Khôn Ninh được hoàng phi, ngoại mệnh phụ chầu mừng như năm ngoái.

Vẻ mặt Vương hoàng hậu điềm tĩnh bình thản, mỉm cười hết sức nghiêm trang, dù là ai cũng không nhìn ra chỉ mấy ngày trước, trong cung còn có một chuyện vô cùng lớn.
Hôm Chiêu Phúc thắt cổ tự vẫn, hoàng đế nghe tin thì tất nhiên đã nổi trận lôi đình, lập tức thảo chiếu thư phế hậu, giao cho thái phó Lưu Viễn và nói: “Ngông cuồng đến thế, không còn gì để nói nữa, thái phó xem mà làm đi”.
Lưu Viễn đáp: “Việc này… không có bằng chứng, hoàng thượng lại nói không rõ ràng, làm sao ăn nói với người trong thiên hạ được? Hay là hỏi ý thái hậu thế nào trước đã”.
“Tùy tiện!” Hoàng đế tức đến mức người ra đầy mồ hôi, phẩy tay áo bỏ đi.
Lưu Viễn cầm chiếu thư, chưa trở về nội các mà đến thẳng cung Từ Ninh xin gặp.
Thái hậu nghe xong, cười hỏi: “Lưu khanh, khanh cũng hết sức tán thành việc chọn Vương thị làm hậu là vì cớ gì?”.
Hiện giờ cha hoàng hậu vẫn là đại tướng quân Chấn Bắc thống lĩnh mười vạn kỵ sư, anh trưởng theo hầu ở trong quân Chấn Bắc, công lao đã cao đến chức tướng quân Hộ Quốc, anh thứ phòng thủ ở phía tây, là thượng tướng chính tam phẩm.

Cả nhà họ Vương đều có công lao cái thế, năm đó chọn hậu là để lôi kéo trọng thần trong triều, kìm hãm ý định của phiên vương.

Sao Lưu Viễn lại không biết lợi hại bên trong nhưng lúc này lại chẳng thể thốt nên lời.

Trong lúc do dự, lão nghe thái hậu nói: “Bây giờ đại chiến sắp tới, đừng nói hoàng hậu không làm gì sai, cho dù ngàn sai vạn sai, há có thể nói phế là phế? Suy nghĩ của hoàng đế và thái phó giống nhau, nếu không chẳng thèm hỏi một tiếng mà đã tha cho tên nô tài đó dễ dàng kết liễu rồi ư? Lưu khanh không rõ tính trẻ con của hoàng đế, hoàng đế dọa nạt người khác cho vui thôi”.
“Tính trẻ con?” Bức chiếu thư ấy chẳng qua chỉ vì hoàng đế dỗi ư? Lưu Viễn cười gượng với thái hậu.
Thái hậu nhận lấy chiếu thư phế hậu trong tay lão rồi sai Hồng Tư Ngôn ném vào trong lò sưởi, đốt sạch.
Hoàng hậu không việc gì, hoàng đế lại tức đến đổ bệnh, đi tới đi lui trong cung vào thời tiết giá rét nên bị cảm lạnh, mùng một Tết cũng chẳng có tinh thần.

Hoàng hậu tới thăm thì bị từ chối khéo ở bên ngoài.

Nàng chẳng hề tức giận, chỉ cười nhạt dẫn người tự về cung Khôn Ninh.

Hoàng đế mang bệnh vẫn bận rộn với công việc quan trọng, võ quan trẻ ở các nơi nhận được công văn của bộ binh từ năm trước đã lục tục lên kinh, bộ binh tấu xin sắp xếp cho mọi người.

Hoàng đế gọi Ông Trực vào, ra một đạo chỉ dụ.
Ông Trực mở ra, không khỏi kinh hãi hỏi: “Thiết lập lại kinh doanh?”
“Đúng vậy.

Hãy điều thẳng khoản lương bổng, quân nhu mà đợt trước Tịch Tà đã bàn bạc với bộ binh, bộ hộ đã chuẩn bị đầy đủ từ năm ngoái vào binh doanh của cửa khẩu Tiểu Hợp”.
Ông Trực lặng lẽ quan sát bốn phía một vòng, không thấy bóng dáng Tịch Tà đâu, Cát Tường và Như Ý cũng không ở trước vua, không biết có biến cố gì mà cũng chẳng dám hỏi.

Mối nghi ngờ kinh ngạc trong lòng không có ai để hỏi, chỉ đành mặt dày cười xòa nói: “Thánh thượng thiết lập lại kinh doanh, thần ngu muội không rõ ý thánh, phiền thánh thượng tự làm mọi chuyện, nay mọi việc đều đã chu đáo, khiến lão thần nhặt được của hời có sẵn”.
Hoàng đế mỉm cười, khóe miệng mấp máy nhưng lại kiềm chế không nói.

Ông Trực thưa: “Thần chỉ có một chuyện không rõ, xin thánh thượng chỉ cho”.
Hoàng đế ho một tiếng, bảo: “Nói đi”.
“Thiết lập lại kinh doanh, hiện nay lương bổng, binh khí và ngựa đều không thiếu, sau tháng giêng quan võ cũng đều tới kinh.

Nhưng binh sĩ từ đâu ra? Bộ binh điều động quân phòng thủ địa phương hay là chiêu mộ người khác? Xin hoàng thượng nói rõ”.
Hoàng đế cười, bảo: “Lý Cập”.
“Vạn tuế gia”.

Lý Cập khom người định hỏi.
Hoàng đế đang muốn ho khan nên trong chốc lát không nói nên lời, chỉ khoát tay áo.

Lý Cập khó hiểu, vẫn chờ ở đấy.

Hoàng đế lấy hơi, bực mình nói: “Gọi Khương Phóng”.
“Vâng”.

Lúc bấy Lý Cập mới chợt hiểu, nhanh chóng đi ra.
Chẳng bao lâu Khương Phóng đã vào thỉnh an, hoàng đế cười nói: “Ông khanh đã nhận được chỉ dụ thiết lập lại kinh doanh, đang đòi binh với trẫm đấy”.
Khương Phóng cười đáp: “Giờ thần sẽ giao bốn vạn tinh binh cho Ông thượng thư ngay”.
Ông Trực lấy làm kinh hãi: “Lẽ nào Khương thống lĩnh đã chiêu mộ quân sĩ? Vì sao bộ binh không biết?”.
Khương Phóng nói: “Sao thượng thư lại không biết bốn vạn người này? Đó vốn là cấm quân ở hành cung Thượng Giang.

Đất Thượng Giang lớn, quân coi giữ tổng cộng có sáu vạn người, thời gian phát huy được tác dụng trong một năm chỉ được một tháng, để ở đó ăn không lương bổng, quân kỷ thối nát, chơi bời lêu lổng.

Năm ngoái hoàng thượng giá lâm hành cung, đã lệnh thần tập kết bốn vạn binh mã của bãi săn Thượng Giang lại một chỗ, luôn thao diễn, nửa năm qua liên tục sai thị vệ trong cung lui tới giám sát.

Bốn vạn người này chưa từng được điều động, do đó bộ binh chưa từng lưu ý đến, chỉ thống lĩnh cấm quân và thống lĩnh thị vệ biết thôi”.
Ông Trực cười gượng nói: “Điều cấm quân Thượng Giang vào kinh doanh, vậy việc phòng thủ Thượng Giang thì thế nào?”.
Hoàng đế bảo: “Thượng Giang chỉ là một hành cung tránh nóng, vốn không phải là vùng tranh chấp nhà binh gì, để nhiều quân phòng thủ trong đó như vậy làm gì? Trẫm tin rằng hai khanh cũng không nói rõ được rốt cuộc hành cung lớn đến nhường nào, một năm trẫm đến không được một hai tháng, mấy năm nay, nơi từng đi qua cũng chưa được ba phần, chẳng thà giao ranh gới xung quanh hành cung cho phủ nội vụ, cho phép làm mặt ngoài của kinh doanh, trẫm chỉ cần phần giữa để cưỡi ngựa là được.

Như vậy sẽ bớt được nhiều chi tiêu ở hành cung, số quân coi giữ cũng có thể cắt giảm.

Không tốt sao?”.
Nước mắt già nua của Ông Trực doanh tròng, nói: “Thánh thượng thương xót cho nỗi khốn của bề tôi, thà để mình ấm ức, hoàng thượng thánh minh! Xưa nay có mấy vị hiền quân như vậy chứ?”.
Hoàng đế bật cười bảo: “Được rồi! Hai vị ái khanh tự đi điều động tuyến nhân mã này vào cửa khẩu Tiểu Hợp, có việc gì thì mau chóng báo cho trẫm biết”.

Hắn ta ngẫm nghĩ rồi lại nói: “Khương Phóng, khanh ở lại”.
“Vâng”.
Hoàng đế xoa huyệt Thái Dương, trông tấu chương và văn thư chồng chất như núi ở bên cạnh thì thở dài: “Tình cảm giữa khanh và các sư huynh đệ Tịch Tà cũng không tệ lắm nhỉ?”.
Khương Phóng biến sắc, vội vàng khom người tâu: “Thần không dám.

Tịch Tà là nội thần, vả lại lúc này…”.
Hoàng đế không vui nói: “Trẫm hỏi thử thôi, đi xuống đi”.
Khương Phóng dập đầu, tâu: “Thần đã hiểu.

Thần xin cáo lui”.
Hoàng đế nghe vậy thì không nén được vui mừng: “Đã hiểu rồi?”.
“Vâng, đã hiểu rồi ạ”.

Khương Phóng cố nén để không bật cười.
Khương Phóng bàn xong mọi hạng mục công việc như cho cấm quân Thượng Giang lên đường, hành quân, vào doanh với Ông Trực thì tranh thù ra khỏi phòng trực.

Ngoại thần không thể đi quan mấy con đường hẻm trong cung nên Khương Phóng đi đường vòng vào con đường giáp bên hành lang phía đông, đến trước cửa viện Cư Dưỡng.

Hôm nay là mười lăm tháng Giêng, Tiểu Thuận Tử và Tiểu Hợp Tử đang leo lên cạnh cửa treo đèn lên trên, thấy anh ta tới, bèn xuống thang thỉnh an.

Khương Phóng cười nói: “Miễn miễn, cẩn thận ngã đấy.

Ba vị gia của các cậu đều ở đây à?”.
“Đều ở trong buồng phía đông chơi cờ ạ.

Tối Khương gia hãy ở đây xem đèn uống rượu”.
“Tôi không có số hưởng phúc này”.

Khương Phóng lắc đầu cười than.
Minh Châu nghe thấy tiếng động liền đi tới hành lang đón chào: “Đại thống lĩnh tới rồi, vào chái đông ngồi đi, lát nữa tôi sẽ mang bánh trái lên ngay”.
Lúc này hành lang viện Cư Dưỡng đã treo đầy đèn màu, tua đỏ dưới đèn khẽ tung bay, nhìn mà vui mừng dào dạt nhưng tuyết dày cả thước trong viện không có ai quét, lụa đỏ của pháo rơi lác đác, không người không tiếng động, vắng lặng đến mức kỳ dị.
Khương Phóng vén rèm vào chái đông, Cát Tường và Tịch Tà sắp xếp bàn cờ và chơi cờ ở trên giường, Như Ý nghiêng ngả trên giường bên cạnh như đang ngủ, đợi Khương Phóng vào, anh ta lại là người đầu tiên đứng lên cười nói: “Đó là khách không mời mà đến, các anh em có trông thấy không? Thời gian nhàn rỗi chấm dứt rồi”.
Cát Tường và Tịch Tà ném quân cờ rồi xuống giường, mọi người ngồi quanh bàn.

Khương Phóng nói: “Anh em các ngài đúng là tiêu dao sung sướng, chẳng hề nghĩ đến sự quan tâm thường ngày của vạn tuế gia.

Hôm nay tôi tới hỏi, các ngài từng có ý ăn năn chưa?”.
Cát Tường nghiêm mặt nói: “Đã ăn năn lâu rồi.

Tất cả trông cậy vào đại thống lĩnh nói tốt mấy câu thay anh em bọn tôi ở trước mặt vạn tuế gia”.
Khương Phóng lắc đầu bảo: “Sao tôi dám nhắc tới trước mặt hoàng thượng? Hay là các ngài viết một tấu chương xin xá tội, tôi thay các ngài đưa lên cũng được”.
Cát Tường cười: “Vậy thì cùng viết một bức”.

Y nhìn Như Ý, bảo: “Như Ý, em viết đi”.
Như Ý vội khoát tay: “Em không biết chữ, để Tịch Tà viết”.
Tịch Tà thản nhiên nói: “Em mới khỏi bệnh, không cầm được bút”.
Rèm cửa vừa vang lên, Minh Châu nâng mấy bát sứ tinh xảo đi vào, bảo: “Mấy gia ăn lót dạ đi”.
Ba anh em nhìn nhau, đều nở nụ cười.

Minh Châu cười nhạt nói: “Tôi ở bên ngoài đã nghe thấy rồi, nhưng đừng trông mong vào tôi.

Chi bằng thế này, trong nhân bánh nguyên tiêu này bọc một đồng tiền vàng, ai ăn phải thì người nấy viết”.
“Rất tốt”.

Ai nấy đều cười, nhao nhao đưa tay tranh giành.
Bánh nguyên tiêu này bọc nhân hạch đào và nhân hoa hồng, vừa thơm vừa ngọt.

Như Ý ăn hai cái, vừa định vỗ tay khen thì trong răng cấn thứ gì, biết là tiền vàng thì bỗng không dám lên tiếng.
Cát Tường ăn rất nhanh, buông bát cười nói: “Đã vậy thì anh về nhà ăn Tết, tốt xấu gì cũng hơn nửa tháng chưa về rồi”.
Khương Phóng hỏi: “Lục gia thế nào? Sắc trời còn sớm, chi bằng ra ngoài đi dạo”.
Tịch Tà cười nói: “Đúng hợp ý tôi.

Đại thống lĩnh chờ một lát”.
Hắn vào thay quần áo, Minh Châu thu dọn bát, cười hì hì nói với Như Ý: “Nhị gia, đại cát đại lợi”.

Như Ý dậm chân trở về phòng, kêu vọng ra ngoài: “Hai cái thằng nhóc con qua đây mài mực cho nhị gia”.
Mọi người cười một lát, Tịch Tà đã mặc xong một chiếc áo da gấm lam mộc mạc, che lên quần áo trong cung rồi cùng Khương Phóng ra khỏi cung từ cửa Chấn Bắc.

Kinh đô phồn hoa như muốn cùng nở rộ trong mấy ngày này, dọc đường đi đèn lồng đong đưa, xe chạy băng băng, đều là cảnh tượng tươi mới.

Hai người quẹo vào ngõ Lan Đình, vì đang tết nhất nên lán trúc màu đỏ trước kia đã được người ta dùng nan tre mới đổi thành nóc phỉ thúy, đèn nguyên tiêu các nhà chằng chịt phía dưới, không cần châm lửa đã cảm thấy xán lạn đến hoa cả mắt.
Cũng may từ mùng một Tết tới tết Nguyên Tiêu, ngõ Lan Đình luôn tiêu điều, người qua lại không nhiều lắm, Tịch Tà và Khương Phóng đi tới trước cửa viện Tê Hà, hai thằng nhóc đang cóng đến giậm chân, trông thấy bèn bước lên trước thỉnh an.
Khương Phóng hỏi: “Trời rét thế mà không ở trong phòng, lại chẳng có khách, đứng ở bên ngoài hứng gió à?”.
Thằng nhóc cười nói: “Gia không biết thôi, ma ma bảo hai đứa tôi trông ngọn đèn kia đấy”.
Khương Phóng và Tịch Tà quay đầu, quả thấy ở giữa lán trúc treo ngọn đèn dầu kéo quân lớn trong suốt như thủy tinh cao bằng một người, đèn lồng từ gấm màu vây quanh bốn mặt, hết sức huy hoàng.
Tịch Tà cười rằng: “Tất nhiên có đèn là tốt nhưng cũng không đến nỗi để cóng người”.
Thằng nhỏ thưa: “Lục gia xót tiểu nhân, bọn tiểu nhân càng nên ở trước cửa chờ gia tới, tiện việc hầu hạ.

Mời gia vào bên trong”.

Một đứa khác đã vào mời Tê Hà nhanh như làn khói.
Tê Hà vận áo lông chồn tía mới tinh, sáu chiếc trâm vàng cài búi tóc, đầu trâm là ngọc hình bướm, uyển chuyển ra đón, dịu dàng cúi chào.

Ba người chúc năm mới với nhau xong, nàng bèn mời vào lầu Hồi Mâu.

Nha hoàn xếp tám đĩa nhỏ, dâng rượu ấm lên rồi rũ tay lui ra.
Tê Hà nói với Khương Phóng: “Đầu bếp làm nhiều kiểu mới, ngài không đi học món mới à?”.
Khương Phóng vui vẻ nói: “Hắn vẫn chưa về quê sao?”.
“Tôi đón cả nhà hắn tới rồi, đang vui mừng hớn hở đấy! Còn về đâu nữa?” Tê Hà đẩy anh ra ra khỏi cửa rồi quay lại nói với Tịch Tà: “Ưu Quan Nhi có tin rồi, lúc trước quả thực thầy hai thoát thân đến Hồng Châu, chưa được mấy ngày lại về”.

Tịch Tà không ngờ thằng nhỏ Tê Hà sai đến vùng Hồng Châu lại có năng lực như vậy, nhanh thế đã điều tra được tin tức nên hơi bất ngờ, cười rằng: “Mặc dù đứa bé kia còn trẻ nhưng là nhân tài có thể đào tạo, đợi khi về tôi muốn gặp mặt.

Cậu ta có biết thời gian này thầy hai đã làm những gì không?”.
Tê Hà lắc đầu đáp: “Không biết ạ, vào vùng Hồng Châu thì đã mất tin tức.

Ưu Quan Nhi vẫn đang điều tra”.
Tịch Tà gật đầu nói: “Làm khó đứa trẻ ấy rồi”.
Tê Hà nhếch miệng cười: “Bản thân Lục gia cũng là trẻ con đấy, còn nói nó?”.
Hai người nghe thấy Khương Phóng lên lầu, bèn nói mấy câu chuyện phiếm khác.

Khương Phóng vào nhà nói: “Tước quỷ! Gia có muốn ăn một ít không?”.
Tê Hà sẵng giọng: “Lại nói lời nhảm nhí gì mà tôi không hiểu thế?”.
Tịch Tà cười bảo: “‘Tước quỷ’ mà anh ta nói chẳng qua là thịt đầu lừa thôi, trong cung hiếm có người ướp ngon, tôi không ăn đâu”.
Tê Hà đứng dậy oán hận nói: “Sao lão Thân kia lại đưa vật này vào phòng bếp?”.
Khương Phóng thấy nàng lật đật xuống lầu thì không khỏi cười nàng.

Tịch Tà hỏi: “Tiệc rượu chẳng lành, đại thống lĩnh muồn dặn dò điều gì?”.
“Chủ nhân chớ chê cười tôi”.

Khương Phóng ngồi gần hơn, cười nói: “Tôi tới nhận lỗi thay hoàng đế, Lục gia nể mặt uống chén rượu đi”.
Tịch Tà ngửa đầu cười to: “Không dám, có cần ta dập đầu tạ ơn không?”.
“Ha ha! Là tôi nói sai, phạt một chén trước!” Khương Phóng uống chén rượu rồi lấy điệp báo ra từ trong ngực: “Gần đầy chỗ gia tạp người, điệp báo cứ nán lại mãi, xin gia thứ tội”.
“Nói gì thế?” Tịch Tà cười nói, nhận lấy xem xong thì than thở: “Băng tuyết phủ khắp Hạ Lý Luân, chim diều không bay nổi, cứ dăm ba ngày người phía bắc lại phải truyền điệp báo đến kinh, vất vả rồi”.

Lại nói: “Vết thương của Quân Thành đã dân bình phục, khổ nỗi dưới gió tuyết, binh mã chỉ đành trú ở Hạ Lý Luân.

Đã đến đầu xuân, chính là lúc nhuệ khí của chúng tràn đầy, triều đình trung nguyên không thể kéo dài việc dùng binh được nữa”.
“Vâng”.

Khương Phóng hỏi: “Có cần gọi đại tướng quân Chấn Bắc về kinh bàn không ạ?”.
Tịch Tà cười nói: “Người này thanh cao tự phụ, gọi trở về rồi, chúng ta có thể bắt ông ta thế nào được?”.

Hắn cầm chén trong tay, uống một hớp rồi đột nhiên nói: “Anh nghe đi”.
Cách hai gian phòng, không biết ai ngồi mà đột nhiên kêu ầm một tiếng, cất tiếng cười to.

Cô nương của viện Tê Hà la to trong đó: “Ngượng nghịu như vậy cũng coi là chàng thám hoa à?”.
Còn có người bảo: “Đã tóm được người họ Du kia, hắn là bảng nhãn đấy, sao có thể buông tha cho gã”.
Tịch Tà và Khương Phóng không khỏi nhìn nhau bật cười, thì ra bảy mồm tám mỏ ấy chính là đám thị vệ tâm phúc trong cung.

Hai người vốn thảnh thơi, Khương Phóng bèn mời Tịch Tà cùng nhau dời bước đi qua góp vui.

Đã thấy Du Vân Dao, Úc Tri Thu và Hồ Động Nguyệt dẫn theo bốn, năm thị vệ mà Tịch Tà chọn rồi gọi tám chín cô nương tới uống rượu.

Họ thấy có người vào, ban đầu khá kinh ngạc, đợi lúc thấy là thống lĩnh thị vệ và tổng quản áo xanh thì không khỏi giật nảy mình, sau thấy sắc mặt cả hai hòa nhã, vui vẻ, không cần lo bị hai người răn dạy thì bỗng phấn chấn tinh thần nhao nhao đứng dậy, thỉnh an, vấn an, ba chân bốn cẳng nhường hai cái ghế trên.

Tê Hà đã đưa bàn tiệc của Tịch Tà và Khương Phóng đến đây và lên món ăn mới.

Tịch Tà nói với nàng: “Chúng tôi ngồi một lát rồi đi ngay, chẳng lẽ ở đây làm người khác ghét à?”.
“Công công nói gì thế?” Du Vân Dao cười bảo, “Hiếm khi trùng hợp như vậy, trời còn sớm, uống thêm mấy chén hẵng đi”.
Tịch Tà quan sát bốn phía một vòng, thấy trong đó có một người trẻ tuổi khá lạ mặt liền hỏi: “Vị này là…”.
“Đây là bạn mới”.

Úc Tri Thu đáp: “Tướng quân du kích do tổng binh Ngô châu tiến cử, phụng chỉ đến kinh mấy ngày gần đây”.
“Tại hạ Lê Xán”.

Thanh niên nọ đứng dậy cười ôm quyền, hắn ta chập hai mươi bốn tuổi, vóc dáng cao to, cử chỉ phóng khoáng ngông ngênh, ắt là một con em nhà quan.
Tịch Tà cười nói: “Tại hạ Tịch Tà, là người làm việc ở trong cung”.
Lúc này Lê Xán mới ngạc nhiên biến sắc, bảo: “Thì ra là đại tổng quản trong cung”.
“Đó là lời nói đùa của người khác, tướng quân chớ cho là thật”.

Tịch Tà cười rằng: “Tại hạ chỉ là nô tài sai bảo trong cung mà thôi”.
“Tại hạ ở Ngô châu đã nghe nói chuyện công công thay hoàng thượng bổ nhiệm võ tiến sĩ, thì ra tu vi, võ công của công công cũng rất cao cường.

Từ nhỏ tại hạ đã si mê đao ngựa, rất muốn xin công công chỉ bảo”.
“Tôi không hiểu chuyện võ công, chỉ là quả thực các vị võ tiến sĩ có thân thủ bất phàm, người thường vừa nhìn đã biết mà thôi”.
Úc Tri Thu nói: “Công công có biết công phu của anh Lê này cực kỳ lợi hại không? Sáu người bọn tôi đều không thắng được anh ta đấy”.
Hồ Động Nguyệt bảo: “Anh Du chưa ra tay, nếu không cũng khó nói chắc chắn kết quả sẽ thế nào”.
Du Vân Dao cười rằng: “Đừng nhắc tới tôi, đại thống lĩnh và công công đều biết những người này có ai là đèn cạn dầu đâu.

Chẳng qua cứ tranh cãi nhau là lại sẽ ùa lên đánh nhau, cũng may anh Lê cũng là mệnh quan triều đình, nếu không truyền ra ngoài, há chẳng phải mất hết thể thống, mất mặt triều đình?”.
Tịch Tà cao giọng cười, trong lòng âm thầm kinh ngạc, hứng thú trông Lê Xán, nói: “Thì ra Lê tướng quân lại thần dũng đến thế.

Không biết tướng quân dùng binh khí gì?”.
Lê Xán đảo mắt nhìn, lông mày và mắt đen đến rét lạnh loá mắt, nói một cách kiêu ngạo ngang ngược: “Bình thường tại hạ không mang binh khí”.
“Ồ?” Ánh mắt Tịch Tà đảo trên mặt mọi người một lần, cười rằng: “Thì ra Lê tướng quân tay không độc đấu với sáu thị vệ hoàng cung, mạnh thay”.
Úc Tri Thu nói: “Chúng tôi đều đã biết võ công của công công, không biết anh Lê và công công có so tài không”.
Mọi người biết hắn xúi giục Lê Xán, đều cười hì hì chờ xem kịch hay.

Quả nhiên Lê Xán nói: “Khi nào công công rảnh rỗi, xin hãy dạy bảo”.
Tịch Tà thấy ánh mắt Lê Xán dừng lại trên mặt mình một cách thách thức và hàm ý thì bỗng thấy kinh ngạc, bèn vội vàng thoái thác: “Tại hạ không rành đạo này…”.
Khương Phóng thấy tình hình không ổn, vội giảng hòa: “Đều là người mình cống hiến vì hoàng thượng cả, có gì mà tranh hơn thua? Nào, tôi mời các vị anh hùng một chén, mong năm nay các vị bớt gây họa, ăn nhiều cơm, bớt đánh nhau, ngủ cho nhiều, để tôi được thái bình tự tại, đỡ bị hoàng thượng mắng”.
Mọi người cười phá lên, uống hết rượu trước mặt, các cô nương lại rót đầy như con thoi.

Tịch Tà, Khương Phóng chơi với mọi người một lát rồi lấy cớ, tạm biệt đi trước.
Hôm nay đã là mười lăm, đèn nhang của hai thiền viện lớn của Ly đô là chùa Đông và Tây Hoằng Nguyện đều thịnh vượng, Khương Phóng đi giải sầu với Tịch Tà, dần bị đám người cuốn vào trong dòng lũ đi hội của chùa Tây Hoằng Nguyện, đi ra mấy dặm hướng bắc, đoạn cuối của sự huyên náo lại là một dãy tường vàng ngói lưu ly.

Điện chùa Tây Hoằng Nguyện có bảy sân, có hai tòa tháp, lầu gỗ đấu củng[1], nước sơn đỏ sáng rõ, được băng tuyết trắng ngần phủ lên, tự có một vẻ linh thiêng thanh tú, tự tại.

Tịch Tà dạo tới chính điện, Khương Phóng đột nhiên hỏi: “Thẻ ở nơi này rất chuẩn, sao gia không hỏi xem lành dữ của đại quân bắc chinh năm nay?”.
Tịch Tà lắc đầu, mỉm cười nói: “Con người là loài ngu xuẩn trên thế gian, chẳng phân biệt được sự vật là hung hay cát, phàm cảm thấy có thể có lợi thì đều sẽ bắt buộc phải làm.

Cứ nói lần này bắc chinh có hung đi chăng nữa thì hơn hai mươi vạn đại quân vẫn phải đưa vào trong miệng hùm của Hung Nô, mà nếu cát thì cũng chẳng có chuyện đánh mà thắng là khải hoàn.

Mưu tính do con người, có thành hay không là ở trời, nếu hỏi thì tự nhiên lại thêm phiền não”.
Một sa di[2] hơn ba mươi tuổi quay đầu cười nói: “Nghe vị tiểu thí chủ này nói đã biết là người vừa cao quý vừa độ lượng.

Nếu hai vị không chê, mời tới thiền phòng dùng chén trà, thầy của bần tăng thích kết bạn, kết thiện duyên, không ngại gặp một lần chứ ạ?”.

Đoạn lại nhìn về phía sau Tịch Tà: “Vị thí chủ này cũng đi cùng đúng không? Xin mời vào”.
Tịch Tà ngẩn ra, xoay người thấy ánh mắt mãnh liệt của chàng thanh niên, thấy hắn ta đang nhìn mình tươi cười.

Khương Phóng bèn nói: “Thì ra là Lê Xán”.
“Đại nhân”.

Lê Xán chắp tay: “Khéo quá”.
Tịch Tà biết hắn ta có ý đấu với mình nên đi theo suốt cả đường nhưng mình và Khương Phóng lại không hay biết gì, không khỏi thầm xốc tinh thần lên, cũng muốn thăm dò thực hư của hắn ta, hỏi: “Lê tướng quân đi xa, cùng uống chén trà được chăng?”.
“Được, đa tạ”.
Ba người theo sa di kia đi ra thiền phòng phía sau, bên trong không dính một hạt bụi, mùi trà bay thoang thoảng.

Ba người tùy tiện ngồi ở ghế khách, chẳng bao lâu sa di kia đã bưng trà vào, phía sau là một nhà sư trên dưới năm mươi tuổi.


Sa di kia nói: “Các vị thí chủ, vị này chính là thấy của bần tăng, pháp hiệu Văn Thiện”.
“A Di Đà Phật”.

Văn Thiện đi lên chào mọi người.

Sau khi dâng trà cho mọi người, sa di đó khép cửa đi mất.

Văn Thiện hàn huyên vài câu với Khương Phóng xong, lúc này đi tới trước mặt Tịch Tà, mới định chắp tay trước ngực nói thì đột nhiên mở to hai mắt nhìn, sắc mặt tái xanh, lùi về sau mấy bước: “Thì ra, thì ra là đương kim thánh thượng…”.
Tịch Tà và Khương Phóng như nghe thấy sấm sét, chợt kinh hãi.

Khương Phóng quát lên: “Không được nói bậy! Chúng tôi là người hầu ở trong triều đình”.

Văn Thiện hoảng loạn nói: “Không sai đâu, vị thí chủ này xuất thân từ hoàng thân quốc thích, trán ngưng tụ khí của thiên hạ, cử chỉ chấn động cả xã tắc, không phải là đương kim thánh thượng thì là ai?”.
Khương Phóng vươn tay, tóm lấy vạt áo Văn Thiện, run giọng cả giận nói: “Câm miệng!”.
Tịch Tà biến sắc bảo: “Vị đại sư này nhìn lầm rồi, tại hạ là kẻ nghèo hèn, sao dám sánh ngang với hoàng thượng?”.
Lê Xán đang xem trò hay ở đối diện, nào ngờ Khương Phóng lại đẩy Văn Thiện tới trước mặt mình.

Văn Thiện lại kinh ngạc nhìn hắn ta một lát, cuối cùng thở dài nói: “Thì ra vị này cũng là ngôi cửu ngũ, rồng trong loài người”.
Lê Xán cất tiếng cười to: “Đại sư, một núi không thể chứa hai cọp! Nếu như lời ông nói, làm sao tôi có thể cùng ở một phòng với người anh em này?”.
Văn Thiện nói: “Long khí của thí chủ thẳng đến cực bắc, mười năm phúc nghiệp sẽ thành”.
Lê Xán thờ ơ, cười nói: “Giờ tôi mới biết vị đại sư này lẩn thẩn, thấy ai cũng cho là hoàng đế, chẳng phải muốn chết hay sao?”.
Vẻ mặt Tịch Tà và Khương Phóng hơi hòa hoãn lại, bảo: “Uống trà nghỉ ngơi thôi mà lại gặp phải phiền phức này.

Cáo từ”.
Văn Thiện kéo áo Tịch Tà và Lê Xán lại nói: “Hai vị, vữa nãy bần tăng nói lỡ, xin chớ trách móc.

Chỉ có một việc, hai vị phải ghi nhớ kỹ, đại hung ở phương bắc chính là tử kiếp của hai vị.

Nếu bắt buộc phải làm, bần tăng nhiều lời cũng vô ích.

Hai vị hãy cẩn thận một chữ “Nước””.
Lê Xán ngẩn ra, cau mày nói: “Tôi vâng lệnh điều lên kinh, sắp làm quan kinh thành rồi, ai đi phương Bắc chứ?” Rồi hất tay Văn Thiện, tiêu sái đi mất.
Tịch Tà và Khương Phóng ra bên ngoài thì Lê Xán đã đi xa.

Tịch Tà hỏi Khương Phóng: “Anh có biết Lê Xán ở đâu không?”.
Khương Phóng đáp: “Thuộc hạ sẽ đi điều tra ngay”.
“Sau khi điều tra không cần báo lại cho ta đâu.

Văn Thiện này cũng thế”.
Khương Phóng biết ý hắn, không kiềm được hỏi một câu: “Có cần hỏi rõ lai lịch của hòa thượng Văn Thiện không ạ?”.
“Không cần”.

Tịch Tà nói: “Ta nhận ra ông ta”.
Gần trưa hôm sau, Minh Châu che phòng mình lại rồi đến viện Cư Dưỡng.

Lúc qua cửa nguyệt lại thấy một mình Tịch Tà đối diện đi tới từ trong tuyết, nàng bèn tiến lên hỏi: “Sao Lục gia lại ra ngoài? Hôm nay có việc à?”.
Tịch Tà cười nói: “Hôm nay tôi không ăn ở viện Cư Dưỡng, Tiểu Thuận Tử cũng đến nhà hành lang uống rượu bài bạc lâu rồi, không cần chuẩn bị cơm tối nữa”.
“Vâng”.

Minh Châu hơi mất mát, dù sao Cát Tường và Như Ý cũng đều không ở viện Cư Dưỡng, bản thân bỗng không có nơi nào để đi, do dự khoảnh khắc rồi định đi về.
“Minh Châu!” Tịch Tà gọi nàng lại: “Không đến viện Cư Dưỡng nữa à?”.
Minh Châu hỏi lại: “Một mình thì có ý nghĩa gì chứ?”
Tịch Tà cười hỏi: “Ai nói một mình, không phải tôi cũng ở đó sao?”.
“Lục gia chớ học nhị gia nói năng không đứng đắn.

Nếu lục gia ở đó thì giờ đang đi đâu đấy?”.
Tịch Tà bảo: “Chúng ta ngắm đèn đi”.
“Ngắm đèn á?” Minh Châu mừng rỡ: “Từ khi nào mà gia trở nên hào phóng thế?”.
Tịch Tà cười nói: “Tiểu Thuận Tử không ở đây, tôi chỉ cần coi chừng một mình cô, sao không đi chứ?”.
Ngày mười sáu tháng Giêng, hội đèn lồng tết Nguyên Tiêu lại càng sáng hơn, bất kể phố lớn ngõ nhỏ đều có đèn uốn lượn không dứt thành hình rồng.

Chỗ sáng nhất chợ đèn hoa vẫn là vùng cầu Nhiên Xuân, rừng mai hai bờ sông treo đầy đèn màu, nhìn xuống từ giữa cầu, nơi ấy huy hoàng như san hô long cung vậy.

Minh Châu cười nói: “Thế mới là ý nghĩa của Nhiên Xuân (đốt xuân)”.
Tịch Tà bảo: “Cô nói như vậy làm tôi cũng phải nghi ngờ có phải lúc làm “Phú Nhiên Xuân”, Giang Cư Phóng đã hiểu sai ý nghĩa của cây cầu này rồi không”.
Bấy giờ hơn mười dặm đèn đuối ngút trời, trống nhạc xuyên mây vắt ngang qua thành trì nam bắc, bầu trời bốn phía sáng ngời một đường lửa, chiếu lên mặt mày con người rõ ràng như tranh.

Nụ cười của Minh Châu được áo lông mèo rừng sáng bóng vây quanh, nom hoa lệ xuất trần.

Nàng bỗng vỗ tay nói: “Gia nhìn mặt sông kìa”.
Vùng ven sông Ly đầy ánh lửa chiếu sáng bờ, trong nước thì có cả vạn ngọn đèn của thuyền bè như sông ngân cuồn cuộn.

Lúc này một con thuyền lớn thong dong trôi tới, trên thuyền một quả pháo bông không ngừng cháy, lóng lánh như lầu gác chốn Bồng Lai.

Đầu thuyền, một đám tùy tòng mặc áo gấm áo lông vây quanh quý công tử ở giữa, chỉ trỏ về hai bờ sông.
“Đó không phải là thuyền của Thành Thân vương sao?”
Tịch Tà cười đáp: “Đúng vậy.

Y làm vương gia đúng là thư thái”.
Thành Thân vương ôm lò sưởi tay, lúc này ngẩng đầu lên nhìn về phía cầu Nhiên Xuân.

Tịch Tà biết y chưa chắc thấy được mình nhưng vẫn lui về phía sau mấy bước, kéo Minh Châu đi ra, nói: “Trước cửa chùa Đông Hoằng Nguyện có một núi đèn xếp hình con ngao[3], chúng ta đến đó đi”.
Hai người đi về phía trước dọc theo đường Ẩn Hoàn.

Trên đường dòng người chen chúc, mặc quần áo mới, phụ nữ có chồng cài trâm náo nga[4] đi ra ngoài cũng rất nhiều.

Trên lầu hai bên đường còn có nội quyến nhà đại thần trong kinh, cả năm chỉ có đêm nay là vịn lan can ngắm nhìn, không lo ngại người khác.

Dưới lầu đủ trò tạp kỹ đua nhau phô diễn, sau một trận khen ngợi thì tiền đồng rơi xuống như mưa.
Minh Châu mặc nam trang nên người đi đường không tránh nàng.

Tịch Tà phải cản người xô vào cho nàng nên bị đâm vào mấy bận.

Minh Châu nói: “Lục gia không cần để ý, họ không đâm vào tôi được đâu”.
“Vậy không được”.

Tịch Tà quay đầu cười nói: “Tôi không ngờ nhiều người đến thế, nếu đã tách ra thì cô tự về đi”.
“Sẽ không tách ra đâu”.

Minh Châu đỏ mặt, cánh tay mềm ấm lặng lẽ kéo Tịch Tà.
Tịch Tà cũng nóng bừng trong lòng, giữ chặt ngón tay nhỏ bé của nàng, đi tới đi lui hai bên đường lớn, bỗng nới lỏng tay chạy ra xa.

Minh Châu đợi nguyên chỗ một lát, thấy hắn xách đèn hoa bằng vỏ băng, bốn mặt là hoa tứ quý làm theo mẫu, ánh nến chiếu càng thêm trong suốt.

“Chỉ được một lát thôi, đốt hết là tan”.

Hắn nói.
Minh Châu gật đầu nhận lấy, cười hỏi: “Gia vui không?”
“Vui”.

Tịch Tà gật đầu: “Trước kia ra khỏi vương phủ ngắm đèn, người hầu trong nhà sợ các anh em lạc đường, vây như cái thùng nước vậy, trong mấy trượng xung quanh không cho người ta đến gần, đâu được tự tại như hôm nay”.
Hai người ngắm nghía đèn dưới lầu ở chung quanh, cười cười nói nói.

Minh Châu ăn vận cực kỳ hoa lệ, Tịch Tà thì phong thái bất phàm, vô cùng nổi bật trên đường.

Đương lúc vui mừng, Tịch Tà đột nhiên xoay người lại, ra tay như chớp, bắt lấy cổ tay vươn tới túi tiền bên hông mình.

Minh Châu nhìn lại, không ngờ tên trộm bắt được lại là người quen, mặc áo lông đuôi chồn, búi tóc bóng loáng run rẩy cài một quả hồ lô thảo lý kim[5], mũi cóng đến hơi đỏ, lúc nhếch miệng nhịn đau thì càng tươi đẹp.
“Anh Thẩm?” Tịch Tà cười nói.
Thẩm Phi Phi kinh ngạc hỏi: “Sao lại là hai người?”.

Ánh mắt gã lập tức rơi vào đôi tay đang nắm lấy nhau của Tịch Tà và Minh Châu, vẻ mặt chợt ảm đạm đi.
Tịch Tà hơi ngượng ngùng, chậm rãi buông lỏng tay ra, ôm quyền nói: “Anh Thẩm, đã lâu không gặp, chúc mừng năm mới”.
Sắc mặt Thẩm Phi Phi hơi hòa hoãn lại, không nghe thấy Tịch Tà nói, chỉ cười hì hì tiến lên bảo Minh Châu: “Tiểu sinh chúc cô nương năm mới đại cát đại lợi”.
Minh Châu cười nhạt, cúi đầu nhìn quần áo trên người mình, quở mắng: “Cô nương cái gì?”.
Thẩm Phi Phi bừng tỉnh, nói: “Anh Minh Châu, chúc mừng năm mới”.
Minh Châu chắp tay: “Anh Thẩm, chúc mừng năm mới.

Tối nay là thời cơ cực tốt để Thẩm đại công tử phát tài, thế đã có thu hoạch gì chưa?”.

Thẩm Phi Phi tỏ ra xấu hổ nhưng vẫn kiên nhẫn, xum xoe vây quanh Minh Châu.

Lý Sư ở xa xa, hai tay mỗi bên cầm một xâu mứt quả, toét miệng vừa cười vừa gọi: “Tịch Tà cũng ở đây!” Y chạy vội tới trước mặt mọi người, nhìn kỹ Minh Châu một lát rồi đột nhiên bỏ xâu mứt quả vào trong tay nàng: “Cô nương ăn đi”.
“Cảm ơn”.

Minh Châu tươi cười nói.
Thẩm Phi Phi hung dữ trợn mắt nguýt Lý Sư rồi nhảy vào trong đám người, vơ vét trên các sạp hàng nhỏ, mua vô số đồ ăn vặt, đồ chơi bằng tiền vụn trong tay rồi dâng hết hai tay ở trước mắt Minh Châu.
Minh Châu mỉm cười nói: “Anh Thẩm tốn kém rồi, tôi không thích mấy thứ này”.
Tịch Tà thấy Thẩm Phi Phi hết sức nản lòng thì vội vàng nhận thay nàng, nói: “Đa tạ, đa tạ.

Minh Châu nhận đi”.
Minh Châu hừ một tiếng, không muốn nhận bèn hỏi Lý Sư: “Anh có thích ăn không?”.
“Có!” Lý Sư ở bên cạnh Minh Châu, vui mừng hớn hở nhai hết công sức của Thẩm Phi Phi.

Tịch Tà không dám lắm miệng nữa, tụt lại phía sau họ mấy bước, tự tiếp tục đi về chùa Đông Hoằng Nguyện, ánh mắt lơ đãng quét góc bên cạnh đã thấy thằng nhóc tùy tòng trong phủ Khương Phóng đang lén ra hiệu với mình.

Tịch Tà nhíu mày, bước chậm lại mấy bước rồi mới vẫy vẫy tay với cậu ta.
“Lục gia!” Thằng nhóc kia hạ giọng đi theo sau Tịch Tà, nói: “Lão gia nhà tôi mời ngài đến phủ”.
“Gấp lắm à?”
“Rất gấp ạ”.
Tịch Tà gật đầu, lui ra bên cạnh, quay đầu nhìn về giữa đường, Minh Châu đang ở giữa lầu ngọc gác châu, đảo đôi mắt đẹp lo lắng nhìn quanh.

Tịch Tà thở dài, theo thằng nhóc núp vào trong con hẻm nhỏ tối tăm.
Bọn họ đi vào từ cửa nách của phủ Khương Phóng, đi tới phòng sách ở chái đông, nơi này là chỗ giải quyết việc công của Khương Phóng lúc bình thường, ngay cả phu nhân của Khương Phóng cũng không thể vào nếu không được mời.

Thằng nhóc đẩy cửa ra, vén mành phòng bên lên cho Tịch Tà.

Tịch Tà khẽ khom lưng vào, bỗng cả kinh.
“Sao lại thế nào?”
Khương Phóng vừa ngồi dậy từ trên giường, nói: “Thất bại rồi” vừa mở rộng áo bông, dưới sườn phải có một vết thương sâu đến mức thấy được cả xương, mặc dù đã cầm máu lâu rồi nhưng vẫn ghê người.
“Là kẻ nào?” Tịch Tà đau lòng, tiếng nói cũng khẽ thay đổi.
Thằng nhóc lấy băng vải quấn vết thương.

Khương Phóng dùng áo bông che lại, khó nhọc nói: “Là Lê Xán.

Đêm qua bọn thuộc hạ đi tìm hòa thượng Văn Thiện, không ngờ Lê Xán đang chờ ở trước cửa phòng thiền, đả thương nhiều người, bọn tôi không làm xong việc.

Tối nay tôi đi gặp hắn, khinh địch nên bại”.
Tịch Tà nói: “Không cần nói nữa.

Chưa diệt được hai người này thì cuối cùng sẽ thành nuôi ong tay áo, chi bằng ta tự mình đi một chuyến.

Cơ thể anh đã như vậy, ngày mai tuyệt đối đừng đi trực nữa, nghỉ ngơi đi”.
“Gia cẩn thận đấy”.

Khương Phóng gọi hắn lại: “Giáo của hắn mạnh lắm…”.
Tịch Tà thấy anh ta nói chuyện miễn cưỡng, vội vàng gật đầu nói: “Biết rồi”.

Hắn tiện tay tháo xuống một thanh kiếm dài từ trên tường phòng sách của anh ta, nói “Tôi mượn một lát” rồi nhẹ nhàng nhảy vào trong trời lửa đầy ánh trăng.
Tuy lúc này đã qua canh ba nhưng người đi đường vẫn chưa giảm bớt.

Tịch Tà cầm kiếm đạp lên băng trôi trên sông, chạy như bay trong bóng tối dưới con đê, chỉ chốc lát đã đến dưới cầu Phiêu Hạ.

Hắn lên bờ từ chỗ ấy, vòng vào hẻm nhỏ, cách đó không xa đã thấy núi đèn hình con ngao trước cửa chùa Tây Hoằng Nguyện.

Tịch Tà vượt tường vào từ phía sau miếu, tìm được viện phòng thiền cạnh chính điện hôm qua.

Mới nhảy đến đầu tường đã thấy một luồng sát khí ngông cuồng đập vào mặt, Tịch Tà không kịp thấy rõ đối thủ, vội vàng lùi lại, đạp nhẹ lên tuyết đọng trên cành tùng, ra xa hơn một trượng rồi dừng chân trên mái cong đầy băng tuyết của phòng thiền.

Hắn đoái mắt mỉm cười nói: “Sao tướng quân lại ở chỗ này?”.
Lê Xán vung giáo sắt trong tay ra sau người, thân thể cao to bất động như núi, ngửa đầu cười nói: “Mài giũa với cao thủ là cái thú của chúng ta, xin công công cho đánh một trận”.
“Anh Lê, hòa thượng Văn Thiện trong căn nhà đó thốt ra những lời đại nghịch bất đạo như vậy, tôi vâng lệnh vua đến đây, chi bằng để tôi giết ông ta trước rồi hai ta đánh sau cũng không muộn”.
“Hãy để ông ta là tiền cược”.

Lê Xán nói: “Nếu công công thắng tôi, không chỉ ông ta mà cả tôi cũng mặc công công xử trí”.
Tịch Tà sớm đã có sát khí, chỉ cười nói: “Được!” Ánh kiếm đã đâm thủng ánh sáng phồn hoa dập dềnh trên trời, lập tức giết đên trước khi tiếng nói vang lên.
Lê Xán ghì chặt chân, mũi giáo thẳng tắp một thước một tấc như gấp rút hội tụ sự giết chóc của chủ, hai đường vòng cung ở mũi nhọn chợt thu thành một mũi nhọn đen kịt.

Lúc hắn ta khom lưng tích thế, Tịch Tà lập tức phát hiện dường như hô hấp trong phổi mình bị rút khỏi thân thể, quấn vào trong thế giáo của hắn ta theo tất cả âm thanh trong thiền viện.
Thế giết ngút trời của Tịch Tà liền bị áp chế như vậy.

Ngay lúc ấy, Lê Xán lại dang cánh tay đâm giáo, thế giáo to lớn lẫm liệt, một đi không trở lại, thiền viện yên lặng cao giọng gầm rú như trong hang cọp!
Mũi nhọn ấy không đâm tới mà đột nhiên nổ ở trước mặt, làm gió đêm thốc vào mặt thôi cũng mang đến cơn đau đớn nóng rực.

Dưới thế giáo hung ác như thế, Tịch Tà cũng phải cả kinh, tháo bỏ nội lực khắp người đang cuồn cuộn về phía trước.

Thế vọt lên vừa ngừng lại, sát khí của mũi thương xẹt qua eo hắn như sấm rền cuốn qua.

Hiếm khi Tịch Tà sinh ra nỗi sợ hãi phá gan nứt mật, mũi kiếm lay động, thân hình đột nhiên rụt lại.

Mũi giáo của Lê Xán vẫy như đuôi rồng, đột nhiên quét ngang về phía eo Tịch Tà.

Trong nháy mắt ấy, Tịch Tà bắn về mái nhà, cúi đầu nhìn áo da bị mũi giáo cứa rách, cười khẽ một tiếng.
“Hay cho một chiêu giáo bất động như núi, di chuyển như sấm”.

Tịch Tà khen.
Lê Xán dừng giáo lại, ánh trăng chiếu lên vẻ tự nhiên ngạo nghễ trên mặt hắn ta nom càng bắt mắt, khí thế ngang ngược tự nhiên mà thành, không mảy may che giấu, nhanh chóng nhảy tót lên một góc của thiền viện.

“Người có thể rút lui lành lặn dưới một giáo của tôi chỉ đếm được trên đầu ngón tay thôi.

Công công trẻ tuổi nhưng võ công rất cao”.
Tịch Tà khiêm tốn nói với vẻ mặt ôn hòa: “Quá khen”.

Nhưng trong bụng hắn đã có sự tức giận.

Người trẻ tuổi trước mặt này chắc chắn không phải tướng quấn Du Kích ở Ngô châu tìm tới mài giũa võ nghệ, hai lần chặn giết mãnh liệt hung ác đã tỏ ý đồ của hắn ta quá đỗi rõ ràng rồi.

Tịch Tà nhìn kỹ cây giáo sắt của Lê Xán: lưỡi bên sắc bén kiên cố quả là vũ khí sắc bén chém đầu người, đây chính là lý do khi giáo dài quét ngang, mình lại cảm thấy rất giống kiếm.

“Mũi giáo của anh Lê vừa dài vừa rộng, có phong cách giống kiếm, sau một cú đâm như sấm sét thì lại biến hóa theo kiếm pháp, chắc là một phái riêng trong thuật dùng giáo hiện nay.

Lẽ nào anh Lê vốn dĩ học kiếm thuật à?”.
Ánh mắt Lê Xán rất vui mừng, cười nói: “Công công nhìn rõ mọi việc, tại hạ bội phục.

Trong võ học, công công có thể xứng là tri âm của tại hạ”.
“Không biết anh Lê học kiếm pháp từ vị tiền bối nào?”
Nét mặt Lê Xán lạnh đi: “Không đáng nói với người ngoài.

Với sự thấy nhiều biết rộng của công công, đánh tiếp một lát nữa là biết ngay thôi”.
Tịch Tà cười lắc đầu: “Tôi giao chiến với anh chỉ vì Văn Thiện.

Ông ta đã hiện thân rồi, vì sao tôi còn phải dây dưa với anh? Ra đây!” Hắn nói xong lời cuối cùng thì quát một tiếng về phía sau đầu hồi.
“A Di Đà Phật”.

Văn Thiện nơm nớp lo sợ bước ra, ngẩng mặt la to: “Tiểu vương…”.
Tịch Tà cười khanh khách ngắt lời ông ta, ngón tay trắng như tuyết đặt dọc bên môi, thở dài một tiếng: “Đạo trưởng, cái miệng này của ông chẳng thay đổi chút nào.

Cẩn thận tiết lộ nhiều thiên cơ quá sẽ tổn thọ đấy”.
Văn Thiện cúi đầu nói: “Thí chủ nói phải…”.
Tịch Tà bảo: “Biết là tốt!” Ánh kiếm lóe lên, thẳng đến ấn đường của Văn Thiện.

Lê Xán trở tay không kịp, giáo sắt phát lực chặn hắn lại, thân pháp của Tịch Tà phấp phới như bị gió lạnh thổi vào, đột nhiên rút về hơn năm thước.

Hai cánh tay của Lê Xán đã cạn sức nhưng vẫn chưa đâm tới người Tịch Tà.

Ánh kiếm kia rời khỏi tay, dứt khoát xuyên thẳng qua đầu Văn Thiện, ngã ầm xuống đất theo thi thể mà hãy còn lấp lóe ở dưới ánh trăng.
Lê Xán không khỏi giận dữ, cây giáo dài tám thước ngang dọc thiền viện bằng chi chít những chiêu kiếm.

Tịch Tà không có kiếm trong tay, ỷ vào thân pháp tuyệt luân mà di động ở dưới mũi giáo, bỗng nhiên lượn quanh phía sau cây trong viện.

“Chớ có trốn!” Lê Xán rống to hơn, cây giáo lập tức chém đứt thân cây, trong nháy mắt tuyết đọng trên cành che khuất bầu trời.

Lê Xán chỉ cảm thấy mũi giáo hơi nặng, cán giáo gỗ cong thành hình trăng nón trong tuyết bay.

Không ngờ Tịch Tà lại đứng trên mũi giáo trong lúc cây giáo của hắn ta đâm tới, khuôn mặt lóng lánh cúi xuống cười.

Lê Xán kinh hãi, vội khua giáo thì đã thấy Tịch Tà ra tay chỉ về phía mình.

Hắn ta chợt cảm thấy giữa lông mày nhói lên vì khí lạnh sắc bén, không khỏi quát to một tiếng, ra sức quăng giáo, ngửa người tránh.

Tịch Tà không đánh trúng, đưa tay moi trường kiếm trên thi thể, xoay người nhìn lại thì Lê Xán đã tung người lên, nhặt lại giáo, cán giáo chống đất, vút qua mấy trượng, bỏ trốn ra biển đèn bên ngoài chùa.
“Trốn?” Tịch Tà cười khẩy một tiếng, tra kiếm vào vỏ rồi đuổi theo.
Lê Xán chọn hướng nam, lấy cán giáo mượn lực mà đi như thuyền nhẹ trôi dòng, chạy ra hơn năm dặm thì trái tim kinh hãi hơi ổn định lại, mới tranh thủ thở phào, quay đầu nhìn lại.

Không ngờ chỉ trong chốc lát bóng người cưỡi ánh trăng, gió lốc lại gần hơn mấy trượng, Lê Xán không khỏi biến sắc, sau khi tung người rơi vào ngõ Lan Đình thì xé góc áo, bọc lấy mũi giáo.

Rẽ vào một khúc cua, trước mắt xa hoa truỵ lạc, phồn hoa hội tụ, Lê Xán cúi đầu ẩn vào trong đám người.

Tịch Tà treo kiếm ở hông, thấy bóng Lê Xán cao gầy lấy quần áo bọc cán giáo vội vàng đi về phía trước ở trong đám người thì không khỏi cười thầm, tách dòng người ra lẳng lặng tới gần.
“Tịch Tà!” Một bàn tay chìa ra từ bên cạnh tóm lấy cánh tay Tịch Tà.

Tịch Tà quay đầu nhìn lại, thì ra đã ở trước cửa viện Tê Hà, Lý Sư đang thoải mái cười to ở trước mắt, nói: “Quả nhiên anh ở chỗ này, tôi chờ anh đã lâu rồi đấy”.
Tịch Tà hất tay y ra bảo: “Tôi có việc gấp”.
Thẩm Phi Phi thò đầu ra từ bên cạnh, cười nhạt nói: “Việc gấp? Vứt bỏ cô nương Minh Châu không màng, chính mình thì tìm vui, uổng nàng đối với anh như vậy”.
Tịch Tà thấy Lê Xán mang cán giáo càng chạy càng xa, lạnh lùng nói: “Tôi không lải nhải với các người”.

Lại nghe được một tiếng kim loại sắc nhọn, đỉnh đầu “két” một tiếng, Lý Sư kêu lên: “Cẩn thận”.


Thân thể to lớn của y xô hai người sang bên, đèn dầu thủy tinh trên lán trúc trước cửa viện Tê Hà đập xuống đất ầm ầm, dầu bắn tung tóe vào áo da của Lý Sư, chợt cháy bừng lên.

Tịch Tà và Thẩm Phi Phi vội vàng che lên làm ngọn lửa tắt giúp y, nhưng gấm màu ở lán trúc và đèn hoa ven đường chỗ ấy cũng bị lan đến, thế lửa bùng lên khắp cả đường, gom người đi đường lại, hết sức dữ dội.

Các việc hai bên sợ bị người khác dẫn lửa vào nên đều cuống quýt đóng cổng, còn lấy làn trúc chặn nóc, ngoại trừ đầu hẻm thì đoàn người hoàn toàn không còn chỗ để chạy trốn.

Đám người giữa đường bị lửa chặn lối đi, giẫm đạp lên nhau, không ngừng kêu la.

Mặc dù võ công của ba người Tịch Tà cao cường nhưng cũng bị bầy người ngăn ở trong lửa, không có cách nào chạy thoát.
Lúc này, Tê Hà đi ra từ trong cửa, kêu lên: “Lục gia và hai cậu hãy sang bên này”.
Tịch Tà mò một đầu mũi tên sắc bén từ dưới chân người đi đường rồi chen vào.

Tê Hà vội sai người khép cửa, người đi đường không có chỗ trốn đành đập điên cuồng ở ngoài cửa.
Lý Sư hỏi: “Người đi đường thương vong nhiều thế, sao không để cho họ vào?”.
“Thưa cậu, tuy viện này của tôi nhỏ nhưng tinh xảo, chỉ sợ người không liên can vào sẽ nhân cháy nhà đến hôi của, cướp đồ châu báu của tôi.

Họa là do các người gây ra, còn quan tâm đến kẻ khác ư? Đi nhanh đi”.

Tê Hà nói rồi dẫn ba người xuyên qua nhà chính, đi tới rừng trúc sau lầu Hồi Mâu và lấy ra một xâu chìa khoá từ trong vạt áo, mở ám khóa trên cửa, nói: “Ba vị ra khỏi viện sau là đến đường bắc, bảo trọng”.
Tịch Tà hỏi: “Chị không tránh lửa à? Viện Tê Hà ở ngay giữa ngõ Lan Đình, chỉ sợ lúc viện gặp tai ương thì sẽ không còn chỗ nào để đi đâu”.
Tê Hà đáp: “Cũng may trên nóc nhà đều là tuyết đọng, muốn cháy cũng khó”.
“Đèn là của viện Tê Hà, người trong nha môn chắc chắn sẽ tới hỏi.

Nếu có làm khó thì cứ nói với tôi”.
“Tôi biết rồi, đa tạ lục gia tha gánh vác cho”.

Tê Hà tươi cười đẩy họ ra khỏi cửa.
Trong căn viện này có hai tòa lầu nhỏ, một cái hồ, tuyết trắng bao trùm rất dày, như thể đã rất lâu không có ai đặt chân vào.

Để thoát khỏi đám cháy nên ba người chưa kịp nhìn kỹ đã nhảy từ sau tường ra con hẻm nhỏ.
Tịch Tà hỏi: “Minh Châu đâu?”.
“Về rồi”.

Lý Sư đáp: “Tôi và Thẩm Phi Phi đều nghĩ anh ở đây nên đến hỏi tội”.
Tịch Tà cười nói: “Tôi có tội gì chứ? Thẩm Phi Phi không dỗ dành cho Minh Châu vui vẻ được, giận lây sang tôi, anh lại đến xem trò vui gì nữa?”.
Lý Sư bảo: “Gần đây võ công của tôi đã tiến bộ rất nhiều, muốn thử đánh với anh một lần”.
“Vậy cũng tốt”.

Tịch Tà không khỏi cười nói: “Tôi có một anh bạn, võ công ngang ngửa tôi, cũng là một tay mê võ nghệ.

Chừng nào định được ngày sẽ mời hai anh gặp nhau”.

Dứt lời hắn từ biệt hai người rồi về cung.
Minh Châu vẫn đang đợi, thấy áo da bên hông hắn bị người ta chém rách, góc áo cũng bị cháy sém thì lại oán trách hắn một mình đi mạo hiểm.

Tịch Tà chỉ cười, nói: “Tôi và Văn Thiện kia có món nợ nhiều năm, hôm nay trả sạch quả là vui sướng”.
Minh Châu bảo: “Lại là một người chưa nghe thấy bao giờ”.
“Văn Thiện vốn là đạo nhân Ngưỡng Thiên, nhiều năm trước đã ra vào phủ công hầu, khiến một đám người tin ông ta.

Mẫu phi tôi xin ông ta vào phủ làm lễ cúng, không khéo gặp phải phụ vương, nói tà thuyết mê hoặc người khác, dần dần truyền ra ngoài.

Phụ vương sai người diệt trừ ông ta nhưng ông ta lại thoát được, không ngờ đã biến hóa nhanh chóng làm hòa thượng rồi.

Bộ tộc họ Nhan bị hoàng thất kiêng dè có can hệ một phần do người đó, hôm nay giết chết ông ta, sau này sẽ bớt đi rất nhiều tai nạn”.
Minh Châu đột nhiên hỏi: “Chưa từng nghe lục gia nói đến ông ta, chẳng lẽ hai hôm này mới gặp phải ư? Ông ta lại nói những gì mà phiền lục gia tự mình ra tay thế?”.
“Vẫn không thể giấu được cô”.

Tịch Tà than thở: “Mấy lời mê sảng, không nhắc cũng được”.
“Vâng”.

Minh Châu mỉm cười, đứng dậy chào tạm biệt: “Gia nghỉ đi thôi, chưa biết chừng ngày mai sẽ có việc trong cung Càn Thanh đấy”.
Hôm sau, Cát Tường và Như Ý đã về cung từ sáng sớm, đang uống trà thì thấy Lý Cập vui vẻ đi vào viện Cư Dưỡng, phụng chỉ truyền ba sư huynh đệ yết kiến ở cung Càn Thanh.

Ba người Tịch Tà dập đầu vâng lệnh rồi ai nấy đều đi thay quần áo.

Lý Cập không nhịn được nói: “Mấy anh em vừa đi, bên cạnh vạn tuế gia không có người tri kỷ biết ý, không được vui, luôn răn chúng nô tỳ không hiểu chuyện, thông minh kém xa các anh.

Các anh thì hay rồi, lúc thánh thể không an chẳng thấy dập đầu vấn an, thật là nhẫn tâm”.
Cát Tường cười bảo: “Không dám, mỗi ngày chúng tôi đều ở đây tụng kinh thắp hương, cầu Phật tổ phù hộ cho long thể của vạn tuế gia được an khang, người ngoài không biết đấy thôi.

Hoàng thượng đã bình phục chưa ạ?”.
“Đã an lành rồi”.

Lý Cập gật đầu nói: “Song hai ngày này lại đang bận chuyện gì đó của cửa khẩu Tiểu Hợp, ngủ rất muộn, mà cũng không yên giấc được”.
Cát Tường lại than thở vài tiếng với gã rồi cùng nhau đi tới cung Càn Thanh.

Lý Cập vào thông báo, ba người phủ phục trước bậc, nghe được tiếng bước chân vang lên, không ngờ hoàng đế tự mình bước ra ngoài cửa, liếc thấy họ, kiềm nén niềm vui sướng vô tận rồi thản nhiên nói: “Đứng lên, vào trong hầu đi”.
“Vâng”.

Tịch Tà theo Cát Tường, Như Ý dập đầu tạ ơn, cảm giác ánh mắt hoàng đế đang ở trên lưng mình: “Hoàng thượng…”.
“Sao?”
Tịch Tà hỏi: “Long thể của hoàng thượng có bình an chăng?”.
Hoàng đế mỉm cười trả lời: “Không bị các khanh tức phát ốm là tốt rồi”.
Cát Tường cười làm lành, hoàng đế ngồi ở sau hương án, nói: “Như Ý, trẫm giao cho khanh một việc đây”.
“Vâng”.

Như Ý quỳ gối dưới chân hoàng đế.
Hoàng đế bảo: “Đã quyết định thời gian công chúa Cảnh Ưu lên đường rồi, chính là ngày mùng một tháng Hai.

Trẫm lệnh khanh làm thái giám đề đốc của giám Ty lễ, ngự sử nội đình hòa thân, hộ tống công chúa dọc đường đến Đại Lý hòa thân.

Sau lễ hợp cẩn của công chúa thì ở lại Đại Lý chăm sóc sinh hoạt thường ngày của công chúa, chỉ dẫn lễ nghi cho công chúa, đến khi phụng chiếu về nước”.
Như Ý cả kinh, bò lên hai bước, kéo góc bào của hoàng đế, thất sắc hỏi: “Vạn tuế gia, có phải nô tỳ đã làm chuyện tội ác tày trời, vạn tuế gia ghét nô tỳ hầu hạ, muốn đuổi nô tỳ rời cung không ạ? Nếu là như vậy, xin hãy ban cho nô tỳ tự sát trong cung, để cuối cùng nô tỳ được gần ơn vua mênh mông cuồn cuộn của vạn tuế gia hơn…”.
“Như Ý! Trong tháng Giêng mà nói bậy gì đó!” Hoàng đế quát anh ta lại: “Đừng nghĩ ngợi lung tung, khanh là người thân tín nhất của trẫm.

Lần này khanh đến Đại Lý, trẫm có việc cơ mật phải giao cho khanh, nếu là người khác thì trẫm không yên tâm”.
Như Ý ăn vạ: “Rõ ràng người thân tín nhất của hoàng thượng là Cát Tường và Tịch Tà, hoàng thượng sai họ đi đi, nô tỳ chỉ muốn hầu hạ bên hoàng thượng thôi”.
Hoàng đế thấp giọng cười nói: “Khanh chớ dùng bài này với trẫm.

Khanh cùng trẫm lớn lên, sao bọn họ có thể so được với khanh? Nếu không biết rõ khanh thông minh hơn người, mạnh vì gạo, bạo vì tiền, rất biết giao thiệp thì làm sao trẫm cam lòng để khanh rời cung? Trẫm muốn khanh ở phía nam giám thị Tây vương Bạch Đông Lâu, thuyết phục Đại Lý Vương xuất binh tiêu diệt người Miêu, kiềm chế Tây vương.

Khanh có thể làm được không?”.
Như Ý suy nghĩ rồi nói: “Đây vốn là việc rất khó, vả nô tỳ lại là nội thần.

Chỉ xin có ý chỉ của hoàng thượng bên cạnh, cho nô tỳ thêm can đảm”.
“Việc này không khó”.

Hoàng đế bảo: “Khanh ở phía nam, không rõ chi tiết hoặc có chuyện gì khó xử thì cứ viết mật báo dâng thẳng lên cho trẫm.

Cầm thủ dụ của trẫm mà làm việc”.
“Vâng”.

Như Ý ngấn lệ nói: “Nô tỳ xin tuân thánh chỉ.

Nhưng…”.
“Nhưng gì?” Hoàng đế hỏi.
“Vạn tuế gia đừng quên mất nô tỳ.

Nô tỳ không muốn ở Đại Lý cả đời đâu”.
Hoàng đế cất tiếng cười to: “Yên tâm đi! Trẫm không thể thiếu khanh bên cạnh được.

Trẫm đã giao thủ dụ cho phủ nội vụ và giám Ty lễ rồi, khanh mau đến chỗ của thái phi và công chúa tạ ơn rồi chuẩn bị sớm đi”.
Như Ý dập đầu đi ra, đi khắp các nơi một ngày, đến đêm trở lại viện Cư Dưỡng thì Tịch Tà đã ngồi ở hành lang chờ anh ta.
“Em biết ý chỉ của hoàng thượng, mà đó cũng là do em nghĩ ra à?” Như Ý ngồi trên ghế hỏi.
“Em từng nhắc tới một câu”.

Tịch Tà cười nói.
Như Ý nhìn chung quanh: “Những người khác đâu?”
“Em bảo họ đi xa rồi”.

Tịch Tà rót trà rồi đưa đến tay Như Ý: “Nhị sư ca có lời ư? Chuyện của Đại Lý ạ?”.
Như Ý lắc đầu nói: “Chuyện đó ấy à, thuyền tới cầu tự nhiên có chỗ đậu! Anh chẳng qua chỉ là một kẻ tàn tật, cùng lắm thì bỏ một cái mạng, cần gì suy nghĩ nhiều?”.
“Vậy thì là vì cớ gì?”
Như Ý thở dài, môi lẳng lẽ mấp máy, giọng nói như tuyết bay nước chảy: “Đối với người mình thích, hoàng thượng luôn tốt hơn vạn lần.

Nhưng đối với người mình căm ghét thì sẽ không nể tình chút nào đâu.

Em xem Chiêu Phúc ấy, đã chết rồi, không truy cứu đến hoàng hậu được, không cho toàn thây thì cũng đành, còn muốn làm cho tan thành tro bụi.

Ấy đã biết rõ chọc tới vị vạn tuế gia này thì người nhất định sẽ tuyệt tình tuyệt nghĩa, thủ đoạn tàn nhẫn.

Em giày vò thái quá, chỉ sợ có ngày chọc giận người, khi đó chớ nói đến trong triều đình, ngay cả anh em bọn anh cũng phải trung nghĩa, không thể chịu nổi đâu.

Lần này anh đi Đại Lý, không biết khi nào anh em ta mới có thể gặp lại, những lời này là anh bẻ đầu xuống mà nói cho em, hãy hết sức cẩn thận đấy”.
Trong đêm rét giá, Tịch Tà nhẹ nhàng thổi hơi nóng trên trà: “Vâng, cảm ơn anh”.[1] một loại kết cấu đặc biệt của kiến trúc Trung Hoa, gồm những thanh ngang từ trụ cột chìa ra gọi là củng và những trụ kê hình vuông chèn giữa các củng gọi là đấu.
[2] Hòa thượng mới xuất gia.
[3] Ý chỉ rùa lớn hoặc ba ba lớn trong biển.

Trong “Hoài Nam Tử – Lãm lý” có chép lúc Nữ Oa vá trời từng “Chặt chân ngao để lập bốn cực”, trong Đông Hải có ngao lớn vác ba ngọn núi tiên là Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu.

Có 2 loại hình tượng, một là long ngư (ngao ngư) đầu rồng đuôi cá, tức si vẫn (mỏ diều hâu – hay được trang trí hai đầu nóc nhà); hai là con cả trong chín con của rồng, tương truyền “rồng sinh chín con, ngao là đứa đầu”, có đầu rồng, thân rùa, đuôi kỳ lân, nay gọi là long quy (ngao quy).

Tương truyền sau khi Nữ Oa chặt chân ngao vá trời, sau khi mất tứ chi, ngao quy biến thành ngao ngư, lại bay lên cao canh gác vòm trời cho Nữ Oa, trở thành si vẫn.
[4] Một loại đồ trang sức dùng tơ lụa hoặc giấy vàng đen làm thành hình hoa hoặc côn trùng.
[5] Một loại hồ lô nhỏ cỡ 8cm trở xuống, thuộc hàng cực phẩm, giá cả cao..