Khánh Hi Kỷ Sự

Chương 17: 17: Lý Nộ





Ngày mười tám tháng Bảy, Lục Quá đến châu Bạch Dương, đưa công văn cho bố chính sứ, mới vừa sắp xếp cho tham sự đi cùng ngủ lại dịch quán xong thì Lý Sư âm thầm đi theo đã đến cửa gặp.

Nếu nói “xin gặp” thì không khỏi sỉ nhục cách làm người của Lý Sư, chẳng qua y chỉ đẩy sai dịch của dịch quán ra, sải bước vào trong viện, rống lên: “Lục Quá, anh có đi hay không?”.
“Đi!” Lục Quá còn chưa tháo xuống hành lý trên yên đã dắt ngựa sửa sang lại cây cung lớn treo ở bên.
“Tướng quân, hãy khoan!” Tham sự vội vàng chạy ra từ trong nhà: “Tướng quân định đi đâu?”.
“Bạch Dương có hơn trăm bãi cỏ chăn ngựa, tôi đến từng nhà để ước lượng xem rốt cuộc có thể trưng thu bao nhiêu ngựa”.
“Vậy tiểu nhân thì sao?”
Lục Quá cười nói: “Anh điều tra rõ số lượng và ghi ngựa quan ở đây lại.

Non nửa tháng nữa tôi sẽ về”.
“Non nửa tháng?” Tham sự là một người không có chủ kiến, tặc lưỡi kêu khó, lại bị Lý Sư đẩy sang một bên.
“Lải nhải cái gì?” Lúc Lý Sư trừng người khác quả thật rất có uy thế: “Bọn ta sẽ ăn tướng quân của anh à?”
Lục Quá nở nụ cười, không nói hai lời dẫn ngựa ra quán rời đi, chạy qua một con đường, Lý Sư cũng đuổi theo.

“Chúng ta đi hướng nào?” Lục Quá hỏi tên tay anh chị hung thần ác sát này.
Lý Sư vung roi da lên trỏ vào mặt trời đang lặn dần: “Hướng tây!”
Ra khỏi châu Bạch Dương, trong vòng năm dặm, bên đường còn có chút cây cối nhà cửa, lại đi về phía trước thì chính là cỏ thơm vô tận.

Trước mắt vẫn là màu xanh biếc rậm rạp um tùm, xa xa ánh lên màu xanh thẳm của bầu trời, nếu không còn mây trắng bay cao thì người đã vào trong đất của dân tộc thiểu số phương bắc, khó phân biệt sự cao rộng của trời và sự xa xăm của đất.

Đường cái thẳng tắp bị ánh tà nhuộm vàng óng, dần bị cỏ xanh che phủ, lúc đứt lúc liền, biến mất ở phương xa.
Lục Quá nói: “Sắc trời không còn sớm, anh định qua đêm ở đâu?”.
“Ngủ ngoài trời.

Mùa này, đất nuôi thả của tôi luôn dời đến phía bắc núi Bạch Chi, đi nhanh thì chiều mai là đến”.

Lý Sư nói rồi bỗng nghiêng mặt sang hỏi: “Tôi đã quên anh là người nam man, sói trên thảo nguyên dữ lắm, anh có sợ không?”.
Lục Quá không khỏi bật cười, chẳng lý đến y.

Nhưng Lý Sư là người nghiêm túc, suy nghĩ một lát rồi nói: “Nếu như anh sợ thì chúng ta đi dọc theo đường hướng tới huyện Hắc Phần”.
“Không, tôi nghe anh sắp xếp”.
“Tốt”.

Lý Sư vừa cười, đột nhiên một tiếng ưng kêu trên trời cao, y ngẩng đầu nhìn một chấm đen bay đến gần từ trong áng mây, sắc mặt cũng đã thay đổi.
Lục Quá đưa tay cầm cung, hỏi: “Sao thế? Có chuyện gì à?”.
Lý Sư đè tay anh ta lại và nói: “Không, người một nhà”.
“Người một nhà?” Lục Quá thấy trên mặt y thoáng vẻ sợ hãi thì càng khó hiểu.
Con ưng xám kia xoay quanh một hồi ở đỉnh đầu Lý Sư rồi lại bay về hướng tây bắc.

Lý Sư nói: “Đuổi theo nó, em gái tôi tới rồi”.
“Em gái?” Lục Quá nhìn vóc dáng to cao, vạm vỡ của Lý Sư, nghĩ đến tính cách dạ xoa kim cang của y thì phác họa ra hình ảnh một cô gái to khỏe, không nhịn được mà phá lên cười.
Lý Sư quay đầu hung dữ nói: “Cười cái gì? Tôi nói cho anh biết, nếu dám có ý đồ với em gái tôi thì tôi sẽ lấy mạng anh trước đấy”.
“Dạ”.

Lục Quá ngậm chặt miệng, theo sát y chạy nhanh hơn mười dặm đường cái.

Mặt trời chiều to lớn đang bình tĩnh treo ở chân trời ngoài ngàn dặm, một đội người ngựa uốn lượn đi tới từ trong ánh sáng.

Lý Sư quát to một tiếng, ra roi thúc ngựa, phóng đi nhanh như tên bắn.

Một cái bóng thon thả nhảy lên từ trên lưng ngựa, bổ Lý Sư té nhào xuống cỏ, trong gió truyền đến tiếng cười như chuông bạc.

Lục Quá ghìm chặt ngựa từ xa, trong nháy mắt chỉ nhìn thấy mái tóc của nàng tung bay trên không trung nhưng không phân rõ là do váy áo đỏ mà nàng mặc hay là do ánh nắng chiều nhuộm thành màu sắc xán lạn như thế.
“Em ra đón anh thì bãi ngựa phải làm sao?” Lý Sư nắm lấy bả vai cô gái kia mà nói.
“Nhạc Tử Nhi lo rồi, không sao đâu”.

Thiếu nữ hất mái tóc ra phía sau, đột nhiên ra sức đạp một cú về phía bắp đùi Lý Sư: “Anh còn có mặt mũi hỏi! Im tiếng chạy bặt, hại em và Nhạc Tử Nhi bận trong bận ngoài.

Anh còn nhớ tháng sau là ngày nào không? Nếu đến lúc đó mà anh không về thì sau này đừng hòng bước lên Bạch Dương một bước nữa”.
Người chăn nuôi chung quanh đều cất tiếng cười to.

Một lão già tóc muối tiêu nói: “Cô nương yên tâm, thiếu đông về chính vì nhớ đến chuyện lớn này đấy.

Chẳng phải còn dẫn theo bạn tới hay sao? Đến lúc đó ắt sẽ tnwg bừng lắm đây”.
Lúc bấy Lục Quá mới xuống ngựa tiến lên.

Lý Sư gãi đầu nói: “Quên mất quên mất, đây là Lục Quá”.
Lục Quá ôm quyền về phía mọi người, còn chưa kịp mở miệng, cô gái kia đã cướp lời: “Tôi là em gái người này, tên Lý Nộ.

Những người này đều là người làm thuê trong bãi ngựa của bọn tôi”.

Nàng kéo ông già kia nói: “Đây là bác Chiêm”.
“Chiêm Thất”.

Lão già kia cao giọng cười.
Lục Quá khom người thi lễ: “Tại hạ Lục Quá…”
“Biết rồi biết rồi”.

Chiêm Thất cười nói: “Cậu hai họ Bạch đã truyền tin tới, tướng quân từ xa tới vất vả rồi”.
“Đừng khách sáo nữa, muốn lần sờ trong bóng tối mà đi à?” Lý Nộ không phải là một cô nương hay khách sáo, bỏ lại Lục Quá và Lý Sư, tung người lên ngựa: “Mấy anh người làm, đi thêm mười dặm nữa chúng ta sẽ nghỉ ở bãi cỏ nhà họ Hồ”.

Nàng lớn tiếng gọi đồng bạn, lại giành đi trước.
Chiêm Thất lắc đầu cười nói: “Tướng quân chớ chê cười, vị đại tiểu thư này là người nóng tính”.
Lúc mặt trời hoàn toàn chìm vào thảo nguyên, phương xa lại có thêm mấy chấm sao sáng, chạy gần mới biết là lửa trại hừng hực trước cửa lều vải trắng như tuyết, mấy người đàn ông vạm vỡ đi ra từ trong bãi ngựa đen nghịt, vui vẻ ôm lấy vai Lý Sư.

Lý Sư trỏ vào Lục Quá, lớn tiếng cười nói mấy câu.

Những người chăn nuôi ấy bèn đi tới vỗ lưng Lục Quá, cũng lớn tiếng mời: “Anh bạn tốt! Anh bạn tốt! Vào trong ngồi đi”.

Lục Quá gần như là bị mấy người đàn ông túm vào trong lều.

Anh ta mới vừa ngồi vững trên đệm da dê dưới đất, bác Hồ tóc muối tiêu là chủ ở đây đã rót rượu đầy bát to.

Lý Nộ thì theo bà chủ bưng thịt dê bò và bánh nướng áp chảo đến, đôi mắt to đen láy vui sướng chuyển động trên gương mặt màu nâu phiếm hồng: “Uống rượu nào!” Tiếng nàng mời rượu giống như đang thét con ngựa non ham chơi rời khỏi đội.

Lục Quá đón lấy rượu, uống một hơi cạn sạch trong ánh mắt của nàng.
“Khụ”.

Anh ta bỗng bị sặc, ho một tiếng: “Rượu này mạnh thật!”.
Những người chăn nuôi cười vang, Lý Sư chế giễu: “Đồ nam man, nào biết chỗ hay của rượu này”.
Lý Nộ nguýt Lý Sư, bảo Lục Quá: “Đừng để ý đến anh ấy”.
“Rượu này có mùi thơm tin khiết, êm dịu, có phải là dùng sữa dê để ủ chăng?”
Bác Hồ nói: “Không phải sữa dê, là sữa ngựa đấy, còn trộn với thiêu đao tử[1] mười năm”.
Lục Quá giơ bát to lên, khen: “Rượu ngon”.
Bác Hồ rất mừng, lại rót đầy cho anh ta.

Lý Nộ đặt thịt dê nướng ở trước mặt Lục Quá: “Vừa uống rượu vừa ăn đi”.

Lúc nàng khom lưng, mái tóc nhẹ nhàng phất qua đầu gối Lục Quá, Lục Quá khẽ rụt về phía sau, nàng đã cười hất mái tóc ra sau, vẫn hết sức phấn khởi uốn người đi ra ngoài.
Bác Hồ nói với Lý Sư: “Cậu cả, đợi Nộ cô nương lấy chống, trong bãi nhà họ Lý chỉ còn một đứa bé Nhạc Tử Nhi, rốt cuộc chừng nào cậu định về?”.
Lý Sư nói: “Tôi lên kinh là để đối phó Hung Nô, thấy sang năm chúng có ý xuôi nam, luốn muốn đợi đánh xong mới về”.
Chiêm Thất nói: “Trong bãi ngựa không thể thiếu người lo liệu.

Cô cả đã từng nói, dù lấy chống vẫn sẽ lo liệu bãi ngựa, đợi thiếu đông trở về thì sẽ trả lại cho nhà họ Lý”.
Người làm công nhà họ Lý cười nói: “Tôi thì tình nguyện để cô cả lo.

Thiếu đông là một người mà tiền chẳng lọt được vào mắt, thiếu đông mà lo liệu thì chỉ có ra không vào, người ở đây ai mà không biết”.
Mọi người cười to khen phải.

Lý Sư cười hai tiếng “ha ha”, bác Hồ mới nghiêm khắc vỗ vỗ lưng y, nói: “Đàn ông đàn ang chớ thua con gái! Học hỏi chuyện làm ăn đi”.
“Tôi không cản nổi nó”.

Lý Sư thật lòng nói.

“Đừng bàn tán về tôi!” Ngoài cửa, Lý Nộ ném đống củi vào trong lửa trại, tiếng củi khô nổ “lách tách”, nàng bỗng nhiễn cất tiếng hát vang.

Trẻ con nhà họ Hồ vây quanh nàng, hát vang theo, vỗ tay vui cười.

Những người chăn nuôi dùng bánh nướng áp chảo cuốn thịt dê đưa vào tay Lục Quá, một bát chưa uống xong mà rượu nguyên chất lại tràn bát to.

Lục Quá dần cảm thấy không chịu nổi men rượu, tiếng ca của Lý Nộ và tiếng cười của dân chăn nuôi cũng dần lúc có lúc không.

Anh ta để bát rượu xuống, nhìn lửa trại ngoài cửa cẩn thận mà ngẩn ngơ.
“Trong tháng Tư bị Hung Nô cướp năm sáu chục con ngựa, cũng may bọn người làm liều mạng rút về trăm dặm phía nam, mới giữ được phần lớn bãi chăn nuôi”.
“Có người bị thương không?” Lý Sư hỏi.
“Nhậm Giai chết rồi”.
Lục Quá đang trong giấc nồng hơi kinh hãi, ánh đỏ lờ mờ hiện lên trước mắt, bóng lưng của anh em họ Lý u tối trong nắng mai.

Lý Nộ nói: “Trong tháng Năm, anh thứ hai nhà họ Bạch đã tới một chuyến, lấy giá mười lăm lượng ba tiền một con, dắt đi một trắm bốn mươi con ngựa.

Thượng tuần tháng Sáu còn có một tên buôn ngựa nữa tới, mười sáu lượng một con, tổng cộng tám mươi con.

Bây giờ ngựa tốt thượng đẳng còn lại sáu phần, mỗi lần bán một ít, còn lại ba phần.

Lúc đầu xuân, ngựa non còn nhiều hơn…”.
“Được rồi được rồi, biết rồi”.

Lý Sư đứng dậy.
“Sao anh lại không nhẫn nại như thế?” Lý Nộ nhảy lên phủi váy, nói: “Hơn hai mươi tuổi rồi mà chẳng chịu suy nghĩ thành gia lập nghiệp? Đi vài ngàn dặm đường, có gặp được cô nương tốt nào không? Mau cưới về xử lý gia nghiệp đi”.
“Không”.

Lý Sư quay lưng lại, giận dỗi nói.
“Thật là vô dụng”.

Lý Nộ đưa tay vỗ gáy Lý Sư một cái: “Trong mắt ngoài đao thương gậy gộc ra thì không thấy gì khác cả”.
Lý Sư không dám hó hé một câu, chỉ ôm đầu chạy xa.

Lục Quá đứng dậy đi ra khỏi lều vài rồi lấy nước trong bầu treo trên lửa trại để rửa mặt.

Anh ta thấy người làm thuê của Lý Sư đang giúp nhà bác Hồ đuổi đàn ngựa ra từ trong rào chắn.

Ngàn thớt ngựa tốt tản ra như thể rất vui mừng, chạy vào trong thảo nguyên, tiếng vó ngựa “rầm rầm” vang lên liên miên, hoàn toàn không nghe được tiếng người.

Bỗng nhiên có người vỗ vai mình, Lục Quá quay đầu lại thấy Chiêm Thất trỏ vào lều vải của bác Hồ, Lý Nộ và Lý Sư đang vẫy tay với Lục Quá ở bên đó.
“Thì ra là võ trạng nguyên khóa năm nay”.

Bác Hồ cũng ra đón, cười: “Vậy tức là đại tướng trong triều rồi”.
Hóa ra lúc này ông ta mới biết thân phận của Lục Quá, mời anh ta ngồi vào trong lều.

Sau khi hỏi rõ mục đích chuyến đi này, ông ta trầm ngâm một lát mới cười khẩy, hỏi: “Trưng thu? Hung Nô cướp, triều đình trưng, chẳng qua như nhau cả.

Mấy năm nay quan đốc thúc dân nuôi, mười con ngựa trong nhà chăn nuôi ở Bạch Dương thì có hai con phải nộp thuế cho không triều đình, như vậy còn chưa đủ à? Nhà chăn nuôi lớn nhất trên đất Bạch Dương cũng chỉ nuôi không quá hai nghìn thớt ngựa, dầu anh trưng thu hết cả Bạch Dương cũng chỉ hơn ba vạn.

Trong việc dùng binh của triều đình thì chỗ ấy chỉ là hạt muối bỏ bể nhưng lại là kế hoạch lớn sinh sát đối với các hộ chăn nuôi bọn tôi”.
Lục Quá nói: “Ngựa quan của triều đình ở Bạch Dương chỉ có bảy, tám vạn, hộ chăn nuôi ở Bạch Dương lại có ba vạn ngựa hay thì làm sao có thể nói là như muối bỏ bể? Vả lại đương kim hoàng đế là vị vua thấu tình đạt lý, lúc tại hạ rời kinh, hoàng thượng đã nhiều lần căn dặn, không được cưỡng ép trưng thu”.
“Không được cưỡng ép trưng thu?” Bác Hồ cười to hỏi: “Lẽ nào triều đình muốn mua ba vạn con ngựa này à?”.
Lý Nộ cười nói: “Cứ coi ba vạn thớt ngựa này đều là hạng trung, giá thấp nhất là mười hai lượng một con thì thể nào cũng phải ba mươi sáu vạn lượng bạc trắng.

Anh đã mang đủ trên người rồi à?”
Lục Quá nói: “Chưa”.
Bác Hồ nói: “Tướng quân đang đùa tiểu nhân đấy à?”.
“Không dám”.

Lục Quá vội bảo: “Quốc khố trống rỗng, địch ngấp nghe bên ngoài, ngân lượng của triều đình cũng có giới hạn, hiện tại đã phát phần lớn đến tiền tuyến ở Lương châu rồi, hoàng thượng và đại thần trong triều ăn ngủ không yên vì ít tiền này.

Nếu như giá ngựa Bạch Dương không thấp hơn mười hai lượng thì e quốc khố sẽ bị móc sạch”.
Bác Hồ nói: “Ý của tướng quân thế nào?”.
“Bác xem triều đình mua một nửa, mượn một nửa, sáu lượng một con có được không?”
“Hừ hừ!” Bác Hồ tức đến cười nhạt, không nói năng gì.
“Tại hạ xin cam đoan đợi đánh giặc xong, triều đình nhất định sẽ trả lại một nửa tiền khất này”.
“Đó là đánh thắng, nếu thất bại thì sao?”
Lục Quá nói: “Bác Hồ, chúng tôi là người thành thật, giữ chữ tín, chưa bao giờ nói láo.

Bây giờ Hung Nô có hai mươi vạn chiến sĩ căng dây cung, gót sắt há chỉ đặt ở phía bắc Nhạn môn? Nếu trận đại chiến này thất bại thì cung Thanh Hòa ắt sẽ bị đốt trụi, non nước vạn dặm mặc người chà đạp.

Trong lúc nước mất nhà tan còn nói gì đến mười tám vạn lượng bạc nữa?”
Bác Hồ trầm mặc trong khoảnh khắc, đột nhiên nói: “Tướng quân nói nhiều cũng vô ích, để lão hủ suy nghĩ đã.

Xin mời”.
Ý là đuổi khách.

Cuối cùng Lục Quá hơi ủ rũ, nói câu cáo từ rồi lui ra ngoài lều.

Lý Sư tiến lên trước nói: “Chớ vội, không thuyết phục được chỗ này thì lại đến bãi cỏ khác xem thử”.
Nhưng trong lòng Lục Quá đã nghĩ khác: Hai nhà Đồ, Lý là hộ chăn nuôi lớn nhất Bạch Dương, nói là đầu bầy rồng cũng không ngoa.

Nếu như bắt đầu đã bị nhà họ Hồ cự tuyệt, những hộ chăn nuôi khác trông thấy thì tất nhiên càng không cần phải nói.

Đang lúc trong lòng hết sức do dự, anh ta nghe thấy Lý Nộ nói: “Này, các người! Nếu nơi này đã không thành công thì còn không mau lên đường, đến bãi cỏ nhà khác thuyết phục? Lèo nhèo làm người ta thấy ghét”.

Nàng huýt sáo vang, mới đưa cánh tay trái ra, con ưng xám kia đã vỗ cánh phành phạch, đậu trên tay áo đỏ tươi của nàng.
“Được!” Lục Quá cười nói: “Chờ tôi với”.
“Chờ anh nữa”.

Dường như Lý Sư rất sợ Lý Nộ vứt mình lại chỗ này, y vội vàng chạy theo Lục Quá đi thu dọn hành lý.

Đường đi càng ngày càng về hướng tây, trong vòng hai ngày đã đi qua năm sáu hộ chăn nuôi.

Nghe thấy Lục Quá tới để trưng ngựa, cuối cùng đều không tránh khỏi việc chia tay trong không vui.

Lục Quá đã chuẩn bị trước nên không nóng vội, đến ngày thứ ba vẫn khách sáo tới thăm nhà họ Lữ.
Chủ nhân nhà họ Lữ là Lữ Đồng đã nghe đồn từ trước, tươi cười đón Lục Quá vào.

Lúc uống rượu, Lục Quá lại hỏi Lữ Đồng về chuyện chính.
“Nửa giá à?” Lữ Đồng cười: “Dù sao cũng hơn là ép không!”.
Quả ngoài dự liệu của Lục Quá: “Lữ trang chủ…”.
Lữ Đồng khoát tay áo, nói: “Tôi đã nghe nói chuyện này được hai ngày rồi, tôi đã ước lượng cân nhắc cẩn thận, cảm thấy việc này liên quan đến vận mệnh của trung nguyên, không thể nói đến tư lợi bản thân chúng tôi như ngày thường được”.
Lục Quá cả mừng, nói: “Hiếm có nhân vật trọng khí phách, vì đại cục như Lữ trang chủ”.
“Quá khen”.

Lữ Đồng cao giọng cười to.
Lý Nộ liếc xéo ông ta một cái, nói: “Chú Lữ thì là nhân vật vì đại cục nỗi gì? Chẳng phải là vì bác Hồ không cho trưng thu nên chú nhất định phải hiến ngựa.

Nếu bác Hồ mà đồng ý với Lục Quá từ hai ngày trước thì bây giờ chú Lữ ắt cắn chặt răng, sống chết giữ vài thớt ngựa gầy ốm kia là xong”.
Lữ Đồng không cho là ngỗ ngược, đỏ mặt bảo: “Cô nương Tiểu Nộ đúng là tinh tường.

Tôi và lão Hồ không đội trời chung, chỉ muốn làm ngược với lão.

Nói đi nói lại, nếu đổi lại là bãi cỏ nhà họ Lý thì sẽ làm thế nào?”.
Lý Nộ nói: “Có thể thế nào? Tướng sĩ xuất quan mà không có ngựa cưỡi, chẳng lẽ muốn bọn họ mở to mắt mở trông Hung Nô đánh vào à?”.
Lý Sư nghe thấy không kìm được mà vỗ tay khen.

Lữ Đồng lại hỏi Lục Quá: “Lục tướng quân nói, sau trận chiến này sẽ bổ sung đủ tiền nợ, có việc này chăng?”.
Lục Quá hơi do dự một lát, Lý Nộ đã nói: “Anh ta là bạn của anh tôi, tôi tin anh ta!”
Ngực Lục Quá nóng lên, gật đầu với Lý Nộ: “Tôi lấy tính mệnh ra đảm bảo”.
Lữ Đồng vỗ tay nói: “Tốt!” Ông ta mới vừa đứng lên, Chiêm Thất đã vén mành vọt vào.
“Hung Nô! Đã lội qua sông Mã tới đây rồi!”

Lữ Đồng sầm mặt lại, đá văng cái hòm góc trên lều vải, bảy tám chuôi loan đao bên trong rơi ra đầy đất.

Ông ta vứt cho Lý Nộ một chuôi, hỏi: “Bao nhiêu người?”.
“Hơn ba mươi”.
“Bác Chiêm, bác lại đưa người bảo vệ bầy ngựa đi trước”.

Lý Nộ nhặt đao lên chạy vội ra ngoài trước.
Lục Quá giữ Lý Sư lại, hỏi: “Chúng ta có bao nhiêu người?”.
“Hai mươi bảy”.

Lý Sư không nhịn được hất tay anh ta ra, rống lên một tiếng.
Lục Quá chạy theo y đến trước ngựa của mình, gỡ bọc hành lý xuống, vội la lên: “Anh muốn liều mạng hay sao?”.
Lữ Đồng đã lên ngựa, xách loan đao cả giận nói: “Chúng là sói! Không giết thì sẽ cắn người”.
Lục Quá bảo: “Xông lên phía trước đánh giáp lá cà như vậy, chẳng phải là tự tìm đường chết? Hãy nghe tôi điều động một lát, được chứ?”.
Lữ Đồng ngẩn ra: “Tôi quên mất, cậu là đại tướng trong triều”.
“Nói đi”.

Lý Sư sảng khoái ngoài dự đoán của mọi người, rút trường kiếm ra cầm trong tay: “Tôi nghe lời anh”.
Lục Quá lập tức chỉ vào bảy người, lệnh họ mau mau hộ tống sáu trăm con ngựa trong bãi cỏ đi, giữ lại năm sáu chục thớt ở trong hàng rào để làm mồi.

Không quan tâm lều vải, đồ quân nhu, cứ để nguyên tại chỗ.

Những người còn lại kéo ngựa ẩn núp xong thì góp đủ gần hai trăm mũi tiên, giương cung mai phục.

Lục Quá bôn ba mấy chỗ, chợt thấy cái bóng áo đỏ sau đống cỏ khô: “Nộ cô nương, cô còn ở đây à?”.
“Làm sao?” Đôi mắt đen láy của Lý Nộ chuyển động, liếc nhìn anh ta: “Tôi là người lo liệu việc, tôi không ở đây thì người làm thuê của tôi nghe ai?”.
Lục Quá biết nàng không nghe khuyên bảo, trầm giọng nói: “Cô cẩn thận đấy”.
Lữ Đồng đột nhiên chạy tới hỏi: “Nhìn thấy thằng năm không?”
“Không”.

Lý Nộ ngạc nhiên nói: “Không đi theo ạ?”.
“Cái thằng bé này!” Lữ Đồng thầm lo lắng cho đứa cháu trai, sốt ruột đỏ mặt giậm chân.
Lý Nộ cao giọng nói: “Chú Lữ, nó chính là đứa trẻ lăn lộn mà lớn lên trên thảo nguyên, có thể tự lo cho mình, sẽ không làm chú mất mặt đâu”.
“Nói rất hay”.

Lữ Đồng nhìn ra một đường bóng đen phía xa: “Trước hết giết sạch bọn giặc này rồi nói”.
Lục Quá thấy người ngựa Hung Nô tới gần, lớn tiếng bảo: “Các vị bình tĩnh, nghe tôi hiệu lệnh”.
“Được!” Những người chăn nuôi lên tiếng hét lớn.
Mạch máu của Lục Quá trương lên, tim đập thình thịch, sửa sang lại hũ tên, nắm chặt cung lớn trong tay và nằm rạp người ở sau xe.

Anh ta nghe thấy Hung Nô cưỡi ngựa thét to cười to điên cuồng trong tiếng võ ngựa, ngựa thả trong bãi kinh hãi, vừa hí ầm lên vừa chạy như điên.

Anh ta lại thò đầu ra xem lần nữa, chỉ thấy một mảnh loan đao vung vẩy trên không trung, bị ánh mặt trời chiếu sáng gai mắt như tuyết.

Máu trong tim Lục Quá vọt lên, anh ta nhảy ra, giương cung bắn ngay: “Bắn tên!”
Một trận tên loạn giết cho Hung Nô không kịp trở tay.

Lục Quá phân công thoả đáng, trận mưa tên hình quạt của hai mươi dân chăn nuôi giết chết hai cánh, lập tức có hơn mười tên Hung Nô đang cưỡi ngựa bị trúng tên ngã xuống.
“Giết!” Lý Sư bắn hai đợt tên rồi hét to một tiếng, cầm kiếm Tà Nguyệt nhảy vào trận địa địch.

Y nhảy vọt tận trời, lúc này chém ngã hai tên, đoạt lấy một vật cưỡi, vòng đầu ngựa đánh lén từ phía sau.

Những người chăn nuôi khác bên này không có thân thủ tốt như y, bị kỵ binh Hung Nô xông từ trên xuống, làm hai người bị thương trước.

Lục Quá thấy tình thế không ổn, liên tục bắn tên.

Với sự mạnh mẽ của cung Nhân Nghĩa, tên nào tên nấy xuyên qua yết hầu, chỉ chốc lát đã kết liễu năm người.

Những người chăn nuôi được anh ta giải vây, sĩ khí tăng vọt, ba, bốn người tập kết một chỗ, ra sức chống đỡ.

Dẫu gì Hung Nô cũng kiêu dũng thiện chiến, trong lúc ngựa chiến phi nhanh, loan đao chém mạnh, chốn nào trên bãi cỏ cũng vô cùng nguy hiểm.

Lục Quá không có cơ hội lên ngựa, chỉ đứng trấn định mà bắn ở trong loạn quân.

Trước mắt đột nhiên lóe lên ánh bạc, một mũi tên lông đen quẹt qua cánh tay, găm vào càng xe bên cạnh anh ta.

Lục Quá tiện tay nhặt lên lắp vào cung, kỵ binh Hung Nô chạy băng băng đến trước mặt.

Anh ta đang định bắn cung, đã thấy không xa phía sau kẻ nọ, Lữ Đồng bị người ta dồn tới bên lều vải, cực kỳ nguy hiểm, đành đè trường cung xuống, xuyên thủng đầu đối thủ của Lữ Đồng.

Đợi khi anh ta lại muốn tự cứu thì đã không kịp lấy tên từ trong hũ, kỵ binh kia nhếch môi cười to, loan đao nâng cao.

“Phập” một cái, tia máu phun ra, loan đao và cả cánh tay của chủ nhân bay trên không trung, lần lượt rơi xuống bên chân Lục Quá.

Lục Quá nghiêng người tránh khỏi con ngựa chiến vẫn đang chạy.

Lý Sư vừa vung kiếm tới cứu giờ kẹp bụng ngựa, lại xông đến chỗ khác.
Trong nháy mắt, kỵ binh Hung Nô chỉ còn mười bảy người, tên to con cầm đầu lớn tiếng gào thét, dẫn người lui về phía bắc.

Một con ngựa trong đó chạy cuống quýt, đá ngã lăn đống cỏ khô, một đứa bé lăn ra từ trong cỏ, sợ hãi kêu lên.

Lý Nộ cách gần nhất, đưa tay kéo mạnh nó về, ném về đống có nuôi súc vật.
“Ai Mục Ngải!” Sau lưng nàng có tiếng người cười to một cách nham hiểm, hung bạo.

Lý Nộ chỉ cảm thấy người mình nhẹ bẫng, một cánh tay to khỏe tóm lấy eo nàng từ phía sau, đặt nằm ngang trên yên, đuổi theo người Hung Nô trước mặt.
“Anh ơi…” Tiếng Lý Nộ kêu cứu chợt đứt.

Lục Quá thấy rõ, giật nảy mình, cao giọng kêu to với Lý Sư giết đến hưng phấn, vẫn chưa nhận ra ở bên kia: “Em gái anh bị bắt đi rồi!”.
“Cái gì?” Lý Sư ngẩn ra, thấy Lục Quá phóng người lên ngựa nhanh chóng đuổi theo liền vội vàng thúc ngựa chạy tới, chẳng bao lâu đã chạy song song với anh ta: “Này, anh nói cái gì?”.
Lục Quá chỉ vào con ngựa hơi tụt lại phía sau trong đám Hung Nô, nói: “Em gái anh bị chúng bắt đi rồi!”.
“Súc sinh!” Khóe mắt Lý Sư sắp nứt ra, vừa rống to vừa vung mạnh trường kiếm trong tay: “Đợi ông mày lấy mạng chó cả nhà bọn mày đi”.
Ngựa Lý Sư nhanh, đi sau mà lại vượt trước, khiến Lục Quá bị bỏ lại.

Lòng Lục Quá nóng như lửa đốt, dốc sức ra roi, mắt thấy khoảng cách với Hung Nô càng ngày càng xa thì quả quyết tháo cung Nhân Nghĩa phía sau xuống.

Lý Sư đang quay đầu lại, trông thấy thế bèn kêu lên: “Xa như vậy cũng bắn? Ngộ thương em gái tôi thì tôi và anh không xong đâu”.
“Chớ lải nhải!” Lục Quá nổi giận gầm lên một tiếng, dốc sức làm cung Nhân Nghĩa căng hết cỡ, mắt nhìn đăm đăm tên kỵ binh thoáng lộ ra bóng lưng áo đỏ, ngón tay buông lỏng, dây kim loại teng teng rung đến mức làm cả người anh ta run lên.

Mũi tên lông đen vẫn còn bay lắc trong cơn gió màu vàng, chỉ trong nháy mắt bóng lưng tên kỵ binh Hung Nô đã dừng lại, ngã khỏi lưng ngựa.

Thiếu nữ áo đỏ nhẹ nhàng đứng dậy, trở mình lên yên, chạy băng băng về hướng nam.

Binh sĩ Hung Nô còn sót lại ghìm chặt ngựa tức giận mắng, nhưng hình như e sợ tài bắn của Lục Quá nên không đuổi theo.
Lúc bấy Lục Quá mới nhận ra hai cánh tay ê ẩm sưng lên, đã dùng hết sức.

Vết thương trên cánh tay phải do Hung Nô bắn lén làm trầy lẳng lặng chảy ròng máu tươi, sũng cả chiến bào.

Anh ta chậm rãi ghìm dây cương, cuộn cánh tay vào trong vạt áo.

Lý Nộ dừng ngựa ở trước mặt anh ta, lau vết máu bên miệng rồi cười nói: “Đa tạ”.
“Không…” Lục Quá nói hơi lắp bắp, anh ta cảm thấy chắc chắn là mình đau đến nỗi không nói nên lời rồi.
Mắt Lý Nộ vẫn đảo một cách vui sướng: “Tài cung của anh thật phi thường, tiếc là ngựa chậm quá”.

Nàng hếch cằm, nói: “Về thôi”.
Một nhóm người ngựa đông nghịt chạy như điên tới trước mặt, người dẫn đầu là bác Hồ.

Mọi người thấy họ bình an vô sự thì đều thở phào nhẹ nhõm.


Hỏi ra mới biết, gần đây phía bắc bên kia sông Mã có thêm hơn trăm Hung Nô chiếm giữ, đứng mũi chịu sào chính là nhà họ Lữ, bác Hồ được thám báo nên dẫn hơn sáu mươi người làm thuê của mấy bãi cỏ tới cứu trợ.

Mọi người bàn bạc ầm ĩ, bác Hồ thấy Lục Quá ôm cánh tay vào trong ngực thì dùng sức gật đầu.
Mặt trời dần lặn, nơi này không thể ở lâu, những người chăn nuôi giúp nhà họ Lữ dỡ lều vải, chữa trị vết thương, chôn xác rồi kéo quân nhu lui về hướng nam, trên đường hội họp với bầy ngựa của nhà họ Lữ, sau khi trời tối thì đóng ở bờ sông.

Lục Quá lấy nước lau sạch vết thương, chỗ rách vốn không sâu nhưng vì dùng sức quá độ nên máu thịt be bét, sức cùng lực kiệt, mắt không mở nổi, mới ngủ trong chốc lát đã thấy có kẻ đá đá người mình.
“Ăn cơm rồi hẵng ngủ tiếp!” Lý Nộ mang cơm tối đến bảo.
“Mệt muốn chết rồi nhỉ?” Lữ Đồng nói: “Suy cho cùng không sánh bằng nam nhi làm bằng sắt trên thảo nguyên bọn tôi được”.
Lục Quá ngồi dậy, người đã ngồi đầy cả phòng.

Có một bé trai bảy tám tuổi nhìn chằm chằm cung Nhân Nghĩa của mình với đôi mắt tỏa sáng.
“Nhóc chính là bé năm nhỉ?” Lục Quá cười hỏi.
Đứa bé kia đỏ mặt cười, chui vào trong lòng Lữ Đồng.
Lữ Đồng nói: “Tướng quân, hôm nay nếu không nhờ cậu thì chẳng biết sẽ có bao nhiêu người chết.

Tôi vẫn chưa nói câu cảm ơn, sao cậu có thể đặt mình xuống là ngủ?”.
Lục Quá cười nói: “Hung Nô không ngờ chúng ta mai phục nên chúng ta nhặt được hời, sau này không được mạo hiểm như như vậy nữa”.
Lữ Đồng nói: “Không cần nữa.

Tôi đã nghĩ xong rồi, ngựa bên trong bãi cỏ của tôi sẽ bán cho triều đình với giá năm lượng một thớt, còn mình thì về nhà trong huyện mà ở.

Một ngày còn chưa diệt được Hung Nô là một ngày bọn tôi không được sống yên, cần gì tính toán mấy ngàn lượng bạc?”.
Bác Hồ nói: “Con ma già này, sao lại cướp lời của tôi? Lục tướng quân, Hồ tôi chẳng có gì khác nhưng ngựa giỏi lại cả ngàn thớt, ngựa khỏe hơn con ma già này nhiều, triều đình đánh nhau cứ dắt ngựa của tôi mà dùng”.
Lục Quá cười nói: “Thưa hai vị, giá sáu lượng đã bàn xong rồi, chớ khách sáo.

Hai vị đều là anh hào trọng khí tiết, Lục tôi xin đa tạ”.

Anh ta đứng dậy vái tới đất, bị Lữ Đồng đưa tay ngăn lại.
Người chăn nuôi khác cũng nói: “Nếu ba nhà Hồ, Lý, Lữ đều bằng lòng hiến ngựa, chúng tôi cũng không còn gì để nói.

Có điều chúng tôi buôn bán nhỏ, không so được với nhà giàu như họ.

Tướng quân nói sau chiến tranh triều đình sẽ trả tiền ngựa có thật không?”.
Lữ Đồng nói: “Thưa các vị, mặc dù tôi là một kẻ thô kệch nhưng cũng là người làm ăn.

Tôi thựa hiện vụ mua bán này không vì gì khác.

Tôi tin lời của Lục tướng quân.

Cậu ấy đã cược cả tánh mạng mình, bắn tên cứu tôi trước, Lữ Đồng tôi trông thấy rõ ràng.

Nam nhi như vậy, chẳng lẽ không phải người giữ chữ tín hay sao?”.
Ai nấy đều hoan hô.

Lục Quá không ngờ bàn chuyện lớn xong nhanh như vậy, phấn khởi uống mấy chén, ồn ảo đến nửa đêm thực sự khó mà gắng được nữa.

Nhóm dân chăn nuôi tận hứng mà về, vây quanh lửa trại cất giọng hát ca.

Lữ Đồng vẫn còn đang tranh cãi với bác Hồ, hầm hừ nói: “Con ngựa mẹ nhà ông lừa ngựa của tôi, sinh ngựa tốt đều bị ông chiếm mất, tôi vẫn còn chưa tính món nợ này với ông đấy!”
“Khà khà…” Mặt bác Hồ phiếm hồng: “Không nhắc tới việc này cũng được, con trai ông lừa con gái tôi làm vợ nhưng tôi đã nói gì chưa! Thằng năm, nhà ông ngoại lớn, về ở với ông ngoại, anh Hắc Tử của cháu đang chờ cháu đến chơi đấy!”.
Lý Nộ phì cười, đuổi hai lão già ra ngoài, ở bên ngoài lẳng lặng buông mành cho Lục Quá.

Lửa trại bị ngăn cách ở bên ngoài, trong lều lại tối sầm lại, Lý Sư trợn to hai mắt nằm ngửa mặt lên trời.

Lục Quá thở một hơi, thong thả nói: “Ngày hôm nay là lần đầu tiên tôi giết người”.
Lý Sư yên lặng chớp mắt một lát, trở mình trong tiếng ca vui sướng: “Tôi cũng vậy”.
Từ đó về sau, trong một tháng, Lục Quá, Lý Sư và chủ nhân người làm hai nhà Hồ, Lữ bôn tẩu khắp nơi, khuyên bảo dân chăn nuôi hiến ngựa tham chiến.

Đầu tháng Tám, bãi cỏ các nơi đã lục tục lui về trong phủ Bạch Dương, giao ngựa vào vườn nuôi của Bạch Dương.

Lục Quá lệnh tham sự cùng đến điều người, ghi tên từng dân chăn nuôi hiến ngựa vào trong danh sách, trừ ngựa giống, ngựa non các loại ra, cuối cùng Lục Quá trưng được tổng cộng hai vạn năm nghìn thớt ngựa chiến ở Bạch Dương.

Việc còn lại chỉ là chuyện ngân lượng thôi.

Lục Quá tranh thủ đóng cửa lại, một mình lấy mật chỉ của hoàng đế, mở cái bao bằng gấm dầu vàng chói ra, một phong thư rơi ra trước, nét viết trên phong thư ngay ngắn nhưng thấm đẫm cơn giá lạnh.
“Thuế muối châu Bạch Dương?” Lục Quá ngẩn ra, lại mở cuốn mật chỉ, xem xét tỉ mỉ thì càng không hiểu ra sao.
Hôm sau cùng với tham sự và Lý Sư, Lục Quá tới nha môn thu thuế muối châu Bạch Dương, xin gặp quan viên tuần sát thuế Từ Lụy.

Lý Sư không phải người trong quan trường nên buộc ngựa của ba người ở trên cọc rồi tới dưới gốc cây ôm kiếm chờ.

Mới gần nửa canh giờ, cổng chính Từ phủ đã mở rộng, Từ Lụy cung kính tiễn Lục Quá đi ra.

Khách và chủ nói mấy lời xã giao rồi chia tay tạm biệt.
“Thế nào rồi?” Lý Sư hỏi.
Lục Quá cau mày nói: “Đã có ngân lượng”.
“Mười lăm vạn lượng?”
“Đúng vậy”.
Lý Sư cũng líu lưỡi nói: “Tôi mơ hồ luôn rồi.

Chuyện mua ngựa này có liên quan gì đến thuế muối chứ? Mười lăm vạn lượng mà nói đưa là đưa, không ầm ờ tẹo nào à?”.
Lục Quá lắc đầu nói: “Tôi cũng không hiểu, chỉ sợ phải hỏi lục gia mới biết được”.

Anh ta lệnh tham sự mang ngân phiếu của Từ Lụy đến tiền trang điều đủ ngân lượng, ngày mai thanh toán tiền trưng ngựa cho dân nuôi ngựa, còn mình thì cùng Lý Sư ra khỏi thành đến vườn nuôi của Bạch Dương.

Trên đường đi chợt thấy phía tây bụi bay tận trời, bầy ngựa đen nghịt phút chốc đã đến trước mắt.

Lục Quá và Lý Sư dừng ngựa ở một bên để nhường đường, hơn ba ngàn con ngựa phi nhanh như thủy triều, dân chăn nuôi trẻ tuổi chạy băng băng qua lại, tiếng thét to trong trẻo xuyên ra từ trong tiếng vó ngựa chấn động lòng người, roi trong tay vòng trên không trung một tiếng “đốp” giòn vang.

Một thanh niên dũng mãnh xoay mặt nhìn Lục Quá, gương mặt anh tuấn, cứng cỏi như điêu khắc đột nhiên cười to, vẫy tay về phía họ: “Này!”.
“Này!” Lý Sư cũng hưng phấn lắc cánh tay.
Xa xa, một thiếu niên mặt tròn lại càng vãy tay vui cười như điên ở trong khắp bầu trời đầy bụi đất.
“Quen à?” Lục Quá hỏi.
“Ha ha, sao không quen cho được? Đứa bé kia là Nhạc Tử Nhi, là anh em tôi đấy”.
“Người còn lại thì sao?” Lục Quá cảm thấy dường như mình không thích cậu chàng anh tuấn kia, lười biếng hỏi một câu.
Lý Sư cười nói: “Đó là Đào Tranh, hai ngày nữa gã sẽ thành thân với Nộ Nhi”.
“Thật, thật sao?” Lục Quá bị bụi làm sặc, ho một tiếng.
Lý Sư cẩn thận quan sát mặt anh ta: “Anh làm sao vậy? Môi trắng bệch cả ra”.
Lục Quá cười nói: “Vết thương của tôi lại đau”.
“Thôi, anh bớt đi! Đã lành được một tháng rồi”.

Lý Sư cũng cười.
Hai mươi hai tháng Tám là ngày lành mà Nộ cô nương – cô cả nhà họ Lý – đi lấy chồng.

Bạn bè thân thích trên thảo nguyên tụ ở trước cái lều mới toanh trắng như tuyết của Đào Tranh, cao giọng hát ca dưới ánh chiều tà, tân nương cưỡi ngựa thong thả đến từ phía tây như ráng chiều quét đất.

Hai tay vén khăn cô dâu của Đào Tranh không ngừng run rẩy, chọc cho mọi người cười to một trận.

Giây phút con mắt đen láy trên khuôn mặt ửng đỏ của Lý Nộ chậm rãi nâng lên, Lục Quá đã biết hôm nay nhất định phải say rồi.

Rượu mạnh đốt hầu, tim đau muốn vỡ làm anh ta rời khỏi đoàn người ồn ã từ lúc nào.

Anh ta dang tứ chi ra, ngửa mặt nằm trên đất, cỏ thơm mang theo hơi thở vô ngần của bầu trời làm anh ta cảm thấy cô đơn bội phần.
“Ở chỗ này làm gì đấy?” Lý Sư xách bầu rượu trong tay, ngồi xuống cạnh anh ta, ngắm nhìn sông ngân.
Lục Quá nói: “Không được rồi, tôi đã không ngửi nổi mùi rượu nữa rồi”.
“Đồ nam man!” Lý Sư nở nụ cười.
Xa xa vẫn có tiếng ca không ngừng, Lý Sư ngửa đầu lại cạn một chén.

“Lục Quá, tôi bảo này…” Y hỏi: “Ngày mai chúng ta về kinh rồi, anh có chuyện gì quan trọng vẫn chưa hoàn thành không?”.
Lục Quá suy nghĩ một lát, lắc đầu đáp: “Không có, chuyện ở Bạch Dương đều xong rồi, không cần ở lại nữa”.
“Nghe giọng điệu của anh cứ như ước gì được đi ngay ấy”.

Lý Sư có vẻ không hài lòng.
“Tôi là đồ nam man”.

Lục Quá nói: “Anh biết mà”.
Lý Sư cười ha hả, chỉ là từ đó về sau, không còn cười nhạo anh ta là người miền nam nữa, cứ thế Lục Quá cảm thấy đường quay về lại hơi không vững tâm và nhàm chán.
Tết trùng dương mùng chín tháng chín, hoàng đế hầu thái hậu lên núi Ngọc Chỉ phía bắc kinh thành để lễ Phật, tất cả quan to của các phủ, tự, bộ, viện trong triều đều đi theo.

Lục Quá mới về kinh, cho rằng hôm nay được rảnh rỗi nghỉ ngơi nhưng không ngờ sáng sớm đã nhận được thiếp mời của Tịch Tà, vội vàng ruổi ngựa tới chỗ hẹn ở cầu Phiêu Hạ.

Tiểu nhị ân cần nhận dây cương đi buộc ngựa.

Lục Quá ngẩng đầu lên, Tịch Tà đã cửa sổ tầng chót của lầu nóng, nhìn anh ta mỉm cười.
“Ngựa hay!” Tịch Tà vừa thấy anh ta đã khen.

Lý Sư cũng ngồi ở đấy chờ, nói: “Đó là ngựa của em gái tôi.

Thớt ban đầu của Lục Quá vừa già vừa xấu, tệ vô cùng, em gái tôi mang ơn anh ta bèn tặng tuấn mã báo ơn”.
“Chuyến này của anh Lục thuận lợi, làm việc rất tốt, hoàng thượng hết lời khen ngợi.

Anh Lục hành động một lần đã thành danh, sau này sẽ lên như diều gặp gió, thật đáng mừng”.
“Công công cứ đùa tại hạ”.


Lục Quá nói.
Tịch Tà nâng chén bảo: “Trùng dương lên Phiêu Hạ, mây xanh vọng kinh hoa.

Hôm nay anh Lục đắc ý, hãy cạn chén này”.
Ba người ngồi vào bàn, Lục Quá nói: “Tôi có mấy chuyện muốn xin công công bảo cho trước khi bẩm lại với bộ binh”.
“Ồ?” Tịch Tà dùng khăn che miệng ho một tiếng, cười nói: “Không dám.

Cách nhìn của anh Lục luôn cao siêu, tôi xin được chỉ bảo ở đây”.
Lục Quá lấy một cuốn sổ gấp từ trong lòng ra cho Tịch Tà, nói: “Mời công công xem”.
Tịch Tà đọc xong thật nhanh, mỉm cười nói: “Chế độ trà ngựa[2]?”
“Đúng vậy”.

Lục Quá chỉ vào Lý Sư nói: “Vẫn nhờ có y.

Hôm em gái y là Lý Nộ thành thân, anh hai Bạch cũng tới chúc, thứ gã thồ tới đều là trà thô của vùng núi Đa trung nguyên, hỏi ra mới biết xưa nay các nước tây bắc thích trà trung nguyên, cứ bảy mươi cân[3] là được đổi một con ngựa tầm trung.

Tôi nghĩ, trận chiến Hung Nô như lửa cháy ngang mày, hơn nửa tiền tài của nước nhà đã dùng hết cho việc binh, quốc khố trung nguyên trống rỗng.

Nhưng trà muốn bao nhiêu thì có bấy nhiêu, nếu đổi thành ngựa với các nước phía tây thì trong hơn nửa năm này lại có vạn thớt ngựa tốt vào vườn, há không phải là chuyện tốt?”.
Tịch Tà gật đầu nói: “Rất tốt! Tôi sẽ giữ lại tấuu chương này.

Anh Lục hãy viết một bản khác rồi dâng cho Ông đại nhân của bộ binh”.
“Vâng”.
Tịch Tà nhét sổ gấp vào trong lòng, cầm quyển sổ khác ra đưa cho Lý Sư: “Gần đây tội bận việc, anh ở trong kinh luyện đàng hoàng tâm pháp nội gia trong này, tôi chờ anh tỏa hào quang đấy”.
Lý Sư lật ngay trước mặt Lục Quá.

Lục Quá chỉ thấy bên trên nhiều hình ít chữ nhưng nét nào cũng lạnh lẽo vô tình thì hơi động lòng, thấy Lý Sư lật tới cuối lại lộ vẻ bút lực ở đó không đủ, khí thế tản mạn.

Tịch Tà chợt ho một cơn, Tiểu Thuận Tử bưng nước đến hầu hạ.
Lý Sư nói: “Chắc đây chính là chữ của anh, sao càng viết càng kém thế?”.
Tịch Tà cười nói: “Ôi, xin lỗi”.
Tiểu Thuận Tử thừa dịp Tịch Tà bận thở dốc, cả giận nói: “Anh đúng là kẻ không biết phải trái.

Thầy đương cơn đau ốm mà còn viết suốt đêm để ra được quyển sách này cho anh, anh còn ngại này chê kia.

Anh có biết thầy ho, đến cuối cùng, ngay cả bút cũng không cầm được nữa không?”.
“Con ca cẩm cái gì?” Tịch Tà nổi giận, rầy Tiểu Thuận Tử một câu.
Lý Sư bảo: “Ốm thì phải nằm, chính hắn không biết giữ gìn, còn muốn ai tới thương hại hắn?”.
Tiểu Thuận Tử đã tức đến mức mặt trắng bệch, Tịch Tà cũng không để ý đến họ.

Lục Quá vội vàng chuyển đề tài, nói: “Đây là bức thư mà quan tuần sát thuế muối châu Bạch Dương Từ Lụy gửi cho công công.

Tại hạ còn có một việc không rõ, trưng ngựa là chuyện của triều đình, vì sao lại đòi lấy tài sản riêng của quan tuần sát thuế muối?”.
Tịch Tà cười nói: “Tướng quân có chỗ không biết, trên đất Bạch Dương, trước nay quan tuần sát thuế muối là công việc béo bở nhất.

Thuế khóa vào trong tay, hắn không vội áp giải lên kinh mà lấy số tiền này cho vay lấy lãi, trong một năm ít cũng có gần mười vạn vào mồm.

Năm tiền trang và bảy hiệu cầm đồ trong châu Bạch Dương đều là do Từ Lụy dùng tiền của hoàng thượng để mở.

Thấy hắn giàu đến óc đầy bụng phệ, không tìm hắn thì tìm ai đòi tiền trưng ngựa đây?”.
Lục Quá kinh ngạc nói: “Vì sao không tố cáo loại tham quan này lên hoàng thượng, bắt rồi trị tội?”.
Tịch Tà nói: “Tiền hắn áp giải đến kho không thiếu một xu là được rồi.

Còn nữa, tiền trong quốc khố có nhiều hơn nữa, chẳng qua là để không ở đó sinh mốc rơi bụi chứ có lợi ích gì? Chẳng thà để những tên tham quan vơ vét của cải này cầm đến kinh doanh, hoàng thượng lại đòi về vào lúc có ích.

Vạn tuế gia là một vị vua sáng suốt, lúc này đối đầu với kẻ địch mạnh, không rảnh tính toán với chúng, chờ thêm vài năm nữa thì những tên tham quan ô lại này khó tránh khỏi kết cục bị tịch thu tài sản và giết cả nhà.

Đến lúc đó cả gốc lẫn lãi đều trở về, không biết là được bao nhiêu tiền lời đây!”
“Ồ?” Trong cơn khiếp sợ, Lục Quá dở khóc dở cười, nói: “Tôi hiểu rồi”.
“Đây chỉ là kế sách tạm thời.

Theo tính cách của vạn tuế gia, người đã muốn anh mang binh tịch thu tài sản nhà Từ Lụy lâu rồi, sao còn ban chỉ ngợi khen hắn bỏ tiền ra vì triều đình được? Nhưng trong các quan, có ai mà chưa từng làm chuyện trái lương tâm? Vào cục diện hiện nay, hễ giơ lá cờ sát phạt, dồn ép đại thần thì trong triều đại loạn ngay, còn nói gì đến đánh dẹp Hung Nô phía bắc nữa?”
“Vâng”.
Tịch Tà đưa thư cho Tiểu Thuận Tử: “Mở ra xem đi”.
Trong phong thư không có gì khác, chỉ có một tờ ngân phiếu hai vạn lượng rơi ở trên bàn.

Tịch Tà phì cười: “Thì ra mười lăm vạn lượng chạm đến gốc”.

Hắn nhặt ngân phiếu lên, đưa đến trước mắt Lục Quá.
“Công công làm gì vậy?” Lục Quá cả kinh nói.
“Anh còn nợ người dân Bạch Dương mười lăm vạn lượng bạc, hoàng thượng không có ý chỉ muốn triều đình trả ơn huệ này à?”
Lục Quá thẹn hỏi: “Công công đã biết rồi ư?”
“Vạn tuế gia đã xem mật báo của anh, cũng thông cảm nỗi khổ của anh.

Không dùng thủ đoạn này thì làm sao họ lại hiến ngựa chứ?”
Lý Sư đang vùi đầu đọc sách, lúc này ừm một tiếng, đột nhiên nói: “Lục Quá, thì ra anh nói chiến tranh kết thúc thì triều đình sẽ trả nợ là dối trá à?”
Tịch Tà cười khẩy bảo: “Lừa các người? Vẻn vẹn mười lăm vạn lượng bạc, dù triều đình không có cũng chưa chắc làm khó được tôi đâu”.
“Công công!” Lục Quá nói.
Tịch Tà khoát tay áo: “Chuyện này không có gì lớn, tôi sẽ chống thay anh Lục.

Ngày mai lại chờ được gọi vào cung Càn Thanh đi, vạn tuế gia còn có ít lời muốn hỏi anh đấy”.
Lục Quá có những lời này của hắn nên đã yên tâm.

Hôm sau khi hoàng đế cho đòi, Ông Trực cũng ở đó.

Hoàng đế khen ngợi mấy câu rồi hỏi: “Những chuyện khác đều tốt, chỉ là vẫn phải hỏi khanh chuyện tự ý điều binh”.
“Vâng, trước khi điều binh, thần chưa được sự cho phép của bộ binh.

Trong tháng Tám, hộ chăn nuôi ở Bạch Dương nộp ngựa vào vườn, bỗng chốc có hơn vạn ngựa, gần xa không có trọng binh đóng.

Thần sợ Hung Nô quấy rầy đánh cướp nên tự ý điều một nghìn quan binh châu Bạch Dương để canh giữ vườn nuôi của Bạch Dương.

Thần tự tiện chủ trương, tội đáng chết vạn lần, xin hoàng thượng giáng tội”.
“Khanh có tội gì?” Hoàng đế cười nói: “Vừa nãy Ông khanh còn khen khanh quyết đoán, có phong độ đại tướng, vả lại sau đó kịp thời thông báo bộ binh, không có gì không thích đáng cả.

Điều trẫm muốn hỏi khanh là hiện đại quân Hung Nô đang ở Hạ Lý Luân, kẻ khanh nói lại là người phương nào?”.
“Những kẻ ấy là lính Hung Nô mất chỉ huy.

Phía bắc Bạch Dương có chừng sáu tốp bộ tộc trăm người, mỗi tháng luôn có hơn trăm con ngựa cướp cho chúng, thật là nhiễu dân”.
Hoàng đế nói: “Tấu chương hôm nay của Ông khanh muốn bàn về ‘chế độ trà ngựa’, trẫm cảm thấy rất hay.

Mở chợ đổi lấy ngựa của các nước láng giềng phía tây, khó đảm bảo toàn những tốp nhỏ ấy của Hung Nô xuôi nam quấy rầy.

Trẫm muốn cử binh mã bảo vệ chợ trà, vận chuyển ngựa, bao nhiêu người ngựa thì thích hợp?”.
Lục Quá thấy Ông Trực đàng hoàng không khách sáo chiếm “chế độ trà mã” thành của mình, tuy hơi không vui, nhưng biết đạo làm tướng tuyệt đối không thể tranh công với cấp trên, cho nên mặt không đổi sắc, nói: “Bây giờ Hung Nô không nên trò trống gì, ba nghìn kỵ binh là đủ ạ”.
Ông Trực nói: “Rất thỏa đáng”.
Hoàng đế gật đầu: “Vậy thì Ông khanh lập tức lấy người đi làm việc này, điều động ba nghìn kỵ binh ra Bạch Dương càn quét những tốp Hung Nô nhỏ.

Bộ hộ phải trưng đủ thuế trà trong tháng Mười, cung cấp để bộ binh điều động, không được làm lỡ”.
Ông Trực thưa: “Hoàng thượng, ba nghìn người ngựa này do ai dẫn binh ạ? Thần tiến cử Lục Quá”.

Ông ta đang báo đáp ân tình của Lục Quá tình, không ngờ hoàng đế lại lắc đầu.

Cát Tường biết ý, cầm một danh sách trên hương án cho Ông Trực.
Hoàng đế nói: “Bữa trước xem đánh giá thành tích của bộ binh, trẫm đã khoanh tròn những người này, bên trong cũng có Lục Quá.

Khanh gửi công văn bộ binh, điều những quan tướng này vào kinh sau tháng Giêng chờ chỉ”.
Ông Trực nhận danh sách thì hơi ngây người.

Hoàng đế nói tiếp: “Còn nữa, khanh lệnh cho tham tướng các đạo các phủ tiến cử tướng sĩ thuộc hạ đắc lực, đối chiếu hai bên, có ai chưa được liệt kê trên danh sách của trẫm thì bẩm cho trẫm biết”.
“Vâng”.

Ông Trực bị mấy khẩu dụ của hoàng đế khiến cho không xoay mòng mòng, đi ra hỏi Lục Quá: “Anh xem vạn tuế gia có ý gì?”.
“Hạ quan ngu muội, sao biết ý của thánh thượng? Đại nhân muốn biết chính xác thì chi bằng hỏi Tịch Tà trong phòng sách ấy”.
“Nói không sai”.

Ông Trực gật đầu, tìm thái giám nhỏ hỏi thăm.
Thái giám nhỏ đó lại cười nói: “Bẩm đại nhân, đúng là không khéo, tối qua lục sư thúc của nô tỳ ngã bệnh, nô tỳ vừa mới phụng ý chỉ của vạn tuế gia đi hỏi, nói là muốn nghỉ một trận cho khỏe ạ”.
Lục Quá mới biết cái “bận” Tịch Tà nói ở lầu Phiêu Hạ là có ý gì.

Ra khỏi cung, anh ta dắt ngựa đi từ từ, vuốt lông bờm trơn bóng như tơ ở cổ ngựa, trong lòng biết ơn Tịch Tà đã định ra danh sách kia vì hoàng đế.

Anh ta thực sự không muốn trở lại vùng thảo nguyên ánh chiều như tranh vẽ.

Dù rằng ngựa cưỡi làm bạn bên cạnh mình lúc này là ngựa Lý Nộ cưỡi khi lấy chồng, nhưng mình luôn liều mạng quên đi khoảnh khắc đôi mắt đẹp lấp lánh diễm lệ hơn cả ráng chiều.
Anh ta sợ thảo nguyên Bạch Dương.
[1] Một loại rượu trắng cổ, rất mạnh, rượu ngon hàng đầu đông bắc Trung Quốc.
[2] Một hình thức buôn bán đổi trà lấy ngựa truyền thống giữa người Hán và người Tây Tạng.

Hình thức buôn bán đó xuất phát từ sự quan tâm của người Tây Tạng đối với trà vào thời nhà Đường.
[3] Một cân bằng 0,5kg..