Kẻ Trộm Sách

Chương 6




VÔ ĐỊCH HẠNG NẶNG TRÊN SÂN TRƯỜNG

Mùa hè năm 1939 trôi qua rất vội vàng, hay cùng có thể là Liesel vội vàng. Con bé đã dành thời gian của mình để chơi bóng cùng Rudy và những đứa trẻ khác trên phố Thiên Đàng (đây quả thực là một trò tiêu khiển quanh năm suốt tháng), mang đồ giặt ủi đi lòng vòng thị trấn với Mẹ, và học thêm những từ ngữ mới. Dường như mùa hè chỉ kéo dài được vài ngày rồi chấm dứt ngay vậy.

Vào cuối năm ấy, có hai việc xảy ra.

š TỪ THÁNG CHÍN ĐẾN THÁNG MƯỜI MỘT, 1939 ›

1. Thế chiến II bùng nổ.

2. Liesel Meminger trở thành nhà vô địch hạng nặng trên sân trường.

Hôm ấy là một ngày mát mẻ ở Molching, cái ngày mà cuộc chiến nổ ra và khối lượng công việc của tôi tăng lên.

Cả thế giới đã nói về việc này chán chê rồi.

Báo chí đã chè chén no nê với nó rồi.

Giọng nói của Quốc trưởng gầm lên trên những đài phát thanh Đức. Chúng ta sẽ không bỏ cuộc. Chúng ta sẽ không ngừng nghỉ. Chúng ta sẽ chiến thắng. Thời của dân ta đã tới rồi.

Cuộc xâm lăng của người Đức lên đất nước Ba Lan đã bắt đầu, và đâu đâu người ta cũng đều tập trung lại để lắng nghe tin tức về sự kiện này. Phố Munich, như mọi con phố lớn khác của Đức, trở nên thật sống động với chiến tranh. Mùi, giọng nói.

Chế độ phân phối đã bắt đầu từ vài ngày trước đó – ban đầu chỉ là những dòng chữ trên tường – bây giò thì việc này đã thành chính thức. Anh và Pháp đã thể hiện quan điểm của mình về nước Đức. Tôi muốn thuổng một câu của Hans Hubermann để nói về tình cảnh lúc ấy:

Trò vui đã bắt đầu rồi đây.

Ngày công bố điều này, Bố đã gặp may và được người ta thuê làm một việc vặt. Trên đường về nhà, ông nhặt được một tờ báo bị ai đó vứt đi, và thay vì dừng lại để nhét nó vào giữa những thùng sơn trên chiếc xe đẩy của mình, ông gấp nó lại và luồn nó xuống dưới áo. Lúc ông về đến nhà và cởi áo ra, thì mồ hôi đã làm nhòe hết mực in của tờ báo lên da ông. Tờ báo thì được đặt xuống mặt bàn, nhưng tin tức trên tờ báo ấy thì cứ như được đóng dấu lên ngực ông vậy. Một hình xăm, vẫn phanh áo ra, ông nhìn xuống cái hình xăm ấy, trong ánh sáng nhờ nhờ của đèn bếp.

“Nó nói gì vậy?” Liesel hỏi ông. Con bé hết nhìn những đường nét màu đen trên da ông rồi lại nhìn tờ báo trên mặt bàn.

“HITLER ĐÃ CHIẾM ĐƯỢC BA LAN,” ông trả lời, và Hans Hubermann ngồi sụp xuống một cái ghế. “Deutschland uber alles”, ông thì thầm, giọng không hề có vẻ yêu nước chút nào.

Khuôn mặt ấy lại xuất hiện – khuôn mặt như cây đàn xếp của ông lại xuất hiện.

Vậy là một cuộc chiến đã bùng nổ.

Và Liesel sẽ sớm rơi vào một cuộc chiến khác.

Gần một tháng sau khi đi học lại, con bé được chuyển lên lớp đúng độ tuổi của nó. Có thể bạn nghĩ rằng việc này là do kỹ năng đọc của con bé đã được cải thiện, nhưng thực ra không phải như vậy. Mặc cho những tiến bộ, con bé vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc đọc. Những câu chữ vương vãi khắp nơi. Những từ ngữ thì đánh lừa nó. Lý do nó được lên lớp liên quan nhiều hơn đến việc nó đã trở nên rất lắm chuyện trong lớp dành cho những đứa nhỏ hơn. Nó trả lời các câu hỏi được chỉ định cho đứa khác. Có vài lần, nó được ban cho một thứ được biết đến với cái tên Watschen (đọc là “va–chen”) trong hành lang.

š ĐỊNH NGHĨA ›

Watschen = một trận đòn

Nó bị gọi đứng dậy, tống vào một cái ghế nơi góc lớp, rồi cô giáo – người đồng thời cũng là một bà xơ – bảo nó hãy ngồi yên đấy và ngậm miệng lại. Ở đầu bên kia của lớp học, Rudy nhìn con bé và vẫy tay. Liesel vẫy tay đáp lại, cố gắng không toét miệng cười.

Ở nhà, con bé vẫn say mê đọc quyển Sách hướng dẫn của phu đào huyệt với Bố. Họ thường khoanh tròn những từ mà Liesel không hiểu rồi mang nó xuống tầng hầm vào ngày hôm sau. Con bé nghĩ như thế là đủ rồi. Nhưng như thế vẫn không đủ.

Khoảng đầu tháng Mười một, người ta tổ chức vài kỳ kiểm tra tiến độ học tập ở trường. Một trong số này là phần kiểm tra môn tập đọc. Mỗi học sinh đều phải đứng trước lớp và đọc một đoạn văn mà giáo viên chỉ định. Ngày hôm ấy là một buổi sáng đầy sương giá, nhưng ánh mặt trời vẫn tỏa rạng. Bọn trẻ con nheo tịt mắt lại. Một vầng hào quang bao quanh vị nữ tu dữ tợn như thần chết cầm lưỡi hái tên là Xơ Maria ấy. (Nhân tiện nói luôn – tôi rất thích ý tưởng về ông thần chết cầm lưỡi hái. Tôi thích cái lưỡi hái. Nó khiến tôi thây vui vui).

Trong lớp học ngập tràn ánh nắng hôm ấy, những cái tên được phát ra một cách ngẫu nhiên như tiếng mưa rơi:

“Waldenheim, Lehman, Steiner.”

Tất cả đều đứng dậy và đọc, tất cả đều thuộc vào những cấp độ khác nhau. Rudy đọc lưu loát đến mức đáng ngạc nhiên.

Trong suốt thời gian diễn ra đợt kiểm tra, Liesel ngồi đó với một hỗn hợp gồm sự đề phòng nóng nực và một nỗi sợ hãi dằn vặt đau đớn. Con bé rất muốn kiểm tra trình độ của mình, để nhận ra một lần và mãi mãi việc học hành của mình đã tiến bộ đến đâu. Liệu nó có đủ sức làm điều này không? Thậm chí, liệu nó có thể đạt đến gần trình độ của Rudy và những đứa còn lại hay không?

Mỗi lần Xơ Maria nhìn vào bản danh sách của mình, một sợi dây bồn chồn lo lắng như xiết chặt lấy những chiếc xương sườn của Liesel. Cơn đau bắt đầu ở bụng, nhưng sau đó đã dồn lên trên. Không lâu nữa nó sẽ thắt chặt quanh cổ con bé, một sợi dây to đùng như dây thừng vậy.

Khi Tommy Muller kết thúc phần đọc xoàng xĩnh của con bé nhìn quanh phòng. Mọi người đều đã đọc cả rồi đứa duy nhất còn sót lại.

“Rất tốt,” Xơ Maria gật đầu, xem kỹ lại bản danh sách “Vậy là mọi người đều đã đọc xong rồi.”

Cái gì kia?

“Không!”

Một giọng nói gần như thình lình hiện ra ở phía bên kia cả phòng. Kèm theo giọng nói ấy là một thằng bé có mái tóc màu vàng chanh, và hai đầu gối xương xẩu được bọc trong quần dài của nó đương chọc vào mặt dưới bàn. Thằng bé giơ thẳng tay lên và nói, “Xơ Maria, con nghĩ là Xơ quên gọi Liesel lên đọc rồi “

Xơ Maria.

Không có ấn tượng tốt đẹp lắm với việc này.

Bà vứt xoạch tập hồ sơ của mình lên mặt bàn đằng trước, và nắn gân Rudy bằng sự phản đối ngầm qua ánh mắt. Ánh mắt ấy có vẻ gì đó gần như là u sầu. Tại sao, bà than vãn, mà bà lại phải chịu đựng Rudy Steiner cơ chứ? Thằng bé này không thể câm mồm lại được. Tại sao, lạy Chúa, tại sao chứ?

“Không,” bà nói, với vẻ dứt khoát kết thúc vấn đề. Cái bụng nhỏ xíu chồm về phía trước cùng với phần còn lại của thân người bà “Ta sợ rằng Liesel không thể làm được bài kiểm tra này đâu, Rudy.” Bà giáo nhìn sang con bé, như để khẳng định lại lời mình nói. “Trò ấy sẽ đọc cho ta nghe sau.”

Con bé hắng giọng và nói với một sự bất tuân hết sức nhẹ nhàng. “Con có thể đọc bây giờ, thưa Xơ.” Hầu hết những đứa trẻ trong lớp đều lặng thinh và quan sát. Vài đứa trong số chúng bật cười, tiếng cười khúc khích tuyệt đẹp của trẻ thơ.

Việc này là quá sức chịu đựng của bà xơ. “Không, trò không thể!... Trò đang làm cái gì vậy?”

Lúc đó thì Liesel đã ra khỏi ghế của mình và đang chầm chậm bước ra trước cả lớp, dáng người nó cứng đơ như một khúc gỗ.

Con bé nhặt quyển sách lên và giở một trang ngẫu nhiên ra.

“Thôi được rồi,” Xơ Maria nói. “Em muốn đọc à? Thì đọc đi.”

“Vâng thưa Xơ.” Sau một cái liếc nhanh về phía Rudy, Liesel cụp mắt xuống và kiểm tra trang sách mà nó vừa mở ra.

Khi con bé nhìn lên lần nữa, căn phòng như bị kéo dãn ra, rồi lại nén trở lại như cũ. Tất cả những đứa trẻ đều bị nghiền nát ngay trước mắt nó, và trong một khoảnh khắc phi thường, nó tưởng tượng thấy mình đọc cả trang sách ấy mà không hề mắc lỗi, lưu loát như một phép màu.

š TỪ KHÓA ›

Tưởng tượng

“Coi nào, Liesel!”

Rudy phá tan bầu không khí im lặng.

Kẻ trộm sách lại cúi xuống trang giấy dày đặc chữ.

Máu nó chảy rần rật. Những câu chữ như nhòa đi.

Trang giấy trắng bỗng như được viết bằng một thứ ngôn ngữ khác, và những giọt lệ không kiềm chế được đã bắt đầu ngân ngấn trên mắt con bé. Thậm chí nó còn không nhìn thấy chữ được nữa.

Và còn mặt trời nữa chứ. Cái mặt trời kinh khủng ấy. Nó tỏa ánh nắng thiêu đốt xuyên qua các ô cửa sổ – khắp nơi toàn kính là kính – và chiếu rọi thẳng vào con bé vô dụng ấy. Nắng thét vào mặt con bé. “Mày có thể ăn trộm một quyển sách, nhưng mày đừng hòng đọc được quyển sách nào!”

Một giải pháp lóe lên trong đầu Liesel.

Hít vào rồi thả ra, con bé bắt đầu đọc, nhưng không phải đọc quyển sách trước mặt nó. Đó là một đoạn được trích từ Sách hướng dẫn của phu đào huyệt. Chương Ba: “Trong trường hợp có tuyết.” Con bé nhớ lại giọng Bố đang đọc đọan ấy.

“Trong trường hợp có tuyết,” nó bắt đầu nói, “bạn phải đảm bảo là mình dùng một cái xẻng tố. Bạn phải đào sâu, bạn không thể lười biếng được. Bạn không thể dỏ qua một bước nào cả.”

Con bé lại hít vào một bụm khí lớn. “Dĩ nhiên, sẽ dễ dàng hơn nếu bạn chờ đến khi trời ấm lên, lúc mà…”

Đủ rồi.

Quyển sách bị giật ra khỏi tay nó, rồi bà xơ bảo nó “Liesel – ra hành lang.”

Lúc Liesel được ban cho một cái Watschen nho nhỏ như thế, nó có thể nghe thấy tiếng mọi người đang cười trong lớp học, giữa cánh tay đang chỉ ra ngoài của Xơ Maria. Nó nhìn bọn chúng. Tất cả những đứa trẻ bị nghiền nát ấy. Ban đầu chỉ là những nụ cười mỉm, rồi sau đó là cười phá lên thành tiếng. Tất cả đều cười, trừ Rudy.

Vào giờ nghỉ giải lao, con bé bị mọi người chế giễu. Một thằng con trai tên là Ludwig Schmeikl đến chỗ nó với một quyển sách trong tay. “Này, Liesel,” thằng này hỏi, “Tao đang gặp vấn đề với từ này. Mày sẽ đọc nó hộ tao chứ?” Thằng bé cười – tiếng cười tự mãn của một thằng nhóc lên mười. “Dummkopf – đồ ngốc.”

Những đám mây đang kéo tới, to tướng và thô kệch, và lại có thêm những đứa trẻ khác réo gọi tên nó, nhìn nó chăm chăm, khi nó đang sôi lên vì giận dữ.

“Đừng nghe lời chúng nó,” Rudy khuyên.

“Cậu nói thì dễ lắm. cậu có phải đồ ngu đâu.”

Gần cuối giờ giải lao, những lời bình phẩm về nó đã lên đến con số mười chín. Đến lần thứ hai mươi thì nó chịu hết nổi. Lần này lại là Schmeikl. “Coi nào, Liesel.” Nó chọc chọc quyển sách dưới mũi con bé. “Mày giúp tao chứ?”

Liesel đã giúp nó tới nơi tới chốn.

Con bé đứng dậy và giật lấy quyển sách. Và trong lúc thằng kia đang cười cợt với mấy đứa khác đứng sau lưng, Liesel vứt quyển sách đi và đá cho thằng bé một cú trời giáng vào ngay giữa háng.

Như bạn có thể hình dung, Ludwig Schmeikl oằn người xuống, và khi đang oằn xuống như thế, nó bị tống một quả vào mang tai. Khi nó lăn ra đất, nó bị ngồi đè lên. Khi nó bị ngồi đè lên, nó bị tát và cào cấu và hủy hoại bởi một đứa con gái đang hoàn toàn mất trí vì phẫn nộ. Da của thằng bé thật ấm và mềm mại. Những đốt ngón tay của con bé thì lại cứng đến ghê người, mặc cho kích thước nhỏ xíu của chúng. “Đồ lợn.” Ngay cả giọng nói của con bé cũng có thể làm thằng kia bị thương. “Đồ lỗ đít. Mày đánh vần từ Lỗ đít cho tao nghe xem nào?”

Ôi, những đám mây loạng choạng và túm tụm lại trên bầu trời.

Những đám mây béo ị.

Xám xịt và phúng phính.

Chúng va vào nhau. Xin lỗi nhau. Rồi lại tiếp tục trôi đi và tìm chỗ trống.

Những đứa con nít đã kịp ở đó, nhanh như.. chà, nhanh như những đứa trẻ đổ về một trận đánh nhau vậy. Một đống hỗn độn những cánh tay và cẳng chân, những tiếng hò hét và cổ vũ, ngày càng phủ dày đặc xung quanh hai đứa. Chúng đang nhìn Liesel Meminger cho Ludwig Schmeikl một trận đòn của cả đời người. “Lạy các đấng Jesus, Maria và Joseph,” một đứa bé gái vừa nói vừa cau mày vẻ kinh tởm, “nó sẽ giết thằng kia mất!”

Liesel đã không giết nó.

Nhưng con bé đã tiến rất gần đến việc ấy rồi.

Thực ra điều duy nhất ngăn nó lại hẳn là cái mặt nhăn nhó thảm hại đang cười toe toét của Tommy Muller. Vẫn còn phừng phừng lửa giận, Liesel bắt gặp Tommy đang nhăn nhở cười với một vẻ ngu xuẩn không để đâu cho hết, đến mức con bé lập tức đè cổ thằng này xuống và bắt đầu cho nó một trận.

“Mày làm cái gì vậy?!” thằng bé la hét thảm thiết, và chỉ sau cú tát thứ ba hay thứ tư, khi một dòng máu đỏ tươi đã túa ra từ mũi thằng nhóc, con bé mới chịu dừng lại.

Vừa quỳ gối, Liesel vừa đớp lấy những ngụm không khí và lắng nghe tiếng rên rỉ bên dưới nó. Nó nhìn những gương mặt như đang cuộn xoáy lại với nhau, bên trái và bên phải nó, rồi dõng dạc tuyên bố, “Tao không phải là đồ ngu.”

Không ai lên tiếng cãi lại nó cả.

Ngay lúc đó thì mọi người lại phải quay vào lớp học, Xơ Maria nhận thấy ngay tình trạng sống dở chết dở của Ludwig Schmeikl, hậu quả của trận đòn nó vừa phải nhận. Đầu tiên, bà xơ kiểm tra Rudy và vài đứa khác, những đứa thường phải làm đối tượng nghi ngờ cho các vụ việc tương tự trước đây. Bọn này luôn bày trò đánh nhau. “Xòe tay ra,” bà bảo từng đứa, nhưng tay của chúng đều rất sạch sẽ.

“Ta thật không thể tin nổi chuyện này.” Xơ Maria lẩm bẩm. “Không thể được,” và chắc rồi, khi Liesel bước lên phía trước và đưa tay ra, thì vết tích của Lugwig Schmeikl – khi đó đã bắt đầu phai màu – vẫn còn đầy rẫy trên đôi bàn tay nó. “Ra hành lang,” bà ta tuyên bố, lần thứ hai trong ngày hôm đó, thực ra là lần thứ hai trong cùng một giờ đồng hồ.

Lần này, nó không phải là một Watschen nho nhỏ chút nào. Nó cũng không phải là một cái bình thường. Lần này đích thực là tổ mẹ của mọi cái Watschen nơi hành lang, hai lần liên tiếp bị ăn đòn đến nhói buốt đến mức Liesel khó có thể ngồi xuống được trong suốt một tuần. Và không còn tiếng cười nào trong lớp học nữa. Thay vào đó là sự im lặng của nỗi sợ bị nghe thấy.

Tan học, Liesel đi bộ về nhà với Rudy và những đứa trẻ nhà Steiner khác. Đến gần phố Thiên Đàng, trong dòng suy nghĩ vội vã một nỗi khốn khổ tột bực càn quét trong tâm trí nó – đọc lại một cách ngớ ngẩn Sách hướng dẫn của phu đào huyệt, sự sụp đổ của gia đình nó, cơn ác mộng của nó, nỗi nhục nhã của ngày hôm đó – thế là nó ngồi thụp xuống rãnh nước và òa khóc. Tất cả đều dẫn tới chuyện này đây.

Rudy đứng bên cạnh nó, nhìn xuống.

Trời bắt đầu đổ mưa nặng hạt, một cảnh tượng thật đẹp.

Kurt Steiner cất tiếng gọi hai đứa, nhưng không đứa nào nhúc nhích cả. Một đứa ngồi đó trong cơn đau đớn, giữa tiếng mưa rơi tí tách, còn đứa kia thì đứng bên cạnh và chờ đợi.

“Tại sao thằng bé lại phải chết?” Liesel hỏi, dù vậy Rudy vẫn không làm gì cả, không nói gì cả.

Sau cùng, khi con bé thôi khóc và tự mình đứng dậy, thằng bé mới vòng tay qua người nó, theo đúng kiểu người bạn thân nhất, và chúng lại đi tiếp. Không có lời đề nghị cho một cái hôn nào. Không có gì giống như thế cả. Bạn có thể yêu mến Rudy vì điều này, nếu bạn muốn.

Nhưng mà đừng có đá vào háng tôi đấy nhé.

Đó chính là điều thằng bé đang nghĩ, nhưng nó không nói với Liesel. Gần bốn năm sau nó mới tiết lộ thông tin ấy.

Lúc này đây, Rudy và Liesel đang cùng đi về phố Thiên Đàng trong cơn mưa.

Thằng bé là đưa điên khùng đã trát than đen kịt khắp người mình và chiến thắng cả thế giới.

Con bé là kẻ trộm sách nhưng không trộm được chữ nghĩa.

Tuy nhiên, hãy tin tôi đi, chữ nghĩa đang trên đường đến, và khi chúng đến, Liesel sẽ giữ chặt chúng trong tay mình như những đám mây, rồi vắt kiệt chúng ra như những như cơn mưa vậy.