Kẻ Trộm Sách

Chương 41




NGƯỜI ĐÁNH CẮP B̀U TRỜI

Cuộc không kích đầu tiên, như sau này người ta sẽ thấy, lại chẳng phải là một cuộc không kích chút nào. Giá họ nán lại chờ để nhìn thấy những chiếc máy bay, thì hẳn là họ đã phải đứng đó cả đêm. Đó là vì không có tiếng cúc cu nào được phát ra từ đài phát thanh cả. Tờ Tin nhanh Molching đưa tin rằng một người điều khiển tại tháp kiểm soát phòng không đã hơi quá phấn khích một chút. Anh ta thề rằng anh đã có thể nghe thấy tiếng lạch xạch của động cơ máy bay và nhìn thấy chúng nơi đường chân trời. Anh ta đã gửi đi những thông điệp của mình.

“Hẳn là anh ta làm thế một cách có chủ đích,” Hans Hubermann nói. “Liệu bạn có muốn ngồi trên một ngọn tháp phòng không, bắn vào những chiếc máy bay có chở bom không?”

Không nghi ngờ gì nữa, khi Max tiếp tục đọc bài báo trong tầng hầm, nó đưa tin rằng người đàn ông với trí tưởng tượng kỳ quặc của mình đã bị tước nhiệm vụ thông thường. Số phận của anh ta có thể đã chuyển sang một kiểu phục dịch ở một nơi nào đó.

“Cầu chúc cho anh ta được may mắn,” Max nói. Có vẻ như anh đã hiểu ra mọi chuyện, khi tiếp tục chuyển sang việc giải ô chữ.

Đợt oanh kích tiếp theo là có thực.

Vào đêm 19 tháng Chín, tiếng còi hú lên từ loa phát thanh và tiếp theo là một giọng nói sâu, đầy thông tin. Nó liệt kê tên thị trấn Molching như là một mục tiêu có thể bị tấn công.

Một lần nữa, phố Thiên Đàng lại là một vệt dài được tạo ra bởi những con người, và một lần nữa, Bố lại để lại cây đàn xếp của ông. Rosa nhắc ông hãy mang nó đi, nhưng ông đã từ chối. “Lần trước tôi cũng không mang nó theo,” ông giải thích, “và chúng ta đã sống sót.” Chiến tranh rõ ràng đã xóa nhòa sự khác nhau giữa tính hợp lý và sự mê tín.

Bầu không khí sợ sệt theo chân họ xuống tầng hầm của gia đình Fiedler. “Tôi nghĩ rằng đợt oanh kích tối nay là thật,” ông Fiedler nói, và bọn trẻ con nhanh chóng nhận thấy rằng lần này thì cha mẹ chúng thậm chí còn sợ hãi hơn nữa. Phản ứng lại theo cách duy nhất mà chúng biết, đứa bé nhất trong số chúng bắt đầu rên rỉ và khóc lóc khi căn phòng dường như đang đung đưa.

Thậm chí khi đứng dưới tầng hầm, họ vẫn có thể nghe thấy một cách mơ hồ âm điệu của những quả bom. Áp lực không khí dồn xuống như một cái trần nhà, như để quật tung quả đất lên. Những con đường trống trải của Molching đã bị ngoạm mất một miếng.

Rosa nắm chặt lấy tay của Liesel.

Tiếng trẻ con khóc thỉnh thoảng lại khiến người ta thấy nhói lên như bị đánh.

Thậm chí Rudy cũng đứng thẳng người hoàn toàn, cảm thấy hết sức thờ ơ, tự căng thân mình ra để áp đảo lại sự căng thẳng. Những cánh tay và cùi chỏ tranh giành nhau để có không gian. Một vài người lớn cố gắng dỗ dành để bọn trẻ con bình tĩnh lại. Những người lớn khác thì cũng không thể tự bình tĩnh được nữa.

“Hãy làm đứa bé đó câm miệng lại đi!” Bà Holtzapfel kêu ầm lên, nhưng câu nói của bà ta chỉ là một giọng nói không may khác trong sự hỗn loạn ấm áp của căn hầm. Những giọt nước mắt đầy cáu ghét rỉ ra từ đôi mắt của lũ trẻ con, và mùi của hơi thở về đêm, mùi mồ hôi nách và mùi quần áo đã sờn cũ được khuấy đều và hầm lên trong một thứ mà bây giờ là một cái vạc có những con người bơi lội trong đó.

Dù họ đang ở ngay bên cạnh nhau, Liesel vẫn buộc phải cất tiếng gọi. “Mẹ ơi?” Một lần nữa. “Mẹ ơi, mẹ đang nghiền nát tay con ra rồi đây mày!”

“Cái gì?”

“Tay của...con!”

Rosa buông tay nó ra, và để cho thoải mái, để dập tắt sự ồn ào hỗn loạn của căn hầm, Liesel mở một trong những quyển sách của mình ra và bắt đầu đọc. Quyển sách nằm trên cùng chồng sách là quyển Người huýt sáo, và con bé đọc to thành tiếng để giúp nó tập trung hơn. Đoạn mở đầu của quyển sách như đông cứng trong tay nó.

“Con nói gì kia?” Mẹ gầm lên, nhưng Liesel lờ bà đi. Con bé vẫn tập trung vào trang đầu tiên.

Khi con bé giở sang trang thứ hai, Rudy là người nhận thấy điều đó. Thằng bé chú ý trực tiếp vào cái Liesel đang đọc, và nó vỗ vai anh trai và những đứa chị của nó, bảo chúng hãy cùng làm như thế. Hans Hubermann tiến đến gần hơn và cất tiếng gọi mọi người, và không lâu sau, một sự im lặng bắt đầu rỉ qua tầng hầm đông nghịt người ấy. Đến trang thứ ba, thì tất cả mọi người đều im lặng, ngoại trừ Liesel.

Con bé không dám nhìn lên, nhưng nó có thể cảm thấy những cặp mắt hoảng sợ của họ đang nhìn chằm chằm vào nó khi nó hít những từ ngữ vào rồi thở chúng ra. Một giọng nói đang chơi những nốt nhạc bên trong nó. Giọng nói ấy bảo rằng: đây chính là cây đàn xếp của mi.

Tiếng giở những trang sách cắt nó ra làm đôi.

Liesel tiếp tục đọc.

Trong vòng ít nhất là hai mươi phút, nó kể cho người ta nghe câu chuyện của quyển sách. Những đứa bé nhất đã dịu đi nhờ giọng đọc của con bé, và tất cả mọi người khác đều nhìn thấy hình ảnh người huýt sáo đang chạy thoát khỏi hiện trường phạm tội. Liesel thì không như thế. Kẻ trộm sách chỉ nhìn thấy cơ phận của những từ ngữ - thân xác chúng như đang mắc cạn trên mặt giấy, bị đập sát xuống để nó bước lên. Ngoài ra, đâu đó nơi những khoảng trống giữa một dấu chấm câu và chữ cái viết hoa tiếp theo, còn có Max. Con bé nhớ lại những lúc nó đọc sách cho anh nghe khi anh bị ốm. Liệu anh có đang ở trong tầng hầm không? Con bé tự hỏi mình. Hay liệu anh lại đang đánh cắp một cái nhìn thoáng qua về bầu trời lần nữa?

š MỘT SUY NGHĨ HAY ›

Một người là kẻ trộm sách

Người kia thì đánh cắp bầu trời.

Mọi người đều chờ đợi mặt đất rung chuyển.

Đó vẫn là một sự việc không thể thay đổi được, nhưng ít nhất thì lúc này họ cùng đã trở nên xao lãng, nhờ đứa bé gái cùng quyển sách. Một thằng nhóc định khóc nữa, nhưng ngay lúc đó thì Liesel ngừng lại và bắt chước bố nó, hay thậm chí là Rudy trong việc này. Con bé nháy mắt với thằng bé ấy và lại tiếp tục đọc.

Chỉ những hồi còi hiệu lại một lần nữa rò rỉ vào căn hầm mới ngừng con bé lại được. “Chúng ta an toàn rồi,” ông Jenson nói.

“Suỵt!” bà Holtzapfel nói.

Liesel nhìn lên. “Chỉ còn hai đoạn nữa là hết chương,” con bé nói, và nó tiếp tục đọc mà không hề báo trước cũng như không tăng tốc độ. Chỉ còn có những từ ngữ.

š ĐỊNH NGHĨA THỨ 4 ›

TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG ĐỨC DUDEN

Wort - từ ngữ:

Một đơn vị có ý nghĩa của ngôn ngữ một lời hứa một nhận xét ngắn lời tuyên bố hay một cuộc đối thoại ngắn.

Những từ ngữ liên quan: từ, tên gọi, ngữ.

Vì muốn thể hiện sự tôn trọng đối với nó, những người lớn giữ cho mọi người cùng im lặng, và Liesel kết thúc Chương Một của quyển Người huýt sáo.

Trên đường đi lên cầu thang, bọn trẻ con lao nhanh qua nó, nhưng rất nhiều người lớn - thậm chí cả bà Holtzapfel, thậm chí cả Pfiffikus (thật là phù hợp làm sao, khi nghĩ đến nhan đề quyển sách con bé đã đọc) - đều cảm ơn đứa bé gái vì đã làm họ xao lãng. Họ làm như thế khi đi ngang qua nó và vội vã đi ra khỏi căn nhà, để xem phố Thiên Đàng có phải hứng chịu bất cứ thiệt hại nào không.

Phố Thiên Đàng vẫn còn nguyên vẹn.

Dấu hiệu duy nhất của chiến tranh là một đám mây bụi đang chuyển dần từ phía đông sang tây, nó nhìn qua những cánh cửa sổ, cố gắng tìm đường vào bên trong, và khi nó vừa dày lên vừa lan rộng ra, nó biến vệt người trên phố thành những bóng ma.

Không còn những con người trên phố nữa.

Họ là những cái túi mang tin đồn.

Ở nhà, Bố kể cho Max nghe tất cả. “Có sương mù và tro - bác cho là họ đã để chúng ta ra ngoài quá sớm.” Ông nhìn Rosa. “Tôi có nên ra ngoài chăng? Để xem người ta có cần giúp đỡ ở chỗ quả bom rơi xuống không?”

Rosa không có ấn tượng lắm với điều này. “Đừng có ngốc nghếch như thế,” bà nói. “Ông sẽ ngạt thở vì bụi mất. Không, không, đồ con lợn, ông sẽ ở yên đấy.” Một suy nghĩ xảy đến với bà. Lúc này thì bà nhìn Hans một cách rất nghiêm trọng. Thực ra, gương mặt bà đã được tô sáp bởi niềm tự hào. “Hãy ở đây và nói cho cháu nó nghe về con bé.” Giọng bà vang lên dần, hơi hơi thôi. “Về quyển sách.”

Max chú ý đến bà ấy hơn một chút.

“Người huýt sáo” Rosa nói với anh. “Chương Một.” Bà giải thích chính xác điều đã xảy ra trong căn hầm trú ẩn.

Khi Liesel đứng trong một góc của căn hầm, Max quan sát nó và dùng một bàn tay xoa xoa cằm. Cá nhân tôi, tôi cho rằng đó là khoảnh khắc mà anh hình thành nên phần công việc tiếp theo cho quyển sổ phác thảo của anh.

Người lay từ ngữ.

Anh tưởng tượng ra cảnh con bé đang đọc trong căn hầm. Hẳn anh đã quan sát nó chìa từng chữ ra. Dù vậy, như thường lệ, hẳn anh cũng đã nhìn thấy bóng dáng của Hitler. Hẳn là anh đã nghe thấy tiếng những bước chân của hắn bước về phố Thiên Đàng và xuống tầng hầm, về sau này.

Sau một thời gian dài im lặng, trông anh có vẻ như đã sẵn sàng để cất tiếng nói, nhưng Liesel đã ra tay trước.

“Tối nay anh có nhìn thấy bầu trời không?”

“Không.” Max nhìn vào bức tường và chỉ tay. Trên đó tất cả mọi người đều nhìn những từ ngữ và bức tranh mà anh đã vẽ cách đó một năm - sợi dây thừng và mặt trời nhỏ giọt. “Tối nay chỉ có nó thôi,” và từ đó trở đi, không có điều gì được nói ra nữa. Không gì khác ngoài những suy nghĩ.

Tôi không thể dựa vào Max, Hans và Rosa, nhưng tôi biết rằng Liesel Meminger đang nghĩ rằng nếu những quả bom có rơi xuống phố Thiên Đàng, Max không chỉ có ít cơ hội sống sót hơn bất kỳ người nào khác, mà anh ta sẽ phải chết trong tình trạng hoàn toàn cô độc.

ĐỀ NGHỊ CỦA BÀ HOLTZAPFEL

Vào buổi sáng, người ta đã thống kê xong mọi thiệt hại. Không có ai chết cả, nhưng hai khối nhà đã bị biến thành những kim tự tháp làm từ gạch đá vỡ, và cái sân tập yêu thích của Rudy ở trung tâm Thiếu niên Hitler đã bị xới tung, một cái hố có hình một cái bát khổng lồ. Nửa thị trấn đứng xung quanh chu vi của nó. Người ta ước lượng độ sâu của nó, để so sánh nó với hầm trú ẩn của họ. Vài đứa nhóc con còn nhổ vào hố bom ấy nữa.

Rudy đang đứng bên cạnh Liesel. “Trông có vẻ như họ lại phải bón phân cho chỗ này rồi.”

Khi vài tuần lễ tiếp theo trôi qua mà không có cuộc oanh kích nào, cuộc sống ở đây gần như đã quay trở lại bình thường. Dù vậy, hai khoảnh khắc đáng chú ý vẫn còn đang trên đường đến.

š BỘ ĐÔI SỰ KIỆN CỦA THÁNG MƯỜI ›

1. Đề nghị của bà Holtzapfel.

2. Cuộc diễu hành của những người Do Thái.

Những nếp nhăn của bà ta như một lời vu khống. Giọng nói của bà ta cũng na ná như tiếng đập của một cái que vậy.

Thực sự đó là một điều khá may mắn khi họ nhìn thấy bà ta đang đến từ cửa sổ phòng khách, vì tay bà ta gõ lên cánh cửa rất cứng cáp và quả quyết. Chúng có nghĩa là công việc làm ăn.

Liesel nghe thấy những từ ngữ duy nhất khiến nó khiếp hãi.

“Mày ra mở cửa đi,” Mẹ nói, và đứa bé gái, biết quá rõ điều gì là tốt cho nó, đã làm như những gì nó được bảo.

“Mẹ cháu có nhà không?” Bà Holtzapfel hỏi. Như được dựng nên từ một sợi dây điện năm mươi tuổi, bà ta đứng trên bậc cấp trước nhà, liên tục quay lại nhìn đằng sau để quan sát con phố. “Cái đồ lợn nái ghê tởm mà cháu vẫn gọi là mẹ hôm nay có nhà không?”

Liesel quay lại và gọi.