Hựu Nhất Xuân

Chương 50




“ Diễn Chi như trà, thanh nhã tinh khiết, nhạt nhòa bình thản.”

“Tô nhị như mực, sáng bóng đen tuyền, chạm vào sẽ nhiễm.”

Ngọn đèn dầu chỉ to bằng hạt đậu tương leo lét chiếu lên căn phong u ám. Ta đứng ngoài cửa phòng dụi dụi mắt. Chuyện mở mắt thấy có đứa ngồi lù lù ở đầu giường dạo này ta cũng phải trải nghiệm suốt thành quen, cơ mà lần này là Tô công tử thì kể cũng lạ. Mà lời Tô công tử hỏi ta lại càng lạ, hắn hỏi ta có nhớ lá trà Chu tri phủ mời ta có hình dáng như thế nào không. Lá trà a ~

Ta nói, “Thì như lá trà bình thường thôi, không giống lá cây cũng không giống cỏ.”

Tô công tử hỏi, “Có gì khác với lá trà bình thường không?”. Ta nói, “Kiểu như lúc ngâm lá trà bung ra không được đều ấy hả?”, Mã công tử ta đây chả bao giờ là người tao nhã, để nguyên còn phân biệt được trà thường với Bích loa xuân, pha ra rồi thì chịu chẳng biết thằng nào là ông thằng nào là cháu.

Tô công tử rõ ràng là vẫn không nhận ra bản chất dân lao động của ta, tiếp tục hỏi ta một vấn đề thậm chí còn đậm tính chuyên môn hơn, “Màu trà đậm hay nhạt?”

Ta cố nhớ lại, “Xanh đậm, hơi vàng một chút.”

Tô công tử xoa xoa thái dương, “Chi bằng ở lại Dương Châu mấy ngày nữa đi, vị Chu tri phủ kia phải tra xét lại cẩn thận.”

Tô công tử nói như vậy nhất định thứ trà hôm nay Chu tri phủ cho ta uống có vấn đề rồi, “Lẽ nào thứ trà kia đắt quá, thanh quan tri phủ không mua nổi?”

Sắc mặt Tô công tử mờ mịt như phủ một tầng sương, “Ấn theo bổng lộc triều đình, Chu tri phủ vẫn có thể uống được, nhưng loại trà này chỉ có vườn trà của Tô gia mới trồng được, sau khi gia huynh qua đời thì đã không còn nữa.”

Trước giờ Tô công tử vẫn nói chuyện như mấy lão hòa thượng giảng kinh cho đám người trần mắt thịt, qua loa mấy câu nhẹ hều, đằng sau là cả một bụng những điều không muốn nói. Hắn càng như vậy ta càng thấy được bên trong hắn có cả một câu chuyện nào đó. Có hòa thượng bí hiểm thì khắc có thiền sư sẵn sàng trao đổi rộng rãi. Miếu này không cầu được thì đi chùa núi khác.

Tô công tử về phòng, ta ra khỏi cửa, sờ soạng trong bóng tối mò đến phòng Bùi Kỳ Tuyên.  Vừa qua khỏi chỗ rẽ đã nghe tiếng người lầm rầm nói chuyện, nghe giọng hình như là bọn Tiểu Thuận Tiểu Toàn.

“Lần này xem ra to chuyện rồi, vương gia nhà chúng ta đời này không thoát được một chữ Tô, năm đó là Tô học sĩ, về sau là Tô công tử, còn kéo thêm cả vị Tô nhị gia kia nữa.”

“Phàm là đoạn tụ, dù không đề cập đến hơn mười vị trong phủ, riêng một Bùi công tử đã coi như là tuyệt phẩm rồi. Không hiểu trong lòng vương gia rốt cuộc đang có chủ ý gì.”

“Lời ta nói ngày đó nhất định sẽ ứng nghiệm. Trong đáy tâm can vương gia nhất định chỉ có mình Tô công tử thôi, Tô công tử cũng thật sự là người tốt …”

……………

Dán vào chân tường nghe lén một hồi mà đầu quay quay quay quay. Ta dậm chân một nhát, ho khan một tiếng. Tiểu Thuận Tiểu Toàn đột nhiên á khẩu, nhanh như đạn bắn xẹt đến đứng trước mặt ta. Ta nói, “Bổn vương tìm Bùi công tử bàn chút chuyện. Lui xuống ngủ trước đi.”

Bùi Kỳ Tuyên mở cửa phòng, đôi mắt lờ mờ ngái ngủ nhìn lướt qua ta, cười nói, “Không có chuyện thì nửa đêm không gõ cửa, có chuyện thì mời nói.” Người quang minh chính đại thì luôn nói chuyện thẳng thắn, ta đóng cửa vào đề luôn, “Trà Chu tri phủ mời ta uống có ẩn ý gì không?” Bùi Kỳ Tuyên khép vạt áo lại, “Ẩn ý không phải ở chỗ Chu Vân Đường, mà là ở chỗ vương gia và Tô Diễn Chi.” Khuôn mặt kề sát vào mặt ta, nét cười mông lung sóng sánh, “Trong cái xác này hiện giờ là linh hồn nào ấy nhỉ?”

Ông bà ông vải ơi, Bùi Kỳ Tuyên quả nhiên là nhân tài. Đến cả chuyện lão tử tá thi hoàn hồn cũng đoán ra được. Ta cười gượng, “Là hồn của Mã Tiểu Đông ta, đó, điều ngươi muốn nghe ta đã nói rồi.”

Bùi Kỳ Tuyên ngồi xuống cạnh bàn, nói, “Này cũng không vội, ngày còn dài, có thể từ từ mà nói. Nếu ngài muốn biết ẩn ý trong trà, vậy tối nay ta sẽ nói hết cho ngài. Chuyện của vương gia chắc ngài cũng biết đại khái, muốn nghe từ đoạn đầu hay nghe từ đoạn giữa đây?”

Đại khái? So với đống tài liệu trưởng ban lừa đảo bán hàng đa cấp truyền cho lão tử thì mớ OOXX này đúng là chẳng đủ gãi ngứa. Ta nói, “Từ đầu.”

Từ đầu đến đuôi ngoằn nghoèo rối rắm kể đến tận bình mình, tóm tắt đại khái là thước phim ngắn về cuộc đời của một tên đần vô tích sự.

Khởi đầu của Bùi công tử quả nhiên là đủ xa, bắt đầu kể từ chuyện khi tiểu vương gia còn nhỏ cùng hoàng thoàng thượng và thái hậu.

Chuyện xưa của Sài gia đích thực là trong khốn kiếp lại có ngu độn. Cha của tiểu vương gia là hoàng đế trước cùng với cha của hoàng đế hiện tại là hoàng đế trước của trước khi còn là hoàng tử cùng yêu thích một vị mỹ nhân. Mỹ nhân gả cho cha của hoàng đế lúc đó đang là thái tử. Thái tử đăng cơ làm hoàng đế. Không quá ba năm thì sốt cao đột ngột, chết toi. Hậu cung trên dưới chỉ còn đứa nhỏ chưa ra đời trong bụng hoàng hậu. Hoàng đế trước khi chết đem em trai gọi đến bên giường, nói một tràng giang đại hải những lời lưu danh muôn thuở, đại ý là ta đem vương vị cho ngươi, vợ con cũng nhờ ngươi chăm sóc.

Cha của tiểu vương gia có di ngôn của anh trai là tiên đế, đương nhiên kế thừa vương vị, cũng đương nhiên tiện tay cưới luôn vị hoàng tẩu đang mang thai cho tiện chăm sóc. Đứa nhỏ vừa sinh ra lập tức được sắc phong làm thái tử, chính là hoàng đế hiện tại.

Thái hậu hiện tại chỉ sinh cho lão hoàng đế duy nhất một đứa con là tiểu vương gia. Lúc ấy trong số những người con của hoàng đế là đứng hàng thứ mười hai. Nghe nói tiểu vương gia từ nhỏ thông minh lanh lợi, rất được lão hoàng đế yêu thích. Một ngày vào năm tiểu vương gia năm tuổi, hoàng đế mở bách quan yến, thuận tiện khảo cứu phẩm hạnh của các vị hoàng tử. Lúc đó đại học sĩ Tô Văn Viễn kể một câu truyện xưa.

Một lão nông dân nọ đến nhà viên ngoại đưa gạo, viên ngoại thưởng cho lão một trái quýt. Lão nông không nỡ ăn, buổi tối ngồi trên chiếc giường gần lò sưởi đưa cho vợ. Buổi sáng hôm sau người vợ lại mang trái quýt đó cho con, đứa con trở về phòng lại mang cho nàng dâu, nàng dâu xuống bếp lại mang cho cô em chồng. Lão nông phu trở về nhà, cô con gái lấy ra một thứ gì đó từ trong tay áo cung kính đưa cho cha, lão nông vừa thấy lại đúng là trái quýt ngày hôm qua. Bởi thế khi nhận lại trái quýt, nước mắt lăn dài.

Tô học sĩ hỏi, quả quýt kia vì sao lại trở về tay lão nông?

Ngay lúc các vị hoàng tử cúi đầu trầm tư, thập nhị hoàng tử tiểu vương gia đang ngồi thổi bong bóng mũi với kẹo đường trên đùi nhị hoàng tử liền mở miệng tiếp lời, “Vì trong quả quýt có hạ độc.”

Một lời nói ra cả sảnh kinh người. Tô đại học sĩ về nhà suốt đêm viết một bản tấu chương mười vạn chữ, nói phẩm hạnh của thập nhị hoàng tử thật đáng lo, nhất định không thể ban trọng trách để tránh tương lai trở thành mối họa cho quốc gia. Tô học sĩ biết bản tấu này nhất định đắc tội lớn với hoàng hậu, không lâu sau liền từ quan. Tiểu vương gia đáng thương từ năm năm tuổi đã bị định đoạt dứt khoát, từ đó về sau cũng không được hoàng đế yêu thích nữa.

Sài Dung lớn lên không phụ sự kỳ vọng của mọi người, mười ba tuổi bắt đầu đoạn tụ, mười lăm tuổi dưỡng nam sủng. Đoạn này thì lão tử trên cầu Nại Hà có biết. Nam sủng được dưỡng đầu tiên đó là thị đọc năm đó vừa tròn mười bốn tuổi của cửu hoàng tử – Bùi Kỳ Tuyên.

Rốt cục, bị tiểu vương gia đày đọa đến năm mười sáu tuổi, lão hoàng đế liền mấy ngày âu sầu phiền não cộng thêm lao lực quá độ mà băng hà. Thái tử đăng cơ.

Sau đó chính tiểu vương gia cải trang đến hạ lưu Trường Giang kiểm tra cống phẩm hàng năm, tuần tra và chơi đùa cái nào cũng không lơi lỏng, còn dẫn cả Nhược Thủy công tử đi cùng. Một ngày nọ cùng Nhược Thủy công tử đến một trà lâu uống trà, dựa vào ghế tựa, nhìn một thiếu niên thanh tú.

Châm ngôn của tiểu vương gia là có hàng tốt thì nhất định không thể buông tha. Huống chi thiếu niên kia xem quần áo khí độ hẳn là công tử nhà giàu, nhưng cử chỉ lại thực kỳ quái. Dứt khoát không cần nước trà hay điểm tâm, chỉ cần một ly nước trắng.

Tiểu nhị của trà lâu bẩm báo, vị công tử này là tam gia của Tô gia. Tô gia là đệ nhất phú thương của Huy Châu, có nguyên một vườn trà rồi thì cần chi đến nước trà điểm tâm của tửu lâu. Chính vì yêu thích cảnh trí đẹp đẽ qua song cửa kia nên mới thường xuyên đến đây ngồi. Một chữ Tô bỗng gợi lại chuyện năm xưa. Tiểu vương gia quay đầu nói với Bùi Nhược Thủy, “Vị Tô học sĩ năm đó, quê gốc ở Huy Châu thì phải.” Tiểu nhị tiếp lời, “Nghe nói thúc ruột của Tô tam gia năm đó ở kinh cũng là một đại học sĩ.” Tiểu vương gia vuốt cằm, “Thú vị.”

Tiểu vương gia không uổng công phu tìm hiểu rõ ràng tình huống của Tô gia, còn có thể kể ra như sách. Tô lão gia hai năm trước ốm chết, Tô gia nhị công tử năm đó mười bảy tuổi lên tiếp chưởng gia sản. Tô nhị công tử lớn hơn Tô tam công tử gần nửa tháng. Tam công tử cùng đại công tử là anh em cùng mẹ, vốn là nguyên phối của Tô gia, Tô lão gia vì việc làm ăn, lại cưới thêm một muội muội thuộc ngành dệt may của Giang Hoài. Tân phu nhân vào cửa đắc ý, nguyên phối lại thành vợ nhỏ. Đại công tử do nguyên phối sinh ra năm mười lăm tuổi chết vì kiết lị. Tân phu nhân cùng nguyên phối mang thai gần như cùng lúc, nguyên phối bất hạnh lại sinh ra một nam hài, cũng may Tô tam công tử mạng lớn, sinh sau Tô nhị công tử.

Nguyên phối phu nhân sinh Tô tam công tử chưa đầy tháng thì qua đời. Tô tam gia từ nhỏ được vị thúc thúc từ quan nuôi lớn. Về sau khi thúc thúc xuất môn cầu đạo mới trở về bản trạch. Tô nhị gia tiếp chưởng Tô gia trên dưới nửa năm, tân phu nhân cũng ốm chết. Tô gia chỉ còn lại hai vị chủ tử là nhị gia và tam gia.

Lần thứ hai tiểu vương gia gặp Tô Diễn Chi, là trong bữa tiệc tẩy trần cho khâm sai đại nhân. Sài Dung cải trang, chỉ nói với người bên ngoài là hầu cận đi theo khâm sai đại thần. Nhị gia tam gia của Tô gia đều được mời đến bữa tiệc. Tiểu vương gia gặp lại Tô Diễn Chi trong lòng càng thêm kiên định, Tô Diễn Chi không hiểu xã giao, lại càng không để tâm đến hầu cận của khâm sai đại thần. Nhưng mắt của Tô Hành Chi rõ ràng đã luyện qua lò bát quái, trên bàn tiệc chắp tay cười với tiểu vương gia. Chỉ cần có vậy mà hiểu ý nhau.

Ngày hôm sau, tiểu vương gia lập tức đánh đến Tô gia. Nghe nói Tô Hành Chi cũng không dễ đối phó. Người đến Tô gia tặng lễ nhiều như cá dưới sông, vàng thỏi, ngân phiếu, đủ thứ lủng củng nhưng chẳng có gì hợp ý Tô Hành Chi. Tiểu vương gia đương nhiên là hoàn toàn khác với người bình thường, đến Tô gia chỉ mang theo một bộ tử kinh giáo tập. Tô nhị gia lập tức mặt mày tươi như hoa. Trong mười ngày đó bàn bạc đàm phán với Tô nhị gia như thế nào Bùi Kỳ Tuyên cũng không hiểu. Tóm lại là đàm phán thành công, ngoài mặt, Tô nhị gia thay Tô Diễn Chi mua một cái công danh, lấy một chức tham tán để vào kinh. Đến khi vào vương phủ, Tô Diễn Chi mới biết là lên nhầm thuyền giặc. Đáng thương cuối cùng cũng bị hại.

Tiểu vương gia là súc sinh, Tô nhị gia là cầm thú.

Tô nhị gia Tô Hành Chi là người như thế nào, Bùi Kỳ Tuyên cũng khó có thể miêu tả. Xét về diện mạo là một vị tuấn mỹ công tử cực kỳ ôn hòa, cười như gió xuân. Tô nhị gia nói lời thiện lương cực kỳ triệt để. Tô nhị gia làm gì cũng chú trọng sự triệt để. Trên phương diện làm ăn là một gian thương triệt để, chuyện thiếu đạo đức như bán em trai cũng làm đến triệt để. Từ thi họa đồ cổ đến ăn mặc đều triệt để. Người đời nhắc đến Tô nhị gia, từ đầu đến đuôi đều chỉ dùng hai chữ “triệt để”.

Tô Diễn Chi khi mới bị lừa vào vương phủ, phản ứng tất nhiên là vô cùng kịch liệt. Y thuật của thầy thuốc trong phủ sau nửa năm cùng Tô công tử tôi luyện đột nhiên tăng mạnh. Tô nhị gia làm tổng thương lưỡng giang, một tay bao thầu cống phẩm hàng năm. Mỗi lần vào kinh đều đảo qua vương phủ, dựa theo cách ra tay triệt để của Tô nhị gia, từ trên xuống dưới giai đại vui mừng. Lá trà mang vào vương phủ không ngớt.

Ngân câu là danh trà của Tô gia, Tô nhị gia lần đầu tiên mời tiểu vương gia uống trà chính là mời ngân câu. Lá trà cong như móc câu, bên trên phủ sương trắng, nên gọi là ngân câu. Tiểu vương gia yêu trà, Tô Diễn Chi là công tử đầu tiên nhập phủ, tiểu vương gia một lần bình luận trước mặt Tô nhị gia, “ Diễn Chi như trà, thanh nhã tinh khiết, nhạt nhòa bình thản.”

Tiểu vương gia nói Tô Hành Chi, “Tô nhị như mực, đen tuyền sáng bóng, chạm vào sẽ nhiễm.”

Lang hổ bắt tay sớm muộn gì cũng có lúc trở mặt, dần dần tiểu vương gia cùng Tô nhị gia có chút khúc mắc. Ước chừng hơn một năm sau, tiểu vương gia cùng Tô Hành Chi uống rượu, không biết nói gì mà xảy ra rắc rối. Tiểu vương gia đem câu “Tô nhị như mực” kia niệm một lần, từ đó về sau trở mặt.

Kẻ quyền to ép người quyền nhỏ. Tiểu vương gia giở nợ cũ, ép giá cống phẩm, lại cử người đến nha môn tri phủ của lưỡng giang truyền lời. Cục diện của Tô gia gian nan hơn rất nhiều. Tiểu vương gia nói nể mặt Tô Diễn Chi, chỉ cần Tô nhị gia cúi đầu bồi tội, mọi chuyện sẽ coi như xong. Không đợi được đến lúc bồi tội thì lại nhận được tin Tô nhị gia đến vườn trà thu nợ gặp mưa to, phong hàn chuyển thành thương hàn, không chữa bệnh mà bỏ mình.

Tô nhị gia vừa chết, sản nghiệp của Tô gia liền bị kẻ dưới phân chia sạch sẽ, cây đổ bầy khỉ tan.

Ta rời khỏi phòng Bùi Kỳ Tuyên, trở về phòng ngủ thêm được vài ba tiếng rồi ngồi kiệu đến tri phủ nha môn. Chu tri phủ ưỡn lưng quỳ thẳng tắp, mặt mũi dáng vẻ toàn tập là sẵn sàng chịu hi sinh. Ta nói, “Bổn vương tới đây nói với ngươi một tiếng, chuẩn bị về kinh, ngươi làm quan không tồi, sau này cứ thế phát huy.” Kế hoạch anh dũng khiêu chiến với kẻ quyền quý của Chu tri phủ chết từ trong thai, cứ thế ngây ra quỳ.

Đoạt thám hoa lang tương đương với vũ nhục người đọc sách trong thiên hạ, càng giống như cho tiến sĩ đồng bảng một cái tát. Ngân câu là hàng cấm, ngay cả tên cũng không được tùy tiện nói ra, đây rõ ràng là mệnh lệnh vừa lạm quyền vừa vô lý. Sao có thể là do Chu thanh thiên ban ra?

Rời khỏi thành Dương Châu, trên đường về kinh đi qua Huy Châu. Cũng tiện vòng qua Tô phủ một chuyến. Tế bái phần mộ tổ tiên Tô gia ở Ma Vân tự, tiện thắp cho phần mộ chỉ còn quần áo và di vật của Tô Hành Chi vài nén nhang. Tô công tử bán đi nhà cũ, quyên tiền cho Ma Vân tự. Tường cao sân sâu biến thành những mảnh ngói rạn vỡ.

Tô công tử nói, “Duyên phận hết rồi, theo hắn đi đi.”

Thanh sơn nhất thủy tẫn, phương ngoại thị phù vân

Núi xanh nước chảy dài, bên ngoài là mây bay

Tối hôm đó ta hỏi Bùi Kỳ Tuyên, “Tô nhị gia chết thật rồi à? Vì sao ngôi mộ phía sau Ma Vân tự chỉ có di vật không có quan tài?”

Bùi Kỳ Tuyên nói, “Ngươi không biết sao? Thi cốt của Tô nhị gia không phải bị tiểu vương gia hỏa thiêu rồi sao? Bình sứ hoa men xanh đặt trên đầu giường tiểu vương gia bên trong đựng tro cốt của Tô Hành Chi.”

Nói như vậy, giấc mộng đêm đó khi lão tử phát sốt không phải là giả.

Lúc ta thấy tiểu vương gia đang đào mộ, lúc lại thấy chính mình đang đào mộ. Nắp quan tài nước sơn còn mới bị bậy lên, lộ ra khuôn mặt tái nhợt. Rõ ràng, minh bạch.

Đến giờ ta vẫn còn nhớ kỹ, kéo thi thể cứng ngắc vào trong ngực, thê lương băng lạnh thấu tâm.

Tô Hành Chi thực sự đã chết.

Trong ngự thư phòng quỳ xuống xin hoàng đế một đạo thánh chỉ, thiên hạ cấm loại trà này, về sau không được phép nhắc đên hai chữ “Ngân câu”.

Tô Diễn Chi, Bùi Kỳ Tuyên cùng hơn mười vị công tử, không một người nào có nửa phần dáng vẻ, nửa phần khí độ giống người kia.

Mười ba tháng tư, vừa tròn một năm. Cướp thám hoa về phủ, ngoại trừ trà Tô công tử pha còn ngâm thêm một tách trà, sương trắng như tuyết, cong như lưỡi câu.

Diễn Chi như trà, Hành Chi như mực.

Tên khốn Sài Dung.

Cong như câu, xanh tận cốt tủy, rõ ràng không phải nói Tô Diễn Chi nhạt nhòa bình thản, rõ ràng là đang nói Tô Hành Chi.

Ánh mắt xuyên qua bữa tiệc linh đình người người nhộn nhịp tìm thấy nhau, chắp tay cười, vân đạm thiên cao, “Tại hạ Tô nhị Huy Châu, Tô Hành Chi, tự Chinh Ngôn.”

Dù sao cũng đều là chuyện của quá khứ, cần gì so đo là thế này hay là thế kia. Theo người kia đến âm tào địa phủ mà làm loạn đi. Lão tử muốn biết rõ chẳng qua để ngày sau được thông thuận thôi. Chuyện mình mình tự lo, chuyện người khác nghĩ chi cho mệt đầu.

Ta phẩy quạt quệt mồ hôi, “Nhân lúc trời sáng mau lên đường đi kẻo qua Hoàng Hà lại phải ngồi bè da dê.”