Hương Bạc Hà

Chương 10




“Nếu như con bé không gọi con là anh, con cũng đừng để ý, nghe chưa?”

“Con hiểu rõ rồi, thưa mẹ.”

Đúng vậy, cậu biết mỗi một vị trí quan trọng trong sinh mệnh của cô từ lâu đã bị một tên con trai đặc biệt chiếm giữ. Hắn họ Kỷ và là tên cháu trai trưởng của Kỷ gia mà anh em cậu ghét nhất. Nói về chuyện thị phi giữa hai nhà Kỷ – Mặc, không phải Mặc gia cố ý khắc khe với người khác, chẳng qua là họ thật sự không thể chịu được cái thói hám tiền hám của, quê mùa thô tục và vô liêm sỉ của Kỷ gia.

Tất nhiên ở đây không phải có ý quy chụp cho tất cả mọi người nông dân, bởi lẽ phần lớn những ai sinh trưởng ở miền thôn quê sơn dã đều lương thiện, chất phác. Thế nhưng con người ai lại không có lòng tham, một khi đã được tận hưởng hương vị ngọt ngào thì thử hỏi mấy ai cam lòng quay về với đắng cay khổ cực?

Năm xưa mẹ ruột Mặc Chấn về quê di dời mộ phần tổ tiên, không may chuyển dạ sinh non trong núi và qua đời chính trong lần vượt cạn gian nan ấy. Sợ đứa bé mới chào đời không có sữa mẹ nuôi nấng, Mặc gia quyết định tìm vú nuôi cho đứa bé ngay tại địa phương. Ba của Mặc Chấn lúc đó đang công tác ở thị trấn, ông biết ở thị trấn rất khó tìm được vú nuôi nên đã nhờ người sống ở vùng quê miền núi gần thị trấn tìm giúp một người đáp ứng được hai điều kiện: thứ nhất, nguồn sữa dồi dào; thứ hai, có thể ở lại Mặc gia lâu dài để nuôi dưỡng đứa trẻ. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, cuối cùng Mặc gia đã lựa chọn vú Kỷ.

Khi ấy đứa con gái thứ hai vừa tròn một tuổi của vú vẫn chưa dứt sữa. Nhà họ Kỷ sống trong cảnh bần cùng khổ sở, thiếu ăn thiếu mặc, vừa nghe có người ở thị trấn mua sữa mẹ với giá rất cao bèn cắt ngay nguồn sữa của đứa bé gái, hối hả chạy tới Mặc gia. Rồi ngày tháng dần thôi, người phụ nữ chân chấc đến từ vùng quê nghèo túng đó đã hết lòng yêu thương cậu bé mồ côi mẹ ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời bằng tất cả tình thương của một người mẹ.

Sau khi Mặc Chấn trưởng thành, vú đã rời Mặc gia một khoảng thời gian, thế nhưng cội rễ tình mẫu tử đã cắm sâu vào lòng bà cụ và cậu con trai nhà họ Mặc. Đến khi Mặc Chấn thành gia lập thất, cô vợ Dương Minh Tuệ hai lần sinh nở sức khỏe đều suy yếu sau khi vượt cạn, không đủ sữa nuôi con. Vì vậy vú lại trở về Mặc gia vài lần, tự mình nấu cháo ninh canh, không ngờ một chút canh rau cháo loãng ấy đã nuôi lớn hai anh em Mặc Thâm, Mặc Hàm.

Vào một năm nọ, Mặc Chấn và vợ thương lượng với nhau, gia đình họ sẽ trả thêm cho Kỷ gia một khoản tiền để đền đáp công ơn nuôi dưỡng của vú đối với Mặc gia. Trên thực tế, bao nhiêu năm nay Mặc gia luôn ghi nhớ công ơn của vú, số tiền mỗi năm chi trả cho Kỷ gia cho đến thời điểm bấy giờ không hề nhỏ.

Những khoản tiền này đều rơi vào tay con gái lớn của bà cụ – Kỷ Sở Lệ. Kỷ Sở Lệ đã lừa gạt, giấu giếm mẹ, tự mình nhận tiền rồi đổ tất cả vào chuyện làm ăn buôn bán, cưới về một ông chồng, sinh cậu con trai đặt tên là Kỷ Nguyên Hiên. Kỷ gia xây ngôi nhà mới ba tầng lầu và vụt trở thành gia đình ‘phát đạt’ nhất trong cái thôn khỉ ho cò gáy.

Ai làm ăn buôn bán cũng đều gặp phải rủi ro, huống hồ những người chỉ mới học đến tiểu học như vợ chồng Kỷ Sở Lệ. Buôn bán nhỏ lẻ sẽ chẳng vướng phải vấn đề gì nghiêm trọng. Nhưng buôn bán lớn lại khác. Lúc thì dây vào bọn ‘siêu lừa đảo’, khi thì lỗ vốn, tệ hại hơn nữa là lâm vào cảnh phải bán của cải trong nhà để lấy tiền bù lỗ.

Kỷ Sở Lệ không hề sợ, trái lại rất lạc quan, bởi vì cho dù thế nào bà ta vẫn còn có bà mẹ già đã nuôi lớn ba đứa trẻ con nhà giàu. Lo gì, cứ việc đến tận cửa Mặc gia đòi tiền, muốn bao nhiêu bọn chúng sẽ phun ra bấy nhiêu thôi! Lần đầu tiên, vì nghĩ đến bà cụ, Mặc Chấn cho bà ta tiền. Nhưng bà ta lại vòi vĩnh tiếp lần thứ hai, lần thứ ba và liên tục nhiều lần sau đó, rốt cuộc Mặc gia muốn cho cũng không cho nổi.

Tốt lắm, mày cho không nổi à, tao cũng đếch sợ, tao sẽ tới quậy cho mày biết mặt! Kỷ Sở Lệ ‘quang minh chính đại’ tiến vào đại sảnh nhà họ Mặc, vỗ ngực lớn giọng quát mắng giống như một kẻ ‘lên tiếng vì chính nghĩa’: “Sữa của mẹ tao chỉ đáng giá có chút tiền thế thôi hả?”

Ngày đó cậu bé Mặc Thâm bảy tuổi nấp sau cánh cửa phòng mình, mở to mắt nhìn cảnh Kỷ Sở Lệ vung tay đá chân qua khe cửa mở hé. Mặc Hàm theo sát phía sau cậu, bàn tay nhỏ xíu nắm lấy góc áo cậu, nhóc con sợ sệt hỏi: “Anh ơi, ai vậy anh?”

“Suỵt! Là người nhà họ Kỷ.” Mặc Thâm đáp, rồi sợ ba mẹ phát hiện, cậu nhanh tay bịt miệng em trai.

Đúng lúc này, một tiếng động dữ dội vang lên ngoài phòng khách. Mặc Chấn – người đàn ông từ lúc chào đời đến nay luôn hòa nhã với người ngoài – lần đầu tiên nổi cơn thịnh nộ: “Cút!” Kỷ Sở Lệ có thể vòi tiền ông nhưng ông tuyệt đối không cho phép bà ta dùng tiền vấy bẩn tình cảm chân thành giữa vú và hai con trai ông.

Mặc Hàm đang trốn phía sau bỗng buông tay khỏi vạt áo anh trai, chạy ù sang phòng vú, nhẹ nhàng vuốt mái tóc bạc phơ của bà cụ già vẫn còn oằn lưng khóc run run nghẹn ngào: “Bà ơi, bà đừng khóc, đừng khóc nữa. Cháu, ba cháu và anh đều sẽ bảo vệ bà.”

Mặc Thâm xúc động giang tay ôm choàng lấy em trai và bà cụ: “Bà đừng sợ, không sao, không sao hết.”

Tận mắt chứng kiến cảnh tượng đó, cả người Kỷ Sở Lệ bỗng hóa vô hồn ngây dại. Dương Minh Tuệ liền đi qua cẩn thận khép lại cửa phòng bà cụ. Mặc Chấn mệt mỏi thả người xuống sofa, khoát tay với Kỷ Sở Lệ: “Bà đi đi.”

Kỷ Sở Lệ lầm lũi bước ra khỏi cửa nhà họ Mặc. Bà ta hối hận! Nói gì đi nữa đó cũng là mẹ ruột của bà ta, nhìn cảnh đám trẻ con nhà người dưng che chở mẹ ruột mình mà lòng dạ bà ta đau điếng.

Kể từ đó về sau, Kỷ gia không đòi Mặc gia một đồng nào nữa, có điều họ yêu cầu Mặc gia trả lại bà cụ cho gia đình họ.

Khi vết thương đã thành hình thì nó sẽ không thể dễ dàng được chữa lành chỉ bằng một cách đơn giản là Mặc gia đồng ý để bà cụ ra đi. Bà cụ giống như những người phụ nữ Trung Hoa thời đó, dù có bao nhiêu đau khổ và uất ức cũng chỉ biết lặng thầm chôn giấu vào sâu trong lòng. Mặc Chấn hiểu nếu để vú về nhà, vú chắc chắn sẽ không vui. Hơn nữa tuổi vú càng ngày càng cao, sức khỏe mỗi ngày một yếu, Kỷ gia không có điều kiện chăm sóc bà chu đáo nhưng Mặc gia hoàn toàn có thể.

Kỷ gia có lẽ vì xấu hổ, cho nên mặc dù miệng nói muốn bà cụ về nhà nhưng lại trì hoãn thời gian đích thân đến nhà họ Mặc đón bà.

Cứ như thế, chuyện lại tiếp tục kéo dài không dứt từ năm này qua tháng khác.

¤¤¤

Mặc Thâm đứng trên hành lang tầng hai gác một tay lên khung cửa sổ, đôi mắt đen huyền ẩn sau hàng tóc mái bỗng chợt ánh lên tia sáng dị thường. Tia sáng ấy đến từ suối tóc tung bay theo bước chân Hứa Tri Mẫn khi cô lao đi trên bãi đất trống dài hai trăm thước trước tòa nhà phòng học. Sau đó cô nhảy nhót tung tăng như một cánh bướm hiếu động, rồi thì nhảy vào lòng Kỷ Nguyên Hiên.

Ngón tay Mặc Thâm siết chặt thanh gỗ, trái tim cậu dường như nổ tung trong lồng ngực, tiếp đó là nụ cười khổ sở khó nhận thấy xuất hiện bên khóe môi. Thế này nghĩa là sao? Cậu ghen ư?

“Anh.”

Mặc Thâm quay lại thấy Mặc Hàm đang đi tới.

“Anh, anh gặp chị Tri Mẫn chưa? Em nghe nói chị ấy gặp phải chuyện phiền phức, chuyện sau đó thế nào thì em không rõ lắm nhưng Lương Tuyết bảo là chị ấy không sao cả.” Mặc Hàm đi đến gần cửa sổ, đưa mắt nhìn ra bên ngoài, vừa thấy Hứa Tri Mẫn và Kỷ Nguyên Hiên, cậu ngay tức khắc trố mắt sửng sốt, lầm bầm hỏi: “Người nhà họ Kỷ?”

“Ừ.” Mặc Thâm trầm giọng đáp.

“Nghe nói chị Tri Mẫn và Kỷ Nguyên Hiên giống như anh em tụi mình vậy, cũng thân thiết lắm…”

“Ừ.” Mặc Thâm thu tay lại, xách lấy cặp táp chuẩn bị rời đi.

“Anh à, anh thích chị Tri Mẫn phải không?”

Mặc Thâm ngừng bước, ngoảnh ra sau nhìn em trai. Mặc Hàm gỡ cặp mắt kính xuống, thần sắc lạnh lẽo dần dần hiện lên trên khuôn mặt vốn luôn hiền hòa.

“Anh, em không quan tâm anh có thích chị Tri Mẫn hay không, em chỉ muốn nói, em rất ghét người nhà họ Kỷ đến quấy nhiễu cuộc sống yên tĩnh của chúng ta.”

“Nhưng em cũng thích Tri Mẫn!”

Vẻ mặt Mặc Hàm cứng đờ, cậu không thể phủ nhận câu nói đâm trúng tim đen của anh trai: “Đúng thế. —— Nhưng mà em vẫn rất ghét bọn người Kỷ gia đấy!” Dứt lời cậu quay phắt người, chạy ào xuống cầu thang.

Không biết từ khi nào, ‘để tâm’ đã lặng lẽ chuyển hóa thành ‘thích’. Điều này thực ra không khó lý giải. Hứa Tri Mẫn rất khác so với những cô bé hai anh em cậu từng gặp gỡ. Cô trầm tĩnh một cách đặc biệt lạ thường và tựa như đóa hoa lan cố ý giấu mình trong hang động tối tăm cheo leo nơi vách núi tỏa ra hương thơm ngọt dịu khiến lòng người mê say.

Mặc Thâm bình ổn lại cảm xúc hỗn loạn, rồi khom người nhặt cặp mắt kính nằm chỏng chơ trên nền xi măng mà em trai vô tình đánh rơi. Cậu lấy ra một chiếc khăn tay, tỉ mẩn lau sạch sẽ bụi bám trên mặt kính, sau nữa lại cẩn thận gói nó vào một mảnh vải, cuối cùng cất vào túi áo bên người. Cậu em Mặc Hàm của cậu dù rất xuất sắc ưu tú nhưng vẫn còn non nớt khờ dại lắm, bởi vậy nên cậu bé mới cần có một người anh trai như cậu để yêu quý, chở che.

Trước lúc rời đi cậu không nén được bước tới bên cửa sổ nhìn lần cuối: Hứa Tri Mẫn và Kỷ Nguyên Hiên đang nắm tay nhau ra khỏi cổng trường.

“Kỷ Nguyên Hiên?” Sở dĩ cậu đề phòng tên cháu trai trưởng nhà họ Kỷ này, không chỉ vì Kỷ Nguyên Hiên là người của Kỷ gia, mà trên hết là vì Kỷ Nguyên Hiên không giống những người khác trong gia đình hắn.

Mẹ cậu, Dương Minh Tuệ, từng đánh giá cả nhà họ Kỷ chỉ còn lại một mình Kỷ Nguyên Hiên là còn sống cho ra sống. Đó là vì con đường Kỷ Nguyên Hiên chọn đi rất trái ngược với người nhà hắn. Dựa vào khả năng của chính mình, hắn quyết tâm dốc sức gầy dựng nên một thế hệ Kỷ gia hoàn toàn mới. Sau khi hoàn tất chín năm học bắt buộc, hắn thi đậu vào cao trung, sau đó lại đỗ vào trường chuyên huấn luyện thể dục thể thao của thành phố với thành tích xuất sắc – chắc chắn những gian nan cực khổ hắn phải chịu đựng người ngoài khó mà tưởng tượng nổi. Thế nhưng trải qua ba năm vất vả rèn luyện ở nơi phồn hoa đô hội, người thanh niên ham học xuất thân từ vùng quê nghèo hẻo lánh liệu còn giữ lại được bao nhiêu phần chất phác và đơn thuần từ thời niên thiếu?

Cậu nhớ mấy hôm trước mẹ nói với ba, cháu trai trưởng của Kỷ gia sống ở thành phố cũng không phải hạng vừa, cậu ta đã tìm được đường lên làm giáo viên thể dục của trường đại học, con đường này lại do chính vợ mới cưới của cậu ta giúp đỡ.

Bây giờ nhớ lại chuyện này, cậu có cảm tưởng như mình đã nhìn thấy trước tương lai của Hứa Tri Mẫn. Ý nghĩ đó làm tâm trạng cậu cực kì bức bối. Cậu đeo cặp lên vai, bước nhanh xuống cầu thang. Lời Mặc Hàm nói nhắc nhở cậu rất kịp thời, đã đến lúc cậu nên nghiêm túc suy nghĩ mong muốn thật sự của mình là gì.

Nắng chiều nghiêng bóng trên mọi ngã đường quanh co trong thị trấn. Mỗi một góc cây, mỗi một viên gạch dưới chân làm sao tỏ được nỗi lòng của người đang đi giữa hành lang gấp khúc.

Ngước nhìn dáng vóc cao lớn của Kỷ Nguyên Hiên, lòng Hứa Tri Mẫn tràn ngập niềm hạnh phúc bình yên.

“Sao không nói gì mà cứ nhìn hoài thế? Không lẽ anh thay đổi nhiều lắm à?” Kỷ Nguyên Hiên sờ sờ một bên mặt, cười hỏi.

Hứa Tri Mẫn nhẹ lắc đầu: “Anh ốm hơn xưa. Ở thành phố chắc là vất vả lắm.”

“Ừm.” Đứng trước cô em gái thân thiết như tay chân, trăm ngàn từ ngữ anh gom góp để nói ra khi gặp mặt bỗng nhiên biến thành trống rỗng.

Nhận ra anh họ trầm mặc khác thường, Hứa Tri Mẫn thử gợi chuyện: “Anh, sao hôm nay anh có thời gian đến thăm em vậy?”

“Anh đi với sếp đến đây công tác, được hai ngày trống, sẵn tiện đường tới thăm em một chút, dù sao thì anh em mình không gặp nhau đã hơn ba năm rồi.”

“Đấy là vì anh bề bộn nhiều việc mà. Em tin anh lắm đó! Cho dù ở thành phố anh cũng sẽ sống rất rất tốt!” Hứa Tri Mẫn cười rạng rỡ.

Kỷ Nguyên Hiên nhìn nụ cười hồn nhiên tươi trẻ của Hứa Tri Mẫn, không khỏi cảm động: “Em đến Mặc gia hả?”

Nhắc đến đề tài nhạy cảm này, sắc mặt Hứa Tri Mẫn thoáng chốc ủ rũ, ánh mắt đầy vẻ hoang mang. Cô nên nói thế nào mới phải? Rõ ràng đã nghe mẹ kể mối quan hệ rạn nứt giữa hai nhà Kỷ – Mặc vậy mà vẫn kiên quyết đến Mặc gia. Hứa Tri Mẫn nghĩ mình đã phản bội Kỷ Nguyên Hiên, cái cảm giác tội lỗi đó khiến cô do dự mãi một lúc lâu, không đủ can đảm mở miệng giải thích.

Kỷ Nguyên Hiên cười cười vỗ vai cô: “Đến Mặc gia cũng tốt, em có thể học hỏi được nhiều điều.”

“Anh không khó chịu sao?”

“Tại sao anh lại phải khó chịu?”

“Nhưng mà bà dì…”

“Phải. Anh từng rất nhớ bà ngoại, cũng từng oán trách bà tại sao lại ở nhà người ta mà không về nhà mình. Nhưng sau này anh nghĩ lại, chẳng việc gì phải đi kiếm chuyện với Mặc gia, nên tôn trọng ý nguyện của bà thì tốt hơn.”

Vừa nghe thấy lời này, Hứa Tri Mẫn thảng thốt nhìn Kỷ Nguyên Hiên. Khuôn mặt gầy rộc và cái cằm nhọn càng làm đậm thêm vẻ thâm sâu xa lạ toát ra từ anh. Cô gục đầu nhìn chằm chằm mặt đường quen thuộc, thẫn thờ nghĩ: Thay đổi. Thay đổi. Anh đã thật sự thay đổi. Trước kia anh là người khẳng khái, dám làm dám chịu, nhất quyết không bao giờ nói những lời rào trước đón sau khéo léo như thế. Rốt cuộc trên đoạn đường ba năm nơi thành phố xa hoa kia, anh đã chứng kiến điều gì và chuyện gì đã xảy đến với anh?

“Tri Mẫn.”

“Dạ?” Ngay cả ‘Mẫn Nhi’ anh cũng không gọi nữa. Lòng cô chùng xuống, rồi không hiểu sao bỗng nghĩ tới Mặc Thâm.

“Em ráng học hành cho tốt, sau này thi đại học xong thì lên thành phố học. Chuyện học phí em không cần phải lo, anh và chị dâu chắc chắn sẽ giúp em.”

“Chị dâu?”

“Ừ. Bây giờ ở thành phố đang phổ biến hình thức kết hôn công chứng, giản lược tiệc cưới rườm rà. Anh và chị dâu đều mới tốt nghiệp chưa bao lâu, khởi nghiệp bằng hai bàn tay trắng nên chỉ có thể kết hôn công chứng đơn giản thôi. Chị dâu em cũng rất muốn gặp em, lúc nào cũng nói nếu có dịp ghé đây nhất định sẽ đến thăm em. Đúng rồi, chị dâu em tên Vu Thanh Hoàn, là nhân viên quản lý thư viện trong trường đại học…”

Sau mỗi câu Kỷ Nguyên Hiên nói, Hứa Tri Mẫn đều ‘dạ, dạ’ đáp lời.

Cuối cùng Kỷ Nguyên Hiên nói sáu giờ chiều mai sẽ lên xe buýt rời thành phố.

Hứa Tri Mẫn gật đầu thật mạnh: “Anh, để em đi tiễn anh!”