Hồng Lâu Mộng

Chương 81: Bốn chị câu cá chơi, xem ai tốt số




Bốn chị câu cá chơi, xem ai tốt số

Hai lần vào trường học, vâng theo lời cha

Sau khi Nghênh Xuân về, Hình phu nhân vẫn hờ hững như không, trái lại, Vương phu nhân là người nuôi nấng nàng bấy lâu nên rất thương cảm, cứ ngồi trong phòng than thở một mình. Bảo Ngọc đến thăm sức khoẻ, thấy trên mặt Vương phu nhân còn hoen nước mắt, liền đứng sững đấy không dám ngồi, vương phu nhân bảo ngồi, Bảo Ngọc mới ghé ngồi lên giường, bên cạnh Vương phu nhân.

Vương phu nhân thấy Bảo Ngọc ngẩn người nhìn mình, dường như muốn nói điều gì, liền hỏi:

- Con nghĩ gì mà ngẩn người ra thế?

Bảo Ngọc nói:

- Có gì đâu, chỉ vì hôm qua thấy tình cảnh chị Hai, con thật không sao đành tâm, tuy chưa dám thưa với ba, nhưng hai đêm nay con trằn trọc không sao ngủ được, con nghĩ: con gái nhà mình thế này, làm sao chịu được những điều tủi nhục như vậy? Chị Hai lại là người nhút nhát nhất nhà, xưa nay chưa biết cãi cọ với ai bao giờ, làm sao gặp phải hạng người vô lương không hề biết gì đến nỗi khổ cực của người con gái.

Nói đến đó Bảo Ngọc rưng rưng nước mắt, vương phu nhân nói:

- Cũng chẳng còn cách gì nữa, tục ngữ nói: "Con gái lấy chồng cũng như bát nước đã bị đổ", ta còn biết làm thế nào bây giờ.

- Đêm qua con nghĩ ra một kế. Bọn con cứ nói thật với bà đón chị Hai về, để chị ấy ở Tử Lăng Châu như trước, chị em chúng con lại cứ ăn chung chơi chung với nhau, chị ấy khỏi phải chịu khổ với họ Tôn, quân bậy bạ ấy, nếu nó đến đón chúng ta nhất định không cho về, nó có đến đón một trăm lần, chúng con cứ giữ lại một trăm lần, nói rằng ý bà đã định, như thế lại không hơn ư?

Vương phu nhân nghe nói, vừa buồn cười, vừa tức, bảo:

- Mày điên à! Nói nhảm cái gì thế? Đã là con gái ai chẳng phải đi lấy chồng; đã về nhà người ta thì bên nhà gái còn nhìn ngó gì được, cái đó chẳng qua là do số phận nó thế, được người chồng tốt thì hay, nhưng gặp phải đứa xấu cũng đành chịu vậy, người ta hay nói: "Lấy gà phải theo gà, lấy chó phải theo chó", mày lại không nghe hay sao? Có phải ai cũng làm lệnh bà như chị cả mày đâu? Vả lại chị Hai mày mới về nhà chồng, thằng Tôn cũng còn trẻ tuổi, mỗi người một tính, mới ăn ở với nhau, thế nào mà chả có ít nhiều va chạm. Ít năm nữa, đôi bên biết tính nhau, sinh con đẻ cái thì sẽ đâu vào đấy thôi, mày nhất thiết không được nói nửa lời với bà, tao mà nghe thì liệu hồn đấy, thôi đi lo công việc của mày đi, đừng ở đây nói nhảm nữa.

Bảo Ngọc không dám lên tiếng, ngồi một lúc, rồi buồn rầu lủi thủi đi ra, trong bụng ấm ức, không biết hay tỏ với ai, khi vào vườn, Bảo Ngọc đi một mạch đến quán Tiêu Tương, vừa vào đến cửa đã òa lên khóc.

Đại Ngọc vừa chải đầu rửa mặt xong, thấy quang cảnh ấy, giật mình hỏi:

- Làm sao thế? Anh giận nhau với ai thế?

Đại Ngọc hỏi đi hỏi lại, nhưng Bảo Ngọc chỉ gục đầu xuống bàn, khóc nức nở không nói ra lời, đại Ngọc ngồi trên ghế ngơ ngác nhìn Bảo Ngọc một lúc rồi hỏi:

- Anh lại bực nhau với ai rồi chứ gì? Hay là em có lỗi với anh?

Bảo Ngọc xua tay:

- Không phải, không phải!

- Tại sao anh lại buồn bã như vậy?

- Tôi nghĩ bọn chúng mình chết sớm càng hay, sống chẳng thú vị gì hết!

Đại Ngọc nghe vậy kinh ngạc hỏi:

- Anh nói gì thế? Anh điên rồi sao?

- Không phải tôi điên đâu, điều tôi nói ra thế nào cũng làm cô phải đau lòng, hôm trước chị Hai về đây, bộ dạng và nói năng như thế nào thì cô cũng đã thấy rồi đấy, tôi nghĩ tại sao con gái cứ lớn lên là phải đi lấy chồng để chịu khổ chịu sở làm gì? Tôi còn nhớ trước đây lúc lập thi xã Hải Đường, tất cả chúng mình ngâm thơ, gánh trọ, vui vẻ biết chừng nào! Bây giờ chị Bảo về nhà; Hương Lăng cũng không thấy sang; chị Hai lại đi lấy chồng, mấy người tâm đầu ý hợp đều mỗi người mỗi ngả, cho nên mới vắng ngắt thế này. Tôi định thưa với cụ, đón chị Hai về, ai ngờ mẹ tôi không nghe lại bảo tôi là ngu ngốc, nói nhảm, tôi đành câm miệng không dám hé lời, cô xem chẳng mấy chốc, mà quang cảnh cái vườn này thay đổi dữ thật! Cứ thế này thì vài năm nữa, chưa biết đến thế nào, càng nghĩ tôi càng cảm thấy buồn bực trong lòng.

Đại Ngọc nghe xong từ từ cúi đầu, người chậm rãi ngã xuống giường, thở dài một tiếng, không nói năng gì, nằm quay mặt vào phía trong.

Tử Quyên vừa bưng trà lên, thấy hai người như thế cũng buồn theo; bỗng Tập Nhân đến, thấy Bảo Ngọc nói:

- Cậu ở đây à? Bên nhà cụ đang gọi đấy, tôi đoán là cậu ở đây.

Đại Ngọc đứng dậy, cặp mắt vẫn đỏ hoe, mời Tập Nhân ngồi. Bảo Ngọc thấy thế nói:

- Em ạ, những lời tôi vừa nói, chẳng qua là chuyện vớ vẩn rồ dại, em đừng buồn bã làm gì. Em nên nhớ lời tôi dặn, cần phải giữ gìn sức khỏe mới được. Em đi nghỉ thôi. Bên cụ gọi, tôi đến đó một lát, rồi sẽ trở lại ngay.

Nói đoạn, Bảo Ngọc đi ra.

Tập Nhân hỏi nhỏ Đại Ngọc:

- Hai người lại có việc gì thế?

- Anh ấy buồn vì việc chị Hai, còn tôi thì bị ngứa mắt, nên dụi đấy thôi, chứ có việc gì đâu.

Tập Nhân cũng không nói gì, vội vàng theo Bảo Ngọc đi ra.

Khi Bảo Ngọc đến bên nhà Giả mẫu thì Giả mẫu đã nghỉ trưa, nên lại quay về Viện Di Hồng.

Quá trưa Bảo Ngọc ngủ dậy, cảm thấy buồn bã vô cùng, tiện tay cầm quyền sách lên xem.

Tập Nhân thấy Bảo Ngọc xem sách, vội đi pha trà hầu sẵn, không ngờ quyển sách ấy lại là quyển "Cổ Nhạc Phủ". Bảo Ngọc tiện tay mở ra xem thì đúng là một bài thơ của Tào Mạnh Đức 1 trong có câu:

Rượu bày hãy cất lời ca,

Đời người thấm thoắt có là bao năm!

Cảm thấy lời thơ chạm đúng vào tim. Bảo Ngọc đặt quyển sách xuống, vớ một quyển khác xem, thì đó là tập văn đời Tấn, đọc được mấy trang, Bảo Ngọc liền gấp sách, đoạn chống tay lên mà cứ ngồi thừ ra đó, Tập Nhân bưng trả lại, thấy vậy liền hỏi:

- Tại sao cậu lại không xem nữa?

Bảo Ngọc không đáp, đỡ lấy chén trà, uống một hớp, rồi đặt chén xuống, Tập Nhân chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, cứ đứng, bên cạnh, ngẩn người nhìn. Bỗng Bảo Ngọc đứng dậy, miệng nói lẩm bẩm "tinh thần phiêu diêu ra ngoài hình hài..."

Tập Nhân nghe nói, muốn cười, nhưng không dám hỏi, đành phải khuyên:

- Nếu cậu không thích xem sách thì hãy ra ngoài vườn chơi một lát cho đỡ buồn, kẻo rồi sinh bệnh.

Bảo Ngọc trong miệng ậm ừ nhưng đầu óc vẫn để đâu đâu. Đi đến đình Thấm Phương, thấy cảnh tượng tiêu điều, buồng không người vắng; quay sang Hành Vu uyển, thấy cỏ thơm còn đó, song cửa đóng then cài; lần đến Ngẫu Hương tạ, xa xa thấy có mấy người đang đứng tựa lan can trên bến Lục Tự, mấy đứa đầy tớ gái nhỏ lom khom tìm kiếm vật gì dưới đất. Bảo Ngọc rón rén tới sau hòn núi giả lặng nghe. Bỗng một người nói:

- Để xem nó có nổi lên không. - Dường như giọng của Lý Văn.

Một người khác cười nói:

- Thôi nó lặn mất rồi, tôi biết nó không nổi lên mà. - Đúng là giọng của Thám Xuân.

Lại một người nói:

- Phải rồi, chị ơi, chị đừng đi đầu, thế nào nó cũng nổi lên cho mà xem.

Một người khác lại nói:

- Nó nổi lên đây rồi. - Đúng là tiếng nói của Lý Ỷ và Hình Tụ Yên.

Bảo Ngọc không nhịn được, nhặt một viên gạch nhỏ, ném xuống nước, nghe bõm một tiếng, bốn cô đều giật mình nói:

- Người nào chơi ác thế? Làm chúng tôi giật mình.

Bảo Ngọc từ sau núi nhảy ra cười nói:

- Các cô chơi vui thật! Sao không gọi tôi một tiếng?

Thám Xuân nói:

- Tôi đã biết mà! Chỉ có anh Hai mới nghịch thế mà thôi. Không nói gì cả, anh phải đền con cá cho chúng tôi đi, vừa rồi một con cá nổi lên, tôi định câu thì anh làm nó sợ, nó lặn đi mất.

Bảo Ngọc cười, nói:

- Các cô chơi ở đây mà không tìm tôi, tôi còn muốn phạt các cô nữa là.

Mọi người cười một lúc. Bảo Ngọc nói:

- Bây giờ chúng ta hãy lần lượt câu cá để bói xem may rủi nhé, ai câu được thì năm nay gặp may, ai không câu được thì năm nay gặp rủi, ai câu trước nào?

Thám Xuân liền nhường Lý Văn câu trước, lý Văn không nhận. Thám Xuân cười, nói:

- Đã thế thì tôi xin câu trước.

Đoạn ngoảnh lại nói với Bảo Ngọc:

- Anh Hai này, anh mà còn đuổi con cá đi nữa thì tôi không nghe đâu.

Bảo Ngọc nói:

- Khi nãy là tôi muốn dọa các cô đấy chứ, bây giờ cô cứ tha hồ mà câu.

Thám Xuân bỏ dây câu xuống, chừng chưa nói xong câu chuyện thì đã có một con cá con cắn câu làm cho cái phao chìm xuống, Thám Xuân giật một cái, cần câu vút lên, con cá dãy đành đạch trên đất, Thị Thư chộp lấy chộp để, hai tay nắm chặt, bỏ vào lọ sứ nhỏ, đổ nước trong vào nuôi, Thám Xuân đưa cần câu cho Lý Văn, lý Văn thả câu xuống, thấy dây câu rung rinh, vội giật lên, nhưng không có gì, cô ta lại thả xuống, một chốc dây câu lại rung rinh, giật lên nhưng vẫn không có gì, lý Văn cầm câu lên xem, thì ra cái lưỡi câu cong vào phía trong, lý Văn cười:

- Chả trách câu không được.

Cô ta vội vàng bảo Tố Vân sửa lại lưỡi câu tử tế, thay mồi mới, lắp cái phao bằng mảnh sậy, rồi thả xuống, một chốc mảnh sậy chìm lỉm; Lý Văn vội giật câu lên, được một con cá diếc dài hai tấc, lý Văn cười nói:

- Anh Bảo câu đi!

Bảo Ngọc nói:

- Để cô Ba và cô Hình câu trước đi rồi tôi sẽ câu.

Tụ Yên ngồi lặng im, lý Ỷ nói:

- Anh Bảo câu trước đã.

Đang nói thì mặt nước bỗng sủi tăm, Thám Xuân nói:

- Đừng có nhường nhau mãi, các chị xem, mấy con cá đều ở phía cô Ba cả, cô Ba câu nhanh đi thôi.

Lý Ỷ cười, đỡ lấy cần câu, thả xuống được ngay một con, Sau đó Tụ Yên cũng câu được một con, liền trả cần câu cho Thám Xuân để đưa cho Bảo Ngọc. Bảo Ngọc nói:

- Tôi thì phải làm ông Khương Thái công 2 mới được.

Nói đoạn liền ra ngồi trên hòn đá bên bờ ao mà câu. Không ngờ cá ở dưới nước, trông thấy bóng người, đều chạy hết. Bảo Ngọc cầm cần câu đợi mãi vẫn không thấy sợi dây động đậy. Vừa mới thấy một con cá phun bọt lên mặt nước, Bảo Ngọc đã cầm cần câu rung rung mấy cái, cá ta sợ biến mất.

Bảo Ngọc nóng tiết nói:

- Tính tôi rất nôn nóng, mà cá lại chậm chạp, biết làm sao bây giờ? Cá ơi, lại đây mau lên! Mày cũng phải giúp ta chứ.

Bốn người nghe nói đều cười. Bỗng thấy dây câu rung rinh, Bảo Ngọc mừng quá, ra sức giật mạnh một cái, cần câu đập vào hòn đá, gãy làm hai đoạn, dây câu đứt, lưỡi câu văng đi đâu mất, mọi người càng cười ầm lên.

Thám Xuân nói:

- Chẳng có ai vụng về như anh!

Đang nói bỗng thấy Xạ Nguyệt hớt hơ hớt hải chạy đến nói:

- Cậu Hai ạ, cụ dậy rồi, gọi cậu về ngay, cậu về mau lên.

Cả năm người đều giật mình, Thám Xuân hỏi Xạ Nguyệt:

- Cụ gọi cậu Hai về có việc gì thế?

- Tôi cũng không biết. Nghe đâu chuyện gì kín, nên cụ sai tôi gọi cậu Bảo về hỏi, lại còn cho đi gọi cả mợ Hai Liễn về để hỏi nữa đấy.

Bảo Ngọc sợ ngẩn người ra một lúc rồi nói:

- Không biết lại có con a hoàn nào gặp việc rủi ro gì đây.

Thám Xuân nói:

- Chẳng biết là việc gì, anh Hai về nhanh lên, có tin gì thì bảo ngay Xạ Nguyệt tới nói cho chúng em biết nhé!

Nói đoạn, Thám Xuân cùng Lý Văn, Lý Ỷ và Tụ Yên đi về. Bảo Ngọc về đến phòng Giả mẫu, thấy Vương phu nhân đang cùng Giả mẫu đánh bài, Bảo Ngọc thấy không có việc gì mới hơi yên tâm. Giả mẫu thấy Bảo Ngọc đến, liền hỏi:

- Năm trước cháu ốm, nhờ một vị hòa thượng điên và một vị đạo sĩ khiễng chân chửa khỏi, lúc đó cháu thấy trong người như thế nào?

Bảo Ngọc nghĩ một lúc rồi nói:

- Cháu nhớ lúc mắc bệnh, hình như đang đứng thì có người lẻn đến nện một gậy vào đầu. Đau quá, cháu tối sầm mắt lại, rồi thấy khắp nhà đầy những quỉ sứ, mặt xanh nanh vàng, cầm dao, cầm gậy đánh cháu, khi lên giường nằm thì hình như có mấy cái đai thần chét lên đầu. Sau đó đau quá, không biết gì nữa, đến lúc đỡ rồi, cháu nhớ có một luồng ánh sáng màu vàng từ nhà ngoài chiếu tướng vào giường, lũ quỉ đều chạy trốn đâu mất không thấy nữa, thế là đầu cháu không đau mà trong người cũng tỉnh táo ngay.

Giả mẫu nói với Vương phu nhân:

- Xem ra không khác tình hình này là bao.

Đang nói thì Phượng Thư đi vào, chào Giả mẫu, lại ngoảnh lại chào Vương phu nhân, rồi nói:

- Bà định hỏi cháu gì thế?

- Năm nọ bị ma ám, cháu có nhớ được gì không?

- Cháu cũng không nhớ được rõ lắm, nhưng chỉ thấy mình không sao tự chủ được, hình như có người nào lôi lôi kéo kéo, bắt phải giết người mới được, thấy cái gì là vơ lấy cái ấy, thấy người nào là chỉ muốn giết người ấy, người cháu mệt nhoài, nhưng không sao dừng tay được.

- Lúc khỏi thì sao?

- Lúc khỏi thì hình như trên lưng chừng trời có người nói những câu gì, cháu không nhớ rõ.

- Thế thì đúng là nó rồi, cứ xem quang cảnh khi hai chị em chúng nó ốm, thì giống hệt như câu chuyện vừa xảy ra, con mụ già ấy độc ác thực: Bảo Ngọc nhận nó làm mẹ nuôi thật là uổng! A Di Đà Phật! May nhờ có vị hòa thượng và đạo sĩ mới cứu sống được Bảo Ngọc, nhưng ta vẫn chưa đền ơn gì cả.

Phượng Thư nói:

- Tại sao bà lại nhắc đến bệnh chúng cháu?

- Cháu cứ hỏi bà Hai, ta lười chẳng muốn nói.

Vương phu nhân nói:

- Vừa rồi ông nhà có nói đến mẹ nuôi của Bảo Ngọc là đứa bậy bạ, tà ma ngoại đạo. Bây giờ vỡ chuyện ra, bị phủ Cẩm Y bắt bỏ giam đưa sang bộ Hình. Bộ Hình định xử tội chết, mấy hôm trước có người phát giác việc con mụ ấy. Người này tên là Phan Tam Bảo gì đó, có một ngôi nhà bán cho tiệm cầm đồ ở trước mặt nhà hắn, hiệu này đã trả tiền gấp mấy lần giá tiền nhà rồi, mà Phan Tam Bảo vẫn cứ đòi, họ không chịu trả nữa. Phan Tam Bảo dấm dúi với con mụ ấy, vì mụ ta thường qua lại hiệu cầm đồ, chơi thân với bọn đàn bà trong đó, mụ ta liền phù phép bắt người vợ chủ hiệu mê sảng, làm cả nhà rối tung lên, mụ ta liền đến nói với họ rằng mình chữa được bệnh ấy. Rồi mụ ta đốt ít vàng mã ngựa giấy cúng lễ. Quả nhiên kiến hiệu, thế là mụ đòi bọn đàn bà nhà ấy phải đưa tạ mười mấy lạng bạc, ai ngờ đức Phật có mắt, việc vỡ lở ra, ngay hôm ấy mụ ta vội vã về nhà, bỏ rơi một cái bọc lụa, người trong hiệu nhặt lên xem, thấy trong có nhiều hình nhân bằng giấy và bốn viên hương gì rất thơm, mọi người đang lấy, làm lạ thì con mụ già ấy quay lại tìm bọc lụa. Người ở đó liền bắt giữ và xét trong người thì thấy một cái hộp, trong có hai ma vương khắc bằng ngà voi; một trai một gái mình trần không mặc quần áo, và bảy cái kim thêu bôi son đỏ. Lập tức, họ bắt mụ giải đến phủ Cẩm Y. Ở đấy người ta xét hỏi thì biết được nhiều chuyện bí ẩn về các bà các cô nhà quan sang, vì thế họ báo tin cho trong doanh biết, và đến khám nhà mụ, tìm được nhiều tượng nặn bằng đất, và mấy hộp muộn hương 3. Trong gian nhà trống sau giường nằm, mụ ta treo một địa đèn có bảy ông sao, dưới đèn có mấy quân môi bằng rơm. Đứa thì đầu chét đai thần, đứa thì bụng đóng đinh, đứa thì cổ mang xiềng, trong tủ có vô số là hình nhân bằng giấy. Phía dưới có mấy cuốn sổ nhỏ, trong đó ghi đã làm phép cho nhà nào được linh nghiệm, cần đòi bao nhiêu tiền. Số tiền hương đèn người ta gởi đến không biết bao nhiêu mà kể.

Phượng Thư nói:

- Bệnh của chúng cháu nhất định là nó làm, cháu nhớ khi chúng cháu khỏi, con yêu già ấy qua bên nhà dì Triệu đòi tiền mấy lần; hễ gặp cháu là mặt nó sa sầm lại, hai mắt nó cứ như con mắt gà chọi ấy, mấy lần cháu cứ nghi hoặc, nhưng không tìm ra duyên cớ tại sao? Giờ nghe nói mới vỡ lẽ. Có điều cháu đứng ra trông coi việc nhà, cố nhiên có thể làm người ta oán ghét, người ta muốn tìm cách hại cháu, chứ chú Bảo thì có thù hằn gì với ai, mà họ cũng nỡ lòng độc ác như thế?

Giả mẫu nói:

- Biết đâu lại không phải vì ta yêu cháu Bảo, không yêu thằng Hoàn, mà để vạ cho các cháu như vậy.

Vương phu nhân nói:

- Con mụ khốn nạn ấy đã bị kết án nên không thể nào gọi nó đến đây đối chứng. Không đối chứng thì dì Triệu đời nào chịu nhận. Việc này là việc lớn, nếu để vỡ lở ra, tiếng tăm không hay lắm, chi bằng để nó làm nó chịu, thế nào rồi cũng có ngày phải ra.

- Chị nói cũng phải, đã không có đối chứng thì không thể nào làm ra lẽ, chỉ có đức Phật là nhìn thấy rõ thôi, chị em chúng nó giờ đây nào có kém ai? Thôi việc đã qua rồi, cháu Phượng cũng đừng nhắc đến nữa, hôm nay mẹ con cháu ăn cơm chiều ở đây rồi hãy về.

Giả mẫu bảo Uyên Ương và Hổ Phách đi gọi dọn cơm.

Phượng Thư vội vàng cười nói:

- Tại sao bà phải bận lòng thế?

Vương phu nhân cũng cười.

Thấy mấy người đàn bà đứng chực bên ngoài, Phượng Thư vội bảo bọn a hoàn nhỏ đi gọi cơm, và nói:

- Ta và bà Hai đều ăn cơm với cụ ở đây.

Đang nói thì thấy Ngọc Xuyến chạy đến thưa với Vương phu nhân:

- Ông lớn muốn tìm thứ gì, mời bà hầu cơm cụ xong rồi về tìm hộ.

Giả mẫu nói:

- Chị đi về thôi, chắc anh ấy có việc gì cần đấy.

Vương phu nhân vâng lời, để Phượng Thư ở lại hầu, còn mình lui về. Đến phòng, Vương phu nhân gặp Giả Chính, nói chuyện suông mấy câu và tìm ra đồ vật. Giả Chính liền hỏi:

- Cháu Nghênh Xuân về rồi à? Nó ở nhà họ Tôn ra sao?

- Cháu Nghênh Xuân cứ khóc khóc mếu mếu, nói là chồng ngang ngược quá.

Rồi bà ta kể lại những điều Nghênh Xuân đã nói cho Giả Chính nghe. Giả Chính thở dài nới:

- Ta đã biết không phải là nơi xứng đáng, khốn nỗi ông Cả cứ nhận lời, ta cũng không biết làm thế nào, thế là con Nghênh Xuân đành chịu khổ mà thôi.

Nó mới về làm dâu, chỉ mong sau này vợ chồng nó ăn ở với nhau khá hơn là được.

Nói đoạn, Vương phu nhân lại phì cười. Giả Chính nói:

- Cười gì?

- Tôi cười thằng Bảo sáng nay đến đây, nói toàn là chuyện trẻ con.

- Nó nói gì?

Vương phu nhân vừa cười vừa kể lại những lời của Bảo Ngọc. Giả Chính cũng không nhịn được cười liền nói:

- Nhắc đến thằng Bảo Ngọc, tôi lại nhớ ra một việc. Thằng này cứ để mãi trong vườn, thực không nên, con gái hư thân, còn là người của nhà khác, chứ con trai hư thân thì quan hệ không phải nhỏ, hôm trước có người đến nói với tôi về một ông thầy học. Ông này học vấn và phẩm chất đều tốt, cũng là người phương Nam, nhưng tôi nghĩ, thầy học người phương Nam tính tình lại quá ư hiền lành, trẻ con nhà ta đang sống nơi đô thị, đứa nào đứa nấy, đều nghịch ngỗ phá trời, mồm mép lém lỉnh, cái gì lấp liếm được là thế nào cũng lấp liếm cho kỳ được, lại cứng đầu cứng cổ làm cho thầy học ngày ngày phải chiều như chiều vong, không dám nói nặng lời, rút cục chẳng ăn thua gì, uổng công vô ích. Vì thế các cụ trước không chịu mời thầy ở ngoài, chỉ chọn người trong họ vừa có tuổi vừa có học vấn để dạy. Giờ đây cụ Nho học vấn tuy chỉ bình thường nhưng còn trị nổi bọn chúng, không đến nỗi nuông chiều chúng quá. Tôi nghĩ cứ để thằng Bảo lêu lổng mãi không nên, chi bằng lại bắt nó vào trường nhà học tập như cũ.

- Ông nói rất phải, từ khi ông nhậm chức ở ngoài, nó cứ ốm luôn, thành ra bỏ bê trễ mất mấy năm; bây giờ lại vào trường nhà ôn tập thì rất tốt.

Giả Chính gật đầu, lại nói thêm mấy câu chuyện phiếm nữa. Hôm sau Bảo Ngọc thức dậy, chải đầu rửa mặt xong, bỗng có người hầu nhỏ vào nói:

- Ông lớn gọi cậu Hai đến nói chuyện.

Bảo Ngọc vội vàng sửa lại áo quần, đi đến thư phòng Giả Chính, hỏi thăm sức khỏe của cha rồi đứng chờ.

Giả Chính nói:

- Dạo này mày học hành thế nào? Tuy mày viết tập được ít chữ, nhưng cũng chẳng ăn thua vào đâu. Ta xem dạo này mày lại càng lười biếng hơn nhiều so với mấy năm trước. Tao lại nghe nói mày luôn luôn viện cớ đau ốm không chịu học hành, bây giờ thì đã khỏe thật rồi chứ? Ta còn nghe mày cả ngày cứ ở trong vườn chơi đùa với bọn chị em, thậm chí với cả bọn a hoàn; còn công việc chính của mình thì vứt hết. Dù mày có làm được mấy câu thơ, dăm ba bài từ, thì cũng chẳng ăn thua vào đâu, quí hóa gì cái thứ ấy? Khi thi cử, người ta vẫn lấy việc làm văn, làm bài là quan trọng hơn cả, thế mà mày lại không học gì về cách làm văn làm bài hết. Mày nhớ lấy lời ta dặn: Bắt đầu từ hôm nay, mày không được làm thơ câu đối gì hết, chỉ học làm văn bát cổ thôi. Ta hạn cho mày một năm, nếu không tiến được tý gì, thì mày đừng học hành cho tốn công, mà ta cũng không muốn có đứa con như thế nữa.

Giả Chính bèn gọi Lý Quí lại bảo:

- Ngày mai, sáng dậy, gọi thằng Bồi Dính đi theo cậu Bảo đem tất cả sách vở nó học đưa lại đây ta xem, rồi ta sẽ thân hành đưa nó vào trường nhà.

Nói đoạn ông ta quát Bảo Ngọc:

- Về đi thôi! Ngày mai đến sớm gặp ta.

Bảo Ngọc nghe nói, giờ lâu chẳng biết trả lời thế nào, lững thững đi về viện Di Hồng. Tập Nhân đang nóng lòng chờ tin tức, nghe nói bảo đi học, trong bụng cũng có ý mừng. Bảo Ngọc sai người đến kể đầu đuôi với Giả mẫu, ý muốn nhờ Giả mẫu ngăn cản giúp. Giả mẫu nghe tin, sai người gọi Bảo Ngọc đến, nói:

- Cháu cứ yên lòng đi học, đừng để cha cháu giận, có việc gì cháu thấy bực bội thì cháu nói với bà.

Bảo Ngọc không còn cách gì, đành phải trở về, dặn bọn a hoàn:

- Ngày mai gọi ta dậy sớm, ông sẽ đưa ta đi học đấy.

Tập Nhân vâng lời, cùng với Xạ Nguyệt thay phiên nhau thức suốt đêm.

Hôm sau tảng sáng, Tập Nhân gọi Bảo Ngọc dậy, chải đầu rửa mặt, thay quần áo rồi sai a hoàn nhỏ truyền gọi Bồi Dính chực ở cửa ngoài để mang sách vở và các đồ vật. Tập Nhân giục luôn mấy lần, Bảo Ngọc đành phải đi ra. Đến thư phòng, trước hết Bảo Ngọc hỏi dò xem cha mình đã đến đó chưa, người hầu nhỏ trả lời:

- Vừa rồi có một vị khách định vào gặp ông lớn để thưa chuyện gì đó, trong nhà nói ông lớn đang rửa mặt chải đầu, bảo vị khách ấy hãy đợi ở ngoài.

Bảo Ngọc nghe nói, trong bụng hơi yên, vội vàng đến chỗ Giả Chính, vừa gặp lúc Giả Chính sai người đến gọi, Bảo Ngọc liền theo vào. Giả Chính dặn dò mấy câu, rồi dẫn Bảo Ngọc lên xe. Bồi Dính mang theo sách vở đi thẳng đến trường học, người nhà đến trước trình với Đại Nho:

- Ông lớn đã đến.

Đại Nho đứng dậy, thì Giả Chính bước tới và hỏi thăm sức khỏe. Đại Nho cầm tay chào hỏi:

- Dạo này cụ có khỏe không?

Bảo Ngọc cũng tới hỏi thăm sức khỏe Đại Nho. Giả Chính mời Đại Nho ngồi, rồi mới ngồi xuống. Giả Chính nói:

- Tôi hôm nay thân hành đưa cháu đến đây, nhờ cụ dạy bảo giúp. Cháu cũng không còn bé hỏng gì nữa, cần phải học để thi cử mới mong trọn đời lập thân, thành danh được. Hiện nay, nó ở nhà chỉ chơi đùa với bọn trẻ con, tuy có hiểu được mấy câu thơ, dăm câu từ, cũng chỉ là nói nhảm viết nhảm. Dù có hay chăng nữa cũng chẳng qua là những lời gió trăng mây móc, chẳng ích gì cho đời nó cả.

Đại Nho nói:

- Tôi xem cháu mặt mũi cũng xinh đẹp, tư chất thông minh, nhưng lại cứ ham chơi, không chịu học? Việc thơ từ không phải là không nên học, nhưng sau khi đỗ đạc rồi sẽ học cũng chưa muộn.

- Đúng như thế. Giờ đây chỉ xin cụ bắt nó đọc sách, giảng sách, làm văn làm bài, nếu nó không nghe lời dạy bảo thì xin cụ hết sức kèm cặp nó, có thế mới không đến nỗi hữu danh vô thực, lỡ cả một đời.

Nói xong, Giả Chính đứng dậy vái một vái, nói vài câu chuyện phiếm rồi cáo từ rút lui ra. Đại Nho tiễn đến ngoài cửa và nói:

- Xin gởi lời thăm sức khỏe của cụ.

Giả Chính vâng lời, lên xe ra về.

Đại Nho quay vào, thấy Bảo Ngọc ngồi bên cái bàn hoa lê nhỏ, bày ở góc Tây nam, dựa vào cửa sổ, bên phải chồng hai bộ sách cũ và một tập văn bát cổ mong mỏng, gọi Bồi Dính đem giấy mực bút nghiên cất vào trong ngăn kéo. Đại Nho hỏi:

- Bảo Ngọc, ta nghe nói cháu hôm trước ốm, nay đã khỏe thật chưa?

Bảo Ngọc đứng dậy thưa:

- Khỏe thật rồi ạ.

- Bây giờ cháu nên chăm chỉ học hành, cha cháu thật hết sức tha thiết trông mong cháu nên người. Bây giờ cháu hãy đem những sách đã đọc trước bắt đầu ôn lại một lần. Hằng ngày, sáng dậy ôn lại sách, cơm xong viết chữ, trưa đến giảng sách và đọc mấy thiên bát cổ.

Bảo Ngọc "dạ" một tiếng rồi ngồi xuống, liếc nhìn xung quanh thấy thiếu mất mấy đứa trong bọn Kim Vinh ngày xưa và thêm mấy đứa học trò nhỏ, đều là bọn thô tục chẳng ra gì. Chợt nhớ đến Tần Chung, Bảo Ngọc thấy không có ai làm bầu làm bạn, để giải tỏ câu chuyện tâm tình, trong lòng buồn rầu, nhưng không dám nói ra, đành vùi đầu xem sách.

Đại Nho nói:

- Hôm nay là hôm đầu, cho cháu về sớm một chút, đến mai thì phải giảng sách đấy, cháu không phải là người dốt nát, ngày mai sẽ cho cháu giảng trước một vài chương sách cho ta nghe, xem gần đây cháu học hành ra sao, để biết được sức học của cháu đã đến thế nào rồi.

Nghe vậy trong bụng Bảo Ngọc cứ rối cả lên.

1      Tức Tào Tháo người đời Tam quốc.

2      Khương Thái Công tức Lã Vọng, tên chữ là Tử Nha. Lúc hàn vi thường ngồi câu cá ở sông Vị. Sau giúp vua Văn Vương nhà Chu, đánh được nhà Ân, phong là thái sư.

3      Thứ hương làm cho người ta ngửi thấy thì mê man bất tỉnh.

_________________