Hồng Bàng Lập Quốc Ký Rewrite

Chương 53: Xây dựng thế lực




Quyển I: Nó là Hoàng Anh Kiệt

Chương 53: Xây dựng thế lực

- Giao hảo với người dân nơi đang ở, hàng xóm, người thân của họ...

- Tăng cường tập võ để có thể tự bảo vệ bản thân, và nên giao lưu võ với đám Biên Man để thêm trình.

- Tạo các nhóm học nhóm trong trường, để tạo thêm bạn bè nhưng không được qụy lụy đám Thổ Bảo hoặc Kim Chủ nào, anh tới học chứ không phải tới xin họ chút tài lộc.

Những điều Kiệt dặn dò nghe rất đơn giản, nhưng khi bắt tay vào làm thì mới thấy khó. Giao hảo với những người hàng xóm thực sự không dễ dàng khi họ vốn dân lao động, giữa Minh và họ không hề có tiếng nói chung. Hàng ngày, đàn ông thì đi làm từ sáng sớm tới tối muộn, đàn bà và trẻ con thì ở nhà, nấu nướng, làm thức ăn đem bán hoặc làm một vài sản phẩm thủ công, giặt giũ quần áo,… Tối đến, đàn ông về nhà, ăn no rồi đi uống tí rượu, tán dóc chém gió toán những chuyện tục tĩu, hoặc chơi những trò cá độ gì đó, còn không thì đi làm cho dân số gia tăng,… Minh không có thể nói chuyện gì với họ cả. Nếu như người khuyên cậu ta giao hỏa với họ không phải là người em trai quá mức phi thường, có lẽ Minh sẽ sớm từ bỏ thôi.

Mất một thời gian ngẫm nghĩ, tự hỏi, Minh quyết định thay vì gợi chuyện với họ, cậu sẽ khiến họ phải gợi chuyện với mình thông qua hành động quan tâm tới họ. Từ lúc đó, thay vì chỉ có đi đi về về, Minh cũng dành thời gian chào hỏi tất cả mọi người, rồi thì dọn dẹp căn nhà đang ở chung, thỉnh thoáng nấu chút thức ăn ngon thì nấu nhiều một tí, chia sẻ cho những người ở cùng. Dần dà, từ chỗ nhìn Minh như nhìn một sinh vật lạ, giờ đây họ đã bắt đầu quen với cậu, và rồi dần dà họ chào hỏi lại, giao tiếp với Minh nhiều hơn, dù cũng chỉ mới là khách sáo.

Nhờ quá trình giao tiếp này, Minh nhận ra được hóa ra những người dân lao động nghèo khổ này hóa ra cũng giống như người dân làng Hồng Bàng vậy, có chăng họ vì sống ở môi trường khác, mà phải cư xử khác đi thôi. Ví dụ như ở làng Hồng Bàng, nơi mà công việc nhà nông tuy nặng nhọc, nhưng lại không có tần suất làm việc dày đặc như ở trên đây, nên họ có những trò giải trí bình dân, những trò chơi dân gian. Nhưng ở đây, sức lực phải dồn hết cho việc kiếm tiền, nên rượu chè và cá cược là cách giải trí tốt nhất.

Minh liền bày cho họ trò chơi cờ ca rô mà Anh Kiệt bày ra. Với cách chơi đơn giản song vẫn đầy kích thích, những trò lừa lọc vẫn có thể diễn ra, và có thể cười người thua mình là thằng ngốc nữa, nên trò này không khó để làm tất cả những ai từng chơi nó thấy khoái. Nhưng một trò chơi thì không đủ để cậu làm thân thêm với họ, họ cũng chỉ dừng ở mức chào hỏi và chơi bời, chứ tâm sự chuyện trò chưa nhiều.

Nhưng rồi, sự thân thiết mà Minh tạo ra với người dân ở nơi cậu ta sống đã lan tới tai những người bạn cùng trường. Với bọn Kim Chủ, nhất là những thằng ghét Minh thì đều cảm thấy đây mới đúng là những gì Minh nên làm. Còn những Kim Chủ không ghét cậu ta như Trần Cường hoặc những thành phần khác đều tìm cách nói bóng gió với Minh là cậu ta nên tránh tiếp xúc với dân ở chỗ cậu ta ở. Minh không phản đối, cậu chỉ nói rằng dù gì họ cũng là hàng xóm với cậu, nên cậu luôn muốn mình được sống tốt với họ nhất có thể.

Tất nhiên, những gì Minh nói sớm truyền vào tai những người kia, bằng sự tuyên truyền của đám Kim Chủ. Trong mắt tụi nó, việc này sẽ làm cho Minh trở nên bần tiện hơn trong mắt những người có tiền ở huyện thị. Và quả thực, đúng là nhiều thành phần muốn bợ đít bọn Kim Chủ thù ghét Anh Minh đã dùng việc này để sỉ nhục cậu ta, và chúng có thể lải nhải suốt ngày một việc đó. Điều này, vô hình chung, đã đẩy Minh về phía những người lao động tại huyện thị, mặc dù Minh thực sự chưa làm được quá nhiều điều cho họ và cũng không hoàn toàn cắt đứt với những người bạn trong trường- những người thuộc tầng lớp trên, mà thậm chí trong thời gian này Minh đã làm được hai yêu cầu sau của Kiệt khi tạo nên một cộng đồng với 3 thành phần trong trường với cậu ta làm người đứng đầu, nhưng việc đó nói sau đã.

Từ đây, Hoàng Anh Minh đã có cơ hội thân thiết hơn với dân thường ở huyện thị. Chính từ khi này, Minh có thêm cơ hội tìm hiểu thêm tình hình kinh tế cũng như Cậu biết những khó khăn, những bất công họ chịu, rồi mơ ước của họ, cũng như tình hình công việc của họ. Thế rồi, cơ hội Minh thấy đã tới, khi cậu thấy rằng người dân nơi đây chưa tiếp cận được một số tiện ích mà dân Hồng Bàng đã có, mà tiêu biểu nhất là việc họ vẫn phải múc nước từ giếng vẫn dùng gáo gắn dây chứ không có bơm như Kiệt đã chế cho dân Hồng Bàng. Bình thường thì với dân lao động, việc này vốn cũng chả đáng gì cả, có điều do giếng khá sâu, người kéo nước thường phải cố gắng kéo thật nặng xô rồi mới kéo lên, mà đàn ông thì hầu như đi làm cả ngày, phụ nữ trẻ em ở nhà phải cố hết sức mới được.

Hỏi thăm thêm, Minh được biết là người dân ở đây cũng có nghe qua thứ máy bơm sức gió gì đó, nhưng họ không để ý lắm, vì sợ tốn tiền. Có lẽ, những người bán hàng của hai họ Đào và Đỗ cũng không chú ý tới người dân lao động trên này chăng. Nếu có thể đem thứ này ra cho dân ở đây dùng miễn phí, họ sẽ bớt nhọc nhằn đi một tí. Nhân một lần Kiệt tới chơi, Minh cẩn thận trưng cầu ý kiến của Kiệt về việc này, và được Kiệt đồng thuận, Minh mới dám đem công nghệ chế tạo bơm nước từ giếng, kết hợp thêm hệ thống cung cấp lực kéo bằng sức gió, tương tự mấy cái máy bơm cho ruộng, chế tạo một cái máy bơm nước miễn phí. Ngày Minh đem cái máy ra, dân nơi cậu ở ban đầu cũng chưa để ý, các bà các mẹ các chị còn kêu Minh làm gì thì làm, đừng cản trở việc họ lấy nước, may mà vì nể Minh nên họ cho cậu thời gian rỗi để lắp ráp. Nhưng khi Minh lắp xong xuôi rồi, cho máy chạy thử, nước tuôn ra ào ào, thì mọi người xúm đông xúm đỏ lại.

- Cái này là cái gì thế?

- Dạ thưa, nó là cái máy bơm nước dùng sức gió, hoặc nếu không dùng sức người cũng được.

Minh không ngại ngùng chia sẻ về cái máy, giải thích cặn kẽ mọi vấn đề, khiến dân ở đây tin tưởng. Việc Minh vì thấy tội nghiệp cho những người phụ nữ phải gắng sức đi lấy nước mà mang ra cái máy này cũng làm người ta quý cậu hơn nữa, họ bắt đầu thầy rằng Minh dường như biết quan tâm tới họ, và là sự quan tâm thực sự vì cậu nhóc đã để ý tới từng chi tiết trong cuộc sống của họ, tìm thấy việc họ còn khó và Minh lại có thể giúp được, chứ không như lời phỉnh phờ của những kẻ có học hay nói. Của cho không bằng cách cho, Minh thực sự đã bắt đầu chinh phục trái tim những người hàng xóm của mình.

Song song với việc thành công tạo mối quan hệ với những người hàng xóm, Minh cũng đã có những bước tiến rõ rệt trong hai kế hoạch còn lại của Kiệt. Không như kế hoạch làm thân gặp khó khăn do khác biệt thân phận và sự hồ nghi từ những người dân lao động, việc lập nhóm học tập hay tập võ đều nhanh chóng hoàn thành. Sở dĩ thành công nhanh, là vì hai thứ này Minh đều có cơ sở rất chắc: từ nhỏ đã học với mẹ mình nên nắm được sơ sơ về Nho học, lớn lên thì học toàn thứ hay ho mà Kiệt truyền thụ.

Với Nho học truyền thống mà mẹ dạy cho kết hợp những phân tích của hàng ngàn hàng vạn học giả mạng trong thời của Kiệt, khiến tư tưởng của Minh và cách nhìn nhận của cậu ta về Nho học có thể nói là khác biệt rất nhiều với đám bạn, nhưng lại cực kỳ thú vị. Một mặt, Minh vẫn đề cao Khổng Tử và những triết lý Nho học cơ bản như “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” hay là đạo nghĩa người quân tử, song mặt khác, cậu đưa ra nghi vấn về vấn đề thời đại. Khổng Tử sinh ra và truyền đạo vào thời đại đã cách đây hơn ngàn năm, thời thế đã thay đổi.

- Đạo Thánh hiền không thay đổi theo thời gian!

- Lấy một ví dụ nhé, như là trong “ Sĩ, nông, công, thương” thì ngày đó, công và thương bị đánh giá là ngành không quan trọng, thậm chí nhiều khi còn gây tổn hại cho nông nghiệp, nhưng hiện tại hai ngành đó bổ trợ rất nhiều cho nông nghiệp và học thuật vậy. Vậy việc đánh giá lại phẩm hạnh của hai nghề công, thương là cần phải có chứ!

- Bằng cớ nào chứ?

- Mấy tay làm ra món đồ chơi thì có gì phải để ý?

- Thương nhân toàn buôn rẻ bán đắt, làm ăn chụp giật, có gì phải đề cao?

- Vậy các bạn có thể tới làng Hồng Bàng có tôi để xem, hoặc để tôi nói qua những phát minh thủ công đem lại cho nông nghiệp nhé. Máy bơm nước giúp cây lúa được mùa, máy tuốt, máy xát làm người nông dân đỡ khổ. Người thương buôn mang máy đó đi bán cho nơi khác thì nơi khác cũng được hưởng cái lợi đó.- Minh bình thản đáp lại bằng những bằng chứng xác đáng thông qua những cái máy mà Kiệt tạo ra. Thấy những đứa chống đối còn định nói lại, vặn vẹo gì đó nên Minh ra cú chốt là về giấy viết – Nếu các bạn đây vẫn hồ nghi, thì hãy nhìn một ví dụ đơn giản và gần gũi với chúng ta hơn, những tờ giấy chúng ta dùng để viết chữ Thánh hiền, là nhờ những người thợ thủ công làm ra, và được thương nhân đem tới đây.

- Vậy ý của cậu Hoàng Anh Minh đây, là kẻ sĩ chẳng có tác dụng gì ngoài học sao?

- Không phải vậy, bản thân người nông dân chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, người thợ thủ công chỉ mong dấu nghề, thương nhân chỉ chăm chăm lợi nhuận, tất thảy những điều này khiến những thứ mang lại lợi ích lớn lao cho con người bị bỏ xó. Nhưng kẻ sĩ như chúng ta, có kiến thức, có hoài bão, hoặc là mang những điều lợi đi dạy cho mọi người, để cho xã hội phát triển hoặc là tìm cách ngăn chặn những việc làm tư lợi cho mình mà hại tới xã hội. Bởi vì kẻ sĩ chúng ta làm vậy, ta mới đáng đứng đầu.

Những cuộc tranh luận kiểu này, phần thắng thường thuộc về Minh, và danh tiếng tăng lên, Minh còn lập hẳn một hội nhóm để thảo luận về Nho học và tập hùng biện để bảo vệ ý kiến. Do tư tưởng đề cao học tập để vươn lên luôn luôn nhất quán, Minh chả khó khăn để làm đám Thổ Bảo tìm tới. Chúng nó thấy một làn gió mới từ Minh, và thích thú với điều đó. Không chỉ Thổ Bảo, một số Kim Chủ cũng tham gia, bọn này không có hiềm khích gì với Minh, mà bọn nó cũng thấy các buổi tranh luận của Minh thực thú vị, nên xin vào. Dù vẫn đứng trên quan điểm bảo vệ sự trật tự xã hội “ Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”, và vì thế, thua nhiều hơn thắng do Minh tài hơn, thì đám này cũng vẫn vui vẻ lập nhóm.

Sự hòa đồng của hai phe Kim Chủ- tiến bộ với Thổ Bảo, với cầu nối là Minh, đã làm cho phe cuối cùng, Biên Man chú ý. Rõ ràng, tất cả vẫn đang còn đi học, chính trị chính em gì đó không phải thứ làm chúng để tâm, chúng nó chia phe vì khác biệt văn hóa gia đình. Và rồi, khi mà có một cơ hội để lập nhóm hòa đồng, không ai từ chối cả.

Biên Man vào nhóm, là lúc mà Minh cũng đề cao văn võ song toàn, kết hợp tập luyện thể dục thể thao với đọc sách. Ban đầu, chuyện này nghe thật lố bịch, đám Thổ Bảo và Kim Chủ tiến bộ cũng nghi ngờ việc Minh làm. Bợ đít thì không hẳn, nhưng ưu ái tìm việc làm hòa đồng nhanh với bọn Biên Man thì là rõ ràng.

Minh không tranh cãi nhiều mà đề nghị dùng thực tế làm thước đo kiểm nghiệm. Bọn nhóc ban đầu không hẳn hứng thú, nhưng rồi cũng tham gia. Xét về hiệu quả, thực sự thì cũng không hẳn là cao, nhưng điều này giúp đám Biên Man gia nhập. Sự đa dạng của nhóm kết hợp khả năng điều phối của Minh, dần dần hóa ra chất keo kết dính cả bọn lại.