Thẩm Thu Kích không còn gì để nói, chờ tới khi đến tầng -1 thì dẫn Cố Nhung nhanh chóng đến lối thang bộ, hai người họ nhẹ nhàng lén lút đi đến tầng -2, đứng ở cửa thang bộ chờ bà cụ kia ra khỏi thang máy.
Tầng -2 rất lạnh, cái lạnh này không phải là lạnh bình thường mà là hơi lạnh tỏa ra từ xương cốt, cho nên Cố Nhung cứ dính chặt lên người Thẩm Thu Kích, nếu để người khác thấy, chắc chắn sẽ hiểu nhầm bọn họ thành hai tên khốn to gan dám chơi dã chiến ở cửa thang bộ tầng -2, cũng may nơi này không có ai.
Mà bà lão kia cũng đã ra khỏi thang máy.
Bà ta nhìn xung quanh một vòng, xác nhận ở đây không có ai khác mới mở cái bọc trong ngực ra, bên trong là một bộ quần áo bệnh nhân với một ít quần áo cũ nát, trong bọc còn có một cái bồn thiếc nhỏ, bật lửa, hai cây nến, mấy thỏi vàng cục và một xấp tiền giấy.
Cố Nhung đứng ở cửa nhà xác nhìn thấy mấy thứ này, da gà da vịt nổi hết cả lên, cậu nhịn không được xoa tay, nhỏ giọng hỏi Thẩm Thu Kích: “Rốt cuộc bà ta đang muốn làm gì?”
Giọng nói của Thẩm Thu Kích truyền đến từ đỉnh đầu, giọng nói vô cùng lạnh lẽo: “Bà ta muốn đốt đống đồ cũ này, sau đó rải tro ra đường, mong người ta cõng thay.”
Cõng bệnh là một loại tập tục có từ xa xưa.
Thế nào gọi là “bệnh”?
Bệnh lâu không khỏi tức là “bệnh”
Người bệnh lâu không khỏi là vì trên lưng có “Quỷ bệnh”.
Ở những nơi lạc hậu, người thế hệ trước sẽ tin vào những tập tục này. Bọn họ cho rằng những bộ quần áo mà người bệnh mặc hoặc cặn thuốc đều sẽ có bệnh tật và đen đủi dính vào, đốt những bộ quần áo cũ đó thành tro, hoặc là rải cặn thuốc ra đường để người qua lại giẫm lên.
Những người qua đường đạp phải tro sẽ phải cõng theo “quỷ bệnh” rời đi, như thế “quỷ bệnh” mang theo đen đủi và bệnh tật mới tiêu tán, bệnh mới dần trở nên tốt đẹp.
Cách này cũng giống với cách người nào đó nhặt phải món đồ xui xẻo, gặp chuyện không tốt lại vứt vật kia đi, hy vọng người tiếp theo nhặt được sẽ mang vận đen trên người hắn đi.
Thực tế thì hẳn là ông cụ nhà xác tìm kẻ chết thay cũng giống vậy. Nói cho cùng, những người này đều hy vọng người khác có thể gánh vác bệnh tật xui xẻo thay mình.
Câu nói mà bà lão kia nói với ông cụ trong phòng bệnh là: “Tôi đã sớm bảo với ông là đừng tới bệnh viện, tìm người cõng “quỷ bệnh” thay là được rồi, ông lại không nghe, bây giờ dù đi sợ cũng không có tác dụng gì.”
Cho dù chỉ là một câu ngắn ngủi như vậy cũng không khó để đoán ra ông cụ khi vừa sinh bệnh, bà lão đã muốn tìm người cõng “quỷ bệnh” thay ông, nhưng ông cụ không muốn, cứ khăng khăng đòi tới bệnh viện, kết quả tới bệnh viện rồi mà bệnh vẫn không tốt lên.
Mà vừa rồi ông ta đang bên bờ cái chết, cơ thể yếu ớt tới cùng cực, cho nên mới bị ông già nhà xác nhập vào.
Cũng không biết câu nói cuối cùng của ông cụ kia là do ông cụ nhà xác muốn bà cụ tìm kẻ chết thay, hay là bản thân ông ta không biết mình đã chết, hồi quang phản chiếu thay đổi ý định… muốn tìm người cõng bệnh.
Bọn họ nhìn bà cụ đốt sạch quần áo và tiền giấy thành tro, cuối cùng gom lại bỏ vào một cái túi nhỏ, mang túi rời đi.
Thẩm Thu Kích kéo tay Cố Nhung, nói với cậu: “Chúng ta theo sau đi, nếu bà ta đi rải “bệnh” thật thì tôi biết giúp cậu ra sao rồi.”
Sau đó hai người lặng lẽ đi theo bà lão, trông bà ta rời khỏi bệnh viện, cuối cùng đứng ở cửa nam và cửa đông rải đống tro kia ra, mà nắm tro cuối cùng được bà ta rải trước tiệm trà sữa cửa nam.
Người ta qua qua lại lại trước cửa tiệm trà sữa, số tro tiền giấy mà bà lão rải xuống nhanh chóng bị bọn họ đạp lên, họ không hề phát hiện, thậm chí còn mang theo số tro đó… về nhà.
Cố Nhung đứng bên cạnh Thẩm Thu Kích, thấy một màn như vậy thì đã biết lai lịch của nữ quỷ trên lưng mình.
“Tôi cảm thấy đây mới là lý do cậu gặp quỷ.” Thẩm Thu Kích cũng nói, “Không phải cậu bảo trước đó cậu đến đồn cảnh sát đổi tên rồi nổ lốp ở cửa bệnh viện à? Sau đó cậu xuống xe mua trà sữa, tôi nghĩ lúc cậu đi mua trà sữa đã đạp phải tro mà người phụ nữ trên lưng cậu rải xuống, cho nên sau khi cô ta chết mới biến thành “quỷ bệnh” ám lấy cậu.”
Thẩm Thu Kích vừa nói vừa cúi đầu nhìn thanh niên đứng bên cạnh hắn.
Lần bệnh này khiến thanh niên gầy đi rất nhiều, đồng phục bệnh nhân to rộng khiến cậu trở nên nhỏ bé, nửa cánh tay lộ ra khỏi ống tay áo như cành tuyết, yếu ớt mảnh khảnh.
Thanh niên vẫn đứng đó, im lặng thật lâu mới hỏi hắn: “Thẩm Thu Kích… Cậu nói xem cách rải áo cũ cặn thuốc để người ta cõng bệnh có tác dụng không?”
“Đương nhiên là không.” Thẩm Thu Kích nói, “Nếu có tác dụng thật thì còn cần bệnh viện làm gì?”
Hắn nói xong mới nhận ra vì sao sắc mặt Cố Nhung càng thêm trắng.
Bởi vì Cố Nhung hỏi hắn: “Nhưng nếu vô dụng, vậy vì sao nhiều người đi qua con đường này thế mà mà cô ta lại chỉ ám tôi?”
Cậu không phải người duy nhất đi trên đường, nhưng lại chỉ có cậu cõng theo “quỷ bệnh” trên lưng. Người nhà Cố Nhung không hề mê tín, nếu không phải Thẩm Thu Kích nói ra, cậu sẽ không bao giờ biết đến nó.
Thẩm Thu Kích không trả lời.
Có lẽ đơn giản là vì Cố Nhung xui xẻo mà thôi, nhưng khi hắn nhìn gò má trắng bệch của Cố Nhung thì lại không nói ra được.
Cuối cùng Thẩm Thu Kích chỉ khẽ vỗ vai thanh niên, an ủi cậu: “Đừng lo, tôi biết cách giúp cậu thoát khỏi cô ta, về sau cậu sẽ không gặp phải cô ta nữa đâu.”
Bị quỷ ám có rất nhiều nguyên nhân, có người chỉ đơn giản là xui xẻo, vận may thấp, loại quỷ ám này chỉ cần đi đến chùa thắp hương, xin bùa hộ mệnh là được, có người lại là do nợ nghiệp, làm chuyện xấu khiến người khác chết đi, sau đó phải chịu báo ứng, như vậy thuộc về phạm trù gieo nhân nào gặt quả nấy, không có cách giải quyết, mà cho dù có cũng rất nguy hiểm, cũng có người là do tay thối, đi trên đường gặp mấy món đồ quỷ quái, tiện tay sờ mó hoặc mua phải thứ gì đó từ hàng quán vỉa hè, bị tinh quái bám lên người… Cách để bị quỷ ám rất đa dạng, mà cách giải quyết cũng phải tìm đúng nguyên nhân mới có tác dụng.
Cố Nhung còn may, chuyện duy nhất cậu gặp phải chính là “quỷ bệnh” trên lưng, ông cụ nhà xác, huyết lệ nữ quỷ tìm con và y tá nhiều mắt đều vì Cố Nhung cõng quỷ, vận may hạ xuống, cho nên mới gặp phải các loại ma quái.
Chỉ cần giải quyết quỷ bệnh, những chuyện quỷ dị kia cũng sẽ biến mất theo.
Mà việc tà ma như cõng quỷ có thể nói là loại dễ giải quyết nhất —— dù sao “quỷ bệnh” trên lưng nghe hơi đáng sợ, nhưng nó vẫn là do giẫm phải tro, cho nên không cần tốn nhiều thời gian giải quyết.
Sau đó Thẩm Thu Kích bảo Cố Nhung về phòng thay bộ đồ hàng ngày bình thường hơn, lại gọi một chiếc Didi bảo tài xế đưa bọn họ đến vùng núi du lịch gần bệnh viện nhất là Lệ Sơn.
Thẩm Thu Kích không có điện thoại thông minh, cho nên Didi là do Cố Nhung gọi, tiền cũng là do cậu trả.
Xuống xe rồi, Thẩm Thu Kích lại mượn di động của Cố Nhung.
Cố Nhung hỏi hắn: “Làm gì thế?”
“Mua vé vào cửa.” Thẩm Thu Kích hạ giọng như muốn che đi sự nghèo khổ của mình, “Tôi chỉ mang theo hai mươi đồng, vé vào cửa phải trả ba mươi đồng một người, không phải cuối tuần nên không giảm giá cho sinh viên, đúng là keo kiệt. Tôi không nhiều tiền đến vậy…… Anh Nhung, rủ lòng thương xót đi.”
Tác giả có lời muốn nói:
Thẩm: Bé Nhung, nghèo quá, xin ít phiếu.
Nhung: Chó sủa đâu ấy nhỉ?
Thẩm:?
*
Cõng bệnh là một tập tục xưa của nhà tôi, người ta sẽ đốt quần áo của người bệnh rồi rải tro ra đường cho người khác giẫm lên, sau đó mang theo xui rủi đi, hình như ở nơi khác cũng có nhỉ? Ví dụ như rải cặn thuốc ra đường, sở dĩ tôi biết đến phong tục này là vì ở gần nhà tôi có một con đường mòn, trên đường có rất nhiều bia đá cỡ nhỏ khắc toàn là vận đen mà người ta gặp phải, hy vọng các vị thần đi qua đường này sẽ chia sẻ một ít giúp bọn họ, trên đường rất nhiều bia đá, thoạt trông hơi giống mấy nấm mộ tí hon, tôi còn từng hỏi mẹ tôi đó có phải mộ hay không, mẹ tôi mới nói cho tôi biết đây là “Cõng bệnh”, tóm lại là rất kinh khủng, mà tôi cũng chưa viết tới tình tiết này [Shiba].
***************
Lảm nhảm: Ở Việt Nam cũng có một tục tương tự như vậy, không biết các cô có biết không. Người miền Nam thì tui không rõ lắm, nhưng ở miền Bắc có một loại xui xẻo gọi là “Phong long”, ai dính phải phong long sẽ cùng đường mạt vận, làm ăn bết bát, nghe nói còn ảnh hưởng tới mạng người nữa. Những nhà bị phong long phải tìm thầy cắt phong long, thả nó vào một bì đồ vật, chủ yếu là mấy món đồ mới rồi đặt giữa đường. Ai đi qua mà nhặt đống đồ đó về sẽ rước phải phong long của nhà đó. Cho nên ở ngoài tui rất kỵ việc nhặt đồ, thấy cái gì càng nhiều càng đẹp là phải chạy ngay đi, chứ không là toang ngay:v