Hội Chợ Phù Hoa

Chương 44




TỪ LUÂN ĐÔN ĐẾN HAMPSHIRE

Những người bạn cũ của chúng ta trong gia đình Crawley tại phố Great Gaunt vẫn treo trước cửa tấm huy hiệu tang báo tin cụ Pitt Crawley tạ thế, song bản thân tấm huy hiệu quý tộc ấy lại rất sặc sỡ, lộng lẫy; và ngôi nhà hồi này trông phong quang sáng sủa khác hẳn hồi lão nam tước già còn sống. Lớp ghét đen bám ngoài lớp gạch đã được cạo sạch, màu gạch đỏ tươi điểm những vạch vôi trắng ngang dọc như mỉm cười tươi tỉnh với khách qua đường. Con sư tử bằng đồng đen dùng làm chày gõ cửa đã được đem mạ vàng bóng lộn; hàng lan can được sơn lại; ngôi nhà trông âm u, rầu rĩ nhất phố Great Gaunt bỗng trở thành sáng sủa nhất, trước khi những búp lá non xanh kịp thay thế những mảnh lá vàng úa trên hàng cây viền con đường lớn ở trại Crawley Bà chúa đã dẫn thi hài cụ Pitt về nơi an nghỉ cuối cùng.

Người ta nhận thấy có một chiếc xe ngựa của một người thiếu phụ bé nhỏ luôn luôn đỗ trước cửa nhà này. Hằng ngày lại thấy có một người đàn bà đứng tuổi dắt một thằng bé đến chơi. Đó là bà Briggs và thằng Rawdy. Bà này có nhiệm vụ đến coi sóc việc trang hoàng lại ngôi nhà cũ của cụ Pitt, bảo đám thợ đàn bà vá lại những tấm màn cửa và thảm thêu. Bà còn phải lục lại những ô kéo, những ngăn tủ đầy những di vật cáu bẩn và những đồ trang sức giả hiệu đã từng trang điểm cho cả hai thế hệ phụ nữ trong gia đình Crawley. Bà còn phải kiểm kê lại các đồ sứ, đồ thuỷ tinh và mọi vật khác chất trong các phòng chứa đồ đạc.

Rebecca được giao quyền chỉ huy toàn bộ công việc này, cô ta được tôn ông Pitt uỷ quyền tuỳ nghi định đoạt, tha hồ bán đổi, huỷ bỏ hoặc mua vào đồ mới. Được dịp khoe tài thẩm mỹ và sáng kiến của mình, Rebecca lấy làm hể hả lắm. Hồi tháng mười một, Pitt về tỉnh để giải quyết công việc với bọn luật sư, anh ta đến chung sống gần một tuần lễ với hai vợ chồng ông em trai quý hoá ở phố Curzon; nhân dịp đó, Pitt quyết định sửa sang lại ngôi nhà ở phố Great Gaunt.

Mới đầu, anh ta thuê phòng tại khách sạn, nhưng Becky nghe tin ông nam tước anh chồng về, lập tức một mình đến chào; một giờ sau, cô ta đi xe ngựa trở về nhà, có Pitt ngồi bên cạnh. Không sao mà từ chối được lời chèo kéo mời mọc quá ngọt ngào, tha thiết và chân thành của người đàn bà này. Được Pitt nhận lời.

Becky mừng quá, nắm ngay lấy tay anh chồng bảo: “Cảm ơn bác, chắc Rawdon vui lòng lắm”. Bị cô em dâu nắm chặt tay và nhìn thẳng vào mắt mình, Pitt đỏ ra cả mặt. Cô ta lăng xăng đi trước dẫn bọn đầy tớ khuân hành lý lên phòng dành cho Pitt, rồi đích thân vừa cười ròn rã vừa mang một rổ than xúc trong phòng của mình đem vào.

Lò sưởi trong phòng của Pitt đã cháy đỏ rực (đó tức là phòng ngủ của bà Briggs; nhân tiện xin nói thêm là bà này bị mời lên gác ngủ với chị hầu gái).

- Em biết bác cần sưởi, phải mang than lại ngay.

Becky vừa nói vừa nhìn Pitt, ánh mắt long lanh sung sướng. Kể ra có ông anh chồng đến chơi nhà, cô ta cũng thực tâm sung sướng thật. Trong thời gian Pitt ở chơi, Becky bảo Rawdon ăn cơm ngoài vài bận; anh chàng nam tước được ngồi suốt buổi tối một mình với cô em dâu và bà Briggs. Đích thân Rebecca xuống bếp làm món ăn thết ông anh chồng. Cô ta nói:

- Bác thấy món salmi này thế nào? Em làm để bác xơi đấy. Em có thể làm món khác ngon hơn thế nữa cơ; bác cứ đến thăm em luôn mà xem.

Anh chàng nam tước đáp rất lịch sự:

- Thím làm cái gì cũng giỏi cả.

Rebecca vui vẻ đáp:

- Lấy chồng nghèo thì phải khéo tay mới sống được bác ạ.

Ông anh chồng công nhận, rằng em dâu mình “xứng đáng làm vợ một ông vua, và tài nội trợ chính là một trong những đức tính quý báu nhất của đàn bà”. Đồng thời tôn ông Pitt hơi thất vọng nhớ đến công nương Jane ở nhà với món patê mà vợ nhất định đòi tự tay làm cho chồng ăn, cái món patê thổ tả ấy!

Ngoài món salmi làm bằng thịt chim trĩ trong trại của hầu tước Steyne ở Stillbrook, Becky còn dọn ra mời anh chồng một chai vang trắng Rawdon đã đem từ Pháp về; cô em dâu hay chuyện kể thêm rằng chồng mình mua rượu chẳng mất xu nào; thực ra, đó là thứ rượu nhãn hiệu “Đạo am trắng” () lấy trong hầm rượu nổi tiếng của hầu tước Steyne; uống vào đôi má tái nhợt của anh chàng nam tước ửng đỏ lên, và cái thân hình yếu đuối bỗng thấy như bốc lửa.

Để anh chồng uống cạn chai “rượu vang trắng nhỏ”(), Becky mới đưa tay cho Pitt nắm, rồi cùng đi xuống phòng khách, đặt anh ta ngồi thoải mái trong ghế xô pha cạnh lò sưởi; trong khi anh chàng huyên thuyên kể chuyện, cô ta ngồi yên ra vẻ chăm chú lắng nghe, vừa viền một chiếc áo lót mình cho đứa con trai yêu quý. Khi nào bà Rawdon muốn là ra vẻ đặc biệt giản dị và hiền thục, ấy là lúc chiếc áo lót mình này có dịp chui ra khỏi hộp đựng đồ may. Dĩ nhiên, trước khi may xong, đối với thằng Rawdy, nó đã trở thành quá chật rồi.

Thế là Rebecca chăm chú nghe Pitt nói, rồi cô ta kể chuyện cho anh chồng nghe, hát cho anh chồng nghe. Tóm lại, cô ta mơn trớn, vuốt ve tài quá, làm cho ông anh chồng mỗi ngày càng thấy sốt ruột, muốn mau chóng từ giã mấy bác thầy kiện ở quán Grey để về phố Curzon ngồi bên lò sưởi cháy dở - mấy lão thầy kiện cũng không mong gì hơn vì đỡ phải ngồi nghe Pitt nói tràng giang đại hải và cũng chính vì vậy anh chàng nam tước thấy giờ ly biệt thực là đáng hận. Lúc Pitt đã ngồi trên xe ngựa, Becky còn giơ bàn tay hôn gửi theo một cái, và rút khăn mùi xoa vẫy mãi, trông thật duyên dáng! Cô ta còn đưa mùi xoa lên chấm mắt nữa cơ chứ. Xe chuyển bánh, Pitt kéo sụp cái lưỡi trai mũ xuống, ngả lưng ra sau, nghĩ thầm rằng em dâu quý mình quá, mà mình cũng đáng được em dâu quý lắm lắm; còn cái thằng Rawdon mới thật ngốc nghếch làm sao, chẳng biết đến giá trị của cô vợ. Pitt lại thấy vợ mình ở trại, so với Becky thật là một trời một vực. Có lẽ chính Becky đã gợi ý cho Pitt về điểm này; có điều cô ta khôn khéo quá nên Pitt không nhớ rõ là cô ta nói lúc nào, nói ở đâu đấy thôi. Và, thế là trước khi anh em chia tay nhau, Pitt quyết định sửa sang lại ngôi nhà để dùng trong mùa hội sang năm, và đến ngày lễ Giáng sinh, hai gia đình sẽ gặp mặt nhau ở trại Crawley Bà chúa.

Ông anh nam tước đi rồi, Rawdon vui vẻ bảo vợ:

- Giá mình moi được của hắn ít tiền thì hay quá. Tôi đang cần ít tiền trả đỡ cho lão Raggles, nghĩ tội quá. Mình thấy không, chẳng lẽ ta cứ chịu mãi chẳng trả được đồng xu nào, cũng không tiện. Ấy là chưa kể nhỡ hắn lấy lại nhà cho người khác thuê thì rầy rà to. Becky đáp:

- Bảo hắn rằng bao giờ công việc của tôn ông Pitt giải quyết xong, sẽ trả tiền hết thảy mọi người; bây giờ hãy tạm đưa hắn ít nhiều gọi là có. Tấm ngân phiếu này là của Pitt cho thằng bé đây.

Đoạn cô ta móc trong túi ra tờ ngân phiếu của ông anh chồng viết cho thằng cháu trai thừa kế thuộc chi dưới trong họ Crawley.

Sự thực thì cái việc chồng xui, chính Rebecca đã thử dò đường rồi... cũng làm một cách hết sức khéo léo nhưng thấy không ăn thua gì. Cô ta mới thử phàn nàn túng thiếu, đã thấy tôn ông Pitt có ý hốt hoảng và lập tức kể lể dài dòng những là chính mình cũng đang gặp bí về chuyện tiền nong quá, những là bọn tá điền ở đây không chịu nộp tô, những là công việc làm ăn hồi ông bố còn sống cùng những chi phí về việc tang ma tốn vô khối tiền; anh ta đang lo chuộc lại những món nợ cầm cố, lại rút quá số tiền dự trữ gửi ngân hàng và luật sư. Cuối cùng Pitt nhượng bộ với em dâu bằng cách tống cho cô ta một món tiền rất nhỏ gọi là làm quà cho thằng cháu.

Pitt thừa biết gia đình em trai đang túng. Một nhà ngoại giao lõi đời sắc sảo như anh ta, làm gì không rõ rằng gia đình Rawdon không có đồng lợi tức nào, và nhà cửa cùng xe pháo đàng hoàng như vậy phải đâu không mất xu nào mà có được. Anh ta cũng hiểu rõ mình là chủ nhân, hoặc là kẻ được thừa hưởng món gia tài mà theo sự tính toán thông thường lẽ ra phải thuộc về em trai; như thế chắc hẳn, trong thâm tâm Pitt cũng có phần ân hận, và cảm thấy mình cũng nên công bằng tý chút, gọi là để đền bù lại cho kẻ bị thiệt thòi. Nếu như anh ta là người hiểu lẽ phải công bằng, biết nghĩ đôi chút, vẫn kính Chúa và đọc vỡ nghĩa lý thành kính, biết làm đúng nhiệm vụ của mình trong đời sống, ắt phải tự hiểu rằng mình mang nợ Rawdon về mặt tinh thần và cần phải làm một việc gì đấy để giúp đỡ em trai mới phải.

Đọc tờ “Thời báo” thỉnh thoảng ta vẫn gặp những dòng tin tức buồn cười thế này: “Ông tổng trưởng Bộ tài chính thông báo rằng đã nhận của vị A.B nào đó năm mươi đồng bảng, của vị W.T. mười đồng bảng, là tiền thanh toán số thuế còn chịu, đồng thời đương sự yêu cầu ngài Tổng trưởng thông báo chung trên mặt báo”. Dĩ nhiên ngài Tổng trưởng và có lẽ cả công chúng nữa, cũng thừa hiểu rằng các vị A.B và W.T nói trên mới chỉ trả một khoản tiền rất nhỏ so với toàn bộ số tiền còn chịu nhà nước; nghĩa là kẻ tự động gửi tấm ngân phiếu hai mươi đồng bảng cho kho bạc, lẽ ra phải trả một món tiền gấp hàng trăm, hàng nghìn lần. Đó là cảm tưởng của tôi mỗi khi đọc tin ông A.B hoặc ông W.T tỏ ra biết hối hận đối với cơ quan tài chính. Do đó, tôi cũng tin rằng thái độ hối hận, hay nói là cử chỉ rộng lượng cũng được, của Pitt Crawley đối với em trai chẳng qua cũng là việc thanh toán một phần rất nhỏ món nợ lớn anh ta vẫn còn chịu lại. Nói đến trả nợ, ai mà không cảm thấy khó khăn?

Con người ta có chút lương tri phải biết coi việc từ bỏ đồng tiền là một sự hy sinh đau đớn. Ở đời có ai thấy cho người khác năm trăm đồng bảng không phải là một việc làm cao quý? Kẻ quen xa xỉ, cho tiền không phải vì một niềm vui từ thiện, mà bởi có cái khoái trá của kẻ được tiêu: hắn ta không hề từ chối mình một thứ vui nào, hoặc ngồi ghế “lô” xem hát, hoặc chơi ngựa, hoặc ăn tiệc, cả đến cái thú cho Lazarus () năm đồng tiền. Người quen tằn tiện là người bụng dạ vốn tốt, khôn ngoan, không thèm nợ ai xu nào, cũng không chịu cho ăn mày tiền, mặc cả từng xu với xà ích, thấy bà con nghèo gặp cơn hoạn nạn thì đánh bài lờ. Không biết trong hai loại người này, ai ích kỷ hơn ai? Chẳng qua đối với mỗi người, đồng tiền có một giá trị khác nhau.

Tóm lại, Pitt Crawley nghĩ rằng mình cần giúp đỡ em đôi chút, nhưng thấy rồi lo đến việc ấy trong một dịp khác cũng không muộn.

Becky không phải là người đàn bà quen chờ đợi quá nhiều ở sự rộng lượng của người khác, cho nên được Pitt đãi ngần ấy cô ta cũng tạm bằng lòng, chồng cô cũng cho thế là phải. Nếu bây giờ Pitt chưa cho gì, thì rồi sẽ có ngày phải cho. Tuy không được ông anh chồng cho tiền, nhưng Rebecca cũng được một thứ giá trị không kém gì tiền... tức là sự tín nhiệm. Bác Raggles được chứng kiến cảnh anh em nhà Rawdon thoả thuận với nhau cũng lấy làm yên tâm; ấy là chưa kể bác vừa được trả một ít tiền, lại được Becky hứa sẽ trả một món tiền lớn hơn nhiều. Đến ngày lễ Giáng sinh, Rebecca trả bà Briggs món lãi của số tiền vay nợ cũ, dáng điệu vui vẻ thoải mái như không, tưởng chừng cô ta có cả một kho vàng trong nhà. Rebecca còn nói riêng với bà Briggs rằng mình đã hỏi ý kiến tôn ông Pitt là một nhà tài chính đại danh, thấy có thể đem số tiền vốn còn lại của bà Briggs đặt lãi một cách rất chắc chắn. Theo lời cô ta thì vì có cảm tình với người bạn trung thành của bà Crawley đã quá cố, cho nên trước khi rời khỏi thành phố, tôn ông Pitt khuyên bà Briggs nên chuẩn bị tiền nong sẵn sàng, đợi có dịp tốt là bỏ ra mua ngay một ít cổ phiếu theo sự tính toán của tôn ông. Thấy được tôn ông Pitt hạ cố thương đến mình, bà Briggs cảm động quá, thật là một sự may mắn không ngờ, vì bà không hề có ý định rút tiền ra khỏi quỹ tiết kiệm của nhà nước - bà càng cảm động hơn vì thái độ kín đáo tế nhị của tôn ông Pitt. Bà hứa sẽ tìm luật sư của mình để yêu cầu rút món tiền chờ dịp làm ăn thuận tiện.

Để tỏ lòng biết ơn hai vợ chồng ân nhân của mình, bà Briggs đi ngay ra phố bỏ hẳn sáu tháng lợi tức của mình ra mua một tấm áo choàng bằng nhung đen cho thằng Rawdy. Thằng bé hồi này đã quá tuổi mặc áo choàng bằng nhung đen, giá mua cho nó một cái áo chẽn và một cái quần dài thì hợp với nó hơn.

Rawdy là một đứa trẻ xinh xắn, mặt mũi tươi tỉnh, có đôi mắt xanh và bộ tóc vàng óng; thằng bé tay chân mập mạp nhưng có một tâm hồn dịu dàng đa cảm, nó gắn bó với bất cứ thứ gì nó thích...với con ngựa non... với bá tước Southdown đã mua ngựa cho nó (mỗi lần gặp nhà quý tộc trẻ tuổi này, mặt nó đỏ ửng và tươi hẳn lên)...với thằng hầu trông nom con ngựa... với chị bếp Molly đêm đêm vẫn kể chuyện ma cho nó nghe và hay để phần cho nó nhiều thức ăn ngon... với bà Briggs vẫn nuông chiều nó và bị nó vòi vĩnh suốt ngày... đặc biệt với bố nó, vì cũng lạ thay bố nó quý nó lạ lùng. Bây giờ thằng bé đã gần lên tám, tình cảm nó không còn như xưa nữa. Cái ảo ảnh đẹp đẽ của tình mẫu tử đã phai mờ trong trí nó lâu rồi. Có đến gần hai năm, mẹ nó hầu như không nói với nó câu nào.

Rebecca không ưa thằng bé. Nó bị bệnh sởi và mắc bệnh ho gà, mẹ nó lấy làm phiền lắm. Một hôm nghe tiếng mẹ nó hát ở dưới nhà cho hầu tước Steyne nghe, nó thích quá mò từ trên gác xuống đứng ở đầu cầu thang; cu cậu đang khoái trá thưởng thức âm nhạc, bỗng nhiên cửa phòng khách hé mở, lộ ra cu cậu đang rình nghe trộm.

Mẹ nó bèn bước ra bạt tai cho nó hai cái nên thân. Nó nghe thấy từ phòng trong vẳng ra tiếng cười của hầu tước Steyne (lão thấy Becky tỏ thái độ tức giận một cách tự nhiên trước mặt khách như vậy lấy làm thú vị lắm); thằng bé vội lủi xuống bếp với các bạn, lấy làm tủi thân quá.

Thằng Rawdy nức nở nói: “Không phải vì em bị tát đau đâu.. tại…tại vì…Rồi nó khóc oà lên, không nói được hết câu. Trái tim thằng bé đang vỡ ra từng mảnh. “Tại sao em lại không được nghe má hát? Sao không bao giờ má hát cho em nghe? Sao má chỉ thích hát cho cái ông đầu hói răng to tướng kia nghe thôi?” Thằng bé vừa đau khổ vừa giận dữ thốt ra những lời than thở đứt đoạn như thế. Chị bếp nhìn chị hầu gái, chị hầu gái láu lỉnh nháy anh nhỏ...thế là cái toà án nhà bếp ghê gớm thiết lập trong mỗi gia đình, mà việc gì cũng biết đến kẽ tóc chân tơ, đã xử xong vụ án Rebecca.

Sau sự kiện trên, thái độ của người mẹ đối với đứa con trai biến thành sự thù ghét. Nom thấy mặt thằng bé trong nhà, Rebecca thấy như mình bị dằn vặt, không sao chịu nổi. Trong lòng thằng bé cũng nảy sinh sự sợ hãi, nỗi hoài nghi và ý muốn cưỡng lại. Hai mẹ con xa nhau hẳn kể từ ngày nó bị hai cái bạt tai.

Hầu tước Steyne cũng không ưa gì thằng Rawdy. Nếu vô tình gặp nó, lão cúi chào một cách giễu cợt kèm theo vài câu châm chọc, hoặc giương đôi mắt dữ tợn ra mà ngó trừng trừng vào mặt nó.

Thằng Rawdy cũng giương mắt nhìn trả và nắm chặt hai bàn tay lại. Nó coi lão là kẻ thù, mà trong số khách khứa đi lại với gia đình thì lão quý tộc này lại căm ghét nó nhất. Một bữa thằng nhỏ bắt gặp nó nắm tay đấm bẹp cái mũ của hầu tước Steyne để ngoài phòng khách. Thằng nhỏ coi là câu chuyện thú vị kể lại cho bác xà ích của lão hầu tước nghe. Bác này kháo ngay với anh hầu phòng của hầu tước Steyne, cứ thế câu chuyện lan rộng trong đám đầy tớ. Thế là ít ngày sau, khi bà Rawdon Crawley đến toà nhà phố Gaunt để dự tiệc, thì từ anh gác cổng cho tới khắp mặt gia nhân và cả những người hầu mặc áo gi lê trắng đứng túc trực trên cầu thang để truyền nhau báo tin trung tá và bà Rawdon Crawley đã đến, đều hiểu rõ, hoặc tự cho là hiểu rõ Rebecca là người thế nào. Anh hầu bưng khay nước mời Rebecca, rồi kính cẩn đứng hầu sau lưng, thì thầm nói chuyện về bà khách với bác quản lý cao lớn, bận cái quần sặc sỡ đứng cạnh. Trời đất ơi!()Cái thói thóc mách của bọn đầy tớ mới đáng sợ thay! Bạn thấy một bà đến dự buổi tiếp tân lớn trong một phòng khách lộng lẫy, xung quanh xúm xít toàn những người mong được lọt vào mắt xanh; bà ban phát đây đó những cái nhìn long lanh gợi tình; áo bà may tuyệt khéo, tóc bà uốn quăn, môi bà tô đỏ thắm, bà mỉm cười và bà sung sướng... Nhưng kìa! Sự khám phá đang lù lù đi đến một cách lễ phép trong con người đội tóc giả rắc phấn, có đôi bắp chân to, bưng một khay nước... Có thói xấu (cũng tai hại ngang với sự thực) đang đi kèm sau lưng, trong con người to béo mang khay bánh bích quy. Thưa bà, đêm nay bọn này sẽ đem chuyện bí mật của bà ra kháo với nhau trong quán rượu. Vừa hút thuốc, uống rượu, thằng Jeames sẽ cho thằng Chawles rõ nó nghĩ thế nào về bà. Trong Hội chợ phù hoa, khối người yên trí đầy tớ của mình câm cả... vừa câm vừa không biết viết. Nhưng nếu ngài có tật, hãy giật mình đi. Thằng hầu đang đứng sau lưng ngài có thể là một tên đao phủ có sẵn trong túi một sợi dây thừng để thắt cổ ngài đấy. Còn nếu ngài vô tội, xin hãy cẩn thận giữ gìn ý tứ. Có khi vô tình mà nét mặt, cử chỉ của ngài cũng nguy hiểm đến mức khiến cho ngài như kẻ phạm tội...

Vậy thì Rebecca có tội hay không?”. Toà án () nhà bếp đã tuyên án xong rồi.

Cũng lại phải công nhận rằng dù bọn gia nhân chưa tin hẳn Rebecca có tội, họ cũng không còn kính nể cô ta nữa. Bởi vì bác Raggles vẫn thấy chiếc xe ngựa của hầu tước Steyne chong đèn đỗ ngoài cửa nhà Rebecca đến quá nửa đêm mới đi; bác buông thêm một câu: “Thế mà còn khéo làm bộ.”

Nội một chuyện ấy đủ kết án Rebecca còn hơn cả những cử chỉ nũng nịu khéo léo của cô ta nữa.

Thế là Rebecca cứ như một con rắn vặn mình trườn lên - có vẻ ngây thơ vô tội - để vươn tới cái gọi là “một địa vị trong xã hội”; trong khi ấy, bọn đầy tớ đinh ninh bà chủ là người hư đốn đứt đuôi rồi, cho nên một bữa chị bếp Molly đứng nhìn con nhện kỳ khu dệt mãi tấm mạng ở xó cửa, sốt ruột chị bèn quơ cho một nhát chổi, thế là đi đứt cả tơ lẫn nhện.

Trước ngày lễ Giáng sinh độ một vài hôm, hai vợ chồng Becky và con trai sắp sẵn hành lý để về chơi trại Crawley của cha ông; Becky không muốn đem con theo, nhưng công nương Jane nhất định đòi đón thằng bé về chơi; vả lại thấy vợ thờ ơ với con trai quá Rawdon bắt đầu tỏ vẻ không bằng lòng. Ông bố ra giọng trách móc bảo vợ: “Nó là đứa bé kháu nhất nước Anh đấy nhá, thế mà mình chẳng quan tâm đến nó bằng con chó lai của mình. Nó sẽ không làm phiền gì mình đâu; về nhà, cho nó ở trong phòng của trẻ con, mình khỏi phải bận; đi đường nó ngồi ngoài với tôi cũng được”.

Bà Rawdon đáp:

- Ông ngồi ngoài còn hút mấy điếu xì gà phải gió ấy chứ gì.

Anh chồng nói:

- Thế mà ngày xưa có hồi mình cũng thích xì-gà ra phết đấy.

Becky cười, cô ta vẫn vui tính xưa nay. Cô bảo chồng:

- Khỉ ạ, hồi ấy em còn đang “xin việc”. Thôi cũng được, cho thằng Rawdy ngồi ngoài với anh muốn cho nó hút cả xì gà nữa tuỳ thích.

Rawdon không giúp con chống lại khí lạnh trong khi đi đường bằng cách ấy; anh ta và bà Briggs quấn cho thằng bé đủ các thứ khăn quàng và chăn, rồi cẩn thận nhắc nó đặt lên nóc xe; trời còn tối, trạm xe “Bạch mã” đèn vẫn sáng. Thằng bé được ngắm cảnh bình minh thích quá. Đây là lần đầu tiên nó được về thăm nơi bố nó vẫn gọi là “quê nhà”. Thằng bé thấy cuộc hành trình hết sức thú vị; chuyện gì xảy ra trên đường đi cũng khiến cho nó hào hứng. Nó hỏi gì bố nó cũng trả lời, cho nó biết cả ai là chủ ngôi nhà quét vôi trắng mé bên phải đường đi, ai là chủ vườn hoa này... Mẹ nó ngồi trong xe với chị hầu gái mang theo cả áo lông, chăn len, lọ nước hoa. Rebecca làm như lần này mới phải đi xe ngựa thuê là một; ai hay đâu khoảng mười năm về trước, cũng chính trong chiếc xe này, cô ta đã có lần bị đuổi ra ngồi ngoài trời để nhường chỗ cho một hành khách đi xe mất tiền.

Đến Mudbury trời vẫn còn tối, thằng Rawdy được bố đánh thức dậy để sang cái xe ngựa của ông bác. Thằng bé cứ trố mắt lên mà nhìn cái cánh cổng sắt mở rộng và những cột trụ quét vôi trắng xoá; trước toà nhà lớn trong trại, cửa sổ sáng trưng ánh đèn, nhân dịp lễ Thiên chúa giáng sinh. Cửa phòng lớn mở toang... lửa đốt sáng rực trong chiếc lò sưởi cổ kính to tướng... một tấm thảm trải trên nền gạch hoa vẽ ô vuông đen trắng: “Chính là tấm thảm Thổ Nhĩ Kỳ, ngày xưa đứng trong hành lang của các bà đây”, Rebecca nghĩ thầm; lát sau, cô ta đã ôm hôn công nương Jane.

Tôn ông Pitt và em dâu hôn nhau một cách rất long trọng.

Rawdon vừa hút thuốc xong, không dám đến gần chị dâu; hai đứa con nhà bác sán lại gần thằng em họ; con bé Matilda hôn thằng Rawdy rồi nắm lấy tay, nhưng thằng Pitt Binkie Southdown, cậu trưởng tộc tương lai, vẫn đứng tách ra mà tò mò ngắm thằng em họ, y như một con chó con đứng nhìn một con chó lớn hơn.

Đoạn bà chủ nhà lịch sự dẫn khách vào trong căn phòng ấm cúng, lửa reo lách tách trong lò sưởi. Hai cô em gái Pitt đến gõ cửa phòng Rebecca, lấy cớ xem chị dâu có cần gì thì đỡ tay hộ. Thật ra họ cốt nhòm ngó những hộp mũ, hộp áo của Becky; tuy chỉ toàn áo mầu đen, nhưng Becky may theo kiểu mới nhất ở Luân đôn. Họ kể lại cho chị dâu về những sự đổi thay trong trại; Southdown phu nhân đã bỏ đi rồi; Pitt nay có uy tín lớn trong quận, rất xứng đáng với dòng họ Crawley. Tiếng chuông báo giờ ăn trưa đã điểm; cả gia đình quây quần lại dùng cơm. Thằng Rawdy được ngồi bên bác gái nó, tức là bà chủ gia đình. Becky ngồi cạnh Pitt, bên phải; cô ta được ông anh chồng săn sóc chu đáo lắm.

Thằng Rawdy ăn rất ngon miệng, cử chỉ tỏ ra rất đứng đắn. “Cháu thích ăn cơm ở đây quá.” Ăn xong, nó bảo bác gái nó thế. Pitt đọc một đoạn kinh lấy lệ; sau đó người nhà dẫn cậu con trưởng vào ngồi trên chiếc ghế cao ngất ngưởng cạnh bố, cô con gái ngồi cạnh mẹ cũng được một cốc rượu vang con. Thằng Rawdy ngước lên nhìn bộ mặt hiền từ của bác gái, bảo:

- Cháu thích ăn cơm ở đây quá, bác ạ!

Công nương Jane hỏi lại:

- Tại sao, cháu?

- Tại vì ở nhà cháu phải ăn dưới bếp hoặc ăn với bà Briggs.

Becky ngồi tít tận đầu bàn đằng kia, không nghe thấy câu nói của con, vì cô ta đang bận tuôn ra hàng tràng những câu chúc tụng say sưa, và đang bận khen thằng Pitt Binkie mà cô ta cho là một đứa bé kháu khỉnh, thông minh, trông ra phết con nhà nòi, chẳng khác gì bố.

Vì là khách, lại cũng mới là buổi đầu tiên, nên thằng Rawdy được phép ngồi lại bàn ăn tới khi uống trà xong; người nhà đem một cuốn sách đồ sộ bìa mạ vàng đặt trước mặt Pitt; toàn thể gia nhân lũ lượt kéo vào nghe Pitt đọc kinh. Lần đầu tiên thằng bé đáng thương được chứng kiến một nghi lễ như vậy.

Tôn ông Pitt lên cầm quyền chưa được bao lâu mà trong nhà đã cải cách thay đổi quá nhiều; Becky được ông anh chồng đưa đi thăm mọi chỗ. Cô tuyên bố rằng nhà cửa hoàn toàn ngăn nắp, rất đẹp. Thằng Rawdy được hai đứa con nhà bác đưa đi chơi trong trại; nó cho là một nơi thần tiên lắm. Ngôi nhà có nhiều hành lang dài tít tắp, nhiều buồng ngủ lộng lẫy, nhiều tranh vẽ, nhiều đồ sứ cổ, lại có cả những bộ áo giáp cũ. Bọn trẻ con rón rén đi ngang qua căn phòng ông nội chúng chết trước kia, mắt lấm la lấm lét. Thằng Rawdy hỏi: “Ông nội đâu?” Hai đứa kia kể lại rằng ông nội già lắm, hay ngồi trong ghế lăn có bánh xe, rồi chúng chỉ cho thằng em họ xem cái ghế ông nội chúng vẫn ngồi trước kia để đi sang nhà thờ; thấp thoáng sau hàng cây du trong vườn, mái nhà thờ vươn lên nhọn hoắt, lấp lánh.

Mấy buổi sáng liền hai anh em đi xem xét những sự đổi mới trong trại, do tài tổ chức và tính tiết kiệm của Pitt. Họ sóng đôi nhau đi ngựa hoặc đi bộ mà trò chuyện, có vẻ tương đắc lắm.

Pitt cố ý cho Rawdon biết rằng mình phải bỏ ra khá nhiều tiền mới sửa sang được như vậy; và một ông chủ có bất động sản nhiều khi túng đến nỗi trong túi không có được hai mươi đồng bảng. Pitt cầm chiếc gậy tre chỉ vào cái cổng, nói có vẻ khiêm tốn:

- Đây là phòng của người gác cổng mới được sửa lại. Tôi đang lo không biết làm cách nào trả được tiền công cho bác ta trước tháng giêng đây.

Rawdon hơi bực mình, đáp:

- Để tôi cho anh vay, anh Pitt ạ.

Hai anh em bước vào căn phòng, trên mặt tường đá mới chạm thêm hình huy hiệu của gia đình. Đã mấy chục năm nay, lần đầu tiên bà lão Lock mới được ở một ngôi nhà có cửa khép kín, mái không dột và có cửa sổ tử tế.