Trên đường trở về Nam Lý, Tống Dương sớm đã nghĩ thông suốt việc này rồi.
Hắn không phải thần tiên, tất nhiên không thể biết được bên trong cung Sài Thố Đáp Tháp đã xảy ra chuyện gì, nhưng đem vô số những việc lớn xảy ra ở trung thổ gần đây xâu chuỗi lại với nhau, hắn tìm được một điểm mấu chốt.
Tống Dương đáp lại Tả thừa tướng một câu:
- Thổ Phiên xâm lược Nam Lý.
Câu trả lời không đầu không đuôi, nhưng Hồ đại nhân nheo mắt lại, hiển nhiên Tống Dương đã nói trúng điểm quan trọng, Tả thừa tướng vừa cười lạnh, vừa nói tiếp lời của Tống Dương:
- Không sai, Thổ Phiên tấn công Nam Lý ta, Phiên tử làm sao dám…
Nói đến chữ "dám" sau cùng, ông tăng thêm giọng điệu, tăng thêm âm lượng, đồng thời lại một lần nữa mở trừng trừng cặp mắt lên, vẻ hung dữ xuất hiện trong ánh mắt của lão đầu tử không cười không nói.
Một điều không thể không nói là người Thổ Phiên chọn lựa thời cơ tiến công Nam Lý rất tốt, Hồi Hột ở phương Bắc đang đánh nhau với Khuyển Nhung, tạm thời không rỗi để quan tâm huynh đệ của mình, lúc này Nhật Xuất Đông Phương không thể làm được gì, chỉ có thể trơ mắt nhìn Phiên tử Thổ Phiên tác oai tác quái.
Nhưng Thổ Phiên không chỉ có một kẻ địch là Hồi Hột, trong mấy năm này, Đại Lạt Ma trước sau vẫn chưa dám thâu tóm Nam Lý, cố nhiên là do sự kiềm chế của Hồi Hột, nhưng nguyên nhân quan trọng hơn là do kiêng kị Đại Yến, sợ người Yến sẽ nhân lúc lão đối phó với Nam Lý để thừa nước đục thả câu. Bây giờ, vì sao Thổ Phiên lại dám đến tấn công Nam Lý? Hơn nữa, cái cớ mà Phiên tử bày ra tuyệt đối không phải chỉ đánh một trận là có thể thu binh về, thậm chí theo đại cục mà nói, đây là trận đánh hung mãnh nhất trong vòng mấy trăm năm nay ở trung thổ.
Thổ Phiên làm sao dám? Trừ khi Sài Thố Đáp Tháp có thể khẳng định trong lúc lão công kích Nam Lý, Đại Yến sẽ không chen ngang vào.
Đây chính là điểm mấu chốt mà Tống Dương nhìn ra: Thổ Phiên ở đâu ra niềm tin như vậy?
Nhìn thông suốt sự việc rồi thì toàn bộ sự việc cũng không còn khó đoán nữa.
Tống Dương nghĩ ra được thì Hồ đại nhân cũng có thể đoán được, lão đầu tử nặng nề thở dài:
- Thổ Phiên và Đại Yến bây giờ đã cùng một giuộc, lần này thật sự phiền toái rồi, sau này càng khó có ngày yên tĩnh…
Không đợi ông nói xong, Tống Dương liền cười:
- Không dập được lửa lớn mồng một, còn lo lắng gì đến việc vỡ đê mười lăm? Từng việc từng việc thôi, ngăn Phiên tử lại trước rồi tính tiếp.
Hồ đại nhân gật gật đầu:
- Chỉ trông mong Trấn Tây Vương có thể trấn giữ được giới tuyến phía tây, chỉ cần ông ta có thể giữ được một thời gian, cho dù không đợi được cứu binh của Hồi Hột cũng không sao.
Cách nói này thì Tống Dương chưa từng nghĩ đến, vội vàng nghiêm túc hẳn lên, quan tâm hỏi tiếp:
- Nói sao?
- Thổ Phiên vì sao phải vu khống Nam Lý ta là hung thủ? Đại Lạt Ma chết bất đắc kì tử, cho dù Sài Thố Đáp Tháp nhìn vào có vững chắc thế nào thì bên trong chắc chắn có những cơn sóng nhỏ, điều này tuyệt đối không sai. Bên trong quá nhiều mâu thuẫn, dân tâm cao nguyên không ổn, cho nên Sài Thố Đáp Tháp mới phải vội vàng đến đánh trận này, đem chuyện "báo thù" ngụy trang ném lên càng cao càng tốt…
Hồ đại nhân nói tới đây, Tống Dương liền hiểu ra, nói trắng ra chính là dùng một trận ngoại chiến để chuyển dời sự chú ý, chuyển dời mâu thuẫn. Lợi ích của việc làm thế này không nói cũng biết nhưng cũng không phải không có tác hại, đó chính là nếu Trấn Tây Vương có thể trấn giữ Khổ Thủy quan, khiến Phiên tử chiến sự bất lợi, thời gian càng kéo dài, áp lực trong nội bộ Thổ Phiên sẽ càng lớn, sớm muộn gì cũng tới lúc bùng nổ, đến lúc đó mâu thuẫn bên trong Thổ Phiên không chỉ không thể chuyển dời ra ngoài mà ngược lại sẽ phát tác càng thêm dữ dội hơn.
Cũng như Tống Dương đã nói, bây giờ nghĩ quá nhiều cũng không có lợi ích gì, đành trông mong lão Vương gia có thể trấn giữ được hùng quan.
Chính vì vậy, đề tài lại trở về chiến sự trước mắt, tây tuyến của Nam Lý có địa thế đặc thù, hai bên của hùng quan Khổ Thủy đều có nhiều dặm trường thành, khiến cửa ải của ngọn núi lớn được phong tỏa rất nghiêm ngặt, địa lý thiên nhiên cộng thêm nhân công tu bổ liền trở thành phòng tuyến ngăn cản Thổ Phiên, Nam Lý kiến quốc hơn trăm năm, không ngừng gia cố cho hùng quan, trong ba triều gần đây, Trấn Tây Vương phụ trách phòng ngự nơi tây tuyến, càng thêm coi trọng nó, xây dựng đến bây giờ Khổ Thủy quan đã xứng đáng với bốn chữ "phòng thủ kiên cố".
Lúc người Thổ Phiên bắt đầu khai chiến, Trấn Tây Vương liền chạy ngay đến Khổ Thủy quan, đến bây giờ đã kiên trì hơn hai tháng, mỗi ngày triều đình đều có thể nhận được báo cáo chiến sự đến từ Vương gia, thế tấn công của Thổ Phiên mãnh liệt, tiền tuyến đánh rất khó khăn, hùng quan tuy không sao nhưng chiến sĩ thương vong nghiêm trọng, các châu phủ, các đại doanh binh mã ở tây bộ Nam Lý đều đã phải động đến để liên tục tiếp viện cho tiền phương.
Không chỉ biên cương phía tây, không lâu trước đó triều đình đã điều động bảy vạn binh lính từ trung bộ Nam Lý và cả quân trong nha môn, do đại tướng Cốc Ứng Xuân thống lĩnh, khoảng hai mươi ngày trước đã khởi hành chạy đến tây tuyến để tiếp viện.
- Điều binh bảy vạn đã là kết quả của tất cả mọi người cùng cố gắng hết sức rồi, cũng không phải nói là chúng ta không có binh, mà là tình hình trước mắt, những người còn lại không thể động đến nữa, mà cũng không dám động đến nữa.
Tống Dương gật đầu, hoàn toàn có thể hiểu được ý của Hồ đại nhân, Đại Yến và Thổ Phiên bây giờ đã thành một nhà, nếu Thổ Phiên từ phía tây đánh mãi không vào được, nói không chừng Đại Yến sẽ từ phương bắc làm khó dễ. Chiết Kiều bắc quan, nhãn tuyến Hồng thành, bây giờ nhìn vào khá thái bình, nhưng Hồ Đại nhân cũng vậy, triều đình cũng thế, thậm chí đến bản thân Trấn Tây Vương cũng không dám coi nhẹ điều này, phía tây phải đánh, nhưng phòng ngự phía bắc cũng không thể có một chút lơi lỏng.
Có thể điều động thêm ra bảy vạn người đi tiếp viện tiền tuyến, đã là hi sinh một bộ phận lực lượng cảnh vệ của Hoàng thành rồi, đúng là đã làm đến cực hạn rồi.
Mà vận may của Cốc Ứng Xuân không quá tốt, bảy vạn viện quân mà ông thống lĩnh đang trên đường đi thì lại gặp mưa xuân to đặc thù ở Nam Lý, vừa qua Thanh Dương đã gặp phải mưa to chặn đường, bây giờ vẫn đang chôn chân tại chỗ, đừng nói Khổ Thủy quan, đến Hồng Khẩu cũng chưa thể đến được.
Cốc Ứng Xuân và Hồng Khẩu thành, Tống Dương đều biết, Cốc Ứng Xuân vốn là đại tướng dưới trướng của Trấn Tây Vương, có thể được xem là nhân vật quan trọng bên cạnh Vương gia, sau loạn Tĩnh vương, ông ta trở thành chủ tướng nha môn, quản lý kinh giao cảnh vệ, có trọng trách trên vai. Lần này lại phái ông ra đi hiệp trợ Trấn Tây Vương, cũng đủ thấy triều đình coi trọng tây tuyến như thế nào rồi.
Về phần Hồng Khẩu, là một tòa lá chắn quan trọng ở tây bộ Nam Lý, nằm sau Khổ Thủy quan, địa thế hiểm yếu, vị trí trọng yếu để trấn giữ, một khi tiền tuyến thất thủ, hi vọng ở phía tây liền phải đặt cả vào nơi này rồi, mà từ Hồng Khẩu hướng về phía đông, thẳng đến Phương Hoàng thành chính là đất liền Nam Lý, khi đó sẽ không còn gì để có thể trấn giữ nữa.
Tống Dương không biết đánh trận, đối với những việc này đều nghe xong rồi thôi, đừng nói là cũng không có chủ ý gì hay, cho dù có cách nghĩ gì, nhất định cũng không cao minh hơn sách lược mà cả đoàn tướng lĩnh đã nghiên cứu ra, hắn liền nói chuyện thêm một lúc với Hồ đại nhân rồi cáo từ ra về.
Mặc dù còn chưa thành thân, nhưng hắn bây giờ cũng có thể được xem là con rể của Hồng Ba phủ rồi, đi ngang kinh sư tất nhiên phải ở trong nhà của mình, huống chi tây tuyến khai chiến thì cũng như Hồng Ba phủ đang đánh trận, lúc này Tống Dương nhất định phải qua thăm viếng một chút.
Người quản lý việc nhà bây giờ của Hồng Ba phủ là nhị công tử, lúc trước cùng Tống Dương chỉ có vài lần gặp mặt ít ỏi, hoàn toàn không thể gọi là quen thân, nhưng lần này, dưới áp lực mà gặp lại, tự nhiên lại có thêm một chút thân thiết. Chợt nhìn vào, Hồng Ba phủ cũng không có quá nhiều khá biệt so với bình thường, nhưng ngũ giác của Tống Dương cực kì tinh nhuệ, đi cùng nhị công tử xuyên qua Vương phủ, rất dễ dàng đã có thể phát giác ra: hộ vệ không ổn.
Hồng Ba vệ lúc trước, cho dù không động, không lắc, không nói chuyện, Tống Dương cũng có thể ngửi thấy một phần thiết huyết uy nghiêm từ trên người họ, hộ vệ bây giờ vẫn là lưng thẳng, mang đao, nhưng khí thế từ trong phát ra quả thật hoàn toàn không giống… hoặc có thể nói là hoàn toàn không có. Không cần hỏi, Hồng Ba vệ chân chính đều đã theo Vương gia cùng trở về tiền tuyến rồi, bây giờ phụ trách cảnh vệ Vương phủ chỉ là các thị vệ bình thường, làm sao mà so sánh được với các binh lính dũng mãnh kia.
Sau khi bái kiến các bề trên trong Vương phủ, tùy tiện ăn vài món ăn, lại cùng nhị công tử nói chuyện một phen, sắc trời đã tối, Tống Dương liền ngủ lại.
Nhưng mới vừa nằm xuống không lâu, bên ngoài bỗng truyền đến một chuỗi những tiếng bước chân hỗn độn, Tống Dương trước giờ đều rất tỉnh ngủ, lập tức tỉnh dậy, đồng thời cũng nghe được rõ ràng, những tiếng bước chân đó đang tiến thẳng về phòng của mình, lúc này liền đứng dậy mở cửa phòng, dưới ánh trăng, Hồ đại nhân bước chân vội vàng, đang cùng nhị công tử chạy tới.
Mới chia tay không lâu, bây giờ lại tìm đến tận cửa, Tống Dương cho dù có ngu ngốc hơn cũng biết được, sợ là đã có chuyện gì xảy ra rồi.
Quả nhiên, vừa thấy Tống Dương, Hồ đại nhân mở miệng ra nói ngay:
- Tiền tuyến truyền báo, Khổ Thủy quan thất thủ.
Tống Dương kinh hãi:
- Sao lại như vậy?
Lúc tối, Hồ đại nhân mới nói, mỗi ngày Vương gia đều truyền về báo cáo chiến sự, phía trước đánh tuy khó khăn nhưng tạm thời vẫn còn có thể giữ được, khó có ai có thể nghĩ đến rằng mới qua có hai ba canh giờ, tin dữ liền từ trên trời giáng xuống!
Hồ đại nhân nặng nề lắc đầu:
- Thư do chim đưa tới dính máu, câu chữ không rõ ràng, tình hình cụ thể còn chưa biết, chỉ biết Thổ Phiên phá tan hùng quan nhà ta rồi.
Tống Dương lại hỏi:
- Vương gia đâu?
Lần này là nhị công tử lắc đầu, trầm giọng trả lời bốn chữ:
- Chưa có tin tức.
Dù không bằng Nhâm Sơ Dung, nhưng nhị công tử cũng là nhân vật lợi hại, nghe được tin dữ kinh thiên động địa thế này, hơn nữa phụ vương tung tích không rõ, sống chết chưa biết, hắn vẫn có thể giữ được bình tĩnh, thật đúng là khó có thể có được.
Khổ Thủy quan thất thủ, rốt cuộc là lui hay là bị bại hoặc là bị Phiên tử tàn sát hàng loạt? Trấn Tây Vương là đã thoát hay vẫn còn kẹt lại trong loạn quân, hoặc là kẻ thất thủ đã bị bắt hay thậm chí bị giết rồi? Tất cả sự tình đều không biết được.
Mà càng đáng lo lắng hơn là, "ngàn năm trước" thông tin lạc hậu, nếu bức thư kia là thật thì Khổ Thủy quan đâu phải đêm nay bị phá, từ mấy ngày trước Phiên tử sớm đã vượt quan rồi.
Hồ đại nhân nói rất nhanh:
- Không rỗi để nói nhiều với ngài, ta đã triệu tập quần thần lên triều bàn chuyện.
Tống Dương đáp:
- Vậy ta cũng đi đây, Bồ Đào ngài yên tâm.
Tiền tuyến bị phá, phụ vương mất tích, tâm trạng của người nhà không nghĩ cũng biết, hơn nữa nói không chừng không lâu sau, lửa chiến sẽ cháy đến Yến Tử Bình, Tống Dương sao còn có thể ở lại kinh thành.
Hồ đai nhân là trên đường lên triều mà ghé qua gặp Tống Dương, chuyện đánh trận vốn ông cũng không cần nói với Tống Dương, ít nhất là không cần đích thân đến nói, tùy tiện phái một người truyền lời là được, ông phải đích thân đến gặp mặt thế này chính là vì muốn đượcTống Dương xác nhận lại năm chữ sau đó: Bồ Đào ngài yên tâm.
Hồ đại nhân không tiếp tục trì hoãn, gật gật đầu với Tống Dương, quay người đi ngay; nhị công tử cũng phải lên triều, tranh thủ thời gian nói với hắn:
- Tìm kiếm phụ vương và chiến sự phía trước không cần mọi người lo lắng, nhưng hai muội muội…
Không đợi anh ta nói xong, Tống Dương đã gật gật đầu, nỗ lực nở ra một nụ cười:
- Hai nàng nhất định sẽ còn sống lâu hơn ta.
Nhâm nhị công tử cười một cái, đưa tay vỗ mạnh bả vai Tống Dương, quay người cùng Hồ đại nhân rời đi. Tống Dương cũng không trì hoãn thêm, nói lại với đám đồng bạn La Quan, lập tức rời kinh, ngày đêm chạy nhanh về phong ấp.
Đi đường vội vàng hoàn toàn không quan tâm gì khác, không tiết kiệm thể lực, không để ý đến ánh mắt kinh hãi của người qua đường, tất nhiên cũng không có tâm tư mà quan tâm đến vật vốn chuẩn bị làm "vật cát tường" nữa, mấy ngày sau, người có thể theo kịp Tống Dương thì chỉ có đại tông sư La Quan mà thôi.
Suốt dọc đường này cũng có thể xem là bình an vô sự, vừa mới đến biên giới của phong ấp đã thấy Tiểu Bộ, Sơ Dung và đám nhân vật quan trọng trong nhà đang từ xa chạy đến đón.
Một phen sinh ly tử biệt, chỉ tiếc là tâm trạng trùng phùng vốn chỉ cần nghĩ đến liền sẽ cảm thấy mừng phát điên, nay lại bị ức chế bởi tin dữ chết chóc từ tiền tuyến truyền đến, hai nàng đều đã tiều tụy đi nhiều, tỉ muội đều như nhau, lúc nhìn thấy Tống Dương trong lòng chỉ muốn khóc to một trận nhưng vẫn cố gắng nở cười.
Tống Dương bước nhanh lên trước, còn chưa kịp lên tiếng thì một con ngựa từ phong ấp chạy nhanh tới, Hầu phủ lại vừa mới nhận được truyền báo quân tình từ tiền phương, sự tình quan trọng nên không dám trì hoãn mà đưa tới trình báo ngay cho quận chúa.
Nhâm Sơ Dung nhận lấy tước thư, nhìn qua loa một cái, cúi đầu khe khẽ thở dài một hơi rồi đưa qua cho Tống Dương… Đúng là quân tình vô cùng quan trọng, với Nam Lý bây giờ mà nói, tin dữ mà tước thư truyền báo này, thậm chí còn quan trọng hơn cả việc Trấn Tây Vương mất tích, Khổ Thủy quan thất thủ, tin dữ này chính là: Hồng Khẩu thất thủ, bảy vạn binh lính tiếp viện tiền tuyến đều bại vong, chủ tướng Cốc Ứng Xuân chết trận.
Không trách Cốc Ứng Xuân được.
Lúc quân mã của ông bị nước lũ cản đường, khó có thể tiến lên nữa thì nhận được truyền báo từ tiền phương, được biết tiền phương Khổ Thủy quan bị binh lính Thổ Phiên công phá, lúc đó Cốc Ứng Xuân chỉ có hai lựa chọn: một là cứ như vậy mà rút đại quân về, trở về kinh sư hay tiến vào đóng giữ ở thành trì lân cận; hai là mạo hiểm tiến về phía tây, chạy nhanh đến hùng quan thứ hai là Hồng Khẩu trước khi người Thổ Phiên tiến đến, tạo thành phòng tuyến mới cho quốc gia để chống cự với Phiên binh. xem tại TruyenFull.vn
Có lẽ là trong lòng có suy nghĩ báo thù cho thầy của mình, Cốc Ứng Xuân không đợi mệnh lệnh từ kinh sư, ông đã chọn cách thứ hai, dùng biện pháp tiến nhanh, chỉ huy toàn quân vượt qua nước lũ, chạy gấp đến Hồng Khẩu. Khi Khổ Thủy quan không còn, Hồng Khẩu chính là bức tường chắn quan trọng nhất của biên cương phía tây, cách làm của Cốc Ứng Xuân không có gì để trách cả. Nếu ông thật sự rút quân trở về, đó mới chính là không làm tròn trách nhiệm với quốc gia.
Thế của Thổ Phiên từ tây hướng về đông, không thể lao thẳng tới Hồng Khẩu ngay, Cốc Ứng Xuân từ đông hướng về tây, chạy nhanh đến hùng quan.
Thứ mà hai bên đấu với nhau chính là tốc độ, nếu Phiên binh tiến công vào Hồng Khẩu trước Cốc Ứng Xuân thì Nam Lý nguy ngập; nếu ngược lại, bảy vạn hùng binh kịp đến tiếp viện cho hùng quan trước khi Thổ Phiên đến thì ít nhất có thể chống đỡ với kẻ thù một lúc, tạm thời ổn định đại cục.
So sánh tương quan thì lộ trình của người Thổ Phiên xa hơn, nhưng trên đường đi của Cốc Ứng Xuân có nước lũ ngăn trở, càng thêm gian nan khó đi, mà ngoài điều này ra, Cốc Ứng Xuân còn có hai điều không nghĩ tới: không nghĩ tới người Thổ Phiên lại tiến lên trước nhanh đến vậy, thành trì trên đường gần như đều không thể cản trở bọn chúng được một lát; không nghĩ tới tướng giữ Hồng Khẩu ngay trước đại chiến lại đột ngột nhiễm bệnh hiểm nghèo, ngã quỵ trong lúc tuần binh ở đầu thành rồi không thể đứng dậy được nữa.
Cuối cùng vẫn là người Thổ Phiên nhanh hơn một bước, khi Cốc Ứng Xuân thống lĩnh đại quân đến trước Hồng Khẩu thành, trên thành đã phấp phới cờ của Thổ Phiên.
Hồng Khẩu tuyệt đối không thể để mất được, nếu không, với thế đánh một mạch tiến tới của Thổ Phiên, hậu phương càng không có cách nào chống đỡ, không còn cách nào khác, Cốc Ứng Xuân truyền lệnh cường công xuống dưới, chỉ mong có thể đoạt trở lại trọng trấn.
Không phải là không có cơ hội, người Thổ Phiên cũng chỉ mới dựng nên trạm quân, mới vừa tiến công Hồng Khẩu không lâu, vẫn chưa vững vàng. Nếu quân đội trong tay Cốc Ứng Xuân vẫn là tình trạng lúc khởi hành, trận này ông thật sự có thể đánh thắng. Tiếc là đại quân vượt qua nước lũ đã tổn thất không ít, toàn lực hành quân, thể xác và tinh thần đều mệt mỏi… Một trận chiến vô cùng khốc liệt, thành trì mấy lần đổi chủ, đánh đến sau cùng, Phiên tử trong thành chỉ còn mấy ngàn tàn binh, mà bên Nam Lý, Cốc Ứng Xuân chết trận, quân đội thương vong nghiêm trọng, biết rõ chỉ cần tổ chức thêm một thế tấn công là có thể triệt để tiêu diệt đám Phiên cẩu, nhưng thật sự không còn lực để tính nữa rồi.
Khổ Thủy thất thủ, Hồng Khẩu mất rồi, Trấn Tây Vương tung tích không rõ, Cốc Ứng Xuân hi sinh vì nước, thống soái tây cương hỗn loạn, không còn phòng ngự, cửa lớn của Nam Lý rộng mở.
Vong quốc diệt chủng, tuyệt đối không phải là chuyện nói chơi.