*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Hà Nội có lẽ nhiều nhất là đường, ngoài đường vẫn chỉ có đường, những con đường kéo dài. Bảy năm trước khi tôi còn là cậu bé mười ba tuổi, mỗi chiều đã rong ruổi giao cơm hộp qua biết bao nhiêu con đường. Đông qua, xuân tới, mưa nắng đều đã trải qua, những con đường cứ chồng lên nhau theo năm tháng. Đi mãi rồi cũng thành quen chân chỉ thấy những con đường không còn dài nữa, mà dẫu nó có dài mãi tôi vẫn phải cắm mặt mà đi, cứ đi rồi sẽ tới nơi thôi. Tôi chưa bao giờ cảm thấy lo sợ khi phải đi một mình, ít nhất là đến khi có Bảo Nhi đi cùng trên mọi con đường như bây giờ.
Bảo Nhi đang hí húi chuẩn bị trong bếp, cô ấy nói vọng ra:
“Có người mua quà sinh nhật cho anh đó!”
“Hôm nay là sinh nhật của anh à?” Tôi ngạc nhiên hỏi.
Phải rồi, bảy năm nay tôi đã quên bẵng ngày sinh nhật của mình nếu không phải là ngoại tổ chức hay Bảo Nhi nhắc hàng năm thì tôi cũng chẳng buồn nhớ.
“Đến sinh nhật của anh rồi! Quà của anh đâu?” Tôi trêu cô ấy.
Bảy năm quen nhau, năm nào Bảo Nhi cũng mua quà sinh nhật cho tôi, những món quà của cô ấy tuy rất đơn giản nhưng lại là thứ tôi thích nhất. Lần đầu tiên là một đôi giày đá bóng, mà tôi không nỡ đeo nó hàng ngày, chỉ khi nào có giải của trường mới dám đeo, rút cuộc hai năm sau đôi giày vẫn mới nguyên còn tôi thì không đi vừa nữa. Lần thứ hai là sinh nhật năm tôi mười bốn tuổi, cô ấy tặng tôi một quả bóng, vì tôi rất mê bóng đá lần ấy tôi lại ốm nặng nên không tham dự được giải Trung học cơ sở của thành phố. Tôi lại không nỡ đem quả bóng ra đá, cuối cùng bóng đá biến thành bóng rổ để chơi đùa. Lần thứ ba là sinh nhật năm tôi mười lăm tuổi, cô ấy mua cho tôi một chiếc cặp da nam để đựng sách đi học mà đến bây giờ vào đại học tôi vẫn mang theo… Phải rồi bảy lần sinh nhật của cô ấy tôi đã tặng gì nhỉ?
“Bảo Nhi hồi trước anh thường tặng quà gì cho em nhỉ?” Tôi quay sang tò mò hỏi.
Bảo Nhi bịt miệng cười, càng khiến tôi thêm nghi ngờ về mình.
“Năm nào anh cũng hỏi em câu đó, nhưng mà rồi cuối cũng anh lại mua khăn thôi!”
À đúng rồi, bảy lần sinh nhật của Bảo Nhi đều là vào đầu mùa đông, lần nào tôi cũng sợ cô ấy lạnh nên hỏi trước rồi cuối cùng vẫn chọn khăn. Đợt trước sinh nhật mẹ tôi cũng tặng khăn, không lẽ năm nào sinh nhật mẹ tôi cũng tặng khăn giống như với Bảo Nhi sao? Tôi chột dạ quay sang hỏi Bảo Nhi:
“Hôm sinh nhật mẹ, lúc mẹ mở quà của anh em cứ tủm tỉm cười, có phải em đoán ra là anh tặng khăn cho mẹ không?”
Bảo Nhi cười khúc khích:
“Thì mẹ chả nói là mẹ biết trước anh Phong nhà ta tặng mẹ cái gì rồi sao?”
Tôi bắt chước con cún Bắc Kinh nhà hàng xóm tự vỗ đánh bộp vào mặt mình một cái, cương quyết tự kỉ luật về sự vô tâm này, lại quay sang Bảo Nhi hỏi:
“Sao không bao giờ em thắc mắc vậy?”
“Hồi còn bé em cũng thắc mắc, còn hỏi mẹ sao anh cứ tặng em khăn hoài thế! Mẹ bảo người đi ngoài trời lạnh nhiều thường lo người khác cũng bị lạnh như mình nên khi mua đồ thường nhớ đến khăn.” Bảo Nhi hơi suy tư: “Mẹ còn bảo mẹ cũng định mua khăn cho em nhưng biết thể nào anh cũng mua rồi nên thôi. Thực ra em cũng rất vui vì năm nào cũng có khăn mới để quàng đi học.”
Tôi á khẩu cười trừ. Hèn gì hôm qua thu đồ tôi thấy một đống khăn quàng cổ đủ chất liệu. Tôi ngốc và vô tâm đến vậy sao?
“Sinh nhật tới của em anh sẽ không mua khăn nữa!” Tôi hứa với cô ấy và tự hứa với bản thân mình.
Bảo Nhi chăm chú nhìn tôi, tôi tưởng cô ấy sắp cười khúc khích nữa nhưng cô ấy lại chỉ nhẹ nhàng bảo:
“Khăn cũng được, em cũng muốn có một bộ sưu tập khăn anh tặng. Anh nhắm mắt vào đi.”
Tôi chuẩn y nhắm chặt hai mắt quyết không ti hí cho đến khi được lệnh mở mắt. Trước mặt tôi là một chiếc bánh sinh nhật thật đặc biệt. Một chiếc bánh sinh nhật bằng hoa quả với Dưa Hấu làm nền.
Phía bên ngoài được cắt tỉa và trang trí vô cùng tỉ mỉ thành một chiếc thuyền trên bãi biển đầy sao, tên tôi được khắc rất đẹp trên mặt của con thuyền. Dưới ánh nến lung linh của căn phòng Bảo Nhi đong đưa mái tóc vàng óng ả, hát nhè nhẹ:
Happy birthday to you…
Tuổi hai mươi, tuổi đẹp nhất của thời trai trẻ, cũng là sinh nhật đặc biệt nhất của tôi, một sinh nhật đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa. Ý nghĩa hơn cả nó chứng minh Bảo Nhi của tôi thật sự đã trở thành một cô gái lớn, biết suy nghĩ lo toan.
Sau bài hát ngắn của Bảo Nhi tôi được quyền ước một điều ước, một điều ước mà tôi sau này vẫn chỉ mong manh hy vọng nó sẽ thành hiện thực.
Bảo Nhi chìa ra hai món quà dành cho tôi, một của Phương Thảo trong chiếc hộp hình vuông và một hộp của cô ấy hình chữ nhật.
“Mở của em trước đi!” Cô ấy nhắc.
Mà đương nhiên là tôi mong được xem món quà của Bảo Nhi trước. Một cây bút máy hiệu Picasso 608 rất đẹp trên thân bút còn được khắc thêm dòng chữ nhỏ nhắn: “Phong Nhi”. Tôi ngẩn tò te nhìn cây bút, quay lại thấy hai má cô ấy đã đỏ hồng.
“Em biết anh thích viết truyện, sau này mỗi lần viết anh nhớ dùng cây bút này nha!” Bảo Nhi thủ thỉ.
“Ừm!” Tôi tự hào trả lời rồi kẹp cây bút vào túi ngực đứng dậy cũng không thèm xem món quà còn lại là gì.
“Anh không xem người ta tặng gì sao?”
“Không, mai anh sẽ gửi trả lại cô ấy!”
“Có nhất thiết phải như vậy không anh? Dù sao người ta cũng đến mang đến tận đây rồi! Hơn nữa em cũng rất tò mò xem bên trong là cái gì.”
Tôi mỉm cười:
“Nếu tò mò em cứ bóc ra xem thử cũng được, dù sao bóc rồi vẫn trả được mà!”
“Vâng!” Bảo Nhi chỉ chờ có thế, cô ấy rón rén mở chiếc hộp còn lại.
Chiếc hộp vừa được mở ra mắt Bảo Nhi đã tròn xoe, bỗng nhiên lại pha chút buồn và ngỡ ngàng. Tôi không quan tâm tới bên trong là gì nhưng thứ đó lại khiến Bảo Nhi lại sinh ra một vẻ mặt buồn rầu ấy hẳn tôi không thể không lưu tâm.
Tôi quay lại khẽ cầm chiếc hộp lên xem. Một chiếc đồng hồ Rolex Submariner mặt đá Sapphire màu xanh biếc, lắc kê bằng vàng 18k óng ánh, thú thực là vẻ đẹp của nó cũng đã thu hút tôi. Kìm hãm bản thân tôi lặng im bỏ chiếc đồng hồ về chỗ cũ nghiêm túc nói:
“Mai anh sẽ gửi lại cô ấy!”
“Vâng!” Bảo Nhi mặc nhiên đồng ý.
Tôi không nhận quà của Phương Thảo không chỉ vì món quà quá đắt giá mà còn muốn cô ấy rõ ràng trong quan hệ giữa hai chúng tôi.
…
Ánh điện hắt xuống từ những tấm ốp trần nhựa màu trắng trong suốt phản chiếu trong mắt, tôi miên man suy nghĩ về việc tới đây sẽ nói với mẹ về chuyện của hai chúng tôi. Nghĩ một hồi cũng thông suốt tôi kéo chăn của mình đắp tới ngang ngực, quay sang vẫn thấy Bảo Nhi đang nhìn tôi chăm chú, tôi đưa ngón tay trêu đùa cái sống mũi xinh xắn của cô ấy.
“Chúc em ngủ ngon!” Tôi vòng tay tắt đèn lớn kéo chăn đến sát miệng nhắm mắt lại đi ngủ.
Soạt…
Bảo Nhi thu người sát lại gần luồn tay vào ngực tôi. Tôi khẽ cười chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.
Mặt trời xuyên qua hai ô cửa sổ song song khiến tôi tỉnh giấc. Hôm nay Bảo Nhi vẫn ngủ rất ngon, bình thường giờ này cô ấy đã dậy rồi, đêm qua cô ấy cũng không đạp chăn và xoay tròn như mọi ngày khiến tôi ngủ sâu hơn. Bàn tay nhỏ bé của Bảo Nhi vẫn đặt nguyên ở vị trí đêm qua cô ấy gỡ cúc áo tôi thò vào, chỉ có điều… dường như nó rất nóng. Tôi cựa nhẹ, quay sang nhìn thấy mồ hôi lấm tấm trên trán Bảo Nhi. Tôi giật mình đưa tay kiểm tra mới phát hiện trán cô ấy đang nóng ran. Lo lắng tôi vội gọi:
“Bảo Nhi! Bảo Nhi!...”
“Dạ!” Cô ấy khẽ tỉnh nhưng vẫn có vẻ miên man thưa.
Tôi vội vùng dậy, chạy ra lấy vòi nước xả ướt chiếc khăn mặt đắp lên trán Bảo Nhi để hạ nhiệt.
“Em thấy trong người thế nào?”
Bảo Nhi dường như cũng hiểu tôi đang rất lo lắng, nên cố gắng mở hai mắt đã đỏ hoe cười nhợt nhạt trả lời:
“Em không sao!” Rồi lại mơ màng thiếp đi.
Tôi vơ vội điện thoại gọi một chiếc tắc xi. Cũng chẳng chờ bên tổng đài gọi lại, tôi mở cửa tủ lấy chiếc măng tô rộng nhất của Bảo Nhi khoác lên người cô ấy, rồi bế thẳng xuống dưới đầu ngõ đón xe.
Xuống đến sân gặp chú chủ nhà mới chợt nhớ ra mình chưa khóa cửa phòng, tôi chỉ kịp nói vội:
“Chú khóa cửa giúp cháu với!”
“Con bé bị làm sao vậy?” Chú ấy lo lắng hỏi.
“Cháu cũng chưa biết!...” Tôi không trả lời hết câu liền bế Bảo Nhi thẳng ra ngoài chiếc tắc xi đã đỗ ngay trước cổng.
…
Trên cả đoạn đường từ nhà trọ xuống bệnh viện Thu Cúc, Bảo Nhi luôn nóng ran như hòn than càng khiến tôi lo lắng vô cùng. Chẳng nhớ ra phải làm thế nào tôi cứ ôm chặt lấy cô ấy.
Xe đến cổng bệnh viện các y tá và y sỹ đón lấy cô ấy lên xe đẩy, tôi bám theo xe chạy đến đầu phòng cấp cứu thì bị chặn lại. Chị y tá nhìn tôi cảm thông an ủi:
“Em ấy chỉ bị sốt cao thôi, cậu đừng lo lắng quá! Yên tâm ngồi đây đợi đi!” Nói dứt lời chị ấy đã đóng sập cánh cửa lại.
Đầu óc hoang mang tôi ngồi thụp xuống ghế, phải nửa tiếng đồng hồ trôi qua mới sực nhớ phải gọi điện cho mẹ Bảo Nhi.
Hàng ghế chờ màu xanh như chìm sâu bên nền những bức tường trắng toát, cứ năm giây tôi lại nhìn về phía cửa phòng cấp cứu, mỗi lần như thế sắc mặt lại trắng nhạt ra một chút. Cuối cũng thì cô Tâm Phương cũng xuất hiện, tôi thấy mình thật có lỗi với cô vì đã để Bảo Nhi sốt cao như vậy. Tôi còn nghĩ cô sẽ tức giận lắm nhưng trái với dự đoán của tôi, cô chỉ nhìn tôi chăm chú, ánh mắt lo lắng hệt như chị y tá ban nãy.
“Con bé thế nào rồi?” Cô hỏi tôi.
“Con cũng không biết…!” Tôi ấp úng trả lời.
“Thôi được rồi! Con bé không sao đâu! Cậu đã ăn uống gì chưa?” Cô vừa an ủi vừa hỏi han khiến tôi cũng có chút ấm lòng trở lại.
Cánh cửa phòng cấp cứu cuối cùng cũng đã mở ra. Cô Tâm Phương theo phản ứng tự nhiên vội hướng thẳng tới vị bác sĩ đi từ trong phòng ra vừa đi vừa hỏi:
“Bác sĩ, con gái tôi thế nào rồi?”
Ông bác sĩ khuôn mặt có vẻ đăm chiêu, ông nhìn tôi một thoáng rồi quay sang cô Tâm Phương:
“Cô là mẹ bệnh nhân? Cô theo tôi, tôi có chuyện muốn nói với cô!”
“Vâng!” Cô Tâm Phương trả lời quay sang nhìn tôi với ánh mắt đượm buồn, rồi theo vị bác sĩ đi về phía hành lang.
Thái độ của vị bác sĩ càng khiến tôi lo lắng, tôi hỏi với theo:
“Bác sĩ! Khi nào cháu có thể vào với cô ấy!”
Ông ấy quay lại nhìn tôi một giây trầm trầm giọng nói:
“Hiện giờ cô ấy đã qua cơn nguy kịch rồi nhưng đang nghỉ ngơi, khi nào y tá trực ra thông báo thì cậu có thể vào.”
“Cô ấy bị làm sao vậy bác sĩ?” Tôi gặng hỏi.
“Cháu ở lại đây với nó, tí nữa có gì cô sẽ nói lại cho cháu!”
Vị bác sĩ nhìn cô Tâm Phương rồi lặng lẽ quay đi trong sự lo lắng của tôi. Cái nhìn của ông ấy có gì đó khiến tôi không yên lòng, không lẽ có gì đó mà ông ấy giấu tôi chăng? Bảo Nhi cô ấy rốt cuộc bị làm sao? Chân bước loạn trên nền đá hoa trước hành lang phòng cấp cứu, hai tai vẫn căng hết cỡ để nghe ngóng âm thanh mở cửa. Hàng chữ đỏ trên cửa in đậm trong mắt, tôi tự an ủi mình bằng lời dặn của ông bác sĩ lúc nãy:
“Hiện cô ấy đã qua cơn nguy kịch rồi…”
Cạch…
Tiếng khóa xoay khiến tôi nhẹ chút lo âu, liền chạy thẳng đến trước mặt chị y tá hấp tấp hỏi:
“Chị ơi cô ấy thế nào rồi? Em đã vào thăm cô ấy được chưa?”
Chị y tá nhìn tôi trìu mến, mặc dù đang đeo khẩu trang chị vẫn đưa tay lên che miệng cười theo phản xạ.
“Xem cậu lo lắng thế này chắc cô ấy phải đặc biệt với cậu lắm! Cô ấy hiện đang ngủ chút nữa sẽ tỉnh lại. Cậu có thể vào nhưng phải nhẹ nhàng thôi đấy!”
“Vâng! Em chỉ cần đứng nhìn cô ấy thôi!” Tôi trả lời tự nhiên như suy nghĩ trong đầu.
Chị nghe nói vậy lại đưa tay lên che miệng cười bảo:
“Thôi được rồi cậu vào đi!”
Tôi theo chị vào phòng Bảo Nhi, cô ấy đang ngủ ngon trên giường, một chút nhợt nhạt trên má pha lẫn với ga trải và chiếc chăn bệnh viện màu trắng cũng không làm giảm đi vẻ đẹp và nét hồn nhiên trên khuôn mặt cô ấy. Tôi nhẹ bước đến bên giường, khẽ nắm bàn tay nhỏ nhắn của Bảo Nhi im lặng chờ đợi. Chị y tá cũng rời đi nhường lại không gian riêng cho chúng tôi.
Còn lại một mình tôi ngồi lại bên Bảo Nhi, nhìn cô ấy ngủ yên lành khiến bao nỗi muộn phiền và lo lắng trong lòng tôi bỗng nhiên tan biến hết. Cổ họng nôn nao đến khó chịu, tôi không kìm lòng được khẽ nói một mình:
“Xin lỗi em! Anh đã làm em vất vả rồi, anh đúng là không tốt chút nào. Em là hạnh phúc lớn nhất mà anh có được, là hạnh phúc mà anh không thể rời xa được. Sau này anh nhất định sẽ không để em phải vất vả nữa!”
Một giọt nước mắt tràn mi lăn xuống miệng mặn chát.
Mười ba năm trước, cái ngày đầu tiên đứng bơ vơ bên gốc hoàng lan giữa chốn thị thành này, Bảo Nhi đã không sợ ướt mà nhón chân che ô cho tôi. Ở trường đứa nào cũng xì xào chỉ trỏ về tôi, chúng thường lánh xa hoặc đắn đo khi chơi với tôi, ngay cả lúc đi thi đấu cùng trong đội bóng. Chỉ có Bảo Nhi là người sẵn sàng lao đến bên tôi nở nụ cười hồn nhiên thân thiết, mỗi ngày thường chia nhau đồ ăn sáng hoặc vui đùa trên đường về. Tôi đã từng là cậu bé hòa đồng bước vào trường cấp hai mới trong năm đầu lớp 7, nhưng chẳng mấy chốc cái không khí xung quanh lại biến tôi thành đứa trẻ lầm lì nếu không muốn nói là hỗn xược. Bằng chứng là tháng nào tôi cũng bị nhà trường gọi điện về nhà phản ánh vì đánh bạn. Lý do làm sao có lẽ chỉ mình Bảo Nhi được biết, nếu không phải vì bị chúng nó nói tôi là đứa trẻ bị bỏ rơi, thì cũng là nói Bảo Nhi là đứa không cha.
“Chúng mày thấy không! Một thằng con trai bị bỏ rơi chơi thân với một đứa con gái không cha, không phải là hợp quá rồi còn gì!”
Lý do của những trận đánh nhau thường bắt đầu tương tự như thế và mỗi lần ấy ông lại giáo huấn tôi bằng một trận đòn. Mà dù có bị đánh chết tôi cũng không chịu nói với ông là vì sao. Có lần ông ngoại còn bắt tôi nhịn cơm tối để sám hối. Mỗi lần như thế tôi lại trốn ra gốc hoàng lan ngồi khóc, tôi giận ông, hận bố và thèm vòng tay ấm áp của mẹ. Những lúc ấy chỉ có Bảo Nhi ngồi sát bên tôi không nói câu gì. Ánh mắt cô ấy trong sáng và đầy cảm thông.
Một lần khi tôi học lớp 9 cũng có một trận đòn tương tự, lần ấy chính Bảo Nhi đã lao vào đỡ một cán chổi cho tôi, còn không ngừng nức nở giải thích với ông ngoại. Từ bữa đó ông ngoại trầm lắng hẳn không to tiếng với tôi nữa. Vậy mà không đầy ba tháng sau thì ông đã mất.
Từ sau ngày ông ngoại mất tôi mới nhận ra tình yêu thương bao la của ông dành cho tôi. Tôi không còn đánh nhau với bạn nữa mà thường lầm lì né tránh và vùi mình vào những công việc làm thêm để quên đi. Ngoài bà ngoại thì chỉ còn Bảo Nhi hàng ngày vẫn đứng trên ban công học bài đợi đến lúc tôi về. Mỗi lần chạy xuống gặp tôi là lại níu lo hỏi đủ thứ chuyện khiến những cơn mệt mỏi cũng bỗng nhiên tan biến hết.
Ngày tháng trôi đi không chờ đợi ai, và rồi ngoại cũng bỏ tôi mà đi. Người duy nhất còn lại trong hồi ức tuổi thơ ấm áp của tôi là Bảo Nhi. Thú thực sáng nay khi ôm cô ấy đang nóng ran trong vòng tay mình tôi đã hoảng loạn đến cùng cực. Giờ này nhìn cô ấy đang ngủ yên lành trước mắt tôi mới dám tự cười mình.
Bàn tay nhỏ nhắn trong tay tôi hơi cựa quậy, tôi vội đưa tay còn lại nên nắm lấy, cười tươi tắn hỏi:
“Bảo Nhi! Em tỉnh rồi à?”
Bảo Nhi khẽ mở mắt, vẻ mặt còn xanh xao đã cười yếu ớt khi thấy tôi.
“Em đang ở đâu vậy?”
“Đây là bệnh viện, sáng nay em sốt cao không biết gì luôn ấy!”
“Chết rồi! Anh đừng nói với mẹ nha! Mẹ biết thể nào cũng mắng rồi bắt em về!” Bảo Nhi lo lắng nói với tôi.
“Em ngốc thật đấy! Mẹ biết rồi, mẹ không nói gì cả giờ đang ở chỗ bác sĩ lấy kết quả.” Tôi cố trấn an cô ấy.
Tôi giúp cô ấy ngồi dựa vào thành giường, Bảo Nhi thu chiếc gối vào lòng nghi ngở hỏi lại:
“Thật là mẹ không nói gì sao?”
“Thật mà! Em thấy trong người thế nào rồi?”
“Em không sao, chỉ thấy đầu hơi choáng váng một chút thôi anh đừng lo lắng quá!”
“Vậy thì nằm xuống nghỉ ngơi một chút đi!”
Tôi giục cô ấy nằm xuống nghỉ, vội lấy tay vén chăn và đỡ cổ cho cô ấy nằm xuống gối. Bảo Nhi có vẻ e thẹn nhưng hẳn là cô ấy rất vui vẻ.
Cạch…
Bên ngoài cửa có tiếng rơi vỡ của vật gì đó. Đoán là cô Tâm Phương đã về đến hoặc là chị y tá hồi nãy. Tôi định quay ra xem ai thì cánh cửa đã mở ra, người bước vào chính là cô Tâm Phương. Tôi khẽ lùi sang một bên nhường ghế cho cô.
“Con chào cô! Kết quả thế nào rồi cô?” Không chờ cô ngồi xuống ghế tôi sốt ruột hỏi.
Câu hỏi của tôi làm cô khựng lại một vài giây, hai bên khóe mắt có sắc đỏ, tôi quay sang nhìn Bảo Nhi hẳn là cô ấy cũng đoán ra điều khác lạ này.
“Mẹ khóc đấy à?” Bảo Nhi lo lắng hỏi.
“Ừ, một chút lúc trên đường đến! Không sao bác sĩ nói con chỉ bị sốt do thay đổi thời tiết thôi!”
Tôi thở phào, đứng gọn qua một bên chờ nghe cô mắng. nhưng hình như cô không những không mắng mà còn nhìn tôi rất dịu dàng khiến cho tôi càng yên tâm hơn, duy chỉ có một điều cô cứ nhìn Bảo Nhi rất lạ. Cả căn phòng bỗng trở nên yên tĩnh vô cùng.
“Anh à!” Bảo Nhi lên tiếng. “Em thèm ăn cháo trai ở dưới Thái Thịnh, chỗ mà tụi mình hay ghé ăn ấy! Anh đi mua cho em nhé!” Bảo Nhi làm vẻ thèm thuồng.
Phải rồi, từ sáng cô ấy chưa ăn gì hẳn là rất đói rồi. Tôi vội nói:
“Tất nhiên được rồi, để anh đi mua cho em!”
Tôi bước chân ra đến cửa cô Tâm Phương chợt nhắc:
"Cháu lấy xe cô mà đi!"
Tôi chợt nhớ ra là sáng nay vội nên đã bỏ xe máy ở nhà. Tôi quay lại nhận chìa khóa, chào vội cô rồi xuống lấy xe vội đi ngay.
***
Trong căn phòng chỉ còn lại mình Bảo Nhi và mẹ. Cô Tâm Phương ngồi hồi lâu rồi mới trách con gái một câu:
“Cháo trai gần đây thiếu gì mà con bắt nó xuống tận Thái Thịnh!”
“Mẹ nói cho con biết có chuyện gì đi!”
Câu hỏi của Bảo Nhi khiến cô bất ngờ rơi nước mắt, cố phủ nhận.
“Con bé này, mẹ lo cho mày thì khóc chứ làm gì có chuyện gì?”
“Mẹ! Bình thường mẹ không như vậy, mẹ có thể khóc ở nhà nhưng tuyệt nhiên không khóc trước người khác bao giờ! Hơn nữa từ nhỏ con hay ốm vặt, chuyện sốt cao cũng không phải quá nghiêm trọng đến mức mẹ lại khóc nhòe cả phấn trang điểm ngay ở bệnh viện.”
Bảo Nhi dừng lại nhìn thẳng vào mắt mẹ khiến bà không cầm lòng được òa khóc lên.
...
***
Cháo trai ăn nóng mới ngon, hễ hơi nguội thì sẽ rất khó ăn. Đi từ Thái Thịnh về Thu Cúc nhanh cũng phải mất hai mươi phút, kiểu gì thì cháo cũng nguội hết. Tôi ghé ngang chợ tìm mua một chiếc cặp lồng giữ nhiệt. Mua xong cháo tôi mừng rỡ dong xe chạy về.
Về đến bệnh viện Thu Cúc mặt trời cũng đã đứng bóng, không chờ thang máy tôi chạy thang bộ lên thẳng lên phòng. Cửa phòng vẫn hé bên trong có tiếng của cô Tâm Phương đang khóc…