Hoàng Hậu Margot

Chương 10




Chịu lễ, vào ngục Bastille hay là chết

Như chúng tôi đã nói, Marguerite đóng cửa lại và quay vào phòng nhưng vẫn còn hồi hộp. Nàng thấy Gillonne đang hoảng sợ nghiêng người trước cửa căn buồng nhỏ rồi chăm chú nhìn theo những vết máu đọng trên giường, trên đồ dùng và trên thảm.

- Ôi! Thưa lệnh bà, ông ta chết rồi ư? - Cô kêu lên.

- Im nào! Gillonne! - Marguerite nói với giọng nghiêm khắc.

Gillonne im bặt

Marguerite bèn lôi từ chiếc túi dùng đựng tiền bố thí ra một chiếc chìa khoá vàng, mở cửa căn buồng nhỏ và chỉ cho người thị nữ thấy chàng trai De Mole đã cố gắng nhổm dậy và lết tới gần cửa sổ. Khi nghe tiếng cửa mở, chàng vớ lấy một con dao găm nhỏ, loại dao mà các bà, các cô thời ấy vẫn thường đeo.

- Thưa ông, xin ông đừng sợ - Marguerite nói - Thề có linh hồn tôi, ông đang ở một nơi yên ổn.

De Mole quỳ xuống, thốt lên:

- Ôi! Thưa lệnh bà, đối với tôi, Người không phải là hoàng hậu mà là một nữ thần.

- Ông đừng cử động như vậy - Marguerite kêu lên - máu vẫn còn chảy đây này. Ôi! Nhìn kìa Gillonne, ông ta xanh quá phải không?... Xem nào, ông bị thương ở đâu?

- Thưa lệnh bà - De Mole vừa nói vừa cố gắng chỉ rõ những vết thương chính gây cho chàng đau đớn toàn thân - Hình như tôi bị một nhát kiếm vào vai và một nhát nữa vào ngực, còn các vết thương khác không đáng lưu tâm lắm.

- Xem xem nào! Gillonne, đem hộp cao của ta lại đây.

Gillonne tuân lời và quay trở lại, một tay cầm hộp cao, tay kia cầm bình đựng nước bằng bạc mạ vàng và băng bằng sợi Hoà Lan nhỏ mịn.

- Giúp ta đỡ ông ấy dậy, Gillonne! - Marguerite ra lệnh vì sau khi De Mole cố nhổm dậy thì chàng hoàn toàn kiệt sức và ngã xuống.

- Nhưng, thưa lệnh bà - De Mole nói - Tôi ái ngại quá, không lẽ tôi để cho...

- Nhưng thưa ông, tôi cho rằng ông cần phải để cho người ta chửa trị vết thương cho ông, nếu để cho ông chết thì đó sẽ là tội lỗi.

- Ôi! - De Mole thốt lên - Tôi thà chết còn hơn phải trông thấy lệnh bà, một hoàng hậu, phải vấy vào tay mình thứ máu nhơ bẩn của một kẻ như tôi. Ôi, không đời nào.

Và chàng cung kính lùi lại.

- Thưa ông quý tộc, chẳng phải ông đã tha hồ vấy máu lên giường và trong khắp buồng của lệnh bà đấy thôi - Gillonne vừa nói vừa mỉm cưởi.

Marguerite kéo vạt áo măng-tô che lấp chiếc áo choàng lót bằng hàng batit dây đầy những vệt đỏ hồng. Cử chỉ đầy vẻ e thẹn nữ tính ấy nhắc De Mole nhớ lại chàng đã từng được ôm trong tay và siết trên ngực bà hoàng hậu đẹp đến thế, yêu dấu đến thế. Nhớ tới đó, đôi má nhợt nhạt của chàng thoáng ửng lên một sắc hồng.

- Thưa lệnh bà - Chàng ấp úng nói - Người không thể giao cho tôi một nhà phẫu thuật nào hay sao?

- Một nhà phẫu thuật Giatô giáo phải không? - Marguerite hỏi với một vẻ khiến De Mole hiểu ngay và rùng mình.

- Vậy ra ông không biết - Hoàng hậu nói tiếp với giọng nói và nụ cười êm dịu chưa từng thấy - Rằng chúng tôi, những công chúa Pháp, chúng tôi được dạy cho biết các loại cây cỏ và cách chế biến các loại cao hay sao? Từ bao đời nay, bổn phận của chúng tôi, vừa là đàn bà, vừa là hoàng hậu hoặc nữ hoàng là làm giảm nhẹ nỗi đau đớn của kẻ khác. Vì thế nên chúng tôi cũng chẳng kém các nhà giải phẫu tài giỏi nhất thế giới, ít ra là theo lời những kẻ quen tán dương chúng tôi. Về mặt này, tiếng tăm của tôi chẳng nhẽ lại chưa đến tai ông hay sao? Nào Gillonne, vào việc thôi.

De Mole vẫn cố thử kháng cự lại. Chàng nhắc lại rằng chàng thà chịu chết còn hơn là để cho hoàng hậu phải làm cái công việc phiền toái này, cái việc mà người ta có thể bắt đầu với lòng thương xót nhưng kết thúc bằng sự ghê tởm. Cuộc chống chọi này chỉ càng làm chàng mau kiệt sức. Chàng lảo đảo, nhắm nghiền mắt lại, ngật đầu ra sau và ngất xỉu đi lần nữa.

Marguerite bèn cầm lấy con dao mà chàng để rơi, nhanh chóng cắt sợi dây buộc áo chẽn của chàng, còn Gillonne cầm một lưỡi dao khác tháo ống tay áo của chàng hay đúng hơn là cắt rời chúng ra.

Với một miếng vải băng tẩm nước mát, Gillonne thấm máu rỉ ra từ vai và ngực chàng trai. Còn Marguerite lấy một chiếc kim vàng nhẹ nhàng khéo léo dò các vết thương hệt như thầy Ambroise Paré làm trong trường hợp tương tự.

Vết thương ở vai sâu, còn vết ở ngực đã trượt qua xương sườn và chỉ xuyên qua làm bị thương ngoài da. Không một vết nào đâm vào sâu sát với phổi và tim.

- Vết thương gây đau đớn nhưng không nguy hiểm đến tính mạng, Acerrimum humen vulnus, non autem lethale - Nàng danh y xinh đẹp và thông thái lẩm bẩm - Gillonne, đưa cao dán đây và chuẩn bị vải để băng.

Theo lệnh của hoàng hậu ban ra, Gillonne đã kịp thời lau chùi và xức nước thơm lên ngực chàng trai, lên đôi cánh tay đẹp như được vẽ trong một bức tranh cổ đại, lên đôi vai duyên dáng đang ngửa về phía sau, lên chiếc cổ rợp những món tóc dày và trông như một bức tượng cẩm thạch Paros chứ không phải là một tấm thân tàn phế của một con người đang hấp hối.

- Tội nghiệp chàng trai - Gillonne vừa lẩm bẩm vừa nhìn kết quả công việc của mình lẫn người được hưởng nó.

- Ông ta đẹp nhỉ? - Marguerite nói với sự thẳng thắn của bậc vương giả.

- Thưa lệnh bà, vâng. Nhưng em thấy hình như ta nên nhấc ông ta dậy và để nằm trên giường mà ông ta đang tựa vào hơn là cứ để cho ông ta nằm dưới đất thế này.

- Em nói đúng đấy, Gillone - Marguerite trả lời.

Và cả hai người đàn bà cúi xuống hợp sức nâng De Mole lên và đặt chàng trên ghế xô pha có chỗ tựa được chạm trổ kê trước cửa sổ, rồi họ hé cửa cho chàng dễ thở.

Những cử động làm De Mole tỉnh lại. Chàng buông một tiếng thở dài và vừa mở mắt chàng đã cảm thấy sự dễ chịu khôn tả thường có ở người bị thương khi tỉnh lại. Chàng cảm thấy sự mát mẻ thay cho ngọn lửa nung nấu trong người, và mùi thơm của cao dán thay cho mùi máu tanh phát buồn nôn.

Chàng thì thầm một vài lời vô nghĩa. Marguerite trả lời bằng một nụ cười và đặt ngón tay lên môi. vừa lúc đó nhiều tiếng gõ cửa vang lên.

- Có người gõ ở lối đi bí mật - Marguerite nói.

- Ai vậy nhỉ, thưa lệnh bà? - Gillonne hoảng hốt hỏi.

- Để ta đi xem - Marguerite đáp - Em cứ ở đây và chớ có để ông ta ra đấy.

Marguerite quay trở vào, đóng cửa buồng lại và tới mở cánh cửa ở lối đi bí mật thông với khu phòng của Đức vua và Thái hậu.

- Phu nhân de Sauve - Marguerite vừa thốt lên vừa hấp tấp lùi lại, vẻ mặt nàng nếu không dể lộ sự kinh hãi thì ít ra cũng để lộ sự căm ghét, vì một người đàn bà không bao giờ tha thứ cho người đàn bà khác cái tội đã cướp đi của mình một người đàn ông, cho dù bà ta có không yêu chăng nữa.

- Thưa vâng, tâu lệnh bà! - Phu nhân de Sauve chắp tay lại.

- Bà mà cũng tới đây ư? - Marguerite mỗi lúc thêm ngạc nhiên, nàng tiếp tục nói nhưng với giọng mỗi lúc một thêm nghiêm khắc.

Charlotte quỳ xuống:

- Tâu lệnh bà, xin Người thứ tội. Tôi biết tội lỗi của tôi với Người tới mức nào rồi. Nhưng giá như lệnh bà biết được... Không phải hoàn toàn do lỗi của tôi, có lệnh riêng của Thái hậu...

- Xin bà hãy đứng dậy - Marguerite nói - Vì ta cũng không nghĩ bà tới đây với hy vọng nhằm thanh minh với ta nên bà cứ nói rõ với ta tại sao bà tới đây.

- Thưa lệnh bà - Charlotte vẫn quỳ dưới đất và ngước nhìn với vẻ thất thần - Tôi tới đây để hỏi lệnh bà xem ông ấy có tới đây không?

- Ai tới đây? Bà nói tới ai thế? Quả thực ta không hiểu!

- Đức vua!

- Đức vua? Bà theo đuổi ông ta tới tận nhà ta cơ à? Trong khi bà vẫn biết thừa rằng ông ta không hề tới đây!

- Ôi! Tâu lệnh bà - Nam tước phu nhân de Sauve tiếp tục nói, không để ý tới lời ám chỉ sâu cay của hoàng hậu - Ôi, cầu Chúa cho Người có ở đây!

- Tại sao vậy?

- Ôi lạy Chúa! Tâu lệnh bà, vì người ta đang cắt cổ những người Tân giáo mà đức vua Navarre là thủ lĩnh của những người ấy.

- Ôi! Marguerite thốt lên và kéo tay phu nhân de Sauve buộc bà ta phải đứng dậy - Ta quên mất! Vả chăng ta không nghĩ rằng một đấng quân vương cũng phải chịu những hiểm nguy như người khác.

- Còn hơn thế nữa, thưa lệnh bà, ngàn lần hơn thế - Charlotte kêu lên.

- Quả thực, phu nhân de Lorraine đã báo trước cho ta. Ta đã bảo ông ta đừng ra khỏi cung. Vậy ông ta đã ra khỏi Louvre ư?

- Không, Không, Người đang ở trong Louvre.

Không ai tìm thấy Người ở đâu cả. Và nếu như Người không có ở đây...

- Ông ta không có ở đây!

- Ôi! Phu nhân de Sauve thét lên đau đớn - Thế là hết, vì Thái hậu đã thề giết cho được Người!

- Thề giết cho được! Ôi, bà làm ta kinh sợ quá! Không thể thế được - Tâu lệnh bà - Phu nhân de Sauve nói với vẻ cương quyết mà chỉ có một mối tình mê đắm mới tạo ra được - Tôi nói với lệnh bà là người ta không biết đức vua Navarre ở đâu.

- Vậy Thái hậu ở đâu?

- Thái hậu đã cho tôi đi gọi ong de Guise và ông Tavannes ở phòng câu nguyện của Người rồi cho tôi lui. Khi đó, xin tệnh bà tha tội, tôi về phòng tôi và đợi như thường lệ.

- Chờ chồng ta phải không? - Marguerite hỏi.

- Thưa lệnh bà, Người không tới. Tôi đã tìm Người ở khắp nơi, tôi hỏi tất cả mọi người. Chỉ có một người lính trả lời tôi là hình như đã thấy Người đi giữa một toán lính gươm tuốt trần một lát trước khi cuộc tàn sát bắt đầu. Vậy mà cuộc tàn sát đã bắt đầu từ một tiếng đồng hồ nay rồi.

- Cám ơn phu nhân - Marguerite nói - Mặc dầu cái tình cảm khiến phu nhân hành động có lẽ là thêm một sự xúc phạm nữa đến ta, nhưng ta vẫn xin cám ơn bà.

- Ôi, nếu vậy xin lệnh bà tha thứ cho tôi, và tôi sẽ có được sức lực để trở về phòng nhờ lời tha tội của lệnh bà, vì tôi chẳng dám theo Người dù là đi từ xa.

Marguerite chìa tay cho bà ta.

- Ta sẽ tới gặp Thái hậu Catherine, bà cứ về đi. Đức vua Navarre thuộc quyền cứu giúp của ta, ta đã hứa liên minh với ông ấy và ta sẽ giữ lời hứa của mình.

- Nhưng nếu lệnh bà không vào tới tận chỗ Thái hậu Catherine được thì sao?

- Thế thì ta sẽ quay về phía ông anh Charles của ta. Ta cần phải nói chuyện với ông ấy.

- Vậy thì lệnh bà đi đi - Charlotte vừa nói vừa nhường đường cho Marguerite - Cầu Chúa đưa đường dẫn lối cho lệnh bà.

Marguerite vùn vụt đi qua hành lang. Nhưng tới đầu kia nàng ngoái đầu lại để yên tâm rằng bà de Sauve không ở nguyên chỗ cũ nữa. Phu nhân de Sauve đi theo nàng.

Khi hoàng hậu Navarre thấy bà ta đã đi lên cầu thang về phòng , nàng liền tiếp tục tới phòng Thái hậu.

Mọi cái đều khác lạ. Marguerite không còn thấy đám đông quần thần đon đả mà ngày thường vẫn mở lối cho nàng qua và cúi chào nàng một cách kính cẩn. Nàng chỉ gặp lũ vệ binh mang những ngọn kích đỏ lòm và áo quần vấy máu hay những nhà quý tộc với áo măng-tô rách tả tơi, mặt mày đen nhòm thuốc súng, mang theo mệnh lệnh hoặc tin tức khẩn cấp. Kẻ ra người vào, đi đi lại lại khiến cho các phòng sảnh và lối đi ồn ào, tấp nập như một tổ kiến lớn.

Marguerite vẫn đi tiếp và tới được tận phòng ngoài của Thái hậu. Nhưng có hai hàng lính canh giữ phòng này và chỉ cho những người có khẩu lệnh riêng mới được vào.

Marguerite đã hoài công vô ích để vượt qua hàng rào sống này. Cửa mở ra đóng lại nhiều lần và mỗi lần nàng lại nhìn thấy, qua khe cửa hé mở. Thái hậu Catherine trẻ ra vì những cử động linh hoạt như thể bà mới đang độ đôi mươi. Bà viết lách, nhận thư, bóc thư, ra mệnh lệnh, nói với người này một câu, với kẻ kia bà nở một nụ cười, và những kẻ nhận được nụ cười thân ái nhất là những kẻ mình mẩy bám bụi và máu nhiều nhất.

Giữa sự hỗn độn ồn ào như chợ vỡ trong cung Louvre, giữa những tiếng om sòm nhức óc, người ta nghe thấy ngày càng nhiều phát đạn nổ trong phố.

"Mình chẳng thể nào đến được chỗ mẹ mình - Marguerite tự nhủ sau khi đã cố thử vượt qua những người lính cầm kích - Thà đi tìm ông anh mình còn hơn là mất thì giờ ở đây".

Lúc ấy, ông de Guise đi qua, ông ta vừa báo cho Thái hậu biết cái chết của đô đốc và lại quay trở về với cái lò sát sinh.

- Ôi, Henri! - Marguerite thốt lên - Vua Navarre ở đâu?

Quận công ngạc nhiên nhìn nàng, cúi chào mà không trả lời và bỏ ra với những vệ binh của ông ta.

Marguerite chạy tới chỗ một viên chỉ huy sắp rời Louvre và đang cho lính nạp lại đạn súng trước khi ra đi.

- Đức vua Navarre, thưa ông, đức vua Navarre ở đâu? - Nàng hỏi.

- Thưa lệnh bà, tôi không biết - Kẻ kia trả lời - Tôi không hề thuộc đội vệ binh của đức ông.

- A, ông René thân mến - Marguerite nhận ra kẻ vẫn cấp mỹ phẩm cho Thái hậu - Đúng ông rồi... Ông từ chỗ mẹ ta ra... Ông có biết chồng ta ra sao rồi không?

- Thưa lệnh bà, Hoàng thượng Navarre không hề là bạn của tôi, lệnh bà phải nhớ tới điều đó. Thậm chí, người ta lại còn nói - René nói thêm với nét mặt nhăn nhở - Rằng ông ấy dám tố tôi là đã đồng loã với lệnh bà Catherine để đầu độc mẹ ông ta.

- Không đâu! - Marguerite kêu lên - Xin ông đừng tin vào điều đó ông René thân mến ạ.

- Ồ! Thưa lệnh bà, thì có can hệ gì đâu - kẻ bán mỹ phẩm nói - Bây giờ thì chẳng còn ai phải e ngại cả đức vua Navarre lẫn đồng bạn của ông ta.

Và y quay lưng lại Marguerite.

- Ôi ông de Tavannes , ông de Tavannes , xin ông cho tôi nói với ông một câu, chỉ một câu thôi - Marguerite gọi với.

Tavannes đang đi qua bèn đứng lại.

- Henri de Navarre đâu rồi? - Marguerite hỏi.

- Thề chứ! Tôi nghĩ là Người đi dạo phố với các ông d Alençon và Condé - Ông ta nói to.

Rồi hạ thấp giọng để cho mình Marguerite đủ nghe.

- Thưa lệnh bà xinh đẹp, nếu bà muốn gặp cái kẻ mà tôi sẵn lòng trao cả cuộc đời để được ở vào địa của ông ta thì xin bà hãy tới gõ cửa phòng vũ khí của đức vua.

- Ôi cảm ơn ông, ông Tavannes , tôi đến đấy ngay bây giờ - Marguerite chỉ nghe được có mỗi điều chỉ dẫn chủ yếu ấy trong tất cả những lời Tavannes nói với nàng và nàng vừa chạy vừa lẩm bẩm:

- Ôi! Mình đã hứa với ông ta, ông ta đã cư xử thật đẹp với mình lúc cái tay Henri vô ơn ấy núp trong buồng mình, mình không thể để ông ta chết được.

Và nàng đến gõ cửa khu phòng ở của nhà vua, nhưng ở đó đã có hai đại đội vệ binh canh giữ bên trong.

- Không ai được vào chỗ đức vua - Một viên sĩ quan vừa nói vừa hấp tấp tiến ra.

- Nhưng còn ta? - Marguerite hỏi.

- Mệnh lệnh là chung cho tất cả.

- Nhưng ta là hoàng hậu Navarre, ta là em nhà vua cơ mà!

- Thưa lệnh bà, tôi được lệnh không trừ trường hợp nào, xin lệnh bà hãy thứ lỗi cho.

Và viên sĩ quan khép cửa lại.

- Ôi! Ông ta nguy mất rồi - Marguerite hoảng sợ khi thấy tất cả những vẻ mặt lầm lì, nếu chúng không thể hiện sự trả thù thì cũng bộc lộ ra tính cương quyết không khoan nhượng - Đúng rồi ta hiểu ra tất cả... Người ta đã dùng ta làm cái mồi nhử... ta là cái bẫy để họ bắt và cắt cổ những người Tân giáo... Ôi! Dù có bị giết ta cũng phải vào cho được.

Và nàng chạy như người điên qua các hành lang và phòng sảnh. Đột nhiên khi đi qua một cánh cửa nhỏ, nàng nghe thấy một lời ca êm ái, gần như là thê lương vì nó rất đơn điệu. Đó là bài thánh ca Tân giáo do một giọng run rẩy hát trong phòng bên cạnh.

- Vú nuôi của đức vua anh ta, Madelon tốt bụng... bà ta ở đây! - Marguerite vừa thốt lên vừa vỗ tay vào trán vì chợt nảy ra một ý - Lạy Đức Chúa của những người Thiên Chúa giáo, xin hãy phù hộ con! - Với lòng đầy hy vọng, Marguerite nhẹ nhàng gõ cửa.

Sau khi nhận được lời thông báo của Marguerite, sau khi chuyện gẫu với René và sau khi ra khỏi cung Thái hậu, nơi mà con chó Phébé tội nghiệp như một vị phúc thần đã muốn ngăn ông lại, Henri de Navarre gặp một vài nhà quý tộc Giatô giáo mượn cớ nhằm tôn vinh ông đã đưa ông về tận phòng. Ở nhà ông có chừng hai chục người Tân giáo đã tụ tập để chờ ông. Một khi đã tụ tập lại rồi, họ không muốn rời ông ra nữa vì từ vài tiếng đồng hồ nay, mối linh cảm về cái đêm tàn khốc đã loan đi trong Louvre. Vì thế nên họ ở nguyên đây mà không ai có ý định quấy nhiễu họ. Cuối cùng, khi tiếng chuông đầu tiên của tháp chuông Saint-Germain l Auxerrois vang lên như tiếng chuông cầu hồn thì Tavannes bước vào và, trong sự im lặng chết người, thông báo với Henri là đức vua Charle IX muốn nói chuyện với ông.

Không có sự kháng cự nào xảy ra, thậm chí cũng không ai nghĩ đến điều đó nữa. Người ta nghe tiếng trần nhà, các hành lang, các phòng sảnh của Louvre kêu cót két dưới bước chân của gần hai nghìn binh lính được tập trung cả trong các sân lẫn trong các phòng ở. Sau khi tạm biệt các bạn của mình mà ông sẽ không bao giờ còn gặp lại nữa, Henri đi theo Tavannes . Ông được dẫn tới một phòng nhỏ sát với phòng của vua. Tavannes để mặc ông ở lại đó một mình, không vũ khí và lòng đầy những mối nghi ngờ.

Vua Navarre đếm từng phút một của hai giờ tăm tối. Ông lắng nghe với nỗi kinh hoàng ngày càng tăng tiếng chuông cấp báo và tiếng vang của những phát súng. Qua một cánh cửa kính nhỏ, ông thấy những kẻ trốn chạy và những kẻ giết người chạy qua trong ánh lửa cháy, trong ánh sáng của những ngọn đuốc. Ông không hiểu gì qua những tiếng reo hò giết chóc và những tiếng kêu la hoảng loạn. Sau hết là mặc dầu đã biết rõ Charles IX, Thái hậu và quận công de Guise, Henri không thể ngờ tới tấn bi kịch khủng khiếp lại xảy ra vào đúng lúc đó.

Henri không có được sự dũng cảm về thể chất. Tuy nhiên cái ông có còn hơn thế: đó là sức mạnh tinh thần. Nếu e ngại nỗi hiểm nguy, ông sẽ đương đầu với nó và mỉm cười, nhưng đó phải là mối nguy hiểm trong chiến trận, mối nguy hiểm giữa thanh thiên bạch nhật, mối nguy hiểm mà ai cũng thấy và được hoà âm gay gắt của các hồi kèn trompet và tiếng rung trầm trầm của các hồi trống đệm... Nhưng ở đây, ông không có vũ khí, một thân một mình, bị giam cầm trong một khung cảnh chỉ tạm đủ cho ông thấy được kẻ thù lẻn tới bên mình và mũi sắt muốn đâm mình. Vì thế nên hai giờ đồng hồ ấy có lẽ là hai giờ đau đớn nhất trong đời ông.

Giữa lúc sự hỗn độn lên tới cực độ và Henri bắt đầu hiểu được rằng xét về mọi mặt thì đây là một cuộc tàn sát có tổ chức, thì một viên đại uý tới gần ông và dẫn ông qua một hành lang tới phòng ở của nhà vua. Khi họ tới gần, cánh cửa mở và lập tức đóng lại sau lưng họ tựa như có phép mầu. Rồi viên đại uý dẫn Henri tới chỗ Charle IX, lúc đó đang ở trong phòng vũ khí.

Khi họ vào phòng, nhà vua đang ngồi trong một chiếc ghế bành lớn, tay đặt lên tay ghế và đầu cúi gục xuống ngực. Nghe tiếng những người mới tới, nhà vua ngẩng đầu lên và Henri thấy trán Charles IX có từng giọt mồ hôi lớn chảy ròng ròng.

- Chào Henriot - Nhà vua trẻ phũ phàng nói - La Chastre, lui ra, để mặc chúng ta!

Viên đại uý tuân lệnh.

Một khoảng yên lặng nặng nề trôi qua.

Charles IX đột ngột đứng dậy. Vừa lấy tay hất mái tóc vàng lên vừa chùi trán, nhà vua cất tiếng:

- Mẹ kiếp! Này Henriot, anh thấy bằng lòng được ở gần ta chứ?

- Tất nhiên là thế, thưa bệ hạ - Vua Navarre trả lời - Bao giờ ở gần thánh thượng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc.

- Anh bằng lòng ở đây hơn ở ngoài kia chứ gì! - Charle tiếp tục theo đuổi ý nghĩ của mình chứ không trả lời câu xưng tụng của Henri.

- Thưa bệ hạ, tôi không hiểu - Henri nói.

- Cứ nhìn xem rồi anh sẽ hiểu.

Charles IX nhanh nhẹn đi tới hay nói đúng hơn là nhảy tới cửa sổ và lôi ông em rể đang ngày càng hoảng về phía mình, nhà vua chỉ cho ông ta hình bóng khủng khiếp của những kẻ sát nhân đứng trên sàn một chiếc tàu đang cắt cổ hoặc dìm chết những nạn nhân mà người ta liên tục đem đến cho chúng.

- Nhưng, nhân danh Thượng đế - Henri tái mặt thốt lên - Đêm nay có việc gì xảy ra vậy?

- Thưa ông, đêm nay, người ta giũ sạch cho tôi khỏi cái lũ Tân giáo. Ông có nhìn thấy ở đằng kia, phía trên dốc Bourbon, có khói và lửa hay không? Đó là khói lửa của ngôi nhà đô đốc đang cháy đấy. Thế ông có thấy cái xác mà những người Giatô giáo đang lôi đi trên cái thảm rơm rách không, đó là xác con rể đô đốc, ông Téligny bạn ông đấy.

- Ôi! Thế là thế nào? - Vua xứ Navarre thốt lên. Ông vừa đưa tay tìm kiếm một cách vô ích chuôi thanh đoản kiếm của ông, vừa run lên vì hổ thẹn và tức giận, vì ông cảm thấy trong cùng một lúc vừa bị chế nhạo vừa bị đe doạ.

- Thế có nghĩa là - Charles IX đột ngột thốt lên, giọng đầy tức giận và mặt tái đi một cách khủng khiếp - Thế có nghĩa là ta không muốn có người Tân giáo nào ở quanh ta. Nghe ra chưa Henriot? Ta có phải là vua không? Ta có phải là bậc thần chủ hay không?

- Nhưng, thưa bệ hạ...

- Bệ hạ đây lúc này đang muốn giết và tàn sát tất cả những gì không phải là Giatô giáo. Đó là điều ta thích. Anh có là Giatô giáo hay không? - Charles IX kêu lên với cơn giận mỗi lúc một tăng như một ngọn triều đang dâng lên đến cực điểm.

- Thưa bệ hạ - Henri nói - Xin Người hãy nhớ lại lời Người:"Kẻ nào phục vụ ta tốt thì tôn giáo của y có sá kể gì!".

- Ha! Ha! Ha! - Charles cười phá lên với một điệu cười ghê rợn, - Mi bảo ta phải nhớ lại lời của ta ư, Henri! Verba volant (1) như cô em Margot của ta vẫn nói đấy. Thế mi thử nhìn xem tất cả những bọn kia - Nhà vua vừa nói vừa chỉ tay xuống thành phố - Cái bọn kia chẳng đã phục vụ ta tận tụy hay sao? Bọn chúng chẳng đã chiến đấu dũng cảm, cố vấn khôn ngoan, luôn luôn hết lòng hay sao? Chúng đều là những thần dân có ích! Nhưng chúng là người Tân giáo! Còn ta, ta lại chỉ muốn dùng người Giatô giáo mà thôi!

Henri nín lặng.

- Ê này, Henriot, anh hãy hiểu cho ta - Charles IX nói.

- Thưa bệ hạ, tôi đã hiểu.

- Thế nào?

- Thế thì, thưa bệ hạ, việc gì mà vua Navarre này lại đi làm cái điều mà những nhà quý tộc cũng như những người đáng thương kia đã không làm. Rốt cuộc họ đều bị giết cả vì họ đã từ chối lời bệ hạ đã từng đề nghị tôi và bây giờ tôi cũng vẫn từ chối.

Charles IX nắm lấy cánh tay ông hoàng trẻ tuổi, chằm chằm nhìn ông ta với cái nhìn từ chỗ lờ đờ không khí sắc chuyển thành những tia lấp lánh của mắt thú dữ.

- A! Mi tưởng là ta mất công dành lễ misa cho cái bọn kia hay sao?

- Thưa bệ hạ - Henri vừa nói vừa gỡ tay ra - Phải chăng là Người không muốn được chết trong tôn giáo của ông cha Người?

- Mẹ kiếp, có chứ! Thế còn mi?

- Thế thì, thưa bệ hạ, tôi cũng vậy - Henri trả lời.

Charles gầm lên vì tức giận, đưa bàn tay run rẩy ra quờ lấy khẩu hỏa mai đặt trên một chiếc bàn. Henri dán người vào thảm treo tường, mồ hôi xuất ra đầy trán vì lo âu khắc khoải, nhưng nhờ có sức mạnh chế ngự được bản thân mà ông vẫn còn vững được nên bề ngoài ông vẫn tỏ ra bình tĩnh và nhìn theo mỗi cử động của đấng quân vương đáng sợ đó với vẻ sững sờ khao khát của con chim bị rắn thôi miên.

Charles nạp đạn và giậm chân trong cơn điên giận mù quáng:

- Này, có chịu lễ misa không? - Ông ta vừa kêu lên vừa làm Henri loá mắt vì ánh phản chiếu của cái thứ vũ khí chết người đó.

Henri vẫn lặng thinh.

Charles văng ra một câu chửi thề khủng khiếp mà chưa ai dám nói, làm rung cả vòm trần của Louvre. Nét mặt nhà vua từ tái nhợt trở nên cắt không còn hạt máu.

- Chịu lễ, vào ngục Bastille hay là chết, chọn đi! - Nhà vua vừa hét vừa giương súng nhằm bắn Henri.

- Ôi! thưa bệ hạ - Henri thốt lên - Bệ hạ nỡ giết tôi, người anh em của hệ hạ ư?

Với đầu óc nhanh trí tuyệt hảo vốn là một trong những tính năng rất mạnh mẽ của thể chất ông, Henri vừa lẩn tránh được khỏi phải trả lời trực tiếp câu hỏi của Charles IX. Vì chắc chắn là câu trả lời phủ định khiến Henri lìa đầu tức khắc.

Hành động phản ứng thường bắt đầu ngay sau những cơn kịch phát cuối cùng của nỗi điên giận, Charles IX không nhắc lại câu hỏi mà ông vừa đặt ra cho ông hoàng Navarre. Và sau một lát ngần ngừ, trong khi vẫn gầm gừ trong họng, nhà vua quay về phía cửa sổ để mở và nhắm một người đang chạy trên kè sông đối diện.

- Dẫu sao thì ta cũng phải giết một ai mới được - Charles IX thốt lên, mặt tái xanh như xác chết và mắt đỏ ngầu máu.

Và ông ta bóp cò, bắn gục người đàn ông đang chạy.

Henri rên lên một tiếng.

Charles linh hoạt hẳn với một nhiệt tình đáng kinh sợ, ông liên tục nạp đạn và bắn bằng khẩu hoả mai của mình, miệng thốt lên những tiếng kêu vui mừng khi bắn trúng.

"Mình toi mạng mất - Nhà vua Navarre tự nhủ - Khi nào hắn không tìm thấy ai để giết nữa thì hắn sẽ giết mình".

- Thế nào? Xong chưa? - Đột nhiên một giọng nói vang lên phía sau hai ông hoàng.

Đó là Catherine de Médicis mới vào mà không ai hay biết vì tiếng đạn nổ làm át đi.

- Không! Ngàn lần sấm sét âm phủ! - Charles vừa thét lên vừa ném súng vào phòng - Không, đồ ương bướng... nó không muốn thế!

Catherine không trả lời. Bà từ từ quay mặt nhìn về phía góc phòng có Henri đang đứng bất động như một trong những hình nhân trên tấm thảm treo mà ông ta dựa vào. Rồi bà lại đưa mắt nhìn Charles như muốn hỏi:

"Thế thì tại sao nó còn sống?"

- Nó sống... nó sống... bởi vì nó là bà con với tôi - Charles hiểu thấu cái nhìn ấy và trả lời không chút ngập ngừng.

Catherine mỉm cười.

Henri nhìn thấy nụ cười ấy và nhận ra rằng ông ta phải chiến đấu trước hết là để chống Catherine.

- Thưa lệnh bà - Ông nói - Tôi thấy rõ là mọi việc do lệnh bà bày ra chứ anh Charles không dự phần gì vào đây. Chính lệnh bà đã nảy ra ý kéo tôi vào bẫy. Chính lệnh bà đã nghĩ ra cách biến con gái lệnh bà thành mồi nhử để hãm hại tất cả chúng tôi. Chính lệnh bà đã tách rời tôi ra khỏi vợ tôi để vợ tôi khỏi phải buồn phiền vì nhìn thấy tôi bị giết trước mặt cô ta...

- Đúng thế, nhưng điều đó sẽ không xảy ra! - Một giọng nói hồi hộp và đầy nhiệt tình vang lên. Henri nhận ra giọng ấy ngay lập tức. Giọng nói ấy khiến Charle giật mình vì ngạc nhiên và Catherine giật mình vì tức tối.

- Marguerite! - Henri thốt lên.

- Margot! - Charles nói.

- Con ta! - Catherine lẩm bẩm.

- Thưa ông - Marguerite nói với Henri! - Những lời sau cùng của ông lên án tôi. Ông nói vừa đúng lại vừa không đúng. Ông nói có lý vì quả thực tôi đúng là công cụ bị người ta sử dụng để hãm hại tất cả các ông. Ông nhầm bởi vì tôi đâu có biết là ông lâm nguy. Thưa ông, chính ngay như tôi đây, tôi còn sống được cũng là do tình cờ, có lẽ là do mẹ tôi quên. Nhưng ngay khi tôi biết được là ông gặp nguy hiểm, tôi đã nhớ ngay tới bổn phận đối với chồng. Thưa ông, nếu người ta đày ông, tôi sẽ theo ông tới nơi đày ải; nếu người ta bỏ tù ông, tôi sẽ tự mình vào tù; nếu người ta giết ông, tôi sẽ chết theo.

Và nàng chìa tay cho Henri. Ông nắm lấy tay nàng với một tình cảm nếu như không phải là tình yêu, thì ít ra cũng là lòng biết ơn.

- Này, Margot đáng thương - Charles IX nói - Tốt nhất là cô cứ bảo hắn cải theo Giatô giáo đi!

- Thưa bệ hạ - Marguerite trả lời với vẻ đường hoàng cao quý rất tự nhiên của nàng - Xin bệ hạ hãy nghe tôi, vì chính bản thân mình, xin bệ hạ đừng đòi hỏi một điều hèn nhát ở một ông hoàng trong gia đình Người.

Catherine ném một cái nhìn đầy ý nghĩa sang Charles. Marguerite, cũng như Charles IX đã hiểu ngay cái điệu bộ khủng khiếp đó của Catherine, thốt lên:

- Thưa bệ hạ, xin Người hãy nghĩ lại, chính Người đã khiến ông ta thành chồng của tôi.

Charles IX bị mắc giữa ánh mắt ra lệnh của Catherine và ánh mắt khẩn cầu của Marguerite như bị vướng vào giữa hai nguyên lý đối nghịch. Sau cùng, lòng nhân ái đã thắng:

- Thưa lệnh bà, quả thực là Margot có lý vì Henriot là em của tôi - Ông nghiêng người thì thầm vào tai của Catherine.

- Đúng thế - Catherine vừa nói vừa xích lại bên tai con trai. Đúng thế, nhưng nếu không phải là như thế thì sao?

Chú thích:

(1) Lời nói gió bay (tiếng Latinh trong nguyên bản) (N.D)