Hoàng Hậu Không Ngai

Chương 71






Khoảng chừng tháng trước, toàn bộ đàn bồ câu của Trắc phúc tấn Tứ A ca phủ bị mất sạch trong vòng một đêm, không ai biết được chúng đã bay đi đâu. Cách đây vài hôm, đàn bồ câu tự dưng bay về phủ, đầy đủ không thiếu một con, không biết được chúng từ đâu bay về. Đông Triều là người hiểu rõ nhất nhưng cũng tỏ vẻ niềm nở, vui sướng, cao hứng bế ẵm từng con một lên nựng nịu. Vết mực dưới bụng mỗi con chim đã biến mất trong thời kỳ thay lông nào đó rồi.



Sau đó, ngày nào kinh thành cũng thấy cả đàn bồ câu bay trên trời. Bên cạnh đó, tiếng mèo hoang đi lang thang cũng vang dội lại từng đợt. Một buổi sáng nọ, Trắc phúc tấn Tứ A ca phủ bị khiển trách nặng nề ở cung Đức phi vì buông ra lời bất nhã với Thập tứ A ca, về nhà, Phúc tấn ra lệnh cấm túc nàng trong vòng một tháng, không ai được xin xỏ. Đôi mèo thương chủ, hằng ngày ra ngoài mang quà về cho nàng. Là những lá thư từ chỗ Bát A ca phủ, Cửu A ca phủ, Thái tử phủ gửi ra ngoài và ngược lại.



-Án binh. Đã hoàn thành. Án binh. Đã hoàn thành.



Những lá thư ngắn gọn, khúc chiết, Đông Triều đọc lướt qua rất nhanh. Nàng đọc xong lá thư nào rồi thì sao ra đặt sang một bên, xếp lại thành một hàng dài để phân tích tình hình sau đó nàng cất tất cả bản sao vào hộp. Xem ra kế hoạch vẫn vậy, là dụ Dận Chân đến sào huyệt cuối cùng mới ra tay.



-Chưa đến lúc rồi. – Đông Triều trả lá thư lại cho con bồ câu, thả nó bay trở lại.



Mấy ngày nay đàn bồ câu của Đông Triều rất được việc. Khi Đông Triều thả ra, mỗi nhóm cứ bay đến gần phủ đệ được quy định sẵn, vây lấy con bồ câu đưa thư từ phủ đệ thả ra, mèo sẽ vồ lấy con đưa thư sao cho nó bị thương nhẹ nhất, tha về cho Đông Triều, để chủ lấy thư ra, đọc qua một lượt rồi bôi thuốc cho bồ câu, dán lông giả lên che vết thương, nàng trả thư lại cho bồ câu và thả nó bay đi. Cứ như vậy, Đông Triều biết được tình hình của hai bên mà không cần ra khỏi phòng hay đến tận chỗ Dận Chân.



Đông Triều cất hộp thư vào hộc bàn. Nàng trầm ngâm suy nghĩ. Từ lúc bắt đầu thả bồ câu, những gì nàng nhận được chỉ có án binh và hoàn thành, tiến triển một chút là đang tiến hành bước tiếp theo. Nhưng Đông Triều không lấy làm buồn rầu, thất vọng gì cả. Nàng còn nhẩm tính.



-Nếu mình đoán không nhầm thì chỉ khoảng ba bốn ngày nữa sẽ có động tĩnh.



Đông Triều nhẩm tính ở kinh thành thì tại nơi kinh lý xa xôi, Dận Chân cũng đang nhẩm tính.



-Nếu ta đoán không lầm thì chỉ khoảng ba bốn ngày nữa sẽ có động tĩnh.



-Dạ ? – Dận Tường ngạc nhiên.



Con đường kinh lý của Dận Chân suôn sẻ vượt mức dự kiến, các tiểu quan vừa thấy Dận Tường, Dận Chân lập tức giao nộp sổ sách thật, không có lấy nửa lời gian dối. Chuyện tiểu quan khúm núm nghe mắng, Dận Chân không ngạc nhiên nhưng không chống cự, không sửa sổ nửa nét chữ thì đáng ngờ lắm. Dận Chân bật cười :



-Nha đầu đó ở kinh thành đang giở trò gì đây.



Dận Tường cũng nghĩ vậy, một người ưa hoạt động như Đông Triều không quậy phá âm mưu của Dận Tự thì rất lạ. Nhưng Dận Tường không hiểu Dận Chân nhìn ra Đông Triều đang dùng chiêu thức gì. Chàng thử phán đoán, kiểm tra năng lực làm ở Hình bộ của mình :



-Ý Tứ ca là… nha đầu đó đang làm cho hai bên sốt ruột ?



-Đúng vậy.



Dận Chân, Dận Tường đoán ra được ngay thâm ý của Đông Triều ! Nàng đang tìm cách làm cho cả hai bên sốt ruột, mong muốn đẩy Dận Chân vào bẫy sớm hơn. Vì thế cho nên con đường cả hai đi kinh lý rất trơn tru, không có thích khách hay sự chống cự từ các tiểu tham quan.



-Thập tam, đệ nghĩ nha đầu đó đã dùng cách nào ?



Dận Tường trả lời ngay :



-Chân gia binh pháp, khi bị hai thế lực tấn công, không gì hay bằng làm chúng rối loạn, ta thừa cơ trốn thoát. Đệ nghĩ ở kinh thành xa xôi thế này, cách hay nhất là làm rối loạn việc liên lạc. Nha đầu ấy chắc đã làm loạn với đám bồ câu đưa thư.



Dận Tường nói không sai. Nơi kinh thành, Đông Triều cho bắt giữ bồ câu là để trì hoãn thời gian liên lạc giữa các bên, làm cho cả hai đều sinh nghi lẫn nhau. Vì sinh nghi lẫn nhau, hai bên muốn kết thúc Dận Chân thật nhanh theo kế hoạch.



-Ta không biết mình nên cảm ơn nha đầu đó vì đã giúp đoạn đường này vắng lặng hơn, hay là nên hận nàng vì nàng đang đẩy ta đến chỗ chết đây ? – Dận Chân nhìn vầng trăng trên đầu, mỉm cười. – Lý Minh Nguyệt.



Dận Tường rót cho mình một ly rượu, cho Dận Chân tách trà. Khách điếm cho sai nha hôm nay sạch sẽ lắm, không tận hưởng thì rất phí phạm. Dận Tường nâng cao hai ly, nói :




-Chuyện gì đến cũng sẽ đến thôi !



Dận Chân gật gù :



-Ừ. – Chàng tiếp nhận ly trà từ hiền đệ.



Dận Chân nhìn trên bầu trời ban đêm. Vẫn còn trong tiết đông, tuyết cứ lất phất bên ngoài cửa, mà sao vầng trăng vẫn sáng trong như vậy ? Một con bồ câu lướt gió, hướng về phía kinh thành.



-Tối nay chúng ta có nhiều việc đây, nha đầu ạ ! – Dận Chân chợt uống một hơi cạn tách trà, nói với Dận Tường rằng. – Thập tam, tới chỗ kinh lý, sau khi kiểm tra xong sổ sách, ta muốn đệ dùng ngựa một mình về chỗ Hoàng A mã, giao sổ sách cho ngài.



Dận Tường không bằng lòng, lý nào lại để ca ca lọt vào chảo dầu của bọn ngạ quỷ ? Nhưng nghĩ lại, gần đây Dận Chân tìm được lẽ sống cho riêng mình, chàng sẽ không bỏ mặc thân mình sớm như thế. Dận Tường dằn cơn nóng giận, khẽ khàng :



-Xin Tứ ca nói ra kế hoạch.



Dận Chân rất mừng vì Dận Tường cũng hiểu cho mình. Dận Chân kéo Dận Tường ngồi xuống, thì thầm kế hoạch của mình. Dận Tường nhíu mày, lắng nghe thật kỹ từng câu từng chữ.



-Tứ ca… chỉ là…



Dận Chân mỉm cười buồn bã :



-Nếu và nha đầu kia thật sự hiểu nhau, chắc chắn sẽ thành công. Không thì… đành phó thác cho trời vậy.



Dận Chân dõi mắt theo cánh bồ câu. Trong gió tuyết giá băng, nó vẫn sải cánh vút bay. Dận Chân thầm tiếc cho những sinh linh can trường nhưng chọn sai đường, để lòng trung thành mù quáng với một thời hoàng kim đã chấm dứt từ lâu. Thiên địa hội… Dận Chân không ngừng suy nghĩ về họ. Vầng trăng kia chưa nói được gì.



Ba ngày sau, cũng vào một đêm trăng, Đông Triều từ tư phòng hướng ra tiểu đình. Nơi ấy, Dận Chân với nàng thường cùng nhau uống trà đàm đạo. Không gọi là vui như hoa nở, nhưng thật sự làm cho tâm hồn thư thái, quên hết áp lực.



-Thưa phu nhân, Phúc tấn gửi đến.



Xảo Tuệ mang vào một khay lớn. Trên khay có bình trà Thái bình hầu khôi loại loãng nhất, nghiên mực và lụa. Những ngày thế này, Đông Triều luôn cùng Dận Chân thưởng trà vẽ tranh, Tiểu Uyển không hề quên thói quen đó.



-Để đó. Mang bức hoành hôm qua ta họa xong gửi cho Phúc tấn, nói cảm tạ hộ ta.



-Vâng !



Xảo Tuệ đặt khay trên bàn thư phòng của chủ rồi lui ra ngoài. Đông Triều rót trà đầy ly, nhấp môi từ từ. Phải cạn trà mới có chuyện hay để nói.



-Mới nhắc đã xuất hiện.



Bóng Hắc Hổ thấp thoáng bên cửa sổ. Đông Triều mở cửa cho nó vào. Nàng gỡ bức thư từ chân bồ câu ra xem. Thư hôm nay hơi dài.



-Thư dài nhưng cũng nói chả được gì. Xin được gửi người ra, cùng nhau đàm đạo.



Đông Triều mỉm cười. Có thế chứ ! Nàng chờ lá thư này lâu lắm rồi. Lần này Đông Triều sao ra và cất cả bản chính, bản phụ vào hộp.



-Để xem nào…



Đông Triều bấm đốt tay tính ngày tính tháng. Nàng giam bồ câu đưa thư vào lồng, chờ đến năm ngày sau mới trả thư cho nó, thả ra. Bồ câu sung sức vô cùng, bay thẳng đến Bát gia phủ. Nó mang thư đến và mang họa đến.



Đông Triều bấm đốt tay tính ngày người từ “sào huyệt” tới Bát A ca là khoảng ba ngày, năm ngày sau mới thả bồ câu liên lạc về cho Bát gia phủ. Thế là người được cử ra đàm phán đến Bát A ca trước bồ câu hai ngày. Đông Triều chờ xem chuyện vui.



Tại Bát A ca phủ, Bát A ca, Cửu A ca và Thái tử đang giấu khách bí mật họp bàn trong thư phòng. Tự dưng đối phương gửi người đến mà không báo trước, sau đó có một lá thư được chuyển tới nhắn là gửi người như tạ lỗi. Thư và người không đến cùng lúc làm các A ca bên Bát gia đảng và Thái tử đâm ra nghi ngờ.



-Chúng có vẻ như đang âm mưu chuyện gì. – Dận Đường hoài nghi người khách đang ngụ ở khách điếm.



Cách đây hai ngày, có người lảng vảng trước cửa Bát A ca phủ, liên tục ra ám hiệu, miệng lầm bầm. Mới hôm nay người đó bạo gan dám ném thư vào xe ngựa của Dận Tự, yêu cầu gặp nhau ở khách điếm gấp. Dận Tự vội vận thường trang đi đến điểm hẹn, người đó chỉ nói vài câu trách móc, không nói gì về việc hẹn trước hay bức thư rồi cả hai bàn tính mưu kế.



-Không có một bức thư báo trước.



Dận Tự mở hộp thư ra xem, trước đó ba bốn ngày không có lấy một bức thư bảo rằng sẽ có người ra đây đàm phán. Người ra đây lại không giải thích rõ ràng làm Dận Tự nghi ngờ. Tự hỏi, có phải “Hội” kia giả như đàm phán, thực chất là dò xét tình hình, âm mưu mượn đường đánh Quắc rồi qua cầu rút ván.



-Hoặc là mưu phản ? – Dận Nhưng chợt thốt lên.



Dận Tự nghĩ Thái tử đang đá chéo mình, muốn hỏi cho ra lẽ :



-Ý là sao ?



Dận Nhưng nhếch mép cười, ngồi xuống ghế, bắt chéo chân :



-Nếu như gã vì muốn làm phản Hội chủ để đoạt ngôi nên muốn mượn tay chúng ta thì sao ?



-Không thể nào. – Dận Đường gạt đi. – Ngoài mặt chúng hợp tác cũng chỉ vì một mục tiêu là lão Tứ, trong bụng chúng ghét ta.



Dận Nhưng thản nhiên nhịp chân :



-Nhưng kẻ làm phản thì luôn có. Như ngày xưa Ngô Tam Quế mở cửa cho Hoàng thái tổ vào đây lập nghiệp vậy. Ghét thì ghét, lợi dụng thì vẫn lợi dụng. – Dận Nhưng đưa mắt nhìn Dận Tự đầy hàm ý.



Dận Đường đứng dậy, muốn nói phải trái cho ra lẽ. Dận Tự vội ngăn lại. Bây giờ là lúc dầu sôi lửa bỏng, Dận Chân sắp lần ra manh mối của vụ tham nhũng, người của Thiên địa hội có âm mưu mập mờ không biết được. Đây không phải là lúc lục đục nội bộ !



-Chúng ta phải tập trung vào kẻ địch chính, cho nên hãy cứ tạm thời tin tưởng chúng xem sao. – Dận Tự xoa trán suy nghĩ.



Dận Nhưng đột nhiên bật dậy, chỉ quạt vào mặt Dận Tự, nói :



-Đừng bảo người làm một đằng rồi tự bảo mình làm một nẻo.



-Thái tử !



-Ta thừa biết ngươi sẽ bàn chuyện sau lưng ta ! Thật vô nghĩa khi phải đến đây ! – Dận Nhưng bỏ đi một nước.



-Đệ cũng về ! – Dận Đường đứng dậy. – Chỉ là chán ghét muốn mượn rượu quên gã kia.



-Thôi được. Về đi ! – Dận Tự tiễn Dận Đường ra khỏi cửa.




Đêm họp mặt ấy xem ra là vô nghĩa. Dận Nhưng nói không sai, sau khi hai khách về, Dận Tự ngồi trong thư phòng trằn trọc suy nghĩ cách đề phòng người khách kia. Bảo người làm một đằng rồi tự mình làm một nẻo. Dù đêm họp mặt sẽ đến đâu, mọi việc vẫn là theo ý Dận Tự mà thôi.



-Bối lạc gia, sao thiếp thấy chàng ủ rũ vậy ? – Mai Như Hoa đặt trà nóng lên bàn.



-Không phải chuyện của nàng, nàng lui ra đi.



Mai Như Hoa chưa lui ra vội, khẽ khàng nói :



-Thiếp ngu dốt không sánh nổi Bối lạc gia về kế lược, nhưng cũng đọc được ít sách, có lẽ thiếp giúp được Bối lạc gia một vài chuyện. Giả dụ như nói một vài lời về người khách mà chàng nói.



Dận Tự đập bàn, nạt nàng :



-Chuyện của nam nhân, nữ nhân đừng xen vào ! Từ nay về sau nàng đừng nghe trộm nữa.



Mai Như Hoa vẫn nói :



-Lúc hợp tác song phương, đôi bên vẫn còn nghi kỵ nhau, phải nhìn thật kỹ những bức thư trao đổi.



-Đi ra !



Dận Tự không thèm nghe một lời thê tử nói, một mực đuổi nàng ra khỏi phòng. Mai Như Hoa không nói lại, bèn thi lễ đi ra. Dận Tự sẽ phải hối hận vì không nghe lời của nàng đêm nay.



Sáng ra, Mai Như Hoa rủ muội muội kết nghĩa trong lòng Quách Lạc La Minh Ngọc đi ra chợ mua sắm vài thứ đồ. Nàng nhìn lên trời, hôm nay bồ câu vẫn bay rợp trời. Từng ngày, từng ngày, bồ câu bay trên trời kinh thành càng lúc càng dày đặc, con nào con nấy mập ra thấy rõ. Đằng sau lấp ló bầy mèo ngó bộ thèm thuồng.



-Chắc chắn có liên quan. – Mai Như Hoa nhìn trên trời. – Rốt cuộc là sao ?



-Dạo này ả nuôi cả đống bồ câu. Vừa nuôi mèo, vừa nuôi bồ câu, muốn làm loạn phủ chắc.



-Ai biết ả muốn gì ? Quỷ quyệt vậy mà gia thích, lạ thật !



Đấy là giọng của hai nha đầu của Lý thị. Mai Như Hoa nhìn qua đằng kia thấy Lý thị đang đi chợ mua đồ chơi cho con. Từ đằng sau, Đông Triều cũng bước tới hàng sách. Hai nha đầu kia thấy nàng, không dám nói chuyện nữa.



Mai Như Hoa nghe qua lời hai nha đầu ấy nói, đoán già đoán non rằng đám bồ câu bay rợp trời là của Đông Triều. Nàng mua nhiều bồ câu về nuôi thế làm gì ? Mai Như Hoa muốn tìm hiểu. Nàng đến chỗ nhị vị phúc tấn nhà Tứ A ca để hỏi chuyện.



-Nhị vị Tứ tẩu. – Mai Như Hoa cố ý đến chào hỏi. – Minh Nguyệt xin chào.



Minh Ngọc cũng hành lễ với hai chị dâu.



-Nhược Hy Tứ tẩu ở ngoài này, thật bất ngờ. – Giọng điệu Minh Ngọc đầy móc mỉa.



-Đệ muội nói nghe thật xấu hổ làm sao ! – Đông Triều mỉm cười mà ánh mắt đầy hằn học, muốn trả đũa cả vốn lẫn lời.



Mai Như Hoa có nghe chuyện ở cung Đức phi, và những lời giễu cợt của Bát gia đảng sau lưng Đông Triều, Dận Trinh nói thế nào mà Đức phi cố ý làm đổ trà lên người mình rồi đổ cho Đông Triều. Đông Triều bị phạt cấm túc. Dù nàng rất vui vì tự do hành động nhưng vẫn tức vì Dận Chân bị mất mặt. Mai Như Hoa sợ một ngày nào đó hậu cung sẽ gặp chuyện không hay.



-Nhược Hy Tứ tẩu đang mua sách sao ? – Mai Như Hoa nói.



Đông Triều gật đầu. Nàng đang tìm sách về dạy cho Hoằng Quân, dạo này Hoằng Quân học rất giỏi nhưng Dận Chân chưa tìm được thầy nào cho con. Dận Chân giao hẳn Hoằng Quân cho nàng dạy dỗ. Đông Triều chọn sách, lầm bầm :



-Muốn con giỏi thì cứ tự dạy, giao cho người ta rồi lượn lờ chê này chê nọ. – Đông Triều rủa thầm Dận Chân. – Trước khi đi còn bắt đi mua sách mới cho con.



Như Hoa mỉm cười :



-Tẩu đang nuôi bồ câu sao ?



Đông Triều gật đầu, không chút do dự :



-Ta đang muốn vẽ hổ và đại bàng, nhưng chẳng lẽ lại mua đại bàng với hổ về ?



-Đại bàng ? Hổ ? Đấu đá nhau sao ?



Đông Triều mỉm cười :



-Không, hợp sức đánh rồng. – Đông Triều kêu a lên một tiếng. – Tìm được sách rồi ! Về !



Mai Như Hoa trước giờ chưa qua mặt được thám tử Chân Đông Triều. Mai Như Hoa chỉ giỏi giả trang nhưng Đông Triều giỏi cả giả nét mặt. Bồ câu do Đông Triều nuôi, đúng ! Chắc chắn là nàng phá rối hai bên, kế sách hàng đầu của nàng mà. Nhưng không có được chút manh mối về cách Đông Triều làm, còn bị móc mỉa. Vì Đông Triều đang làm rối loạn chuyện liên lạc của Bát gia đảng đến Thiên địa hội, hai bên như đang nghi ngờ bên kia đổi ý muốn bẫy mình nên chưa có kế sách nào được bày ra. Quãng đường của Dận Chân rời kinh thành đến chỗ kinh lý hoàn toàn bằng phẳng, hàng loạt quan chức rơi mũ trên đường Dận Chân đến đấy. Giờ chàng đã đến nơi cần đến mà không rách một tà áo.



Chưa có chỉ thị của Hội chủ, những thành viên giả lốt con buôn chưa được hành động. Dận Chân đến nơi bắt đầu làm mưa làm gió, tức sôi gan lên nhưng không thể đánh trả. Rất nhiều người sốt ruột, thả bồ câu về Hội để giục các ngài nhanh chóng ra chỉ thị, nếu không đành bất trung ra tay trước.



Một thành viên tên Lý Sâm là thương buôn muối đang bị Dận Chân tấn công tới tấp, bắt tra xét sổ sách và ói ngân lượng ra cho khoản chữa đê. Trong nhà gã nuôi cả trăm lâu la, muốn làm thịt Dận Chân ngay lập tức nhưng bị kẹt hai tên trong hội mở hiệu buôn đang có xích mích với hắn trong hội, chúng sẽ mách lẻo hắn với Hội chủ trước khi hắn rút kiếm. Hắn chán nản đến Đồng nhân quán uống trà, tâm sự với hai ông bạn già.



-Ta đã bảo với Hội chủ rằng đi với gia đình bọn cẩu Hoàng đế ấy chẳng có gì hay ho cả ! Giờ thì hối hận ! Chúng có thể trở quẻ bất cứ lúc nào ! – Lý Sâm nốc trà rồi nhả ra. – Nước lạnh ?



-Trà quý mà không thưởng thức thì chỉ như nước lạnh, nên dùng nước lạnh thôi.



Lý Sâm cười khà khà :



-Ông quả là keo kiệt, Lữ Lưu Lang ạ.



Lữ Lưu Lang, chủ của Đồng Nhân quán, thiên tài về văn thơ châm biếm triều đình nhà Thanh. Mỗi vần thơ của ông ta là một đòn đả kích lớn cho các quan lại, khiến cho họ khốn đốn. Vì hay làm văn thơ chống đối triều đình, Lữ Lưu Lang luôn phải ẩn danh, lang bạt khắp nơi, Đồng nhân quán lúc nào cũng đổi địa điểm. Lữ Lưu Lang hôm nay đến nơi này do nghe tin Tứ A ca ở kinh thành tới đây thị sát, một nguồn cảm hứng dâng tràn, ông ta lấy tên Trần Tín đến đây.



-Tẩu tẩu và tiểu nữ ở nhà không thấy phiền khi phu quân cứ đi du ngoạn, bỏ bê gia đình sao ?



Lữ Lưu Lang lắc đầu :



-Trọng tình trọng nghĩa nó thế, đâu như ai kia tam thê tứ thiếp ?



Lý Sâm tiếp tục nốc nước lạnh :



-Tại sao ông cứ phải đứng cửa giữa thế ?



Lữ Lưu Lang nhếch mép cười. Lão già này… không hề cổ hủ. Lão không trung quân ái quốc, lão không vừa lòng với triều đình nhà Thanh nhưng lão không tìm về lối cũ là gia nhập Thiên địa hội, ủng hộ cho nhà Minh đã sụp đổ, lão chỉ chống phá bằng ngòi bút của mình thôi. Lão phê phán nhiều thứ về triều đình mới, còn bảo là có những chỗ giống với triều đình cũ. Cho nên lâu lâu lão cũng bị Thiên địa hội truy đuổi. Ít ai trong Thiên địa hội thân với lão, chỉ có Lý Sâm mang ơn lão giấu mình trong bồ sách lúc bị truy đuổi là thân thiết.



-Thôi nào, Lữ Lưu Lang, hãy lấy trà ngon ra, ta sẽ không nốc nữa đâu. – Lý Sâm đang buồn mà phải uống nước lã thì chán ngắt.




Lữ Lưu Lang lắc đầu :



-Tiền bạc có hạn, ta chỉ mua được một ít trà ngon. Trà đó dành để đón bằng hữu quý hôm nay.



-Ai ?



Lữ Lưu Lang đưa mắt ra ngoài cửa :



-Mới nhắc đã đến.



-Chào ông bạn già.



-Ô Tư Đạo, không ngờ ông đến trễ vậy, ta chờ cả ngày.



Ô Tư Đạo cười khà khà, khép ô lại. Lão vào trong Đồng nhân quán, ngồi xuống ghế. Lữ Lưu Lang xuống bếp lấy ấm trà đã chờ Ô Tư Đạo cả ngày nay. Ô Tư Đạo duỗi cái chân tật của mình ra, đánh nó một cái, than thở :



-Cũng tại gã này đau nhức mãi vào trời đổ tuyết nên đến trễ.



-Yên tâm, đã đến đây thì ông bạn già này sẽ lo cho cái gã đó khỏe mạnh trở lại. – Lữ Lưu Lang gọi tiểu nhị của khách điếm. – Mau mang đến một chậu nước ấm.



Ô Tư Đạo quay qua nói với Lý Sâm :



-Nếu lão rửa chân tại đây, ngươi không phiền chứ ?



Lý Sâm biết hai ông bạn già muốn nói chuyện nên đuổi khéo mình. Lý Sâm mua một tập thơ của Lữ Lưu Lang, mang về đọc cho đỡ tức rồi rời đi. Giờ hai ông bạn già thoải mái trò chuyện.



-Đi một quãng đường dài nhỉ, có bất tiện cho lão quá không ? – Lữ Lưu Lang rót đầy trà cho bạn. – Thật ra ta có thể gửi tin qua bồ câu nhưng phải tận mắt chứng kiến mới thích.



Ô Tư Đạo cười cười :



-Lão không mời ta cũng phải theo lão. Căn nhà bên chân núi đã bị cháy thành tro rồi.



Lữ Lưu Lang rất ngạc nhiên, suýt nữa tông phải tiểu nhị đang bê chậu nước nóng lên. Lữ Lưu Lang bị một vài giọt nước nóng bắn vào tay. Lão vội vàng tìm khăn lau đi.



-Căn nhà bị cháy ? Tại sao ?



Ô Tư Đạo kêu tiểu nhị ra ngoài, chuyện này chẳng hay ho chút nào. Lão xắn quần lên, ngâm đôi chân đã lạnh cóng vào chậu nước nóng. Lão lấy khăn thấm vào nước nóng, từ từ lau phần ống quyển trở lên. Lão vừa chăm sóc cho cái chân, vừa kể câu chuyện gặp Dận Chân.



-Lão bị lột trần ? – Lữ Lưu Lang nghe mà vừa giận, vừa buồn cười. – Gã Tứ A ca đó dám lột trần lão để tra khảo ?



-Thật ra chiêu đó có lợi lắm. Chúng biết ngay ta là Ô Tư Đạo của Đồng Nhân quán.



-Lão đã khai ra ư ?



-Không, nhờ tơ lụa trên người lão và tờ giấy thư pháp. – Ô Tư Đạo chợt nhớ ra vài điều. – À, tại sao y có thể nhận ra thủ pháp của Đồng Nhân quán chúng ta chỉ với một lần nhìn chứ. Lão có gặp y sao ?



Lữ Lưu Lang lầm bầm. Một kẻ sành thư pháp ? Phải rồi ! Lữ Lưu Lang kể lại cho Ô Tư Đạo về một gã thư sinh, dáng vẻ rất tôn quý đi cùng Tiểu Lộc tới thăm lão hồi trước, Tiểu Lộc là muội muội kết nghĩa của phu nhân Lữ Lưu Lang.



-Ta rất kinh ngạc vì sự say mê với thư pháp của gã, chỉ nhìn thấy nét hất là biết của Tô Đông Pha hay là Vương Hy Chi. – Lữ Lưu Lang trầm trồ. – Hóa ra là con trai của Huyền Diệp ?



-Thật may là y biết ta không có dính dáng đến Thiên địa hội nên thả đi. Tuy nhiên lão cũng bị đốt sạch y phục rồi.



Lữ Lưu Lang mỉm cười :



-Hôm nay lão có cơ hội trả thù rồi, có kịch hay để xem chuyện long hổ tranh hùng và một mồi lửa trả thù cho mình.



Ô Tư Đạo thở dài :



-Có nhiêu đó mà lão kêu ta tới đây ? Chuyện này năm nào chả có. Gửi bồ câu tới được rồi.



Lữ Lưu Lang mỉm cười :



-Thôi nào, lão đừng hành hạ bồ câu của ta thế chứ. Chúng có thể chết cóng đấy, một số con bồ câu có vẻ được giữ lại lâu ở đây.



-Từ đây đến kinh thành chỉ có 3 ngày. – Ô Tư Đạo lầm bầm. – Ai đó đã làm gián đoạn.



Lữ Lưu Lang giỏi về văn thơ nhưng mưu lược lại không bằng Ô Tư Đạo. Ô Tư Đạo biết được chuyện trao đổi thư tín song phương bị rối loạn. Ông ta sẽ biết được chuyện gì sẽ xảy ra.



-Hình như có gì đấy bốc cháy.



Đằng kia, lửa bốc cháy ở lữ quán của Dận Chân.



-Cháy ! Cháy ! Khâm sai đại thần còn ở đấy !



Nhưng Dận Chân, Dận Tường chắc chắn sẽ còn sống tốt, dù là trong ngục của Thiên địa hội.