Hoàng Đình

Quyển 1 - Chương 142: Thần phù hộ? tự cứu!




Dịch giả: †Ares†

oOo

Thần phù chậm rãi ngưng kết, so với lần ở trấn Quân Lĩnh thì còn chậm hơn nhiều. Thế nhưng như vậy lại khiến Trần Cảnh có thể cảm nhận được rõ ràng quá trình ngưng kết thần phù. Cho tới nay, hắn mới chỉ cảm giác được những thứ mơ hồ, không sao diễn tả được. Còn lần này lại khác, có những lần trước làm cơ sở, cẩn thận cảm thụ, Trần Cảnh giống như thấy được một tấm lưới lớn ngăn ở trên chín tầng trời. Hắn cả kinh, tấm lưới kia lại biến mất, sau đó muốn cảm ứng lại thế nào cũng không cảm ứng được.

Một lát sau, hắn lại tiến được vào trạng thái vô tưởng vô niệm, thì liền cảm ứng được một làn khí trắng mỏng manh từ trong hư vô kéo nhau tụ tập tới đây từng đợt.

Trần Cảnh biết đây là tín ngưỡng lực. Hắn đã thấy thứ này khi nhìn bằng con mắt Phá Vọng của Mê Thiên Điệp. Hắn chợt hiểu, hóa ra thần phù là do tín ngưỡng nguyện lực ngưng kết thành. Nghĩ đến đây, lại đối chiếu với quá trình hình thành thần phù các khúc sông trên dòng Kinh Hà, hắn bèn hiểu rõ căn nguyên. Kỳ thật thần vị núi sông cũng tương tự, chẳng qua là vì trên núi sông ít có con người, phần lớn là dã thú yêu linh, nên tín ngưỡng lực yếu hơn nhiều.

Trần Cảnh lẳng lặng cảm thụ, hiểu ra được rất nhiều thứ.

"Nếu muốn trở thành thần linh một vùng, tất phải được ba thứ tán thành. Đầu tiên là trời. Thứ hai là đất. Còn thứ ba là sinh linh trong trời đất."

Trong đó trời tự nhiên chỉ Thiên đình, nhưng hiện tại đã không có, cho nên thần phù mới khác sắc phù, khuyết thiếu mất chỗ này. Còn điểm thứ hai thì mọi thần linh đều hiểu được, đó là linh lực vô biên khắp mặt đất. Điểm thứ ba, sinh linh trong trời đất tức là tín ngưỡng nhang đèn. Ở xa xưa kia, mỗi vị thần linh đều do Thiên đình sắc phong, sau đó thần linh ấy sẽ đến địa giới được phân, thông qua sắc phù Thiên đình ban tặng để biến khu vực xa lạ ấy thành thần vực của mình, rồi theo thời gian dần qua mà hòa hợp và sử dụng được linh lực của cả một vùng ấy. Đối với thần linh trên mặt đất, chỉ tới khi có thể tùy tâm điều động linh lực thần vực của mình thì mới có cảm giác an toàn, mới có thể trấn áp được yêu linh, bởi vì bản thân thần linh có pháp lực rất thấp.

Bây giờ lại ngược lại, đầu tiên cần có tín ngưỡng, cần dung hòa được linh lực vùng đất, tuy rằng sẽ chỉ hình thành thần phù, là bản thiếu hụt của sắc phù, trong đó không có bất kỳ thần thông pháp thuật nào, nhưng lại không bị cấm chế hạn chế, tự do hơn nhiều.

Ba thứ được hai, đã có thể trở thành thần linh một vùng rồi.

Hiện tại Trần Cảnh không dám nói đã thu được hết tín ngưỡng nhang đèn khu Nam thành Bá Lăng này, nhưng ít nhất cũng đã bắt đầu có. Chỉ cần có người vào thần miếu dâng hương, sẽ có nguyện lực tín ngưỡng cho Trần Cảnh hấp thu. Mà bây giờ Trần Cảnh đang làm bước thứ hai, cảm ứng linh lực của vùng đất này, luyện hóa nó cho mình sử dụng.

Thành Bá Lăng lại một lần nữa trở về an tĩnh. Không chỉ Trần Cảnh đang cố gắng, ba vị thần kia cũng đang cảm ứng luyện hóa linh lực ở khu vực của mình.

Nếu không có được sắc phù của Thiên đình, lại không có được tín ngưỡng nguyện lực mà muốn dung hợp linh lực của đất, thì tương đương với việc Đạo gia lập phái. Ở đương thời, mỗi môn phái đều có một đạo linh phù chưởng môn. Linh phù này kỳ thật chính là một loại thần phù. Linh phù chưởng môn tự nhiên cũng thông qua phương thức dung hợp linh lực của đất mà ngưng kết thành, nhưng có thể truyền xuống đời đời. Cho nên thông thường mà nói, pháp lực khi chưởng môn khi ở trong phái mình cao hơn rất nhiều so với người khác, bởi vì chưởng môn đó có thể điều động linh lực của cả một núi.

Nhiều người trong đạo môn hiểu cách thức, nhưng thông thường chỉ có chưởng môn đời thứ nhất mới đi ngưng kết thần phù này. Bởi vì người đó sẽ khắc trong thần phù rất nhiều thứ, có chút là đạo pháp thần thông hạch tâm của bổn môn, có chút thì là chỗ then chốt của đại trận hộ sơn, cũng bày ra cấm chế, chỉ có chiếm được pháp quyết mới có thể phát động. Trong mỗi một môn phái đều có tế đường hương hỏa, dùng để bày tỏ kính ý với các vị tiền bối tổ sư, ngoài ra còn là để tế ấn phù chưởng môn, không để nó tan biến đi vì thiếu nhang đèn.

Lúc này thần niệm của Trần Cảnh đang cảm ứng địa khí thành Bá Lăng, còn tín ngưỡng nguyện lực kia tự theo niệm lực lưu chuyển. Thần niệm lan đến đâu, tín ngưỡng nguyện lực sẽ giống như dòng nước tưới ướt vùng đất cứng rắn mịt mờ đến đấy, làm cho thần niệm của Trần Cảnh có thể cảm ứng linh khí khắp mặt đất rõ ràng hơn. Chỉ là linh khí ở thành Bá Lăng này không giống bất kỳ nơi nào trong dĩ vãng.

Nếu như nói linh lực Kinh Hà là tươi mát linh động, còn ở trấn Quân Lĩnh là khô hanh như cát sỏi, thì ở thành Bá Lăng này lại dơ bẩn như một hố phân. Linh khí sớm đã bị ô nhiễm, thần niệm của Trần Cảnh vừa hòa vào đó thì trong đầu lập tức xuất hiện tiếng ác quỷ khóc hoặc cười to, còn cả tiếng ai oán vang mãi không dứt bên tai.

Hắn không chút suy nghĩ, một đạo bùa trừ tà ứng tâm mà ra.

Chỉ thấy tín ngưỡng lực đang theo thần niệm lưu chuyển đột nhiên biến hóa, hóa thành một đạo bùa trừ tà, rơi vào mặt đất đen kịt. Trần Cảnh lập tức nghe được tiếng kêu hoảng sợ thảm thiết, rồi mặt đất tối đen kia nhanh chóng bị tịnh hóa thành trở lại bình thường. Trần Cảnh sửng sốt, sau đó là mừng rỡ. Hắn đã phát hiện tác dụng thực sự của tín ngưỡng lực.

Một đạo bùa trừ tà cũng đã tiêu hao hết số tín ngưỡng nguyện lực không nhiều lắm kia. Trần Cảnh tiếp tục dùng pháp lực ngưng tụ ra một đạo bùa trừ tà, nhưng hiệu quả kém cực xa.

* * *

Trong thần miếu vẫn còn một hàng dài người xếp hàng đến dâng hương. Mỗi khi vào trong thắp hương cầu khẩn, mọi người đều có cùng một câu: "Mong Hà Bá gia sớm khu trừ tà ma."

Cảnh tượng tương tự diễn ra ở ba thần miếu khác, hơn nữa dân chúng trong thành cũng không chỉ dâng hương ở khu vực của mình, mà còn đi sang cả ba ngôi thần miếu còn lại. Nhưng xét tương đối thì người tới miếu Hà Bá dâng hương ít hơn ba nơi kia rất nhiều. Có nhiều người tới lễ bái nhất là miếu Nạp Lan Vương ở khu Bắc, có thể dùng từ chen lấn nhau mà hình dung. Thành Nạp Lan là thành lớn, vào một buổi sáng sớm ở hơn mười năm trước, khi đó người trong thành Nạp Lan có đến dâng hương lễ tạ thần, thì lại phát hiện ba chữ "Miếu Thành Hoàng" ở tấm bảng ngoài cửa miếu không biết đã biến thành "Miếu Nạp Lan Vương" từ lúc nào rồi. Chữ viết cứng cáp, khí phách lộ ra ngoài, từ đó người trong thành Nạp Lan gọi Thành Hoàng của mình là Nạp Lan Vương gia. Thanh danh của Nạp Lan Vương gia truyền khắp toàn bộ châu Cửu Hoa, thậm chí thế gian cũng biết châu Cửu Hoa có một Thành Hoàng xưng vương. Trong giới thần linh, xưng hô cực kỳ quan trọng, nhất là với thần linh thuộc dòng Địa phủ thì chỉ có người cai quản thập điện Âm phủ mới được xưng vương, trong đó nổi danh nhất trên trần thế không ai qua được Diêm La Vương.

Cố Minh Vi rốt cuộc thấy được tượng Hà Bá, quả nhiên chính là người đã tặng nàng lá bùa kiếm. Hóa ra hắn đúng là Há Bá. Cố Minh Vi không khỏi nhớ lại tình hình lúc Trần Cảnh tặng bùa cho mình.

- Hắn gọi là Trần Cảnh, còn từng bế mình.

Cố Minh Vi cảm giác ngón tay từng được Trần Cảnh thổi vào chút nóng lên, ngẩng đầu nhìn tượng Hà Bá, nghĩ đến đủ thứ chuyện.

Trần Cảnh đương nhiên không có khả năng cảm ứng được ý tưởng của Cố Minh Vi từ trong lời khẩn cầu của nhiều người như vậy. Lúc này hắn đang cố gắng khu trừ tà khí trong đất.

Thần niệm lan xuống từ tượng thần, từng chút từng chút thanh trừ tà khí khắp mặt đất. Từng đạo bùa trừ tà được tạo ra, tín ngưỡng lực cũng nhanh chóng tiêu hao. Mặc dù Trần Cảnh còn rất nhiều tín ngưỡng lực ở Tú Xuân loan và trấn Quân Lĩnh, nhưng hắn đang ở thành Bá Lăng, không thể thuyên chuyển đến được, cũng không thể sử dụng linh lực ở hai nơi đó, chỉ có thể dùng linh lực trong kiếm.

* * *

Bản thân thành thủ Nghiêm Trọng là một đại nho, dưỡng ra tính tình cương trực, có thể xem được "khí" của đất trời. Ông sớm đã cùng vài vị đại nho khác đứng ở một tòa lầu cao, nhìn xem khí tượng của toàn thành.

- Lấy miếu Hà Bá làm trung tâm đã xuất hiện một khoảng sạch sẽ, mọi người nhìn ra chưa?

Nghiêm Trọng chỉ vào miếu Hà Bá, hỏi người bên cạnh.

Bên cạnh là một sĩ tử hơn năm mươi tuổi, mặc một bộ trường bào sĩ tử sạch sẽ, gật gật đầu nói:

- Ta thấy được miếu Hà Bá có ánh sáng trắng chói mắt hiện lên, tịnh hóa khí đen trong thành.

Lại có một trung niên hơn ba mươi tuổi nói:

- Học vấn của ta không tinh thâm được bằng thành thủ và Khổng tiên sinh, chỉ cảm nhận được trong vùng sương mù xuất hiện một ngọn đèn xanh như ẩn như hiện.

Thành thủ gật đầu, nói:

- Lúc ta đi thỉnh Hà Bá, thì thấy miếu Hà Bá ở Tú Xuân loan không có hào quang tận trời, chỉ có một luồng sáng nhẹ nhàng tinh khiết tỏa ra, nhưng khúc sông ấy lại không hề có một chút khí dơ bẩn nào. Có thể thấy được Hà Bá gia là chân thần, cao minh hơn những thần linh giả giả thật thật ngày nay này nhiều lắm.

(Chân thần: thần thực sự. Chân = thật sự, đích thực, là Hán Việt, không phải bộ phận cơ thể dùng để đứng)

Gần trăm nay nay, chuyện quỷ quái yêu linh xưng thần ở nhân gian đã quá nhiều, tự nhiên dần dần xuất hiện phương pháp xác định chân thần và giả thần. Trong mắt những đại nho có thể xem khí của thế gian vạn vật, chân thần tỏa ra hào quang rực rỡ, chân thần pháp lực cao còn có hào quang xông tận trời. Mà giả thần thì chỉ có ánh sáng mờ nhạt quẩn quanh.

- Ta đi ba ngôi miếu khác nhìn, miếu thờ Nạp Lan Vương gia có hào quang phóng tận trời, mênh mông cuồn cuộn, nhất định pháp lực cao cường, có thể nói là xếp hạng đầu trong những miếu thờ thần linh mà ta thấy những năm gần đây. Quả nhiên không hổ là vị thần có gan xưng vương. Miếu của Thành Hoàng thành Thọ Xuân nằm khu Đông và miếu Thành Hoàng thành Chung Ly nằm khu Tây thì đều có mây ngũ sắc bao phủ, tuy rằng rực rỡ, nhưng trong đó lại có khí đen lẫn vào, chưa chắc đã là chân thần.

Nghiêm Trọng nói, mặt hiện vẻ lo lắng.

- Cũng không biết thành Bá Lăng chúng ta có thể tồn tại tới ngày đất trời trong sạch lại không nữa. Nếu tồn tại, thì thần linh nào trong thành sẽ là vị bộc phát hào quang, danh truyền hậu thế đây?

Vị sĩ tử gần năm mươi tuổi đứng cạnh Nghiêm Trọng cảm khái nói.

Trong lúc bọn họ trò chuyện, Trần Cảnh lại có chút lực bất tòng tâm. Hoặc nói đúng hơn, nguyên nhân không phải ở bản thân hắn, mà là do tín ngưỡng lực căn bản không đủ cho hắn sử dụng. Tuy rằng người tới người lui dâng hương còn nhiều hơn cả trấn Quân Lĩnh và thôn Hà Tiền cộng lại, nhưng Trần Cảnh lại cảm thấy chỉ như ngang với lần trảm Hà Bá Ác Long hạp năm đó. Hắn hiểu đây là bởi vì người thành tâm thành ý đến dâng hương không nhiều, phần lớn chỉ là nói ngoài miệng, trong lòng cũng không có bao nhiêu thành kính.

Tín ngưỡng không đủ, lấy linh lực thi triển ra bùa trừ tà để đối phó với tà khí vô tận trong thành chẳng khác nào muối bỏ biển.

Cứ như vậy, khi trừ tà đến một phạm vi nhất định, sẽ không thể tiếp tục làm lan rộng hơn. Càng tới gần khu trung tâm thành thì tà khí càng nặng. Mà vào lúc tín ngưỡng lực không thể bổ sung kịp, tà khí dơ bẩn kia sẽ tràn trở lại cuồn cuộn như thủy triều.

-----oo0oo-----