Hoa Tường Vy Mùa Hạ

Chương 14: 14: Chương 13





Năm học mới đã bắt đầu nên con Vy ít đến thăm tôi như trước.

Nhưng mỗi lần đến, nó đều mang theo sách vở và bắt tôi học bài cùng.

Những buổi lên lớp đầu tiên không có quá nhiều thứ để học, vậy mà trông nó lại nghiêm túc cứ như kỳ thi sắp đến.

Tuy nó không phải là đứa lười học, nhưng cũng không phải là đứa có thể ngồi cả ngày với đống sách vở trước mặt, nếu không cần thiết.
- Tao phải đậu vào Lý Tự Trọng - Nó nói - Và mày cũng vậy.

Nhất định phải như vậy!
Không biết vì sao con Vy lại quyết tâm đến thế, nhưng nó đã thực sự truyền điều đó sang cho tôi.

Nhờ nó mà sau khi ra viện, tôi không mất nhiều thời gian để bắt kịp chương trình học.

Mỗi khi rảnh rỗi, thay vì đọc truyện tranh như trước kia, tôi và con Vy lại học nhóm với nhau.

Tôi chưa bao giờ thấy hứng thú với việc học như vậy, và những bài học cũng tỏ vẻ thân thuộc hơn với tôi.

Năm học đó có lẽ là những tháng ngày mà tôi chăm chỉ nhất trong cuộc đời này.

Tôi tranh thủ cả những tiết thể dục được miễn của mình để dành luôn cho việc làm các bài tập nâng cao.

Chỉ có học, học và học, tất cả những gì tôi cần làm ở đúng độ tuổi của mình.
Kết quả cho những ngày miệt mài đèn sách ấy là cả hai chúng tôi đều thi đậu vào ngôi trường mơ ước.

Điểm thi được công bố vào giữa tháng Bảy, nhưng tôi đã nắm chắc về kết quả của mình ngay từ khi vừa bước ra khỏi phòng thi.

Mọi thứ dễ hơn trong tưởng tượng, tôi thở phào nhẹ nhõm khi nghĩ về những ngày ôn tập căng thẳng và vui vẻ vì đạt được mục tiêu đã đề ra từ trước.


Để xả xì-trét, tôi tự mình đi thuê vài cuốn truyện và bỏ ra hàng giờ để đọc.

Kể từ khi chị Nhã đi học xa nhà, chẳng còn ai thuê truyện cho tôi đọc nữa.

Không có chị ấy, con Vy cũng không còn thường xuyên sang nhà tôi chơi, vì đâu có ai để nó nói chuyện.

Tôi biết mình thích nó, nhưng lại chẳng biết phải nói gì mỗi khi chúng tôi gặp nhau.

Nó không thích bầu không khí im lặng như vậy, và tôi cũng thế.

Vậy là hai nguồn tài trợ chính cho việc đọc truyện của tôi đã không còn nữa.

Không có thì không đọc, tôi là người dễ thích nghi và dần dần cũng quen với việc đó.
Có vẻ lâu ngày không đọc truyện nên tôi đâm ra có phần nhanh chán.

Tôi đặt cuốn truyện xuống, duỗi tay chân thành hình ngôi sao và nhìn lên trần nhà.

Khoảng thời gian nằm ở bệnh viện khiến tôi có thói quen hay nhìn lên trần nhà rồi suy nghĩ vẩn vơ.
Tấm tôn cũ, đầy những vết gỉ sét.

Tia sáng xuyên qua mấy cái lỗ nhỏ, như những sợi tơ được kéo căng trong không trung.

Đó cũng là nơi mà nước sẽ nhiểu xuống mỗi khi trời mưa.

Nếu như không kịp lấy thau hứng, nước mưa sẽ làm ướt mấy tấm gỗ của căn gác, rồi rơi xuống nhà dưới qua những cái khe.

Sách vở của tôi cũng thường xuyên ướt nhẹp vì mấy lỗ thủng ấy.

Ba tôi đã nhiều lần leo lên mái nhà để trám lại chúng, nhưng cứ bịt xong chỗ này thì chỗ khác lại xuất hiện một cái mới.


"Chắc chắn là bọn bồ câu" - tôi nghĩ, vì ngày nào bọn chúng cũng đâm cái mỏ lên mái tôn nhà tôi kêu "cộp cộp".
Giữa cái nóng của mùa hè mà đi tắm biển thì thật tuyệt.

Tôi thích nhất là biển vào buổi sáng sớm.

Khi đó, nước trong và sạch hơn, giống như có một bàn tay đã lọc hết tất cả rác rến vào ban đêm, rồi trả lại mặt biển nguyên vẹn cho tôi.

Nhưng trên hết, tôi có thể chiêm ngưỡng được khoảnh khắc đẹp đẽ nhất trong ngày của biển, khi bình minh vừa ló dạng.
Tôi thức dậy từ khá sớm, khoảng bốn giờ rưỡi sáng, và ra khỏi nhà vào lúc năm giờ kém.

Bầu trời vẫn còn đang se lạnh, phủ lên trên những con phố một màu lam nhạt.

Trong ánh sáng mờ mờ, lập lòe những đốm lửa hồng vừa được nhóm lên, mang đến chút ấm áp cho những cơn gió.

Tôi nghe thấy mùi khói nhè nhẹ xen lẫn trong mùi sương đêm chưa tan, và khi trên các con phố vẫn chưa có nhiều xe cộ qua lại, mùi thơm của cây cỏ cũng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Tôi bước đi trên những bóng cây in dưới mặt đường, tận hưởng bầu không khí trong lành ấy, cảm giác như tất cả chỉ dành cho riêng mình.
Đi thẳng về hướng Đông, sau khi qua vài cái ngã tư chớp nháy ngọn đèn vàng, giăng ngang trước mắt tôi là con đường mang tên Trần Phú, một trong những con đường đẹp nhất ở Nha Trang.

Nó uốn lượn dọc theo bờ biển và ôm lấy bờ cát trắng mơ màng, xen lẫn những hàng dương, hàng dừa xanh mát.

Tôi băng qua con đường ấy rồi rảo bước trên khu quảng trường rộng lớn.
Đi đến cuối quảng trường, tôi dừng lại bên dưới những bậc thang của Đài tưởng niệm các anh hùng đã ngã xuống, nơi mà người dân ở đây vẫn gọi là "Đài Liệt Sĩ".

Tôi ngước nhìn ngọn tháp cao vút, đứng sừng sững như chống đỡ cả bầu trời, được xây dựng trên máu thịt của những con người đã từng chống đỡ cả vận mệnh dân tộc.

Bên dưới hàng chữ "Tổ Quốc Ghi Công", chiếc lư hương vẫn đang nghi ngút khói.


Một cụ bà lặng lẽ đứng bên cạnh tấm bia đá, ngón tay chạm nhẹ vào một cái tên.

Tôi nhìn bà cụ, mỉm cười rồi rời khỏi bầu không khí trang nghiêm ấy.
Đặt bàn chân lên bờ cát mịn màng và mát lạnh, tôi bước đi trên những đợt sóng cát và tiến về phía những đợt sóng biển rì rào.

Bầu trời như một bức màn màu tím, được vẽ lên những vệt mây mỏng manh và kéo dài, tựa những chiếc đuôi của một con chim phượng hoàng đang bay lượn và kêu gọi vầng mặt trời xuất hiện.

Mặt biển trông như tấm lụa màu xanh thẫm, bên trên là muôn ngàn sợi chỉ bạc, không ngừng đan vào nhau rồi lại tách rời.

Theo từng đợt sóng không ngừng cuộn về phía bờ cát, một quả cầu rực lửa nằm bên dưới mặt biển cũng dần được nâng lên.

Và khi nó xuất hiện, cả chân trời bùng cháy lên ánh lửa màu cam, thiêu đốt mặt biển sôi trào vô vàn bọt sóng.

Rồi như có một sợi dây vô hình buộc vào quả cầu ấy, chầm chậm kéo nó lên giữa bức màn trời, trong tiếng hát không ngừng nghỉ của đại dương, giống như cách mà lá Quốc kỳ được kéo lên vào mỗi sáng thứ Hai.
Tôi thích thú ngắm nhìn bức tranh ấy, lắng nghe tiếng sóng dịu êm và hít thở hương vị mằn mặn trong gió.

Cho tới khi vầng dương đã lên cao và không ngừng buông những tia nắng đỏng đảnh, tôi mới rời đi ánh mắt của mình.

Tôi cởi chiếc áo trên người rồi quăng mình xuống làn nước lạnh ngắt, vì vẫn còn chưa tắm đủ ánh sáng mặt trời.

Nhưng khi đã quen thuộc với sự vỗ về của biển cả, tôi chỉ thấy một sự thoải mái lan tràn ra khắp nơi trên da thịt.

Tôi bơi như một chú cá vừa được thả về với đại dương, thỏa thích vùng vẫy giữa muôn ngàn đợt sóng.

Cho tới khi đã thấm mệt, tôi trở về nhà với thân hình ướt nhẹp và đôi chân dính đầy cát.

Gió đã thổi khô người tôi trên đường đi, nhưng tôi vẫn phải tắm lại bằng nước giếng.

Tôi không muốn mình giống như một con cá khô biết đi bằng hai chân.
Một buổi sáng đầu tháng Tám, sau khi đi biển về, tôi tắm rửa và định lên gác ngủ bù cho việc dậy sớm thì thấy chị Nhã đang ngồi tám chuyện cùng một đứa con gái, chính là con Vy.

Trông thấy tôi, bọn họ lại rủ rê chơi đánh bài.


Không hiểu sao chị Nhã và con Vy chỉ thích chơi bài khi có ba người, trong khi những người khác thường chơi khi có đủ bốn tay.

Nhưng việc đó không quá quan trọng bởi vì tôi cũng thích như vậy.
Lần này, luật chơi của chúng tôi là người thua phải uống một ly nước.

Nhưng không được bao lâu thì hình phạt được sửa thành búng tai, vì tôi không thể uống thêm ngụm nước nào nữa.

Không hiểu sao tôi lại chơi bài tệ đến thế, dù môn Toán là môn mà tôi học rất tốt.

Khi hai tai tôi đã đỏ như trái cà chua, bọn tôi không chơi nữa và chuẩn bị cơm trưa.
Trong lúc chị Nhã loay hoay với những con cá ở trong bếp, tôi và con Vy giúp chị lặt rau và đánh trứng ở nhà trên.

Tôi nhận ra mình không còn xa lạ với sự có mặt của con Vy trong ngôi nhà của mình nữa.

Đôi lúc, tôi tưởng như nó cũng là một thành viên trong gia đình.
- Ê Bo, - Nó gọi tôi - Sáng nào mày cũng đi biển à?
- Ờ, - Tôi ngước lên nhìn nó - Sao mày biết?
- Sáng nào cũng thấy người mày ướt nhẹp đi ngang qua nhà tao nên đoán thế.
- Ủa, - Tôi ngạc nhiên nói - Nhà mày ở khúc nào?
- Trần Nhật Duật, ngay chỗ Nhị Hà đi ra, ngôi nhà màu xanh xanh đó.
- À, là chỗ đó.

- Hình ảnh ngôi nhà lớn màu xanh da trời nhạt màu hiện lên trong đầu tôi.

Ngày nào tôi cũng đi ngang qua đoạn đường ấy nhưng lại không biết là nhà của con Vy cũng ở đó.
- Mày đi một mình à?
- Ờ.

- Tôi gật đầu.
- Đồ thất hứa.

- Con Vy làu bàu trong miệng..