Hỏa Thần

Chương 10




JERUSALEM: NGÀY 22 THÁNG 3

Viên Đại tá quân đội đang đứng đợi cạnh bức tường của Thành Cổ, anh ta trông không giống Ari Shamron - cha mình cho lắm, nhưng điều đó chẳng mảy may khiến Gabriel ngạc nhiên. Ánh mặt trời, mối quan hệ xã hội căng thẳng, và cả bầu không khí khủng bố nghẹt thở trên đất nước Israel này - tất cả đều đủ sức tàn phá diện mạo của mọi công dân. Nhỉnh hơn người cha danh tiếng của mình đến 1 tấc rưỡi, chàng trai quyến rũ Yonatan Shamron không hề mang dáng dấp phòng vệ như ông. Gabriel hiểu rằng đó là kết quả của việc cậu ta được nuôi dưỡng và lớn lên ở đây chứ không phải ở Ba Lan. Chỉ khi người lính đó nhảy ra khỏi chiếc xe jeep bọc thép và chìa bàn tay như chĩa con dao găm về phía Gabriel thì lúc này anh mới tìm thấy điểm giống nhau của hai cha con Shamron. Dáng đi nặng nề như người từ cõi chết trở về, cách bắt tay thật chặt và vỗ vai mạnh mẽ khiến Gabriel có cảm tưởng như mình bị đội quân Herodion tấn công.

Họ khởi hành dọc theo con đường số 1 - biên giới cũ giữa Đông và Tây Jerusalem. Chỉ cần đi 16 km về phía bắc là đến Ramallah, vị trí chiến lược của quân đội Palestine. Một trạm kiểm soát hiện ra ngay trước mắt họ. Phía đối diện là trại tỵ nạn Kalandiya, nơi mà mười ngàn dân Palestine sống chen chúc trong những căn nhà bằng gạch xỉ than chỉ trong vòng vài trăm mét vuông. Phía bên phải là những ngôi nhà mái đỏ xếp ngay ngắn bao quanh ngọn đồi nhỏ của khu dân cư Do Thái Psagot. Tấm chân dung lớn của A’one nổi bật với câu khắc bằng tiếng Arập: LUÔN BÊN BẠN.

Yonatan trỏ ngón tay cái ra phía ghế sau và nói, “Anh mặc mấy thứ đó vào đi”.

Nhìn qua vai Yonatan, Gabriel thấy một chiếc áo chống đạn cổ cao và mũ sắt quân sự. Gabriel đã không còn đội chiếc mũ đó kể từ khi tạm ngừng phục vụ quân đội Israel. Chiếc mũ quá khổ mà Yonatan đưa cho cứ sụp xuống mắt Gabriel. Yonatan nói. “Giờ anh giống một người lính thực thụ rồi đó”. Rồi anh ta bật cười. “À, mà chỉ gần như vậy thôi”.

Một lính bộ binh vẫy họ từ trạm kiểm soát, và khi nhận ra người ngồi sau tay lái, anh ta mỉm cười và nói, “A, Yonatan”. Giống như ở Văn phòng, kỷ luật trong quân ngũ Israel nổi tiếng lỏng lẻo. Họ thường chỉ chào nhau bằng tên mà không sử dụng bất kỳ nghi thức quân đội nào cả.

Qua tấm kính chống đạn mờ mờ, Gabriel quan sát khung cảnh xung quanh trạm kiểm soát. Hai người lính có vũ trang đang ra lệnh cho những người đàn ông cởi áo khoác ra và kéo áo sơ mi lên để kiểm tra xem họ có giấu bom trong người không. Phụ nữ cũng bị rà soát sau một rào chắn để tránh cái nhìn những cái nhìn tò mò. Bên ngoài trạm kiểm soát là một đoàn rồng rắn kéo dài cả trăm dặm. Gabriel nhẩm tính họ chắc phải đợi đến ba bốn giờ mới qua được trạm kiểm soát này. Những kẻ đánh bom tự sát đã gây ra quá nhiều điều bất hạnh cho cả hai bên Giới Tuyến Xanh này, mà chính những người Palestine hiền lành - những người công nhân mong tìm được việc ở Israel, những người nông dân tần tảo kiếm sống - lại phải khốn đốn.

Gabriel nhìn ra xa trạm kiểm soát, về phía hàng rào phân cách.

Yonatan hỏi. “Anh nghĩ thế nào?”

“Chắc chắn chẳng có gì tự hào rồi”.

“Tôi nghĩ đó không khác gì một vết nhơ cho đất nước tươi đẹp của chúng ta. Bức tường phân ly mới xây dài hơn nhiều so với bức tường đầu tiên. Giờ đây người dân cả hai bên thành lũy đều phải gánh chịu những điều bất hạnh. Nhưng tôi e rằng chúng ta không có sự lựa chọn nào khác. Nhờ tin tức tình báo chính xác chúng ta có thể ngăn được nhiều, nhưng không thể ngăn được tất cả các cuộc tấn công tự sát. Vì thế mà chúng ta phải xây bức tường này”.

“Nhưng đó không phải là lý do duy nhất để xây nó”.

“Đúng vậy”, Yanathan nói. “Khi bức tường được hoàn thành, nó sẽ cách ly chúng ta khỏi thế giới Arập. Đó là lý do khiến bọn chúng lo sợ. Âm mưu sâu sa của chúng là muốn gây xung đột với chúng ta, nhưng bức tường này sẽ cản trở chúng”.

Đại lộ số 1 rẽ sang quốc lộ 60. Đó là một dải nhựa đen phẳng lì chạy về phía bắc ngang qua những dãy nhà xám xịt của khu bờ Tây. Đã hơn ba mươi năm trôi qua kể từ lần cuối Gabriel ở Ramallah. Giống như bây giờ, ngày ấy anh cũng đi trên những chiếc xe bọc thép, đầu đội mũ quân đội Israel. Những năm đầu định cư nơi đây tương đối êm ả. Điều khó khăn duy nhất của Gabriel là làm sao bắt xe từ sở về nhà bố mẹ mình ở thung lũng Jezreel vào dịp cuối tuần. Cuộc sống của người Arập trên dải Bờ Tây được cải thiện đáng kể sau khi chấm dứt chế độ cai trị của người Gioócđan. Tương tự, người dân Israel cũng được hòa nhập vào nền kinh tế sôi động, có nước máy, điện và cả nền giáo dục. Tỷ lệ chết ở trẻ sơ sinh vốn ở mức cao nhất thế giới đã tụt xuống. Trình độ dân trí thuộc hàng thấp nhất thế giới cũng tăng một cách mạnh mẽ. Quân đội Israel hàng ngày phải đối mặt với những trò ném đá của lũ trẻ, nhưng đối với Gabriel, các hoạt động quân sự ở đây chỉ là những bài luyện tập nhàm chán.

“Vậy anh đến để gặp Người hết thời à?”. Câu nói của Yonatan cắt ngang dòng suy nghĩ của Gabriel.

“Cha anh đã giúp tôi sắp xếp cuộc gặp mặt này”.

“Một ông già bảy mươi lăm tuổi mà vẫn thích giật dây những con rối”. Yonatan vừa cười vừa lắc đầu. “Sao bố tôi không nghỉ ngơi và để yên mọi chuyện nhỉ”.

“Ông ấy gần như phát điên”, Gabriel nói. “Và mẹ cậu cũng thế. Nhân tiện, ông ấy nhờ tôi chào cậu. Ông ấy muốn cậu đến Tiberias phục vụ cho lực lượng Shabbat”.

“Tôi đang tại ngũ mà”, Yonatan nói ngay.

Tại ngũ có vẻ chỉ là lý do để Yonatan tránh phải liên quan nhiều đến cha mình. Gabriel cảm thấy miễn cưỡng khi phải tham gia vào các cuộc tranh luận của gia đình Shamron. Anh hiểu rằng người đàn ông luống tuổi đó đã bị tổn thương sâu sắc đến nhường nào bởi sự ghẻ lạnh của con cái mình. Gabriel cũng là tuýp người luôn nghĩ đến lợi ích của bản thân khi tham gia vào bất cứ việc gì. Nếu như Yonatan thường xuyên ở bên cạnh Shamron thì Gabriel có thể sẽ bớt được phần nào áp lực. Giờ đây, Gabriel lại sống ở Jerusalem thay vì ở Venice, nên Shamron có thể gọi cho anh bất kỳ lúc nào để trao đổi chuyện tầm phào ở Sở Nội vụ hoặc phân tích những tiến triển chính trị gần đây nhất. Gabriel cần khoảng không riêng cho mình. Yonatan có thể đóng vai trò như một người đỡ đạn thay anh.

“Bố anh muốn thường xuyên gặp anh, Yonatan”.

“Tôi chẳng thể nói chuyện với bố tôi lâu được”. Đang lơ đãng nhìn trên đường, chợt anh đưa mắt sang Gabriel. “Hơn nữa, ông ấy thích anh hơn”.

“Anh biết đó không phải là sự thật mà”.

“Thôi được rồi, tôi nói hơi quá. Nhưng chẳng khác sự thật là mấy. Chắc chắn ông ấy luôn coi anh như con trai của mình”.

“Cha anh là một người vĩ đại”.

“Vâng”, Yonatan nói, “và những người vĩ đại luôn nghiêm khắc với con cái”.

Gabriel thoáng thấy hai chiếc xe bọc thép xỉn màu chuyên chở nhân viên đậu phía trước xe họ ở góc đường. Yonatan nói. “Tốt nhất là đừng dại vào thị trấn mà không có một tấc sắt trong tay”. Họ nối đuôi nhau thành một đoàn và xe của Yonatan luôn ở giữa.

Dấu hiệu đầu tiên báo hiệu họ đã đến thành phố là dòng người Arập đi dọc cạnh đường quốc lộ. Những chiếc khăn trùm đầu phụ nữ bay phấp phới trong gió. Và rồi, thành phố Ramallah ảm đạm và xám xịt hiện lên giữa khung cảnh khô cằn. Con đường Jerusalem dẫn họ vào trung tâm thành phố. Mỗi khi xe vượt qua những cột đèn, Gabriel lại bắt gặp ánh mắt chòng chọc của những kẻ nổi tiếng là tử vì đạo. Nơi đây có những con đường được mệnh danh là con đường tử thần; những quảng trường, những khu chợ được coi là địa điểm chết. Một kiốt chuyên bán móc chìa khóa với hình dạng của những khuôn mặt thể hiện sự chết chóc. Một người Arập len lỏi giữa dòng người để chào bán những cuốn lịch có hình những kẻ tử vì đạo. Tấm áp phích mới nhất là một tấm hình quyến rũ của một cô gái trẻ đẹp, một thiếu nữ Arập đã đánh bom tự sát ở khu phố Ben Yehuda hai đêm trước.

Yonatan rẽ phải vào đường Broadcast và đi khoảng một dặm đến khi đụng rào chắn canh giữ bởi năm, sáu tay sĩ quan an ninh Palestine. Một lần nữa Ramallah lại chịu sự kiểm soát của Palestine. Gabriel đến đây theo lời mời của người đương nhiệm cao cấp, cũng giống như việc vào làng Sicilia dưới sự bảo trợ của một quý tộc ở vùng đó. Vì thế không có gì khó khăn khi Yonatan trình bày lý do đến Palestine với giọng Arập khá chuẩn.

Tay sĩ quan Palestine hỏi ý kiến cấp trên thông qua điện đàm trong vòng vài phút. Rồi anh ta gõ lên mui xe và vẫy họ tiến tới. “Chầm chậm thôi, Đại tá Shamron”, anh ta dặn dò. “Một vài tên đã trà trộn vào ngay cái đêm mà đội quân phòng vệ Egoz Battalion của Israel phá cổng và bắt đầu nã đạn khắp nơi. Chúng tôi không muốn nơi này lại có thêm những mối bất hòa nữa”.

Yonatan lái xe len qua mê lộ của các rào chắn bằng bê tông, sau đó nhẹ nhàng tăng tốc. Bên tay phải họ là bức tường thành bằng xi măng cao khoảng ba mét, bề mặt lởm chởm do hậu quả của các loại súng máy hạng nặng gây ra. Những nơi mà bức tường thành bị công phá trông như cái miệng rộng hoác với hàm răng khập khiễng. Lực lượng an ninh Palestine đi tuần quanh vành đai trên những chiếc xe tải không mui hay những chiếc xe jeep. Họ nhìn Gabriel và Yonatan một cách khiêu khích nhưng vẫn dằn vũ khí xuống. Yonatan đạp phanh ngừng lại trước lối vào. Gabriel cởi mũ và áo chống đạn ra.

Yonatan hỏi. “Anh sẽ ở đây bao lâu?”

“Tôi nghĩ điều này phụ thuộc vào cha anh”.

“Anh hãy chuẩn bị tinh thần cho một cơn thịnh nộ đi. Mấy ngày nay ông ta hay cáu bẳn lắm”.

“Ai có thể khiển trách ông ta về điều đó được chứ?”

“Anh nên nhớ ông ta chỉ có thể tự trách mình thôi”.

Gabriel mở cửa xe và bước ra. “Anh ở đây một mình có ổn không?”

“Không vấn đề gì”. Yonatan đáp lời. Sau đó anh ta vẫy chào Gabriel và nói. “Gửi lời chào của tôi tới ông ta nhé”.

Nhân viên an ninh người Palestine đón Gabriel tại thanh chắn của cổng. Hắn ta mặc bộ quân phục bằng vải dày màu nâu ô liu, đội mũ lưỡi trai cùng màu và đeo một miếng băng đen bên mắt trái. Hắn mở cổng chỉ đủ rộng để Gabriel bước qua và ra hiệu cho Gabriel tiến tới. Bàn tay hắn bị cụt ba ngón cuối. Phía bên kia cửa, Gabriel rà soát lại bởi hai nhân viên cảnh phục - một kiểu lục soát thô bạo và xâm phạm thân thể Gabriel trong khi gã Độc Nhãn đứng xem và nhe răng cười cứ như thể tất cả những chuyện này được sắp đặt để làm trò tiêu khiển cho hắn ta vậy.

Độc Nhãn tự giới thiệu hắn là Đại tá Kemel và dẫn Gabriel vào khu liên hợp. Đây không phải là lần đầu tiên Gabriel đặt chân đến căn cứ Mukata. Trong suốt thời gian bị đô hộ, nơi này là pháo đài của quân đội Anh. Sau Cuộc chiến Sáu ngày, quân đội Israel đã giành quyền kiểm soát pháo đài từ tay người Gioócđan và lập căn cứ chỉ huy ở khu vực Bờ Tây. Khi còn đang tại ngũ, Gabriel thường phải báo cáo nhiệm vụ tại nơi mà hiện giờ A’one sử dụng làm cơ quan đầu não của mình.

Văn phòng A’one nằm ở tòa nhà hai tầng vuông vức dựa vào thành lũy phía bắc của Mukata. Mặc dù bị hư hại nặng nhưng đây vẫn là một trong số ít những tòa nhà còn sót lại trong khu liên hợp. Ở hành lang, Gabriel lại tiếp tục bị lục soát lần thứ hai, lần này là một gã khổng lồ râu ria xồm xoàm trong bộ đồ trơn láng với khẩu tiểu liên chắc nịch vắt chéo ngay ngực.

Việc lục soát hoàn tất, tay bảo vệ gật đầu ra hiệu cho Đại tá Kemel, rồi đẩy Gabriel vào giữa một cầu thang hẹp. Đầu cầu thang, một tay nhân viên an ninh khác ngồi chễm chệ trên chiếc ghế hai chân khá bấp bênh. Hắn ta ném một cái nhìn hờ hững vào Gabriel sau đó tiến tới và gõ gõ lên cánh cửa gỗ. Một giọng đầy bực dọc ở phía bên kia cửa đáp. “Vào đi”. Đại tá Kemel mở khóa và dẫn Gabriel vào bên trong.

Văn phòng Gabriel bước vào không rộng hơn văn phòng của anh trên đại lộ King Saul là bao. Trong đó có một chiếc bàn gỗ nhỏ nhắn và một chiếc giường xếp nhỏ với một lượng lớn những tập kinh Koran bọc da nằm trên bao gối trắng được hồ cứng. Màn cửa bằng vải nhung nặng trịch che kín cửa sổ; một chiếc đèn bàn xuống một đống giấy tờ là nguồn sáng duy nhất trong phòng. Từng hàng những khung ảnh chụp Thủ lĩnh người Palestine cùng những người nổi tiếng được treo dọc trên bức tường bị bóng tối bao trùm. Trong số đó có cả tấm hình chụp chung với Tổng thống Mỹ - người đã đồng ý công nhận quyền tự trị một phần đất nước của A’one. Ông ta đã đền ơn bằng cách tấn công trại David và rút khỏi cuộc đàm phán hòa bình.

Phía sau bàn, một người nhỏ bé và có vẻ ốm yếu đang ngồi, đó chính là A’one. Ông ta mặc bộ quân phục được là ủi phẳng phiu và một chiếc khăn trùm đầu ca rô trắng đen. Như bao người khác, chiếc khăn đó che phủ bờ vai trái của ông ta và bó chặt phía trước ngực bộ quân phục của ông ta giống như hình dạng đất nước Palestine. Gabriel chợt nhận ra nó cũng khá giống đất nước Israel. Đôi tay ông ta run rẩy ra hiệu mời Gabriel ngồi xuống, môi dưới trễ hẳn xuống khi ông hỏi Gabriel có muốn dùng trà không. Dĩ nhiên Gabriel thừa biết rằng theo phong tục của người Arập, việc từ chối sẽ làm mọi việc không được suôn sẻ ngay từ lúc đầu, nên anh chọn một tách trà và thích thú quan sát A’one sai Đại tá Kemel đi lấy nước.

Khi còn lại hai người trong phòng họ chỉ im lặng nhìn nhau. Hình ảnh của cuộc chạm trán gần đây nhất chợt hiện về. Chuyện xảy ra tại phòng làm việc trong một căn hộ ở Manhattan. Tariq al-Hourani, kẻ chủ mưu gài bom bên dưới xe hơi của Gabriel ở Viên, cố tình ám sát A’one vì lầm tưởng ông đã phản bội Palestine. Trước khi chuồn khỏi căn hộ, Tariq nã một phát đạn vào ngực Gabriel khiến anh suýt thiệt mạng.

Giờ đây, ngồi đối diện A’one, vết thương nơi ngực anh lần đầu tiên nhói lên sau bao nhiêu năm. Ngoài trừ Shamron, có lẽ không còn ai ảnh hưởng đến cuộc đời của anh nhiều như A’one. Trong suốt ba mươi năm qua họ đã cùng nhau bơi trong một bể máu. Gabriel đã giết hầu hết những sĩ quan mà A’one tin tưởng nhất; A’one thì ra lệnh trả đũa Gabriel ở Viên. Liệu Leah và Dani là mục tiêu tấn công hay trái bom đó thực sự chỉ dành cho Gabriel? Gabriel luôn bị ám ảnh bởi câu hỏi này suốt mười ba năm qua. Tất nhiên là A’one thừa biết câu trả lời. Đó cũng là một trong những lý do khiến Gabriel nhận lời đề nghị của Shamron đến Ramallah.

“Shamron nói rằng cậu có chuyện hệ trọng muốn bàn với tôi”, A’one nói. Tôi đồng ý gặp cậu chỉ vì nể ông ta mà thôi. Chúng tôi trạc tuổi nhau. Lịch sử đã ném chúng tôi vào mảnh đất này, và thật không may là chúng tôi luôn đối đầu nhau ở hai bên chiến tuyến. Thỉnh thoảng, tôi có ưu thế hơn ông ta, nhưng đôi lúc ông ta lại thắng tôi. Giờ đây cả hai chúng tôi đều già cả rồi. Chỉ hy vọng rằng chúng tôi có thể thấy được dù chỉ vài ngày yên bình trước khi chết. Nhưng hy vọng của tôi có vẻ như khó thành hiện thực”.

Gabriel nghĩ, nếu sự thật là vậy, tại sao ông ta lại rút khỏi vòng đàm phán có thể đem đến cho ông ta một nhà nước ở dải Gaza và 97 phần trăm khu bờ Tây với thủ phủ là Đông Jerusalem? Tất nhiên Gabriel biết câu trả lời. Nó nằm ngay trên tấm khăn mang hình dáng đất nước Palestine khoác trên vai A’one. Ông ta muốn toàn bộ đất nước đó.

Gabriel không có cơ hội nói ra suy nghĩ đó của mình vì Đại tá Kemel đã quay lại với một chiếc khay bạc và hai tách trà. Viên Đại tá ngồi xuống và nhìn chằm chằm vào Gabriel với con mắt còn lại. A’one giải thích rằng viên phụ tá rành tiếng Do Thái cổ này sẽ giúp ích cho cuộc đối thoại. Gabriel chỉ hy vọng gặp một mình A’one nhưng có lẽ có thêm thông dịch viên thì tốt hơn. Tiếng Arập của Gabriel dù khá trôi chảy nhưng vẫn không biểu lộ được sắc thái hoặc đủ linh hoạt để đấu khẩu với một người như A’one.

A’one run run đặt tách trà xuống đĩa và hỏi Gabriel lý do anh đến Ramallah. Gabriel trả lời một cách đơn giản. “Khaled”. Đúng như Gabriel dự đoán, trả lời bằng một từ cộc lốc đó khiến A’one sững sờ trong giây lát.

“Khaled sao?”. A’one lặp lại và nhanh chóng lấy lại thăng bằng. “Tôi biết nhiều người tên Khaled. Tôi e rằng đó là một cái tên phổ° biến ở Palestine. Anh cần phải nói rõ hơn”.

Giả bộ lờ đi, Gabriel biết rõ đó là một trong các kỹ năng đàm phán ưa thích của A’one. Gabriel đi thẳng vào vấn đề.

“Người tên Khaled tôi đang tìm kiếm là Khaled al-Khalifa thưa Chủ tịch A’one”.

Viên Đại tá người Palestine sửa lại. “Tổng thống A’one chứ”.

Gabriel gật đầu hờ hững hỏi. “Khaled al-Khalifa đang ở đâu?”

Làn da đồi mồi trên khuôn mặt A’one bỗng biến sắc và môi dưới của ông ta bắt đầu mấp máy. Gabriel nhìn xuống và nhâm nhi tách trà của mình. Chỉ cần liếc nhìn, anh cũng nhận thấy tay Đại tá Kemel cũng nhấp nhổm trên ghế ngồi. Chỉ đến khi bắt đầu nói, A’one mới lấy lại được vẻ điềm tĩnh của mình.

“Theo tôi hiểu thì cậu đang ám chỉ đến con trai của Sabri al-Khalifa phải không?”

“Và nếu tôi không lầm thì giờ đây cậu ta đã là con trai của ông”.

A’one sửa lại “Con trai nuôi của tôi, vì cậu đã giết cha của nó”.

“Cha của cậu ta bị giết ngoài trận mạc”.

“Ông ta bị giết trong vũng máu lạnh trên đường phố Paris”.

“Chính Sabri đã biến Paris thành một bãi chiến trường dưới sự ủng hộ của ông, thưa ngài”.

Không gian chìm vào im lặng. A’one dường như tìm sự cẩn trọng trong lời nói của mình hơn. “Tôi biết rằng một ngày nào đó cậu sẽ đến buông lời khiêu khích Khaled để trừ khử nó. Đó là lý do tại sao sau đám tang của Sabri, tôi đã gửi đứa trẻ đó đi xa khỏi nơi này. Tôi cho nó một cuộc sống mới và nó đón nhận điều đó. Tôi không gặp cũng không nghe được bất cứ điều gì về Khaled nữa kể từ khi nó trưởng thành”.

“Chúng tôi có bằng chứng chứng tỏ Khaled al-Khafifa có liên quan đến vụ tấn công vào tòa đại sứ của nước tôi tại Rome”.

A’one gạt phăng. “Không hề có chuyện đó”.

“Vậy nếu Khaled không liên can gì đến Rome, chắc ông không phiền cho chúng tôi biết có thể tìm thấy cậu ta ở đâu chứ”.

“Như tôi đã nói, tôi không biết hiện giờ Khaled ở đâu”.

“Hiện giờ cậu ta tên gì?”

A’one mỉm cười đầy hàm ý. “Tôi đã đi một chặng đường dài để bảo vệ đứa trẻ khỏi cậu và Sở tình báo đầy hận thù của cậu. Điều gì khiến cậu nghĩ tôi sẽ nói nơi ở của Khaled? Cậu nghĩ tôi giống như tông đồ Judas Iscariot, sẵn sàng đem trao con trai tôi cho cậu phán xét và hành quyết ư?”. A’one lắc đầu nhè nhẹ. “Tôi biết có rất nhiều kẻ phản bội trong nội bộ của mình, nhiều người đang làm việc tại Mukata này, nhưng tôi không phải là một kẻ trong số chúng. Nếu cậu muốn tìm Khaled, cậu hãy tự đi mà”.

“Có một cuộc tấn công vào nhà trọ ở Milan ngay sau vụ nổ bom. Một trong những người đàn ông trốn ở đó tên là Daoud Hadawi, một người Palestine từng là thành viên trong đội cận vệ của ông”.

“Cậu cứ nói tiếp đi”.

“Tôi rất cảm kích nếu có được một bản hồ sơ cá nhân của Hadawi”.

“Có đến vài trăm người làm việc cho Đội cận vệ đó. Nếu người đàn ông đó…”. “A’one ngập ngừng. “Tên anh ta là gì nhỉ?”

“Daoud Hadawi”.

“À, vâng, Hadawi. Nếu anh ta từng phục vụ trong Đội cận vệ và nếu chúng tôi vẫn còn giữ hồ sơ cá nhân của anh ta, tôi sẽ vui lòng đưa nó cho cậu. Nhưng chúng tôi không có nhiều thời gian rảnh rỗi đến thế”.

“Vậy ư?”

“Để tôi làm rõ điều này”, A’one nói. “Chúng tôi, những người Palestine chẳng hề dính líu gì đến cuộc tấn công vào tòa đại sứ nước cậu ở Rome cả. Có thể là lực lượng Hezbollah hoặc Osama. Hoặc cũng có thể là những kẻ phát xít mới. Có Thánh Allah mới biết được đó là ai, vì đất nước cậu có quá nhiều kẻ thù”.

Gabriel chống tay lên thành ghế và chuẩn bị đứng dậy. A’one đưa tay lên. “Khoan đã, Jibril”, ông ta nói sử dụng tên gọi của Gabriel theo cách nói của người Arập. “Đừng đi vội. Hãy ở lại đây thêm một lát nữa”.

Trong một giây, Gabriel dịu lại. A’one loay hoay với chiếc khăn trùm đầu rồi ra lệnh cho Đại tá Kemel ra ngoài để họ ở lại một mình bằng tiếng Arập.

“Cậu còn chưa đụng đến tách trà nữa, Jibril. Cậu muốn dùng thêm gì không? Một chút đường chăng?”

Gabriel lắc đầu. A’one khoanh tay lại và chăm chú nhìn Gabriel rồi mỉm cười. Ở Gabriel có điểm gì đó khác biệt khiến A’one thích thú.

“Tôi biết những gì cậu đã làm cho tôi ở New York vài năm về trước. Nếu không có cậu, Tiriq đã giết chết tôi trong căn hộ đó. Đến một lúc nào đó, có thể cậu lại ước giá như hắn mưu sát thành công”. A’one nở một nụ cười chua chát. “Ai biết được! Một lúc nào đó biết đâu lại là cậu, Jibril, đứng đó với khẩu súng trong tay”.

Gabriel không đáp lại. Giết A’one chăng? Những tuần sau sự kiện ở Viên, anh luôn bị ám ảnh bởi phần da thịt hóa than của vợ và cơ thể bầm nát của đứa con trai. Đúng là rất nhiều lần anh đã nghĩ đến chuyện giết A’one. Trong tận sâu thẳm tâm hồn, anh ao ước điều đó dù phải đổi cả mạng sống của mình.

“Thật lạ, Jibril à, nhưng đã có một thời gian ngắn chúng ta trở thành những đồng minh, cậu và tôi. Cả hai chúng ta đều muốn hòa bình, đều cần hòa bình”.

“Có phải ông muốn hòa bình không, hay đó chỉ là một phần trong chiến lược của ông để hủy diệt Israel và thâu tóm toàn bộ dải đất này?”

Lần này là đến lượt A’one không đáp lại câu hỏi đó cứ lơ lửng trong không trung.

“Tôi nợ cậu mạng sống này, Jibril, và vì vậy tôi sẽ giúp cậu. Không có ai là Khaled cả. Khaled chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của cậu mà thôi. Nếu còn tiếp tục săn đuổi nó, cậu sẽ để những kẻ sát nhân thực sự trốn thoát”.

Gabriel đứng bật dậy, kết thúc cuộc gặp mặt. A’one bước đến và đặt tay lên vai Gabriel. Các thớ thịt của Gabriel như bốc cháy nhưng anh không thể làm gì để dứt ra khỏi cái siết chặt đó.

“Tôi vui vì cuối cùng chúng ta đã chính thức gặp nhau”, A’one nói. “Nếu tôi và cậu có thể ngồi cùng nhau trong hòa bình, có lẽ sẽ mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp hơn cho tất cả chúng ta”.

“Có lẽ thế”, Gabriel nói, dù rằng giọng nói của anh lộ rõ vẻ không tin tưởng vào điều đó.

A’one buông Gabriel ra và tiễn anh ra cửa, đột nhiên ông dừng lại. “Cậu làm tôi ngạc nhiên đấy Jibril”.

“Sao lại thế?”

“Tôi đã nghĩ rằng cậu sẽ nhân cơ hội này để làm sáng tỏ mọi chuyện xảy ra ở Viên”.

Cố ý che giấu sự thật về số phận hiện tại của Leah, Gabriel nói với A’one. “Ông đã giết vợ và con trai tôi. Tôi không nghĩ là chúng ta cần làm sáng tỏ chuyện này thêm nữa”.

A’one lắc đầu. “Không, Jibril, tôi không giết họ. Tôi đã lệnh cho Tariq giết cậu để trả thù cho Abu Jilhad. Tôi dặn dò hắn kĩ càng rằng không được phép đụng đến gia đình cậu”.

“Sao ông lại yêu cầu như thế?”

“Bởi vì cậu xứng đáng được điều đó. Cậu xử sự rất đúng mực vào cái đêm ở Tunis. Phải, cậu đã giết Abu Jihad, nhưng cậu không hề làm hại đến vợ con anh ta. Thực sự thì trước khi thoát ra khỏi ngôi biệt thự đó, cậu đã dừng lại để an ủi con gái của Abu Jihah và dặn nó chăm sóc mẹ. Cậu còn nhớ không Jibril?”

Gabriel nhắm mắt lại và gật đầu. Khung cảnh ở Tunis luôn ám ảnh anh mỗi đêm, giống như vụ đánh bom ở Viên.

“Tôi thấy cậu chỉ nên bị trừng phạt giống như những gì Abu Jihad đã phải nhận. Đó là cái chết của một người lính dưới sự chứng kiến của vợ và con cậu. Tariq đã không đồng ý với tôi về điều này. Hắn ta thấy rằng cậu đáng chịu một sự trừng phạt khắc nghiệt hơn nữa, đó là chứng kiến vợ con mình chết. Vì vậy hắn ta đã lên kế hoạch đặt bom xe họ và sắp xếp vụ nổ xảy ra dưới sự chứng kiến của cậu. Vụ ở Viên là do Tariq làm, không phải là chủ mưu của tôi”.

Điện thoại trên bàn A’one rung lên, xé toang ký ức của Gabriel về Viên như một con dao rọc ngang bức tranh sơn dầu vậy. A’one quay ngoắt lại bàn điện thoại và để Gabriel tự ra về. Đại tá Kemel đang chờ ngay đầu cầu thang. Ông ta lặng lẽ dẫn Gabriel qua khu đổ nát của Mukata. Một luồng sáng chói chang đập vào mắt anh khi bước ra màn tối u ám của văn phòng A’one. Bên ngoài cánh cổng gẫy, Yonatan đang chơi bóng cùng một số lính canh người Palestine. Họ leo lên chiếc xe bọc thép và lái xuyên qua các con đường tử thần. Vừa rời khỏi Ramallah, Yonatan hỏi Gabriel xem liệu anh có lấy được tin tức gì hữu ích không.

Gabriel nói một cách chắc chắn. “Khaled al-Khalifa đã đánh bom tòa đại sứ của chúng ta ở Roma”.

“Còn gì nữa không?”

Gabriel nghĩ là còn. Chính A’one đã đích thân ra lệnh cho Tariq al-Hourani giết vợ và con trai mình.