Ngay ngày hôm sau, Hòa Thân không bỏ lỡ thời gian, bắt đầu bắt tay vào cải cách xưởng dệt Tô gia. Hắn biết muốn đưa xưởng dệt toàn diện hiện đại hóa trong một thời gian ngắn là chuyện không tưởng, dục tốc bất đạt, phải tiến hành từ từ từng bước, mục tiêu của Hòa Thân không dừng lại ở mỗi xưởng dệt Tô gia, lý tưởng cao nhất của hắn là dùng xưởng dệt Tô gia làm cơ sở, từng bước đưa nó lên thành ngành công thương nghiệp chủ chốt, thúc đẩy triều đình sửa đổi chính sách “Trọng nông khinh thương” tồn tại suốt mấy ngàn năm phong kiến, chỉ khi thương nghiệp phát triển, quốc gia giàu mạnh mới không bị các nước phương Tây và Nhật Bản xem thường, những lời này Hòa Thân không nói với Tô Kỳ Nhi, hắn nghĩ dù có nói thì Tô Kỳ Nhi cũng sẽ không hiểu.
Bước đầu tiên Hòa Thân làm chính là thay đổi cục diện các cơ sở chi nhánh hoạt động độc lập như trước kia, phải đưa mọi thứ về một chỉnh thể kết hợp chặt chẽ, bảo đảm lớn nhất tinh thần đoàn kết và năng lực phối hợp tác chiến của họ. Để đạt được mục đích, Hòa Thân vận dụng kiến thức quản lý doanh nghiệp thời hiện đại, tiến hành điều chỉnh các vị trí của xưởng dệt Tô gia, trước tiên hắn tự bổ nhiệm mình làm tổng giám đốc, Tô Kỳ Nhi là trợ lý giám đốc, bên dưới có văn phòng trực thuộc tổng giám đốc, nhân viên do Tô Kỳ Nhi tiến cử căn cứ theo kinh nghiệm, sau đó Hòa Thân sát hạch kỹ mới thông qua. Chức trách của văn phòng tổng giám đốc là truyền đạt chỉ thị cao nhất của Hòa Thân và phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cơ sở thuộc xưởng dệt Tô gia, dưới văn phòng tổng giám đốc lại lập ra 5 phòng ban, gồm phòng tài vụ, phòng kinh doanh, phòng kỹ thuật, phòng nhân sự và phòng bảo vệ, mỗi phòng ban có một trưởng phòng và hai phó phòng chỉ huy thành viên, các trưởng phòng trực tiếp báo cáo chịu trách nhiệm với tổng giám đốc Hòa Thân.
5 phòng ban được lập ra, thêm vào Hòa Thân ra sức tuyên truyền nên không cần đến thời gian nửa tháng, cả xưởng dệt Tô gia đều hăm hở tiếp nhận phương pháp đổi mới của hắn, ngày thường xưng hô Lão Vương, Tiểu Lưu, Trương thúc, nay hễ gặp mặt là trở thành Vương trưởng phòng, kế toán Lưu và Trương chủ nhiệm.
Chỉ trong thời gian ngắn những kỳ tích của xưởng dệt Tô gia đã lan truyền khắp thành Nam Kinh, tiếp theo liền có không ít thương buôn bắt chước làm theo.
Người cổ đại không hề ngốc, ngược lại còn có nhiều điểm vượt qua cả người hiện đại, nhất là tinh thần học hỏi cái mới lạ, chỉ trong vòng hai tháng ngắn ngủi, không ít thương buôn ở Nam Kinh và những địa phương xung quanh đều nhận ra cách quản lý của Hòa Thân hiệu quả hơn cách của họ trước kia, thế là ngoài bắt chước cách làm của xưởng dệt Tô gia, một vài nhà xưởng quy mô lớn thậm chí còn đột phá sáng tạo thêm cho phù hợp với điều kiện cá nhân, giống như Hàng Châu có mấy vườn trà, Trấn Giang có xưởng thêu và mấy ruộng muối lớn ở Tô Châu, bên dưới sở hữu nhiều cơ sở nên cách quản lý càng chi tiết hơn nhiều.
Tình hình phát triển theo hướng này Hòa Thân cũng không ngờ tới, giờ đây đúng thật vừa mừng vừa lo, mừng vì người xưa biết trân trọng kiến thức ưu việt, lo lắng vì nếu tiếp tục phát triển nhất định sẽ truyền đến tai triều đình. Một khi lão già Càn Long truy cứu thì Hòa Thân khó trốn tránh tai họa, xưởng dệt Tô gia tất nhiên cũng theo hắn trở thành vật hy sinh. Hòa Thân hiểu mình chỉ thay đổi một xưởng dệt, nhưng cách làm của hắn là ý đồ thay đổi cả hệ tư tưởng phong kiến, bản thân hắn đang đóng vai một nhà cách mạng đúng nghĩa.
Trong lịch sử phàm là cải cách, dù thành công hay thất bại, sau cùng đều phải có đổ máu hy sinh, vì thế lần cải cách này của hắn cũng tuyệt đối không được tiến hành trong điều kiện hòa bình. Lúc mới bắt đầu thực hiện, Hòa Thân bị kiến thức lịch sử thời còn đi học gây nhầm lẫn, ấn tượng về xã hội phong kiến của hắn là những người sống trong thời đại này đều bị tư tưởng đạo lý luân thường ăn sâu vào não, bởi thế họ là những kẻ ủng hộ mù quáng cái cũ, cái gì mà “Chết là chuyện nhỏ, thất tiết mới là chuyện lớn”, nhưng từ lúc xuyên việt đến nay, Hòa Thân nhận ra điều mà lão bá tánh quan tâm nhất là vấn đề cơm no áo ấm, còn đạo lý cứng nhắc bị gạt sang một bên.
Thật ra điều đó hoàn toàn dễ hiểu, con người một khi đói bụng thì chuyện gì cũng có thể làm, như ở Tứ Xuyên xảy ra nạn đói, người ăn thịt người, Sơn Đông dân nghèo tạo phản, Hồ Bắc nông nô tụ tập đối kháng địa chủ, chỉ vì một miếng cơm người ta không sợ cả tội mưu phản chu di cửu tộc, mạng sống còn không màng tới thì mớ đạo lý giáo điều còn tác dụng gì chứ?
Thế nên Hòa Thân cảm thấy mối đe dọa của hắn sau này không phải xã hội phong kiến, mà là lão già ngoan cố Càn Long xa tận Bắc Kinh, tạm nói sang chuyện cũ, thân phụ của Càn Long hoàng đế Ung Chính gia chính là nhà cải cách mạnh nhất trong lịch sử, phế bỏ nhiều luật lệ lạc hậu, đặc quyền đặc lợi của nhiều địa chủ quan lớn, có sắc lệnh cải cách nào của Ung Chính không vấp phải sự phản đối của số đông giai cấp thượng lưu chứ? Nhưng chúng chỉ biết tìm chỗ không người nguyền rủa, có kẻ nào dám lớn tiếng chỉ trích Ung Chính đâu. Hà Nam có Điền Văn Kính kiên quyết thi hành chính sách mới của Ung Chính, Lưỡng Giang có Lý Vệ âm thầm thu thập tình báo giúp Ung Chính trừ khử những kẻ chống đối, mặt khác lại trăm phương nghìn kế gom tiền giúp Ung Chính. Bên cạnh Ung Chính, văn có Trương Đình Ngọc trung thành mưu lược, võ có lão thập tam Duẫn Tường nắm trọng binh trấn giữ Bắc Kinh, Ung Chính có từng sợ ai, có từng thỏa hiệp du di với ai?
Hòa Thân càng suy nghĩ càng ngộ ra một đạo lý, lần này hắn xuyên việt đến triều Đại Thanh, có thể gầy dựng nghiệp lớn hay không quan trọng nhất là đối phó lão Càn Long kia thành công hay thất bại. Muốn đối phó với hoàng đế, từ trước đến nay chỉ có một cách tốt nhất, không ngoài một chữ “Binh”.
Năm xưa Ung Chính tranh đoạt ngôi vị với Bát a ca, phe cánh bát a ca chiếm trọn ưu thế, nhưng sau cùng lại thất bại thảm hại, hết tên này đến tên khác bị giam cầm hóa điên hoặc bay đầu, suy cho cùng chỉ vì không biết nắm chặt binh quyền trong tay. Trong lịch sử phong kiến vài ngàn năm không thiếu các dẫn chứng, dù kế hoạch chu toàn đến đâu, dù bên cạnh có nhiều mưu sĩ thần cơ diệu toán đi chăng nữa, dù chiếm trọn thiên thời địa lợi nhân hòa, nếu trong tay không có binh quyền thì đố thành đại sự được, sau cùng chỉ chuốc họa sát thân mà thôi.
Trước mắt Hòa Thân chỉ cất giấu mấy trăm khẩu đại pháo và huấn luyện vài trăm thân binh, nhìn có vẻ khí thế nhưng với chút ít lực lượng đó đem đấu với mấy mươi vạn quân chính quy của Đại Thanh thì chẳng khác nào châu chấu đá xe rồi.
Càng nghĩ càng bực bội, Hòa Thân nghiến răng mắng chửi: “Mặc kệ, cứ đi bước nào tính bước đó, dồn ta vào đường cùng thì liều chết một phen với lão già Càn Long vậy!” Chủ ý đã định, Hòa Thân bắt đầu tập trung vào phát triển đội quân tâm phúc của mình, thời gian còn lại hắn dồn sức củng cố nền tảng kinh tế thông qua xưởng dệt Tô gia.
Nhằm phát triển lớn mạnh thêm, Hòa Thân đích thân lựa chọn một số người đi Quảng Châu, Hàng Châu, Tô Châu học tập kỹ thuật tiên tiến của nghề thêu, mặt khác lại phái người đến các nơi mở rộng kinh doanh, tất nhiên cũng bao gồm tiếp xúc với người Tây đang ở Trung Quốc. Mấy tháng trôi qua, thành tích thu về rất khả quan, xưởng dệt Tô gia dưới sự quản lý của Hòa Thân lớn mạnh hơn trước gấp nhiều lần… Đồng thời những động thái của Hòa Thân cũng được mật sứ khắp nơi truyền về Bắc Kinh, lọt đến tận tai Càn Long.
Huyết Tu La
Hòa Thân Tân Truyện
Tác giả: Độc Cô Hắc Mã
-----oo0oo-----