Họa Quốc

Quyển 2 - Chương 97




Khương Trầm Ngư đợi một lúc, không kìm được lại đập cửa: “Tiết Thái, Tiết Thái, ngươi có nghe thấy không? Ngươi có nghe thấy ta nói không? Ngươi đã lên kế hoạch lâu như thế, còn ép ta phải làm hoàng đế, để dọn đường cho quan hệ giữa chúng ta, sao lại có thể dừng lại ở đây? Ngươi không thích ta sao? Hãy cưới ta đi! Cưới ta đi!”.

“Không kịp nữa rồi!”. Giọng Tiết Thái vô cùng vô cùng khản đặc, khản đến mức khiến người ta cảm thấy dây thanh đới của hắn có thể đứt bất cứ lúc nào.

Khương Trầm Ngư mặt trắng bệch như tờ giấy: “Gì cơ?”.

“Nàng còn nhớ cái lần Hy Hòa chết đó không, ta dùng chăn chụp lên đầu nàng, không cho nàng nhìn? Lần này... cũng như thế...”.

Khương Trầm Ngư run rẩy lảo đảo đứng dậy: “Tiết Thái, ngươi, ngươi sao thế? Bộ dạng của ngươi bây giờ... rất đáng sợ sao?”.

“Đúng thế. Cho nên, nàng không thể nhìn. Nếu như nàng thấy... cả đời này sẽ toàn mơ ác mộng, hơn nữa mỗi lần nhớ đến lại là một lần đau khổ. Còn ta, tuyệt đối không thể để lại nỗi đau khổ này cho nàng. Cho nên...”. Tiết Thái nhẹ nhàng nói với nàng, bằng giọng điệu dịu dàng mà nàng chưa từng được nghe: “Không được nhìn. Trầm Ngư, không được nhìn”.

“Tiết Thái...”.

“Ta đã nói hết, nàng... đi đi”.

“Tiết Thái”. Nước mắt đầm đìa trên gương mặt Khương Trầm Ngư.

Tiếng bước chân lạo xạo, loáng thoáng truyền tới từ đầu bên kia cánh cửa, sau đó, câu nói cuối cùng của Tiết Thái vang lên: “Thực ra, hôm nay nàng có thể đến đây thăm ta, ta thật sự... rất vui”.

Sợi dây cuối cùng ở nơi sâu thẳm cõi lòng nàng cũng vì câu nói này mà đứt phựt, Khương Trầm Ngư chỉ cảm thấy mắt mình bỗng dưng nhòe đi, sau đó, sương mù dày đặc màu đỏ như máu tươi bao phủ, che hết tất cả cảnh vật trước mắt.

Nàng ngất đi.

Đến khi Khương Trầm Ngư tỉnh lại, trên mắt đã bị băng một dải lụa, có thể lờ mờ cảm thấy mình đang ở trên xe ngựa, bánh xe lăn lộc cộc, chòng chành lắc lư.

Nàng sờ dải lụa: “Chuyện gì thế?”.

Bên cạnh, giọng nói của Giang Vãn Y vang lên dịu dàng: “Hoàng thượng, bệnh mắt của người tái phát, lần này tương đối nghiêm trọng, cho nên phải điều trị cẩn thận. Hơn nữa... Tiết tướng dặn dò chúng thần đưa người về kinh, cho nên, bây giờ người đang trên đường về kinh.”

“Muội không đi!”. Khương Trầm Ngư giãy lên muốn ngồi dậy: “Muội không đi, muội phải nói chuyện với Tiết Thái, muội còn phải...”.

“Tiết tướng chết rồi!”. Giang Vãn Y lạnh nhạt nói một câu, nàng run lẩy bẩy.

“Huynh... nói gì?”.

“Sau khi hoàng thượng ngất, Tiết tướng vô cùng lo lắng, dặn dò chúng thần đưa người về kinh, nhưng dặn dò được một nửa thì không nghe thấy tiếng nữa, chúng thần vội vàng phái người vào trong, thì phát hiện Tiết tướng đã... ngừng thở”.

“Cũng có nghĩa là... đến nhìn mặt hắn lần cuối muội cũng không được nhìn?”. Có lẽ vì không nhìn thấy gì, nên KhươngTrầm Ngư trở nên yên tĩnh, không còn kích động nóng nảy như lúc đập cửa nữa.

Giang Vãn Y nhìn nàng một cách thương xót, “ừ” một tiếng.

Cả người Khương Trầm Ngư không hề nhúc nhích.

Giang Vãn Y nhẹ nhàng cầm tay nàng, khẽ nói: “Nếu muốn khóc thì cứ khóc đi”.

“Muội không khóc”.

“Hoàng thượng...”.

“Muội không thể khóc. Mắt của muội đang đắp thuốc, nếu muội khóc, nước mắt sẽ làm trôi hết thuốc”. Khi Khương Trầm Ngư nói câu này, giọng nói vẫn còn run rẩy, nhưng biểu cảm đã bình tĩnh đến mức đáng sợ.

Giang Vãn Y sờ lên dải lụa băng mắt nàng: “Ba ngày sau là được tháo băng, hoàng thượng có thể nhìn thấy trở lại”.

“Muội biết rồi. Cho nên, muội không khóc”. Khương Trầm Ngư cầm tay hắn, giống như đang nắm chặt chỗ dựa cuối cùng của mình, nói từng tiếng một: “Muội sẽ mau chóng khỏe trở lại, sau đó, muội sẽ đích thân đưa tiễn Tiết Thái. Truyền ý chỉ của trẫm, hỏa táng thi hài của Tiết tướng thành tro, rồi lấy tro cốt cho vào hộp, mang về đế đô. Trẫm sẽ đích thân chủ trì đại tang cho Tiết Thái!”.

Ánh mặt trời mùa đông chiếu xuyên qua cửa sổ rọi lên gương mặt nàng. Tuy đôi mắt không nhìn thấy gì, nhưng khóe môi cương nghị, cái cằm xiết chặt, không điểm nào là không bộc lộ quyết tâm và ý chí của vị nữ vương này.

Trong lòng Giang Vãn Y bỗng trào dâng một niềm kính trọng, hắn không nói thêm gì nữa.

Năm Lê Yến thứ năm, thừa tướng Tiết Thái nhận đế mệnh đến bảy thành trì xử lý dịch bệnh, không may nhiễm bệnh, chết ở Hàn Cừ. Hoàng đế nghe tin chảy nước mắt, lệnh hỏa táng di thể thừa tướng, đưa tro cốt về kinh.

Ngày mùng một tháng mười hai, hoàng đế đích thân chủ trì tang lễ cho thừa tướng.

Ngày thừa tướng nhập thổ, tuyết rơi nhiều như khóc, cả nước đau buồn.

Hoàng đế mất đi cánh tay phải, bệnh nặng, ba tháng sau băng hà, truyền ngôi cho thái tử Tân Dã, lệnh cho tiền thừa tướng Khương Trọng, tiền quý tần Cơ Hốt phò tá thái tử, đổi quốc hiệu thành Bích, niên hiệu Tân Bình.

Người đời sau để phần biệt, gọi giai đoạn trước triều Lê là Tiền Bích, sau triều Lê là Tân Bích.

Bức tranh mỹ nhân treo trên tường, xiêm áo bị gió thổi phấp phới, tựa như sắp bước từ trong tranh ra.

Nhưng vì ngày ngày dãi gió dầm mưa, nên có những chỗ đã bắt đầu ố vàng, khiến nàng vừa cao ngạo, cách biệt nhân thế, lại vừa thêm vài phần tịch liêu không thê tả xiêt.

Bức tranh này treo trên một tửu lâu hai tầng có tên là “Long Phượng lâu”, tọa lạc trên con phố phồn hoa nhất Nghi quốc. Còn ông chủ của tửu lâu này không phải ai khác chính là Nghi vương.

Từ hai năm trước, sau khi chàng treo bức tranh này lên, chặn đứng tâm tư muốn mai mối của một số đại thần, cũng thu hút được vô số văn nhân tao khách đến đây, bọn họ người thì muốn đến xem Hy Hòa phu nhân trong truyền thuyết rốt cuộc trông như thế nào, người thì muốn đến so sánh nàng ta với nữ quyến trong nhà mình... Người người đều nghe nói về một bức tranh như thế, người người đều chạy đến đó ăn cơm. Tóm lại, hành động này của Hách Dịch không những thành công trong việc từ chối hôn sự của mình, còn kiếm được bộn tiền.

Nhưng cũng hoàn toàn trì hoãn hôn sự của chàng. Đến nỗi khi người Nghi quốc nhắc đến hoàng đế của mình, đều tỏ vẻ lo lắng: “Ngươi nói xem hoàng đế của chúng ta tuổi có còn nhỏ đâu mà vẫn còn kén cá chọn canh như thế. Sao không chịu tìm một nữ nhân để ổn định chứ?”.

“Ngươi thì biết gì, bây giờ hoàng đế ngài muốn đi đâu thì đi đấy, muốn làm gì thì làm nấy, không có ai quản tốt biết bao nhiêu. Hơn nữa tuy ngài không lấy vợ, nhưng hồng nhan trí kỷ, một đêm phong lưu chắc chắn là vô số, hi hi, đây mới là cảnh giới cao nhất của nam nhân: Có quyền, có tiền, có nữ nhân, còn có tự do!”.

“Nhưng không có con cái nối dõi thì vẫn không ổn”.

“Sợ cái gì chứ, chúng ta còn có tiểu công tử. Dù sao hoàng thượng quanh năm suốt tháng cũng không ở đế đô, nếu không có tiểu công tử, ngài có thể thoải mái như thế không?”.

“Cũng đúng. Tiểu công tử thật sự rất lợi hại... Đúng rồi, năm nay ngài cũng mười sáu tuổi rồi đúng không? Cũng có thể thành gia rồi nhỉ? Ngươi nói xem, ở Nghi quốc chúng ta, thiên kim tiểu thư của nhà nào có thể xứng với tiểu công tử?”.

“Ồ, cái này ấy mà, phải suy nghĩ cho thật kỹ...”.

Những cuộc thảo luận kiểu này có khắp trong các tửu lâu, lọt vào tai một người nào đó, y liền không nhịn được mỉm cười?

Người này thân khoác áo khoác màu đen, đi lên cầu thang vội vã lên tầng hai, đến trước bức tranh.

Nữ tử trong tranh đứng trước chiếc gương đồng, dáng người cực kỳ thướt tha yểu điệu, mái tóc như mây bay lãng đãng, còn trong gương đồng lại có thể nhìn thấy gương mặt của nàng - mày đậm môi son, không phải là nhan sắc của nhân gian.

Bức tranh này truyền từ Tiết Thái đến Hách Dịch, giúp hai nam tử xuất sắc từ chối hôn sự, vì thế có thể thấy nó được vẽ đẹp đến nhường nào.

Thế nhưng, người thân khoác áo choàng đen đó đứng trước bức tranh, nhìn thần thoại do tự tay mình vẽ ra, lại hiểu một cách sâu sắc rằng, thứ nàng vẽ ra chẳng được đến bảy phần của Hy Hòa phu nhân.

Có lẽ do nàng đứng nhìn chăm chú trước bức tranh quá lâu, cho nên đã thu hút sự chú ý của vài người khách:

“A? Ngươi xem, lại có người ngơ ngẩn trước bức tranh đó”.

“Đừng nhìn nữa, năm nào chẳng có bao nhiêu thằng ngốc như thế, có phải hiếm thấy đâu...”.

“A! Nhìn kìa!”.

“Có cái gì hay mà nhìn...”.

“Mau nhìn mà xem! Người đó gỡ bức tranh xuống rồi!”.

“Cái gì? Giữa thanh thiên bạch nhật, lại có người dám trộm tranh!”.

Khách khứa trong tửu lâu nhốn nháo cả lên, nhìn lên tiêu điểm của tầng hai, đoán xem kẻ nào không sợ chết dám lấy bức tranh đó xuống.

Nhưng từ góc nhìn của bọn họ, chỉ thấy người áo choàng đen đó kín mít từ đầu đến chân, không hở ra một chút da thịt.

Ngay tức khắc có tiểu nhị xông lên lầu chuẩn bị bắt giữ y. Nhưng lúc này, người áo đen nói một câu: “Nghe nói, muốn gả cho Nghi vương bệ hạ, phải đẹp hơn người trong tranh, đúng không?”.

Giọng nói nhỏ nhẹ dịu dàng, linh động như khói, triền miên như nước, lại ngân vang như chuông.

Nữ nhân?

Tất cả mọi người có mặt đều ngẩn ra, tiểu nhị cũng đứng yên tại chỗ.

Sau đó, người áo đen lại nói câu thứ hai: “Thế thì ta đến ứng cử, hãy đưa ta yết kiến Nghi vương bệ hạ”.

Sau một hồi im lặng chết chóc, cả tửu lâu bùng lên náo loạn.

Trong tiếng huyên náo của mọi người, chưởng quầy của tửu lâu đi lên cầu thang, chắp tay hành lễ: “Mời tiểu thư đi theo ta”.

Hai người rất mau chóng biến mất ở góc rẽ cầu thang.

“Người đó là nữ nhân? Nữ nhân? Nàng ta còn đẹp hơn cả người trong tranh?”.

“Đã dám hạ bức tranh đó xuống, chắc chắn là như vậy. Nếu không là khi quân, bị chém đầu đó...”.

“Trời ơi, vừa nãy sao không kéo áo choàng của nàng ta xuống? Muốn biết nàng ta trông thế nào quá!”.

“Đừng có ngốc thế! Nếu người đó quả thực xinh đẹp hơn cả Hy Hòa phu nhân, hơn nữa thực sự trở thành hoàng hậu của Nghi quốc, dung mạo của nàng ta có thể dễ dàng cho ngươi nhìn thấy sao?”.

“Tuy nói như vậy, nhưng vẫn muốn biết quá á á á á á...”. Tiếng than thở, tiếng ngạc nhiên, tiếng tò mò và đủ mọi giọng nói hòa lẫn với nhau, khiến tửu lâu càng lúc càng náo nhiệt hơn bình thường.

Mà lúc này, người áo đen được chưởng quầy của tửu lâu dẫn dắt, đã bước vào một căn phòng ở tầng hai.

Hai tên thị vệ tiến lên phía trước chuẩn bị lục soát người, Hách Dịch ở trong phòng xua tay: “Không được làm mỹ nhân kinh sợ. Các ngươi lui ra, để nàng vào trong”.

Người áo đen chậm rãi đi đến trước mặt chàng, dừng lại cách chàng khoảng một trượng.

Hách Dịch dò xét nàng từ đầu đến chân một lượt, cười nói: “Nàng thật may mắn, hôm nay trẫm lại ở đây”.

“Đừng có coi thường thế lực của ta ở Nghi quốc”.

“Ha ha”. Hách Dịch cười vui vẻ: “Ta đương nhiên biết rõ thế lực của nàng, chỉ có điều ta lại không ngờ đến bây giờ nàng vẫn còn có thể sử dụng những thế lực này”.

Đám thị vệ nghe đến đây, cuối cùng đã hiểu hóa ra vị cô nương này là chốn quen biết cũ với hoàng thượng!

Người áo đen cầm bức tranh lên, từ tốn nói: “Ta nghe nói, muốn gả cho ngài, cần phải đẹp hơn nàng ta!”.

Hách Dịch tươi cười nhìn năng.

Người áo đen bỏ bức tranh xuống: “Nhưng ta không đẹp bằng nàng ta, còn có thể gả cho ngài không?”.

Ánh mắt của Hách Dịch liền trở nên sâu thẳm: “Cởi áo choàng ra”.

Người áo đen từ từ cởi bỏ chiếc đai, thả hai tay ra, chiếc áo choàng trùm từ đầu đến chân tụt xuống đất như nước chảy.

Các thị vệ nhìn thấy dung mạo của nàng xong, hai mắt trợn tròn.

Hách Dịch nhìn phản ứng của mọi người một lát rồi mỉm cười: “Nếu như nàng nhìn phản ứng của những người này xong còn cảm thấy chưa đủ tự tin...”. Chàng đứng dậy, đi thêm khoảng một trượng, dừng trước mặt người khách, giơ tay lên, nhẹ nhàng kéo lấy tay nàng: “Vậy thì để ta nói cho nàng hay, trong mắt ta, Hy Hòa phu nhân căn bản không bằng một phần vạn của nàng”.

Người đó run rẩy, giọng run run: “Cái hẹn ba năm đã qua... lại thêm hai năm nữa, còn có hiệu lực không?”.

Hách Dịch chăm chú nhìn nàng một cách dịu dàng vô hạn: “Đối với nàng... ta nghĩ hẳn là có hiệu lực vĩnh viễn...”.

Ngừng lại một lát, gọi tên nàng:

“Tiểu Ngu”.