Hỏa Ngục (Inferno)

Chương 15




“Hỏa ngục của Dante”, Sienna thì thào, vẻ mặt hết sức chăm chú khi cô nhích lại gần hình ảnh ảm đạm mô tả địa ngục đang chiếu trên tường bếp nhà mình.

Hình ảnh địa ngục của Dante, Langdon nghĩ thầm, thể hiện bằng màu sắc sống động.

Được ca tụng là một trong những tác phẩm văn học xuất sắc, Hỏa ngục là tập đầu trong ba tập sách thuộc bộ Thần khúc của Dante Alighieri – một trường ca gồm mười bốn nghìn hai trăm ba mươi ba câu thơ mô tả chuyến du hành đầy mạo hiểm của Dante tới địa ngục, vượt qua luyện ngục, và cuối cùng tới thiên đường. Trong ba phần của Thần khúc – Hỏa ngục, Luyện ngục và Thiên đường – cho đến nay Hỏa ngục được đọc và nhớ đến nhiều nhất.

Được Dante Alighieri biên soạn vào đầu những năm 1300, Hỏa ngục thực sự định nghĩa lại những quan niệm thời trung cổ về kiếp đọa đày. Trước đó khái niệm “địa ngục” chưa bao giờ khiến công chúng say mê như vậy. Chỉ qua một đêm, tác phẩm của Dante đã củng cố khái niệm trừu tượng về địa ngục thành một hình ảnh rõ ràng và đáng sợ - rất bản năng, cảm nhận được, và không thể nào quên. Chẳng có gì lạ, sau khi trường ca ra đời, Nhà thờ Công giáo thấy ngay số người nhập giáo là những kẻ phạm tội tăng vọt, vì muốn tránh khỏi kiếp nạn ở địa ngục mà Dante mới vẽ ra.

Còn ở đây, theo mô tả của Botticelli, hình ảnh địa ngục đáng sợ của Dante có cấu trúc như một cái phễu hành xác dưới lòng đất – một khung cảnh kinh khủng với lửa, lưu huỳnh, cống rãnh, quái vật và cả quỷ Satan chờ đợi ở trung tâm. Cái hố tạo thành chín cấp độ khác nhau. Chín tầng địa ngục, nơi những kẻ tội đồ bị đày xuống tùy theo mức độ tội lỗi của họ. Gần đỉnh, dám dâm ô hay “những kẻ gian tà nhục dục” bị cuốn vào cơn bão bất tận, một biểu tượng về sự bất lực của họ trong việc kiểm soát dục vọng. Bên dưới, những kẻ tham ăn bị buộc phải nằm úp mặt vào một cái rãnh tởm lợm, miệng dính đầy những thứ sản phẩm do chính thói ăn uống vô độ của mình thải ra. Sâu hơn, những kẻ dị giáo bị kẹp trong những quan tài đang cháy, bị hành hạ trong ngọn lửa vĩnh cửu. Và cứ như vậy… kẻ mắc tội lỗi càng xấu xa thì càng bị đày xuống sâu hơn.

Trong suốt bảy thế kỷ kể từ khi ra đời, hình ảnh địa ngục đầy ám ảnh của Dante đã truyền cảm hứng cho nhiều phụ bản, cách diễn giải và biến tấu của những bộ óc sáng tạo vĩ đại nhất trong lịch sử. Longfellow, Chaucer, Marx, Milton, Balzac, Borges, và thậm chí một vài Đức Thánh Cha đều đã viết những tác phẩm dựa trên Hỏa ngục của Dante. Monteverdi, Liszt, Wagner, Tchaikovsky, và Puccini đã biên soạn những nhạc phẩm dựa trên tác phẩm của Dante, và một trong những nghệ sĩ thu âm mà Langdon yêu thích – Loreena McKennitt – cũng vậy. Ngay cả thế giới trò chơi điện tử và các ứng dụng trên iPad cũng không thiếu những sản phẩm liên quan đến Dante.

Langdon, vốn rất háo hức chia sẻ với sinh viên về những biểu tượng phong phú trong cách nhìn của Dante, từng nhiều lần dạy hẳn một khóa học về chuỗi hình ảnh thường xuyên được tái hiện tìm thấy cả trong Dante và các tác phẩm mang cảm hứng của ông qua nhiều thế kỷ.

“Robert”, Sienna nói, tiến lại gần hơn hình ảnh trên tường. “Nhìn chỗ này xem!” Cô chỉ vào một khu vực gần đáy của địa ngục hình phễu.

Khu vực cô chỉ vẫn được biết đến như là Malebolge – nghĩa là “rãnh quỷ”. Đó là tầng thứ tám và cũng là tầng áp chót của địa ngục, được chia thành mười rãnh riêng biệt, mỗi rãnh dành cho một tội gian dối cụ thể.

Lúc này Sienna càng phấn khích hơn. “Nhìn xem! Không phải chính anh nói, trong giấc mơ, anh nhìn thấy thứ này sao?”

Langdon nheo mắt nhìn vị trí Sienna chỉ, nhưng anh chẳng thấy gì cả. Cái máy chiếu nhỏ xíu đang cạn năng lượng, và hình ảnh bắt đầu nhòe đi. Anh nhanh nhẹn lắc mạnh tay cho tới khi nó tiếp tục phát sáng. Lúc đó, anh cẩn thận đặt nó lùi xa bức tường hơn, ngay trên mép chiếc bàn bên kia khu bếp nhỏ, để nó phóng ra hình ảnh lớn hơn nữa. Langdon tiến lại chỗ Sienna, nhích sang bên để nghiên cứu đồ hình.

Sienna lại chỉ xuống tầng địa ngục thứ tám. “Nhìn đây. Không phải chính anh nói ảo giác của anh có một đôi chân thò lên khỏi mặt đất chổng ngược lên trời và có chữ R à?” Cô chạm tay hẳn vào một vị trí xác định trên tường. “Chúng đây thôi!”

Langdon đã xem bức tranh này rất nhiều lần, rãnh thứ mười ở Malebolge lúc nhúc những kẻ tội đồ bị chôn nửa người đầu lộn xuống dưới, chân thò lên khỏi mặt đất. Nhưng rất lạ, trong bản này, một đôi chân lại có chữ R, viết bằng bùn, đúng như Langdon đã nhìn thấy trong ảo giác.

Chúa ơi! Langdon chăm chú nhìn chi tiết nhỏ xíu đó. “Chữ R đó… chắc chắn nó không có trong bản gốc của Botticelli!”

“Còn một chữ nữa này”, Sienna nói và chỉ tay.

Langdon nhìn theo ngón tay cô tới một rãnh khác trong Malebolge, nơi chữ E viết nguệch ngoạc trên người một nhà tiên tri giả danh bị vặn ngược đầu ra sau.

Quái quỷ gì vậy? Bức vẽ này đã bị chỉnh sửa.

Giờ đây những chữ cái khác hiện ra trước mắt anh, được viết nguệch ngoạc trên những kẻ tội đồ ở khắp mười rãnh Malebolge. Anh nhìn thấy chữ C trên người một kẻ lừa gạt bị quỷ dữ đánh đập… chữ R trên một tên trộm bị đàn rắn cắn xé… chữ A trên người một chính trị gia đồi bại bị dìm trong bể hắc ín sôi sùng sục.

“Những chữ cái này”, Langdon nói đầy chắc chắn, “nhất định không có trong bản gốc của Botticelli. Bức ảnh này đã bị chỉnh sửa bằng kỹ thuật số”.

Anh đưa mắt lên rãnh Malebolge trên cùng và bắt đầu đọc các chữ cái từ trên xuống, lần lượt qua mười rãnh.

C… A… T… R… O… V… A… C… E… R

“Catrovacer?”, Langdon nói. “Đây là tiếng Ý à?”

Sienna lắc đầu. “Cũng không phải tiếng Latin. Tôi không nhận ra.”

“Một… chữ ký chăng?”

“Catrovacer?” Cô nhìn đầy vẻ nghi ngờ. “Tôi thấy không giống một cái tên cho lắm. Nhưng nhìn chỗ kia xem.” Cô chỉ tay vào một trong rất nhiều nhân vật ở rãnh Malebolge thứ ba.

Khi nhìn thấy nhân vật đó, Langdon lập tức có cảm giác ớn lạnh. Trong vô số những kẻ tội đồ ở rãnh thứ ba có một hình ảnh mang tính biểu tượng từ thời trung cổ - một người mặc áo choàng đeo mặt nạ có mỏ chim và ánh mắt chết chọc.

Mặt nạ dịch hạch.

“Trong bản gốc của Botticelli có bác sĩ dịch hạch không?”, Sienna hỏi.

“Chắc chắn là không. Nhân vật đó mới được thêm vào.”

“Thế Botticelli có ký tên bản gốc của mình không?”

Langdon không thể nhớ nổi, nhưng khi ánh mắt anh nhích xuống góc phải bên dưới nơi thường có chữ ký, anh nhận ra tại sao cô lại hỏi vậy. Không hề có chữ ký, nhưng nhìn thấy rõ dọc phần mép màu nâu sẫm của bức vẽ là một dòng chữ nhỏ xíu viết rời nhau: la verità è visibile solo attraverso gli occhi della morte.

Vốn tiếng Ý của Langdon đủ để anh hiểu được ý chính: “‘Chân ký chỉ có thể được nắm bắt qua cặp mắt chết chóc’”.

Sienna gật đầu. “Thật kỳ là!”

Hai người đứng lặng trong khi hình ảnh đáng sợ trước mắt từ từ nhòa đi. Hỏa ngục của Dante, Langdon nghĩ thầm. Truyền cảm hứng cho những tác phẩm nghệ thuật mang tính tiên tri kể từ năm 1330.

Khóa học của Langdon về Dante luôn có hẳn một phần về các tác phẩm nghệ thuật trứ danh lấy cảm hứng từ Hỏa ngục. Ngoài Vực Địa ngục nổi tiếng của Botticelli, còn có chi tiết điêu khắc không nhuốm màu thời gian Ba Vong linh trong bức chạm Cổng Địa ngục của Rodin[1] … Hình vẽ lão chèo đò Phlegyas[2] của Stradanus đang chèo qua những xác người chìm trên con sông Styx… Những kẻ tội đồ tham lam đang lăn lộn trong cơn bão vĩnh cửu của William Blake… Hình ảnh gợi dục lạ lùng mô tả Dante và Virgil đang nhìn hai người đàn ông khỏa thân đánh nhau của Bouguereau… Những linh hồn bị hành hạ đang co rúm dưới cơn mưa những hòn lửa bỏng rát của Bayros… Loạt tranh màu nước và khắc gỗ kỳ lạ của Salvador Dalí… và tuyển tập đồ sộ tranh khắc axit đen trắng của Doré mô tả mọi thứ từ lối vào Địa ngục… tới nhân vật Satan có cánh.

[1]Cổng Địa ngục (La Porte de l’Enfer) là cụm điêu khác của nghệ sĩ người Pháp Auguste Rodin, mô tả một cảnh trong “Hỏa ngục”. Tác phẩm điêu khắc này cao sáu mét, rộng bốn mét và dài một mét, với một trăm tám mươi nhân vật có kích thước cao từ mười lăm phân đến hơn một mét. Phiên bản gốc được lưu giữ từ năm 1917 và hiện trưng bày tại Bảo tàng d’Orsay ở Paris. Chi tiết Ba Vong linh (Les trois Ombres), nguyên bản cao chín mươi tám phân, gồm ba nhân vật riêng biệt chỉ tay vào dòng chữ “Lasciate ogne speranza, voi ch’entrate” (“Vứt bỏ mọi hy vọng, những kẻ bước vào đây”) trích từ Khổ III của Hỏa ngục.

[2]Phlegyas, con trai của Ares và Chryse, là vua của Lapith trong thần thoại Hy Lạp. Trong Hỏa ngục, Phlegyas chèo đò chở Virgil và Dante vượt sông Styx.

Giờ đây, dường như phiên bản địa ngục trong trường ca của Dante không chỉ ảnh hưởng đến những nghệ sĩ đáng kính nhất trong suốt chiều dài lịch sử. Rõ ràng, nó còn truyền cảm hứng cho một nhân vật nữa – một sinh linh quằn quại đã thay đổi bức vẽ nổi tiếng của Botticelli bằng kỹ thuật số, cho thêm mười chữ cái, một bác sĩ dịch hạch, và ký một dòng chữ đầy đe dọa nói về việc nhìn ra chân lý qua con mắt của tử thần. Nghệ sĩ này còn cất giữ bức vẽ trong một máy chiếc công nghệ cao được giấu trong mẩu xương được chạm trổ kỳ quái.

Langdon không thể nghĩ ra ai đã tạo ra một tác phẩm như vậy, nhưng giờ đây, vấn đề này dường như chỉ là thứ yếu trước một câu hỏi đáng ngại hơn nhiều.

Thế quái nào mình lại mang theo thứ này?

***

Khi Sienna đứng bên Langdon trong gian bếp và ngẫm nghĩ về hành động tiếp theo của mình, bất ngờ có tiếng động cơ phân khối lớn gầm lên từ đoạn phố phía dưới. Tiếp đến là tiếng rít của lốp xe và tiếng cửa xe hơi đóng mạnh.

Không hiểu chuyện gì, Sienna lao tới bên cửa sổ và nhìn ra ngoài.

Một chiếc xe thùng không biển số màu đen phanh gấp và dừng lại dưới phố. Từ trên xe ùa ra một nhóm người, tất cả đều mặc đồng phục đen với phù hiệu màu xanh lục hình tròn trên vai trái. Họ lăm lăm súng trường tự động và di chuyển đúng dáng dấp của nhà binh. Không chút do dự, bốn người lính lao tới lối vào tòa chung cư.

Sienna cảm thấy máu trong mình đông cứng. “Robert!”, cô hét lên. “Tôi không biết họ là ai, nhưng họ tìm thấy chúng ta rồi!”

***

Dưới phố, đặc vụ Christoph Brüder hét to ra lệnh cho người mình xông vào tòa nhà. Anh ta là người có vóc dáng vạm vỡ, những năm tháng trong quân ngũ đã rèn luyện anh ta thành người chỉ biết thực thi nhiệm vụ một cách vô cảm và chấp hành mệnh lệnh chỉ huy. Anh ta biết rõ nhiệm vụ của mình, và biết cả những mối nguy hiểm.

Tổ chức mà anh ta phục vụ bao gồm nhiều đơn vị, nhưng đơn vị của Brüder – Giám sát và Hỗ trợ Phản ứng SRS – chỉ được triệu tập khi có một tình huống lâm vào thế “khủng hoảng”.

Khi người của mình mất hút trong tòa nhà, Brüder đứng canh cửa trước, móc thiết bị liên lạc và liên hệ người cần gặp.

“Brüder đây”, anh ta nói. “Chúng ta đã lần ra Langdon nhờ địa chỉ IP máy tính của anh ta. Nhóm của tôi đang tiến vào. Tôi sẽ thông báo khi chúng tôi bắt được anh ta.”

***

Phía trên đầu Brüder, nơi thềm tầng mái khách sạn Pensione la Fiorentina, Vatentha kinh hãi trợn mắt nhìn xuống đám đặc vụ đang lao vào tòa nhà chung cư như không tin vào mắt mình.

Bọn họ làm cái quái gì ở đây thế?!

Ả lùa một tay vào mái tóc đinh, và chợt hiểu những hậu quả kinh khủng từ điệp vụ thất bại của mình đêm qua. Chỉ sơ sểnh một chút, tất cả đã thay đổi vượt khỏi tầm kiểm soát. Chuyện ban đầu tưởng như chỉ là một điệp vụ đơn giản… giờ đã biến thành một cơn ác mộng hiện hữu.

Nếu đội SRS ở đây thì mọi việc với mình chấm hết rồi.

Vayentha cuống quýt vớ lấy thiết bị liên lạc hiệu Sectra Tiger XS và gọi cho Thị trưởng.

“Thưa ngài”, ả lắp bắp. “Đội SRS ở ngay đây! Người của Brüder đang tràn vào tòa chung cư bên kia phố!”

Ả đợi phản ứng phía bên kia, nhưng chỉ nghe thấy những tiếng lách cách sắc lạnh trên máy, rồi một giọng nói điện tử rất bình thản vang lên, “Giao thức từ chối bắt đầu”.

Vayentha hạ điện thoại và nhìn màn hình, vừa kịp thấy thiết bị liên lạc đã mất.

Mặt cắt không còn giọt máu, Vayentha cố ép mình phải chấp nhận những gì đang diễn ra. Consortium vừa chấm dứt tất cả mọi liên lạc với ả.

Không liên lạc. Không giao thiệp.

Mình đã bị từ chối.

Cảm xúc bàng hoàng chỉ thoáng qua.

Tiếp đến là nỗi sợ hãi.