Hoa Hồng Đồng Hoang

Chương 84




Đảo mắt đã hết một năm, thời thế rối ren, hương vị ngày Tết cũng không tròn đầy. Tầm này năm trước đèn lồng đã giăng cao, mà giờ đây lại chỉ còn mấy con phố lớn phồn hoa mới treo đèn lồng, trơ trọi mấy chụp, chẳng có không khí vui mừng, cũng chẳng thể nào vui nổi.

Thời tiết chuyển lạnh, trên đường có không ít người chết đói, còn có mấy xác vẫn còn là trẻ nhỏ. Người tuần phố chở thi thể đi, chất hết vào hố đã đào bên ngoài thành, những kẻ đó liệu còn sống hay không chẳng ai hay biết, mà cũng chẳng có ai đến xem. Cứ ném hết xuống hố nếu chưa chết mà tỉnh lại thì có thể bò lên, nếu có bị thi thể vùi sâu vậy coi như có tỉnh thì vẫn toi đời.

Bách Mỹ Như cũng có vài người bạn ở Thượng Cảng, mấy cô là một hội các cô tiểu thư con nhà khá giả tụm lại với nhau, cùng dựng lều ở khu dân nghèo, mời người nấu cháo cứu tế người nghèo.

Cô biết nhà mình chẳng mấy sẽ rời khỏi Thượng Cảng, vì vậy còn nhờ Bách Dịch hỗ trợ, tài trợ một tòa cô nhi viện.

Nhưng chỉ như muối bỏ biển, bọn họ người cứu thì ít, người chết lại nhiều.

Bạch nhị cũng chi một khoản mua mấy căn nhà để cho dân nghèo ở, không tính tiền thuê nhà. Phải đến khoảng bảy mươi hai khách đến trọ, một tòa sẽ có rất nhiều người ở, trong số họ còn có người mở tiệm hàng ngay trong chính tòa nhà, để kiếm thêm chút tiền trang trải.

So với cuộc sống khó khăn của người dân, việc giải trí trái lại vẫn tưng bừng khí thế, lại có mấy sàn nhảy nhà hát mới được mở ra, rồi đủ hạng người, người nào cũng tiếp. Trước kia phòng hát sàn nhảy vẫn luôn hạn chế khách hàng, không phải nhân vật có máu mặt hay dân lông bông ngoài đường có mấy đồng tiền lại muốn vào là sàn ca vũ sẽ cản người lại.

Hiện giờ chẳng còn kiêng kị điều gì nữa.

Như thể ngày tận thế tới, tất cả mọi người đều phải nhân cơ hội cuối cùng chè chén say sưa một phen.

Sự kiện mang tính biểu tượng nhất chính là mítxi Triệu cuối cùng đã chấp nhận sự theo đuổi của Dương tam, thêm nữa – bạn trai của cô cũng có thêm nhiều hơn.

Bách Dịch mặc Âu phục, khoác thêm áo khoác dạ, ra ngoài với Bạch nhị. Bạch nhị cũng mặc trang phục như thế, hai người đứng cạnh nhau trông thật giống anh em không chung máu mủ, tuy cách ăn mặc giống nhau nhưng dáng người lại khác nhau.

Hai người đã hẹn đi xem hí, tối nay có một vở cuối cùng của Tôn Kỳ, qua đêm nay Tôn Kỳ sẽ chính thức giải nghệ, chuẩn bị rời khỏi Thượng Cảng.

Vì mặt mũi Bạch nhị nên ông chủ gánh hát đồng ý để cậu ta giải nghệ, vở hí này được thu lại, sẽ để Tôn Kỳ mang đi.

Cũng coi là dễ hợp dễ tan, đến tuổi này kết thiện duyên vẫn hơn là tìm đến một kẻ thù, ai biết lúc nào bản thân phải đi cầu cạnh người ta.

Hiện người xem kịch cũng chẳng có nhiều, sân vẫn còn trống nhiều chỗ, khác xa với cả một sân kín khách trước kia.

Nhưng Tôn Kỳ cũng không quan tâm, cậu ta vẫn nghiêm túc hát như trước.

Cậu ta là một người có số phận thăng trầm, đi đến ngày hôm nay cậu ta thấy vận may của bản thân cũng không tệ lắm.

Trước kia nghĩ bước vào gánh hát vậy cả đời chẳng thể ngóc được đầu, cũng chẳng có tương lai gì, thời trẻ thì còn ổn nhưng chờ đến khi về già một là lại mở một gánh hát, hoặc chăng cũng không biết là chết ở xó nào.

Hiện tại cậu ta lại có thể cầm một khoản tiền lui đài, tìm một chốn bình yên, mở một cửa tiệm nhỏ, cũng có thể sống tốt.

Cậu ta ở trên đài chăm chú hát xướng, người dưới đài cũng chăm chú lắng nghe.

Tựa như vào giờ phút này tất cả mọi người dù không cùng một tầng lớp nhưng lại như cùng chung cộng hưởng.

Bách Dịch nhấp một hớp trà, gió thét gào lùa qua, có hơi lạnh, anh siết chặt cổ áo, ánh mắt vẫn luôn nhìn về phía sân khấu.

Sự huy hoàng cuối cùng của thời Dân quốc chính là vào thời khắc này.

Gót sắt cường quốc đạp nát núi sông như họa của Đại Thanh, khó khăn lắm mới khôi phục lại chút sức sống, ấy vậy mà chiến tranh loạn lạc ùn ùn kéo đến, lúc này đây chẳng ai có niềm tin rằng tương lai Trung Hoa rộng lớn sẽ lại tràn sức sống, thịnh vượng phồn vinh.

“Sao thế?” Bạch nhị nhìn Bách Dịch, ra hiệu hạ nhân mang lò sưởi tay lại đây, một cục than âm ỉ cháy trong đó, so với túi chườm nóng đời sau sử dụng còn được lâu hơn.

Bách Dịch nhận lấy một lò sưởi tay, nhẹ giọng hỏi Bạch nhị: “Cậu nghĩ tương lai sẽ ra sao? Đến lúc không còn chiến tranh, đất nước của chúng ta sẽ như thế nào?”

Trái lại Bạch nhị chẳng có chút hứng thú, hắn là một người chỉ biết sống cho hôm nay, vì vậy nói: “Dù có ra sao, con người vẫn vậy thôi, người tốt người xấu, kẻ thông minh người ngu dốt, sẽ chẳng khác gì hiện tại.”

Bách Dịch vừa nghe vậy cũng cảm thấy có lý nên không anh nói gì thêm mà lại chăm chú nghe Tôn Kỳ hát hí khúc.

Khi vở hí khép lại, chủ gánh hát mời Bạch nhị với Bách Dịch dừng chân, quả nhiên chẳng bao lâu sau Tôn Kỳ còn chưa tẩy trang cũng chạy đến.

Đến rồi cũng không nói gì, cậu ta nghiêm túc quỳ sụp hai gối, vô cùng thành kính dập đầu một lạy với Bạch nhị.

“Không có Nhị gia sẽ không có tôi của ngày hôm nay.” Tôn Kỳ nói chân tâm thật ý.

Nếu không nhờ mặt mũi Bạch nhị, chủ gánh hát sẽ không dễ dàng để cậu ta đi như thế, gánh hát thiếu mất trụ cột, muốn bồi dưỡng một người mới quả thật khó khăn vô cùng.

Tôn Kỳ dập đầu xong lại chắp tay với Bách Dịch, cậu ta nhìn ra được mối quan hệ giữa Bách Dịch và Bạch nhị, nhưng cũng không vạch trần. Đồng thời cậu ta cho rằng Bách Dịch không phải là kẻ lòng dạ hẹp hòi, nếu là người như thế Bách Dịch đã tìm cậu ta tính sổ từ lâu, đã đối phó cậu ta như một tình địch rồi.

Huống hồ Tôn Kỳ cũng không coi việc đàn ông yêu nhau là chuyện to tát, việc này từ xưa đã có, không hề mới mẻ, nhất là cậu ta còn ở gánh hát, hạng người gì hay loại chuyện gì cũng đều đã gặp cả, chẳng thấy hiếm lạ.

Trước khi đi Tôn Kỳ còn nói với Bách Dịch và Bạch nhị: “Tôi đã mua vé xe ngày mai, giữa trưa sẽ ngồi xe lửa đi, mong rằng Nhị gia và cậu cả bảo trọng, ân tình của hai vị tôi xin ghi tạc trong lòng.”

Bách Dịch vô cùng khách khí lên tiếng: “Tôn tiên sinh đừng nói như vậy, anh thân ở gánh hát nhưng cũng không khinh rẻ bản thân, tất nhiên là quân tử.”

Tôn Kỳ nhìn sâu vào Bách Dịch, vái chào thêm lần nữa.

Cuộc đời cậu có mấy phen phong ba, cũng chỉ có Bách Dịch nói ra nỗi đắng cay trong đó.

Nếu có thể sống ngẩng đầu ưỡn ngực nào có ai tình nguyện cúi đầu, điệu thấp làm gì?

Chẳng lẽ con hát sinh ra đã muốn làm con hát?

Bạch nhị: “Sống cho tốt, sống cho nên người.”

Tôn Kỳ dùng ngón tay lau khóe mắt: “Nếu có thể tất nhiên tôi muốn sống nên người.”

Chủ gánh hát đứng một bên cũng lên tiếng: “Trong đoàn cậu ấy là người có chí khí nhất, nếu không phải vì thế tôi cũng sẽ không để cậu ấy đi.”

Dẫu sao có rất nhiều người rời khỏi đoàn rồi lại chẳng thể sống nổi.

Cả một đời họ chỉ biết làm một việc này, từ nhỏ đã học như thế, thổi phồng bát cơm này, cũng chỉ ăn cơm trong cái bát này.

Để bọn họ rời đi trái lại chính là hại bọn họ.

Chủ gánh hát cũng nói, đoàn của họ cũng phải đi thôi, chuẩn bị đi đến vùng Giang Chiết, bên đó có thể khá hơn chút, nếu may mắn còn có thể đổi nghề. Thời thái bình gánh hát còn có thể kiếm tiền, nhưng loạn lạc thì nào còn được nữa, đổi sang một nghề khác tuy rằng sẽ không rạng rỡ như trước, nhưng sẽ không phải lo đến lúc bị phiền phức tìm tới cửa.

Chủ đoàn là con trai của ông cụ chủ đoàn trước, sau khi cha chết thì kế nghiệp cha, nếu đổi lại là cha của ông thì tuyệt đối sẽ không để Tôn Kỳ chạy mất, cũng tuyệt đối sẽ không để gánh hát phải đi đổi nghề.

Để bồi dưỡng một đứa trẻ thành một con hát có thể lên đài sẽ phải mất bao công sức và thời gian, còn phải xem thiên phú của đứa trẻ, một phút trên đài là mười năm công lao dưới đài, nếu như từ bỏ chẳng khác nào tráng sĩ chặt tay.

Lúc rời đi, ngồi trên xe Bách Dịch nói với Bạch nhị: “Cậu đúng là trong lúc vô tình lại làm việc tốt.”

Bạch nhị vô cùng đắc ý: “Tôi luôn là người tốt.”

Bạch nhị cảm thấy thật sự là vậy, hắn chưa bao giờ nợ lương của người làm, dù là người khuân vác cửu vạn thì tiền hắn trả cũng không thể tính là thấp, trừ việc đối phó với cha hắn ra, đời này của hắn quả thật đúng là xứng đáng với hai chữ người tốt.

Bạch nhị cầm lấy tay Bách Dịch, bàn tay Bách Dịch ấm áp khô ráo, tay của hắn lại tái xanh lạnh buốt, sau khi nhận ra điều này Bạch nhị đã định thu tay lại, nhưng lại được Bách Dịch nắm chặt lấy.

“Đợi qua năm mới tôi sẽ đưa người nhà đi Trùng Khánh, cậu thì sao?” Bách Dịch đang hỏi đến mấy người em trai em gái kia của Bạch nhị.

Bạch nhị lạnh nhạt nói: “Muốn ở lại thì ở, muốn đi tôi sẽ cho tụi nó một khoản tiền, đi ra ngoài cũng không chết đói.”

Hắn chỉ là anh hai, chẳng phải cha đẻ mẹ ruột, huống hồ dù có là cha mẹ ruột thịt thì cũng chỉ như thế mà thôi.

Bách Dịch vừa về tới nhà họ Bạch đã nhận được điện thoại ở nhà gọi đến, ông Bách bảo anh lập tức về nhà, có việc quan trọng cần thương lượng, việc không thể nói qua điện thoại, nhất định phải trao đổi trực tiếp. Ngay cả áo khoác Bách Dịch còn chưa cởi cứ thế lại ngồi xe nhà họ Bạch trở về nhà họ Bách.

“Con đọc qua đi.” Ông Bách đưa thư cho Bách Dịch.

Bách Dịch vừa nhìn chữ đã nhận ra ngay là Bách Minh Thu viết, nét chữ nết người, chữ của Bách Minh Thu cũng giống như con người cậu ta vậy, mỗi chữ mỗi nét chẳng ngay ngắn chút nào, nhưng cũng chẳng thể nói là xấu, mang đậm phong cách cá nhân, lại không nhận ra được là lối chữ gì, chỉ có thể coi là “kiểu mình ta”.

Bách Minh Thư viết thư về là muốn xin tiền, mở đầu đã viết ngay vậy.

Phía sau còn viết về cuộc sống gần đây, kẻ địch tập kích, cậu ta cũng cùng các chiến hữu xông pha chiến trường, tạm thời đã đánh lui kẻ địch.

Nhưng quân đội không có tiền mua thuốc, cũng không có tiền mua băng gạc, các chiến hữu đều ở đây chịu khổ, vẫn không đợi được vật tư tiếp viện từ hậu phương.

Bách Minh Thu không hề ca thán nhập ngũ gian nan, trái lại oán giận vũ khí của họ quá kém, nếu không phải vì vấn đề này thì cũng không có nhiều chiến hữu ngã xuống như thế, còn than phiền hậu phương nghèo nàn không tiếp viện được cho họ bao nhiêu, để bọn họ phải xé quần áo sạch ra làm băng vải.

Đến bản thân cậu ta cũng có chút thương tích, nhưng số vẫn còn may, viên đạn sượt qua cánh tay cậu ta nên chỉ bị thương nhẹ ngoài da.

Cuối cùng, cậu nhấn mạnh lập trường của mình, mặc dù cậu ta rất sợ, lúc bị thương cũng muốn khóc lắm, nhưng cậu vừa nghĩ đến mình đang ở đây để bảo vệ quốc gia, bảo vệ người nhà ở Thượng Cảng là cậu cảm thấy mình có thể tiếp tục kiên trì.

Nhân tiện, nếu như có thể, mong cha có thể gửi ít tiền cho cậu, nếu có thuốc với băng vải vậy lại càng tốt, kiếp sau cậu vẫn là tử hiếu tôn hiền của cha.

Ban đầu Bách Dịch đọc mà cau mày, đọc đến dòng cuối mặt mày lại giãn ra, khóe miệng cũng mang theo ý cười.

Ngoài miệng canh không nói nhưng thực lòng vẫn rất lo cho Bách Minh Thu, Bách Minh Thu đi học không uổng, bản tính cũng không tệ, chỉ là vẫn luôn xuôi chèo mát mái chưa từng trải qua mài giũa nên không hay thói đời gian khổ, con người cũng sinh ra chút tính bướng bỉnh. Bách Dịch luôn cảm thấy Bách Minh Thu cứ như thế mãi ắt sẽ đi vào con đường lệch lạc.

Nhưng đến hôm nay, cũng tạm coi là một thanh niên nhiệt huyết rồi.

Ông Bách: “Cha để nói đi là muốn mài giũa tính tình của nó, đâu phải để cho nó đi chịu chết đâu!”

Ông rưng rưng chực khóc: “Lần này chẳng qua chỉ là trầy da, nhưng lần sau thì sao? Lần sau nó còn được may mắn như vậy không?”

Bách Dịch đáp: “Cha à, quốc nạn ngay đầu, nó muốn đáp đền đất nước, đây là chuyện tốt.”

Đôi vai ông Bách chùng xuống: “Ta biết đó là chuyện tốt, nhưng nhiều người làm lính như thế cũng không thiếu một người như nó, ta chỉ có ba người các con…”

“Thiếu mất một đứa, lòng ta như đi khoét mất một miếng thịt.”

Ông Bách là một người cổ hủ, chú trọng việc nuôi dạy con nghiêm khắc, vì vậy ông giấu sự từ ái tận sâu bên trong.

Hôm nay con trai gặp phải hiểm nguy, người cha hiền từ đã thắng thế.

Bách Dịch: “Cha muốn gọi cậu ấy về ạ?”

Nói xong Bách Dịch liếc nhìn bức thư: “Con xem ý tứ của nó trong thư, hẳn sẽ không về đâu.”

Cha Bách vỗ rầm xuống mặt bàn, mắt mày trợn lên, nói: “Ta là cha nó! Nó không chịu nghe lời cha sao?!”



Bách Dịch: “Dù quân luật nghiêm minh thì cũng có câu tướng tại ngoại có những lệnh không nên nghe(1), với hiểu biết của cha về nó, cha nghĩ nó sẽ ngoan ngoãn trở về sao?”

Ông Bách không có lòng tin vào điều này, trong nhà chỉ có con trai cả là nghe lời ông nhất, hiểu chuyện nhất, sinh ra chính là tâm can bảo bối của cha mẹ.

Còn ba đứa sau đều như quỷ đòi nợ đắc tội từ kiếp trước.

Cho dù là Bách Mỹ Như – cũng có lúc thất thường.

Chỉ có duy nhất Bách Dịch là không, Bách Dịch như thể trời sinh chưa bao giờ dở thói, đối với ai cũng ôn hòa lễ độ, trước đây khi ở kinh thành thiếu gia các nhà khác đều sẵn lòng kết giao với Bách Dịch, mỗi khi có dịp tụ đều có không ít thiệp mời gửi qua cho Bách Dịch.

Khi đó ông Bách vô cùng đắc ý, ngày Bách Dịch ra đời ông vẫn còn trẻ, còn chưa học được cách làm một người cha tốt, nhưng từ nhỏ Bách Dịch đã hiểu chuyện, mới bảy tám tuổi đã có thể qua lại các nhà, còn khá được coi trọng. Người ta không phải nể mặt cha mới xem trọng anh mà là thật lòng cảm thấy tuy anh nhỏ tuổi nhưng lại khéo léo, ổn định, tương lai chắc chắn thành công, vậy nên mới nể trọng anh.

Ông Bách cảm thấy dù mình không có kinh nghiệm làm cha, nhưng cũng có thể coi là một người cha tốt, dù cha chưa từng dạy dỗ con, nhưng con trai vẫn là đứa con ngoan ngoãn vậy người cha cũng là một người cha tốt.

Kết quả Bách Minh Thu vừa chào đời, bao tự tin của ông Bách bị đánh cho tan tác không còn một mảnh giáp.

Nhưng Bách Minh Thu có tệ thế nào đi nữa thì cũng là ông Bách nhìn cậu ta trưởng thành, cũng là con trai của ông, hơn nữa so với cậu con lớn hiểu chuyện nhất ông cũng càng chú ý đến cậu con thứ không hiểu chuyện hơn. Ngay cả Bách Dịch bản thân anh cũng coi em hai như con trai mà để ý.

“Cha à, nếu cha thật sự lo lắng cho nó, vậy cha cứ gửi cho nó thêm ít tiền thì hơn.” Bách Dịch biết nhà mình mới thu được một khoản không ít tiền, so với tiền lương trước kia còn nhiều hơn hẳn, anh nói tiếp: “Gửi cả thuốc men với băng bông nữa, để con nghĩ cách, đến lúc đó con hỏi Bạch nhị thử xem có người quen nào có thể gửi đi giúp không.”

Ông Bách thở hắt ra: “Cũng chỉ có thể làm vậy.”

Nhưng ông Bách vẫn không thể vui nổi, ông cảm thấy mình làm sai rồi, ông không nên để Bách Minh Thu vào quân đội, nên đưa cậu ra bến tàu bốc vác mới phải, có lẽ như thế sẽ tốt hơn một chút.

Bách Dịch đóng cửa thư phòng lại, để ông Bách ủ rũ ở lại, bản thân thì xuống nhà rót ly nước.

“Anh!” Bách Mỹ Như bước nhỏ chạy đến, như én bay về tổ mà sà vào lòng Bách Dịch, còn nhớ nhung mà dụi dụi hai cái, tìm về cảm giác ý lại khi còn nhỏ, trong lòng vô cùng bình an, sau đó cô mới ngẩng đầu nói, “Cô nhi viện đã mở rồi, em đang định đi tìm anh, chuẩn bị cùng anh đi xem đó!”

Bách Mỹ Như: “Mọi thứ em đều chuẩn bị xong hết rồi, nào quần áo mùa đông, còn có đàn lợn năm con với mười con gà, mười con vịt, rồi cả hai trăm đồng đại dương nữa, vừa dịp em với anh cùng mang qua đi.”

Bách Dịch cúi đầu nhìn cô: “Em có hai trăm đồng đại dương ở đâu ra?”

Tiền sinh hoạt hàng tháng của Bách Mỹ Như là mười đồng đại dương, cũng là dư dả, nhưng cô không có thói quen gửi tiền, không thể tích cóp nhiều như vậy được.

Bách Mỹ Như cười nói: “Em kêu gọi các thái thái quyên góp đó! Mình Triệu thái thái đã quyên góp một trăm đồng liền!”

Lúc này Bách Dịch mới yên lòng, anh cũng không vội về nhà họ Bạch, đồng ý đi với Bách Mỹ Như một chuyến. Họ nhân cảnh tối trời mà kéo đồ đi, bởi là người nhà họ Bách nên giờ giới nghiêm chỉ cần đánh tiếng với đội cảnh vệ tuần phòng là được.

Cho họ thêm một người một đồng đại dương, chi chút tiền là có thể xin bọn họ hộ tống đi qua.

Cô nhi viện được xây dựng ở ngoại ô, nơi này thưa người, nhưng đã xây tường cao, trên tường găm cả mảnh thủy tinh vỡ, vẫn rất an toàn.

Trẻ em ở đây đều là tìm được ở trong thành, có mấy đứa thân thể còn nguyên vẹn, nhưng phần lớn đều cụt tay què chân, hoặc là khuôn mặt có tỳ vết. Nhưng thân thể có hoàn chỉnh thì dường như chúng nó cũng đang bị bệnh lao, người gầy guộc như que củi, lúc nào cũng ho khan không ngừng.

Thuốc tây không mua nổi, đành mời đại phu bốc thuốc đun, uống mấy thang thuốc cũng không thể khôi phục sức khỏe được ngay lập tức, nhưng cuối cùng cũng không còn ho nữa.

Trong phòng của tụi trẻ có kê giường tầng, một phòng có thể ngủ mười người, trong sân có cả xích đu rồi cầu trượt, nhà ăn rất rộng. Tòa nhà có kiến trúc tuy khá cũ, chỉ có tường rào mới xây lên, nhưng đối với những đứa trẻ này mà nói có một nơi có thể che mưa chắn gió, lại có đồ cho chúng nó ăn, có giường để ngủ thì cũng được coi là hạnh phúc rồi.

Suy cho cùng trước đây màn trời chiếu đất, chúng nó đều sống ở đầu đường ngủ ở cuối hẻm, và nguồn sống duy nhất chính là đi ăn xin.

Bách Mỹ Như nói với Bách Dịch về tụi trẻ thì vô cùng đau lòng: “Đứa lớn nhất là mười hai tuổi, bé nhất thì năm tuổi, cánh tay còn không bằng một cái gậy gỗ, trên mặt chẳng có một miếng thịt nhưng bụng đứa nào cũng thũng tròn vo, có thể thấy không có cuộc sống tốt. Cũng chẳng biết cha mẹ tụi nó nghĩ thế nào, chỉ biết đẻ ra mà mặc không nuôi dưỡng.”

Người nhà nghèo không có tiền nạo thai, chỉ có thể đẻ con ra rồi vứt bỏ, ai có lòng còn bỏ ở nơi nhộn nhịp, hy vọng sẽ có người tốt nhặt nuôi.

Kẻ nào không có tâm tính thì lại tùy tiện kiếm một nơi vắng vẻ mà vứt bỏ, chẳng thèm quan tâm đứa bé sẽ sống chết ra sao.

Bách Dịch nói: “Thời thế yên ổn đã chẳng thiếu trẻ nhỏ được sinh ra nhưng không được nuôi nấng, chớ nói chi đến lúc tình hình rối ren.” 

Điều này có lẽ chính là tính người, có người dù bản thân chẳng thể sống nổi nhưng cũng phải để con được an toàn, có người lại sẵn sàng vứt bỏ tất cả để trước hết bản thân mình được sống tiếp.

Bản chất người không phải dạng không đen thì trắng mà là do có nhiều lựa chọn, dù bạn chọn điều gì cũng không có gì là lạ.

Bách Dịch đã gặp nhiều người, vì vậy anh cho rằng chẳng có ai là người tốt tuyệt đối, cũng không có ai là kẻ xấu tuyệt đối.

Thánh mẫu thật sự có lẽ chỉ tồn tại trong truyền thuyết hay trong những trang sách.

Thánh mẫu vốn là từ có nghĩa tốt, là để chỉ Đức mẹ Maria đã ôm mọi đau khổ vào lòng và gieo mầm hạnh phúc cho thế giới.

Sau đó bởi vì trong những câu chuyện dân gian xuất hiện rất nhiều “người tốt” đánh mất đạo đức rồi thà hại người chứ không hại mình, vì thế thánh mẫu được xem là một từ có nghĩa xấu.

Những câu chuyện này chỉ lấy hình ảnh thánh mẫu chứ không có được linh hồn, sẽ chỉ gây hiểu lầm cho người khác.

Nếu bạn đi trên đường và có một người nói: “Bạn đúng là thánh mẫu.”

Chắc chắn sẽ chẳng có ai cho rằng đây là một lời ngợi khen.

Có lẽ cái từ này vốn có nghĩa tốt.

Một từ ca ngợi một người chí công vô tư, sẵn sàng rũ bỏ lợi ích của bản thân mà dốc sức giúp người, có phẩm chất cao thượng của Đức mẹ.

Họ ngồi trên xe hơi, theo sau là xe chở hàng, cảnh vệ với nhân viên ở cô nhi viện cùng dỡ hàng xuống, chỉ có năm con lợn béo là khá phiền phức, gà vịt nhốt trong lồng trừ việc gây ra một đường phân kéo dài thì cũng không phiền như lợn béo.

Nhưng lợn béo lại vô cùng hấp dẫn người ta, mặc dù đàn lợn có mùi hôi thối nhưng ánh mắt của các cảnh vệ với nhân viên đều chăm chú nhìn mấy con lợn này.

Nhìn chòng chọc đến đàn lợn cũng run cả chân.

Lợn càng béo càng tốt, đa phần mọi người đều thích ăn thịt mỡ, dù sao thịt nạc không giắt mỡ chỉ có người nhà giàu mới thích ăn.

Cỗ lòng cũng là phần mà người nghèo thích nhất, chế biến sạch sẽ rồi cũng được một bữa mỹ vị, dù sao cũng ngon hơn ăn rau.

“Làm phiền rồi.” Bách Dịch đưa cho cảnh vệ một người một đồng đại dương, thái độ cảm ơn rất chân thành.

Đám cảnh vệ bình thường hung thần ác sát trong mắt mọi người giờ đây lại rất dễ nói chuyện: “Lần sau có chuyện như này nữa cậu cứ gọi một tiếng, chúng tôi nhất định sẽ đến giúp một tay.”

Giúp một tí là có một đồng đại dương, trao đổi như này đúng là hời muốn chết.

Hôm nay Bách Mỹ Như đi một đôi giày da kiểu nữ đế bằng, váy cũng không quá dài, thích hợp để đi bộ và bận bịu khắp nơi. Cô để mọi người chuyển gia súc vào sân sau nhà bếp, lại gọi người mang quần áo bông vào, trừ quần áo bông ra còn có mấy túi mứt bí.

Sau khi cảm nhận được niềm vui giúp được mọi người, Bách Mỹ Như giống như một con se sẻ nhỏ bay lên trời, cực kỳ hạnh phúc.

“Anh!” Bách Mỹ Như đứng trước mặt Bách Dịch, e thẹn nhìn, đôi mắt lấp lánh sáng.

Bách Dịch vươn tay xoa đầu cô, Bách Mỹ Như thật vui vẻ.

Ở trong lòng cô, trên đời này không có ai có bản lĩnh lớn như anh cả của cô, cũng chẳng có ai quân tử hơn anh, cho nên nhận được sự khẳng định từ anh cả chính là phần thưởng tốt nhất đối với cô. Cô vẫn luôn hy vọng có thể trở thành một người giống như anh cả của mình.

Không vui vì ngoại vật, không buồn vì bản thân, lại chỉ yêu cầu ở bản thân chứ không nghiêm khắc với người khác.

Quan trọng nhất là cho tới bây giờ anh cả sẽ không như người ta nào nói với cô rằng con gái phải làm như thế nọ, không được làm thế kia, ngược lại còn luôn ủng hộ cô đi tìm ý nghĩa cuộc sống, theo đuổi lý tưởng của mình.

Mặc dù đã muộn lắm rồi nhưng hầu hết tụi trẻ còn chưa ngủ, chúng nó không có thói quen ngủ sớm, lúc còn lưu lạc đầu đường chúng nó phải chờ đến khi đêm đã thật khuya, trên đường không bóng người vậy chúng mới tìm được chốn ngủ.

Sau khi nghe thấy tiếng động chúng nó mới hé cửa ra, ngó dáo dác.

Vẫn là mẹ quản lý nhắc: “Muốn xem các con cứ ra nhìn xem, tiểu thư Bách mang đồ đến cho mấy đứa đó!”

Mẹ quản lý cười đầy hiền từ, người quản lý này cũng do Bách Mỹ Như đích thân tuyển, sau khi xác nhận tư cách phẩm chất phù hợp cô mới mời đến làm, mẹ quản lý cũng rất trân trọng công việc này. Hiện giờ việc làm khó tìm, bà làm ở đây một tháng được sáu đại dương, không ít chút nào, lại còn bao ăn bao ở, bà có thể cầm tiền lương về nhà, đủ cho giả trẻ trong nhà sống dư dả thoải mái.

Ban đầu bọn nhỏ không dám bước ra, vẫn là mẹ quản lý đích thân bé một đứa ra mới khiến tụi nó chạy ra phòng khách.

Thứ bọn trả xem trước tiên không phải là áo quần bông mà là mứt bí.

Kẹo mứt là một thứ rất ngon, đã lâu lắm rồi tụi nó không được ăn, thậm chí có đứa còn chẳng biết mứt kẹo có mùi vị thế nào.

Bách Mỹ Như xắn tay áo, tràn đầy nhiệt huyết nói: “Nào lại đây xếp hàng, chị chia kẹo cho các em nhé.”

Vì ăn cơm cũng phải xếp hàng lấy cơm cho nên tụi nhỏ hiểu ý nghĩa của việc xếp hàng. Từng đứa từng đứa ngậm ngón tay xếp thành một hàng, đứa bé nhận được mứt kẹo thì vô cùng trân trọng mà ngậm ở kẹo trong miệng, không dám nhai hết.

Bách Mỹ Như thấy mà đau xót lòng, nhưng cũng hiểu là không thể dạy tụi nhỏ cứ ăn uống thỏa thuê.

Tụi nhỏ phải học cách sống giản dị, sau này có gặp phải hiểm nguy mới có cơ hội sống lớn hơn.

Bách Dịch đứng một bên nhìn, anh cảm thấy bản thân tuy không được coi là người tốt.

Nhưng ít ra đều dạy dỗ được em trai em gái.

Chung sống nhiều năm như thế cũng không phải không có cảm tình, anh cũng hy vọng họ sẽ càng ngày càng tốt hơn.

Bách Dịch của thời điểm này, dường như mông lung nắm bắt được một điểm gì đó.