7.
Chu Tuyết Sinh có lẽ vì thường xuyên ở biên cương cùng với đám trai tráng nên rất ngây ngô trong chuyện tình cảm.
Con gái út của Thượng thư bộ Lại tặng hắn một chiếc khăn tay, hắn lại tiện tay đưa cho một đứa trẻ để băng bó vết thương ở tay.
Hắn cũng không đáp lại cô nương kia, ngược lại còn lén lút hỏi Tiểu Ngộ: "Sao lại tặng khăn tay cho ta, lau mồ hôi à? Đàn ông con trai cầm khăn tay lau mồ hôi chẳng phải sẽ trông giống đàn bà con gái sao?"
Tiểu Ngộ mặt không biểu cảm nhìn nó, không nói gì.
Không hiểu à…
Không hiểu thì tốt.
Ta tâu với Hoàng thượng, khoa thi năm sau, các sĩ tử kinh thành nên đóng cửa ôn tập cho tốt.
Ta tự mình xin dạy Chu Tuyết Sinh học chữ.
Lý do thì rất đường hoàng, nào là vì Hoàng thượng, nào là vì bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, nào là hóa giải hiềm khích với Chu tiểu hiệu úy.
Nhưng thực chất chỉ là để che giấu tâm tư đê tiện của ta.
8.
Phụ thân và cố giao là Hứa tướng quân uống rượu, không biết sao lại nói đến Chu Tuyết Sinh.
Nói rằng tên nhóc đó thông minh, lại gan dạ cẩn thận.
Tùy hứng nhưng không bao giờ vượt quá giới hạn.
Ta đồng ý.
Nói đến chuyện mười tuổi, vốn là ở hậu phương trông coi lương thảo, gánh nước nấu cơm.
Có lần có địch lẻn đến định đốt lương thảo, tên nhóc đó nhặt cung tên vừa b.ắ.n vừa hét: "Địch tập kích! Có địch tập kích!"
Sau đó hỏi hắn có sợ không, hắn nói không sợ.
Sau đó theo lên chiến trường, tuy rằng chỉ là dọn dẹp chiến trường sau khi chiến đấu, cũng sẽ gặp phải địch lẻn đến nhưng chưa bao giờ lùi bước.
"Một đứa nhóc con, cao bằng thanh đao của ta, vậy mà còn có thể kéo đồng đội bị thương từ chiến trường về."
Ta nghe mà như bị thôi miên.
Đây là một cuộc sống khác mà ta chưa từng biết đến.
Chiến tranh tàn khốc.
Nhưng lần này lại có cảm giác chân thực.
Mười ba tuổi làm chức bách phu trưởng, chỉ huy một trăm binh lính có thể tập kích, đột phá, xung phong g i ế t địch.
Mười bốn tuổi dẫn người tập kích hậu phương địch, phối hợp với các đội khác giao chiến, thành công đốt cháy lương thảo.
"Tên nhóc đó tiền đồ vô lượng! Nhưng lão già Chu Dũng kia lại không đồng ý, gả cho công chúa, cũng là sợ mất gốc..."
Lời còn chưa dứt nhưng ai cũng hiểu.
Cha mẹ thương con thì sẽ tính xa cho con.
"Trên đường hồi triều còn có một chuyện thú vị." Hứa tướng quân đột nhiên lại hứng khởi: "Trên đường gặp một gia đình chôn mẹ, một chiếc quan tài mỏng manh nhưng có một đứa trẻ quá nhỏ không có sức, lúc sắp đổ, Chu Tuyết Sinh bay người đến dùng vai chống đỡ. Sau đó mặc một thân áo giáp đi theo giúp đưa lên núi."
Hứa tướng quân đột nhiên nhìn ta: "Nếu đổi lại là công tử kinh thành, có thể không chút do dự như vậy không?"
Ta sững sờ.
Ta không biết mình có làm được không nhưng ta biết nhiều công tử nhà quyền quý sẽ không làm được.
Dường như không cần ta trả lời, Hứa tướng quân vẻ mặt hồi tưởng.
"Thân hình nhỏ bé đó, mười tuổi đã giúp đồng đội thu xác, khiêng quan tài, đã khiêng bao nhiêu huynh đệ cùng ăn cùng ngủ..."
Có lẽ lúc này ông không chỉ nói về Chu Tuyết Sinh, mà còn nói về nửa đời chinh chiến của mình và hàng ngàn hàng vạn tướng sĩ.
Lúc ra về, ta và phụ thân đưa ông đến trước cửa phủ.
Đôi chân khập khiễng của ông chứng minh cho công lao của ông.
Ta đột nhiên rất muốn gặp Chu Tuyết Sinh.