Hồ Yêu

Chương 1-2: Lần đầu đi lạc




Đoạn Trường lĩnh.

Trời chiều bắt đầu ngả bóng, những tia nắng cuối ngày cuống quýt trút toàn bộ sinh mệnh để lấp lánh huy hoàng vài khoảnh khắc cuối cùng, rồi sau đó tàn lụi vĩnh viễn trong bóng đêm vô tận. Một chiếc xe ngựa vội vã lao đi trên đường núi nhỏ hẹp như muốn chạy đua với vầng thái dương sắp tắt bóng. Vó ngựa khua lên mặt đường từng nhịp giòn giã dồn dập, vang vọng khắp bốn bề núi rừng hoang vu.

Nhưng tốc độ của con ngựa không đọ lại được với thời gian, cuối cùng ánh nắng cũng tắt hẳn nơi cuối chân trời. Mã phu thắng cương ngựa lại, quay đầu ra sau, cất tiếng hỏi:

«Từ tiên sinh, trời đã tối, không thể thấy đường để đi tiếp được, hay là đêm nay nghỉ tạm nơi này?”

Từ trong xe ngựa bước xuống một người đàn ông trạc ngoại tứ tuần, đầu chít khăn vuông, thoạt nhìn đã biết là một nho sinh. Ông đưa mắt nhìn con đường sâu hun hút chìm trong bóng tối phía trước, hơi lo âu thở dài một cái, nói:

«Đành phải vậy thôi.”

Một bàn tay nho nhỏ vén lên rèm xe, chỉ nghe thấy một giọng nói trẻ con trong như chuông ngân vang lên:

«Nghĩa phụ, nghĩa phụ!”

Người nho sinh họ Từ kia mỉm cười hiền lành, vươn tay đỡ cô bé con trên xe xuống, xoa xoa hai búi tóc bánh bao của con bé, bảo:

«A Lan, tối nay phải nghỉ lại đây rồi, con nhớ cẩn thận, đừng chạy lung tung, nhỡ lạc trong rừng sâu là không tìm được đường ra đâu đấy, nhớ chưa?”

A Lan nhoẻn miệng cười, để lộ hai lúm đồng tiền bên má, ngoan ngoãn gật đầu đáp:

«Dạ, A Lan biết rồi.”

Ba người hai lớn một nhỏ tìm một chỗ bằng phẳng, buộc xe lại, bắt đầu nhóm một đống lửa đề phòng thú dữ. Từ tiên sinh lấy trong tay nải ra một gói lương khô mời mã phu cùng dùng chung với hai cha con. Ăn xong bữa tối qua loa, hai người đàn ông quyết định thay phiên nhau thức canh chừng thú dữ, còn cô bé A Lan thì rất nhanh đã dụi dụi đầu vào lòng nghĩa phụ ngủ khì.

Nửa đêm, A Lan mơ màng tỉnh dậy, theo thói quen cọ cọ cái đầu bé nhỏ, lại chợt phát hiện ra cái con bé đang tựa vào chẳng phải người nghĩa phụ ấm ấm mà là gốc cây sần sùi. A Lan giật mình mở mắt, chỉ thấy xung quanh vắng lặng, nghĩa phụ biến mất, mã phu thúc thúc cũng không thấy đâu, cả khoảnh rừng vắng lặng chỉ có mình cô bé.

Vịn vào gốc cây để đứng dậy, A Lan thử cất tiếng gọi nghĩa phụ. Không ai đáp lời cô bé. A Lan bắt đầu thấy sợ trong lòng, lấy từ trong hành lý ra một cây nến, cũng may đống lửa kia còn chưa tắt nên cô bé có thể nhờ nó mà thấp được nến lên, tập tễnh dò dẫm đi tìm nghĩa phụ.

Đường rừng rất tối, chung quanh là cây cối đậm rạp um tùm, trăng trên cao phủ một ánh sáng mờ ảo xuống khu rừng, không khí như khoác lên một làn khói huyễn hoặc. A Lan vừa mò mẫm tìm đường vừa cất tiếng gọi nghĩa phụ, trong dạ vô cùng sợ hãi nhưng vẫn cố bước tiếp. Đi được một lúc, A Lan chợt nghe thấy như có tiếng gì phát ra trong bụi rậm. Thoạt đầu, cô bé ngỡ là thú dữ, giật mình lùi lại mấy bước, sau đó lắng tai nghe kỹ, lại cảm thấy như là tiếng rên ư ử của thú nhỏ bị thương. Đáng lẽ, nếu tỉnh táo, vào lúc này A Lan nên quay mặt rảo bước thật nhanh, mặc kệ cái sinh vật trong bụi rậm kia. Nhưng chẳng rõ ma xui quỷ khiến thế nào, cũng có thể do tiếng cầu cứu yếu ớt tuyệt vọng của con vật kia đã đánh động đến lòng trắc ẩn của A Lan, cô bé trong vô thức bước đến bên bụi rậm.

Đưa tay vén bụi rậm ra, trong bóng đêm mịt mùng, dưới ánh nến leo loét, A Lan trông thấy nó, một con hồ ly trắng muốt nằm cuộn mình giữa đám cây cỏ um tùm. Chân nó vướng phải một cái bẫy sắt, mơ hồ có thể thấy một khoảng lông trắng đẫm máu bết lại. Nó dường như muốn cố gắng đứng dậy, lại không tài nào đứng nổi, mỗi lần nó nỗ lực chống hai chân trước đứng lên đều thất bại, cái chân vướng bẫy lại càng chảy nhiều máu hơn. Con hồ ly nhìn A Lan đầy cảnh giác, nó rụt người lại, đôi mắt tròn xoe ngần ngận nước tựa như xuyên thấu cả đáy lòng cô bé loài người trước mặt.

A Lan chần chừ một lúc, cuối cùng rụt rè đưa tay chạm vào nó. Đương lúc hồ ly muốn cựa quậy phản kháng, chợt nó nghe thấy một giọng dỗ dành êm ái:

«Ngoan nào, ngoan nào, tiểu bạch hồ, ta không làm hại ngươi đâu.”

Bàn tay nhỏ bé của A Lan nhẹ nhàng vuốt ve bộ lông mượt mà như nhung của nó để trấn an. Bạch hồ nhìn vào mắt cô bé. Loài người vốn giả dối. Nó biết, nhưng đôi mắt trong vắt của cô nhóc phàm nhân này khiến nó cảm thấy có thể tạm thời tin tưởng.

A Lan thấy tiểu bạch hồ đã ngừng giãy giụa, liền xoa xoa đầu nó, nói:

«Bây giờ ta sẽ giúp ngươi tháo cái bẫy này ra, cố chịu một chút, ngoan ngoãn đừng cựa quậy nha!”

Lần theo cái bẫy sắt, A Lan bất giác không khỏi xót xa khi thấy vết thương đầm đìa máu trên chân hồ ly. Cô bé cắn răng, cố gắng nhẹ nhàng tháo cái bẫy sắt đáng chết kia ra, con hồ ly đau đến run bật lên một cái. Vứt đi cái bẫy, A Lan cẩn thận ôm hồ ly vào lòng, xé vạt áo băng bó thay nó.

Vuốt vuốt cái đầu nhỏ của hồ ly, cô bé nhẹ giọng hỏi:

«Ngươi có còn đau lắm không hả? Cố chịu một chút nha, đợi ta tìm được nghĩa phụ sẽ nhờ người tìm thuốc đắp lên cho ngươi.”

Hồ ly dường như cảm nhận được thiện ý của cô bé, cả người cũng buông lỏng ra, không còn căng thẳng đề cao cảnh giác như lúc nãy, hóa thành cục bông mềm nhũn trong tay A Lan. Nó dụi dụi chiếc mũi ươn ướt vào tay nàng, nửa như đang nói rằng mình không sao, nửa như đang làm nũng. Là một thành viên của hội cuồng động vật lông mao, A Lan nhanh chóng bị con hồ ly đáng yêu đến không thể đáng yêu hơn này làm cho tim nhũn ra, chỉ muốn ôm nó đem về nhà giấu luôn.

«Nè Tiểu Bạch, ta đã cứu mạng ngươi có đúng không? Ngươi nói xem, làm người... không, làm hồ ly, có ân không báo là xấu lắm có đúng không? Cho nên để báo ân cho ta, ngươi theo ta về nhà là thiên kinh địa nghĩa có đúng không? Im lặng tức là đồng ý rồi, có đúng không?” A Lan rất thản nhiên vuốt vuốt bộ lông mềm mượt của hồ ly, tự gật gù rút ra kết luận.

Nếu con hồ ly trên tay A Lan biết nói, nó nhất định sẽ lên tiếng tố cáo hành vi bắt nạt hồ ly của cô bé, nhưng rất tiếc, nó lại không thể nói, chỉ đành quay mặt đi giả vờ ngủ. Trong một sát na nào đó, A Lan cảm thấy mình đang bị khinh bỉ.

Đúng lúc đó, từ xa vọng lại tiếng người gọi tên A Lan. Thấp thoáng trong bóng đêm có ánh đuốc lấp lóe. A Lan mừng rỡ reo lên:

«Nghĩa phụ! A Lan ở đây!”

Con hồ ly trên tay cô bé thoáng chốc ngẩng đầu lên, nhanh như chớp phóng vào bụi rậm biến mất tăm. Nếu không có vết máu hồ ly còn trên tay mình, A Lan thậm chí sẽ nghĩ rằng vừa nãy chỉ là một giấc mộng.

«Thật là một con hồ ly vong ân phụ nghĩa!” A Lan ngẩn ngơ nhìn hai tay trống không của mình, ấm ức lẩm bẩm.

«A Lan! Con không sao chứ?” Từ tiên sinh vừa chạy đến nơi, thấy tay con gái dính máu, vội vã hỏi.

A Lan lắc lắc đầu, đáp:

«Dạ con không sao. Máu này là của con hồ ly lúc nãy, nó bị mắc bẫy thợ săn, con cứu nó ra, nó vừa chạy đi mất rồi.”

Từ tiên sinh nghe đến đây sắc mặt liền trở nên căng thẳng, vội kiểm tra khắp người con gái xem có vết thương nào không, không thấy gì bất thường mới thở phào nhẹ nhõm.

A Lan lấy làm ngạc nhiên, lay ống tay áo cha, hỏi:

«Nghĩa phụ, có chuyện gì thế ạ?”

Mã phu vuốt mồ hôi đầm đìa trên trán, sợ hãi nói:

«Tiểu cô nương, vừa nãy ta và tiên sinh đang thức canh, đột nhiên... đột nhiên gió lớn nổi lên, cát bụi mù mịt... Khi bọn ta mở mắt ra được thì thấy mình đã bị cuốn đi đến nơi nào không rõ. May gặp được một vị đạo trưởng, ông ấy cho chúng ta đuốc, chỉ đường để đi tìm con. Đạo trưởng còn nói... nói... Đoạn Trường lĩnh này là sào huyệt của yêu quái...”

“ Yêu quái?” A Lan kinh ngạc hỏi lại.

Từ tiên sinh xoa đầu A Lan, bế con bé đi, vừa đi vừa nói:

«Trong núi có hồ yêu. Chúng ta phải đi nhanh, rời khỏi đây càng nhanh càng tốt...”

Hồ yêu?

A Lan cúi đầu cắn cắn môi, suy nghĩ một lúc, cuối cùng mới phát hiện ra một điều gì đó rất quan trọng. Hình như... Cô bé vừa gặp con hồ yêu đó. Hơn nữa, lại còn muốn dụ dỗ mang nó về nhà. (=__=)

Dân gian truyền rằng, ta có thể nói đùa với tất cả các loài, trừ hồ ly. Bởi vì, nó sẽ nhớ lời nói đó suốt đời suốt kiếp.

Cho nên nói, kiếp sống làm thức ăn cho hồ ly của Kê Quân Lan về sau, suy cho cũng là tự làm tự chịu.