Hộ Thiên Thần Giáo

Chương 27: Lễ Đăng Cơ Lửa - Phần 2: Trường Sinh Kiếm




Quảng trường Thiên Vũ Môn dưới những tia nắng đầu ngày nhẹ nhàng, ánh lên nhiều vệt sáng lung linh như hào quang chiếu rọi, trông vô cùng lộng lẫy và thiêng liêng. Vẻ đẹp thần thánh đó có được là do toàn bộ gạch lát sân tại nơi này vốn làm từ một loại đá hoa cương quý hiếm chỉ có ở Nhật Tước Quốc. Với cấu tạo cực kỳ đặc biệt, dù bề mặt gạch bóng loáng, phản quang mạnh, nhưng lại không hề gây trơn trượt chút nào, kể cả lúc bị ướt nước mưa. Ngay giữa trung tâm quảng trường rộng lớn, bước lên năm mươi bậc thang là một đài hành lễ, với điểm nổi bật là bức tượng chim mặt trời đang oai vũ tung cánh, cao hơn bảy trượng, cùng năm nhóm cột đá cao hơn mười trượng xếp cách đều thành một vòng tròn bao quanh thượng đài, tượng trưng cho năm tiểu vương quốc phương nam ở lục địa Thái Bình Hạ. Trong sự kiện trọng đại ngày hôm nay, khắp quảng trường còn được trang trí bằng rất nhiều hoa diên vỹ đặc trưng tuyệt đẹp, mang đến cho nơi này một không gian vô cùng cao sang và quyền quý

Tiếng trống dồn trầm hùng, hòa cùng âm sắc vang vọng của tù và báo hiệu nghi lễ đăng cơ chuẩn bị bắt đầu. Quan khách từ các vương quốc lân cận đã có mặt đầy đủ trong sự nô nức hân hoan, bao gồm phái đoàn Lâm Nhạc Quốc do quốc vương Bệ Ngạn dẫn đầu; thánh tộc Phi Sa Đệ với sự hiện diện của thánh nữ Thụy Xuân, đế tộc Đại Ly Quốc từ lục địa Thái Bình Thượng, đại diện là quý phi Ngọc Huệ; cuối cùng không thể thiếu bên thông gia thân thiết - Lục Yên Quốc, đích thân quốc vương Ngụy Huân đến tham dự để được tận mắt chứng kiến chàng con rể Phúc Nguyên chuẩn bị chính thức đứng vào hàng ngũ các bậc quân vương. Còn con gái ông ta, thái tử phi Thanh Mai, cũng sắp trở thành hoàng hậu của đất nước đứng đầu Ngũ Quốc Phương Nam. Điều này đối với tộc Lục Yên mà nói có thể gọi là một niềm kiêu hãnh thực sự, bởi vị thế của quốc vương Ngụy Huân tại vùng lục địa Thái Bình Hạ, sau ngày hôm nay sẽ trở nên cao trọng hơn một bậc.

Những tràng pháo nổ thu hút sự chú ý của mọi người lên nền trời cao rộng và trong xanh. Mở đầu trước hết là màn xuất hiện oai vũ của nam nữ chiến binh Nhật Tước Quốc. Họ mặc lễ phục màu bạc, tay múa trường kiếm, tung đôi cánh chim bay lượn trên không trung thành nhiều hàng trước sau nối tiếp nhau. Giữa ánh nắng chan hòa và tươi sáng, trông họ như thể có hào quang tỏa ra, lộng lẫy và kiêu sa không kém gì thiên binh thiên tướng của thần thánh. Đặc biệt, từ từng động tác tay, từng pha xoay người chao liệng, đến cả từng nhịp vỗ cánh lên xuống, mọi thứ diễn ra đồng đều một cách hết sức hoàn hảo, tạo nên bầu khí vô cùng uy nghiêm và hào hùng. Nghi thức chào đón cực kỳ long trọng, khiến cho những người có mặt ai nấy cũng phải kinh ngạc mà cất tiếng trầm trồ. Màn trình diễn tuy không dài nhưng chính lời cảm kích chân thành nhất, gửi đến chư vị quân vương hoàng tộc các nơi đã dành thời gian quý báu để hiện diện, chứng kiến buổi lễ đăng cơ trọng đại tại quảng trường Thiên Vũ Môn này.

Tiếp ngay sau đó, lại có một quân đoàn oai vệ khác tháp tùng một người đàn ông lớn tuổi tiến dần từ bên ngoài vào đài hành lễ ở ngay giữa trung tâm. Nét mặt vị này, tuy đã chằng chịt những vết hằn thời gian già cỗi, nhưng thần sắc vẫn tràn đầy khí khái rất đỗi lẫm liệt. Đôi cánh trên vai ông ta to lớn vĩ đại hơn bất cứ ai, cộng thêm bộ trang phục ánh bạc rực rỡ mang lại dáng vẻ đầy uy dũng và trang nghiêm của bậc vua chúa, ngoài đương kim quốc vương Nguyễn Phúc An Khang ra thì làm gì còn người nào khác có thứ phong độ ngút trời này.

Trên từng bước chân vị vua Nhật Tước Quốc đi qua, ngoại trừ phái đoàn của Đại Ly Quốc, còn lại tất cả mọi người, kể cả quốc vương Ngụy Huân, quốc vương Bệ Ngạn hay thánh nữ Thụy Xuân, đều phải hành lễ cúi chào rất mực cung kính. Tuy nhiên, việc họ hành lễ không phải là dành cho quốc vương An Khang, mà chính là với thanh kiếm mà ông đang cầm trong tay. Tuy chưa rút khỏi bao nhưng đã có thể dễ dàng nhận thấy một làn khí xanh lạnh buốt tỏa ra khắp trên thân kiếm, chứng tỏ đây đích thị là một loại thần binh sở hữu linh lực vô song khôn lường.

Công chúa nhỏ Nhã Ca đứng cùng quý phi Ngọc Huệ ở hàng đầu, ánh mắt chăm chú nhìn một lúc đã lập tức nhận ra bảo vật, liền nói:

- Con thấy nó rồi dì Huệ, chính là nó, Trường Sinh Kiếm.

Ngọc Huệ gật đầu khẽ trả lời:

- Đúng vậy, chính là Trường Sinh Kiếm, thần binh định an của Ngũ Quốc Phương Nam, được hết thảy mọi người tôn thờ. Vị thế của nó có thể sánh ngang với bộ thánh vật Hỏa Liên Đăng của Đại Ly Quốc ta.

Nói đoạn, cả hai dì cháu lại tiếp tục yên lặng theo dõi diễn biến của buổi lễ. Dù không phải là lần đầu nhìn thấy Trường Sinh Kiếm, nhưng trong lòng Ngọc Huệ vẫn cứ nhộn nhạo một cách khó tả khi đối diện với thứ thần khí ngùn ngụt phi thường tỏa ra từ nó. Và rõ ràng, tại quảng trường Thiên Vũ Môn này, nàng không phải người duy nhất có cảm giác như vậy.

Liên tục nghi thức, sau khi quốc vương An Khang đã thỉnh Trường Sinh Kiếm lên đài hành lễ, các thành viên hoàng gia Nhật Tước Quốc cũng nối gót ông tiến vào giữa trung tâm. Dẫn đầu đoàn người không ai khác, chính là thái tử Phúc Nguyên và thái tử phi Thanh Mai. Hoàng phi Thanh Thanh tay bồng quận chúa nhỏ Mai Khôi đi ngay phía sau. Nàng song hành cùng tam hoàng tử Đăng Khoa thay cho phu quân của nàng là đại hoàng tử Phúc Thịnh, do lỡ uống nhầm bình rượu mà mê man bất tỉnh, không thể tham dự buổi lễ được. Các tiểu vương tử Phúc Hoàng, Phúc Vinh, Quốc Thy, mỗi đứa nắm một phần vạt áo Thanh Thanh, lẽo đẽo đi đều theo bước chân nàng. Dường như chúng đã bị hai bà mẹ răn đe từ trước nên trông mới có vẻ nghiêm chỉnh và ngoan ngoãn hơn ngày thường. Không ít những người xung quanh lấy làm chú ý đặc biệt đến thằng bé Quốc Thy, vì sau hai chị em Thanh Thanh và Thanh Mai, nó cũng là một thành viên đứng trong hàng ngũ hoàng tộc Nhật Tước Quốc mà không có đôi cánh trên vai.

Khi mọi người đã ổn định chỗ đứng sẵn sàng, quốc vương An Khang bắt đầu giương cao Trường Sinh Kiếm, dõng dạc cất lời tuyên bố:

- Vinh danh Tứ Phủ Thánh Mẫu, vinh danh thánh linh Nhật Tước, quả nhân Nguyễn Phúc An Khang, đã làm quốc vương Nhật Tước Quốc được bốn mươi bảy năm, gìn giữ thần binh Trường Sinh Kiếm được bảy năm. Nay tuổi tác đã cao, sức tàn lực kiệt, tự cảm thấy bản thân khó tiếp tục đảm đương trọng trách của tổ tiên và liên minh Ngũ Quốc Phương Nam giao phó. Vì thế, sau khi bàn bạc kỹ lưỡng với hoàng tộc Nhật Tước và được sự thống nhất của chư vị quân vương các nước, ta, đương kim quốc vương Nguyễn Phúc An Khang quyết định thoái vị, trao lại ngôi báu và bảo kiếm cho con trai Nguyễn Phúc Nguyên tiếp quản. Nhị hoàng tử, thái tử Nguyễn Phúc Nguyên, mau quỳ xuống nhận tuyên chỉ.

Nghe phụ vương ra lệnh, thái tử Phúc Nguyên tiến đến, cúi đầu quỳ xuống hô lớn:

- Có nhi thần!

Quốc vương An Khang một tay cầm Trường Sinh Kiếm, một tay cầm chiếc nhẫn Bạch Nhật Cang vừa mới tháo ra từ ngón trỏ, nâng cao cả hai món bảo vật đưa ra phía trước, cất lời phán:

- Nhị hoàng tử, thái tử Nguyễn Phúc Nguyên, từ hôm nay ngươi chính thức trở thành quốc vương Nhật Tước Quốc. Đeo vào ngón tay chiếc nhẫn Bạch Nhật Cang, ngươi cũng chính thức lãnh nhận trọng trách cao quý của chư vị tiên nhân truyền lại: bảo vệ hòa bình vương quốc, bảo vệ hòa bình lục địa Thái Bình, phát triển cơ nghiệp thiên thu, yêu thương chăm sóc dân chúng, chia sẻ đoàn kết ngoại tộc, nhất định lưu danh tên tuổi làm tấm gương soi rọi cho ngàn đời.

Thái tử Phúc Nguyên đáp:

- Tuân chỉ lệnh

Đoạn, anh đưa bàn tay ra để quốc vương An Khang xỏ chiếc nhẫn vào cho anh. Chiếc nhẫn vốn là bảo vật có linh tính nên tự biết co giãn ôm vừa vặn trên ngón trỏ của chủ nhân mới. Vị vua trẻ nhìn ngắm bảo vật kia, ánh mắt tràn đầy nhiệt huyết và hy vọng. Từ giây phút này, người ta đã chính thức gọi anh là quốc vương Nhật Tước Quốc.

Nghi thức truyền ngôi đã xong, tuy nhiên buổi lễ vẫn còn một bước cực kỳ quan trọng. Cựu hoàng An Khang tiếp tục cầm Trường Sinh Kiếm nâng lên cao bằng hai tay, lớn giọng tuyên bố:

- Quốc vương Nhật Tước Quốc Nguyễn Phúc Nguyên, ta trao lại tư cách gìn giữ Trường Sinh Kiếm cho ngươi. Thần binh cũng chính là vận mệnh của Ngũ Quốc Phương Nam. Hòa bình của các quốc gia khu vực Thái Bình Hạ từ hôm nay sẽ nằm trong tay ngươi.

Nói rồi, cựu hoàng An Khang cẩn thận trao thần binh đến tay quốc vương Phúc Nguyên. Trong khoảnh khắc chuyển giao quyền lực này, toàn thể các phái đoàn Lâm Nhạc Quốc, Lục Yên Quốc, Thánh tộc Phi Sa Đệ đều đồng loạt nghiêm cẩn cúi đầu hành lễ. Bầu khí của nghi thức đang diễn ra vô cùng thiêng liêng thì bỗng nhiên, có một bóng người không biết từ đâu tung cánh bay vụt đến, tốc độ nhanh như một tia sét đánh ầm xuống giữa quảng trường Thiên Vũ Môn. Chỉ trong chớp nhoáng, hắn đã đoạt được Trường Sinh Kiếm từ tay cha con quốc vương Nhật Tước Quốc, rồi tiện tay chém liền hai nhát sắc ngọt. Ngay tức khắc, máu tươi từ cổ của cựu hoàng An Khang và quốc vương Phúc Nguyên tuôn trào òng ọc như suối đổ, khiến họ ngã vật ra đất, chết ngay tại chỗ.

Thanh Mai và Thanh Thanh đứng gần đó nhất, lãnh nhận một khối cảm giác kinh hoàng đến ức nghẹn. Tên sát nhân đứng trước mặt họ, không ai xa lạ, chính là đại hoàng tử Nguyễn Phúc Thịnh. Gã cầm thanh thần binh trong tay, nghiến răng gầm gừ mà rên xiết:

- Các ngươi muốn có Trường Sinh Kiếm, phải bước qua xác ta trước.

Nói đoạn, Phúc Thịnh tung cánh bay bổng lên không trung rồi bất chợt vung kiếm bổ nhào xuống, giáng một nhát chém uy lực khủng khiếp chẻ làm đôi đài hành lễ. Ngọc Huệ đứng gần đó, sớm tiên liệu trước điều chẳng lành, liền lao mình phóng như bay đến, đã kịp thời cùng Thanh Mai cứu Thanh Thanh và lũ trẻ khỏi đòn hủy diệt oan nghiệt kia của đại hoàng tử. Cả ba nàng thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, cùng nhau khiếp đảm nhìn lại, không ít người chẳng kịp né tránh, bị kiếm khí từ nhát chém kia xé toạc thân thể ra làm nhiều mảnh, máu tươi vung vẩy tung tóe khắp nơi trên quảng trường Thiên Vũ Môn.

Từ bên ngoài, một số binh lính dưới trướng Phúc Thịnh cũng ào ạt bay vào trong, thần sắc vô hồn như đã mất hết lý trí, vung đao tàn sát bất kỳ ai họ nhìn thấy. Quan cảnh xung quanh thực sự hỗn loạn đến kinh hoàng. Phúc Thịnh vẫn chưa ngừng tay. Gã lấy từ trong áo ra vài chục khối cầu ném bừa các phía, chúng nổ tung và tỏa tan những luồng khói xanh lục dày đặc.

- Mọi người cẩn thận, trong khói có kịch độc - Thanh Mai cất tiếng nói lớn

Đó vốn là những quả pháo chứa chất độc hoại thể do nàng chế tạo ra, có tác dụng làm đối thủ suy kiệt sức lực tức thời. Tuy nhiên đã lâu rồi không xảy ra chiến sự, không cần sử dụng đến nên Thanh Thanh đã giúp nàng cất đi mà bảo quản, không ngờ hôm nay lại bị Phúc Thịnh mang ra dùng để gây họa như vậy.

Về phần Thanh Thanh, nàng vẫn mơ hồ không hiểu rốt cuộc thì chồng mình đang muốn làm gì. Sự kinh ngạc cùng nỗi khiếp sợ dường như bóp nghẹn cổ họng nàng. Nàng chỉ biết ôm lấy những đứa trẻ, nép sau vòng bảo vệ của Thanh Mai và Ngọc Huệ.

Buổi lễ đăng cơ bị đánh úp hoàn toàn bất ngờ khiến cho không một ai đủ bình tĩnh để kịp thời ứng phó. Chưa kể, toàn thể khách tham dự đều đã để lại mọi thứ vũ khí ở trạm bay bên dưới vịnh trước khi lên đảo Quang Minh. Đứng trước uy lực bất phàm của Trường Sinh Kiếm, họ chẳng khác gì bầy cá nằm trên thớt. Lúc này, hai nữ thần sứ đi cùng với thánh nữ Thụy Xuân của thánh tộc Phi Sa Đệ, là Nhật Hạ và Hàn Đông, phi thân lên phía trước, chớp mắt đã hóa thành hai con thuồng luồng dài hơn ba mươi trượng. Họ há miệng phun ra những dòng nước mạnh mẽ, kèm theo là cuồng phong bạo vũ, hòng cuốn tan làn khói độc do Phúc Thịnh tạo ra. Lực sĩ từ phái đoàn Lâm Nhạc Quốc bắt đầu bộc lộ thần lực, đồng loạt lao đến tả xung hữu đột với đám binh lính của đại hoàng tử. Phái đoàn Đại Ly Quốc cũng đã xông vào tham chiến, trong khi quốc vương Ngụy Huân điều động các phù thủy Lục Yên Quốc trợ giúp giải độc cho những người đã vô tình hít phải làn khói khi nãy.

Dù vậy, Phúc Thịnh cùng Trường Sinh Kiếm mới là điều nguy hiểm hơn cả. Gã vẫn liên tục chém giết điên cuồng và ác liệt. Sát khí từ thanh thần binh tỏa ra ngùn ngụt, càng về sau sức hủy diệt của nó lại càng trở nên khủng khiếp hơn. Chẳng mấy chốc, quảng trường Thiên Vũ Môn đã chìm trong bể máu, xác chết nằm la liệt khắp nơi. Mọi nỗ lực chống trả đều vô dụng. Thanh Thanh chứng kiến thảm cảnh, sau một lúc ngẩn ngơ đã cố lấy lại được chút bình tĩnh. Nàng đặt đứa bé Mai Khôi vào trong lòng tiểu vương tử Quốc Thy để thằng nhỏ bồng em, rồi vùng ra khỏi vòng tay của quý phi Ngọc Huệ. Mặc cho Ngọc Huệ và Thanh Mai đã cố can ngăn, nàng vẫn lao mình chạy đến trước mặt Phúc Thịnh, thét lên đầy phẫn uất:

- Anh mau ngừng tay! Anh điên rồi.

Phúc Thịnh nghe thấy vậy thì khựng lại một lúc, ánh mắt đỏ ngầu của người say rượu nhìn trừng trừng vào Thanh Thanh. Nàng tiếp tục nói:

- Tại sao anh lại làm vậy, anh gây ra đại họa rồi có biết không. Mau tỉnh lại đi, làm ơn tỉnh lại đi mà.

Trong phút chốc, sự tĩnh lặng đến gai người bỗng nhiên bao trùm lên cả không gian. Ai nấy cũng đều như bị đá tảng đè nặng trên lồng ngực, hồi hộp đến không thở ra nổi. Phúc Thịnh đứng yên thẫn thờ một lúc rồi bất chợt lạnh lùng lên tiếng:

- Ngươi đang lảm nhảm cái gì vậy? Ta chẳng hiểu gì cả

Nói đoạn, gã hung hãn đâm kiếm đến. Lưỡi kiếm oan nghiệt xuyên qua cơ thể Thanh Thanh quá chớp nhoáng và bất ngờ, khiến cho không một người nào kịp thời có phản ứng gì cả. Nàng hộc ra một ngụm máu tươi rồi ngã vật xuống đất.

Thanh Mai cùng Ngọc Huệ chứng kiến cảnh đó, nộ khí lập tức xung thiên, bất chấp tay không lao đến đồng loạt tấn công Phúc Thịnh. Phúc Thịnh múa thần binh trên tay, phát ra một thứ pháp lực kinh hồn để chống trả lại hai nàng. Nhưng dường như sự căm phẫn đã giúp hai nàng mạnh mẽ hơn bội phần. Ngọc Huệ tập trung đánh vào vùng hạ bộ và cánh bên trái, trong khi Thanh Mai thì nhắm vào mặt và cánh bên phải. Dù có Trường Sinh Kiếm trong tay nhưng Phúc Thịnh vốn không phải là người có luyện tập võ nghệ bài bản, thành ra lúc bị áp sát như thế này lại trở nên lúng túng và mất thăng bằng. Tuy nhiên, nhờ cộng hưởng quyền năng từ thánh vật mà sức lực của gã cũng tăng lên rất đáng kể. Gã quơ quào tay chân loạn xạ, chỉ chớp mắt đã có thể hất văng hai người phụ nữ ra xa, ngã đánh bịch trên đất.

Phúc Thịnh nhanh chóng lấy lại thế thượng phong, tay xiết chặt chuôi kiếm tàn nhẫn đâm về phía Ngọc Huệ. Nàng vừa bị va đập, thân thể còn nhức âm ỉ, tức thời không thể đứng dậy được, liền tự hiểu phen này chắc chắn phải bỏ mạng rồi, đành nhắm nghiền mắt mà chờ chết. Nghe phập một tiếng khô khốc, những giọt máu nóng hổi tanh nồng lập tức phụt ra, bắn ướt trên đôi gò má của Ngọc Huệ. Nhưng tại sao nàng lại không có cảm giác đau đớn gì cả. Nàng kinh ngạc mở mắt nhìn thì thấy một tấm thân to lớn đã che phủ lấy cơ thể mình, gương mặt người ấy nhíu lại đầy đau đớn, máu tươi từ miệng không ngừng hộc ra. Chính là thái tử Bệ Lang.

Quốc vương Bệ Ngạn nhìn thấy diễn biến vừa rồi, lòng trỗi dậy một nỗi thương tâm cùng cực. Ông lao đến như một cơn sóng lớn, cúi đầu húc cặp sừng nai vào bụng dưới của Phúc Thịnh. Phúc Thịnh nhanh chóng tránh né, gã dường như nhận ra đối thủ có thần lực phi phàm hơn hẳn hai người phụ nữ ban nãy, liền lớn tiếng ra lệnh:

- Đến giúp ta!

Ngay lập tức, binh lính của gã xông vào yểm trợ chủ nhân. Chúng dang rộng đôi cánh, vây quanh tấn công quốc vương Bệ Ngạn dồn dập. Vị vua của Lâm Nhạc Quốc thật sự rất uy mãnh, chẳng quá khó khăn để ông có thể túm cổ từng tên ném đi vun vút như ném rác. Tuy nhiên đó chỉ là một cú lừa gây phân tâm. Phúc Thịnh đã nhanh chóng bắt lấy thời khắc bất cẩn của đối thủ, vung kiếm chém đến. Bệ Ngạn cảm nhận được luồng kiếm khí khủng khiếp chuẩn bị giáng xuống đầu mình, bèn dùng hết sức bình sinh để nhảy vọt ra chỗ khác. Nỗ lực đó cuối cùng cũng giúp ông thoát chết, nhưng cánh tay trái của ông đã vĩnh viễn bị đứt lìa khỏi thân.

Thánh nữ Thụy Xuân vội chạy đến dùng pháp lực điều khiển nước, kiềm lại dòng máu đang phun ra từ bả vai quốc vương Bệ Ngạn. Hai vị thần sứ của bà, Nhật Hạ và Hàn Đông, vẫn trong hình dáng thuồng luồng khổng lồ, lập tức phóng đến há chiếc hàm đầy răng nanh tấn công Phúc Thịnh. Phúc Thịnh lại vung bừa thanh Trường Sinh Kiếm, phát ra một luồng sát lực khủng khiếp hất bay hai kẻ địch to lớn ra xa. Thân thể họ như những tảng núi nặng nghìn tấn, một người văng mạnh đến chân bức tượng chim mặt trời cao bảy trượng, kiến bức tượng gãy mất một bên trụ và bắt đầu lung lay. Người còn lại thì văng về phía bọn trẻ Phúc Hoàng, Phúc Vinh và Quốc Thy đang đứng, buộc chúng phải vội vã tản ra mỗi đứa mỗi nơi để né tránh.

Trong tình hình vừa rồi, Phúc Vinh đã nhanh tay túm cổ áo Quốc Thy, tung cánh bay bổng lên, kéo thằng bé sang mé bên phải. Tuy nhiên do nó còn quá nhỏ, không đủ sức lực, cộng thêm việc Quốc Thy hai tay đang bồng bé Mai Khôi vướng víu, khiến cả hai tuy kịp thoát khỏi bị con thuồng luồng khổng lồ đè chết, nhưng lại bị mất trớn ngã sõng soài xềnh xệch trên trên đất trông vô cùng thảm thương. May là Quốc Thy vẫn nhất nhất ôm chặt em gái trong lòng, dùng thân mình che đỡ nên cô bé vẫn bình yên vô sự.

Còn thằng bé Phúc Hoàng thì tung cánh bay qua mé bên trái, nhưng lại không may va phải một tên lính của đại hoàng tử. Hắn túm lấy nó, ném đến trước mặt Phúc Thịnh. Thanh Mai khi nãy liên thủ công địch cùng Ngọc Huệ, bị hất cho ngã đập đầu xuống đất nên choáng váng mãi hồi lâu mới tỉnh lại được. Vừa ngay lúc nhìn thấy con trai mình đang đứng dưới lưỡi kiếm sắc lạnh của gã sát nhân, nàng lập tức quên mọi đau đớn mà chạy vụt đến. Theo tính toán của nàng, với tốc độ này, chắc chắn sẽ kịp thời để lôi thằng bé ra khỏi đường chém oan nghiệt chuẩn bị giáng xuống.

Tuy nhiên, ánh mắt Thanh Mai chợt liếc về nơi Phúc Vinh, Quốc Thy đang đứng. Nàng liền giật mình nhận ra, pho tượng chim mặt trời khi nãy bị tông gãy một chân trụ, giờ đây đã gãy nốt các chân còn lại và đang đổ nhào xuống ngay trên đầu chúng. Trong giây phút ngắn ngủi, nàng đưa mắt nhìn con mình với hai dòng lệ đã tuôn trào bỏng rát trên khóe mi, đôi chân quyết định chuyển hướng chạy đến bên đám trẻ kia. Trái tim người mẹ quặn thắt tuyệt vọng khi nghe một tiếng phập khô khốc vang lên sau lưng, nàng cắn chặt đôi môi, cắn bật cả máu để ngăn không cho bản thân quay đầu lại. Cuối cùng Thanh Mai cũng đã kịp túm được Phúc Vinh và Quốc Thy, nàng cất tiếng thét lớn: “Ngọc Huệ”, rồi dùng hết sức bình sinh ném mạnh bọn trẻ về phía cô bạn thân.

Ngọc Huệ cùng các lực sĩ Lâm Nhạc Quốc đang vây quanh Bệ Lang, đột nhiên nghe tiếng gọi như xé lòng kia, liền đồng loạt quay đầu lại nhìn. Họ nhanh chóng dang tay đón đỡ lấy hai tiểu vương tử, cùng lúc chứng kiến thân thể mong manh của Thanh Mai bị nuốt trọn bên dưới pho tượng chim mặt trời khổng lồ vừa ngã ầm xuống. Ngọc Huệ trong một ngày phải nhìn hai người tri kỷ vong mạng, trong lòng đau đớn tan nát. Nàng căm phẫn bật khóc, hận bản thân không biết làm thế nào ngăn chuyện này lại. Chợt, từ xa xa có tiếng tù và dồn dập vang lên ầm trời. Ai nấy đều mừng rỡ vì biết rằng quân cứu viện đang đến, mọi chuyện sắp sửa kết thúc rồi.

Ngẫu nhiên, ngay khi âm thanh rộn rã kia phát lên, Phúc Thịnh bất giác loạng choạng như thể sắp ngã xuống, gã ôm đầu gào lên đầy đau đớn. Chẳng lẽ hắn đang sợ hãi sao? Ngọc Huệ thắc mắc, nàng chú ý biểu hiện của gã, sau một lát liền hiểu ra: “Không phải tiếng tù và đã làm hắn trở nên như vậy. Chính là Trường Sinh Kiếm. Chính nó đã giúp Phúc Thịnh gia tăng thần lực, nhưng cũng đồng thời ăn dần ăn mòn hết sinh khí của hắn. Hắn vốn không có nền tảng pháp lực để chống chịu thứ quyền năng này, nên nếu giữ thanh kiếm lâu thêm thì chắc chắn hắn sẽ phải kiệt sức mà chết”

Vừa nghĩ đến đó, nàng đã hốt hoảng khi thấy Phúc Thịnh đột ngột chỉa kiếm lao về phía mình. Tất cả đều lập tức ôm quyền tự thủ cho bản thân. Tuy nhiên gã không giết ai cả, chỉ nhanh chóng tóm lấy Phúc Vinh và Quốc Thy bay bổng lên trời. Quốc vương Bệ Ngạn và thánh nữ Thụy Xuân thấy có biến, liền vội vã dồn hết pháp lực định xông đến cứu bọn trẻ. Nhưng chưa kịp ra tay thì quận chúa Mai Khôi đã từ trên cao rơi xuống. Là do thằng bé Quốc Thy hoảng loạn vùng vẫy đã lỡ buông tay thả em gái ra. Họ cả kinh tranh nhau đón lấy con bé, cứ nơm nớp sợ rằng nhỡ nó quá nhỏ mà không bắt trúng được thì toi. Khoảnh khắc hỗn loạn vừa qua, nhìn lại thì không ai còn thấy Phúc Thịnh đâu nữa. Tên sát nhân đã trốn thoát cùng Trường Sinh Kiếm và hai vị vương tử trước sự bất lực của tất cả mọi người.

Đoàn quân cứu viện Nhật Tước Quốc xuất hiện ngay sau đó và kết liễu toàn bộ đám quân phản loạn của đại hoàng tử còn sót lại, tuy nhiên cũng không thể nào cứu vãn thế cuộc hoang tàn thê lương kia.

Nhã Ca chạy đến bên Ngọc Huệ, khiến trái tim trong lồng ngực nàng đập loạn cả lên. Quá nhiều thứ xảy ra dồn dập khiến nàng suýt nữa thì quên mất đứa cháu nhỏ. Rất may lần này chuyến đi khá xa xôi và dài ngày nên Ngọc Huệ đã đặc biệt chuẩn bị những binh lính tinh nhuệ nhất, sẵn sàng cho việc hộ giá mọi lúc mọi nơi mọi điều kiện. Nhờ vậy, dù không có vũ khí, họ vẫn có thể bảo vệ an toàn tuyệt đối cho cô bé giữa vòng chiến hỗn loạn vừa rồi. Nàng ôm chầm lấy nó, gấp gáp hỏi:

- Con không sao chứ Nhã Ca, con không bị thương ở đâu chứ?

Nhã Ca vội vã đáp:

- Con không sao. Thái tử Bệ Lang sao lại chảy máu nhiều thế này hả dì?

Ngọc Huệ nghe con bé hỏi thì chỉ biết im lặng mà bật khóc, khóc rất nhiều. Hóa ra người còn sống sót ở lại mới là người chịu nhiều đau đớn nhất.

- Ngọc Huệ! Ngọc Huệ - Một tiếng gọi yếu ớt nhưng vô cùng da diết, chính là thái tử Bệ Lang.

Ngọc Huệ vội ngồi xuống đỡ chàng ta nằm vào lòng mình, thổn thức nói:

- Ta đây, chàng cố lên. Chàng sẽ không sao đâu, chàng không được bỏ cuộc.

Bệ Lang nén gượng cơn đau, mỉm cười đáp:

- Ta thật sự không xong rồi, ta muốn nói với nàng,... chuyện ở vườn hoa diên vỹ… nàng hãy quên đi, không cần trả lời nữa. Chỉ cần hứa với ta, sau này… phải thật hạnh phúc, nhất định phải thật hạnh phúc.

- Không - Ngọc Huệ nức nở - Ta sớm đã có câu trả lời. Chàng nghe đây, ta quá chán phải một mình rồi, vậy nên chàng phải sống, nhất định phải sống để ở bên ta. Ta đồng ý gả cho chàng.

Bệ Lang cũng bắt đầu rơi nước mắt, cầm lấy bàn tay nàng khó nhọc nói:

- Nghe được câu này của nàng, ta...thực sự rất vui. Nhưng thôi,... bỏ đi, coi như là một câu nói đùa rồi quên hết đi thôi. Nàng... xứng đáng có được điều tốt hơn ta.

Vừa dứt câu, toàn thân Bệ Lang liền buông thõng nặng nề, hơi thở cuối cùng đã trút hết với một nụ cười vô cùng mãn nguyện trên môi. Ngọc Huệ hoàn toàn bất lực, không biết phải làm gì hơn, chỉ biết vừa khóc vừa van nài:

- Đừng mà, đừng chết mà…

….

- Đừng, đừng chết mà!

Ngọc Huệ quý phi ngồi bật dậy, gương mặt ướt đẫm những dòng lệ thảm, thần sắc vô cùng xanh xao. Nàng đưa mắt nhìn xung quanh, cố gắng hít thở để xua đi cơn quặn thắt đang bóp nghẹn trái tim. Mùi thơm của hoa diên vỹ từ chiếc bình xông hương, qua một đêm vẫn còn tỏa lan thoang thoảng. Nó như đang vỗ về, ủi an những xao động cứ mãi dày vò trong tâm trí. Nàng rời khỏi chiếc giường ngủ, bước đến mở rộng cánh cửa sổ cho những tia nắng đầu ngày chiếu rọi vào, mang đi bớt cái âm u trong căn phòng lẫn sâu trong đáy lòng mình.

“ Cộc cộc cộc” - Tiếng gõ cửa vang lên kèm theo thanh âm lanh lảnh của một cô gái trẻ gọi vọng vào từ bên ngoài:

- Dì Huệ ơi, dì dậy rồi chứ?

Ngọc Huệ nghe thấy liền đáp:

- Dì vừa mới dậy thôi. Con vào đi

Lời nàng vừa dứt thì cánh cửa phòng đã bật mở, một thiếu nữ tầm hai mươi tuổi xuất hiện trước mặt Ngọc Huệ, như chính thức đưa nàng quay trở về với thực tại. Cô gái kia đứng nhìn săm soi vị quý phi một lúc rồi lên tiếng hỏi:

- Dị Huệ à, dì lại mơ thấy ác mộng hay sao mà khóc đến sưng cả mắt thế kia?

Nói đoạn, cô ấy lại thở dài một hơi rồi lên tiếng gọi lớn:

- Người đâu?

Ngay tức khắc, hai nữ tì tất cả chạy đến cúi mình thưa:

- Nhã Ca công chúa có gì sai bảo chúng thần.

Thì ra thiếu nữ đó chính là Nhã Ca công chúa, cô ra lệnh:

- Các ngươi mau kêu đầu bếp chuẩn bị thức ăn chay cho Ngọc Huệ quý phi. Thêm nữa, dặn thái y sắc một đơn thuốc bổ khí định thần. Xem xem cây nhân sâm ngàn năm của Lâm Nhạc Quốc cống tặng có dùng chung được không thì cho vào luôn nhé.

Ngọc Huệ chăm chú nhìn cô cháu gái đứng trước mặt, giờ đây đã trở thành một thiếu nữ cao lớn chứ không còn là con bé con tám chín tuổi nữa. “Thời gian trôi nhanh quá” - nàng bất giác lẩm bẩm.

Nhã Ca đứng cạnh bên nghe được lập tức hiểu ra vấn đề, liền nắm tay dì dẫn đến bên giường, cùng ngồi xuống ân cần nói:

- Con biết năm nào tới khoảng thời gian này, dì cũng sẽ lại trở nên bất an, mà mỗi lần bất an thì tiêu hóa sẽ không được tốt. Vậy nên con đã cho chuẩn bị thức ăn chay cho dì rồi đấy, thấy con có giỏi không?

- Cám ơn con, dì không sao đâu - Ngọc Huệ mỉm cười xoa đầu nàng công chúa.

Nhã Ca nói lời an ủi:

- Chuyện đã qua hơn chục năm rồi. Hoàng phi Thanh Thanh, thái tử phi Thanh Mai, cả thái tử Bệ Lang nữa, vong linh của họ không muốn nhìn thấy dì cứ ray rứt mãi như vậy đâu.

Ngọc Huệ rầu rĩ:

- Từ sau sự kiện đó, đại hoàng tử Phúc Thịnh bặt vô âm tín đã đành, Trường Sinh Kiếm biến mất cũng đã đành. Nhưng còn hai tiểu vương tử Phúc Vinh và Quốc Thy,... Nhớ hôm đó, ta đã nhìn thấy ánh mắt Thanh Mai trước khi chết, tiếng gọi của nàng ấy, sự giao phó của nàng ấy, thế mà ta lại không thể chu toàn trọn vẹn. Đến cả bé con Mai Khôi cũng mắc bệnh mà qua đời không lâu sau đó, và việc duy nhất ta làm được chỉ là ngồi im bất lực nhận hung tin. Cớ sao ông trời lại quá nhẫn tâm với họ như vậy, lấy đi tất cả mọi thứ, không chừa lại gì cả. Rốt cuộc thì cái gọi là công bằng có tồn tại không chứ?

Nhã Ca thở dài nói:

- Nhưng mà lỗi cũng đâu phải do dì, dì đừng tự trách bản thân nữa. Lúc đó ngay cả sinh mạng của mình dì còn khó mà giữ, làm sao có thể lo cho người khác nổi. Phấn chấn lên dì ạ, dì quên nguyện vọng cuối cùng của thái tử Bệ Lang rồi sao?

Ngọc Huệ nghe Nhã Ca gợi nhắc, bên tai liền vang vang giọng nói trầm ấm của Bệ Lang: “Hứa với ta, nàng phải thật hạnh phúc, thật hạnh phúc”.

Hai dì cháu cứ thế ngồi tĩnh lặng hồi lâu. Mãi lúc sau, Nhã Ca mới lên tiếng nói lãng qua chuyện khác:

- À dì ơi, mật thám có về báo tin, dạo gần đây tình hình ở Ngũ Quốc Phương Nam có vẻ không được ổn lắm. Sau khi tam hoàng tử Đăng Khoa lên ngôi quốc vương Nhật Tước Quốc đã liên tục bị các nước chèn ép. Chủ yếu là vì sự mất tích của đại hoàng tử Phúc Thịnh và Trường Sinh Kiếm. Lục Yên Quốc là nước có động thái tiêu cực hơn cả. Có lẽ quốc vương Ngụy Huân đã chịu chấn động rất mạnh sau cái chết của hai người con gái, dẫn đến những suy tính sai lạc. Chưa kể ở vùng đất Trường Sinh Quốc cũ lại nổi lên một nhóm du mục thổ phỉ gây rối không ít. Con e rằng cứ đà này thì lịch sử loạn lạc ở Thái Bình Hạ sẽ lại tái diễn mất.

Ngọc Huệ trầm ngâm nghĩ ngợi một lúc rồi mới lên tiếng nhận định:

- Biết là như vậy, nhưng mối quan hệ giữa Thái Bình Thượng và Thái Bình Hạ đã được phân định rạch ròi. Chúng ta chỉ có thể đứng ngoài chờ động tĩnh chứ không thể tùy tiện can thiệp vào nội bộ của họ. Thôi thì trước mắt, Đại Ly Quốc ta vẫn cứ tiếp tục nâng cao sự chuẩn bị, phải luôn luôn trong tư thế sẵn sàng đối mặt với bất ổn trong mọi thời điểm.

Nhã Ca lại nói:

- Đó là tất cả thông tin mật thám mang về. Tin tức của vương tử Phúc Vinh và Quốc Thy vẫn chưa có gì mới. Nhưng không sao, dì cháu mình cứ kiên trì tìm kiếm. Một ngày chưa có hung tin là vẫn còn một ngày để hy vọng. Dì đừng quá lo lắng nhé

Ngọc Huệ mỉm cười đáp:

- Cám ơn con, dì biết rồi

Câu chuyện nói đến đây, chợt bên ngoài có một gã thị vệ chạy đến thỉnh thưa với hai dì cháu:

- Muôn tâu quý phi, muôn tâu công chúa, có người bên ngoài xin được diện kiến. Họ có kim bài hoàng gia, chúng thần buộc phải mở cửa đón tiếp.

Nhã Ca nghe vậy thì ngạc nhiên lắm, liền tự hỏi:

- Rốt cuộc là ai, đến từ đâu mà lại có kim bài hoàng gia? Lại tìm gặp ta có việc gì nhỉ?

Gã thị vệ nghe lời nàng lẩm bẩm liền bẩm báo:

- Muôn tâu công chúa, họ tự xưng là những pháp sư đến từ đền Phong Thiền, làng Bách Điểu ạ.

Nghe đến đây, cả Nhã Ca lẫn Ngọc Huệ đều tỏ ra điệu bộ rất khẩn trương. Hai dì cháu đứng dậy, nói với gã thị vệ:

- Chuyển lời ta, xin họ hãy chờ một chút, Nhã Ca công chúa và Ngọc Huệ quý phi sẽ đến gặp họ ngay.