Hồ Sơ Chuyện Lạ

Chương 4-2




MC Diêu cõi lòng tràn ngập khát khao vươn tới mùa xuân thứ hai của sự nghiệp, vác hành lý lên, dắt theo vệ sĩ kiêm thú cưng lên đường.

Cái gọi là thăm quan âm phủ thực ra chỉ là một loại pháp thuật theo tín ngưỡng dân gian, được gọi là “xuống cõi âm”.

Mà nơi tổ chức tua du lịch âm phủ thực ra không phải công ty du lịch gì hết, mà chỉ là một cái điện thờ thôi. Chuyện này tuy hoàn toàn vượt khỏi những gì Diêu Nhiếp suy đoán ban đầu, nhưng lại vẫn hợp tình hợp lý. Điện thờ này gọi là Bàng Bảng Đường, tuy chẳng khí thế lắm, nhưng đem so với Vân Thiên Cung rách nát hết chịu nổi của Tam Vô thì cũng được coi là nguy nga tráng lệ rồi.

Tua du lịch này đương nhiên không có hướng dẫn viên. Có điều, trong lúc tiến hành “xuống cõi âm”, sẽ có pháp sư bên cạnh dẫn đường, thực ra cũng không khác hướng dẫn viên là mấy.

Thành phần tham gia còn vượt xa dự đoán của Diêu Nhiếp hơn nữa. Ban đầu anh vẫn nghĩ tua du lịch này rõ là quái đản, quảng cáo lại đặt ở chỗ heo hút thế kia, chắc là chẳng có mấy người tham gia mới đúng. Ai ngờ tối hôm đó anh gọi điện đến đăng ký thì được báo cho biết mình hết sức may mắn, đã chiếm được hai suất cuối cùng rồi! Lúc ấy anh còn nghĩ khoác lác kiểu này trình độ cũng quá cùi, anh đây mấy năm trước đã chơi chán chê rồi.

Chẳng ngờ đến nơi mới liếc mắt một vòng đã thấy cảnh tượng đúng là như vậy. Hàng người rồng rắn đã xếp dài ngoẵng trước cửa Bàng Bảng đường tự bao giờ, phải đưa ra chính xác số hiệu nhận được lúc đăng ký mới được vào cửa. Có vài người chậm chân không đăng ký được thậm chí còn quỳ trên đất vật vã nài nỉ vị đạo sĩ gác cửa để xin vào.

Diêu Nhiếp vừa được vụ giành đồ ăn ở chợ lăng-xê, hiện tại coi như cũng là “người nổi tiếng” nửa vời. Huống chi đoạn quảng cáo trà lạnh kia của anh còn đang hot, kiểu gì người ta cũng thấy quen mắt, cho nên anh vừa thò mặt ra đã khó tránh khỏi bị thiên hạ chỉ chỉ trỏ trỏ.

Tại Diêu Nhiếp không biết chứ, cái trò thăm quan âm phủ này tuy chỉ là tín ngưỡng của số ít, không mấy ai biết đến, nhưng mấy năm nay internet phát triển, đã có rất nhiều người biết tới sự thần kỳ của việc xuống âm phủ qua mạng. Ví như đến Nguyên Thần Cung xem kiếp trước rồi hiểu về kiếp này của mình; hay là tra sổ sinh tử để biết khi nào mình sẽ chết chẳng hạn. Tuy nhiên phần lớn người đi “thăm quan âm phủ” là để xuống âm ty gặp lại bạn bè, họ hàng hoặc người yêu đã mất của mình.

Hơn nữa, để thu hút người ta đi tham quan âm phủ, các thông tin trên mạng chỉ tuyên truyền về những điểm thần kỳ của nó, còn đối với những điều nguy hiểm và cấm kỵ thì một chữ cũng không đề cập tới, lùa từng đám thiện nam tín nữ chạy tới bon chen như bầy vịt.



Lần này người “hướng dẫn du lịch” của đoàn tham quan âm phủ là một ông chú béo, được mọi người gọi là “pháp sư Chấn Nghiêm”. Mặc dù ông này tương đối mập mạp, không mấy tương xứng với hình tượng một pháp sư tiên phong đạo cốt quen thuộc, nhưng Diêu Nhiếp đem so với Tam Vô thì vẫn thấy chú béo này còn chuyên nghiệp chán.

Pháp sư Chấn Nghiêm rút khăn tay ra lau mồ hôi: “Chắc hẳn các vị chờ lâu cũng nóng ruột rồi, nếu mọi người đã có mặt đầy đủ thì chúng ta hãy khởi hành thôi. Bước đầu tiên là, mời các quý vị trong đoàn trước hết hãy…”

Diêu Nhiếp đã lên mạng tra cứu, thông thường bước đầu tiên trong việc xuống âm phủ đều là rửa tay dâng hương. Anh đang định tiến đến cái bàn thiếp vàng trước mâm cúng để rửa tay, chẳng ngờ lại nghe được câu tiếp theo của ông thầy pháp.

“Nộp lệ phí đã.” Chấn Nghiêm cười hết sức hiền từ, quả thật giống y chang hóa thân của phật Di Lặc.

Diêu Nhiếp liền lảo đảo. Cái đuệch! Bọn buôn thần bán thánh khắp thiên hạ quả nhiên đều là người một nhà, cả lũ đứa nào cũng như quỷ sứ đầu thai!

Chờ đám tín đồ nộp tiền xong, Chấn Nghiêm mới chính thức bắt đầu hành lễ cúng bái. Những “người cùng đoàn” lần lượt rửa tay dâng hương, sau đó ngồi xuống vị trí được chỉ định. Trợ thủ của pháp sư lấy ra một xấp tiền giấy, bịt kín hai mắt “người trong đoàn” lại.

Nhưng khi gã trợ thủ đang định bịt mắt giùm Nhai Xế, y lại thình lình xoay người, đột ngột phóng một ánh mắt sắc bén như dao về phía đối phương, khiến gã trợ thủ sợ đến nỗi tay run bần bật, tiền giấy rơi lả tả xuống đất.

Diêu Nhiếp đành phải làm trung gian điều đình: “Ha ha, anh bạn này của tôi chỉ đến xem thôi chứ không tham gia đâu. Anh cứ buộc cho tôi đi đã.” Diêu Nhiếp đã dạy kỹ Nhai Xế cách dùng camera, lần này anh cố tình sắp xếp cho y quay lại toàn bộ hành trình.

Gã trợ thủ xấu hổ cười cười, vội vàng chạy sang chỗ Diêu Nhiếp, định bụng bịt mắt anh lại theo yêu cầu. Nhai Xế lại trợn mắt trừng người ta một cái. Gã trợ thủ lập tức sợ cứng cả người, Nhai Xế giật phắt lấy mớ tiền giấy kia, ra vẻ sốt ruột phất phất tay đuổi gã đi. Y kiểm tra xấp tiền giấy một lần, thấy không có vấn đề gì, mới đưa tay định buộc cho Diêu Nhiếp. Diêu Nhiếp lại nghĩ y muốn đưa tiền giấy cho mình tự buộc lên, bèn cầm luôn không khách khí, tiện đà dạy dỗ một câu: “Đừng hung tợn thế, dọa người ta sợ!”

Mặt Nhai Xế hết chuyển đỏ lại chuyển đen, rốt cuộc xoay đầu một cái, coi lời Diêu Nhiếp nói như gió thổi qua tai.

Diêu Nhiếp biết tên kia lại lên cơn dỗi hờn, cũng chả thèm nói nữa. Lại thấy y ném mớ tiền giấy xuống mặt đất, Diêu Nhiếp thắc mắc hỏi: “Sao anh không buộc lên hả?”

Nhai Xế vẫn không xoay đầu lại, chỉ hừ lạnh một tiếng với không trung: “Hứ! Bố mày muốn xuống âm phủ lại chả dễ quá, cần gì cái thứ đồ chơi kia!”

Diêu Nhiếp nghe y nói thế mới nhớ ra, cũng phải, Nhai Xế chính là thần thú chứ đâu phải người thường, y muốn đến âm phủ lại chả dễ quá. Anh bèn mặc kệ y, tự buộc tiền giấy lên đầu.

Trước lúc ra tay làm phép, lão pháp sư trịnh trọng cảnh cáo một số chuyện kỳ bí: “Tới âm phủ rồi, các vị có thể nói chuyện với người thân dưới đó. Nhưng tuyệt đối không được lấy ‘vật kỷ niệm’! Dù là thứ gì cũng không được mang ra khỏi âm phủ! Hãy nhớ kỹ!”

Pháp sư gõ gậy làm phép ba lần, tuyên bố cả đoàn chính thức “lên đường”. Bốn phía yên tĩnh trở lại, chỉ còn tiếng pháp sư không ngừng ê a niệm thần chú.

Tham quan âm phủ mặc dù là chuyến du hành dẫn hồn xuống âm ty, nhưng không phải khiến hồn lìa khỏi xác thông thường. Người tham quan âm phủ tuy có thể nhìn thấy mọi cảnh tượng dưới âm ty, nhưng ý thức vẫn tỉnh táo, có thể nói chuyện trao đổi với người ngoài, giống như vừa xem TV vừa trò chuyện với người ngồi cạnh. Nếu người tham quan âm phủ lạc đường ở “dưới đó”, hoặc thắc mắc điều gì thì cũng có thể kịp thời lên tiếng hỏi để “hướng dẫn viên” giải đáp.

Chẳng mấy chốc, đã có “người trong đoàn” kích động kêu lên mình nhìn thấy “đường” rồi!

Sau đó, Diêu Nhiếp cũng thấy trong tầm mắt vốn đen thui một mảnh dần dần sáng tỏ, xuất hiện một lối mòn đứt đoạn chốn thôn quê. Ven đường toàn là đồng không mông quạnh, chẳng có gì cả, chỉ nhìn thấy đám hoa bỉ ngạn đỏ rực như máu phía xa xa. Thỉnh thoảng cũng có một u hồn lướt qua, bọn họ dường như không nhìn thấy Diêu Nhiếp, chỉ máy móc bồng bềnh trôi qua trôi lại trên lối mòn.

Cái đuệch! Đường xuống suối vàng có thật nè trời.

Pháp sư dùng lời nói khuyên Diêu Nhiếp đừng sợ hãi, cổ vũ anh tiến lên phía trước. Trong chốc lát, Diêu Nhiếp đã thấy một cổng thành cổ lỗ sĩ, phía trên viết mấy chữ to đỏ tươi như máu: “Quỷ Môn Quan”!

Diêu Nhiếp phấn khởi, chẳng chờ được mà muốn xông ngay vào, ai dè lại bị người ta cản.

MC Diêu ngẩng đầu nhìn lên, ơ kìa hay chưa, dáng vẻ người này cũng độc đáo gớm! Ngay trên đầu là một chữ “Sơn”, mặt xanh nanh vàng, hung hãn đáng sợ. Diêu Nhiếp đoán đây hẳn là quỷ sai giữ cửa chứ gì?

“Đầu chữ sơn” chả thèm liếc mắt nhìn Diêu Nhiếp lấy một cái, thái độ vừa kiêu căng vừa xấc xược: “Dã quỷ từ xó nào đến hả?! Giấy thông hành đâu?!”

Giấy thông hành á? Là cái quái gì? Diêu Nhiếp bèn nhanh chóng xin vị “hướng dẫn viên béo phị” giúp đỡ.

Ở bên kia, Chấn Nghiêm nghe tiếng Diêu Nhiếp nhờ vả, liền làm phép đốt tấm vé giấy.

Diêu Nhiếp lập tức nhận được “hàng chuyển phát nhanh của hướng dẫn viên”, mở ra nhìn thử, thì ra là mấy tờ tiền âm phủ! Ngẫm nghĩ một hồi anh mới vỡ lẽ ra, liền đưa mấy tờ tiền giấy kia cho quỷ sai.

Quỷ sai kia thu được “phí cầu đường” rồi, sắc mặt mới khá hơn một chút, bĩu môi nói: “Vào đi!”

Cái đuệch! Âm phủ cũng thịnh hành trò này hả?!

Cùng lúc Diêu Nhiếp bước vào Quỷ Môn Quan, một luồng sáng vàng lấp lánh phóng tới, xô cho quỷ sai kia ngã chổng vó.

Gã quỷ sai vừa lồm cồm bò dậy, vừa loa cái miệng lên chửi bới: “Úi da! Đau chết ông bây rồi! Thằng chó má nào không có mắt…” Nhưng tới khi thấy rõ đứng trước mặt mình là ai, gã vội vàng thay một bộ mặt tươi cười xu nịnh: “Ui cha, ra là Long gia ạ? Tiểu nhân không biết là ngài…”

Nhai Xế lạnh lùng cấtlên tiếng: “Người bố mày che chở mày cũng dám bắt nạt hả?”

Quỷ sai giật mình một cái: “Tiểu nhân, tiểu nhân không biết ạ… Tiểu nhân đáng chết! Cái mồm tiểu nhân mất dạy quá ạ!” Nói xong tự vả bôm bốp vào miệng mình.

Nhai Xế căn bản lười để ý đến gã, hừ lạnh một tiếng, dẫn Diêu Nhiếp đi vào bên trong.

Diêu Nhiếp kinh ngạc: “Sao anh lại ở đây?!” Chẳng phải đã bảo y ở lại trên đó quay cho cẩn thận sao? Chạy xuống dưới này làm gì?

Hơn nữa lại còn biến về dạng nguyên thần mà xuống chứ… Diêu Nhiếp liếc một cái nhìn thần thú dũng mãnh vừa giống sói vừa giống báo bên cạnh mình. Xem ra hắn không tham gia “xuống âm ty”, mà là tự xuất nguyên thần ra.

Thần thú thái độ cao ngạo, uy phong lẫm liệt bay phía trước, lạnh lùng quẳng ra một câu: “Ta không yên tâm!”

Nghe xem, cái câu này, coi mình là con nít hay thằng thiểu năng hả?!

Có điều Diêu Nhiếp vẫn thấy ấm lòng, cứ coi như đó là cách cái tên ngoài lạnh trong nóng này quan tâm đến mình đi.

Tâm sự của tác giả: Mải buôn điện thoại, quên không post bài, thật có lỗi = =

Cảm ơn các đồng chí quan tâm, hôm nay cảm giác đã khá hơn một chút.

Hôm qua uống thuốc kháng viêm Đông y, giờ đã chuyển thành cảm ho rồi, tối hôm qua lên giường một cái là ho khan, ho suốt cả đêm, chẳng ngủ được gì cả.

Đun nước gừng uống xong cảm giác đã đỡ hơn.

Ngày mai tôi sẽ về nhà, phải ngồi xe hết một ngày, tôi sẽ gõ chữ trên xe luôn.

Buổi tối không biết có thể up bài hay không, bởi vì về nhà chưa chắc đã online được, lâu lắm không về rồi.

Cầu chúa là có thể đi, Amen.