Ống kính quay lại thôn.
Mỗi bước đến gần thì những người đang bận rộn kia cũng theo đó nhìn qua đây.
Có người lớn tiếng hét gì đó.
Lưu Miểu lớn tiếng hỏi lại: “Ông nói gì cơ?”
Người đó lại liến thoắng một tràng.
Ông ta vừa nói vừa rời khỏi ruộng, cất giọng không mấy rõ ràng hỏi: “Các cậu làm gì thế?”
“Chúng tôi đến tìm người. Có một người tên là Tam Nha, lên thành phố Dân Khánh tìm chồng, đi làm thuê ở đó, ông có biết không?” Lưu Miểu lịch sự trả lời.
“Dân Khánh à, tìm chồng à… Ồ! Nhà của ông què chứ gì! Bên đó, cái nhà rách nát nhất ấy.” Mặt người đàn ông đầy nếp nhăn, da sạm nắng thoáng nghĩ ngợi, chỉ tay về một hướng, rồi nói tiếp: “Tam Nha của nhà đó vẫn còn ở trong thành phố mà! Nó làm gì mà các cậu đi tìm nó vậy?”
Ánh nhìn của người đàn ông rơi trên ống kính, mắt phát sáng.
“Chúng tôi là phóng viên. Lúc cô ta mới đến Dân Khánh thì bị lạc đường, có người đã giúp cô ta, nên chúng tôi muốn phỏng vấn về chuyện người tốt việc tốt.” Lưu Miểu nói.
Ánh mắt người đàn ông trở nên cổ quái: “À, chuyện này, cái này…”
“Có vấn đề gì sao? Chúng tôi cũng chỉ nghe người ta kể lại, nên mới muốn phỏng vấn. Phải chăng chuyện chúng tôi nghe kể không đúng lắm?” Lưu Miểu lập tức hỏi.
Gần đó có người cười nhạo.
Ống kính di chuyển, quay những dân làng đang vây xung quanh.
Những người khi nãy cười chợt đơ mặt ra, lúng túng tránh sang một bên.
“Mọi người đừng sợ, có chuyện gì thì cứ nói ra. Tòa báo chúng tôi khẳng định đăng đúng sự thật, sẽ không bịa chuyện lung tung. Nếu như người nói chuyện này cho chúng tôi nói bừa, thì chúng tôi sẽ còn tìm anh ta nữa.”
Lưu Miểu nói xong câu này, những dân làng kia đưa mắt nhìn nhau, nhưng không ai nói gì cả.
“Cậu có chuyện gì cứ đi hỏi ông què ấy.” Người đàn ông lên tiếng đầu tiên khi nãy nói.
Lưu Miểu lại hỏi: “Thế chồng của Tam Nha đâu? Anh ta vẫn ở…”
Người đó cười khẩy: “Nhà cậu ta đã dọn lên thành phố từ lâu rồi. Nhà giàu đều dọn đi hết. Có của thì ai mà ở lại cái chỗ này làm gì!”
Ông ta vừa nói xong thì những người khác bắt đầu xôn xao, họ nói tiếng địa phương, vẻ mặt căm giận và đố kị.
Lưu Miểu cảm ơn những người đó
Ống kính bắt đầu di chuyển, đi vào trong thôn.
Trong thôn vẫn còn một vài người già và trẻ con, vẻ mặt đều tỏ ra hiếu kì nhìn ống kính. Có người còn thấp thỏm trốn hẳn trong nhà, có người nhìn trộm qua khe cửa.
Cuối cùng ống kính dừng lại ở trước một căn nhà gỗ.
Căn nhà chỉ có một tầng, hàng rào bao quanh sân rách nát tả tơi, khiến người ta có cảm giác quạnh quẽ.
Lưu Miểu lên tiếng: “Có ai ở nhà không?”, rồi lại hét lên: “Có ai không?”
Ngoài màn hình vang lên một giọng nói hơi khó khăn: “Vào, vào đi, có người.”
Ống kính di chuyển, quay được một cái đầu thò ra từ căn nhà bên cạnh. Đó là một cụ già mái tóc bạc phơ.
Bà rụt cổ, thò tay chỉ vào căn nhà, phất phất vài cái.
“Ồ, cảm ơn.” Lưu Miểu nói.
Một tràng âm thanh loạt xoạt vang lên.
Ống kính trở lại căn nhà khi nãy. Chỉ nhìn thấy Diệp Thanh đã đẩy hàng rào ra, đem đoạn rào bị gãy đặt qua một bên, đi vào trong sân.
Trong căn nhà cũng được coi là sáng sủa.
Cửa sổ mở toang đủ để ánh nắng chiếu vào, thấy được cảnh tượng nghèo nàn bên trong.
Cánh cửa gỗ kêu cót két, rồi cũng rơi xuống như cái hàng rào.
Diệp Thanh nhấc cánh cửa đặt ra một bên, lúc rụt tay lại thì trên tay đầy bụi bặm.
Anh ta vừa phủi bụi trên tay, vừa đi vào bên trong.
Bố cục trong nhà rất đơn giản, một phòng khách, một phòng ngủ, nhà vệ sinh và nhà bếp hình như ở bên ngoài.
Trong không gian chật hẹp, chiếc giường gỗ chiếm một diện khá lớn. Người nằm trên giường đang ngáy khe khẽ, quần áo ố vàng, còn cơ thể thì gầy trơ xương, chẳng được mấy miếng thịt. Chiếc chân trái đang thò ra khỏi giường của người đó bị tật.
“Ông… ơi!” Lưu Miểu nâng cao giọng nói.
Tiếng ngáy dừng lại, người đàn ông mơ màng mở mắt ra.
Ông ta không khác mấy so với mấy ông lão đang làm ruộng ngoài kia, tóc hoa râm, da đen sạm, khuôn mặt nhăn nheo. Nhưng đôi mắt thì đục ngầu, không tiêu cự.
“Chúng tôi là phóng viên ở Dân Khánh tới đây.” Lưu Miểu nói.
Người đàn ông càm ràm gì đó, trở người qua định ngủ tiếp. Nhưng thình lình ông ta nhổm dậy từ trên giường.
“Dân Khánh?” Ông ta lặp lại hai chữ đó, phát âm chuẩn hơn so với những người kia.
“Đúng thế. Chúng tôi muốn hỏi thăm về chuyện Tam Nha, con gái của ông. Chồng của cô ta lên Dân Khánh làm công, còn kêu cô ta lên đó phải không? Chắc là vào tầm năm 2003…”
Người đàn ông đột nhiên sổ ra một tràng.
Xem vẻ mặt thì có lẽ là ông ta đang dùng tiếng địa phương để chửi bới.
Lưu Miểu im lặng.
Lát sau Diệp Thanh lên tiếng: “Chúng tôi muốn hỏi chuyện của cô ta. Ông biết thì trả lời, không biết thì nói không biết.”
Một loạt tiếng động vang lên, hình như là tiếng ma sát của quần áo.
Mắt người đàn ông di chuyển qua bên cạnh, miệng cũng ngậm lại. Ánh mắt của ông ta đột nhiên sáng lên, vội vàng chồm mình về phía trước.
“Nói về chuyện của con gái ông đi.” Diệp Thanh đang ném vật gì đó.
Nghe âm thanh thì có thể là tiền.
Tròng mắt người đàn ông khẽ nhúc nhích, nuốt nước miếng hỏi: “Đứa con gái nào?”
“Tam Nha.” Lưu Miểu trả lời.
“Ồ, à…” Ông ta gật đầu mấy cái, “Hàng bồi thường, gả ra ngoài, thì khuỷu tay cũng hướng ra ngoài luôn.”
Ông ta nói rất chuẩn, lại còn rất lưu loát nữa.
“Cái thằng súc sinh đó lên thành phố sống sung sướng, thế là cũng gọi Tam Nha lên đấy làm công. Làm công mà không trả tiền. Người khác đến chỗ nó làm thì nó đều trả tiền hết. Gia đình của thằng đó còn nói con gái tôi làm chuyện phi pháp. Mẹ nó chứ! Con bé hiền như cục đất, làm sao có thể làm chuyện đó được! Cho dù là có, nếu nó đã làm chuyện kia, vậy đó chẳng phải là chuyện sớm muộn hay sao!” Người đàn ông nói xong, nhổ nước bọt xuống sàn nhà, nhấc một chân gác lên giường, chân bị tật thì thả thòng xuống.
“Ý ông nói là sao?” Giọng Lưu Miểu hơi trầm xuống.
“Thì chính là cái chuyện kia, ngủ với đàn ông, thu tiền. Thằng đó tìm đàn ông ngủ với chúng nó.” Người đàn ông chẳng quan tâm.
Diệp Thanh và Lưu Miểu đều lặng đi mấy giây.
“Này, tôi trả lời rồi đấy.” Người đàn ông thúc giục.
Một tờ giấy bạc hiện ra trên màn hình.
Ông ta giật lấy, mặt mày hớn hở, rồi liếc nhìn về phía vừa đưa tiền qua.
“Họ đang ở chỗ nào trên Dân Khánh?” Diệp Thanh lại hỏi.
“Sao tôi biết được?” Người đàn ông cắn răng, “Tôi mà biết thì dù có lột da tôi tôi cũng đến.”
“Mấy cô gái đó không có liên lạc về thôn sao?” Lưu Miểu lại hỏi.
“Không đâu, chỉ gửi chút tiền về thôi. Lúc bắt đầu cũng làm ồn ào, có mấy người lên tìm thằng súc sinh ấy, sau đó thì không biết tụi nó đã nói gì, mà im re hết. Dù sao thì có tiền đem về là được rồi, còn nhiều hơn tiền chúng nó làm công gửi về nữa.” Người đàn ông vẫn cái dáng vẻ không sao cả, rồi bỗng dưng bắt đầu tức giận, “Tôi thấy, không phải tụi nó hư não đâu, mà tụi nó đã được chia thêm tiền từ chỗ thằng súc sinh ấy rồi! Tôi không có con trai đấy thôi, bằng không ấy hả, hừ!”