Hồ Sơ Bí Ẩn

Chương 869: Phân công




Lúc đến thôn Sáu Công Nông, Chủ nhiệm Mao tiếp đón chúng tôi một cách rất nhiệt tình, còn hỏi han ân cần.

“... Ôi chao, các cậu cũng thật là xui xẻo mà. Có điều ấy mà, không có việc gì thì tốt rồi, không có việc gì thì tốt rồi. Tiểu Lâm, em gái của cậu cũng không sao chứ?” Chủ nhiệm Mao hỏi.

Nội dung mà Chủ nhiệm Mao biết cũng giống như đại đa số những người được chúng tôi kể cho nghe, trong đó không hề nhắc đến yếu tố hiện tượng quái dị: em gái tôi đi đến phim trường chơi, gặp phải dịch bệnh đó, gọi điện thoại cho tôi, nên chúng tôi mới đi qua đó xem sao, rồi bị kéo vào trong chuyện này, bị ép cách ly, nằm lại bệnh viện để quan sát.

Tôi cám ơn Chủ nhiệm Mao.

Chủ nhiệm Mao không có tránh né gì với chúng tôi, nhưng khi cái người Tiểu Diêu kia nhìn thấy chúng tôi thì sắc mặt rất khó coi, ánh mắt né tránh, đi qua đường khác.

Xem ra, dì ta vẫn còn đang lo lắng trên người chúng tôi có mang loại “dịch bệnh” nguy hiểm kia.

Chủ nhiệm Mao định nói Tiểu Diêu một câu, bị tôi cản lại.

Dì ấy lo lắng cũng chỉ là lẽ thường tình thôi, không có gì đáng chỉ trích cả.

Tiểu Diêu chạy nhanh ra khỏi đây, không biết đi làm việc gì, nói chung là không ở lại trong phòng làm việc để hóng chuyện như trước đây nữa.

Trong khu dân cư cũng có vài người đến đây.

Có điều, bọn họ đến uỷ ban là để đến hỏi thăm tình hình, không hề hay biết rằng chúng tôi sẽ quay trở lại làm việc vào hôm nay.

Mấy bà cụ, bà thím đều rất ngạc nhiên khi nhìn thấy chúng tôi.

“Tiểu Lâm à, mấy cậu đã được cho về rồi sao?” Có một bà dì lên tiếng hỏi thăm.

Cách dùng từ của bà ấy có hơi phản cảm.

Tôi cũng không uốn nắn, chỉ ngoan ngoãn đáp lại: “Đúng vậy, đã kiểm tra thật kĩ rồi, không có vấn đề gì.”

Bà dì kia ngược lại thì cũng chẳng lo lắng, còn nói với vẻ chắc nịch: “Tôi biết, tôi biết. Cậu đừng suy nghĩ nhiều. Bệnh viện ở Dân Khánh đều rất tốt, lần này còn có cả chính phủ thành phố giám sát, bọn họ nói không sao thì chắc chắn là không sao.”

“Có điều cái bệnh này cũng không biết là làm sao. Con tôi nói do virus bị biến dị, nói là máu trong cơ thể người đều bị bốc hơi hết rồi, rất đáng sợ.” Một bà thím khác lên tiếng.

Bọn họ bắt đầu đứng đó tán dóc với nhau, trao đổi thông tin qua lại, bỏ mặc mấy người trong cuộc như chúng tôi đây.

Chúng tôi chỉ đành nghe họ tán dóc.

Lúc chiều, rốt cuộc cũng có người đến hỏi thăm về vấn đề bỏ phiếu.

Tôi tranh thủ thời gian xem qua tỉ lệ bỏ phiếu và số liệu phân bố của phiếu bầu, chỉ cảm thấy chuyện này rắc rối vô cùng.

Trưởng phòng Mã đã bắt đầu không vừa mắt với chúng tôi, nếu như công việc lần này mà còn không làm tốt được thì chắc chắn là ông ta sẽ lại phê bình chúng tôi tiếp. Chọc giận ông ta rồi, không nói đến việc ông ta sẽ thay hết năm người chúng tôi, mà chỉ cần ông ta điều thêm một hai người đến đây quản lí thì cũng đủ khiến cho chúng tôi đau đầu rồi.

Tôi đợi những người có quyền tài sản đi hết, thì gọi nhóm Tí Còi.

“Liên hệ từng người một, nhất định phải bỏ phiếu hết, tốt nhất là có sự dẫn dắt trên các mục bỏ phiếu.”

Phòng Di dời không quan tâm đến việc phương án nào có số phiếu cao hơn, nhưng nếu như không có một phương án nào có số phiếu áp đảo những cái còn lại thì có thể sẽ phải tiến hành bỏ phiếu lần hai, lần ba, vả lại cũng sẽ gặp phải rất nhiều trở ngại trong việc giải toả sau này.

Chúng tôi xem qua số phiếu hiện tại. Cái phương án bồi thường có số phiếu cao hơn một ít so với những cái khác, đó là bồi thường dựa vào số lượng người được ghi trên sổ hộ khẩu, hỗ trợ về diện tích nhà ở, thời gian sử dụng ngôi nhà…

Thôn Sáu Công Nông là một khu dân cư cũ, nhưng không phải giống như những khu ổ chuột rách nát. Mỗi căn nhà ở nơi này đều có diện tích ngang nhau, sự khác biệt không quá lớn.

Người có quyền tài sản chia thành hai phe, một phe là ủng hộ bồi thường dựa trên hộ khẩu, một phe là bồi thường dựa trên số người thực tế đang sống trong nhà. Xếp thứ ba là phương án bồi thường dựa trên số lượng người có quyền tài sản được ghi trên sổ đỏ. Hai cái phương án trước có số phiếu gần ngang nhau, số phiếu của phương án thứ ba cũng không có chênh lệch dữ lắm.

Chủ yếu là do người có quyền tài sản ở thôn Sáu Công Nông được chia thành hai loại. Một là nhóm công nhân già trước đây từng làm việc ở xưởng Gang Thép Số Ba được phân nhà ở đây để ở, nhiều năm như vậy cũng không bán căn nhà này đi. Hai là những người đã mua được nhà ở thôn Sáu Công Nông từ người khác. Tình huống của hai loại người này khác nhau, yêu cầu cũng sẽ khác nhau. Loại người thứ nhất rất đông, mà trong số đông như vậy, cũng có những nhà giống như tình trạng của nhà họ Từ vậy, cả ba thế hệ sống chen chúc trong một căn nhà; cũng có những nhà có con cháu đầy đàn, nhưng đều dọn ra ngoài hết rồi, chỉ để tên trên hộ khẩu hoặc các giấy tờ nhà đất khác.

Mỗi gia đình đều có những yêu cầu riêng, muốn nghĩ ra được một phương án bồi thường hoàn hảo, mọi người đều đồng ý, chuyện đó là không thể nào.

Dựa vào nội dung các cuộc họp nội bộ của Phòng Di dời và những vụ giải toả di dời trước đây, cái phương án cuối cùng được đưa ra sẽ có thể đáp ứng được lợi ích của đôi bên. Không phải chỉ sống trong nhà, không có tên trên hộ khẩu hay giấy tờ nhà đất thì sẽ không được tham gia bồi thường giải tỏa di dời. Nhưng những kiểu khác nhau thì số tiền bồi thường cũng sẽ có sự khác nhau.

Chúng tôi liệt kê ra những người chưa bỏ phiếu, rồi bắt đầu phân chia công việc.

Vẫn cần có người ở lại trực bên thôn Sáu Công Nông, còn những người khác thì sẽ đi hỏi thăm từng nhà một.

Bởi vì tiến độ công việc, chắc chắn phải chia ra thành hai người một nhóm để đi làm việc rồi.

Cứ như vậy, việc phân nhóm trở nên rất rõ ràng.

“Anh Kỳ, anh ở lại đây đi, tôi và Tiểu Khiết một nhóm, Gã Béo chung nhóm với Trần Hiểu Khâu.” Tí Còi nói.

Những người khác không ai phản đối.

“Vậy được, mấy nhà này các cậu tự phân chia ra. Tôi nghĩ như thế này, nhóm A Thụy chạy nhiều một chút, chủ yếu nhắm vào những người lười đến đây để bỏ phiếu, phải thuyết phục được bọn họ tới bỏ phiếu. Nếu thực sự không được thì chúng ta sẽ áp dụng phương thức ghi hình lại quá trình bỏ phiếu để làm chứng cứ, cũng không cần bọn họ đích thân tới nữa. Đại Quang, cậu và Trần Hiểu Khâu thì sẽ đi tìm những gia đình này. Bọn họ hẳn là vẫn chưa quyết định phải bỏ phiếu cho phương án nào, trong gia đình có nhiều ý kiến khác nhau. Hai người phải tận lực thuyết phục bọn họ.”

Tôi cân nhắc đến tính cách của bốn người bọn họ, giao nhiệm vụ thuyết phục những người có quyền tài sản rắc rối kia cho Gã Béo và Trần Hiểu Khâu. Tính tình của Tí Còi và Quách Ngọc Khiết đều không được tốt lắm, đối mặt với những người kia thì rất có thể sẽ xảy ra xung đột.

Gã Béo gật đầu, Tí Còi bĩu môi nhưng vẫn đồng ý.

Nhưng Tí Còi vẫn lầm bầm một câu: “Anh Kỳ, anh đúng là chẳng tin tưởng bọn tôi mà? Tôi cũng sẽ không lớn tiếng cãi nhau trước mặt họ đâu.”

“Một hai nhà thì cậu sẽ không như vậy, nhưng mười mấy nhà thì sao? Trong này còn có mấy gia đình, tôi đoán chừng là dù có cãi cũng không được gì đâu.” Ngón tay tôi ấn lên trên tờ giấy.

Nhà họ Từ sống ở thôn Sáu Công Nông, còn có liên quan đến hiện tượng quái dị nữa, điều này khiến cho xung đột trở nên gay gắt hơn, cuộc tranh cãi kết thúc khi trong nhà đã có vài người chết đi. Những gia đình khác không xui xẻo như vậy, nhưng cũng sẽ chẳng tốt hơn được bao nhiêu. Cái nhiệm vụ công tác tư tưởng này e là phải bắt đầu làm từ bây giờ cho đến lúc kết thúc công tác giải toả. Nói không chừng là sau khi công tác giải toả kết thúc, những gia đình kia sẽ lại lên toà án để tranh cãi tiếp.

Tí Còi không phản đối.

Hôm nay cũng đã muộn rồi, chúng tôi quyết định ngày mai mới bắt đầu làm việc này.

Lúc tan ca, thu dọn đồ đạc rồi quay về Phòng Di dời, tôi tìm Sếp Già để báo cáo tình hình làm việc.

Sếp Già khẽ gật đầu: “Cái biện pháp mà cậu nghĩ ra rất tốt. Lúc cái lượt bỏ phiếu này tiến hành gần xong rồi, đối với những người già đi lại không tiện, hoặc là những người có quyền tài sản có khó khăn gì đó thì chúng ta đều phải phục vụ tận nơi, để bọn họ có thể tham dự vào mỗi một quá trình trong việc giải tỏa di dời. Chuyện này đến lúc đó tôi sẽ nói qua với bên tổ pháp chế, để bàn về trình tự công chứng.”

Sau khi khen tôi xong, Sếp Già cười nói: “Được rồi, cậu cứ làm tốt việc của mình đi. Đừng khẩn trương. Lão Mã quả thật là có hơi khó tính một chút, nhưng cậu yên tâm, còn có tôi nữa mà.”

Tôi nhìn về phía Sếp Già, bỗng chốc nghẹn lời.

Tôi cứ luôn nghi ngờ rằng Sếp Già biết được một ít chuyện ở thôn Sáu Công Nông, cũng biết được tình trạng của chúng tôi, nhưng ông ấy chưa từng lên tiếng hỏi gì cả. Tôi đương nhiên không phải chỉ trích Sếp Già cái gì, chỉ là có chút ngưỡng mộ ông ấy thôi. Chắc chắn là bây giờ tôi vẫn chưa có được cái tính như ông ấy, chờ đến khi tôi lớn tuổi như Sếp Già thì cũng không biết có thể thế hay không.

Nếu như tôi có thể bình tĩnh như thế thì chuyện xảy ra ở phim trường có lẽ sẽ có một cái kết khác...