Hồ Sơ Bí Ẩn

Chương 865: Mã số 071 - Công viên nước (7)




“Cái gì mà sông Đào Hoa? Cái đó có liên quan gì đến chuyện lần này hả?”

“Trước đây từng có con sông Đào Hoa chảy ngang qua khu vực xây công viên nước. Con sông ấy...”

“Rốt cuộc các cô cậu là phóng viên ở báo đài nào? Mấy người muốn hỏi gì?”

“Chúng tôi chỉ muốn điều tra rõ chân tướng cái chết của con gái chúng tôi, muốn biết được là tại sao nó lại... Ngay cả thi thể… thi thể của nó... Hu hu...”

“Thành thật xin lỗi, chúng tôi cũng muốn tìm hiểu về chân tướng cái chết của cô Thẩm. Nhưng có vẻ như chúng ta có suy nghĩ khác nhau.”

“Đủ rồi, mời các cậu rời khỏi đây đi. Nếu như các cậu muốn khai thác những câu chuyện như vậy thì hãy đi tìm đối tượng khác, chúng tôi không có manh mối gì để cung cấp cho các cậu đâu.”

Ngày 15 tháng 8 năm 2011, phân tích file ghi âm. File ghi âm 07120110814g.wav.

“... Chúng tôi không biết là có phải sau đó nó đã bị kích thích gì không...”

“Trên người cha mẹ cô ta không có âm thanh. Diệp Tử, cậu muốn điều tra cái gì? Lúc này cũng coi như là đã có kết quả rồi phải không?”

“Nếu chỉ vì có mắt âm dương nhìn thấy những thứ đó thì cô ta không thể nào sinh ra phản ứng mạnh mẽ như thế. Anh cũng đã nghe thấy rất nhiều âm thanh.”

“Hừ, tôi cũng không phải là con nít ranh, mới có tí kích thích mà đã không chịu nổi.”

“Ý, không biết là ai cứ trốn mãi trong Phòng Nghiên cứu như rùa rụt cổ vậy nhỉ?”

“Kẻ ngốc có phúc của kẻ ngốc, người ngu ngơ một tí thì không có phiền não mà.”

“Này!”

Ngày 17 tháng 8 năm 2011, điều tra được một tác phẩm nghệ thuật có liên quan đến con sông Đào Hoa, là bức tranh “Sông Đào Hoa” của danh hoạ Diệp Chính Nhất thời Vân Triều. Hiện giờ bức tranh này đang được trưng bày trong Viện bảo tàng thành phố Dân Khánh. Kèm: ảnh chụp “Sông Đào Hoa”.

Trong bức ảnh là một bức tranh thuỷ mặc, nước sông, bờ sông, thân cây, cành khô được tô màu đen, cành cây to và dòng chảy của sông thì lại được tô màu đỏ nhạt, ngoài ra còn có những cánh hoa đào đang bay trong không khí, trông rất thơ mộng và xinh đẹp.

Nhưng khi nhìn lâu vào cái dòng sông đó thì sẽ thấy có những vệt màu đỏ tươi nổi lên trên cái nền màu đỏ nhạt, giống như là có những cái xác đang trôi nổi trên dòng nước. Sau khi chớp mắt một cái, những cái xác đó đã biến mất không thấy.

Ngày 19 tháng 8 năm 2011, đi tham quan viện bảo tàng thành phố Dân Khánh, tìm được bức tranh “Sông Đào Hoa”. File video 07120110819.avi.

Mở đầu video là khung cảnh bên trong Viện bảo tàng, trong Viện bảo tàng được chiếu sáng bằng ánh đèn vàng ấm áp.

Có một bức tranh dài khoảng một mét được đóng khung treo trên tường.

Giống y hệt như bức hình chụp trước đó, đây là một bức tranh thuỷ mặc về một con sông, ở hai bên bờ có những khóm hoa đào, dưới nước và trên không đều được tô điểm thêm bằng những cánh hoa đào màu hồng phấn.

Ống kính nhắm về phía cái bức tranh ấy, sau đó phóng to ra.

Cái dòng sông màu đỏ kia y như là một dòng sông thật vậy, hình như có tiếng nước chảy xiết phát ra từ chính bức tranh ấy, ngoài ra còn xen lẫn thêm rất nhiều những tiếng hỗn tạp không rõ khác nữa.

Có một cánh tay người nổi lên trên mặt sông. Chỉ có một cái tay nổi lên thôi, còn những bộ phận khác thì đều chìm dưới nước. Một lúc sau lại có thêm những cánh tay cẳng chân khác nổi lên trên mặt nước.

Men theo dòng sông quay đến phía cuối của bức tranh, là chỗ tác giả kí tên và đóng dấu.

Tên bức tranh là “Sông Đào Hoa”, ba chữ này được viết bằng màu đỏ tươi như máu, từng nét từng nét một, nét chữ có hơi rời rạc, trông giống như là chữ của một đứa trẻ mới tập viết vậy. Ba chữ “Diệp Chính Nhất” được viết bằng mực đen, nét chữ rồng bay phượng múa, dường như là sắp tung cánh bay ra khỏi bức tranh. Chữ khắc trên dấu ấn là một kiểu chữ khác, nó uốn lượn tạo thành một hình thù hoàn chỉnh.

“Là một tấm bùa.” Lúc này bỗng vang lên tiếng của Ngô Linh.

Lưu Miểu hỏi: “Có biết về nó không?”

Không ai trả lời.

“Sếp?” Lưu Miểu lại hỏi tiếp.

“Chưa từng gặp bao giờ.” Diệp Thanh đáp.

Video đến đây là kết thúc.

Ngày 21 tháng 8 năm 2011, điều tra được thông tin Diệp Chính Nhất là một ẩn sĩ ở thời Vân Triều, trên những cuốn sách lịch sử có ghi chép lại một vài thông tin về ông ta: Con người ông ta rất hào sảng, hay đi đây đi đó, không ở yên một chỗ. Khoảng từ 20 tuổi trở đi, ông ta bắt đầu khoác lên mình chiếc áo bào đạo sĩ, tự đặt biệt hiệu là Xung Linh. Ông ta có một tài năng hội hoạ tuyệt đỉnh, thích vẽ mỹ nhân, nhưng sau khi vẽ xong thì lại đốt sạch hết. Ông ta chết vào lúc khoảng 50 tuổi, nghi ngờ là chết do tâm dương hư thoát.

Kèm: bản photo sách cổ.

Ngày 22 tháng 8 năm 2011, liên lạc với Mạc Vi và Thái Thái. File ghi âm 07120110822.wav.

“... Tình huống chúng tôi điều tra được là như vậy. Cha mẹ cô Thẩm không chịu nói đến vấn đề này, chúng tôi cũng không dám chắc chắn là có phải có liên quan đến bức tranh này không.”

“Vâng. Em... em có hỏi qua. Mấy hôm gần đây em có tìm cơ hội hỏi thăm qua. Biệt danh của Lạc Xuyên gọi là Đào Đào. Dì và chú quen biết nhau ở ngay bờ sông Lạc Cừ, lúc Lạc Xuyên còn nhỏ, họ có dẫn bạn ấy đi tham quan viện bảo tàng, bạn ấy nhìn thấy một bức tranh... Lúc đó Lạc Xuyên còn rất nhỏ, nhưng bạn ấy lại cứ nhìn chằm chằm về phía bức tranh đó rất lâu, còn không chịu đi về nữa. Sau đó bạn ấy học về hội hoạ, là vì... Có thể là... do... Hu...”

“Lạc Xuyên vẽ rất đẹp. Trong trường có hoạt động gì hay trong lớp có tổ chức gì đó thì bạn ấy đều sẽ tham gia cả. Bạn ấy từng đoạt giải trong kì thi vẽ tranh quốc gia...”

“Vâng, xin hai người nén đau thương.”

“Bức tranh này, bức tranh này có phải là...”

“Bức tranh này hiện giờ đang được trưng bày ở Viện bảo tàng thành phố Dân Khánh. Chúng tôi sẽ liên lạc với bên bộ phận có liên quan để tiến hành xử lí bức tranh đó. Xin hai cô yên tâm.”

“Vậy còn công viên nước thì sao? Cái nơi đó có vấn đề đúng không?”

“Về chuyện này thì chúng tôi cũng khó xử lý được. Trên đời này có rất nhiều mảnh đất giống như vậy. Thông thường thì nó cũng sẽ không có ảnh hưởng gì đến người khác đâu.”

“...”

“Vậy có thể siêu độ cho Lạc Xuyên không? Bạn ấy chết thảm như vậy... Vả lại vì nguyên nhân này... Vì một nguyên nhân như vậy... Ai có thể ngờ được rằng...”

“Về chuyện này chúng tôi có thể tìm người nói chuyện, xem có thể làm pháp sự trong công viên nước không.”

“Vậy thì quá tốt rồi.”

Ngày 31 tháng 8 năm 2011, làm pháp sự trong công viên nước Đại Thế Giới. File ghi hình 07120110831.avi.

Thời gian quay video là vào buổi tối.

Dưới ánh trăng mờ ảo, con bạch tuộc khổng lồ kia trông lại càng quỷ dị hơn, nó trông giống như là một con quái vật đang núp trong bóng tối.

Bật đèn chiếu lên, ánh sáng chiếu từ dưới lên trên con bạch tuộc khổng lồ, tạo thành một cái bóng rùng rợn.

Nước trong hồ đã bị rút cạn hết, có một vài mảnh lá vàng và bụi bặm bám vào trong hồ.

Huyền Thanh Chân Nhân mặc một chiếc áo bào đạo sĩ sặc sỡ, ông ấy bước xuống, đi về phía giữa hồ.

Trên tay ông ấy đang cầm một cuộn tranh.

Khi đi đến giữa hồ, Huyền Thanh Chân Nhân khẽ vung tay ra, cái cuộn tranh kia soạt một cái được mở ra, có một vệt gì đó màu đỏ lướt ngang qua ống kính.

Màn hình tựa như bị bao phủ bởi một lớp sương màu đỏ nhạt.

Trong ánh sáng mạnh mẽ, có những cánh hoa màu đỏ bị thổi bay vào trong hồ.

Huyền Thanh Chân Nhân buông lỏng tay ra, cái bức tranh đó từ từ rơi xuống đất.

Không biết ông ấy đã làm cái gì đó mà ngón tay vừa búng một cái thì bức tranh khẽ nảy lên, sau đó bắt đầu bùng cháy.

Ánh lửa bập bùng, cháy mãi.

Những đốm lửa giống như đã bị biến thành cánh hoa, bay phất phơ trong không khí.

Không biết từ lúc nào mà trong video xuất hiện thêm tiếng nước, tiếng nước ngày càng to hơn.

Tiếng nước rào rào, trong hồ trống không cũng bắt đầu xuất hiện những gợn nước.

Bức tranh vẫn còn đang cháy âm ỉ dưới mặt nước. Những đốm lửa màu đỏ trở thành những cánh hoa đào màu đỏ.

Mặt hồ gợn sóng, có thứ gì đó cũng đang dần nổi lên trên mặt hồ.

Ống kính phóng to.

Đó là từng mảnh thi thể vụn.

Trong suốt cả quá trình trôi nổi trong nước, những mảnh vụn này như bị một cỗ sức mạnh vô hình nào đó hút lại, chắp ghép thành cơ thể hoàn chỉnh. Những thi thể đó cuốn theo dòng nước và biến mất ngay vị trí ngã rẽ của ống nước. Những dòng nước như đang bị hút vào trong một cái hố sâu không đáy, biến mất hoàn toàn.

Đợi đến khi bức tranh cháy xong thì những gợn nước, những thi thể cũng biến mất theo.