Hồ Sơ Bí Ẩn

Chương 356: Mã số 068 - Mèo đen đoạt mệnh (11)




Ngày 15 tháng 12 năm 2010, cả nhà người uỷ thác đều tử vong, không thấy bóng dáng con mèo đen.

Ngày 16 tháng 12 năm 2010, chấm dứt cuộc điều tra. Sự kiện này được liệt vào danh sách “Chưa hoàn thành”, cài đặt từ khoá là “Mèo đen”. Theo đánh giá sơ bộ thì con mèo đen này có khả năng gây ảo giác, xuyên tường và nhìn lén. Tạm thời vẫn chưa thể xác định được những hành động này của nó chỉ đơn thuần là để trả thù hay là cố ý mưu sát. Nếu chưa thể biết rõ về năng lực của con mèo đen kia, thì cần cẩn thận xem xét, cấm những hành vi xung động thiếu suy nghĩ....

“Anh Kỳ, anh đang nhìn gì vậy?”

Tiếng của Tí Còi làm tôi hoàn hồn trở lại.

Không biết là do bị giọng Tí Còi làm cho hoảng sợ, hay là do bị tôi nhìn chằm chằm mà con mèo đen vốn đang nằm ở góc tường bệnh viện bỗng “xạt” một tiếng nhảy vụt lên, nhảy qua góc tường bên kia.

Con mèo đen này nhát như vậy, chắc chắn không phải là con mèo đen tôi từng thấy qua trong tập hồ sơ của Thanh Diệp tôi vừa đọc vào cuối tuần đâu.

Trong lòng tôi nghĩ như vậy rồi lên tiếng nói với Tí Còi: “Không có gì cả. Tôi chỉ đang nghĩ đến một vụ uỷ thác mà đám người Thanh Diệp từng giải quyết, trong sự kiện đó có một con mèo đen rất lợi hại.”

“Thật vậy sao?” Tí Còi bỗng chuyển chủ đề: “Sao Gã Béo đi gửi xe mà lâu quá vậy?”

Tôi đưa mắt nhìn về phía Tí Còi: “Cậu vẫn còn sợ cái thứ đó à? Còn chưa thói quen sao?”

“Không phải. Những thứ khác thì không sao. Mèo đen gì đó...” Tí Còi làm bộ run rẩy vì sợ, rồi còn chà sát hai tay lại với nhau: “Anh không biết rằng mèo đen là một loài động vật rất thần thánh sao? Anh nghĩ thử xem, văn hoá phương đông hay văn hoá phương tây đều nói như vậy cả. Người ta hay nói, những người tài giỏi sẽ thường có ý kiến giống nhau, điều này chứng tỏ rằng quan điểm ấy rất chính xác.”

Tôi dở khóc dở cười, đây là cái lý do gì chứ?

Gã Béo đang bước đến chỗ chúng tôi, cuộc trò chuyện không có ý nghĩa này cũng kết thúc.

Gã Béo lên tiếng oán trách: “Xe trong bãi đỗ xe bệnh viện nhiều quá. Lúc nào đến đây cũng thấy đông người cả.”

“Cũng đành chịu thôi.” Tôi lên tiếng trả lời, dùng tay kia xách giỏ trái cây.

Lúc nãy ở trước cửa bệnh viện, tôi và Tí Còi xuống xe trước để đi mua chút quà, còn Gã Béo thì đi gửi xe. Chúng tôi đã hẹn trước là sẽ gặp nhau ở trước cửa toà nhà phòng bệnh. Người mà chúng tôi muốn thăm là một người có quyền tài sản ở thôn Sáu Công Nông.

Đáng lẽ khi người ta đang nằm viện thì công việc của chúng tôi cũng nên tạm gác sang một bên. Nhưng khi nhìn thấy thân phận của đối phương, thêm lúc gọi điện thoại đến thì giọng điệu đối phương rất nhiệt tình, bức thiết, bảo chúng tôi cứ đến bệnh viện tìm ông ta, phải đến đây càng sớm càng tốt, nên tôi không từ chối. Có tặng quà cho đối phương hay không đều không sao cả, nhưng mà có việc phải nhờ người ta thì cũng nên tặng chút quà mọn.

Tí Còi khẽ nhìn thùng sữa bò trên tay, sau đó lên tiếng nói tiếp: “Hy vọng ông Thường này sẽ biết được những chuyện liên quan đến cô bé đó.”

Ý của Tí Còi chính là, nếu như ông ta không biết chuyện về cô bé đó, những phần quà này coi như tặng không.

Gã Béo nói: “Nếu như ông ta không biết chuyện này, vậy thì vấn đề nằm ở chỗ người thuê nhà nào đó rồi.”

Tôi nói tiếp: “Vậy thì sẽ khó tra.”

Cô bé mà chúng tôi nhắc đến nãy giờ chính là cô bé núp dưới bàn vi tính mà tôi từng nhìn thấy trong giấc mơ của Chu Khải Uy. Còn ông Thường, Thường Phát Tài, chính là chủ nhân thật sự của căn nhà đó, chủ thuê nhà của Chu Khải Uy. Ông ta cũng là một trong những người dọn ra khỏi thôn Sáu Công Nông sớm nhất.

Tôi hy vọng rằng ông Thường không chỉ biết chuyện của đứa bé gái kia mà còn biết thêm nhiều chuyện khác xảy ra ở thôn Sáu Công Nông.

Ông Thường bị tắc nghẽn mạch máu nên mới nằm viện, phòng bệnh của ông ta nằm ở bên khoa tim mạch. Những người bệnh nhân khác trên tầng này đều là những người lớn tuổi cỡ ông Thường.

So với vẻ ngoài ốm yếu của những người già khác, vẻ ngoài của ông Thường trông khá khoẻ mạnh, không hề giống một người bị bệnh nằm viện. Lúc chúng tôi đến cửa phòng bệnh thì ông ấy đang đứng trước cửa sổ, nhìn ngắm những toà nhà bệnh viện lộn xộn phía dưới tập động tác vươn vai, đẩy ngực.

Tôi tiến đến gõ cửa, khi thấy ông Thường quay đầu lại nhìn về phía tôi, tôi mới lên tiếng giới thiệu bản thân: “Chào ông Thường, tụi con làm việc bên Phòng Di dời, trước đó cũng đã gọi điện thoại liên lạc với ông rồi.”

“À à, ừ, mau vào đây! Mau vào đây!” Ông Thường khẽ nở nụ cười, giọng điệu vẫn nhiệt tình như lúc nói chuyện qua điện thoại.

Ba người chúng tôi bước vào trong phòng, đặt giỏ trái cây và sữa bò lên cái tủ đầu giường.

“Ôi trời, còn mang theo quà cáp để làm gì chứ? Các cậu quá khách sáo rồi. Đây chỉ là công việc của các cậu thôi mà, người đến là được rồi.” Ông Thường cũng không có từ chối nhận quà, chỉ là nụ cười của ông ta bỗng trở nên có chút cứng đơ so với lúc nãy.

Tôi không hiểu chuyện gì cả nhưng vẫn lên tiếng hàn huyên vài câu với ông Thường.

Ông Thường vừa chăm chú lắng nghe vừa bước qua bên kia để đóng cửa phòng lại, điều này làm tôi càng khó hiểu hơn.

Tôi nhìn qua Gã Béo và Tí Còi, hai người họ cũng không hiểu ông Thường làm vậy là có ý gì.

“Các cậu ngồi đi.” Ông Thường giơ tay chỉ về phía cái giường trống kế bên.

Phòng bệnh của ông ấy là loại dành cho hai người. Cái giường kia vẫn còn trống, bên trên có trùm một lớp màng nhựa mỏng có in chữ “Đã sát trùng” và tên bệnh viện, vẫn chưa có ai dọn đến ở cái giường kế bên này.

Ba người chúng tôi lần lượt ngồi lên cái giường ấy, còn ông Thường thì ngồi trên giường của mình. Tình cảnh này, càng nhìn lại càng thấy kì lạ.

Ông Thường lên tiếng nói trước, đi thẳng việc chính: “Các cậu đang muốn tôi điền phiếu khảo sát nguyện vọng đúng không?”

Tôi lên tiếng giải thích cho ông Thường: “Đúng vậy. Đây là bảng khảo sát về việc giải toả di dời, nội dung chủ yếu là đề cập đến việc người có quyền sở hữu nhà ở thôn Sáu Công Nông có đồng ý giải toả hay không, về việc bồi thường giải toả thì có những yêu cầu gì, trong quá trình giải toả di dời có cần sự giúp đỡ gì.”

Tí Còi rút từ trong bìa hồ sơ ra một bảng khảo sát.

Ông Thường nhận lấy bảng khảo sát, đưa mắt liếc sơ qua.

Tí Còi đưa bút cho ông ấy.

Tôi đang định lên tiếng giải thích nội dung từng câu hỏi cho ông Thường, cũng giống như giải thích cho những người có quyền sở hữu nhà lớn tuổi khác, nào ngờ ông Thường đưa tay đẩy những món đồ trên cái tủ đầu giường sang một bên, đặt tờ giấy lên chỗ trống ấy, bắt đầu điền một cách khí thế.

Những lời mà tôi định nói bỗng kẹt lại.

Tí Còi nói: “Cái này, ông Thường à, bảng khảo sát là định hướng quan trọng nhất trong công tác giải toả di dời, sau này, những việc liên quan đến giải toả di dời đều sẽ dựa vào bảng khảo sát này. Ông...”

“Tôi biết chứ. Tôi biết mà. Cậu cứ yên tâm, tôi điền cái gì trên đây thì tới lúc đó cứ làm theo như vậy là được rồi.” Ông Thường vừa nói vừa điền tiếp, ông ấy đã điền đến mục cuối cùng trên bảng khảo sát.

Tôi nhìn thấy ông ta viết chữ “Không” một cách dứt khoát vào mục “Bạn có ý kiến gì về lần giải toả di dời này không?”, sau đó đem trả lại bút và bảng khảo sát cho chúng tôi một cách dứt khoát.

Những câu hỏi trong bảng khảo sát này đều được thiết kế rất công phu, trong mỗi câu hỏi đều có rất nhiều ám thị.

Ví dụ như tám câu hỏi đầu tiên, hỏi về thông tin cá nhân của người sở hữu quyền tài sản và đánh giá của họ về môi trường sống ở thôn Sáu Công Nông. Trong những phương án lựa chọn, đương nhiên là sẽ liệt kê rất nhiều khuyết điểm để điều tra về sự bất mãn của họ về thôn Sáu Công Nông. Sau đó lại hỏi tiếp “Có đồng ý giải toả di dời không?”, ở phía dưới sẽ có hai phương án để chọn, “Có” hoặc “Không”, với mỗi lựa chọn “có” hoặc “không” thì đều sẽ thiết kế những câu hỏi không giống nhau, trong việc chọn lựa đó sẽ tiến hành các loại dẫn dắt cho người có quyền tài sản.

Nghe nói bảng khảo sát này được một thành viên trong tổ giải toả di dời của một tỉnh nào đó thiết kế ra vào khoảng năm sáu năm về trước. Người nhà của người thiết kế ra bảng khảo sát này là một nhà tâm lí học nổi tiếng trên thế giới, chỉ cho anh ta vài điều, giống như là đã truyền lại cho anh ta một bí kíp tuyệt đỉnh vậy. Không thể xác định được điều này là thật hay giả, đương nhiên cũng không thể nghiệm chứng, hiệu quả ra sao cũng không có cách nào đi đánh giá.

Tôi nghĩ là, ám thị trong mỗi câu hỏi thì chắc chắn là có thật, nhưng nếu nói là cao siêu đến nỗi có thể thôi miên người khác thì chắc chỉ là một lời nói bậy thôi.

Các thành viên trong Phòng Di dời đều đã trải qua huấn luyện về các kĩ năng trong tâm lí học, nhưng hiệu quả như thế nào thì khó nói lắm.

Suy cho cùng thì quá trình giải toả di dời phải trải qua một thời gian rất dài. Những nhân viên Phòng Di dời không thể lúc nào cũng kè kè bên cạnh người sở hữu quyền tài sản để tiến hành tẩy não họ, càng không có năng lực đặc biệt như con mèo đen kia.

Cho dù câu hỏi trong bảng khảo sát có bao nhiêu tác dụng thôi miên đi nữa, thì nội dung trong đó không phải ai cũng có thể nghĩ ra liền ngay lập tức được, càng không thể nào xuất hiện khả năng “Nếu không biết chọn đáp án nào thì hãy chọn C” được.

Tôi nhìn vào bảng khảo sát của ông Thường, khi thấy những cái dấu móc thẳng hàng trên đó, tôi cảm thấy có chút bất lực.

Tí Còi cũng liếc sơ qua bảng khảo sát, quay đầu đau khổ nhìn về phía ông Thường: “Ông Thường, cấp trên của tụi con sẽ xem qua cái bảng khảo sát này đấy.”

Toàn bộ câu hỏi đều đánh vào phương án đầu tiên, vậy thì có khác gì so với việc nộp giấy trắng đâu? Nếu trong kì thi nộp giấy trắng, người xui xẻo là chính học sinh đó. Nhưng khi đến lượt chúng tôi, nếu như nộp giấy trắng, vậy thì những “giám khảo” như chúng tôi đây chắc chắn sẽ bị khiển trách.

Khác với Tí Còi, tôi không để lộ cảm xúc của mình, chỉ thả lỏng tay, đưa mắt nhìn về phía ông Thường.