“Ông có thể chia sẻ nguyên nhân cụ thể không?”
“Vẫn là do nghi ngờ thôi. Nghi ngờ cụ tổ tiên ấy đã để lại thứ quý giá gì đó cho Thân Minh Nghĩa, Thân Trường Thọ. Bằng không thì đâu có lý nào… em gái của Thân An Khang lại hoán thân giúp cho Thân An Khang chứ. Bà ấy chỉ có một đứa con gái, muốn tìm người ở rể, rồi để đứa bé được sinh ra lấy họ của chồng bà ấy. Tôi còn nhớ đó là họ Tiêu. Bọn họ kén rể lại chính là đứa con trai của người cha nuôi mà Thân Trường Thọ đã nhận. Hình như người cha nuôi ấy họ Quan hay sao ấy. Lúc chuyện này xảy ra, người trong gia đình tôi đều không thể hiểu nổi chuyện này là sao đây. Từ góc độ vai vế đã không thích hợp, cực kỳ không thích hợp. Tuy trong nhà người cha nuôi không phải chỉ có một đứa con trai, nhưng cho con đi ở rể như thế thì cũng quá quái lạ. Sau đó thì đến chuyện nhận con thừa tự, lại nhận ngay đứa con đầu tiên của họ, vừa ra đời là nhận thừa tự ngay. Người trong nhánh của chúng tôi được mời qua dự tiệc, định hỏi cho rõ ràng, nhưng họ không giải thích, chỉ lấp liếm là coi số mệnh này nọ… Bà ngoại tôi đoán là do họ bị hỏi mãi sinh bí bách, kiếm cớ cho qua chuyện thôi. Cũng có thể là có xem bói thật, nhưng nhà họ Tiêu với nhà họ Quan lại đồng ý, chứng tỏ Thân An Khang đã đút lót gì đó rồi. Thứ mà cụ tổ tiên lưu lại cho Thân Minh Nghĩa, Thân Trường Thọ chắc chắn đã lọt vào tay Thân An Khang.”
“Đây chỉ là suy đoán thôi đúng không?”
“Nhưng họ rất tin tưởng suy đoán này. Ông nội tôi ít khi nhắc đến chuyện này. Dẫu gì thì cũng là lời bàn tán của những người phụ nữ, xem như người ngoài thôi… Tôi thấy không dám chắc chỉ là suy nghĩ của những người làm dâu, hay đó là sự thật. Thời đại ấy, quyền lợi, kế thừa sản nghiệp này nọ, không liên quan gì đến con dâu và con gái hết. Có lẽ các bà không có cơ hội biết được bí mật của gia tộc đâu. Mà nói là gia tộc thì hơi quá… Các chị em gái thời sớm nhất của Thân Minh Tu, Thân Minh Nghĩa, đều cắt đứt quan hệ với gia đình sau khi lấy chồng, địa vị càng thấp hơn. Hầy…”
“Vâng. Sau khi Thân An Khang qua đời, thì hai gia đình còn lại muốn đứa bé ấy nhận tổ quy tông đúng không?”
“Đúng là có chuyện này. Lúc ấy nhà chúng tôi đã ít qua lại với nhà bên đó rồi. Chủ yếu là mấy đời vợ của Thân An Khang không chịu trả Tiêu Doanh về. Họ chỉ là dâu trong nhà, sau khi chồng mình chết, thì xem như thành viên thiểu số trong nhà, nhưng nếu đối với bên ngoài thì… Em gái của Thân An Khang cũng muốn đòi Tiêu Doanh về. Họ hết cách, mời mấy người già bên nhánh chúng tôi qua. Nhưng cụ thể chuyện là thế nào thì… Bà nội tôi nhắc đến, đều bảo bên trong nhất định có gì kỳ quái. Họ mời các cụ bên nhánh chúng tôi đến làm chứng, chủ trì công bằng, nhưng khi hai bên cãi nhau, đều nói những lời mà các cụ bên nhánh chúng tôi chẳng hiểu gì hết, mà họ cũng không chịu giải thích. Đại khái chính là… năm xưa lúc kén rể, nhận con thừa tự, Thân An Khang đều cho họ chỗ tốt, ra điều kiện, làm định ước, nên để cho Tiêu Doanh nhận tổ quy tông là chuyện hợp tình hợp lý. Nhưng mấy bà vợ của Thân An Khang thì không chịu.”
“Điều kiện của họ là gì, ông cũng không rõ sao?”
“Ừ, tôi không biết, nhóm bà nội của tôi cũng chỉ là nghi ngờ thôi. Ha… vì chuyện này mà bà nội tôi còn mắng ông nội tôi nữa, nói ông ấy đang giấu giếm sự thật, ngốc nghếch xem người ta như thân thuộc, mà chẳng có được miếng lợi nào, toàn rơi vào tay người khác.”
“Tôi hiểu rồi. Thế gia đình ông cũng có nhận được thiệp chúc mừng năm mới của Tiêu Doanh à? Ông có chắc là Tiêu Doanh trên thiệp mừng chính là người họ hàng ấy của ông không?”
“Mẹ tôi đúng là nghĩ như thế đấy. Bà ấy rất chắc chắn. Lúc nhận được thiệp chúc mừng… tôi còn nhớ là cha tôi lấy thiệp từ trong hòm thư ra, ông ấy không hề biết người này, nên có hỏi mẹ và tôi nữa. Mẹ tôi ngẫm nghĩ một hồi, thì nhớ ra Tiêu Doanh chính là Tiêu Doanh ấy. Thực ra thì tên gọi ấy cũng không được chắc chắn lắm. Ông bà nội tôi đều gọi ông ấy bằng tên lúc nhỏ, Tiểu Ngũ Tử hay là A Ngũ gì đó. Sau khi được nhận làm con thừa tự thì lấy một cái tên đơn, nhưng cũng không phải là ‘Doanh’, là tên khác… âm đọc hơi giông giống… Xin lỗi nhé, tôi thực sự không nhớ nổi.”
“Không sao ạ. Mẹ của ông rất chắc chắn về thân phận của ông ấy, nhưng các anh em của mẹ ông thì hình như không chắc chắn lắm đúng không?”
“Đúng là vậy. Chú bác của tôi… không phải họ lạnh nhạt, mà có thể là họ không biết những chuyện này. Bà nội, rồi bà cố nội của tôi chắc không dám kể cho họ nghe những chuyện kiểu này nhiều. Thế hệ của ông nội tôi cũng chẳng thích nghe, càng không thích để cho con cháu biết được. Chủ yếu vẫn là quan niệm trọng nam khinh nữ thôi. Họ cũng không khắt khe với mẹ của tôi, nhưng phương pháp dạy con lại có phân biệt. Vẫn còn nghĩ rằng, con trai phải gánh vác trọng trách của gia đình, phải phấn đấu tiến lên. Còn con gái, theo mẹ, theo bà làm việc nhà, có nói đến những chuyện vặt vãnh trong gia đình thì cũng chẳng sao.”
“Vâng. Những người lớn trong gia đình ông có thái độ thế nào với thân phận của Tiêu Doanh này?”
“Phức tạp lắm… chắc có cả tội nghiệp nữa. Nghĩ đến chuyện được nhận làm con thừa tự sau này, họ đều nghĩ lúc đó Tiêu Doanh có lẽ chỉ mới hai mươi nhỉ? Đậu đại học rồi mà. Họ đều cho rằng đó là một đứa trẻ tốt, cuối cùng Thân An Khang có lẽ đã giao lại tài sản quý giá nhất cho ông ta. Chắc hẳn Tiêu Doanh đã lấy được thứ quan trọng nhất của gia tộc. Bây giờ nhìn lại ý nghĩ này, thấy… Nhà chúng tôi cùng lắm là có được chút đất đai tài sản, có được một số quan hệ, đường làm ăn, nhưng cũng không thể duy trì trong cái thời đại chiến tranh ấy. Chủ yếu là do không có ai đi duy trì những mối quan hệ ấy. Đương nhiên, đây chỉ là nhận định của cá nhân tôi. Gia đình chúng tôi không có ai tòng quân. Tuy không bị liên lụy bởi sự tàn phá của chiến tranh, nhưng cũng chẳng có được lợi ích gì, càng không thể duy trì nổi những mối quan hệ trước đấy. Các thế hệ trưởng bối của tôi đều khẳng định là không nhận được những chỉ thị ấy và không hề biết những người ấy. Còn bên nhánh Thân Minh Nghĩa chỉ có mấy người đàn ông, đều đoản mệnh, sức khỏe kém, chỉ chuyện duy trì hương hỏa không đã bị giày vò rất lâu rồi.”
“Vâng, tôi hiểu suy nghĩ này của ông.”
“Nếu nói là di vật… kiểu như đồ cổ, thì còn có thể hiểu được. Đúng là có khả năng ấy, có thứ gì đó vừa cổ vừa quý giá, được truyền lại, rồi rơi vào tay Tiêu Doanh. Chuyện nhận tổ quy tông, chắc hẳn cũng khiến Tiêu Doanh rất đau buồn. Cha mẹ ruột tại sao lại đồng ý đem cho, sau đó đợi người ta chết rồi thì lại đòi lại. Chắc chắn cũng sẽ hoài nghi, cha mẹ ruột của mình có ý đồ gì khác. Không phải nhắm đến ông ta, mà nhắm đến cái thứ mà ông ta có được. Vẻ ngoài ông ta chắc cũng rất đẹp trai, tính tình tốt, lại lễ phép. Ấn tượng về ông ta của thế hệ bà nội tôi cực kỳ tốt, thấy đứa bé rõ là tội nghiệp. Chắc hẳn ông ta cũng rất cảm kích họ, khi đã mấy lần mời nhóm bà nội tôi đến chủ trì công bằng. Sau đó mới gửi thiệp chúc mừng cho chúng tôi mỗi Tết, có lẽ cũng vì chút ân tình này… cũng không thể gọi đó là ân tình… nhưng chắc là có ngưỡng mộ, kính trọng… Gia đình của ông ta chia năm xẻ bảy, còn bên phía nhà tôi thì mẹ hiền con thảo…”
“Tôi hiểu rồi. Thế ông có gửi đồ lại cho Tiêu Doanh không?”
“Mẹ tôi có gửi thiệp mừng, mấy năm đầu đều có gửi. Sau đó thấy địa chỉ trên thiệp mừng mà ông ta gửi đến mỗi năm mỗi khác, lại đều là ở nước ngoài, nên đoán là mỗi Tết đến ông ta đều đi du lịch, nên thôi không gửi nữa. Điểm này… thực ra cũng khiến mẹ tôi lầm bầm suốt, bảo ông ta được sung sướng như thế, có lẽ đã thực sự hưởng lợi khi được nhận làm con thừa tự của Thân An Khang, đã nhận được thứ gì đó rồi.”
“Vâng. Các trưởng mối trong gia đình ông luôn nghi ngờ điểm này, nhưng mãi vẫn chưa xác thực được đúng không? Cũng không có manh mối gì sao?”
“Không có.”
“Ngoài thiệp mừng ra, còn có sự qua lại nào khác không ạ?”
“Hết rồi.”
“Được rồi, cảm ơn ông.”