Hồ Sơ Bí Ẩn

Chương 1574: Kí ức tuổi thơ




Hai anh em họ chẳng nhớ được thêm chuyện nào khác, kí ức của họ về ông bà ngoại chỉ vỏn vẹn ngần ấy.

Tiếng khóc của bà cụ Tống Hiền đã nhỏ dần, người thì vẫn đứng đó, nhưng trọng tâm đã dồn lên hàng rào. Bà ấy khóc mệt rồi, chẳng nói nổi nữa, lát sau chỉ gật đầu thêm mấy cái.

Như trút bỏ được gánh nặng, Lưu Chí Quốc đến gọi bà cụ, chuẩn bị ra về.

Bà cụ Tống Hiền vẫn còn đang không nỡ rời xa, nhưng cũng đã đủ bình tĩnh để nói chuyện.

Lưu Chí Quốc bước được vài bước liền đứng lại.

Vẫn là Quách Ngọc Khiết đến dìu bà ấy ra. Vẻ mặt bà ấy còn rất xấu, Quách Ngọc Khiết rút khăn giấy đưa cho bà ấy lau nước mắt.

Chúng tôi cùng quay trở lại xe, vẫn là Lưu Chí Quân lái. Xe quay đầu, rời khỏi phạm vi của khu công xưởng.

Bà cụ Tống Hiền ngoái đầu nhìn về đằng sau.

Tôi để ý thấy ánh mắt của bà cụ có di chuyển. Tốc độ di chuyển không nhanh, giống như có ai đó đang chạy dọc theo vỉa hè, nhìn về phía bà cụ Tống Hiền vậy.

Khi xe chạy đến giao lộ, rời khỏi ranh giới của công xưởng, thì ánh mắt của bà ấy vẫn còn dừng lại ở hàng rào sắt, nước mắt rơi lã chã. Qua một hồi lâu sau, bà ấy mới quay đầu lại, nhận lấy khăn giấy của Quách Ngọc Khiết đưa, tự chùi nước mắt.

Xe chạy qua khu công nghiệp bên này, chạy đến khu dân cư mới bắt đầu có hơi người.

Tôi gửi tin nhắn cho Ngô Linh, một mặt nhờ cô ấy điều tra khu bên này, một mặt trình bày đầu đuôi sự tình.

Ngô Linh tỏ ra khá bất ngờ, trong tin nhắn trả lời có đưa ra vài câu hỏi.

Tôi khẽ quan sát vẻ mặt của bà cụ Tống Hiền, rồi thử thăm dò: “Bà Tống này, bà không phải người bản địa của Dân Khánh đúng không ạ?”

Bà ấy vẫn còn đang chìm trong nỗi buồn, bồn chồn bất an.

Tôi phải hỏi lại lần nữa, bà ấy mới nhìn qua rồi gật gật đầu.

“Quê tôi ở phía Nam, đảo Cụt Đầu.” Tống Hiền nói.

Cái tên này khiến tôi nổi hết da gà.

“Đảo Cụt Đầu?” Quách Ngọc Khiết kinh ngạc lặp lại: “Sao lại có cái tên như vậy ạ?”

Cô ấy có vẻ ngoài ngây thơ vô hại hơn tôi, một cô gái trẻ ngây ngô đặt câu hỏi, thì sẽ khiến người ta không sinh tâm đề phòng.

Vẻ mặt bà cụ Tống Hiền cũng đã dịu dàng hơn một chút: “Không phải cụt đầu như cháu nghĩ, mà là trên đảo có một vách đá, một mặt bị cắt thẳng từ trên xuống, giống hệt bị người ta chặt đứt đầu vậy. Những nơi khác của hòn đảo có hình một con cá, chỉ có vị trí đầu cá là không có. Cho nên mới gọi là đảo Cụt Đầu. Lúc nhỏ, bà còn nghe ông bà nội kể, bên dưới chỗ mất đầu ấy có một hang động. Khi thủy triều rút thật cạn thì mới lộ ra, mấy trăm năm mới thấy một lần. Đi vào bên trong sẽ gặp thần tiên. Đảo vốn là một con yêu quái lớn, trước đây tác quái dữ lắm, ngư dân không tài nào đánh bắt được, ghe thuyền bị nó nhấn chìm. Thế rồi có một vị tiên chặt đứt đầu nó, nó biến thành hòn đảo. Vị tiên ở trong lòng đảo, còn ngư dân ở bên trên. Gia đình bà vốn có truyền thống làm nghề biển. Tổ tiên từ trên bờ đi sang đảo, chạy nạn lên đảo. Trong nhà có giữ lại một cuốn gia phả. Vị tổ tiên chạy nạn này trước đây vốn làm quan, bị người ta giá họa, sắp bị hoàng đế chém đầu, nên mới chạy nạn qua đây, cả nhà đều trốn đến.”

Kể lại tuổi thơ của mình, vẻ mặt của bà cụ Tống Hiền đầy vẻ hoài niệm.

Tôi liếc nhìn hai anh em Lưu Chí Quốc, thì thấy cả hai đều đang rất kinh ngạc, rõ ràng đây là lần đầu được nghe chuyện này.

“Thế sao bà lại đến Dân Khánh ạ?” Quách Ngọc Khiết tò mò hỏi tiếp.

“Thì cũng là chạy nạn…” Bà cụ Tống Hiền tỏ ra rất buồn bã: “Thời đó chẳng phải đang chiến tranh sao? Thuyền của quân đội bắt đầu chạy đến đảo Cụt Đầu. Chúng tôi không kế sinh nhai, nửa đêm leo lên thuyền nhỏ chạy vào đất liền. Sau đó chạy nạn khắp nơi, rồi tôi đến Dân Khánh. Tôi từng làm công nhân dệt may, sau đó quen Lưu Trung Lương, rồi vào Xưởng Gang Thép…”

Kể đến đây, bà cụ không nói gì thêm mà chìm vào hoài niệm.

“Thế lúc đó, cha mẹ bà cũng cùng đến Dân Khánh ạ?”

“Lúc đó họ bị giết rồi.” Bà cụ Tống Hiền không khóc nổi nữa, đôi mắt đã đỏ hoe: “Có một người chú đã giúp tôi, đưa chúng tôi lên bờ. Rồi chúng tôi đem thiêu họ ngay bên bờ. Sau đó để vào hai lọ đựng tro cốt, tôi luôn mang theo bên mình, chạy nạn đến đâu mang theo đến đó… Gã Lưu Trung Lương là thứ súc sinh, rõ ràng biết hết, vậy mà…”

Vẻ mặt của Lưu Chí Quốc và Lưu Chí Quân trở nên ngượng ngùng.

Lưu Chí Quốc kêu “Mẹ!” một tiếng.

“Chuyện lão súc sinh đó dám làm, mà cả nói mày cũng không cho tao nói sao? Lão súc sinh… mày bênh lão súc sinh đó chứ gì!” Bà cụ Tống Hiền tỏ ra đầy căm hận.

Nghe ra, thì hình như trước khi lấy nhau, Lưu Trung Lương đã hứa sẽ an táng tro cốt của cha mẹ vợ, nhưng cuối cùng lại thất hứa.

Bà ấy lại dùng thứ tiếng địa phương ấy chửi một tràng. Tiếng chửi hoàn toàn không phải mấy loại ngôn ngữ quen tai. Xem ra, đây chắc là tiếng chỉ có ở đảo Cụt Đầu.

Tiếp đó, bà cụ Tống Hiền tiếp tục kể lại nỗi căm giận của mình, qua đó tôi cũng đã chắc chắn được suy đoán của mình.

Đúng là Lưu Trung Lương đã hứa với bà cụ Tống Hiền sẽ an táng đàng hoàng cho cha mẹ của bà ấy. Vốn bà cụ Tống Hiền muốn đưa họ về cố hương, về đảo Cụt Đầu, an táng họ ở mộ phần của tổ tiên bên ấy.

Tống Hiền kể nhà họ có gia phả, tổ tiên còn có người từng làm quan to, bị lãnh án chém đầu, còn được đích thân hoàng đế xét xử. Gia thế xem như rất hiển hách. Họ lánh nạn chạy đến một hòn đảo bán phong tỏa sinh sống, một số phép tắc của gia tộc được lưu giữ, người trong gia tộc cũng sinh sống trên đảo ấy từ đời này qua đời khác, quan niệm vẫn rất truyền thống.

Nhưng Lưu Trung Lương đã không hoàn thành lời hứa.

Bà cụ Tống Hiền luôn phải giữ tro cốt của cha mẹ bên mình. Thậm chí vì sự kiêng kị của cha mẹ Lưu Trung Lương, mà bà ấy phải đem hai lọ tro cốt giấu đi.

Cái tủ ấy là do Lưu Trung Lương đóng.

Nghe lời chửi bới của Tống Hiển, có thể tưởng tượng được, năm xưa bà ấy có xung đột với cha mẹ chồng. Cha mẹ của Lưu Trung Lương cũng là những người có quan niệm truyền thống rất mạnh mẽ và họ cũng thích đến nhà con bất thình lình, kiểm tra tất cả đồ đạc trong nhà của con cái. Bà cụ Tống Hiền không thể không ấm ức đem giấu tro cốt của cha mẹ mình như thế. Kéo dài mấy chục năm, đương nhiên sẽ sinh lòng oán hận.

Hai anh em Lưu Chí Quốc và Lưu Chí Quân thay nhau nói đỡ cho ông bà nội và cha mình, nhưng bất luận những mặt khác họ cư xử tốt thế nào với Tống Hiền, thì việc cha mẹ không được an táng tử tế chính là cái gai trong tim bà.

“Nếu mẹ muốn thì nói sớm một chút, ông bà nội đã qua đời lâu lắm rồi mà…” Lưu Chí Quốc nghe quá nhiều, bực mình gắt lên.

Ông ta nói không hề sai.

Nếu Tống Hiền có lòng, thì có thể nghĩ cách đưa cha mẹ về cố hương để an táng, đâu nhất thiết phải chờ Lưu Trung Lương giúp.

“Nếu mẹ nói sớm, thì tụi con cũng có thể tìm được hòn đảo đó. Bây giờ mẹ…” Lưu Chí Quốc nói nửa chừng thì im bặt.

Vốn dĩ nên đưa tro cốt của hai cụ trở về mộ phần của tổ tiên ở đảo Cụt Đầu an táng, nhưng bây giờ Tống Hiền lại muốn đưa tro cốt đến công xưởng của người ta, bộ dạng còn giống hệt như muốn giao lại tro cốt cho cha mẹ đã qua đời của mình.

Tôi rất hiểu tâm tình của Lưu Chí Quốc.

Tìm một hòn đảo chắc cũng không khó lắm, có lẽ chỉ là chuyện mua một vé tàu.

Hải táng có lẽ còn khiến người ta an tâm hơn cái tâm nguyện hiện tại của bà cụ Tống Hiền.

Nhưng bà ấy hình như chẳng hiểu cho tâm tư của Lưu Chí Quốc.

Bà cụ Tống Hiền tự chìm trong nỗi bi thương và tức giận của bản thân, cũng có chút vui mừng nữa.

Bà ấy không ngừng hối thúc Lưu Chí Quân chạy nhanh hơn, về thôn Sáu Công Nông lấy lọ tro cốt.

“Bà Tống, tại sao bà lại gọi nơi đó là nghĩa trang Vạn Thọ?” Quách Ngọc Khiết hỏi.

Đây là điều tôi muốn hỏi và cũng là câu hỏi mà Ngô Linh bảo tôi phải hỏi.

Lưu Chí Quốc hiển nhiên không muốn nhắc đến mấy chuyện này, nên lên tiếng cắt ngang ngay.

Nhưng Tống Hiền thì đã đưa ra câu trả lời: “Thì do cha mẹ tôi gọi như vậy.”

Sắc mặt Lưu Chí Quốc lập tức tái mét, mặt Lưu Chí Quân cũng rất khó coi.

“Có lẽ trước đây nơi đó là nghĩa trang ấy mà. Chắc mẹ tôi nghe ai đó nói. Trước giờ bà ấy hay tụ tập với mấy cụ già trong khu dân cư lắm.” Lưu Chí Quốc nói.

Bà cụ Tống Hiền chẳng buồn đáp.

Qua vẻ mặt của bà cụ Tống Hiền thì tuyệt đối không phải vậy và bà ấy cũng chẳng muốn nói tiếp.

Sau đó Quách Ngọc Khiết có hỏi gì thêm, nhưng bà ấy chẳng mặn mà đáp lại lắm.

Khi xe về đến thôn Sáu Công Nông, Lưu Chí Quốc và Lưu Chí Quân để tôi và Quách Ngọc Khiết xuống xe, rồi quay qua năn nỉ bà cụ Tống Hiền về nhà trước.

“Cơm trưa còn chưa kịp ăn mà.” Lưu Chí Quốc nói.

Chúng tôi không tìm được một quán ăn nào đó trên đường để ăn một bát mì.

“Mẹ, giờ đã trễ lắm rồi. Bây giờ mà quay lại đó thì cả bữa tối cũng không ăn được. Để đến thứ bảy đi. Thứ bảy con sẽ đưa mẹ quay lại chỗ đó, mang theo lọ tro cốt luôn.” Lưu Chí Quân khuyên nhủ nói.