Hồ Sơ Bí Ẩn

Chương 1573: Vạn thọ (2)




Câu nói của tôi đã làm hai anh em họ sợ hãi. Tôi đã chỉ ra sự thật mà họ không muốn tin.

Nhưng trên thực tế thì tôi cũng không biết bà cụ Tống Hiền có thực sự thấy được gì đó không, hay là bà cụ đã lú lẫn tới mức nhìn thấy ảo giác.

Hai anh em kia chắc chắn chỉ muốn tin là bà cụ bị lẫn.

Lưu Chí Quân lập tức nói: “Mẹ à, mẹ đừng dọa bọn con như thế. Mẹ thực sự lẫn quá rồi.”

Lưu Chí Quốc lập tức nói hùa theo.

Hai người họ bước đến nắm lấy hai tay của bà cụ Tống Hiền. Nhìn biểu cảm của họ, chắc họ cũng sợ hãi khi chạm vào bà cụ. Dù vậy hai người họ vẫn muốn kéo bà cụ đi.

Bà cụ Tống Hiền bắt đầu vùng vẫy, cúi người xuống, khóc lóc thảm thiết, tay vẫn đang xòe ra, muốn nắm lấy thứ gì đó sau song sắt.

Hai anh em Lưu Chí Quốc giống hệt bọn bắt cóc tàn bạo, cứ thế kéo bà cụ đi về phía chiếc xe.

Hai người họ cũng đã lớn tuổi, gặp phải sự vùng vẫy quyết liệt của Tống Hiền, nên cũng rất vất vả.

Nếu là trước đây, cũng chính là hơn một năm trước, tôi sẽ lập tức đề nghị hai người họ gọi điện cho xe cứu thương, đưa bà cụ Tống Hiền vào thẳng bệnh viện để được hướng dẫn tâm lý và điều trị về phương diện thần kinh. Còn bây giờ, thì tôi không thể nào làm như thế được. Tôi không thể đưa một người tự bảo mình nhìn thấy ma đi bệnh viện tâm thần, nếu thực sự làm vậy, thì tôi mới là người nên được đưa vào bệnh viện.

Quách Ngọc Khiết không nhìn nổi nữa, xông đến chặn hai anh em Lưu Chí Quốc lại. Sức cô ấy rất khỏe, chỉ cần chú ý, cố gắng kiểm soát là đã có thể ôm chặt Tống Hiền, khiến bà ấy không động đậy được và cũng không làm bà ấy bị thương.

Bà cụ Tống Hiền bị Quách Ngọc Khiết khóa chặt hai tay và hai vai, đầu áp vào ngực cô ấy, nhưng vẫn muốn nhìn về phía hàng rào sắt, gào khóc vô cùng thảm thiết.

“Bà Tống à, bà cứ bình tình lại đã, có gì từ từ nói. Bà…”

“Có gì để nói chứ! Đầu óc mẹ tôi chắc chắn có vấn đề rồi!” Lưu Chí Quốc lau mồ hôi.

Lưu Chí Quân nói: “Như vậy không được. Hay là tìm bác sĩ nào đó… Để em gọi xe cứu thương đến …”

Lưu Chí Quốc gắt lên: “Cái chỗ quỷ quái này… cái chỗ này cả buổi trời rồi có thấy bóng người nào đâu. Bao giờ xe cứu thương mới đến? Mà đến đây để làm gì…” Ông ta quay qua lườm tôi một cái.

Tôi vẫn đang đứng trước hàng rào sắt, ánh mắt ông ta vừa chạm vào tôi thì lập tức tránh qua chỗ khác, đồng thời không dám nhìn vào trong công xưởng.

Tôi quan sát trong xưởng một lát.

Bà cụ Tống Hiền khóc la lớn như thế, nhưng khu xưởng này lại chẳng có chút tiếng động nào. Càng đáng sợ hơn là chúng tôi ở đây lâu như thế, mà chẳng thấy có bóng người nào hết, cả một chiếc xe trên đường cũng không.

Hôm nay không phải ngày nghỉ, cũng không phải trong giờ làm việc, đã giữa trưa rồi.

Tựa như cả thế giới chỉ còn lại năm người chúng tôi.

Lưu Chí Quốc không bằng lòng đi đến, không muốn đưa Tống Hiền đi tìm nghĩa trang gì gì đó, chỉ muốn nhanh chóng an táng tro cốt của ông bà ngoại.

Lưu Chí Quân có vẻ vẫn thấy xót cho mẹ mình, chịu bỏ thời gian công sức để dỗ bà cụ.

Nhưng bà cụ Tống Hiền bây giờ chẳng muốn nghe, không ngừng gào khóc, giống như muốn khóc cạn nước mắt của kiếp này lẫn kiếp sau. Nhìn bộ dạng đó thực sự khiến người ta phải sinh lòng lo lắng, sợ bà ấy ngất xỉu đột ngột.

Quách Ngọc Khiết có thể khống chế hành vi, chứ đâu thể kiểm soát cảm xúc của bà ấy được.

Tôi lên tiếng: “Thả bà ấy ra đi.”

“Cậu làm cái gì vậy hả?” Lưu Chí Quốc quát to.

“Có ngăn cũng vô ích.” Tôi đáp lại, rồi đi đến trước mặt bà cụ Tống Hiền: “Bà Tống à, bà biết cháu là ai không?”

Bà cụ làm lơ tôi.

“Cháu rất muốn giúp bà. Tro cốt của cha mẹ bà cũng là do cháu lấy giúp bà đó, bà còn nhớ không?” Tôi hỏi.

Lúc này Tống Hiền mới chịu nhìn qua tôi.

“Bà biết cha mẹ mình đã qua đời rồi đúng không?” Tôi cân nhắc dùng lời, quan sát thái độ của bà ấy.

Nước mắt của bà ấy lại trào ra, đưa mắt nhìn về phía công xưởng.

“Chúng ta sẽ đưa tiễn họ đàng hoàng, được không? Bà tạm biệt họ đi, rồi chúng ta về nhé? Bà vẫn còn hai người con, còn cháu chắt nữa nhỉ? Mà cha mẹ của bà cũng không muốn bà đau buồn như vậy đâu.” Tôi cất lời khuyên can.

Bà cụ Tống Hiền cúi mắt xuống, lát sau lại ngẩng lên: “Phải đưa họ đến đây.”

Bà ấy vẫn muốn đưa hai lọ tro cốt đến đây.

Tôi không chắc nên hỏi lại: “Đưa đến rồi sao nữa ạ?”

Nơi đây là công xưởng của người ta, dẫu có nằm ngoài công xưởng, thì cũng là đường xá của nhà nước. Bây giờ đâu phải như ngày xưa, kiếm đại một hòn núi rồi chôn người xuống đó. Dẫu có là ngày xưa, người dân cực khổ cũng không bừa bãi đến mức đó. Thời cổ còn có chỗ chôn cơ mà, chứ đâu có đem thi thể, tro cốt vứt đại bên đường.

Bà cụ Tống Hiền vẫn lầm bầm: “Phải đưa qua đây, nhất định phải đưa qua đây.”

“Sau khi đưa qua đây xong, bà định làm thế nào? Để ở đâu đó, hay là chôn ở nơi nào đó?” Tôi hỏi tiếp.

Bà ấy giống như đang suy nghĩ, lại giống như đang cố lý giải câu hỏi của tôi: “Thì đưa đến tận tay cha mẹ.”

Lưu Chí Quốc nói: “Đây là công xưởng của người ta! Bên trên còn có lưới điện nữa! Làm sao mà nhét vào được? Không lẽ đem rắc ở đây?”

Lưu Chí Quân vỗ vỗ vai Lưu Chí Quốc: “Muốn rắc thì cứ rắc đi, ở đây đâu có ai, cũng chẳng có camera giám sát…”

Lưu Chí Quân im lặng.

Có lẽ ông ta có thể chấp nhận cách xử lý này.

Tôi quan sát xung quanh, đúng thật là không có camera giám sát. Làm như thế thì có hơi thất đức, nhưng hình như chẳng còn cách nào khác. Tôi muốn liên lạc với người của xưởng này, xem xem có thể thông cảm cho chúng tôi một chút không. Chờ bà cụ Tống Hiền rải tro xong, chúng tôi sẽ dọn dẹp, hoặc bỏ ra chút tiền. Nhưng nếu người ta kiêng kị chuyện này, thì đành tìm cách khác. Tôi rất đồng cảm với bà cụ Tống Hiền. Cách giải quyết thông thường là như vậy. Nhưng nếu xét về phương diện quái dị, thì tôi thấy hơi lo khi rải tro cốt như thế, sẽ tạo ra hậu quả tệ hại nào đó.

Tạm thời lúc này, tôi vẫn chưa thấy có âm khí và ma, cha mẹ của Tống Hiện cũng chẳng hiện thân, chứ đừng nói là tấn công chúng tôi.

Tôi ra hiệu bảo Quách Ngọc Khiết buông tay, để bà cụ Tống Hiền đến chào cha mẹ.

Bà ấy vội vàng chạy ngược trở lại, thò tay vào bên trong hàng rào sắt, tay nắm lấy không khí, cúi mặt khóc, giống hệt một đứa con vừa tìm được cha mẹ.

Bà ấy lầm bầm một tràng dài bằng một thứ tiếng mà tôi không hiểu.

Tôi nhìn qua hai anh em Lưu Chí Quốc.

Lưu Chí Quốc đang oán thán, không để ý đến ánh mắt của tôi.

Lưu Chí Quân lắc đầu: “Tôi… chưa bao giờ nghe mẹ tôi nói thứ tiếng ấy…”

Bà cụ Tống Hiền nói rất khẽ và nhanh, lại còn đang khóc, nên tiếng nói rất mơ hồ. Cả ngôn ngữ bà ấy đang nói thuộc vùng nào tôi cũng không phân biệt được.

Lưu Chí Quân ngậm ngùi nói: “Đúng là tôi chẳng biết gì về chuyện của ông bà ngoại, mẹ tôi chưa bao giờ nhắc đến, cha tôi cũng thế. Lúc ông bà nội tôi còn sống, tôi cũng không hề nhớ đến ông bà ngoại, trong đầu một chút ấn tượng cũng không có. Còn khi ông bà bội qua đời thì tôi có hỏi một câu.”

“Đúng là lúc ông nội mất, chú có hỏi.” Lưu Chí Quốc buột miệng nói.

“Phải. Lúc ông nội mất, cha đau lòng lắm, uống rượu vào thì kể rất nhiều chuyện về ông nội khi còn sống. Lúc đó cũng có mẹ ở đấy, nhưng không tiếp lời. Lúc ông ấy say khướt, tôi bèn hỏi mẹ chuyện của ông ngoại.” Lưu Chí Quân hồi tưởng lại.

“Lúc đó mẹ bảo họ mất từ lâu rồi. Chỉ vậy thôi.” Lưu Chí Quốc bình tĩnh nói.

“Lúc ấy, gia đình hai ông đã dọn đến thôn Sáu Công Nông rồi ư?” Tôi hỏi.

Hai anh em cùng gật đầu.