“Này! Này cậu gì ơi!”
“Không sao chứ? Bị làm sao vậy nhỉ?”
“Không biết. Tự nhiên thấy nằm ở đây.”
“Gọi xe cứu thương đi. Ai có điện thoại gọi xe cứu thương cái.”
“Đâu có máy đâu.”
“Gọi trực cổng ở chỗ này đi.”
“Trực cổng ở đâu ra chứ.”
Tôi nghe thấy xung quanh có những tiếng bàn tán lao xao. Trong chuỗi tiếng nói hỗn tạp, có đủ đàn ông lẫn đàn bà, khiến người ta cảm thấy rất ồn.
Tôi cảm nhận ánh mặt trời chói mắt, vừa hé mắt ra đã vội nhắm lại, đưa tay che trước mặt.
“Ôi chao! Tỉnh rồi nè.”
“Anh bạn trẻ, cậu không sao chứ?”
“Có phải bị thiếu máu không? Cần ăn chút gì đó không? Tôi còn cục kẹo này. Cậu à, chóng mặt là phải ăn vào một cục ngay.”
“Có cần gọi xe cứu thương không?”
Tôi đã dần thích ứng với ánh sáng, vừa nhấc tay mở mắt ra, liền nhìn thấy những người đang vây quanh tôi.
Khuôn mặt già nua đã chứng tỏ tuổi tác của họ.
Đây là một nhóm người già ở độ tuổi nghỉ hưu, năm sáu mươi cũng có, bảy tám mươi cũng có.
Họ rất nhiệt tình, khom lưng nhìn tôi, nhao nhao đưa ra ý kiến.
Tôi ngồi dậy trên đất, thân thể còn khá uể oải.
Tôi đè tay lên bụng, cảm thấy rất đói.
Mà ngoại trừ đói ra, tôi chẳng còn cảm giác khó chịu nào khác.
“Không sao chứ anh bạn trẻ?” Một ông cụ hỏi.
Tôi lắc đầu, đứng dậy.
Đưa mắt nhìn quanh, tôi nhận ra đây là một công viên xanh công cộng.
Xa xa có những người trung niên đang khiêu vũ, có người thì đang cất cao giọng hát, nhóm đi tản bộ loanh quanh cũng không ít. Nơi này rất náo nhiệt, dù cho tất cả người ở đây đều không còn trẻ, nhưng không khí nơi đây rất sôi nổi và tràn trề sức sống.
Tôi thấy khá ngơ ngác, chưa hiểu đã xảy ra chuyện gì.
Chắc là tôi… chắc đã vào một cái dị không gian, một khu vực của Dân Khánh đã biến mất.
Tí Còi và Nam Thiên đã đi cùng tôi.
Sau đó thì sao nhỉ?
Đầu tôi bắt đầu đau buốt, các dây thần kinh giật tưng tưng, cứ như roi quất vào đầu tôi vậy.
Tai tôi đang xuất hiện trạng thái bị ù.
Mãi đến lúc các cụ già xung quanh nhao nhao lên một trận nữa, thính lực của tôi mới khôi phục lại bình thường.
“Vẫn ổn chứ, cậu bạn trẻ?” Ông cụ khi nãy hỏi thăm tôi lại lên tiếng.
Tôi lắc đầu.
Tôi chẳng thể tiếp tục nghĩ đến những chuyện đó nữa, vì vừa nghĩ đến là đầu lại đau buốt.
Chuyện này không bình thường.
Tôi nghi là mình đã mất đi một phần kí ức.
Tôi đảo mắt quan sát xung quanh, thử tìm Tí Còi và Nam Thiên nhưng chẳng thấy đâu.
Tôi mò tay vào túi, lấy điện thoại ra.
Có sóng!
Tôi sửng sốt, thực hiện cuộc gọi đi trong vô thức.
Và người tôi liên lạc đương nhiên là Ngô Linh.
Nhưng số máy này không kết nối được, âm báo cho tôi biết thuê bao đang nằm ngoài vùng phủ sóng.
Chuyện này kể ra cũng nằm trong dự liệu.
“Cậu không sao thật chứ?”
Những người vây quanh tôi đã rời đi quá nửa. Họ vừa đi vừa lầm bầm gì đó, chắc là chê trách tôi chẳng có lòng biết ơn, và không hiểu lịch sự gì cả.
Còn những người còn ở lại, kẻ hóng chuyện và người quan tâm tôi đều có.
Tôi định thần lại, cảm ơn những người xung quanh, rồi nhanh chân rời đi.
Đi được một đoạn xa xa, trông thấy những cụ già ấy đã tản hết, tôi lại rút điện thoại ra.
Không thể liên lạc với Ngô Linh, nhưng điện thoại đang có sóng là một sự thực không thể chối cãi.
Tôi lên mạng tra cứu bản đồ, một tấm bản đồ lạ hoắc hiện trên màn hình điện thoại.
Sau khi thu nhỏ bản đồ lại, chỉ nhìn thấy một khu vực hình tứ giác chẳng có quy tắc gì cả. Ngoài khu này, thì những khu xung quanh không thấy hiển thị. Bản đồ toàn quốc cũng chẳng thấy đâu.
Tôi lại thấy hoang mang.
Cái dị không gian này, theo như suy đoán trước đây của tôi, chính là một khu của Dân Khánh bị chia cắt và cô lập. Nó có biên giới, giống như một căn nhà, phần nóc có lẽ là tường, có thể rất cao và dựng đứng.
Tôi không hề manh động men theo biên giới này đi một vòng.
Nhưng muốn rời khỏi nơi này, trở lại thế giới hiện thực thì nhất định phải băng qua cái biên giới ấy.
Đương nhiên, cũng có thể vừa chạm vào sẽ chết ngay.
Trong đầu tôi chợt hiện ra khái niệm của một số trò chơi.
Nếu đây là trò chơi thật, muốn biết có chết hay không, thì thử một lần là biết ngay. Phần lớn các trò chơi sẽ không để người chơi chết như thế. Đường biên giới này có lẽ không thể vượt qua, cũng có thể là vượt qua được, sau đó sẽ đi vào một khu vực mới.
Nhưng đây không phải trò chơi. Thậm chí, nơi đây cũng chẳng phải một dị không gian do linh hồn trò chơi tạo ra.
Tôi không dám mạo hiểm, mà thử gọi điện cho Tí Còi.
Lần này thế mà thành công!
“Anh Kỳ!” Giọng Tí Còi rất kích động.
“Cậu đang ở đâu đấy?” Tôi vội vàng hỏi ngay.
“Tôi cũng chẳng biết nữa…” Tí Còi tỏ ra ủ rũ ngay.
“Mở định vị lên, rồi gửi kết quả định vị qua cho tôi.” Tôi nói.
Sau một hồi thao tác, chúng tôi đã biết được vị trí của nhau.
Tôi đang ở trung tâm của một khu đất xanh, nằm bên rìa của toàn bộ khu vực này. Tí Còi thì đang ở trong một khu dân cư gần đó, nhưng có một vấn đề khá cắc cớ, đó là cậu ta đang ở trong nhà kho của một khu nhà trẻ.
Cả tôi và cậu ta đều lúng túng.
Cái kiểu lạc đàn thình lình như thế này, rốt cuộc bên trong có nguyên lý gì không, tạm thời chưa bàn đến.
Tí Còi đang kẹt trong nhà kho, muốn ra ngoài thì phải có người mở cửa.
“Không có cửa sổ để trèo ra ngoài sao?” Tôi không nản lòng, hỏi.
“Không có, chỉ có ô thông gió, mà nó nhỏ lắm.” Tí Còi rầu rĩ: “Tôi thế này… hầy…”
Chắc chắn là Tí Còi phải nói chuyện với bảo vệ khu nhà trẻ rồi.
“Đừng có để bị lôi đến đồn công an đấy.” Tôi đề nghị, rồi đưa ra một ý tưởng táo bạo: “Vậy nói cậu bị ngớ ngẩn đi. Tôi qua đó tìm. À, cậu… làm được chứ?”
Tí Còi im lặng một lát, rồi chán ngán nhận lời.
Chúng tôi đều rất rõ hoàn cảnh của mình rất ngặt nghèo.
Lạ nước lạ cái, nơi đây còn rất nguy hiểm, lỡ gây mích lòng người ta, thậm chí bị tống vào đồn công an, thì vô cùng phiền phức.
Tôi dựa vào hướng dẫn của bản đồ trực tuyến, đi dần về phía khu nhà trẻ.
Dọc đường hoàn toàn thuận lợi.
Không thấy ma, cũng chẳng gặp phải thứ gì kì lạ.
Nơi này hình như là một góc nhỏ của khu phố bình thường. Trên đường có xe cộ. Thời điểm này, nhóm người đi làm đều đã đến nơi rồi. Người và xe trên đường không đông lắm, những người già đi chợ hoặc tản bộ thì nhiều hơn một chút. Nhưng người có bộ dạng là học sinh thì hoàn toàn không thấy.
Lúc tôi đi vào khu dân cư, không bị bảo vệ cổng ngăn lại, đến cổng của khu nhà trẻ, thì nghe thấy tiếng hát của trẻ con bên trong.
Tôi bày ra một bộ dạng rất thành khẩn, đưa hiển thị định vị cho bảo vệ cổng xem: “Một người anh em thân thiết của cháu. Cha mẹ của cậu ta đều đã già yếu, mà đầu óc cậu ta lại có vấn đề, họ không lo nổi. Chú cứ yên tâm, cậu ta không tấn công người đâu. Chỉ ưa đi lung tung đây đó thôi. Lúc trước cậu ta là một nhà nhiếp ảnh mà, nên thích đi du lịch đây đó để chụp ảnh. Não có vấn đề, cũng do một lần lên núi tìm cảnh, rồi từ trên cao té xuống. Haiz…”
Chú bảo vệ vốn dĩ không tin mấy lời bịa đặt của tôi, cứ nhìn tôi đây cảnh giác, còn định đuổi tôi đi.
Nhưng tôi cứ một mực cầu khẩn, cuối cùng ông ta cũng đã đồng ý cho người đi kiểm tra thử.
Chẳng bao lâu sau, tôi nghe thấy có tiếng thông báo vang ra từ bộ đàm.
Mặt của chú bảo vệ lập tức hiện ra vẻ kinh ngạc.
Tôi được đưa vào bên trong, nhìn thấy Tí Còi đang được một chú bảo vệ khác canh chừng.
Do chúng tôi đã bàn sẵn với nhau từ trước, nên Tí Còi đang giả bộ ngớ ngẩn, đưa tay lên tạo thế chụp ảnh, còn hớn hở gọi tôi đến xem hình.
Tôi vừa đanh mặt lại, vừa “dỗ” cậu ta, ngoan ngoãn yên lặng.
“Các cậu như vậy là làm loạn quá.” Chú bảo vệ nghiêm túc nói.
“Thành thật xin lỗi. Cháu không ngờ cậu ta có thể lẻn được vào trong này.” Tôi thành khẩn, trong túi chẳng có thuốc lá, mà ở nhà trẻ thì cấm hút thuốc, nhét tiền cũng không ổn, nên chỉ biết cười trừ.
Có điều, câu nói của tôi vẫn khiến chú bảo vệ tái mặt.
Nhà kho nằm trong góc của khu nhà trẻ, giáo viên trong trường không thể nhìn thấy chỗ đó. Chắc cũng chẳng có ai phát hiện ra Tí Còi đã “rớt” vào trong nhà kho.
Nếu các chú bảo vệ khăng khăng không chịu tha cho bọn tôi, thì sự “tắc trách” của họ cũng sẽ bị bại lộ.
Mấy người chỉ qua quýt trách mắng, quát chúng tôi mấy câu, rồi gấp gáp đuổi đi.
Hai chúng tôi, một đứa giả ngốc, một đứa đóng vai khờ khạo, cuối cùng cũng đã qua mặt được họ.
“Mệt quá trời…” Tí Còi cúi đầu than thở.
“Chỉ mệt thôi, chứ chưa nguy hiểm đến tính mạng.” Tôi thở dài, hỏi: “Cậu còn nhớ gì không?”
“Thì nhớ là chúng ta đã rơi vào chỗ này.” Tí Còi nói.
Tôi ngờ vực: “Cậu không cảm thấy, mình mất đi một phần kí ức à?”
“Mất kí ức gì cơ?” Tí Còi ngơ ngác hỏi lại.
Tình trạng của cậu ấy sao lại khác tôi nhỉ?