Hồ Sơ Bí Ẩn

Chương 1423: Chuyện vặt trong nhà




Một người vừa tung ám chiêu, chuyện này liền trở nên rối rắm.

Tôi được Chủ nhiệm Mao gọi đến căn hộ của Trần Gia Huy.

Căn hộ ấy ở tòa nhà số 7, bên trong đang rất ồn ào.

Điều này khiến tôi nhớ ngay đến chuyện của hai anh em Từ Cương và Từ Thiết. Lúc đó nhà họ Từ cũng ầm ĩ như vậy.

Chen khỏi những người đang đến hóng chuyện, tôi lên đến nơi mới nhận ra hai bên đã đánh nhau rồi. Một số vali bị vứt trên lối đi, quần áo, bàn chải đang bị người ta giẫm đạp lên. Hai người đàn bà đang cấu xé quần áo của nhau.

Hai người này tôi đều biết.

Một người là con gái út của Trần Gia Huy, Trần Mẫn Hoa. Người kia là vợ của con trai cả, Nghê Diễm Bình.

Hai người đàn bà đang lao vào cấu xé, chửi bới lẫn nhau, cảnh tượng đương nhiên cực kỳ khó coi.

Chủ nhiệm Mao đứng bên cạnh đang lóng ngóng chẳng biết làm sao.

Nhất thời tôi chẳng biết phải làm thế nào.

May là Quách Ngọc Khiết đang đi chung với tôi.

Cô ấy vừa vung tay một cái, hai người đàn bà đang đánh nhau lập tức tách ra.

Tôi là đàn ông, không tiện chen vào, Chủ nhiệm Mao và Tiểu Diêu trong ủy ban cùng nhau giữ Trần Mẫn Hoa lại, còn Quách Ngọc Khiết thì chỉ một tay cũng đủ khóa chặt Nghê Diễm Bình.

Hai người kia tuy đã bị tách ra, nhưng vẫn không ngừng chửi nhau.

Tôi vẫn chưa tìm ra Trần Ái Hoa, lớn tiếng nói vài câu, nhưng hai người kia hoàn toàn không nghe.

Những người đang hóng chuyện quanh đấy còn theo đó chen miệng vào.

Tôi ra mồ hôi khắp người. Đến lúc hai người kia mệt quá không chửi nổi thì tình hình mới tạm lắng xuống.

Lúc này, Quách Ngọc Khiết đã giúp một tay đưa hai người kia vào trong nhà. Tôi cũng nhặt những thứ vương vãi trên lối đi, rồi vào theo, đóng cửa lại.

Hai người phụ nữ được tách ra. Quách Ngọc Khiết canh chừng một người ở trong phòng; tôi và nhóm Chủ nhiệm Mao thì canh một người ở phòng khách.

“Rốt cuộc là chuyện gì vậy? Sao lại đánh nhau?” Chủ nhiệm Mao hỏi.

“Tôi khinh! Bớt đóng vai người hòa giải đi! Chắc chắn là các người đã âm thầm báo tin cho con mụ đó rồi!” Trên mặt Trần Mẫn Hoa đầy vết móng tay, tóc tai rối bù, áo quần xốc xếch. Đôi giày sandal cũng bị đứt quai. Cả người nhìn vô cùng thảm hại, nói chuyện cũng cực kỳ xốc nổi.

Tiểu Diêu đã biến sắc mặt, nhìn như sắp chửi nhau với Trần Mẫn Hoa vậy.

Chắc đã quá quen với những chuyện kiểu này, nên Chủ nhiệm Mao vẫn cất giọng hiền hòa: “Chúng tôi không hề làm gì. Đây là chuyện của gia đình cô. Hơn nữa, chuyện giải tỏa, kiểu gì cũng phải có chữ kí. Nếu cha các cô cậu không ổn, thì anh chị em trong nhà chọn ra một người. Chuyện đó đâu thể đánh nhau là quyết định được. Cô dọn qua đây ở, đuổi người đang thuê đi, người bên môi giới đến, cô cũng chửi người ta một trận. Người ta không thể không tìm cách được đúng không? Dù cô có muốn làm gì, cũng không thể làm như thế chứ? Nước chúng ta chỉ nói chuyện bằng pháp luật. Cô có gì, cứ ra tòa mà phân trần…”

Chủ nhiệm Mao chỉ nói nhiêu đó, Trần Mẫn Hoa đã bật khóc.

Mà càng khóc, bộ dạng của bà ta càng thảm hại.

“Sao mà tôi không rõ? Chúng ta đều là người nói đạo lý. Bốn anh chị em chúng tôi vốn dĩ thương yêu nhau biết bao nhiêu? Anh cả lớn tuổi nhất, lúc nhỏ thường đưa ba đứa tôi đi chơi. Lúc nhỏ, nhà chúng tôi khổ lắm. Ăn thịt cũng phải dè dặt. Nhà nào cũng thế, chúng tôi cũng không kêu ca gì. Lúc anh cả đang trong giai đoạn trưởng thành, thấy tôi ngồi chép miệng, lén gắp thịt cho tôi ăn. Bà nội tôi trọng nam kinh nữ, vì một miếng thịt mà suýt đánh đòn tôi. Anh hai và chị cả đã bênh vực tôi! Tôi đâu phải hạng người vong ân bội nghĩa. Mấy đứa cháu trai cháu gái đi học, tôi đã giúp tụi nó vào học ở các trường điểm của thành phố. Tụi nó thi lên đại học, tôi làm dì làm cô, đã mua di động, laptop cho tụi nó. Chủ nhiệm Mao à, dì không biết đâu. Bốn anh chị em chúng tôi đều tốt với nhau lắm! Tôi nghĩ đến thế hệ sau của họ, chỉ có một con, anh chị em họ hàng cũng sẽ giống như bốn anh chị em chúng tôi. Có chuyện gì anh em cũng đỡ đần nhau, đúng không? Anh hai tôi lúc trước ngã xe mô tô gãy chân, cũng chính tôi và chị cả thay phiên nhau chăm sóc. Chị ấy tốt lắm.”

Đang nói, đột nhiên bà ta nhảy lên, chỉ tay về phía của phòng ngủ, bắt đầu chửi: “Cái người phụ nữ này không biết xấu hổ! Anh cả tôi có được chút gì, là chị ta dọn về nhà mẹ chị ta hết! Con ruột còn không quý bằng đứa cháu bên ngoại! Đứa cháu chị ta là cái hạng gì chứ? Chỉ là một thằng tào lao thôi. Đại học cũng thi không đậu! Theo người ta mở cửa hàng, cửa hàng sửa xe hơi. Đủ trình độ không! Chị ta lén lút lấy tiền cho thằng đó đốt! Lúc đó chúng tôi bàn thay nhau chăm sóc cha. Cũng chính chị ta là người khóc kể nhất quyết không đồng ý. Nếu anh cả tôi không đánh chị ta một trận, thì chị ta đã đem nhà bên này đi cho thuê rồi! Bây giờ sắp giải tỏa, sắp phân quyền giám hộ, chị ta lại nhảy xổ ra! Chuyện bốn anh chị em chúng tôi thì mắc mớ gì đến chị ta, mà chị ta nhúng tay vào chứ!”

Bên này Trần Mẫn Hoa cất giọng chửi, trong phòng cũng vang ra những tiếng đáp trả loáng thoáng. Sau đó thì đã khẽ lại, có thể Quách Ngọc Khiết đã kịp đè bà ta xuống.

Tôi hơi lo, Quách Ngọc Khiết động tác thường thô bạo, mà ngẫm lại thì tuy có lúc cô ấy hơi quá tay quá chân, nhưng chưa hề gây ra chuyện lớn.

Tôi giúp Chủ nhiệm Mao khuyên nhủ Trần Mẫn Hoa.

Bà ta ngồi trên ghế sô pha lau nước mắt, khóc rất thảm thương.

“Thế vụ kiện cáo về quyền giám hộ đó thế nào rồi?” Tôi tò mò hỏi.

Những vụ kiện kiểu này thường thì chỉ xử qua loa.

Nhưng trước đây có xảy ra một chuyện, đó là Trần Dung Hoa đã giấu Trần Gia Huy đi, không chịu cho các anh em khác gặp mặt. Chuyện này đã tạo lên ám ảnh. Nếu như mấu chốt của vấn đề nằm ở đây, thì người đáng lẽ làm loạn phải là Trần Dung Hoa, chứ không phải vợ của Trần Ái Hoa làm người dẫn đầu mọi chuyện mới đúng chứ.

Trần Mẫn Hoa vừa lau nước mắt vừa nói: “Vụ kiện đó vốn dĩ đã nghiêng về phía chị cả tôi. Chị cả tôi làm việc không đến nơi. Tôi cũng không biết chị ấy bị gì. Tiền đền bù chung quy vẫn cho cha tôi dưỡng lão mà, vậy chẳng phải vừa đủ sao? Bất kể là chị ấy tiếp tục chăm sóc cha, hay chúng tôi đưa cha vào viện dưỡng lão, rồi trả tiền, thì khoản tiền ấy đều vừa đủ. Chị ấy lấy để làm gì chứ? Nuốt có trôi không? Không lẽ không lo cho cha sao? Chị ấy không phải hạng người đó.”

“Vâng, vâng.” Tôi ứng phó qua loa với Trần Mẫn Hoa.

Sau một hồi kể lể của Trần Mẫn Hoa, nghe ra thì tiêu điểm của vụ kiện vẫn nằm ở chỗ Trần Dung Hoa. Bà ta đã chăm sóc Trần Gia Huy đã nhiều năm, tiền của ông cụ trước giờ cũng do bà ta giữ. Chuyện này vốn dĩ đã là lẽ đương nhiên. Mấy người con khác của Trần Gia Huy cũng không quá để bụng số tiền ấy. Dẫu tiền bồi thường có nhiều hơn nữa, nhưng khi ông cụ chưa qua đời thì cũng chẳng mấy liên quan đến họ.

Tôi nghĩ đến vấn đề xã hội, nghi ngờ có phải Trần Dung Hoa muốn nuốt số tiền đấy rồi không lo cho Trần Gia Huy hay không. Trần Mẫn Hoa rõ ràng không tin loại khả năng này. Nghĩ kĩ thì vậy giờ Trần Gia Huy đang ở trong nhà Trần Dung Hoa, Trần Dung Hoa không thể nào đuổi cha ra khỏi nhà được. Nếu bà ta làm ra chuyện đó vậy thì chính là tội ruồng bỏ.

“… Người đàn bà này đâu chịu để yên. Xúi giục anh cả tôi đi tranh quyền giám hộ, để chiếm đoạt tiền bồi thường. Còn nói muốn lấy căn hộ để làm nhà cho con trai sau khi lấy vợ. Nhưng nhà cho cháu tôi đã chuẩn bị sẵn từ lâu rồi. Thật ra là thằng cháu bên nhà ngoại chị ta sắp lấy vợ, nhưng chưa có nhà, trước đây chị ta còn nói gì nhỉ, nói đứa cháu đó cứ lấy vợ trước đi, căn hộ sẽ cho đứa cháu đó dùng, đem cho thuê. Mẹ! Cái thứ không biết xấu hổ!” Trần Mẫn Hoa cứ thế mà kể lể, xem ra cũng đã nhắc đến trọng điểm, nhưng đến đây thì bà ta lại nổi cơn, chửi bới càng hăng hơn.

Coi như tôi đã biết mấu chốt nằm ở chỗ nào, nhưng cũng đành bó tay.

“Anh cả của bà sẽ không đồng ý, con của ông ta cũng vậy, chuyện này chắc chắn không thành đâu, đúng không? Ở đâu ra cái kiểu lấy của nhà đắp cho người bên nhà mẹ chứ.” Tôi khuyên can.

Trần Mẫn Hoa tỏ ra tức anh ách: “Anh tôi và cháu tôi là người tốt! Nhưng chị ta đâu có vừa lòng! Còn lén đem chìa khóa giao cho cháu của chị ta nữa chứ! Một khi người ta dọn vào rồi, thì làm sao đuổi đây?”

Ngẫm lại, hành động chiếm nhà của Trần Mẫn Hoa cũng có nguồn, có nguyên nhân cả.

Chủ nhiệm Mao lại lên tiếng khuyên nhủ vài câu.

Tôi vừa định lên tiếng, thì nghe thấy tiếng chuông báo đặc biệt. Đây là nhạc chuông tôi cài riêng cho người của Thanh Diệp. Cổ Mạch, Nam Cung Diệu thì ít khi nào gọi điện cho tôi. Ngô Linh dù có chuyện gì cũng nhắn tin cho tôi trước, rất có chừng mực, để khỏi làm phiền đến công việc của tôi. Bây giờ gọi thẳng qua, chắc chắn là có chuyện cấp bách.

Tôi rút điện thoại, xin phép Chủ nhiệm Mao một tiếng, rồi chạy ra chỗ khác nghe máy.