Tôi về lại ủy ban khu dân cư.
Đám Tí Còi thoáng thấy vẻ mặt của tôi còn xấu hơn, bèn hỏi thăm mấy câu.
Tôi kể lại chuyện mình đụng phải phóng viên Viên.
Tai những bà cô, bà dì kia rất thính, sau khi nghe thấy, liền bàn tán loạn cả lên.
Chuyện phóng viên Viên suốt mấy ngày nay luôn nhìn chằm chằm vào thôn Sáu Công Nông và phòng nghiên cứu, thì người trong khu dân cư đều biết cả rồi.
“Cũng không biết người bây giờ nghĩ gì? Chuyện này mà cũng có thể viết bài nữa à?”
“Có gì đâu mà không thể viết?”
“Chắc không ai coi đâu. Loại chuyện như vậy, ai sẽ xem chứ?”
“Chắc chắn có người xem. Bằng không cô phóng viên đó sao cứ nhắm đến chủ đề này mãi thế?”
Những lời đối thoại vô bổ của họ rốt cuộc chẳng đưa ra kết luận gì hữu dụng.
Quách Ngọc Khiết cũng chen vào hỏi mấy câu.
“Chúng tôi không biết đâu. Cái phòng nghiên cứu gì đó đó, hình như chưa bao giờ thấy họ đúng không?” Một dì nói.
“Thấy rồi. Có một cô bé xinh cực, cùng mấy người thanh niên. Mà cũng chẳng hiểu cô bé đó nghĩ thế nào, sống một đời sống bình yên không sống, lại lao đầu vào những chuyện như thế.”
“Ờ, bà vừa nói thì tôi chợt nhớ ra. Mấy người trẻ tuổi đó đều rất đẹp trai, xinh gái. Cái cậu trẻ trẻ cũng đẹp trai lắm. Đáng tiếc là… Lúc đó tôi còn nghĩ đến chuyện, có nên giới thiệu cho con gái mình không nữa cơ.”
Càng nói, càng lạc đề.
Nhưng xem ra, họ không cung cấp cho phóng viên Viên được nhiều thông tin cho lắm.
Lúc tan ca, chúng tôi trở lại đơn vị.
Chuyện của Trưởng phòng Mã, toàn bộ đơn vị và một số người bên trung tâm An sinh Xã hội đều đã biết.
Những người khác chỉ tỏ ra thổn thức cảm thương, còn tôi lại là người bị tụt cảm xúc nặng nề nhất.
Có lẽ nhóm Tí Còi không đoán được cảnh mộng đã xảy ra chuyện gì, nên không biết khuyên tôi như thế nào.
Tôi đang nghĩ, chuyện gây cho tôi đả kích nặng nhất chính là câu nói của Ngô Linh.
“Không phải không tốt…”
Đây có lẽ là câu nói đả kích người nhất và cũng tuyệt vọng nhất mà tôi từng được nghe.
Từ xưa đến này, tôi chưa bao giờ nghĩ, chết cũng có thể xem là một kết quả “còn chấp nhận được”. Sâu thẳm trong lòng tôi còn trào ra một ý niệm khác.
Nếu bây giờ tôi bỏ mạng vì một vụ tai nạn, thì chắc đó là một cái kết rất tốt rồi.
Nhưng bây giờ tôi không thể chết. Thậm chí tôi còn rất lý trí và đủ tỉnh táo để nhận thức được, dù tất cả mọi người trên thế giới này đều gặp phải tai nạn; thì tôi và những người như tôi đều không thể chết vì tai nạn ấy được.
Cái chết của những người như tôi chắc hẳn phải là một tấn bi kịch thảm thiết nhất thế gian, tuyệt đối không thể nào nhẹ nhàng như Nguyễn Ngọc Hà.
Lúc tan làm về nhà, tôi đi ngang qua địa điểm xảy ra tai nạn.
Cũng không biết cái thói quen xã hội này bắt đầu xuất hiện từ năm nào. Chí ít thì những năm tháng còn bé, tôi chưa hề nhìn thấy những cảnh tượng thấm đẫm tình đồng loại thế này.
Bây giờ, nơi Nguyễn Ngọc Hà và Tôn Gia Duyệt gặp nạn, người ta đã đặt lên đó hoa tươi và nến.
Mà người đặt những thứ này, có lẽ người lạ chiếm phần đông hơn.
Trưởng phòng Mã sẽ không làm như vậy đâu.
Ông ấy và vợ chắc đang đau khổ vì nỗi đau mất đi đứa con gái.
Đoạn đường đã được vây lại. Còn tấm bảng quảng cáo bị rớt xuống đã được dời đi. Tôi ngẩng đầu lên, nhìn thấy bức tường ở tòa lầu bên cạnh đang bị bao lại.
Những người đi ngang qua vẫn đang bàn tán vụ tai nạn hôm qua.
Tôi đứng ngẩn ngơ được một lát, thì ông chủ tiệm tốt bụng chạy ra, hỏi thăm tôi.
“… Là người cậu quen à?” Ông chủ tiệm hỏi, rồi kể lại chuyện xảy ra ngày hôm qua: “Cô bé kia đã cứu người phụ nữ còn lại. Lúc đó có một chiếc mô tô phóng như bay đến, may sao cô bé kịp thời kéo người phụ nữ kia lùi lại. Họ đến trước cửa tiệm của tôi đứng nghỉ một lát, chuẩn bị rời đi rồi, nào ngờ lại xảy ra chuyện này. Mà biển quảng cáo của nhà hàng đó cũng đã được treo lên nhiều năm lắm rồi. Nhà hàng đổi chủ, nhưng vẫn không dẹp nó đi. Thời gian cũng đã quá lâu. Có thể là do trận bão trước đó…”
Ông chủ tiệm nói không ngừng.
Tôi cảm ơn ý tốt của ông, rồi rời đi.
Về đến nhà, tôi nhận được được điện thoại của Ngô Linh.
“Nam Cung đã điều tra được về tình hình của Tôn Gia Duyệt rồi. Cô ta làm việc trong công ty Bảo hiểm Nhân thọ Ninh An. Tôi sẽ gửi danh sách bạn đồng nghiệp của cô ta qua, cậu xem xem mình đã gặp những ai trong cảnh mộng nhé.”
Cuộc gọi vẫn chưa ngắt, tôi đã nhận được file văn bản của Ngô Linh gửi.
Trong danh sách, có đầy đủ tên tuổi, hình ảnh và các thông tin căn bản.
Tôi dựa theo kí ức, chọn ra tên và hình ảnh.
“Có mấy người tôi cũng không chắc lắm, vì lúc đó không có mặt mà chỉ có tên.” Tôi nói.
Ngô Linh biểu thị đã hiểu, tiếp đến họ sẽ tiếp xúc một chút với những người này.
“Không vấn đề gì chứ?” Tôi bất giác hỏi.
“Không vấn đề. Lời nguyền mà cậu nói, tôi đã tìm được bản gốc ở trên mạng. Trong đây, có lẽ người đăng lên đã bỏ sót một vài thông tin.”
“Ý cô là…”
“Kí tên không phải để chúc phúc, mà là hiến tế. Sáu người tình nguyện hiến đi sinh mạng của mình, sẽ đổi được tình yêu mà cô ta ao ước.” Giọng điệu Ngô rất bình tĩnh.
Tôi cảm thấy lạnh cả xương sống.
“Có kết quả, tôi sẽ báo cho cậu biết.” Ngô Linh nói, rồi ngắt máy.
Tôi vẫn canh cánh trong lòng câu nói của Ngô Linh, và đêm nay lại là một đêm không yên bình.
Tôi vừa thiếp đi, liền đi vào cảnh mộng.
Tôi không cảm thấy bất ngờ, đầu tiên là muốn biết được đối tượng nhập vào của giấc mộng này là ai trong cái ngày hôm đó.
Tôi cảm thấy mình đang đi trên đường, tôi bước nhanh hơn và quay đầu lại thì nhìn thấy một khuôn mặt khá quen.
Không, phải nói là hai khuôn mặt quen thuộc.
“Ở ngay phía trước kìa.”
Hai cô gái đều trang điểm và ăn mặc cực kì xinh đẹp.
Họ kẻ trước người sau bước tới, trên tay đang ôm một bó hoa.
Một trong hai người chỉ tay về phía trước.
Đến ngã tư, họ dừng bước tại một nơi được vây lại.
Tôi nhận ra được điều gì đó.
Hai người họ dừng lại trước vành đai cách ly, đặt bó hoa trên tay xuống, rồi lấy nến từ trong chiếc túi mà mình xách theo ra.
“Các cô quen người gặp nạn hôm đó à?”
Tôi lại trông thấy ông chủ quán nhiệt tình kia.
“Đúng ạ, có một người là đồng nghiệp của tụi cháu.” Một trong hai người nói.
“À, cái cô đó đó hả. Hình như tinh thần không được tốt lắm. Trước đó còn chút nữa là bị xe tông rồi, được cô bé kia lôi ngược trở lại. Haizz, nếu không, thì hai người đó chắc đã đi khỏi chỗ này từ sớm rồi.” Ông chủ quán than thở.
Hai cô gái liền tiếp chuyện ngay.
“Lúc tan ca, chị Tôn đã có vẻ không khỏe lắm rồi.”
“Nếu biết sớm như vầy, thì đã đưa chị ấy về, không thì cũng gọi cho chồng chị ấy một cuộc.”
“Mà gia đình của chị ấy cũng bận bịu lắm. Nghe nói mẹ ruột hay mẹ chồng của chị ấy đang nằm viện. Đứa con gần đây đang bận thi cử.”
Hai người họ qua lại với ông chủ quán vài câu, để lại hoa và nến rồi rời đi.
Tôi nhìn mặt trời, bây giờ chắc đang giữa trưa.
Hai người họ cùng nhau đi ăn cơm, rồi mới cùng nhau đi bộ đến một tòa nhà lớn.
Tòa nhà không treo biển hiệu là Nhân thọ Ninh An, mà là “Cao ốc Thái Khang”, không hiểu sao lại lấy tên như vậy.
Bây giờ là lúc kết thúc giờ nghỉ trưa, nên trước thang máy có không ít người. Họ đang nhắc đến Tôn Gia Duyệt, hai cô gái này cũng tham gia vào cuộc bàn tán.
Tôi nhìn hai người họ, không biết họ sẽ gặp phải tai nạn gì.
Nếu tôi nhớ không nhầm, thì cô gái để tóc ngắn tên là Thang Trác Hy, còn cô gái để tóc dài gợn sóng là Vương Minh Lệ. Đối tượng nhập vào của tôi chính là Thang Trác Hy.
“Đinh…”
Thang máy đã đến, đám người cùng ùa vào.
Bên trong thang máy vừa chật chội vừa ngột ngạt, khiến người ta thấy rất khó chịu.
Tôi cùng càng thêm khó chịu hơn.
Tôi cảm nhận được luồng hơi thở chẳng lành toát ra từ hai người họ, khiến tôi phải bay lên trên nóc của thang máy, tách khỏi đám đông.
Thang máy dừng lại từng tầng từng tầng, người bên trong mỗi lúc một ít đi.
Đến tầng năm, Thang Trác Hy và Vương Minh Lệ chen ra khỏi thang máy. Hai người họ đến văn phòng, bên trong các chỗ ngồi hầu hết đã được lấp đầy.
Lại có hai cô gái mà tôi đã từng thấy đi đến.
Cả đám nhắc đến Tôn Gia Duyệt.
“Hai người tự đi qua bên đó rồi à? Sao không kêu tụi này một tiếng?”
“Có biết hai người cũng muốn đi đâu. Cũng vì lúc ăn cơm trưa, trông thấy tiệm hoa, nên tiện thể qua đó luôn.”
“Ai bảo các cậu gọi cơm hộp chứ?”
“Thế lúc mình tan ca, cũng qua đó đi. Lễ đưa tang hình như không kêu chúng ta đi phải không?”
“Chắc không. Mình chưa bao giờ gặp người nhà của chị Tôn. Ngày mai đưa tang đúng không?”
“Ừ. GIống bị đột tử ấy, không thể để lâu quá.”
“Haizz, tội quá đi… con của chị ấy còn nhỏ nhỉ?”
“Mình nhớ là con trai, mới mười hay mười một tuổi thôi.”
Họ tán gẫu với nhau cho đến lúc có một người đàn ông đi qua liếc một cái, thì họ mới trở về chỗ ngồi, không nói chuyện nữa.
Tôi vẫn chưa nhìn thấy cái người tên “Lan Lan” kia, không biết cô ta chạy đi đâu rồi.
Chớp mắt đã hết giờ làm việc. Đợi thang máy đã mấy lượt rồi. Mấy cô gái này đều tỏ ra rất kiên nhẫn và vẫn đang nói về chuyện của Tôn Gia Duyệt.
Thang Trác Hy ôm tay một cô gái có tên Từ Vĩ Phương.
Sau khi xuống dưới lầu, họ chia tay nhau. Thang Trác Hy và Từ Vĩ Phương chung đường, đi mua hoa trước, rồi lại đến cái ngã tư đó.
Khi họ đến đó chắc tôi đã rời đi rồi.
Dãy phân cách đã được tháo bỏ, trên đất vẫn còn hoa và nến lúc trưa.
Từ Vĩ Phương khụy người đặt hoa xuống, rồi quay qua nhìn vết máu còn sót lại bằng ánh mắt sợ hãi.
Những vết tích có màu đỏ sậm kia hình như là máu, công thêm những viên gạch lót đường bị đập vỡ, nhìn vào rất khủng bố.
“Sợ quá.” Từ Vĩ Phương còn ngẩng mặt nhìn lên tòa lầu lớn kia.
Thang Trác Hy cũng phụ họa vài câu.
“Được rồi, mình đến bên kia đón xe, cậu đi tàu điện nhé.” Từ Vĩ Phương đứng dậy, phủi phủi ống quần, vẫy tay chào tạm biệt Thang Trác Hy.
Thang Trác Hy cũng đang vẫy tay, ngẩng mặt nhìn thấy đèn giao thông và đồng hồ đếm ngược, thì vội vàng chạy qua.
“Bái bai!” Thang Trác Hy vẫy tay.
Tôi nghe thấy tiếng động cơ đang mỗi lúc một gần, thần kinh ngay lập tức căng lên như dây đàn.
Đùng… một tiếng, kế đó là tiếng rít chói tai do xe phanh gấp và tiếng kim loại đập xuống nền đường.
Xung quanh vang lên tiếng la hét hỗn loạn, trong đó tiếng hét của Từ Vĩ Phương là vang nhất.
Tôi chôn chân ngay tại chỗ, nhìn Thang Trác Hy rớt xuống giữa ngã tư, đầu óc trống rỗng.