Hồ Sơ Bí Ẩn

Chương 1121: Mã số 043 - Nông trường bỏ hoang (5)




“Hả? Các cô cậu muốn hỏi chuyện này à?”

“Vâng, chúng tôi muốn tìm hiểu một cách toàn diện, nếu ông biết được gì thì vui lòng nói cho chúng tôi.”

“À… Chết người thì chưa từng nghe, nhưng đào thấy người thì... Mà chuyện này cũng quái lạ lắm. Ban đầu quy hoạch làm nông trường, khoảng thời gian đó, lúc mới bắt đầu khai hoang… mà cũng không tính là khai hoang được, trước mấy năm chỗ đó từng là nông trường rồi, có điều chiến tranh, rồi sau đó là giai đoạn Kiến Quốc kéo dài, đất đai bên đó hoang vu, chẳng ai quản cả. Chỉ có một nhóm những người sống gần đó như chúng tôi, chiếm một ít đất. Có lúc bận bịu quá, cũng để hoang luôn, không làm. Thời đó khổ lắm, ăn uống cũng khổ nữa, nhưng người thì ít, máy móc lại không có, cho nên không được… Tầm thời gian bắt đầu khai khẩn trở lại ấy. Một phần là do quân nhân làm, một phần là nông dân chúng tôi, còn lại là các tù nhân đang cải tạo. Có được mấy cỗ máy, nhưng tận mười mấy vạn mẫu, mấy cái máy thì giúp được bao nhiêu. Thật lòng mà nói, sau này máy móc nhiều rồi, không hiểu được đâu. Còn thời đó, thực ra chỉ toàn dùng sức người thôi. Còn mấy tội phạm, phần đông là chưa làm nông bao giờ, toàn mới học, đâu có thạo việc. Nói chung... đại loại là vậy đấy. Cho nên, à… nhưng mà lạ lắm.”

“Lạ ở chỗ nào ạ?”

“Ờ, thì cái lúc bắt đầu khai khẩn trở lại, chẳng nghe ai nói gì đến chuyện đào được người chết đâu. Sau đó, khi không còn làm Nông trường Cải tạo Lao động nữa, đất đai phân chia hết, cũng chẳng nghe nói gì… Biết bao nhiêu năm trôi qua, có nghe ai nói đâu… Mãi cho đến năm 2000, hay 2001 gì đó, mảnh đất cuối cùng của Nông trường Cải tạo Lao động cũng không canh tác nữa, đất đai bên đó quy hoạch vào thôn chúng tôi, định phân chia… Vốn dĩ trong thôn định nhập loại trái cây mới gì đó… tôi quên tên rồi. Giống ở nước ngoài, đắt tiền lắm. Còn bảo phải mời chuyên gia về nghiên cứu, bàn bạc với chính quyền thành phố xong xuôi, chỗ chúng tôi mới có thể trồng được, cả thôn cùng trồng. Mà kể ra cũng rề rà lắm. Bên chỗ Dân Khánh biết cái gì mà trồng với trọt. Những mảnh đất được phân chia cho tư nhân, cho các nông trường thuộc cơ quan khác, sau đó cũng đóng cửa, mở nhà máy làm ăn được hơn. Mà nông dân chúng tôi chỉ vì không rành kĩ thuật, chẳng có vốn, bằng không cũng có thể mở nhà máy như người ta rồi.”

“Ông nói khu đất đó được chia cho thôn?”

“Đúng, đúng, chia cho thôn, trong thôn tổ chức cùng nhau canh tác. Phải cày lại một lượt, trừ cỏ, xới đất này nọ. Dùng máy làm cả, lúc đó đều dùng máy cả rồi, công trình lớn mà. Có một số nơi sản xuất máy cực kì ẩu tả, chúng tôi còn phải chỉnh sửa lại mới được. Mà chuyện này tà môn lắm. Đất đã canh tác bao nhiêu năm, cho dù trước đây cày không được sâu lắm và giống trồng cũng khác, nhưng đến mấy chục năm trời, đúng lý phải có người phát hiện ra rồi chứ? Nhưng một người cũng không có. Đến lúc dân thôn chúng tôi cày lại, đào lỗ chuẩn bị xuống giống, cũng đâu có đào sâu hơn trước đó bao nhiêu, ấy vậy mà lại đào ra mới chết.”

“Đào được thi thể?”

“Cũng không phải, là xương cốt. Đầu tiên là thằng con trai nhà họ Trang ở vùng giáp ranh đào được xương, còn tưởng là xương chó nữa cơ. Lúc đó có người tên là Từ Căn, vốn có nuôi chó và còn ăn thịt chó nữa, bảo xương chó không phải vậy. Có người cho là xương bò, xương heo, nên chẳng mấy ai để tâm. Rồi sau đó nữa, lại có người đào được xương. Chỉ trong mấy ngày mà đào ra một đống xương, thế là người ta bắt đầu thấy lạ. Người trong thôn bèn báo cảnh sát. Cảnh sát đến… mà cảnh sát bên chỗ chúng tôi đây, chưa thấy người chết bao giờ, thì làm sao biết được chứ? Điều tra không được gì cả, còn bảo chúng tôi rỗi hơi, đào được xương thì đã sao, nông thôn trâu bò đầy cả ra, còn nuôi cả chó nữa, đào thấy xương thì có gì lạ. Cái tay thanh niên đó lên lớp dạy đời chúng tôi một trận. Khốn nạn! Cảnh sát vừa rời đi chưa đến hai tiếng đồng hồ, lại đào thấy nữa. Mà lần này mới ghê, các cô cậu đoán xem đào được gì?”

“Chắc là xương người rất rõ ràng đúng không?”

“Đúng, là đầu lâu. Đào ra đầu lâu! Hộp sọ đó! Lần này thì hai năm rõ mười rồi! Là người! Tất cả đều là xương người! Các cô cậu thấy đủ lớn chuyện chưa? Tay cảnh sát đó bị gọi quay ngược trở lại, đơ mặt ra luôn. Đâu biết làm gì, nên đành báo lên trên. Còn chúng tôi thì có biết gì đâu. Bên trên cử người xuống, đem xương đi, còn hỏi chúng tôi đủ chuyện, bao quanh vùng đất đó lại, thuê người đào xới như điên. Đào suốt mấy ngày mà không thấy gì. Bên trên cũng đã đưa công văn xuống, bảo là xương người, tất cả là xương người, cơ mà không phải xương của dân làng chúng tôi, cũng không có án mạng.”

“Ý ông là…”

“Họ gọi đó là văn vật. Xương người của mấy trăm năm trước. Cô nghĩ xem, chuyện này có ghê rợn không chứ? Canh tác mấy chục năm chẳng thấy gì cả, chúng tôi mới vừa đụng tay vào mấy ngày, thì đã đào ra một đống.”

“Vâng, thế chuyện này sau đó được xử lý thế nào?”

“Không biết. Hình như sẽ được đưa đến viện bảo tàng thì phải? Sau đó, có cả giáo sư xuống, bảo trong đất có thể còn thứ gì đó. Mân mê nghiên cứu một lúc lâu, nhưng chẳng tìm thấy gì hết. Họ quan sát cái lỗ đào ra xương người, cũng bảo khác thường. Chuyện này không được lên báo. Hình như, tôi nói là hình như thôi, hình như là có người trong đoàn của họ bảo, đây là do bọn trộm mộ làm ra. Các cô cậu có hiểu không?”

“Xương cốt là do bọn trộm mộ mang đến?”

“Chắc ý họ là vậy. Chỗ chúng tôi đâu có gì, mấy ông giáo sư bảo chỗ chúng tôi đúng ra chẳng có gì cả, xưa nay đâu có thông tin nào chép lại ở đây có văn vật. Những bộ xương đó có khả năng là từ nơi khác mang đến. Mà ngoại trừ xương ra, chẳng có thứ gì khác cả. Những thứ văn vật này không đáng giá. Chứ nếu là xương cốt của vua chúa thì khác rồi, cô thấy đúng không?”

“Vâng, có thể giải thích. Sau khi xương cốt được tìm thấy, còn chuyện gì đặc biệt xảy ra nữa không?”

“À…”

“Ông nhớ ra gì rồi sao?”

“Chuyện là… Có một chuyện, mà tôi cũng không biết thật hay giả. Tôi không trực tiếp gặp phải, chỉ nghe người trong thôn kể lại, bảo là nửa đêm nghe thấy bên ngoài có người đi bộ, không phải một hai người đâu, mà rất đông người đang giẫm mạnh chân mà bước đi. Họ bảo là ma hành quân… Hầy, hiện tượng này tôi chưa bao giờ nghe thấy, gia đình tôi cũng chẳng có ai nghe thấy, nhưng những người đó nói cứ y như thật ấy. Có một ông họ Triệu, còn ốm liệt giường một trận, tưởng chết đến nơi rồi đó chứ. Nhà cửa đất đai gì vứt hết, bỏ chạy lên phố sống luôn.”

“Ông ta nghe thấy âm thanh ma hành quân sao?”

“Thì ông ta kể vậy mà. Tôi nghĩ chắc là nói bừa thôi. Có người còn nói, đó là chiến trường thời cổ, rồi mồ tập thể này nọ. Nhưng mấy ông giáo sư lúc chạy xuống nghiên cứu, bảo không thấy trong tài liệu lịch sử nói đến. Ai mà biết họ bị gì chứ. Trái lại tôi thì vẫn ổn, người nhà tôi cũng ổn, chẳng ai nghe thấy gì hết.”

“Những người nghe thấy có nhiều không ạ?”

“Ông Triệu là người đầu tiên. Sau khi ông ta kể ra, thì mới có người nói. Theo tôi thấy, chắc là do ông ta ngủ mơ, từ mình dọa mình thôi.”

“Trong những người đào thấy xương cốt, có ông ấy không? Ý tôi là những người đích thân đào được.”

“Không, không có ông ta. Ông ta là con ma bệnh mà, động một tí nói mình đau bên này, nhức chỗ kia. Người như thế mà còn khiến cho khối kẻ cũng hồ đồ theo.”

“Có thể cho chúng tôi biết tên họ đầy đủ và phương thức liên lạc của ông ta không?”

“Các cô cậu muốn tìm ông ta để hỏi thăm à? Ông ta dọn lên thành phố, cắt hết mọi quan hệ ở đây, trốn luôn rồi. Con trai ông ta thì có quay lại, xây một căn nhà, mở quán net với cái siêu thị mini. Nếu muốn hỏi thăm, cứ đến gặp cậu ta là được rồi.”