Hình Đồ

Chương 171: Nam nhi tòng quân ca




- Tiêu tiên sinh, tại sao ngươi bảo Đồ tể giúp cái tên đó?

Trong một tửu quán ở Bành thành, Hạ Hầu Anh cuối cùng không nhịn được bèn lên tiếng hỏi:

- Ngài biết rõ hắn và đại ca không hợp nhau mà.

Tiêu Hà nghiêng người dựa vào tường, co chân khoanh tay nhìn dòng người qua lại trên đường một cách thanh thản.

Mãi mới được lúc thảnh thơi… Từ sau khi công cán ở huyện nha, dường như rất lâu rồi không có cảm giác thoải mái thế này. Lần này tới Bành thành, thực ra là một việc cực kỳ đơn giản, chỉ để đưa công văn, sau đó đợi nhận được hồi đáp thì sẽ quay về Huyện Bái.

Nói chung, việc này đều do Tiểu lại trong huyện nha làm, căn bản không cần Huyện thừa đường đường như hắn ta phải ra mặt. Thế nên khi Tiêu Hà xuất hiện trước mặt Huyện lệnh ở Bành thành đã khiến Huyện lệnh vô cùng căng thẳng, còn cho rằng đã xảy ra chuyện lớn gì.

Phì một hơi, Tiêu Hà vươn người, ngồi thẳng lưng.

- A Anh, ngươi phải nhớ một việc, Lưu Khám giờ làm quan, Thương lệnh một vùng dù địa vị không lớn lắm nhưng lại nắm giữ con đường lương thực Hoài Hán, quyền lợi không nhỏ, là công đại phu thất đẳng dân tước, kể cả huyện lệnh Huyện Bái cũng chỉ là quan đại phu lục đẳng dân tước mà thôi. Nếu ngươi còn không bịt miệng lại, động đến cách xưng hô với hắn. Theo luật pháp của Tần sẽ bị tội đại bất kính, ít nhất phải bị gọt mặt.

Hạ Hầu Anh giật mình, ngơ ngác nhìn Tiêu Hà, không hiểu tại sao Tiêu Hà lại dùng những lời lẽ nghiêm túc như thế. Nhưng gã cũng biết, Tiêu Hà không nói sai. Giờ khác với ngày trước, Lưu Khám cũng đã không còn là tên nghèo xơ xác đó nữa. Trong lời nói của Tiêu Hà không hề nhắc đến ý của Hạ Hầu Anh.

Thế nhưng trong lòng Hạ Hầu Anh lại luôn có một chút ấm ức. Không thể phủ nhận rằng Lưu Khám quả thật rất lợi hại, tuổi còn trẻ mà tay trắng lập nghiệp, từ chỗ là con trai của một thực khách đã leo lên được địa vị Công đại phu hiện tại. Điểm lại dân chúng ở Huyện Bái, không ai có thể bì được hắn. Hơn nữa, trước đây Hạ Hầu Anh cũng tham gia vào cuộc huyết chiến Chiêu Dương Đại Trạch, cũng vô cùng khâm phục hành động dù chết cũng không bỏ rơi đồng đội ở chiến trường của Lưu Khám. Tuy nhiên gã không thể kết bằng hữu với hắn… Chỉ riêng việc Lưu Khám xỉ nhục Lưu Bang trước mặt mọi người đã khiến gã không thể chịu được. Huống hồ, trước đây Lưu Khám còn định giết chết Lưu Bang, càng làm cho Hạ Hầu Anh thêm thù hận.

Tiêu Hà nói:

- Ta bảo Đồ Tử đi giúp hắn. Một là vì Lưu Quý giờ không ở Huyện Bái. Căn bản không ai trông coi được Đồ Tử. Không phải ngươi không biết, tên đó mấy hôm nay chỉ cần uống rượu là ra tay đánh người, đã nhiều lần xúc phạm hình luật, là ta đứng ra bao che cho nó. Chi bằng để nó theo Lưu Khám đi bắc cương, còn hơn tiếp tục ở Huyện Bái gây chuyện thị phi. Nói không chừng lại làm nên công danh.

Đương nhiên, ta cũng có tính toán riêng… Bởi vì ta rất sợ!

Hạ Hầu Anh kinh ngạc nói:

- Sợ? Sợ cái gì?

- Ta sợ Lưu Khám giết ta!

Tiêu Hà nói đến đây, sắc mặt liền tái nhợt:

- Nghe có nực cười không? Ha ha, ta thật sự rất sợ! Trước đây ta ra tay trợ giúp Lưu Quý, kết quả suýt nữa đã bỏ mạng. Mặc dù ta không nhìn thấy hung thủ, nhưng ta biết chính là hắn. Tên Lưu Khám này rất có dã tâm.

Trước đây khi hắn phát động phản kích, nếu không phải là ta ra tay thì Huyện Bái giờ đã thành thiên hạ của hắn. Thất bại trong gang tấc, sao hắn có thể không hận ta? Giờ nghĩ lại, lúc đó ta ra tay cũng có phần liều lĩnh… A Anh, thực sự ta rất sợ chết.

Hạ Hầu Anh sửng sốt nhìn Tiêu Hà, mồm há hốc mãi không nói thành lời.

Tiêu Hà cười đau khổ, khẽ vuốt ngực và nhắm hai mắt lại:

- Hồi trước Lưu Khám chỉ là một thương nhân buôn rượu mà đã ra tay độc ác như vậy. Giờ hắn có vây cánh chắc chắn thế kia, chúng ta chỉ là con kiến trong mắt hắn thôi. Trận tinh phong huyết vũ ở Tứ Hồng đó, ngươi có nghe nói không? Ta đã nghe mọi người nói qua. Cả nhà Đinh gia bị hắn giết sạch, sáu huyện Tứ Hồng có hàng nghìn đầu người rơi xuống, nhuộm đỏ cả Tứ Thủy. Khoảng thời gian đó, cả ngày ta đều gặp ác mộng. Ta sợ Lưu Khám sẽ đưa trận tinh phong huyết vũ đó tới Huyện Bái, đến lúc đó thì tất cả mọi người đều đen đủi rồi. Ta bảo Đồ Tử tới giúp hắn, thực ra cũng là muốn ra tín hiệu với hắn: Ta cúi đầu rồi, tuyệt đối không cản trở tiền đồ của ngươi nữa. Nếu như hắn nhận, chúng ta sau này có thể kê cao đầu không lo lắng; Nếu hắn không nhận, ta sẽ phải chuẩn bị đi tới quê hương hắn.

Hạ Hầu Anh hít một hơi dài.

Có thể gã không nhìn ra được lợi hại trong đó, nhưng nghe Tiêu Hà nói vậy, gã bất chợt cũng thấy sởn gai ốc.

- Tiêu tiên sinh lo nghĩ nhiều quá.

Tiêu Hà khẽ nói:

- Không phải ta lo nghĩ nhiều, mà là phải cân nhắc hậu quả. A Lư đã mang bầu rồi, hai tháng nữa sẽ sinh. Ta có thể không suy nghĩ cho bản thân ta nhưng ta không thể không lên sẵn kế hoạch cho A Lư và đứa bé trong bụng nàng được… Ta không muốn sau khi A Lư sinh con không có cả chỗ dựa. A Anh… Lưu Khám, không được đắc tội hắn!

Nói xong lời này, Tiêu Hà thở dài một cái.

Mãi sau, y khẽ nói:

- Tính ngày thì Lưu Khám chắc cũng đã đi rồi. Chúng ta chuẩn bị đi, có thể quay về Huyện Bái rồi.

Hạ Hầu Anh gật gật đầu, khuôn mặt trắng bệch…

***

Ngay từ thời Chiến quốc, Ngụy quốc từng vượt Kiều sơn (Diệc Tử Ngọ lĩnh), xây dựng Ngụy trường thành ở phía đông Ni Dương (nay thuộc huyện Chính Ninh – Cam Túc). Phía tây trường thành là lãnh thổ của Nghĩa Cừ Nhung quốc, còn phía đông chính là vùng Thượng quận của Ngụy quốc.

Hậu Tần quốc đã giành được Thượng quận, Ngụy trường thành trở thành biên giới giữa Tần và Nghĩa Cừ Nhung quốc. Khi đó, Tần đã xây dựng Trì Võ thành ở trường thành và cho đại quân vào trấn thủ, bọn chúng thường xuyên vượt qua trường thành, xâm chiếm lãnh thổ của Nghĩa Cừ Nhung quốc. Trì Võ thành cũng chính là tiền thân của Dương Chu.

Đoàn người của Lưu Khám ngày đi đêm nghỉ, hai mươi ngày lặn lội đường xa mới vào tới Tự Hàm cốc, men theo dòng sông đi lên phía bắc, vượt qua Ngụy trường thành sẽ tới lãnh thổ của Dương Chu.

Dọc đường, chỉ thấy từng đội binh mã lao vun vút trên đường. Không có cảnh tượng cờ quạt rợp trời, tuy nhiên cuộc đại chiến đó đã bao trùm không khí xơ xác tiêu điều tạm thời lên bầu trời của Dương Chu. Dù nhìn từ trang bị hay tinh thần binh sĩ thì trên tám mươi phần trăm binh mã tập kết ở Dương Chu tới từ các đội quân vùng biên tinh nhuệ của Lão Tần. Khác với quân Tần nhìn thấy ở Quan Đông, quân trấn giữ biên cương của Lão Tần ở đây càng tỏ ra dũng mãnh.

- Cuộc điều động binh mã lần này tổng số đã trên ba trăm nghìn. Trong đó binh mã của Nhạn Môn, Đại Quận tạm thời đóng tại chỗ, một mặt trở thành binh mã của bậc thang thứ hai, mặt khác là để kinh sợ Hồ Đông dị tộc. Trước mắt, chỉ ba vùng Vân Trung, Thượng quận và Bắc Địa đã tập kết hai trăm nghìn quân Tần tinh nhuệ. Nghe nói thống soái là tướng quân Nội Sử Mông Điềm mà bệ hạ tin tưởng, hiện giờ đôn đốc tác chiến ở Dương Chu.

Mông Điềm, quả nhiên là Mông Điềm.

Lưu Khám nắm chặt tay trong vô thức. Trong vòng vây của không khí tiêu điều xơ xác này, Lưu Khám không hề hoảng loạn, cũng chẳng sợ hãi. Trái lại nhiệt huyết còn sục sôi. Sục sôi! Không sai, chính là sục sôi, một cảm giác sục sôi muốn giết người, muốn nhìn thấy máu!

“Vua không thuận:

Nho giáo lên ngôi tráng sỹ vong, Thần Châu nhân nghĩa nói khoác không

Man di xâm lấn Trung Nguyên loạn, sỹ tử chạy rông dân khóc ròng.”

Lưu Khám bỗng nhiên khe khẽ hát. Làn điệu dựa theo “Thanh niên trí thức tòng quân ca” của hậu thế, nhưng ca từ lại có chút thay đổi.

Năm 1995 công nguyên, trong cuốn “máu tắm tiểu Nhật Bản” do Cừu Thánh tiên sinh của đại học Sơn Đông biên soạn đã từng trích dẫn bài thơ của một bằng hữu đã làm, có tên là “Nam nhi hành”. Từ ngữ hùng hồn mãnh liệt, khiến cho Lưu Khám khi đó còn đang học đại học rất yêu thích. Sau đó hắn đã kết hợp làn điệu của “Nam nhi hành” và “Thanh niên trí thức tòng quân ca” để pha trộn thành một ca khúc. Hồi ức này vô cùng sâu sắc.

“ Nam nhi phải giết người, cứ giết chẳng sờn lòng

Nghiệp thiên thu muôn thuở, chém giết lập nên công”.

Lưu Khám tay đỡ xích kỳ, ngón tay gõ gõ, khe khẽ cất giọng hát.

Ban đầu Thiệu Bình và Trần Đạo Tử không để ý, nhưng dần dần đã bị hấp dẫn bởi ca từ. Vẻ mặt của hai người bọn họ không giống nhau.

Thiệu Bình khẽ nhíu mày, còn Trần Đạo Tử lại hơi mỉm cười.

“Xưa có chàng tráng sỹ, nghĩa khí nặng như non

Giết người trong nháy mắt, chết nhẹ tựa lông hồng

Cũng có kẻác bá, ưa giết người như ma

Muốn thu phục thiên hạ, vung gươm tuốt đao ra

Giờ mò trăng đáy nước, hạng ấy tìm đâu ta.”

Nhâm Ngao, Phiền Khoái, Quán Anh và Lữ Thích Chi sau một hồi yên lặng lắng nghe cũng gật đầu và khe khẽ hát theo nhịp gõ của Lưu Khám. Ca khúc thanh niên trí thức tòng quân ca không phức tạp, cũng không có nhiều luyến láy lắm, chỉ cần nhiệt huyết dâng tràn mà thôi.

Tiếng hát từ vài người ban đầu đã dần dần truyền đi, các lam điền giáp sĩ xung quanh cũng khẽ ngân nga theo.

“ Ta muốn học người xưa, chấn hưng hùng – bá chí

Thanh danh như bọt nước, đời cười có sá chi

Vai vác thanh kiếm sắc, nổi giận thì giết người

Xẻo thịt đùi nhắm rượu, cười nói quỷ thần kinh”

Đó là một luồng nhiệt huyết khiến mọi người không thể kìm nén, là một hào khí nam nhi kiên cường khí khái mà mỗi người đều có. Bài hát này không hợp với cách hát nhỏ nhẹ. Bởi vì nhiệt huyết, hào khí và xung đột muốn giết người đó cần phải gào lên mới thể hiện được hết, nếu không sẽ sinh ra cảm giác ức nghẹn đến chết. Vậy nên, tiếng hát dần cất cao lên.

Quán Anh không nhịn được nữa!

- Hát lên, các huynh đệ gào lên cho ta!

Nếu như nói, đám kỵ quân từ Lâu Thương tới còn có chút ngại ngùng thì ba trăm lam điền giáp sỹ kia lại không hề hàm hồ.

Phải gào lên, nếu không chi bằng chết đi.

“Vua không thuận:

Nho giáo lên ngôi tráng sỹ vong, Thần Châu nhân nghĩa nói khoác không

Man di xâm lấn Trung Nguyên loạn, sỹ tử chạy rông dân khóc ròng

Nam nhi phải giết người, cứ giết chẳng sờn lòng

Nghiệp thiên thu muôn thuở, chém giết lập nên công

Xưa có chàng tráng sỹ, nghĩa khí nặng như non

Giết người trong nháy mắt, chết nhẹ tựa lông hồng

Cũng có kẻác bá, ưa giết người như ma

Muốn thu phục thiên hạ, vung gươm tuốt đao ra

Giờ mò trăng đáy nước, hạng ấy tìm đâu ta”

Phiền Khoái liền gầm lên giận dữ:

- Khó chịu, khó chịu quá!

Vừa nói gã vừa rút bảo kiếm ra và đâm mạnh vào tấm khiên. Chỉ nghe tiếng keng một cái rất mạnh, như chuông vàng Đại Lữ.

Nỗi uất ức buồn phiền trong lòng ngay lập tức được xả ra sạch, chỉ còn lại nhiệt huyết sục sôi khắp lồng ngực mà thôi. Quán Anh cũng không chịu thua, rút kiếm vung đao, ba trăm lam điền giáp sĩ theo đó cũng rút binh khí ra, đâm mạnh vào tấm khiên trong tay. Keng keng keng… những tiếng ban đầu có vẻ hơi hỗn loạn nhưng lập tức đã tìm được tiết tấu tương đồng. Từng bước rồi đột nhiên tăng nhanh, tiếng kim loại va vào nhau mỗi lúc một mạnh. Nam nhi đã muốn giết người, sao có thể không có binh trong tay? Kiếm khiên giao đấu, sát khí bao trùm.

“Vua không thuận:

Nho giáo lên ngôi tráng sỹ vong, Thần Châu nhân nghĩa nói khoác không

Man di xâm lấn Trung Nguyên loạn, sỹ tử chạy rông dân khóc ròng

Ta muốn học người xưa, chấn hưng hùng – bá chí

Thanh danh như bọt nước, đời cười có sá chi

Vai vác thanh kiếm sắc, nổi giận thì giết người

Xẻo thịt đùi nhắm rượu, cười nói quỷ thần kinh

Ngàn dặm tìm giết địch, nguyện cảđời hy sinh

Chuyên Chư - Điền Quang ấy, cũng có chút giao tình

Chết về Tây phương hết, mộđề hối hận thôi

Hồn say cùng lý tưởng, chiến ý chợt cao bay

Cửa Tây chào giã biệt, mẹ buồn tiễn con đi

Lòng quyết ghi sách sử, nam nhi chí không về

Đánh giết tung trời đất, thảm khốc động Âm cung

Ba bước chém người chết, lòng muốn tay chẳng dừng

Máu chảy dài vạn dặm, thây chất cao ngất trời

Tráng sỹ sau trận chiến, gối xác địch ngủ vùi

Trong mộng còn giết giặc, trên mặt ánh nét cười

Nhi nữ xin chớ hỏi: sao tàn bạo quá thôi?

Lòng nhân muôn thuở chỉ hại người, đạo lý xưa nay đều giả dối

Vua không thuận:

Hổ báo săn mồi lập uy danh, nai tơ yếu đuối ai thương đến?

Thế gian vẫn vậy mạnh hiếp yếu, khốn cùng có lý cũng bằng không”

Lưu Khám bắt đầu cũng dâng trào cảm xúc, nhưng sau đó không còn kiềm chế được sự hung tàn trong lồng ngực nữa, hắn rung cờ đập mạnh vào tấm khiên, chiến mã hí lên một hồi dài. Tất cả mọi người đang ca hát, đang gào thét, đang rít lên… Thế nhưng trên những khuôn mặt đó, sự cuồng nhiệt không thể kìm nén được đang dâng trào trong ánh mắt. Lúc này, nho học còn chưa độc tôn. Huyết khí năm trăm năm thai nghén nên trong nháy mắt đã hội tụ thành dòng nước lũ cuồn cuộn.

Có lẽ Thiệu Bình xuất thân từ nho gia nên không hoàn toàn đồng ý với những ca từ này. Nhưng khi tất cả mọi người đều đang gào hét thì sự dè đặt trước đó dường như đã biến mất trong tích tắc. Người cất cao tiếng hát, tay nắm chặt chuôi kiếm. Có lẽ đây là giới hạn cuối cùng của y, trước sau đều không rút kiếm đâm vào khiên.

“Vua thôi chất vấn:

Nam nhi tự biết đường hành động

Đã ra tay, phải quyết lòng

Sự nghiệp, nhân từ chẳng thểđi chung

Nam nhi dựng nghiệp nơi chinh chiến, gan hùm mắt dữ tựa sói lang

Hãy sống đời trai trong chém giết, chớđểđời cười dạ nữ nhân

Xưa nay nợ nước thân không tiếc, xả xác quân thù miệng hát vang

Cả trăm trận chiến cùng quân địch, nơi nào cũng nguyện đắp cỏ xanh

Nam nhi nào khiếp sợ, ca mãi khúc quân hành:

Giết một người là tội

Giết vạn người: anh hùng

Giết được trăm ngàn vạn

Anh hùng trong anh hùng

Anh hùng trong anh hùng, nhưng ý nghĩa không chung:

Nhìn lại nghìn năm người nhân nghĩa, mấy ai cóđược chí hào hùng

Chẳng thích danh thơm yêu tiếng ác, giết người trăm vạn lạnh như không?

Nên dạy muôn dân nuôi mầm hận, chớ xúi nhân gian chửi anh hùng

Phóng mắt theo từng trang lịch sử, có ai chưa phải giết người không?”

Ca từ của nam nhi ca về cuối đã thay đổi rất nhiều so với ban đầu.

Đợi đến câu cuối “có anh hùng nào mà không giết người” thì tất cả mọi người như đang gào lên, tiếng hát vang vọng mãi trong không trung.

Một lần, hai lần, ba lần….

Khi cả con đường đều vang vọng ca khúc này, tường thành của Dương Chu phía xa đã dần thấp thoáng.

Mặt trời chiều lặn dần, tiếng ca lanh lảnh.

Sát khí bao trùm khắp trời đất, Mông Điềm dẫn theo phụ tá đứng ở đầu thành nhìn quân sĩ qua lại liền cất tiếng cười to.