Hiểu Thanh Hoan

Chương 123




Tân triều bắt đầu, cần tra án bức vua thoái vị, cũng phải thanh lý một vài cái đinh còn cắm trong triều. Một mình Ninh Hoài Cẩn làm không xuể, đành phải giữ Giang Hiểu Hàn trong cung, không cho hắn đi.

Giang đại nhân vừa trở thành thủ phụ (người trợ giúp đứng đầu) đã bận bịu trước sau, ngay cả hưu mộc cũng không có. Vì vết thương trên người, hắn cần nằm trên giường tĩnh dưỡng. Sau khi thương nghị với Ninh Hoài Cẩn, hắn có thể xử lý sự vụ ở Thanh Tư điện. Nơi này ngày ngày đông như trẩy hổi, mà hắn thì uống một ngụm thuốc lại phải lật hai trang sổ con.

Giang Hiểu Hàn luôn khắc ghi phải phụ chính mà không nhiếp chính trong lòng, chưa bao giờ đi quá giới hạn. Sổ con bình thường thì có thể bàn bạc cùng triều thần, nhưng những việc quan trọng thì phải sắp xếp lại, cầm cho Ninh Diễn xem qua, thuận tiện dạy cho Tiểu hoàng đế cách xử lý quốc sự.

Nhan Thanh ban đầu còn thương hắn vất vả, chỉ là sau khi tự mình đến Tử thần điện xem qua, nhất thời cũng nói không nên lời.

Ninh Hoài Cẩn bận bịu đến vắt chân lên cổ đã đành, Tân đế Ninh Diễn còn thảm hơn cả hai người kia. Một đứa nhỏ chưa cao đến đùi người lớn, sáng phải học bù lễ nghi, tối phải túc trực bên linh cữu, vì thể hiện hiếu tâm, một miếng bánh lạnh cũng không thể ăn. Một cậu bé tròn vo xinh xắn như đúc từ ngọc, lúc này đã gầy đi trông thấy. Cuối cùng vẫn là Cảnh Trạm thấy không vừa mắt, lấy danh nghĩa tế bái, lén trộm cho Ninh Diễn hai khối bánh đường.

Danh hiệu Quốc sư bị Thư Xuyên kiên quyết ngăn cản cuối cùng rơi lên đầu Cảnh Trạm. Tòa sinh từ Ninh Tông Nguyên đề cập đến lúc trước cũng không đình công, chỉ là thay bảng hiệu, trở thành dành cho Cảnh Trạm.

Vấn đề an ninh canh phòng trong ngoài cung được giao cho Tạ Giác xử lý. Hôm đó, vào lúc chỉnh lý cấm quân, Tạ tướng quân có ghé hậu cung nhìn qua, phát hiện bởi cấm quân tới kịp thời, người trong hậu cung ngoài việc bị sợ đến hoa dung thất sắc ra thì cũng không tạo ra rối loạn gì. Thế nhưng, vào ngày hôm sau, Ôn quý phi bị Hoàng hậu ban cho một chén rượu độc, chết ở trong điện, đối ngoại chỉ nói là vì không chịu nổi kích thích khi nhi tử chết bất đắc kỳ tử cho nên mới đi theo.

Tạ Giác trở về kể lại những chuyện này cũng bó tay, nói nữ nhân mà tàn nhẫn thì còn đáng sợ hơn cả nam nhân, vị Hoàng hậu kia cũng không phải người hiền lành dễ ở chung.

Cậu ta nói vậy cũng không suy nghĩ sâu xa gì, lại khiến Giang Hiểu Hàn thêm nghiền ngẫm. Hoàng hậu là mẹ đẻ của Ninh Tranh, mẹ Ninh Diễn mất sớm, trong hậu cung sẽ không có ai che chở cậu bé. Giang Hiểu Hàn chờ Ninh Hoài Cẩn đến Thanh Tư điện thương nghị chính sự cùng mình rồi nhắc qua chuyện này.

Ninh Hoài Cẩn là người thận trọng, cân nhắc một hồi rồi đi. Hai ngày sau, ý chỉ được truyền khắp hậu cung, những phi tần của Tiên đế còn nơi ở có thể xuất cung phụng dưỡng cha mẹ, những phi tần không còn chốn về thì đều phải vào hoàng tự xuất gia. Hoàng hậu và Tiên đế phu thê tình thâm, không đành lòng phu thê chia lìa, nguyện xuất cung đi Hoàng tự cầu phúc bảy năm, mọi điển nghi đều theo quy chế của Thái hậu.

Làm rất gọn ghẽ.

Giang Hiểu Hàn không tiện đứng ra xử lý chuyện ở hậu cung, nhưng trên triều hắn lại không cần kiêng kị gì.

Thủ đoạn của Giang đại nhân như sấm rền chớp giật, thương nghị cùng Ninh Hoài Cẩn, dọn sạch một vòng triều đình. Ôn phủ gánh thay Ninh Dục tội danh lần này, Ôn Túy cuối cùng không nhịn được đến mùa xuan sang năm, khi Ôn phủ bị khám nhà diệt tộc, cấm quân suýt nữa đã quên ông ta. Ngày hôm sau nhớ ra vội vã đến xem, mới phát hiện ông ta đã chết trên giường bệnh, thi thể lạnh băng.

Ngoại trừ ngoại hích, những thần tử thân cận với Ninh Dục người thì giáng chức, người thì bị ép nộp sổ cáo lão, những kẻ bợ đỡ nịnh hót cũng bị gõ qua một lần.

Nước quá trong ắt không có cá, Ninh Diễn còn nhỏ, nếu muốn triệt để chấn chỉnh lại triều đình, khó tránh khỏi lưu lại mầm họa. Không bằng cứ giết gà dọa khỉ một phen, cũng có thể đội lại một câu "Tân đế nhân từ".

Phạm Vinh đang ở nhà dưỡng thương tất nhiên cũng nằm trong hàng ngũ cận thần của Ninh Dục. Chuyện Ninh Dục bức cung tạo phản bị giấu kỹ đối với bên ngoài, nhưng trong triều đình thì không giấu được. Lúc Ninh Hoài Cẩn và Ninh Diễn đang thương lượng xem hạ chỉ trừng phạt Phạm Vinh thế nào, Giang Hiểu Hàn đang ở Thanh Tư điện cùng Thái Thường tự khanh bàn về nghi chế của đại điển đăng cơ.

Dù sao thì Ninh Diễn cũng còn quá nhỏ, nếu thật sự theo lối cũ, phải đốt nhang, tắm rửa, nhịn ăn một ngày, sau lại quỳ hai canh giờ ở Thái miếu, sợ là cậu bé sẽ ngất đi. 

Giang Hiểu Hàn đang lo nghĩ cho Tân đế mà rầu cả người, người hầu Nội Các đã mang đến tập sổ con Ninh Hoài Cẩn duyệt qua cho hắn xem.

Quyển liên quan đến Phạm Vinh đặt trên đầu, Giang Hiểu Hàn nhìn qua liền hiểu. Ninh Hoài Cẩn giữ lại thể diện cho Phạm Vinh, chỉ là thu lại chức quan và cáo mệnh của cả nhà ông ta rồi đưa người ra ngoài Kinh, hạ lệnh ba đời sau không thể vào Kinh. Vết thương bị xích xuyên cốt gây ra trên vai Giang Hiểu Hàn còn đau, hắn cũng chẳng quan tâm mấy tới kết cục của Phạm Vinh.

Phong sổ con này được hắn tiện tay đặt trong xếp sổ đã duyệt qua, cùng chỗ với những sổ con báo cáo việc vặt.

Đại điển đăng cơ của Tiên đế tuy làm vội vàng nhưng không qua loa, Thái Thường tự khanh chạy bảy, tám chuyến qua lại Thanh Tư điện, cuối cùng cũng định ra nghi chế sau cùng.

Ninh Tông Nguyên đã thay Ninh Diễn chọn ngày lành tháng tốt.

Ngày 27 tháng 11, một ngày trời đẹp, vạn dặm không mây, chùa chiền trong ngoài Kinh gõ xong ba vạn tiếng chuông tế để tang Tiên đế, sau đó gỡ vải trắng xuống.

Ngày hôm ấy, trời chưa sáng, Ninh Diễn đã phải đi Thái miếu cúng tổ tiên. Thái Thường tự khanh căng thẳng cả một buổi tối, ngủ không ngon, lúc đọc tế từ, quầng mắt đen xì.

Ninh Diễn mặc long bào, đi cùng Ninh Hoài Cẩn đến trước cửa miếu, nhận hương từ tay Thái Thường tự lễ quan, dẫn đầu văn võ bá quan, cung kính đặt hương xuống trước cửa, sau đó đứng lên, một mình bước vào cổng Thái miếu.

Nhan Thanh chỉ lo việc tế trời, không cần theo đến Thái miếu cúng tổ tiên. Nhưng Giang đại nhân là thủ phụ, có thế nào cũng không tránh khỏi việc này, hắn dẫn đủ loại quan lại quỳ trước cửa miếu nửa canh giờ mới thấy Ninh Diễn đi ra.

Tế tông miêu là vì cần tế bái liệt tổ liệt tông, sau đó sẽ phải ra ngoại thành tế trời. Giang Hiểu Hàn tự mình đỡ Ninh Diễn lên kiệu, các quan lại đi theo đằng sau.

Tại đài cao tế trời ở ngoại thành, lò lửa đang cháy hừng hực. Nhan Thanh mặc y phục nguyệt sắc, hoa văn thái cực bằng sợi bạc trên tay áo như tỏa sáng. Cảnh Trạm đứng phía sau y, vóc người nho nhỏ, còn chưa cập quan, tóc dài dùng dải lụa buộc cao lên, tay nâng một thanh như ý.

Giờ thìn(7-9h sáng) đến, long liễn dẫn văn võ bá quan đến tế đàn. Giang Hiểu Hàn đứng ở hàng đầu, ánh mắt hắn và Nhan Thanh vừa chạm nhau đã phân ra, Giang Hiểu Hàn đỡ Ninh Diễn xuống xe, đi qua một con đường thật dài, giao Ninh Diễn vào tay Nhan Thanh.

Ba mươi ba bậc thang, ngụ ý tam thập tam thiên, Nhan Thanh đi theo sau nửa bước, dắt tay Ninh Diễn, để cậu bé dắt y từng bước đi lên.

Thiên tử tế trời, người ngoài không được nhìn. Giang Hiểu Hàn cùng các vị quan lại quỳ dưới bậc thang, nghe tiếng chuông vang trên đài cao.

Khi đăng cơ cần tế trời là vì muốn tế cáo trời đất, khẩn cầu tân triều mưa thuận gió hòa, nhiều năm an khang. Nhan Thanh thay Ninh Diễn niệm tế từ, lại tự tay ném giấy vào lò đốt, nhìn những tờ giấy màu vàng óng này dần bị lửa nuốt chửng.

Ninh Diễn từ sáng sớm hôm nay vẫn trầm mặc không nói, cậu bé không hề lộ vẻ luống cuống mất bình tĩnh, hoàn thành tốt mọi lễ chế, dâng hương rửa tay cũng không có chút sơ hở nào. Cậu bé theo Nhan Thanh kính thần linh cửu thiên, ba vái chín rập rồi nhận ngọc và tơ lụa từ tay Cảnh Trạm.

Cảnh Trạm đứng ở rìa tế đàn, nhìn Nhan Thanh tự tay giúp vị Đế vương nhỏ tuổi này đội long quan.

Lễ tế cáo thiên địa kết thúc, lúc quay đầu lại, Ninh Diễn đã là Đế vương danh chính ngôn thuận của tân triều.

Giang Hiểu Hàn cùng các quan lại bên dưới ba quỳ chín lạy, hô to vạn tuế. Trên đài cao, chín chín tiếng chuông vang lên, Ninh Diễn đi về trước một bước, cuối cùng mở miệng.

"Trẫm hôm nay đăng cơ, tuân theo di chỉ của Tiên đế, tế cáo thiên đệ tổ tiên, hi vọng một tương lại trăm năm hưng thịnh, không thẹn thanh danh muôn đời."

Cậu bé nói câu này lưu loát, dù giọng còn non nớt nhưng không hề run rẩy, là phong thái của bậc Đế vương.

Di chỉ lúc lâm chung của Ninh Tông Nguyên lo cho Ninh Diễn rất chu toàn, thậm chí còn chọn được cháu ruột của Thư Xuyên làm Hoàng hậu sau này, chỉ là Ninh Diễn tuổi còn quá nhỏ, ý chỉ này vẫn bị ép xuống, chỉ chờ bảy năm sau sẽ sắc phong.

Tân đế đăng cơ, niên hiệu đổi thành Sùng Hoa, Thái miếu và Thái Thường tự lễ quan ghi hai chữ này vào sử sách, trở thành mở đầu cuộc đời của Ninh Diễn.

Sau khi đại điển đăng cơ kết thúc, theo quy trình còn phải lâm triều một lần, ngụ ý, Tân đế đăng cơ, chính vụ thay đổi. Nhan Thanh không có chức quan, nói chính xác thì không có thân phận gì, nhưng Ninh Hoài Cẩn lại cố ý mời y lên điện, nói là dùng danh nghĩa Côn Luân đến chúc mừng Tân hoàng đăng cơ cũng được.

Đây là việc nhỏ, Nhan Thanh tất nhiên đồng ý. Chỉ là y không thể theo quan lại vào triều lên điện, chỉ có thể ở Thiên điện chờ triệu kiến.

Sau khi tế trời, Ninh Diễn còn phải ban rượu, cho thấy tâm ý quân thần kết thân. Xử lý xong các loại lễ chế vụn vặt này, đã qua một canh giờ.

Khi Nhan Thanh lên điện, khung cảnh trong triều đã thay đổi. Ninh Diễn ngồi ngay ngắn trên long ỷ, văn võ quan đứng thành hai bên trái phải, đều đã thay triều phục.

Theo tiếng hô của nội thị, Giang Hiểu Hàn quay đầu lại, ung dung cười với Nhan Thanh.

Hắn đứng đầu toàn quan, một thân quan phục hạc vân, lưng thẳng tựa tùng bách, không chính chẳng tà, đứng dưới đài cao.

Đây là lần đầu tiên Nhan Thanh thấy Giang Hiểu Hàn như vậy, như thể...

___ như thể, trong triều đình to lớn này, tấm lưng ấy sẽ không bao giờ cong xuống.

Triều đình dù sao cũng không phải nơi nói chuyện, Nhan Thanh vội tập trung tinh thần, trịnh trọng biểu đạt tâm ý chúc mừng với Ninh Diễn, sau đó lấy lý do thân phận không hợp ở lại thêm, cáo lui trước.

Nói là lâm triều, nhưng thực ra cũng chưa có chuyện gì cần bàn bạc. Chính sự cần xử lý đã được lo liệu gần xong, hôm nay Ninh Diễn ngồi trên long ỷ, càng giống như một loại tượng trưng.

Tượng trưng rằng, giang sơn này đã bước sang một trang mới.

Hôm nay, chưa tới giờ dần (3-5h sáng), Ninh Diễn đã phải thức dậy, lúc này đã gần trưa, dù cho cậu bé có vì thể diện Thiên gia mà hết sức chống đỡ thì cũng cảm thấy mệt không thể tả.

Ninh Hoài Cẩn thương cậu bé mệt nhọc, nghĩ rằng cũng không có chuyện gì cần nghị sự, bèn nói qua bọn họ phải bình định triều chính, rồi chuẩn bị giúp Ninh Diễn kết thúc buổi lên triều này.

Nhưng cậu ta chưa kịp nói tan triều, bên ngoài đã có tiếng thông báo truyền đến.

____ là tin khẩn cấp từ tám trăm dặm Biên thành.

Tạ Giác liếc nhìn Giang Hiểu Hàn theo bản năng, đối phương lặng lẽ lắc đầu, ra hiệu cậu ta đừng gấp.

Giang Hiểu Hàn có thể đoán được chuyện này.

Vào thu đông hàng năm, khí hậu Quan Ngoại khá kém, Hung Nô sẽ đến Biên thành giết người cướp của. Năm rồi tuy đã đánh một lần, nhưng từ khi cha con Tạ gia hồi Kinh, Tạ gia quân vẫn giao cho Phó tướng của Tạ Vĩnh Minh dẫn dắt. Bình thường thì còn có thể ứng phó, nhưng nếu thực sự gặp phải chiến sự thì cũng không khỏi bó tay bó chân.

Từ trước đến giờ, nếu có quân lệnh khẩn cấp, không cần qua Nội Các cũng có thể trực tiếp lên điện. Lính liên lạc mặc nhuyễn giáp Tạ gia quân bưng lệnh hạp, phong trần mệt mỏi quỳ trước mặt Tiên đế.

Như Giang Hiểu Hàn suy đoán, lính liên lạc nâng lệnh hạp lên quá đỉnh đầu, gằn từng chữ.

"Bệ hạ, Hung Nô tại Biên thành đã xâm phạm biên cảnh của chúng ta, đại quân vô chủ không thể điều động, mong Bệ hạ định đoạt."