Hiệp Giả Hệ Thống Dị Giới Hoành Hành

Chương 69: Ao nhỏ sao chứa được chân long




Mười ba năm về trước, khi Nguyên Đán vừa đến.

Hậu viện Từ phủ, gió thổi qua mang đi cánh hoa đào, trong lương đình có đôi phụ tử đang trò chuyện.

“Tiểu Hiền, Từ gia ta tuy nhất mạch đơn truyền lại tồn tại đã ngàn năm, hơn nữa thường có nhân tài xuất hiện, dù là tiền triều hay đương triều đều có người xuất sĩ, nhưng vì sao lại ngày càng xuống dốc, ngươi liệu có biết?”

Từ Vi Đạo khi ấy tuổi chính trực tráng niên, y nghiêm mặt hỏi con trai mình, giọng trầm ấm có lực.

Tiểu Hiền là nhũ danh, cũng là tên người mẹ quá cố của Từ Tiên Hiệp. Từ Vi Đạo gọi vậy để tưởng nhớ đến vị thê tử kết tóc từ thuở hàn vi.

Lúc này Từ Tiên Hiệp sáu tuổi, trắng trẻo mập mạp, mi thanh mục tú, ánh mắt có sự hồn nhiên của trẻ thơ nhưng cũng đã mang đôi nét trầm ổn vượt xa tuổi tác.

“Từ thị ngàn năm, đời đời thanh liêm, trung dân ái quốc, không kết bè kéo phái, không khi phụ bá tánh, lúc thái bình chuyên tâm với thư sơn học hải, khi loạn thế lại dẫn đầu cưỡi ngựa vác thương, lập đại công mà không kiêu ngạo, phạm lỗi lầm mà chẳng thoái thác, mặc thế nhân mưu ma chước quỷ, riêng phần mình tự giữ tấc phân.”

Mấy lời đọc được trong gia huấn nhà họ Từ cứ thế lanh lảnh chảy xuôi khỏi miệng Từ Tiên Hiệp.

“Không khiếp cường, không lấn nhược, không luồng cúi, không xu nịnh! Từ gia chúng ta chính là vì giữ vững lòng son, duy trì thanh bạch, chẳng cấu kết gian hoạn, chẳng hùa theo nịnh thần, nên mới bị chúng bài xích, chèn ép không gian phát triển. Tiên hiền nhà ta đã có nhiều lần vì dâng sớ can gián, xin chém loạn thần mà bị cách chức, nản lòng thoái chí cáo lão hồi hương.”

Từ Vi Đạo im lặng nghe con trai mình nói hết, chợt gật đầu rồi lại lắc đầu.

“Tiểu Hiền, giữ lòng thanh bạch, duy trì liêm khiết là đúng. Bị gian thần chèn ép cũng đúng, nhưng đó không phải nguyên do chính đáng.” Y chậm rãi nói ra.

Nghe vậy, Từ Tiên Hiệp mới hiếu kỳ: “Thưa phụ thân, vậy thì do đâu?”

“Đó là bởi vì chúng ta có tài, nhưng không phải thiên túng kỳ tài, có năng, nhưng không phải kinh thế đại năng. Chỉ có thể riêng phần mình tự giữ tấc phân, mà không thể khiến cho thế nhân cũng học theo làm vậy…”

Y chợt ngừng lời, gương mặt nghiêm nghị hơi giãn ra đôi chút, muốn đưa tay xoa nhẹ đầu con trai mình, nhưng vừa duỗi ra đã lập tức thu về, nói cho dứt lời:

“…chợ búa một chút, chính là nắm đấm không đủ lớn.”

“Nhưng thưa phụ thân, muốn để cho trăm họ tuân theo cái chuẩn tắc của mình, dù là nhất quốc chi quân cũng phải dựa vào quân sự, pháp luật mới miễn cưỡng làm được. Muốn chân chính đạt thành việc ấy, sợ rằng chỉ có các bậc thánh nhân thượng cổ mà thôi.”

Từ Tiên Hiệp thế mà nói toạc ra gốc gác quyền lực của nhà đế vương chứ không phải thiên mệnh sở quy, hiền minh, thánh đức gì đó.

Dựa vào lời này thôi là có thể biết được cách thức dạy dỗ hậu bối của Từ gia, cũng phần nào hiểu được vì sao gia tộc này truyền thừa lâu đời, hào kiệt đời nào cũng có nhưng khó mà phát triển.

Thoáng dùng ánh mắt cưng chiều nhìn con trai mình, chỉ lướt qua mà thôi nên Từ Tiên Hiệp không thấy được, Từ Vi Đạo nhẹ giọng hỏi rằng:

“Vậy trước thượng cổ liệu có thánh nhân chăng? Sau thượng cổ không có thánh nhân chăng? Thánh nhân trước khi là thánh nhân, lại là gì?”

Từ Tiên Hiệp chợt lộ ánh mắt ngơ ngác, không biết phải trả lời như thế nào, thiên tài tới đâu thì hắn cũng chỉ mới sáu tuổi.

“Hài nhi ngu muội, không biết trả lời, mong phụ thân giải đáp!”

Đến người trưởng thành còn rất nhiều kẻ chẳng muốn thừa nhận cái dốt của mình, huống chi là trẻ con? Nhưng điều này lại chẳng đúng với Từ Tiên Hiệp.

“Thật ra ta cũng không biết.” Từ Vi Đạo trầm mặc một chút rồi thở dài lắc đầu, xong lại nói tiếp:

“Tiểu Hiền, ngươi thiên phú dị bẩm, thông tuệ từ nhỏ, là mầm mống tốt nhất mà gia tộc ta từng có suốt mấy đời nay, cho nên…”

Y chỉ nói đến đấy rồi ngừng, nhưng nhìn Từ Tiên Hiệp với thần sắc tràn trề mong đợi và tự tin.

Người sau mặc dù tò mò muốn biết sau “cho nên” là gì, nhưng thấy được sự mong mỏi của phụ thân về mình, đứa bé sáu tuổi ấy rất nghiêm túc gật đầu đáp lại:

“Vâng, dù là gì đi nữa, hài nhi tất dốc toàn lực, không để phụ thân phải thất vọng!”



Hiện giờ đã lần giữa trưa, Từ Hiền sau một buổi sáng giúp Lý Đại Ngưu rèn đúc các loại đồ gia dụng thì nghỉ tay ăn cơm trưa cùng cha con thợ rèn, sau đó để Lý Tự Thành đẩy mình đến học đường.

‘Phụ thân, Tiểu Hiền có lẽ là tộc nhân Từ gia đầu tiên không đi hoạn lộ… Ta hiện giờ đã đặt chân lên con đường gọi là Hiệp đạo, mặc dù phía trước rất mù mịt, bốn phương tám hướng chẳng thấy đường, nhưng hài nhi nhất định không để người thất vọng.’

Từ Hiền chợt nhớ về cha mình, người mà lúc còn ấu thơ thay vì để hắn chơi đùa thì lại bắt phải dùi mài kinh sử.

Trẻ con nhà khác có ngựa gỗ, có cánh diều, hắn chỉ có tứ thư ngũ kinh.

Lúc bằng tuổi Lý Tự Thành bây giờ, Từ Hiền đến một người bạn đồng lứa cũng không có, bởi vì người ta mở miệng là nói về nơi đâu có cảnh đẹp, chỗ nào có ăn ngon, hắn há mồm thì chỉ có “chi hồ giả dã”.

Sau khi thức tỉnh ký ức tiền kiếp, hắn mới biết tại sao mình lại không thể kết giao bằng hữu, hiểu được nên đối nhân xử thế ra làm sao cho phải đạo.

Hắn cũng thấy được mình của trước đây rất nhàm chán, nhưng lại không hề trách cứ người đã biến hắn trở nên như vậy.

Vì đó là cha của hắn, Từ Vi Đạo.

Trong trí nhớ của Từ Hiền, phụ thân rất hiếm khi nở nụ cười với mình, bộ dạng mà hắn thường thấy chính là vẻ nghiêm khắc của y.

Lúc nhỏ, hắn thậm chí còn tưởng rằng Từ Vi Đạo chán ghét đứa con như mình.

Sau này Từ Hiền mới biết, mẫu thân trong lúc sinh hắn vì mất quá nhiều máu nên không qua khỏi, cuối cùng buông tay nhân gian.

Có lẽ Từ Vi Đạo coi Từ Hiền là nguyên nhân hại chết thê tử, bởi vậy mới khắc nghiệt với hắn như thế.

Muốn nói trong lòng Từ Vi Đạo không có hận là không thể nào, nhưng Từ Hiền chưa bao giờ cho rằng phụ thân muốn hại mình.

Dù sao đi nữa, hắn vẫn là di vật quý giá nhất mà mẫu thân để lại cho y.

Một người cha chân chính luôn yêu thương con của mình, chỉ là lòng mang khúc mắc nên cách yêu thương của Từ Vi Đạo có hơi đặc biệt mà thôi.

Trong lúc hoài niệm, Từ Hiền chợt nghe tiếng quát của Lý Tự Thành, giọng nói to như bò rống của gã cắt đứt sự hồi tưởng của hắn: var _avlVar=_avlVar||[];_avlVar.push(["6f8adab64618480bb109e5dcefadecf7","[yo_page_url]","[width]","[height]"]);

“Các ngươi nói bậy!”

“Bậy… bậy gì chứ, đó… đó rõ ràng là… là sự thật!”

Một giọng nói nghe có vẻ hèn yếu đáp lại, lắp ba lắp bắp như đang run sợ, khiến Từ Hiền cảm thấy khá buồn cười.

Hắn theo hướng âm thanh truyền đến nhìn lại, chợt phát hiện có bốn năm người khá quen mặt, đều là những kẻ hắn từng trông thấy lúc mới đến Bạch Long Trấn.

Một đám lưu manh vô công rỗi nghề, suốt ngày chỉ biết đi phá làng phá xóm.

Lúc này chỉ nghe Lý Tự Thành gân cổ lên quát: “Toàn là giả dối! Hơn nữa đừng nói hôm qua, nếu không phải có tiên sinh thì mấy ngày trước đã…”

Nhưng chưa nói hết thì đã bị Từ Hiền khoát tay chặn họng, hắn biết gã định nói đến chuyện hung đồ tập kích học đường.

Nhưng theo Từ Hiền, chuyện ấy không có gì đáng nói ra cả, ngoại trừ khiến dân tâm hỗn loạn thêm thì chẳng có ích lợi gì.

Hắn cũng từ những lời thì thầm của dân trấn xung quanh mà biết tại sao Lý Tự Thành lại tranh cãi với đám lưu manh này.

Tương tự như những lời nghe được từ miệng Lý Đại Ngưu sáng nay, có người tung tin thất thiệt rằng ba tên ác nhân hôm qua vào trấn làm loạn chính là kẻ thù của Từ Hiền, hơn nữa không chỉ tìm đến Từ Hiền mà còn định hãm hại dân trấn để trả thù hắn, những học sinh của hắn như Triệu Tiểu Hổ, Lý Tự Thành chính là đối tượng đầu tiên bị chúng nhằm vào, bằng chứng rành rành ra đấy còn đâu.

Đám lưu manh này vốn đã có thù với Từ Hiền, khổ nỗi vì e ngại Lý Tự Thành mà không làm gì được hắn, nay nghe được tin như vậy sao nén được sự hưng phấn của mình, bèn thổi lời đồn ra khắp trấn.

Từ Hiền không phải vàng, mà có là vàng cũng chưa chắc được cả thế gian yêu thích, trong trấn đương nhiên cũng có người không ưa gì hắn.

Họ chỉ là thiểu số, nhưng một con sâu làm rầu nồi canh, lời ong tiếng ve dù không ai xác thật cũng khiến người ta bán tín bán nghi.

Người trưởng thành tự có năng lực phân biệt thị phi? Lời này đúng mà cũng không đúng, đến cả xã hội hiện đại, dân trí cao mà còn có không ít người mắc hiệu ứng bầy cừu, huống chi là bách tính thiếu học nơi biên thùy nghèo nàn, thường hay nhẹ dạ cả tin như vậy.

Gặp phải chuyện này, Từ Hiền không buồn cũng không giận, hắn chỉ lắc đầu khe khẽ, trong đầu bất chợt xuất hiện một ý niệm.

‘Quả nhiên tha hương đến cùng vẫn là chốn tạm bợ, không phải bến nghỉ cuối cùng. Chờ giải quyết Sát Thần Môn, ta cũng nên đi thôi.’

Ly tâm vừa hiện liền không thể bôi đi được nữa.

Chỉ là nhìn khắp cửu châu, đâu đâu cũng là xứ lạ, e rằng chẳng có nơi nào đáng để hắn dừng chân.

Nhưng dù không có thì hắn cũng phải rời tiểu trấn, nơi này suy cho cùng quá nhỏ, nhỏ như một ao nước, không chứa nổi con tiềm long như Từ Hiền.

Chân long dù ngủ say, nhưng nó khẽ trở mình cũng khiến tôm cá trong ao phải kinh hoảng, ngày ngày chẳng được yên tâm.

~o0o~